Chính quyền thông minh, đô thị thông minh là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Giữa năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành Chiến lược về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.
Chiến lược đã xác định 6 quan điểm lớn, là kim chỉ nam, định hướng phát triển Chính phủ số từ đó phát triển kinh tế số, xã hội số trong giai đoạn mới. Trong đó, quan điểm điểm đầu tiên và cũng là quan trọng nhất là: “Phát triển Chính phủ số có toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế lại và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế – xã hội”.
Chiến lược cũng đưa ra tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam sẽ đạt vị trí cao trên thế giới về xếp hạng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu theo xếp hạng của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, để đạt được điều này không dễ dàng trong bối cảnh Việt Nam có một hệ thống chính quyền địa phương trải rộng trên hơn 60 tỉnh thành với nhiều khác biệt về quy mô, dân số và mức độ phát triển hạ tầng thông tin. Chủ trương đã có nhưng áp dụng ở địa phương rất chậm, nhiều nơi áp dụng mang tính hình thức, chỉ để giải ngân tiền đầu tư. Mới đây, Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ yêu cầu các địa phương thúc đẩy triển khai Chính quyền điện tử hiện đại, đô thị thông minh một cách thực chất phục vụ người dân và doanh nghiệp, tránh đầu tư dàn trải theo phòng trào, gây lãng phí.
Thực tế triển khai mô hình chính phủ điện tử, chính quyền thông minh cho thấy cần có một mô hình tiêu biểu để các địa phương khác học tập. Đà Nẵng chính là một mô hình như vậy. Đà Nẵng mới lần thứ 3 được vinh danh Thành phố Thông minh xuất sắc Việt Nam theo bình chọn của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA). Đây là giải thưởng nhằm ghi nhận, tôn vinh, cổ vũ các đô thị, tổ chức đẩy mạnh ứng dụng công nghệ giúp thông minh hoá công tác quản lý, điều hành đô thị, dịch vụ tiện ích cho người dân, doanh nghiệp giúp các thành phố trở nên thông minh hơn, đáng sống hơn, có thương hiệu, có sức cạnh tranh và phát triển bền vững.
Để đạt được vinh dự này, Đà Nẵng đã có đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2018 – 2025, định hướng đến năm 2030. Thành phố cũng đã có những hội thảo chuyên đề về vấn đề này, trong đó mở cửa triển lãm giới thiệu các giải pháp, sản phẩm ứng dụng chính quyền điện tử và quản lý đô thị thông minh để toàn dân được biết và các địa phương khác có thể học tập.
Kết quả của Đà Nẵng rất ấn tượng. Trong 12 năm qua, Đà Nẵng luôn dẫn đầu cả nước về Chỉ số Mức độ sẵn sàng ứng dụng và phát triển Công nghệ Thông tin; liên tiếp 2 năm (2020, 2021) đứng đầu về chuyển đổi số cấp tỉnh/thành phố. Thành công của mô hình Đà Nẵng xuất phát từ một số nguyên nhân mà các tỉnh thành khác có thể học hỏi để áp dụng.
Thứ nhất, việc xây dựng thành phố thông minh lấy lợi ích và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, luôn lắng nghe sự tương tác, phản hồi của các chủ thể này. Phục vụ nhu cầu của nhân dân được coi là kim chỉ nam xác định khung kiến trúc tổng thể của mô hình thành phố thông minh. Mọi dịch vụ thông minh đều hướng giải quyết nhu cầu nhân dân. Vì thế, đề án Thành phố thông minh góp phần không nhỏ trong công tác phòng, chống Covid-19 và quá trình phục hồi, phát triển kinh tế thành phố, nhất là phát triển kinh tế số; cung cấp nhiều dịch vụ, tiện ích thông minh cho người dân trong giai đoạn Covid, dần tạo được thói quen, kỹ năng số trong người dân, phát triển xã hội số.
Thứ hai, quá trình dự thảo đề án và thực thi xây dựng chính quyền thông minh được thực hiện kỹ lưỡng, khoa học, có tổ chức lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức Trung ương như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội Tin học Việt Nam; lấy góp ý từ các Tập đoàn doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn như Tập đoàn VNPT, FPT, Viettel; các sở, ban, ngành, các trường đại học, viện nghiên cứu, các hiệp hội, doanh nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố. Để hoàn thiện đề án, chính quyền Đà Nẵng cũng đã sử dụng sự hỗ trợ, tư vấn của các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia quốc tế như Tổ chức các thành phố thông minh thế giới WeGO; Mạng lưới các Thành phố thông minh ASEAN,… các nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Thứ ba, Đà Nẵng đã cố gắng, nỗ lực hết mình trong phương pháp tiếp cận việc triển khai xây dựng thành phố thông minh, nhằm chuyển quản lý đô thị và cung cấp dịch vụ công từ truyền thống sang tự động dựa trên khoa học và công nghệ, đặc biệt ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạnvật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data).
Chính nhờ các yếu tố nói trên, nội hàm xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng rất rộng và bao quát, tập trung vào 6 trụ cột với 16 lĩnh vực ưu tiên. Trụ cột quản trị thông minh bao gồm Trung tâm điều hành thông minh, dịch vụ công thông minh và dữ liệu mở. Trụ cột kinh tế thông minh bao gồm năng lượng thông minh, quản lý cấp thoát nước thông minh, quản lý chất thải thông minh. Trụ cột đời sống thông minh bao gồm y tế thông minh, giáo dục thông minh, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh công cộng và ứng cứu khẩn cấp, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Trụ cột giao thông thông minh: Hệ thống giao thông thông minh (ITS). Trụ cột công dân thông minh nhằm huy động sự tham gia của công dân, cộng đồng xây dựng thành phố thông minh.
Nhờ mô hình toàn diện này, đến nay, Đà Nẵng đã hình thành hạ tầng, nền tảng cơ sở dữ liệu thông minh, đóng vai trò nền tảng dùng chung cho các ứng dụng thành phố thông minh. Giai đoạn 2021 – 2025, thành phố đang phát triển đa dạng các ứng dụng thành phố thông minh, chuyển quản lý đô thị từ truyền thống thành quản lý trên dữ liệu số, góp phần định hướng, dự báo phát triển kinh tế – xã hội theo đúng xu thế bền vững.
Nghị quyết 43-NQ-TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến 2030 tầm nhìn đến 2045 đặt ra mục tiêu cho Đà Nẵng đến năm 2030 là hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN; đến 2045 Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.
Bài học từ mô hình phát triển đô thị thông minh của Đà Nẵng rất quý giá cho các địa phương khác. Các giải pháp của Đà Nẵng cũng chính là những giải pháp để mô hình này có thể được nhân rộng.
Thứ nhất, nhóm giải pháp tài chính gồm: Cơ chế, chính sách, giải pháp về tài chính, nhằm bảo đảm nguồn lực đầu tư (các kênh vốn), hình thức đầu tư (hợp tác công tư, thuê dịch vụ…); xúc tiến đầu tư, hợp tác quốc tế; khung chính sách về chia sẻ dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở để kêu gọi đầu tư vào đô thị thông minh.
Thứ hai, nhóm giải pháp về truyền thông rất quan trọng, nhằm nâng cao nhận thức, hướng dẫn sử dụng ứng dụng thông minh và huy động sự tham gia của các tổ chức, người dân và cộng đồng xã hội tham gia cùng với chính quyền vào mô hình này. Suy cho cùng, tất cả đô thị thông minh cũng là để phục vụ nhân dân, vì nhân dân.
Nhóm giải pháp khác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là đặc biệt quan trọng. Có nhân lực chất lượng mới đáp ứng được yêu cầu xây dựng thành phố thông minh. Cuối cùng là giải pháp về khoa học công nghệ nhằm đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tư vấn, phản biện trong lựa chọn giải pháp, công nghệ; nghiên cứu phát triển ứng dụng thông minh, chuyển giao công nghệ thành phố thông minh từ nước ngoài.
Tổng kết lại, có thể thấy, mô hình chính quyền điện tử và đô thị thông minh phải có mục tiêu lấy người dân làm trung tâm. Mục tiêu này cũng cần phải được đặt ra trong mọi đề án, dự án phát triển của từng địa phương. Phát triển đô thị thông minh cuối cùng chính là tìm cách nâng cao lợi ích của người dân, giúp cho cuộc sống và công việc của người dân được dễ dàng hơn trong mọi mặt của đời sống xã hội từ hành chính, giao thông, y tế, giáo dục tới các dịch vụ khác. Người dân là trung tâm của mọi quyết định và công nghệ chỉ là công cụ để hiện thực hoá điều này.
Từ phía chính quyền, một hệ thống thông minh giúp lãnh đạo nắm được thông tin tận tới cơ sở nhanh nhất, có hệ thống dữ liệu đầy đủ để có thể gia quyết định kịp thời, giúp việc chỉ đạo sát dân hơn. Việc truyền đạt chủ trương chính sách cũng nhanh chóng và chính xác hơn tới các cấp cơ sở và người dân, giúp tiết kiệm chi phí hành chính rất lớn.
Đà Nẵng đi đầu thực hiện được chủ trương này thể hiện nỗ lực lớn của chính quyền và người dân thành phố. Nếu cả nước đều học theo mô hình này thì quốc gia sẽ có sự chuyển đổi nhanh chóng trong lĩnh vực kỹ thuật số, đẩy nhanh quá trình hiện đại hoá đất nước. Tuy vậy cũng cần đặc biệt lưu ý tới an toàn hệ thống để đảm bảo an ninh thông tin, bảo mật thông tin, coi đây là tài sản quốc gia cần được gìn giữ. Việc thuận lợi trong truy cập và tiếp cận thông tin phải đi cùng với an ninh dữ liệu. Đây là yêu cầu quan trọng đối với quá trình chuyển số.
Kinh nghiệm Đà Nẵng cho thấy để phát triển và hình thành những đô thị thông minh trước hết phải thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trong các lĩnh vực, trong đó cần chú trọng hàng đầu đến chuyển đổi số trong quản lý đô thị. Các yếu tố quyết định trong triển khai thành phố thông minh và chuyển đổi số thành công là ban hành các chủ trương, chính sách kịp thời, nhất quán; có sự phối hợp, liên kết của các cơ quan, doanh nghiệp và người dân; nguồn lực từ nguồn ngân sách và huy động nguồn lực doanh nghiệp trong nước và quốc tế cho việc xây dựng một đô thị thông minh thực sự, thực chất nhằm phục vụ cho nhân dân, vì nhân dân.■
Bình Minh
(Theo Tạp chí Phương Đông)