Trung Quốc với bình thường hóa giữa Iran và Ả Rập Xê Út

Từ ngày nước Cộng hòa Hồi giáo Iran ra đời năm 1979, do cuộc tranh giành ảnh hưởng và giành quyền lãnh đạo Hồi giáo giữa hệ phái Shia (chiếm đa số ở Iran) và hệ phái Sunni (Ả Rập Xê Út) mà mối quan hệ giữa giữa Iran và Ả Rập Xê Út chưa có lúc nào êm thấm.

Iran và Ả Rập Xê Út là hai cường quốc lớn nhất ở Trung Đông, hai nước này thường có những lợi ích khác nhau, có thể xem như là một cuộc cạnh tranh để thống trị Trung Đông trên bình diện tôn giáo, quân sự và chính trị.

Năm 2016, Riyadh và Tehran cắt đứt quan hệ ngoại giao sau vụ Ả Rập Xê Út hành quyết một lãnh đạo Hồi giáo phái Shia là Nimr al-Nimr với cáo buộc ly khai, dẫn đến cuộc tấn công cuộc phá hoại tòa đại sứ quán Ả Rập Xê Út tại Tehran. Trước đó, quan hệ hai nước đã căng thẳng vì cuộc nội chiến ở Yemen. Từ năm 2015, Ả Rập Xê Út đứng đầu một liên quân quốc tế để chống lại phe nổi dậy người Houthi được Iran hậu thuẫn.

Người biểu tình Iran phản đối vụ tử hình giáo sĩ Hồi giáo Shia Nimr al-Nimr ở bên ngoài Đại sứ quán Ả Rập Xê Út tại Tehran, Iran, tháng 1/2016. Ảnh: CNN

Từ tháng 4/2019, nhiều vòng đàm phán giữa Ả Rập Xê Út và Iran đã được tiến hành thông qua các nước trung gian là Iraq và Oman nhằm chấm dứt xung đột nhưng không có kết quả. Vương quốc Ả Rập thường xuyên là mục tiêu tấn công tên lửa từ phe Houthi khiến cho việc sản xuất dầu lửa của nước này bị đình trệ. Ả Rập Xê Út vốn thân thiện với Mỹ nhưng Mỹ không can thiệp vào cuộc xung đột này. Điều này đã gây hụt hẫng với Ả Rập Xê Út. Ả Rập Xê Út cho rằng Mỹ đã không còn là đồng minh đáng tin cậy của mình. Nỗi lo lắng của nước này ngày càng lớn khi Iran phát triển chương trình hạt nhân, trong khi đảm bảo an ninh là mục tiêu hàng đầu của quốc gia này và đang trong một thời kỳ chuyển giao quyền lực sang một thế hệ mới.

Trong bối cảnh như vậy, Ả Rập Xê Út buộc phải tiến hành nhiều cải cách quan trọng và Hoàng thái tử Mohammed bin Salman đang chuẩn bị lên nắm quyền, ông vua này cần một môi trường khu vực an toàn, đảm bảo an ninh cho Ả Rập Xê Út, đảm bảo an toàn cho khai thác dầu; và sự đảm bảo an ninh này còn giúp cho ông giữ vững được ngai vàng, điều đó rõ ràng theo Ả Rập Xê Út nhận định đều phải thông qua mối quan hệ hòa dịu với Iran.

Trung Quốc: Một tác nhân chính trị ở Trung Đông

Trung Quốc cho rằng, tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực Trung Đông đang bị suy giảm. Đây là lúc Bắc Kinh quảng bá vai trò lãnh đạo như là một giải pháp khác để thay thế cho trật tự do Mỹ lãnh đạo. Trung Quốc khẳng định thế giới đang bên bờ hỗn loạn bởi Hoa Kỳ đã thất bại trong vai trò lãnh đạo.

Trung Quốc đã đầu tư cho cuộc chiến với Mỹ ở Trung Đông từ nhiều năm qua. Tháng 1/2016, ông Tập Cận Bình đã có chuyến thăm chính thức tại Ai Cập, Ả Rập Xê Út và Iran. Trung Quốc đã ký được nhiều thỏa thuận với các nước này để họ gia nhập vào các dự án quốc tế “Những con đường tơ lụa mới”. Ả Rập Xê Út trở thành đối tác toàn diện của Trung Quốc, đây là một cấp độ quan hệ đối tác Trung Quốc chỉ dành cho Iran và các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất lúc đó.

Thực tế Trung Quốc đã hiện diện từ lâu ở Trung Đông kể từ khi chiến tranh kết thúc. Trong những năm 90 mối quan hệ kinh tế của nước này với các nước Trung Đông không ngừng phát triển, không chỉ lĩnh vực dầu hỏa mà còn cả các dự án hợp tác trên lĩnh vực kỹ thuật số, thậm chí cả lĩnh vực hạt nhân hay hợp tác quân sự. Đây là một cách hình thành một trục Á-Âu để loại phương Tây sang bên lề trục này.

Khác với Mỹ, Trung Quốc không can thiệp vào chuyện nội bộ của các nước khác. Trung Quốc duy trì mối quan hệ hữu hảo với Ả Rập Xê Út, với Iran và thậm chí cả với Isarel. Bắc Kinh là đối tác thương mại hàng đầu của Ả Rập Xê Út, nước này là một trong số các quốc gia cung cấp dầu lửa chính yếu cho Trung Quốc. Khác với Mỹ, Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng hợp tác thương mại vô điều kiện với Ả Rập Xê Út, Trung Quốc chấp nhận giải thích của Ả Rập Xê Út về vụ ám sát nhà báo đối lập Jamal Ahmad Khashoggi năm 2018, đổi lại Ả Rập Xê Út không lên án Trung Quốc giam giữ người Ngô Duy Nhĩ.

Trung Quốc duy trì quan hệ với Iran từ năm 1971 trước khi bang giao với Ả Rập Xê Út, ông Tập Cận Bình coi Iran là con bài chính yếu trong cuộc đọ sức chiến lược với phương Tây vì nước này giàu tài nguyên khoáng sản, nằm ở một vị trí địa lý chiến lược, có quân đội thiện nghệ và có nền văn minh lâu đời giống Trung Quốc.

Thỏa thuận giữa Ả Rập Xê Út – Iran

Tháng 3/2021, Trung Quốc ký với Iran thỏa thuận hợp tác chiến lược cho 25 năm. Tháng 12/2022, ông Tập Cận Bình được Hoàng thái tử Ả Rập Xê Út đón tiếp rất trọng thị, trái với sự đón tiếp lạnh nhạt mà vị quốc vương này dành cho Tổng thống Mỹ Biden tháng 7/2022. Đối với Iran, Trung Quốc cũng dành một sự đón tiếp rất long trọng đối với Tổng thống Iran Ebrahim Raisi bằng 20 phát đại bác khi vị tổng thống này thăm Trung Quốc tháng 2/2023. Đây là điều mà không quốc gia phương Tây nào dành cho Iran.

Khác với Mỹ, Trung Quốc giữ một vai trò trung lập trong các cuộc căng thẳng giữa hai nước. Trung Quốc cố không bị vướng vào xung đột giữa các cường quốc khác nhau trong khu vực. Kết quả là Trung Quốc đã có một vị thế, nắm giữ được vai trò trung gian của những quan hệ này, vì vậy Trung Quốc không cần có căn cứ quân sự nào trong khu vực, Trung Quốc không phải nhà cung cấp vũ khí chính cho nước nào và cũng không cung cấp một đảm bảo an ninh cho quốc gia nào ở khu vực. Điều này cho thấy vai trò của Mỹ ngày càng suy giảm ở khu vực Trung Đông. Điều này cũng giúp Trung Quốc đóng một vai trò lớn hơn ngoài hồ sơ của Ả Rập Xê Út và Iran, đây là bước tiến quan trọng cho thấy tham vọng của Trung Quốc đã đạt được. Gần đây Trung Quốc hé lộ muốn tổ chức một hội nghị thượng đỉnh giữa Iran và các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), tức là các quốc gia Ả Rập ở vùng Vịnh Ba Tư, tại Bắc Kinh vào cuối năm 2023. Đây có thể là những bước đầu tiên hướng tới một kiến trúc an ninh cơ bản khác biệt trong khu vực do Trung Quốc lãnh đạo.

Tháng 12/2022, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Ả Rập Xê Út, nước này đã yêu cầu Trung Quốc đảm nhận vai trò trung gian hòa giải quan hệ giữa Iran và Ả Rập Xê Út. Đề nghị của Ả Rập Xê Út được ông Tập Cận Bình chuyển đến Iran, nước này đã chấp nhận đề nghị của Trung Quốc.

Tháng 2/2023, Tổng thống Iran đến thăm Trung Quốc. Trong cuộc gặp với ông Tập Cận Bình, Tổng thống Iran đã xem xét và chấp nhận đề xuất nối lại quan hệ hai nước của Ả Rập Xê Út. Trong khi đáp ứng các yêu cầu của Ả Rập Xê Út,  Iran cam kết sẽ không can thiệp vào nội bộ của Ả Rập Xê Út. Iran yêu cầu Ả Rập Xê Út ngừng tài trợ cho Iran International – kênh tin tức bằng tiếng Ba Tư phản đối Cộng hòa Hồi giáo Iran, rút hoàn toàn quân đội khỏi Yemen, công nhận phong trào Ansar Allah là một cơ quan hợp pháp ở một đất nước đang bị chiến tranh tàn phá. Iran cũng yêu cầu Ả Rập Xê Út ngừng viện trợ cho các các nhóm đối lập với Iran như Mujahedin-e-Khalq, nhóm dân tộc Ả rập Al-Ahvaziya, nhóm chiến binh Jaish al-Adl vùng Balochistan – Iran coi ba tổ chức này là khủng bố. Iran cũng yêu cầu Ả Rập Xê Út giảm áp lực với cộng đồng thiểu số Shiite (Shia) của nước này, cho phép các thành viên đến thăm thành phố Mashhad linh thiêng của người Shiite.

Ngày 5/3/2023, thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Iran, Cố vấn An ninh Quốc gia Ả Rập Xê Út đến Bắc Kinh cùng với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc là ông Vương Nghị để hoàn thiện các điều khoản của thỏa thuận. Ngày 10/3/2023, thỏa thuận bình thường hóa giữa Iran và Ả Rập Xê Út được công bố, kết thúc cuộc đối đầu giữa hai nước. Đại sứ quán hai nước sẽ được tái lập ở mỗi bên sau đó.

Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani (phải) bắt tay với Cố vấn an ninh quốc gia Ả Rập Xê Út Musaad bin Mohammed al-Aiban (trái) hôm 10/3/2023 tại Bắc Kinh trước sự chứng kiến của nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: China Daily

Vai trò của Trung Quốc

Với sự kiện này, Trung Quốc đã khẳng định vai trò tác nhân chính trị mới ở Trung Đông. Trung Quốc bây giờ không chỉ là một khách hàng quen thuộc với xứ dầu hỏa vùng Vịnh mà đã là một đối tác chiến lược đáng tin cậy của Trung Đông. Sự việc này cũng đánh dấu một cấp độ, một bước tiến mới trong vai trò lãnh đạo của ông Tập Cận Bình tạo ra một hình ảnh một nguyên thủ quốc gia hàng đầu thế giới trong bối cảnh cuộc đối đầu với Mỹ ngày càng gay gắt.

Trung Quốc cũng cho rằng tầm ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực Trung Đông đang bị suy giảm, đây là lúc cần quảng bá mạnh mẽ vai trò lãnh đạo của Trung Quốc như là một giải pháp thay thế khác cho một trật tự do Hoa Kỳ lãnh đạo. Đây là trận chiến cho câu chuyện tương lai của trật tự quốc tế. Trung Quốc khẳng định rằng thế giới đang bên bờ hỗn loạn bởi Hoa Kỳ trong vai trò lãnh đạo.

Tham vọng cường quốc thế giới có trách nhiệm của Trung Quốc gần đây còn được thể hiện qua đề xuất 12 điểm để giải quyết cuộc xung đột từ ngày 24/2/2022 ở Ukraine. Nếu lập trường này của Trung Quốc không chắc được ủng hộ thì chí ít cũng cho thấy Trung Quốc ủng hộ cho hòa bình. Một nhà nghiên cứu Trung Quốc là Triệu Long – Phó Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Thượng Hải đã nói rằng: “Có sự khác biệt quan trọng giữa Nga và Trung Quốc về trật tự thế giới. Nga thì muốn phá hủy hệ thống quốc tế hiện nay để xây dựng một trật tự mới; Trong khi Trung Quốc muốn biến đổi hệ thống hiện nay bằng cách nắm giữ một vị trí quan trọng hơn trong hệ thống”.

Theo tờ Le Monde (Pháp): Thỏa thuận giữa Iran và Ả Rập Xê Út sẽ cho phép Bắc Kinh chứng tỏ rằng sáng kiến vì an ninh toàn cầu công bố trong trung tuần tháng 2/2023 là có hiệu quả, có thể diệt trừ tận gốc rễ nguồn cội các xung đột quốc tế, cải thiện việc quản lý an ninh toàn cầu. Trong tầm nhìn này, Bắc Kinh âm thầm khánh thành một tổ chức hòa giải quốc tế ở Hồng Kong cũng vào trung tuần tháng 2/2023.

Giờ đây trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine kéo dài, liệu Trung Quốc có đảm nhiệm được vai trò trung gian hòa giải không, mọi con mắt đang đổ dồn vào chuyến công du tới Moskva của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.■

Xuân Sơn

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN