Vào tháng 5, VinFast và Black Spade Acquisition Co (Black Spade – mã chứng khoán trên sàn NYSE: BSAQ) chính thức công bố thỏa thuận sáp nhập doanh nghiệp. VinFast sẽ sở hữu 99% trong công ty hợp nhất. Công ty hợp nhất sẽ có giá trị doanh nghiệp khoảng 27 tỉ USD. Giá trị vốn chủ sở hữu là 23 tỉ USD sau khi sáp nhập.

Với mức định giá 23 tỷ USD sau giao dịch sáp nhập với Black Spade, VinFast sẽ là nhà sản xuất ô tô thuần điện lớn thứ 3 thế giới về giá trị vốn hóa, chỉ sau Tesla của Mỹ (vốn hóa thị trường 532 tỷ USD) và Li Auto của Trung Quốc (vốn hóa thị trường 29 tỷ USD). Trên thế giới hiện nay cũng chỉ có 10 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô tô điện đang có giá trị vốn hóa thị trường trên 1 tỷ USD.

VinFast Auto Pte. Ltd. (“VinFast”) và Black Spade Acquisition Co (“Black Spade”) (NYSE: BSAQ) vừa công bố thỏa thuận sáp nhập doanh nghiệp. Nguồn: Vingroup

Quan trọng hơn, với động thái này, VinFast sẽ rộng đường tiếp tục kế hoạch niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Trước VinFast, một số doanh nghiệp Việt có tên tuổi đã có tham vọng và bước đi nhằm niêm yết cổ phiếu ở thị trường nước ngoài nhưng kết quả chưa khả quan. Vinamilk vào năm 2008 từng được chấp thuận phát hành và niêm yết một phần vốn trên sàn Giao dịch chứng khoán Singapore nhưng kế hoạch niêm yết sau đó cũng bị hủy bỏ. Tập đoàn VNG đã ký biên bản ghi nhớ với sàn chứng khoán Nasdaq nhưng hiện nay cũng chỉ chuẩn bị niêm yết trong nước… Hoàng Anh Gia Lai (HAG) niêm yết chứng chỉ lưu ký tại thị trường chứng khoán London năm 2011 và sau đó đã hủy bỏ việc niêm yết.

Thậm chí, kể từ năm 2012 đến nay, sau khi Nghị định 58/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, văn bản đầu tiên đề cập đến việc phát hành, niêm yết và đăng ký giao dịch chứng khoán của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài, vẫn chưa có đơn vị nào chính thức niêm yết. Khó khăn lớn nhất là đáp ứng được các quy định, tiêu chuẩn ở thị trường nước ngoài, đặc biệt là Mỹ với những quy định về chuẩn mực kế toán, kiểm toán và quản trị khác với Việt Nam. Bên cạnh đó, quy mô của các doanh nghiệp trong nước vẫn quá nhỏ để nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế lớn. Doanh nghiệp trong nước nếu muốn niêm yết ra nước ngoài cũng vướng phải quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam.

Những khó khăn lớn như vậy càng khiến những nỗ lực vươn niêm yết trên thị trường quốc tế của Vinfast đáng ghi nhận và Vinfast thành công nhờ những chiến lược thông minh và sức mạnh nội tại tiềm tàng.

Thứ nhất, VinFast đã thực hiện những bước đi chiếc lược và bài bản, từ việc thành lập công ty ở Singapore để hoàn tất hồ sơ đăng ký niêm yết thay vì với tư cách công ty đăng ký ở Việt Nam. Tiếp đó là việc hợp tác với Black Spade để đưa VinFast niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ nhanh hơn và dễ dàng hơn. Chiến lược này là một cột mốc phát triển quan trọng đối với Vingroup, mở ra cơ hội huy động vốn lý tưởng cho quá trình phát triển toàn cầu của tập đoàn. Hiện sàn chứng khoán Mỹ có hơn 1.000 công ty nước ngoài từ 45 quốc gia khác nhau, chiếm 20 – 22% tổng số lượng công ty niêm yết. Sự có mặt của một công ty Việt Nam tại đây cũng là sự khẳng định cho khát vọng vươn ra toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam nói chung chứ không chỉ Vingroup, khẳng định rằng doanh nghiệp Việt có khả năng huy động vốn từ các nhà đầu tư trên thị trường đại chúng lớn nhất toàn cầu.

Thứ hai, VinFast là một doanh nghiệp đầy nội lực, có khả năng sáng tạo sản phẩm thực sự trên nền tảng công nghệ cao để vươn tới tầm chiếm lĩnh thị trường thế giới. VinFast xác định tầm nhìn trở thành thương hiệu xe điện thông minh thúc đẩy cuộc cách mạng xe điện toàn cầu. Công ty hiện sản xuất và xuất khẩu dải SUV điện, xe máy điện và xe buýt trên khắp Việt Nam nhưng không dừng lại ở đó mà mở rộng mạnh sang Bắc Mỹ và châu Âu. Từ năm 2022, công ty chuyển sang sản xuất 100% xe điện và đã bàn giao các mẫu: VF e34, VF 8, VF 9 và VF 5 tới khách hàng. Hãng cũng xuất khẩu các lô xe VF 8 đầu tiên sang Bắc Mỹ và trở thành hãng xe điện quy mô toàn cầu. Vào tháng 4, hãng công bố đã chính thức xuất cảng lô xe VF 8 thứ hai gồm 1.879 chiếc tới Mỹ và Canada.

Thứ ba, VinFast đã đi đúng xu hướng của ngành công nghiệp xe hơi nói riêng và ngành công nghệ cao hướng tới thân thiện môi trường nói chung. Xe điện là xu thế của thời đại mới bởi cuộc cách mạng xanh đang dần chiếm lĩnh và chi phối ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt đúng trong mảng ô tô. Điều này được chứng minh trên thực tế. Tại thị trường Việt Nam, với tổng doanh số 4.278 xe, bộ đôi SUV điện VF e34 và VF 8 của VinFast cùng bất ngờ có tên trong Top 10 mẫu xe bán chạy nhất tháng 12-2022. Đặc biệt, ngay trong lần đầu lọt top, mẫu VF 8 đã lên vị trí bán chạy thứ ba với 2.730 xe. Hai mẫu xe điện thương hiệu Việt khiến những mẫu xe xăng tên tuổi như Ford Everest, Ford Territory hay Mazda 3 phải rời top 10. Điều này cho thấy sự đón nhận nồng nhiệt của người tiêu dùng Việt Nam dành cho xu hướng xe điện nói chung và xe điện VinFast nói riêng.

Xe điện là xu thế của thời đại mới bởi cuộc cách mạng xanh. Một trong các mẫu phác thảo thiết kế ô tô điện trong chương trình “Chọn xế yêu cùng VINFAST – 2”. Ảnh: Vingroup

Thứ tư, VinFast thành công bởi doanh nghiệp đã tận hiến bằng động lực và tinh thần vì xã hội và quốc gia. Như Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng đã chia sẻ rõ ràng trong cuộc họp Đại hội Cổ đông vào tháng 5: “Rất nhiều người hỏi tôi tại sao Vingroup làm VinFast, sản xuất ôtô quá khó, chưa kể Vingroup bắt đầu với con số 0, nếu vì kiếm tiền, ban lãnh đạo Vingroup không dại gì lao vào một lĩnh vực khó như sản xuất ôtô, nếu dễ đã không đến lượt. Vingroup quyết định làm VinFast vì lòng yêu nước, không hề có toan tính. Khi chúng ta đã thành đạt thì phải có trách nhiệm đóng góp cho đất nước, xây dựng một thương hiệu công nghệ cao, đẳng cấp và có sức ảnh hưởng trên thị trường quốc tế”. Chính tinh thần trách nhiệm đã tạo động lực để VinFast nỗ lực làm chủ được công nghệ, tạo nguồn cảm hứng, sáng tạo cho đội ngũ doanh nghiệp. Việc VinFast được định giá thành công 23 tỉ đôla Mỹ và sẽ niêm yết tại Mỹ là thành quả xứng đáng cho nguồn cảm hứng mà doanh nghiệp có được từ tình yêu đối với đất nước.

Thành quả của Vinfast là kết quả nỗ lực của những doanh nhân đã rèn luyện ý chí, trải qua rất nhiều thử thách khó khăn để có trui rèn khát vọng cống hiến hết mình cho đất nước. Khát vọng ấy kết hợp với xu hướng toàn cầu chính là sự gặp nhau giữa yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan, giúp doanh nghiệp đến đích, đưa xe điện Vinfast trở thành thương hiệu quốc tế.

Thành quả của Vinfast cũng khiến mỗi người Việt yêu nước suy nghĩ. Tính chung cả năm 2022, Việt Nam vẫn nhập khẩu 173.467 ô tô các loại từ nước ngoài, tổng kim ngạch lên tới 3,84 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục. Nhập xe ngoại là nhu cầu cần thiết nhưng song song với đó vẫn cần chú ý tới thương hiệu xe trong nước đủ chất lượng phục vụ người dân và còn có năng lực vươn tới thị trường quốc tế. Thủ tướng mới đây đã chỉ đạo giảm 50% phí trước bạ với ôtô trong nước. Việt Nam có được một doanh nghiệp mang tầm vóc quốc tế hay không cũng có phần không nhỏ từ nỗ lực chung tay và chia sẻ từ mỗi người dân và các nhà hoạch định chính sách quốc gia.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC