Thắng địa Thăng Long – Địa linh đất Việt
Nguyễn Văn Túc, Trần Văn Việt, Nguyễn Gia Chính

Thắng địa Thăng Long – Địa linh đất Việt

Cuốn sách mà bạn đọc đang cầm trên tay vốn là một phần của Công trình chuyên khảo khoa học, mang tên: Đất nền, Nước ngầm và Địa kỹ thuật công trình lãnh thổ Việt Nam. Sách dày gần 900 trang, khổ 21 × 31cm, được Nhà xuất bản Xây dựng ấn hành năm 2019, và tái bản ngay sau đó 03 tháng (tháng 01-2020).

Nội dung chuyên khảo khoa học được trình bày trong 17 chương, trong đó 15 chương đầu trình bày về các điều kiện địa chất – địa lí tự nhiên, Đất nền, Nước ngầm và Địa kĩ thuật công trình của 2 thành phố lớn (Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh), của 7 vùng tự nhiên – kinh tế xã hội trên đất liền và vùng quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa ngoài Biển Đông; 2 chương cuối trình bày về “Thắng địa Thăng Long” (chương 16) và “Địa linh Đất Việt” (chương 17). Nhưng do khối lượng của 15 chương đầu quá lớn, nên trong lần xuất bản đầu tiên (năm 2019) chưa có nội dung của 2 chương cuối này.

Để đáp ứng yêu cầu của đồng nghiệp và bạn đọc, nay chúng tôi quyết định biên soạn và hoàn chỉnh lại thành một công trình riêng, mang tên Thắng địa Thăng Long – Địa linh Đất Việt.

Trong quá trình khảo sát và nghiên cứu Đất nền và Nước ngầm trong lòng đất, các tác giả đã nhận ra những nét tương đồng thú vị giữa chuyên ngành Địa chất Xây dựng và khoa Phong thủy – Địa linh của nền triết cổ Đông phương. Đó là, cả 2 đều lấy yếu tố Đất (bao hàm cả núi, đồi và vùng bình địa) và Nước (bao hàm cả nước ngầm trong lòng đất và nước mặt trên các sông, hồ, ao và biển) để quán chiếu với các “dạng thức xây dựng” (bao hàm cả “Dương trạch” và “Âm trạch”) làm đối tượng nghiên cứu và cùng lấy “con người” (bao hàm từng cá nhân và cả cộng đồng, dân tộc) là đối tượng phục vụ. Nếu mục tiêu của Địa chất Xây dựng là bảo đảm an toàn và ổn định cho các công trình xây dựng phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, thì đích đến của Phong thủy – Địa linh là đảm bảo cho con người có được cuộc sống an lành, đặc biệt là sự “phát tiết thăng hoa” hết hiệu năng siêu việt về phẩm chất và trí tuệ của con người có liên quan đến những dải Địa linh – Huyệt kết. Phải chăng, vì thế mà với người Việt, cụm từ hàm chứa 2 yếu tố Đất và Nước là biểu hiện cho Tổ quốc. Cho nên Tổ quốc đồng nghĩa với “Đất nước”, với giang sơn, với núi sông.

Trong quá trình khảo sát và nghiên cứu lòng đất dọc theo chiều dài dải Đất Việt hình chữ “S” suốt từ Bắc vào Nam cho thấy, mỗi vùng miền khác nhau có điều kiện Đất và Nước khác nhau đã tạo nên những “cảnh quan phong thủy” khác nhau, nên có bản sắc văn hóa vùng miền khác nhau. Ví dụ như: ở ngoài Bắc có Xứ Đông, Xứ Đoài hay Đất Kinh Bắc, Thành Nam hoặc ở Miền Trung có Xứ Thanh, Xứ Nghệ, Xứ Quảng… mỗi vùng có bản sắc văn hóa khác nhau, đã sản sinh ra những tài năng, nhân kiệt khác nhau. Tuy vậy, chưa thấy có tài liệu nào kiến giải một cách rành rẽ, rõ ràng về bản chất của cơ chế “Tú khí” hun đúc nên “Địa linh” để sản sinh ra “Nhân kiệt” ở những địa danh, vùng miền đó nói riêng và trên toàn bộ dải Đất Việt hình chữ “S” nói chung, suốt từ Bắc vào Nam.

Bởi vậy, dưới góc nhìn các hoạt động kiến tạo địa chất tự nhiên, được “tạo hóa” kiến tạo dải đất Việt hình chữ “S” thành “mô thức đặc biệt” có dạng “Thái Cực đồ” mà không có một quốc gia nào trên trái đất này có được và được mệnh danh là “Địa linh – Nhân kiệt” dưới góc nhìn “cảnh quan – phong thủy”. Theo đó, chính cảnh quan phong thủy – địa linh nhân kiệt đất Việt đã kiến lập nên nền văn hiến Việt với bản sắc văn hóa Việt – truyền thống oai hùng, dân tộc đoàn kết xây dựng đất nước và chống ngoại xâm, giữ vững độc lập dân tộc trải qua ngàn năm lịch sử dựng nước – giữ nước – phát triển đất nước.

Chính vì vậy, việc tìm hiểu và lí giải nguồn cội của nền văn hiến Việt dưới góc nhìn triết lý – phong thủy là mục tiêu của công trình này. Công trình được kết cấu thành 8 chương, theo đó:

Ba (3) Chương đầu (Chương 1, 2, 3) trình bày các dữ liệu cơ bản, làm nền tảng cho việc “quán chiếu”, “luận bàn” và “kiến giải”/ “luận giải” sau này.

Hai (2) Chương tiếp theo (Chương 4 và 5) “quán chiếu” giữa hai nền tảng “Địa chất – Kiến tạo” và “Triết lý – Phong thủy” để làm sáng tỏ định đề rằng: “Thăng Long” là một “Thắng địa” và đất Việt là một dải “Địa linh”.

Các Chương sau: Chương 6 minh chứng cho “Địa linh sinh nhân kiệt” đất Việt. Chương 7 bàn về hai láng giềng “định mệnh” Đất Việt – Hoa Hạ và luận giải theo Triết lý – Phong thủy. Còn Chương 8 đặc biệt bàn về thời đại Hồ Chí Minh, không chỉ vì khát vọng tự do, mà còn vươn lên tầm quốc tế, cũng như hướng tới tương lai. Ngoài ra, trong Chương 8 còn nêu khái quát lịch sử và cảnh quan phong thủy của châu Âu và nước Mỹ từ sau thế kỷ 15, cũng như về một số điểm nóng mang tầm quốc tế; tất cả đều ít nhiều có liên quan đến lịch sử Đất Việt và thời đại Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, những trình bày trong công trình này chỉ có thể xem là những “gợi mở ban đầu” dưới góc nhìn cảnh quan phong thủy Đất Việt, muốn gửi đến những người nặng lòng với đất nước, cùng suy ngẫm với một thông điệp rằng: nếu không bảo tồn được cảnh quan phong thủy Quốc gia, thì đồng nghĩa với việc bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc có nguy cơ bị phai nhạt. Bởi vì, khi “Tú khí” bị phá tán, thì “Địa linh” không còn, “Nhân kiệt” tất yếu sẽ tiêu vong, “Ác quỷ” sẽ lên ngôi và mọi chuẩn mực đạo lý, đạo đức xã hội sẽ băng hoại. Và hệ quả tất yếu sẽ là nền văn hiến và bản sắc văn hóa Việt – vốn là nền tảng của sức mạnh truyền thống xây dựng đất nước và chống ngoại xâm oai hùng của dân tộc Việt – không được bảo toàn. Khi đó, dải đất hình chữ “S”, mà con cháu Lạc Hồng đã ngàn đời đắp bồi và chiến đấu bảo vệ bằng xương máu, sẽ là miếng mồi ngon cho những kẻ luôn có “khát vọng bành trướng”.

Trong công trình này, các tác giả có sử dụng các dữ liệu lịch sử, huyền tích, truyền thuyết, được tham khảo từ nhiều nguồn, song phần nhiều ở Bách khoa toàn thư mở với các chủ đề tương ứng. Mục đích là dùng để minh chứng cho các nhận định, luận bàn và kiến giải dưới góc nhìn triết lý – phong thủy, chứ không phải là ghi chép lại lịch sử hay bàn về chính trị.

Đến cuối năm 2020, công trình khoa học Thắng địa Thăng Long – Địa linh Đất Việt đã được hoàn chỉnh dưới dạng bản thảo, thì một nhân duyên tốt lành là các tác giả đã có cuộc tiếp xúc với Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, tác giả cuốn sách mang tên Việt Nam – Lịch sử và tương lai chuẩn bị xuất bản. Trong quá trình trao đổi, điều rất thú vị là hai tác phẩm có cùng “đích đến” là chứng minh rằng: “Việt Nam là dân tộc anh hùng, có truyền thống dân tộc đoàn kết xây dựng đất nước và chống ngoại xâm, với bản sắc văn hóa mà những giá trị cốt lõi không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào trên thế giới”. Điều khác nhau là nền tảng để minh chứng, kiến giải, thì một bên dưới góc nhìn chính trị, còn bên kia theo góc nhìn Cảnh quan phong thủy – Địa linh – Nhân kiệt của dải đất hình chữ “S”, vốn do hoạt động kiến tạo – địa chất mà thành.

Qua đây, các tác giả tỏ lòng biết ơn chân thành đến Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng đã nhiệt tâm cổ vũ, góp ý bản thảo và viết lời giới thiệu cho công trình này; lời cảm ơn được gửi đến GS. TSKH Vũ Minh Giang, GS. TS Trịnh Quốc Tuấn, GS. TS Nguyễn Đức Hưng và GS. TSKH Mai Thanh Tân đã đọc và có nhiều đóng góp vào nội dung bản thảo công trình. Lòng biết ơn cũng được gửi đến các đồng nghiệp, bạn bè và các độc giả từng tiếp cận với các công trình nghiên cứu của các tác giả, bởi sự động viên, khích lệ chân tình để các tác giả có thể vượt qua tuổi tác, hoàn thành được một công trình, vốn không hẳn là sở trường.

                                                                                  Các tác giả

——-

LỜI GIỚI THIỆU

“Thắng địa Thăng Long, Địa linh Đất Việt” là một công trình có tính tiên phong và chứa đựng những giá trị to lớn trên nhiều phương diện, từ học thuật tới văn hóa, từ khoa học tới tâm linh, từ địa chính trị đến lịch sử, triết học và còn hơn thế nữa. Đây cũng chính là cuốn sách được hoàn thiện trên cơ sở công trình khoa học, lần đầu tiên trình bày về Đất nền, Nước ngầm và Địa kỹ thuật công trình lãnh thổ Việt Nam.

Nhận được đề nghị viết Lời giới thiệu cho tác phẩm, tôi đã đọc và nghiền ngẫm trong nhiều ngày, song cho đến nay, khi cầm trên tay cuốn sách với toàn bộ sức nặng cả về lượng và chất này, tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên trước tâm huyết, tài năng cùng sức làm việc bền bỉ, kiên tâm đến lạ kì của những cây bút mà tuổi đời đã ngoài bát thập.

Có thể nói, lần đầu tiên trong lịch sử nghiên cứu, có một tác phẩm đã đặt ra và giải quyết một cách hết sức triệt để những vấn đề địa chính trị quan trọng của Việt Nam từ góc nhìn khoa học phong thủy – một lĩnh vực không quá xa lạ, song vẫn còn rất nhiều điều mới mẻ và những bí ẩn chưa được khám phá đối với giới nghiên cứu trong và ngoài nước. Sự ra đời của một tác phẩm như vậy chính là niềm mong mỏi và đón đợi của những người làm khoa học trong suốt nhiều năm nay, nhất là ở thời điểm này, tính quan thiết, tầm ảnh hưởng và sức lan tỏa của nó lại càng có ý nghĩa hơn hết đối với tình hình quốc gia, khu vực và thế giới hiện tại.

Về mặt học thuật, cuốn sách chứa đựng một kho kiến thức liên ngành đồ sộ, phong phú, đi từ khái quát đến chuyên sâu về địa chất, lịch sử, văn hóa, khoa học phong thủy, triết học cổ phương Đông…; từ đó góp phần cung cấp một cái nhìn toàn diện, đa chiều, giúp bạn đọc hiểu thêm về những nền tảng cấu thành nên “địa linh nhân kiệt” của nước Việt Nam ta nói chung và vùng đất Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến nói riêng. Không những thế, dựa trên các căn cứ lí luận vững chắc, các nguồn tư liệu quý được khảo cứu, thu thập và viện dẫn một cách tỉ mỉ, chi tiết, xác đáng và sắc bén, các tác giả cũng đã mở rộng các phân tích, lập luận của mình, nhấn mạnh tầm quan yếu của địa thế trong việc kiến tạo nên sức mạnh nội lực, giúp Việt Nam đẩy lùi mọi kẻ thù xâm lăng, trải qua bao biến thiên, thăng trầm vẫn hiên ngang đứng vững trên bản đồ thế giới.

Điểm độc đáo của công trình còn nằm ở chỗ, các tác giả đã cung cấp tới người đọc một cái nhìn toàn cảnh về địa thế, phong thủy các quốc gia, khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là các khu vực có lịch sử ngoại giao lâu dài và phức tạp với Việt Nam; từ đó so sánh, đối chiếu, luận giải các vấn đề phát sinh từ những mối quan hệ này trên nhiều khía cạnh đa dạng, phong phú. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng phân tích, lý giải những nhân tố địa chất, địa mạo có ảnh hưởng tới những diễn biến chính trị tại các điểm nóng xung đột hiện nay trên thế giới, bao gồm khu vực Biển Đông và Trung Đông; khiến công trình không chỉ mang đậm dáng dấp lịch sử mà còn có tính thời sự rất lớn.

Tính đến thời điểm hiện tại, đây là một trong những công trình khảo cứu chuyên sâu, sở hữu giá trị học thuật cao, với đề tài nghiên cứu mới mẻ và tính cập nhật hàng đầu trong lĩnh vực khoa học phong thủy, địa lý; trở thành nguồn tư liệu tham khảo quý giá cho các nghiên cứu viên thuộc chuyên ngành nói riêng và những người có quan tâm tới các lĩnh vực liên quan nói chung.

Về mặt văn hóa, tác phẩm đã làm hồi sinh những ký ức lịch sử của Thăng Long – Hà Nội cũng như toàn cõi Đất Việt từ buổi đầu dựng nước tới hiện tại, thậm chí mở ra những dự phóng cho tương lai. Thông qua nguồn tài liệu, dẫn chứng dồi dào, phong phú cùng các phân tích, lập luận chặt chẽ, khúc chiết, mạch lạc của các nhà nghiên cứu; ta có được cái nhìn toàn cảnh về việc hình thành vùng đất “Địa linh – Nhân kiệt” Thăng Long – Hà Nội, hiểu được vì sao đây không những là “Kinh đô của bậc đế vương muôn đời” mà còn là cái nôi sản sinh ra nhiều văn nhân, thi sĩ, trí thức và những bậc tài hoa kiệt xuất của Đất Việt, sở hữu những di sản đã góp phần đưa văn hóa Việt đạt đến đỉnh cao rực rỡ.

Bên cạnh đó, nhờ vào những kiến giải sâu sắc về mặt địa lý, phong thủy; ta cũng thấy được toàn bộ quá trình hình thành, mở mang bờ cõi và hoàn thiện lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời, nhận thức rõ được sự khác biệt, vẻ đẹp đa dạng trong văn hóa của từng vùng miền; từ đó thêm tự hào, trân trọng, sẵn sàng bảo vệ đến cùng những vùng đất, vùng biển, vùng trời mà xương máu ông cha bao đời đã đổ xuống để gắn hàn, gìn giữ. Không những vậy, chính vị thế đặc biệt, không gì lay chuyển nổi của đất nước ta trên bản đồ thế giới đã được chứng minh trong cuốn sách lại càng củng cố thêm niềm tin ở người đọc vào sự phát triển phồn thịnh như một lẽ tất yếu của dân tộc Việt Nam, tiếp thêm động lực cho những người dân đất Việt trên con đường xây dựng, kiến thiết đất nước trong hiện tại và tương lai sắp tới.

Để có được một công trình đồ sộ như quý độc giả đang cầm trên tay, các tác giả đã ấp ủ, lên ý tưởng và hiện thực hóa chúng trong một khoảng thời gian rất dài. Việc thiết kế, triển khai các lập luận từ tổng thể tới chi tiết, thu thập, nhào nặn những tư liệu, kiến thức và biến chúng trở thành một tài sản mới trong gia tài vô giá của khoa học chuyên ngành nói riêng, kho tàng tri thức dân tộc và nhân loại nói chung, là cả một hành trình bền bỉ với biết bao mồ hôi, công sức, tâm huyết cùng một tình cảm sâu nặng, tấm lòng không khi nào thôi đau đáu về những vấn đề lớn của đất nước. Thông qua “Thắng địa Thăng Long, Địa linh Đất Việt”, không chỉ các nhà khoa học có thể tìm thấy những tài liệu quý phục vụ cho công việc của mình, mà ngay cả những độc giả không chuyên cũng có thể thưởng thức, thu nạp những hiểu biết về nhiều lĩnh vực mà cuốn sách cung cấp.

Được viết với lối văn phong hàn lâm, lập luận chặt chẽ, sắc sảo; hệ thống ngôn từ sáng rõ, đúng mực, hành văn mạch lạc, khúc chiết; tác phẩm này phù hợp với tất cả mọi đối tượng người đọc, từ giới nghiên cứu cho đến bạn đọc phổ thông.

Một lần nữa, xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới nhóm tác giả Nguyễn Văn Túc, Trần Văn Việt, Nguyễn Gia Chính đã tin tưởng giao phó, gửi gắm nơi tôi trách nhiệm đọc và giới thiệu tới độc giả một công trình thực sự có tầm vóc. Hi vọng bạn đọc gần xa, cũng như tôi, có thể tìm thấy một chút gì từ tác phẩm quý giá này, để rồi thêm thấu hiểu, trân trọng, quyết tâm gìn giữ trọn vẹn dải đất hình chữ “S” cùng những giá trị vĩnh hằng mà cha ông ta đã để lại cho đời sau…

Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng
Nguyên Phái viên Thủ tướng Chính phủ

————-

Cuốn sách Thắng địa Thăng Long – Địa linh đất Việt của nhóm tác giả Nguyễn Văn Túc, Trần Văn Việt, Nguyễn Gia Chính do Thư viện Nguyễn Văn Hưởng và Nhà xuất bản Hồng Đức liên kết xuất bản tháng 12-2022.

Số trang: 550
Khổ: 16x24cm
Bìa cứng
Giá bìa: 650.000đ

BÌNH LUẬN

CÙNG THỜI KỲ