Ngay sau khi cuộc chiến tại Ukraine bùng nổ, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã bắt đầu triển khai liên tiếp một loạt lệnh cấm vận đối với hàng nghìn công ty và cá nhân Nga. Tháng ba vừa qua, Tổng thống J. Biden đã tung ra một biện pháp mới, nặng nề hơn nữa, đó là cấm vận đối với tất cả các hoạt động liên quan đến nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga.

Ngay sau đó, nước Anh cũng tuyên bố sẽ chấm dứt nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm 2022. Đầu tháng sáu, Liên minh châu Âu đã thông qua gói trừng phạt thứ sáu đối với Nga, quyết định sẽ cắt giảm dần khoảng 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga đến cuối năm 2023.

Một cuộc chiến mới trong lĩnh vực năng lượng, được gọi là “Cuộc chiến dầu mỏ” đã chính thức khai hỏa. Câu hỏi đặt ra là liệu những biện pháp trừng phạt này có thực sự phát huy hiệu quả và tác dụng như mong muốn và đâu là những hệ lụy.

Toan tính của Mỹ và phương Tây

Trên thực tế, dầu mỏ chiếm khoảng 20% ​​tổng sản phẩm quốc gia của Nga, 40% ngân sách và 60% xuất khẩu. Riêng năm 2021, giá trị xuất khẩu dầu thô của Nga đạt con số 110,1 tỷ đô la Mỹ, tăng 52% so với năm 2020. Nga là nhà sản xuất dầu khí lớn thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Saudi Arabia.

Riêng với châu Âu, Nga là nhà cung cấp lớn nhất về khí đốt, dầu thô và sản phẩm xăng dầu với số lượng là gần 2,2 triệu thùng dầu thô và 1,2 triệu thùng sản phẩm dầu mỏ trong một ngày; chiếm gần một nửa sản lượng xuất khẩu của Nga trên toàn cầu. Châu Âu nhập khí đốt từ Nga là 155 tỷ m3/năm. Đây là nguồn thu ngân sách rất lớn của Nga.


10 quốc gia sản xuất dầu nhiều nhất thế giới (tổng cộng chiếm tới 72% lượng dầu được sản xuất trên toàn thế giới). Nguồn: IEA, 2021. (1 thùng dầu tương đương khoảng 159 lít)

Theo tính toán của Mỹ, các biện pháp cấm vận trên có thể làm sụp đổ và mất nguồn thu chủ yếu của Nga vì Nga sẽ bị giảm khoảng hai phần ba sản lượng dầu (hơn một triệu thùng dầu/ngày) xuất khẩu sang châu Âu. Dự đoán Nga sẽ mất khoảng 1 tỷ đô la/ngày.

Để đạt được mục tiêu này, Mỹ phải thuyết phục được châu Âu  ủng hộ và thống nhất giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ Nga. Mỹ cũng cam kết giúp đỡ châu Âu đáp ứng nhu cầu năng lượng thông qua việc tăng nguồn cung dầu mỏ và khí đốt trên toàn cầu, hợp tác với các đối tác để tăng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu.

Mặt khác, Bộ Tài chính Mỹ lên kế hoạch xem xét việc đánh thuế dầu nhập khẩu để bảo vệ nền kinh tế toàn cầu trước nguy cơ giá năng lượng tăng cao. Mỹ cũng hy vọng số tiền đánh thuế có thể được chuyển sang để cho vào quỹ phục hồi và xây dựng lại Ukraine thời hậu chiến.

Một trong những biện pháp khác để làm yên lòng châu Âu, đó là Mỹ tính toán tìm nguồn dầu thay thế từ một số quốc gia. Ví dụ như Na Uy, hiện là nhà cung cấp dầu lớn thứ hai cho châu Âu sau Nga. Kazakhstan, chiếm khoảng 6% lượng dầu nhập khẩu của châu Âu. Nigeria có khả năng đáp ứng khoảng 6% nhu cầu dầu của châu Âu, cũng như một số quốc gia Trung Đông nắm giữ gần một nửa trữ lượng dầu mỏ của thế giới. Bên cạnh đó một số quốc gia như Canada hay Venezuela, Brazil cũng được nêu lên.

Một số biện pháp khác cũng được bàn tới là áp dụng giá trần cho xuất khẩu dầu, kết hợp đánh thuế nhập khẩu với dầu mỏ Nga cùng với lệnh cấm vận dầu mỏ. Đây được coi là phương thức ít tổn thất kinh tế hơn để giảm doanh thu của Nga từ dầu mỏ và mang lại kết quả nhanh hơn.

Ngay từ khi biện pháp trừng phạt cao nhất là cấm vận dầu được công bố, nhiều nhà quan sát đã nghi ngờ về tính khả thi của các biện pháp này.

Trước hết đó là không dễ dàng để tìm được các nhà cung cấp thay thế trong một sớm một chiều bởi cả vì lý do kỹ thuật lẫn lý do chính trị.

Nga là nhà cung cấp dầu khí gần gũi và lớn nhất cho châu Âu từ hơn 100 năm nay, với giá cả hợp lý nhất. Mọi cơ sở hạ tầng cần thiết như bến đỗ, cảng, các đường ống dẫn dầu với công suất lớn đã được cả Nga và EU thống nhất, nâng cấp, xây dựng phù hợp với loại dầu của Nga.

Cắt đứt hoàn toàn việc nhập khẩu dầu từ Nga đồng nghĩa với việc các nhà máy lọc dầu nằm sâu trong lục địa của châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi phải tạm dừng hoạt động, thay thế toàn bộ các thiết bị, dây chuyền sản xuất để tái cơ cấu sản xuất và kinh doanh. Điều này cũng phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện kinh tế cũng như năng lực kỹ thuật của từng quốc gia châu Âu có liên quan.

Đối với khí đốt cũng như vậy, khó khăn và trở ngại lớn nhất của châu Âu là trước mắt tìm các nguồn khí đốt,cũng như các đường ống thay thế khi loại bỏ khí đốt Nga,làm sao kết nối cơ sở hạ tầng năng lượng của khối cùng nhau, loại bỏ các nút thắt cổ chai và chấm dứt sự chậm trễ đối với các dự án đường ống.

Việc tìm nước cung cấp dầu thay thế cho Nga cũng gặp rất nhiều cản trở. Theo nhiều nhà nghiên cứu chỉ có dầu của khu vực Bắc Phi và dầu của Iran và Venezuela là phương án thay thế tốt nhất cho dầu thô của Nga, nhưng phương Tây lại đang tiến hành cuộc chiến trừng phạt nhằm vào hai quốc gia trên. Các nước Trung Đông tập trung xuất khẩu dầu sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương vì lý do ổn định của thị trường (Trung Quốc là khách hàng chính) và không phải đi qua kênh đào Suez, nơi vốn tiềm ẩn nhiều bất trắc. Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất không mặn mà với đề nghị tăng sản lượng dầu của Mỹ.

Một số quốc gia khác đều có những khó khăn về kỹ thuật gần như không thể khắc phục được trong thời gian ngắn hạn. Đó là sản lượng dầu thô không đủ lớn để xuất khẩu, năng lực đường ống dẫn dầu và khí, cơ sở hạ tầng xuất khẩu hạn chế, yếu kém, chất lượng dầu không phù hợp. Nhiều quốc gia lại phụ thuộc vào đường ống của Nga. Hơn nữa, đa số các quốc gia không muốn đầu tư quá mức vào cơ sở hạ tầng mới mà không biết trước kết quả kinh doanh sẽ ra sao khi tình hình chính trị bất ổn.

Về việc tăng sản lượng để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng cũng rơi vào khó khăn tương tự. Mỹ có hứa hẹn sẽ thúc đẩy sản xuất và bán nhiều dầu thô hơn cho châu Âu, tuy nhiên Mỹ là nước tiêu thụ khoảng 20% ​​tổng sản lượng dầu, lớn nhất thế giới. Dầu của Mỹ lại rất nhẹ và không phù hợp để sản xuất dầu diesel và xăng mà thị trường châu Âu cần. Canada không có khung thời gian rõ ràng về thời điểm. Bên cạnh đó  Saudi Arabia chiếm khoảng 60% lượng dầu thô giao dịch quốc tế, không mặn mà với yêu cầu này. OPEC cũng bị ràng buộc bởi những thỏa thuận đã ký kết với Nga về việc giới hạn sản lượng sản xuất dầu.

Điểm cuối cùng đó là việc đề xuất áp đặt mức giá trần cho dầu hầu như không thực hiện được. Điều này phụ thuộc vào giá dầu toàn cầu khi cơ chế này có hiệu lực, vào số lượng nước đồng ý tham gia cuộc chơi. Với Liên minh châu Âu, điều này là không thể vì mâu thuẫn quá lớn về lợi ích cũng như tính phức tạp của các cơ chế, thủ tục.

Châu Âu gánh chịu hậu quả

Dòng chảy dầu khí của Nga vào châu Âu là một vòng tuần hoàn liên kết, chỉ cần ngừng lại ở bất cứ một khâu nào là sẽ tác động đến toàn châu Âu. Việc Nga chủ trương nhằm đến các quốc gia bị coi là không thân thiện để dần dần cắt đứt nguồn cung cấp khí đốt, sử dụng năng lượng như một loại vũ khí đang làm cho châu Âu chao đảo.

Trong vài tháng gần đây hãng dầu khí quốc doanh của Nga là Gazprom, lấy lý do kỹ thuật, đã giảm liên tục lượng cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1, đường ống xung yếu cung cấp 35% khí từ Nga sang châu Âu, xuống chỉ còn 20% công suất.

Việc các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga, OPEC+ sẽ giảm sản lượng mục tiêu 100.000 thùng/ngày từ tháng 10 (cho tới khi có quyết định mới) và việc phía Nga tuyên bố sẽ chỉ mở lại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 chừng nào châu Âu dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga đã đẩy giá khí đốt và giá điện ở châu Âu tăng vọt. Các công ty năng lượng cung cấp các dịch vụ điện, khí đốt… có thể sụp đổ vì không có đủ tiền để trả cho việc mua khí đốt.

Đến cuối tháng 8, giá khí đốt tại châu Âu hiện đã tăng gấp khoảng 10 lần, đẩy lạm phát ở châu Âu tăng hơn 38% trong một năm tính đến cuối tháng 8/2022. Theo Eurozone lạm phát tháng 8 ở mức  9,1%. Đây là mức lạm phát cao nhất kể từ năm 1997.

Tuy nhiên, theo nhiều thông tin, điều đang gây lo ngại cho các nhà hoạch định chính sách của châu Âu là lạm phát cơ bản (không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm) tại châu Âu cũng tăng lên từ mức 4% trong tháng 7 lên đến  4,3% trong tháng 8/2022. Nhiều dự đoán cho rằng lạm phát có thể cao đến 10% khi những chính sách trợ cấp, bù giá của các chính phủ hết hiệu lực.Hiện lạm phát đang là vấn đề đáng lo ngại hơn tăng trưởng. Châu âu đang đối diện với nguy cơ có một cuộc suy thoái kinh tế sâu chưa từng có. Giá trị đồng euro đang ở mức thấp kỷ lục.

Một khi Nga cắt đứt hoàn toàn nguồn cung khí đốt đến châu Âu trước khi khu vực này có được mức dự trữ lên đến 90% thì hậu quả có thể sẽ rất nặng nề. Toàn bộ chuỗi cung ứng, các ngành sản xuất, giao thông, vận chuyển, cầu cảng, dịch vụ, công nghiệp hóa chất, nhôm, thủy tinh.. bị đình trệ và có khả năng bị sụp đổ vì không có khi đốt. Thị trường điện châu Âu đứng trước nguy cơ sụp đổ sau khi Nga tiếp tục khóa van khí đốt.

Triển vọng kinh tế châu Âu là “khá ảm đạm”, khó tránh một cuộc suy thoái. Vấn đề chỉ là sẽ nghiêm trọng đến mức nào và kéo dài trong bao lâu mà thôi. Nhiều lãnh đạo châu Âu lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo sự sụp đổ trong thị trường năng lượng.

Giá năng lượng cao được ví như một loại thuế đánh thêm vào thu nhập và chi tiêu của các hộ gia đình và doanh nghiệp của châu Âu. Không loại trừ những vấn đề xã hội như thất nghiệp, đói kém, bạo lực, di cư sẽ càng làm trầm trọng thêm tình hình ở các quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng. Nhiều cuộc biểu tình phản đối Chính phủ đã xảy ra ở các nước châu Âu, kéo theo các nguyên thủ của Bulgaria, Ý, Anh… phải từ chức.

Biểu tình phản đối chính phủ ở Praha, Séc, ngày 3/9/2022. Ảnh: AP

Trong số các nước EU, Đức là nền kinh tế lớn nhất sẽ bị rơi vào khủng hoảng nếu mất hoàn toàn khả năng tiếp cận các nguồn cung về khí đốt và dầu mỏ. Hiện Đức đã phải chi gần 95 tỷ cho những công dân khó khăn và giảm thuế cho khoảng 48 triệu người. Dự báo lạm phát ở Anh có thể vượt 18% vào đầu năm 2023, cao gấp 9 lần so với mức lạm phát mục tiêu. Các nước vốn ổn định như Thụy Điển, Phần Lan cũng đã phải chi hàng chục tỷ USD hỗ trợ các công ty năng lượng, nhằm ngăn chặn một sự sụp đổ trong giao dịch chứng khoán.

Bên cạnh đó các nước thành viên EU còn phải đối diện với sự mâu thuẫn và bất đồng ngày càng tăng về việc phân phối khí đốt, việc áp giá trần dầu, thời gian quy định cho việc chuyển sang các nguồn cung cấp dầu thay thế, hoặc đề xuất cấm cung cấp các tàu và dịch vụ cần thiết để chuyển dầu của Nga sang các nước thứ ba. Chính những mâu thuẫn nội bộ trên đây đang làm yếu đi sức mạnh của châu Âu và làm cho tình hình thêm trầm trọng.

Bên cạnh đó những biến động về giá cả năng lượng ảnh hưởng vô cùng to lớn đến sức khỏe của toàn bộ nền kinh tế toàn cầu. Một  vòng tròn luẩn quẩn giữa lạm phát tăng, chi tiêu giảm, dịch vụ sản xuất và hàng hóa không phát triển, ngân hàng buộc phải tăng lãi xuất.. tất cả sẽ kích hoạt một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu trong đó Mỹ cũng không bị loại trừ. Quốc hội Mỹ vừa qua đã phê chuẩn dự luật Giảm lạm phát (Inflation Reduction Act) với quy mô 300 tỷ đô la do Tổng thống Mỹ Joe Biden khởi xướng.

Nga vẫn làm chủ cuộc chơi. Mỹ được hưởng lợi từ các lệnh trừng phạt Nga

Mục tiêu của các lênh trừng phạt là nhằm làm cho Nga mất đi nguồn thu từ các hoạt động kinh tế, thương mại và đặc biệt là xuất khẩu dầu khí. Tuy nhiên Nga đã có những biện pháp phù hợp để làm chủ cuộc chơi.

Nga chuyển hướng bán dầu giá rẻ sang cho những khách hàng như Ấn Độ, Trung Quốc và các nước khác ở châu Á. Chỉ riêng Ấn Độ đã nhập khoảng 1 triệu thùng dầu Nga mỗi ngày, tăng 900% so với hồi tháng 2/2022. Nhiều thông tin cho biết Nga mời Indonesia và nhiều nước châu Á mua dầu “với giá thấp hơn 30% so với giá thị trường quốc tế. Tuy nhiên khó khăn với Nga là cơ sở hạ tầng năng lượng hiện nay đều chỉ phù hợp với châu Âu.

Theo dữ liệu tháng 7 của Bloomberg, Nga vẫn xuất khẩu khoảng 7,4 triệu thùng dầu mỗi ngày. Riêng trong tháng 7, Nga thu được 19 tỉ USD từ xuất khẩu dầu và 21 tỉ USD trong tháng 6. Riêng châu Âu vẫn tiếp tục nhập khoảng 2,8 triệu thùng dầu Nga mỗi ngày, dù con số này đã giảm khoảng 30% so với mức 4 triệu thùng/ngày hồi tháng 2 (theo Bloomberg).

Theo thông tin của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, GDP của Nga năm nay dự kiến chỉ giảm 6%. Tỷ lệ này là ít hơn nhiều so với dự kiến là 15% mà nhiều bên đưa ra vào tháng 3). Tuy nhiên, GDP quý 2 của Nga chỉ giảm 4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn 7,4% thời kỳ Đại dịch Covid-19 quý 2 năm 2020. Doanh thu cao từ bán năng lượng và việc giảm nhập khẩu do lệnh cấm vận đã làm tăng mạnh thặng dư tài khoản vãng lai, dự kiến 265 tỷ USD trong năm nay, lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc.

Theo nhiều thông tin, Nga vẫn phải đốt bỏ hơn 4 triệu mét khối khí đốt, trị giá khoảng 10 triệu USD/ngày. Đây là một thảm họa về môi trường khi lượng khí đốt bị bỏ đi ước tính lên tới khoảng 9.000 tấn carbon dioxide mỗi ngày, tương đương lượng khí thải trong của hơn 1.100 hộ gia đình Mỹ trong một năm.

Theo các số liệu được công bố, năm 2020, chỉ có 3% lượng dầu nhập khẩu vào Mỹ là đến từ Nga. Chính vì thế lệnh cấm vận này hầu như không tác động đến các lợi ích của Mỹ.

Trong khi cả thế giới đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng lớn nhất trong lịch sử thì Mỹ đang có khả năng trở thành nhà cung cấp dầu hàng đầu do công suất khai thác dự trữ chỉ ở mức hạn chế của OPEC+ và việc châu Âu sẽ ngừng nhập khẩu dầu thô của Nga từ cuối năm 2022.

Các nhà cung cấp dầu của Mỹ đã bắt đầu có được thị phần gần như khắp châu Âu. Như vậy, không loại trừ việc Mỹ sẽ tiếp tục giữ thị phần này trong 2 năm tới trong bối cảnh các nhà sản xuất khác, bao gồm ở Biển Bắc và Tây Phi, đã không tăng sản lượng một cách ổn định.

Tham vọng của Mỹ không dừng lại ở chỗ sẽ lấp “khoảng trống” của Nga tại châu Âu mà đi xa hơn là chiếm chỗ của các nhà cung cấp truyền thống khác như Kazakhstan, hoặc các nước Bắc Phi. Đây là những  quốc gia đang gặp khó khăn về kỹ thuật hoặc các vấn đề chính trị trong hoạt động xuất khẩu dầu thô. Nhiều dự đoán còn cho rằng không loại trừ các hợp đồng với châu Á cũng sẽ tăng lên vì trong thời gian qua các nước khu vực này đã mua một lượng lớn dầu thô từ Mỹ khi nguồn cung từ Trung Đông giảm.

Tóm lại, cuộc chiến tại Ukraine là điển hình của một cuộc cạnh tranh gay gắt giữa hai cường quốc Mỹ – Nga tại thế kỷ XXI, và kéo theo nó là một cuộc cạnh tranh trên tât cả các lĩnh vực công nghệ, quân sự, tài chính và kinh tế đan xen, lẫn lộn.

Kể từ khi Mỹ và phương Tây bắt đầu tiến hành các biện pháp trừng phạt kinh tế từ những năm 40 thì những quyết định vừa qua, đặc biệt cấm vận dầu khí với Nga đã đạt đến đỉnh cao và quy mô chưa từng có.

Điều đó cho thấy Mỹ đang điều chỉnh chiến lược, chuyển từ việc sử dụng quân sự đã thất bại (như trong trường hợp Iraq và Afghanistan) sang tăng cường áp dụng các biện pháp trừng phạt về kinh tế, tài chính, công nghệ và đặc biệt là năng lượng. Mỹ sử dụng cấm vận năng lượng như một chìa khóa với hy vọng làm thay đổi cục diện chiến trường tại Ukraine.

Thông qua các biện pháp cấm vận, Mỹ muốn chứng minh sức mạnh mới trong việc kiểm soát những lĩnh vực “đầu não” của nền kinh tế toàn cầu. Cách tiến hành các biện pháp trừng phạt của Mỹ cho thấy rõ  mục tiêu từng bước của họ, từ chỗ chỉ làm chao đảo cán cân thanh toán tài chính đến cao nhất là làm suy giảm, tê liệt hoàn toàn năng lực không chỉ của riêng Nga. Mặt khác cũng mang tính răn đe, cảnh báo đối với Nga và một số cường quốc khác nếu có ý định tiến hành một cuộc chiến tương tự.

Một số nhà quan sát cho rằng Mỹ đang áp dụng một học thuyết mới về quyền lực của Mỹ và phương Tây trong thế kỷ XXI và Ukraine là một phép thử.

Tuy nhiên, Mỹ và phương Tây đã không đạt được mục tiêu đề ra trong việc làm nước Nga suy sụp và chao đảo. Nga vẫn không có dấu hiệu chùn bước tại Ukraine. Kinh tế Nga vẫn phục hồi và phát triển.

Trong khi đó bản thân các nước châu Âu, đồng minh của Mỹ lại là những quốc gia bị tổn thương nhiều nhất khi hưởng ứng tích cực các lệnh trừng phạt của Mỹ. Châu Âu cần vài năm để tìm được nguồn dầu thay thế từ khu vực khác. Châu Âu vẫn phụ thuộc vào việc OPEC có sẵn sàng gia tăng sản lượng dầu mỏ hay không.

Mỹ là quốc gia khởi xướng ra các lệnh trừng phạt, Mỹ cũng đang phải đối diện với những hệ lụy như lạm phát cao và bất ổn, nhưng nước Mỹ lại là quốc gia được lợi nhất khi đang dần dần thâu tóm thị trường dầu mỏ thế giới, đặc biệt tại châu Âu. Những lệnh trừng phạt được tung ra, Mỹ là quốc gia được hưởng lợi còn châu Âu rơi vào khủng hoảng, chia rẽ và bị đe dọa chiến tranh với Nga.

Thế giới đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đầu tiên với rất nhiều hệ lụy. Trong lịch sử, cuộc khủng hoảng những năm 70 chỉ là cuộc khủng hoảng dầu mỏ. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy cuộc khủng hoảng này sẽ sớm chấm dứt. Vấn đề an ninh năng lượng là vấn đề cấp bách, đang cảnh tỉnh cho mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Trong thế giới đầy biến động và bất ổn hiện nay, bài học lớn cho mỗi quốc gia là cần có chính sách tự chủ trong đối ngoại. Về kinh tế cần có những quyết sách khôn khéo, thông minh và lâu dài trong việc đa dạng nguồn cung. Không bao giờ để quốc gia mình chỉ phụ thuộc vào một thị trường nhất định.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC