Bàn về “Cục diện thế giới hai cực mới”

Cạnh tranh Trung – Mỹ ngày càng quyết liệt, chưa thấy có điểm dừng. Vài năm nay người ta hình như đã quá quen với trạng thái này và tìm cách để thích nghi với nó song không ít người tự hỏi, liệu cạnh tranh Trung – Mỹ có thể kiểm soát được không? Bao giờ xuất hiện điểm dừng? Liệu hai nền kinh tế hàng đầu này có đi đến xung đột toàn diện? Và cuối cùng đối đầu Trung – Mỹ sẽ dẫn dắt thế giới đi về đâu? Cho đến nay, có lẽ vẫn chưa có một câu trả lời nào thích đáng, hoàn chỉnh mà các bên đều có thể chấp nhận về các câu hỏi này.

Nhìn chung, cạnh tranh Trung – Mỹ xuất phát từ và phục vụ cho lợi ích của chính họ. Cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn chi phối, lãnh đạo thế giới theo “cách riêng” của mình và các “cách riêng” đó thường là mâu thuẫn, đối lập nhau. Nhưng xem ra trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, cả Mỹ và Trung Quốc đều khó có thể – nếu không nói là không thể – một mình “cai trị” thế giới vì thế và lực của mỗi bên không cho phép, thời thế lịch sử cũng không cho phép. Vậy lợi ích của Mỹ và Trung Quốc nằm ở đâu nếu hai bên cứ tiếp tục leo thang cạnh tranh, cạnh tranh vô giới hạn? Giải pháp phải chăng là nếu không “độc trị” được thì chuyển sang “cùng trị”. Nói cách khác, phải chăng một “cục diện thế giới hai cực mới” sẽ ra đời, cục diện hai cực mới Trung – Mỹ? Bài viết này xin mạo muội bàn về chủ đề này.

Cạnh tranh Mỹ – Trung sẽ đưa thế giới đến đâu vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải. Hình ảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ J. Biden gặp mặt bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali năm 2022. Ảnh: Reuters.

1. Điểm qua diễn biến của Cục diện thế giới

Cục diện thế giới đã trải qua ba lần thay đổi lớn: Lần thay đổi thứ nhất: Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, nói chính xác hơn là cách mạng tháng Mười Nga đã phá tan sự thống trị của chủ nghĩa tư bản, Liên Xô XHCN ra đời, hình thành cục diện Chủ nghĩa Tư bản (CNTB) liên hợp bao vây Liên Xô. Lần thứ hai: Chiến tranh Thế giới thứ hai phá tan vòng vây của CNTB đối với Liên Xô, hình thành cục diện hai cực với sự đối kháng Mỹ Xô và sự đối đầu giữa hai tập đoàn quân sự NATO và WARSAW. Lần thứ ba: Liên Xô sụp đổ, WARSAW giải thể, cục diện hai cực kết thúc, thế giới đi vào cục diện nhất siêu (Mỹ), đa cường (EU, Nhật, Trung Quốc, Nga)

– Cục diện hai cực thời Chiến tranh lạnh (hai cực cũ): Đó là cục diện lấy Mỹ – Xô làm trung tâm, ở châu Âu là sự đối lập giữa hai tập đoàn quân sự NATO và Warsaw, trên toàn cầu là sự đối kháng toàn diện giữa hai phe TBCN và XHCN. Cục diện hai cực này bắt đầu từ sau bài diễn văn về “bức màn sắt” của Thủ tướng Anh Winston Churchill năm 1946, sau đó “Chủ nghĩa Truman” ra đời 1947 chủ trương kiềm chế Liên Xô và chủ nghĩa Cộng sản, rồi thành lập NATO năm 1949 và thành lập khối Warsaw năm 1955. Cục diện hai cực ra đời cùng với Chiến tranh lạnh. Cục diện hai cực cũ tồn tại 44 năm, cho đến khi Liên Xô sụp đổ tháng 12/1991. Cục diện hai cực này được thể hiện ở sự đối đầu quân sự giữa khối NATO do Mỹ đứng đầu và khối Warsaw do Liên Xô đứng đầu, sự giành giật của hai khối đối với thế giới thứ ba; về kinh tế là cấm vận và phong tỏa lẫn nhau, hầu như không có bất cứ mối liên hệ kinh tế nào qua “bức màn sắt”; kèm theo đó là cuộc chạy đua vũ trang kịch liệt hòng giành ưu thế chiến thắng đối phương; trên lĩnh vực hình thái ý thức thì công kích lẫn nhau một cách không khoan nhượng.

Có thể nói, đây là một hình thái phân chia quyền lực thế giới trong đó hai tập đoàn do Mỹ và Liên Xô cầm đầu chiếm quyền chủ đạo tuyệt đối trong kết cấu lợi ích toàn cầu, đối địch nhau, luôn gằm ghè nhau mà không bên nào có thể đủ điều kiện và sức mạnh để có thể loại bỏ được đối phương.

Cục diện hai cực Mỹ – Xô có một số đặc đểm chủ yếu: (i) Về chính trị là hai hệ thống chế độ xã hội khác nhau, đối lập nhau (ii) Về quân sự là hai tập đoàn đối kháng nhau (iii) Về kinh tế là hai loại hình kinh tế phát triển song song nhưng hầu như không có giao lưu qua lại gì với nhau, chủ yếu tập trung vào phong tỏa và chống phong tỏa lẫn nhau (iv) Nội bộ mỗi cực cơ bản theo kết cấu nhất nguyên, một trung tâm, một thủ lĩnh, quyền lực tập trung chủ yếu vào quốc gia đứng đầu (Mỹ và Xô) (v) Cục diện hai cực này ổn định tương đối và tồn tại trong một thời gian tương đối dài (44 năm).

– Sau khi cục diện hai cực Xô – Mỹ kết thúc, Mỹ chiếm ưu thế tuyệt đối, hình thành “cục diện đơn cực” dưới sự chủ đạo của “nhất siêu” Mỹ. Nhưng do sự suy yếu tương đối của bản thân Mỹ, sự trỗi dậy của Trung Quốc và các các cường quốc Nga, Nhật và EU… “cục diện đơn cực” của Mỹ không thể duy trì, thế giới chuyển sang “cục diện đa cực” dưới dạng “nhất siêu đa cường”. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 – 2009 trực tiếp đánh mạnh vào kinh tế Mỹ có thể được coi là cột mốc của quá trình chuyển dịch này và đại dịch Covid-19 càng đẩy nhanh xu hướng này. Donald Trump lên, đưa ra “Chiến lược an ninh quốc gia” mới, xác định Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược số 1”, là “mối uy hiếp lớn nhất đối với lợi ích, an ninh và sự phồn vinh” của Hoa Kỳ; J Biden thay Trump ngồi vào Nhà Trắng, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc vẫn không thay đổi, thậm chí còn đối kháng với Trung Quốc quyết liệt hơn, sâu cay hơn. Phía Trung Quốc cũng đáp trả tương ứng, làm cho quan hệ Trung – Mỹ rơi xuống mức tồi tệ nhất kể từ sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (1979) và người ta bắt đầu nghi ngờ về sự tiếp tục tồn tai của cục diện “nhất siêu đa cường”, đồng thời cũng bắt đầu nói nhiều đến “Cục diện hai cực mới”.

Giáo sư lịch sử kinh tế N. Ferguson thuộc Đại học Harvard đã đưa ra khái niệm Chimerica (Trung – Mỹ quốc) vào tháng 3/2007 trên “Thời báo Los Angeles”. Giáo sư này chủ trương, nước tiêu dùng lớn nhất là nước Mỹ và nước tích lũy lớn nhất là Trung Quốc nên hợp thành một cộng đồng lợi ích; đó là mối “quan hệ cộng sinh”: một bên tích lũy một bên tiêu dùng, một bên xuất khẩu một bên nhập khẩu, một bên cung cấp sản phẩm một bên cung cấp dịch vụ, một bên tích trữ ngoại tệ, một bên in đồng đô la, cùng có lợi trong một Chimerica.

Gần một năm sau, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ) đã đưa ra khái niệm G-2 trên Tạp chí “Ngoại giao” mùa hè 2008, khi bùng phát khủng hoảng tài chính toàn cầu. G-2 nhấn mạnh, Trung – Mỹ không nên bận tậm đến một xã hội quốc tế và các tổ chức quốc tế hiệu suất thấp mà nên hợp tác mật thiết với nhau để ứng phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu. Vị Giám đốc của cơ quan nghiên cứu quyền uy này cho rằng, nếu Trung – Mỹ hợp tác với nhau sẽ làm cho G-20, IMF, Liên hợp quốc, WTO… vận hành hiệu quả hơn.

Từ năm 2009, Cựu cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Brzezinski khi thăm Trung Quốc kỷ niệm 30 năm quan hệ Mỹ – Trung đã gọi quan hệ Mỹ – Trung là G2,  nghĩa là cục diện hai cực Trung – Mỹ. Ảnh: AFP

Tháng 1/2009, cựu cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Brzezinski, nhân chuyến thăm Trung Quốc dịp kỉ niệm 30 năm ngày kiến giao Trung – Mỹ cũng đã nhắc tới khái niệm G-2. Nhà chính trị – ngoại giao lão luyện Kissinger cũng tỏ ra hứng thú với khái niệm này (“Baidu wenku.com” 14/9/2015). Nói một cách nôm na, G-2 đồng nghĩa với cục diện hai cực Trung – Mỹ.

Ngày 27/8/2019, Tổng thống Pháp Macron nói với Ngoại giao đoàn tại Pháp, “tôi phải thừa nhận rằng, bá quyền phương Tây sắp kết thúc, cuối cùng thế giới sẽ chuyển động xoay quanh hai cực: tức là Mỹ và Trung Quốc; châu Âu ắt sẽ đưa ra sự lựa chọn của mình giữa hai kẻ thống trị đó”. Sau đó, ngày 18/9/2019, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, tại buổi khai mạc Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 74 đã nói, “thế giới này đang chia đôi, hai nền kinh tế lớn nhất toàn cầu đang tạo ra hai thế giới độc lập lẫn nhau và cạnh tranh nhau; Hai nền kinh tế đó có đồng tiền, mậu dịch và các quy tắc tài chình riêng do mình chủ đạo, có hệ thống mạng và khả năng trí tuệ nhân tạo riêng, có địa chính trị và chiến lược quân sự riêng” (nguồn: “m.aisixiang.com” 17/4/2020). Có nghĩa là hai nhà chính trị tầm cỡ thế giới này đều công nhận một thực tế: cục diện hai cực mới đang xuất hiện, mà họ diễn đạt dưới dạng “hai kẻ thống trị” hoặc “hai thế giới độc lập lẫn nhau”.

Ở Trung Quốc, Viện trưởng Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế Đại học Thanh Hoa Diêm Học Thông cho rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc có thể làm cho cục diện đơn cực do Mỹ chủ đạo từ sau Chiến tranh lạnh biến thành cục diện hai cực do Trung Quốc và Mỹ chủ đạo trong 10 năm tới…; Ông còn nói, “ Ngoài sự trỗi dậy của Trung Quốc, một nhân tố quan trọng nữa thúc đẩy sự hình thành cục diện hai cực mới là thực lực của các cường quốc khác kém xa Mỹ – Trung; hiện không có cường quốc nào có thực lực tổng hợp vượt quá ¼ của Mỹ và ½ của Trung Quốc. Trong 10 năm tới thực lực các cường quốc này không thể bằng Trung Quốc, chưa nói đến Mỹ (Nguồn: “Thế giới hai cực mới”- “Đổng sự hội” số 12 –  23/2/2021). Từ năm 2013, Diêm Học Thông đã dự báo “đến cuối năm 2023, thế giới sẽ chứng kiến sự xuất hiện của cục diện lưỡng cực” (Tạp chí “Chính trị quốc tế” 2/2/2017).

2. Các yếu tố làm căn cứ để đoán định “cục diện hai cực mới” Trung – Mỹ: 

Ngày nay, “cục diện” thường để chỉ sự so sánh và bố trí tổ chức lực lượng tổng hợp hiện thực giữa các nước lớn. Phương Tây hay dùng “hệ thống” hoặc “trật tự” thay cho “cục diện” nhưng dù là “cục diện” hay “trật tự”, đều là một khái niệm mang tính tổng hợp, tính toàn cục và tính chiến lược.

Các yếu tố để xem xét “cục diện hai cực mới:

(i)   Vai trò chi phối của Mỹ và Trung Quốc trong trật tự kinh tế – chính trị quốc tế

– Về tổng lượng kinh tế: 12 năm từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 đến 2020, GDP Trung Quốc tăng 10.140 tỉ usd, Mỹ tăng 6.230 tỉ USD, trên 200 quốc gia còn lại trên thế giới chỉ tăng 4.630 tỉ usd, không bằng ½ mức tăng của Trung Quốc. Cống hiến của hai nước Trung – Mỹ cho tăng trưởng toàn cầu 12 năm qua đạt 80%; Thực lực của các cường quốc khác còn kém xa, không thể so sánh với Mỹ – Trung. Sự trỗi dậy phi thường của Trung Quốc đã trở thành nhân tố quan trọng đóng góp cho ưu thế của Trung – Mỹ trong so sánh thực lực toàn cầu, cũng là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự hình thành của cục diện hai cực mới.

– Về tài chính tiền tệ: Trung – Mỹ là hai nền tài chính hùng mạnh nhất, các chủ nợ lớn nhất, đồng USD vẫn giữ địa vị thống soái, chưa có dấu hiệu nào có thể thay thế đồng USD; đồng NDT đang lên; Mỹ – Trung là những bên đóng góp chủ yếu cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, cho các khoản viện trợ phát triển, viện trợ nhân đạo…

Trung – Mỹ đóng vai trò dẫn dắt sự phát triển của khoa học kỹ thuật toàn cầu, đặc biệt là trên các lĩnh vực công nghệ mới. Ảnh minh họa

– Trung – Mỹ đóng vai trò dẫn dắt sự phát triển của khoa học kỹ thuật toàn cầu, đặc biệt là trên các lĩnh vực công nghệ mới, mang tính chiến lược như trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử, chip điện tử, kinh tế số… Đầu tư cho nghiên cứu phát triển của Trung Quốc và Mỹ chiếm 80% toàn cầu; Trong số 20 công ty khoa học kỹ thuật lên sàn giao dịch chứng khoán hàng đầu thế giới, Mỹ chiếm 12 công ty, Trung Quốc chiếm 8 công ty, các nước còn lại không có công ty nào. Đặc biệt vai trò của Mỹ – Trung trong “thời đại số” đã được khẳng đinh (Trong “Báo cáo kinh tế số năm 2019”, GATT cho biết, trên lĩnh vực kinh tế số, đã hình thành cục diện hai cực Trung – Mỹ (blokchain(chuỗi khối) của hai nước chiếm 75% của thế giới, mạng chiếm 50%, máy tính đám mây chiếm 75%…). “Thời đại số” có một số đặc trưng có thể thúc đẩy sự hình thành cục diện hai cực mới: Vai trò của nhân tố hình thái ý thức trong quan hệ quốc tế, kể cả trong quan hệ Trung – Mỹ giảm đi nhiều so với trước; Hạt nhân của cạnh tranh chiến lược mước lớn, kể cả Trung – Mỹ chuyển sang cạnh tranh về năng lực sáng tạo khoa học công nghệ, trong cạnh tranh có sự liên kết và hợp tác; Trong thời đại số, tính linh hoạt trong quyết sách cao hơn tính nguyên tắc, do đó khả năng thỏa hiệp trên những lĩnh vực “lợi ích chung” cũng cao hơn.

– Về quân sự: Mỹ – Trung là hai cường quốc hạt nhân, có lực lượng răn đe chiến lược hàng đầu thế giới; Công nghệ quốc phòng và kỹ thuật quân sự Mỹ vẫn chiếm ưu thế hàng đầu, Trung Quốc đang vượt lên nhanh chóng, đang xây dựng “đội quân số 1 thế giới”. Bên cạnh đó, Trung – Mỹ cũng có những ưu thế nhất định về sức mạnh mềm văn hóa, giúp củng cố vị thế của hai nước trên trường quốc tế

Cliff Kupchan, Chủ tịch tập đoàn Âu – Á, đã từng là cố vấn cao cấp tại Bộ Ngoại giao Mỹ thời Clinton nhận xét: “Mặc dù Trung – Mỹ đều đứng trước những thách thức nhất định nhưng hai nước vẫn có ưu thế mang tính kết cấu rõ ràng so với các quốc gia khác trên các lĩnh vực quân sự, kinh tế, sức mạnh mềm… Nói cách khác, cục diện hai cực Trung – Mỹ đã hình thành và sẽ tiếp tục trong một tương lai có thể nhìn thấy” (“Sự trở lại cục diện hai cực và cạnh tranh trật tự Trung – Mỹ” 10/6/2022, China Rerception Moniter).

(ii) Những bài học về lợi – hại được rút ra từ thực tiễn cạnh tranh, đối đầu Trung – Mỹ trong quá khứ: Dù cạnh tranh gay gắt đến đâu, mục tiêu cạnh tranh vẫn được quy về lợi ích quốc gia. Các đòn trừng phạt và phản trừng phạt, chiến tranh thương mại… trong quá khứ đã để lại những tổn thất nặng nề mà cả Mỹ và Trung Quốc đều phải gánh chịu, ngày càng thấm đòn, nhìn chung là trái với lợi ích thực tế của cả hai bên. Mỹ và Trung Quốc đều đã tuyên bố cùng quản lý bất đồng, làm cho cuộc cạnh tranh giữa hai bên “mang tính xây dựng”.

(iii) Đòi hỏi của lợi ích chung toàn cầu, của thời đại: nhu cầu hợp tác xử lý các vấn đề toàn cầu tập trung vào các chủ đề hòa bình và phát triển, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, ứng phó với biến đổi khí hậu… Trong đó với tư cách là hai siêu cường duy nhất, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ Trung vẫn phải gánh vác trách nhiệm hàng đầu không thể thoái thác

(iv) Sự phản tỉnh chiến lược của hai bên theo hướng tập trung hơn cho phát triển kinh tế, khoa học công nghệ, giành quyền phát ngôn trong quá trình hình thành trật tự thế giới mới và cải cách hệ thống quản trị toàn cầu

Cả Mỹ và Trung Quốc gần đây đã có những hoạt động cấp tập theo hướng tăng cường quản lý bất đồng, ngăn chặn bất đồng leo thang thành xung đột. Cả hai bên đều muốn tỏ cho thế giới biết rằng đây là nhận thức chung của nguyên thủ hai nước

Trong cuộc gặp Biden – Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20, Bali, Indonesia tháng 11/2022, Tổng thống Mỹ Biden khẳng định cả hai nước đều có trách nhiệm xử lý bất đồng, ngăn ngừa cạnh tranh trở thành xung đột, đồng thời cam kết duy trì các kênh tiếp xúc giữa hia bên. Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình nhận định, giữa hai nước còn nhiều khác biệt, nhưng điều quan trọng là không để những khác biệt này trở thành rào cản trong quan hệ song phương. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng cho rằng “quan hệ song phương hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu cơ bản của hai nước và của người dân, cũng như kỳ vọng của cộng đồng quốc tế”. Tập Cận Bình nhấn mạnh, hai nước “cần phải tìm ra hướng đi đúng đắn và nâng tầm mối quan hệ trong tương lai”, “lợi ích của cả hai nước là cùng chung sống hòa bình”. (Theo kênh CNN ngày 14/11/2022). Tổng thống Biden còn tuyên bố, “Với tư cách là người đứng đầu mỗi nước, chúng tôi chia sẻ trách nhiệm nhằm chứng tỏ rằng Trung Quốc và Mỹ có thể quản lý bất đồng, ngăn chặn mối quan hệ cạnh tranh bị đẩy lên mức xung đột, đồng thời tìm cách hợp tác trong các vấn đề toàn cầu cấp bách…”.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken cũng đã có chuyến thăm Trung Quốc vào 18-19/6/2023 (chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của một quan chức nội các Biden) nhằm “thiết lập cơ chế kiểm soát bất đồng”, tiếp theo là các chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Thương mại, của đặc sứ John Kerry; Ngoại trưởng Tần Cương cũng sẽ có chuyến thăm Mỹ trong 6 tháng cuối năm 2023. Đặc biệt đáng chú ý là Tập Cận Bình và Biden sẽ lại gặp nhau tại Hội nghị APEC tháng 11/2023 ở California, rất có thể sẽ tạo nên một giai đoạn mới của quan hệ Trung – Mỹ, làm sảng tỏ hơn hướng đi tương lai của cặp quan hệ quan trọng hàng đầu này.

3. Sự khác biệt giữa “hai cực mới” và “hai cực thời Chiến tranh lạnh”

– Lực lượng trung tâm từ Mỹ – Xô chuyển sang Mỹ – Trung.

– Điều khác biệt bao trùm là “hai cực mới” được vận hành trong một thế giới “kinh tế toàn cầu hóa”, “thương mại tự do hóa” và “chính trị đa trung tâm hóa”; mọi thành viên thuộc cả hai cực, dù muốn hay không muốn, đều phải tuân thủ những nguyên tăc cơ bản trong “luật chơi mới”, trong khuôn khổ “toàn cầu hóa kinh tế” và “đa trung tâm hóa chính trị”. Khác hẳn với “hai cực cũ” được vận hành trong không khí Chiến tranh lạnh, mọi sự tiếp xúc đều bị “bức màn sắt” cản trở

– Từ đối đầu trực tiếp tuyệt đối sang vừa cạnh tranh vừa hợp tác, “hợp tác khi cần thiết, cạnh tranh là thường xuyên và đối đầu khi bắt buộc”; có kiềm chế, quản lý bất đồng không để bất đồng đi đến đối kháng; hợp tác giải quyết những vấn đề chung toàn cầu là một đòi hỏi khách quan; thắng thua giữa hai cực không được quyết định bởi những biện pháp triệt tiêu lẫn nhau mà là bởi vai trò đóng góp cho xây dựng trật tự thế giới mới. Khác với Xô – Mỹ, Trung – Mỹ chưa hề gián đoạn tiếp xúc chính trị và ngoại giao, đồng thời phần lớn các quốc gia hiện nay đều giữ quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ, có nghĩa là trở thành đồng minh của Mỹ không nhất thiết phải cắt đứt quan hệ thương mại với Trung Quốc và ngược lại

– “Hai cực mới” phải đáp ứng những yêu cầu mới của thời đại mà cục diện cũ chưa đặt ra: bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số… đòi hỏi sự hợp tác toàn cầu, nhất là giữa các cường quốc, đặc biệt là hai trung tâm của hệ thống thế giới Mỹ – Trung.

– Mục tiêu cạnh tranh không phải là triệt tiêu lẫn nhau mà là giành quyền phát ngôn trong tiến trình hình thành trật tư thế giới mới, trong tiến trình cải cách hệ thống quản trị toàn cầu; có nhu cầu chung là ngăn chặn chiến tranh, đặc biệt là ngăn chặn chiến tranh hạt nhân; phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật được ưu tiên hơn chạy đua vũ trang; sự phụ thuộc lẫn nhau, bổ sung cho nhau giữa các nền kinh tế trở thành nhận thức chung của các quốc gia.

4. Ảnh hưởng có thể có của cục diện “Hai cực mới”

Sơ bộ có thể thấy:

– Tuy cạnh tranh quyết liệt nhưng dưới cơ chế vận động của cục diên hai cực mới, khả năng nổ ra chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ hoặc chiến tranh thế giới là rất thấp. Cả Mỹ và Trung Quốc không bên nào có đủ can đảm và thực lực để phát động chiến tranh hạ gục đối phương. Cả hai đều là cường quốc hạt nhân và hầu như là lực lượng duy nhất (Nga phụ thuộc vào Trung Quốc) có thể kiểm soát khả năng bùng phát chiến tranh hạt nhân, nếu hai bên hợp tác với nhau. Cả Trung Quốc và Mỹ đều coi kinh tế là cơ sở của thực lực quốc gia, thông qua thực lực kinh tế để phát huy ảnh hưởng quốc tế của mình. Cạnh tranh kinh tế – kỹ thuật sẽ trở thành tâm điểm cạnh tranh giữa hai siêu cường nhằm  đạt đến mục tiêu thống lĩnh kinh tế, qua đó để chi phối chính trị chiến lược. Tất nhiên điều này không thể xẩy ra trong điều kiện chiến tranh, ngược lại cần hợp tác ngăn chặn chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh hạt nhân. Vì vậy có thể nói, cục diện hai cực mới  sẽ đóng vai trò kiềm chế bùng phát chiến tranh thế giới, trước hết là chiến tranh hạt nhân đồng thời tạo điều kiện hơn cho hợp tác cùng phát triển trên phạm vi toàn cầu

– Quyền lực tập trung cao hơn vào hai cực Mỹ – Trung có thể sẽ giúp đơn giản hóa và tiện lợi hóa trong xử lý các vấn đề toàn cầu; đồng thời tính ràng buộc lẫn nhau giữa hai cực cũng lớn hơn, buộc hai cực đều phải tôn trọng các quy chế thành văn hoặc bất thành văn trong quá trình xử lý các vấn đề toàn cầu. Điều này có thể giúp hai siêu cường có ý thức hơn về trách nhiệm cuả họ với thế giới, với nhân loại. Mặt khác việc tập trung quyền lực cao vào hai siêu sẽ làm cho Trung – Mỹ chú ý đến song phương nhiều hơn đa phương, lấy song phương Trung – Mỹ để dẫn dắt đa phương, sẽ dẫn đến những bất bình phổ biến đối với các “trung tâm chính trị” khác

– Trong thế giới hai cực, vị trí của trung tâm thế giới đòi hỏi phải đáp ứng hai điều kiện, một là vị trí đó phải nằm ở khu vực trung tâm của cạnh tranh chiến lược giữa hai nước đứng đầu hai cực; hai là vị trí địa lý của một trong hai cực phải thuộc khu vực đó. Trong 10 năm tới chỉ có Đông Á là đáp ứng được hai điều kiện đó (tâm điểm của cạnh trang Trung – Mỹ và là nới siêu cường Trung Quốc thuộc về). Như vậy có nghĩa là lợi ích lớn nhất của cả Mỹ và Trung Quốc đều nằm ở Đông Á; nói cách khác trung tâm của chính trị toàn cầu cũng sẽ chuyển từ châu Âu sang Đông Á và đây cũng là tâm điểm của cạnh tranh Trung – Mỹ trong cục diện lưỡng cực mới.

Cục diện hai cực mới không thể không tính đến vai trò của Nga – cường quốc hạt nhân. Hình ảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko – Ảnh: REUTERS

Ở đây nói đến “cục diện hai cực mới” chỉ mới ở dạng là một “xu thế”, còn rất nhiều chuyện phải bàn; liệu xu thế này có trở thành hiện thực? Cơ chế hoạt động? Lợi ích của mỗi cực và của cộng đồng quốc tế? Sự tham gia của các lực lượng chính trị khác vào “hai cực mới”… đặc biệt là vai trò của Nga, một cường quốc hạt nhân hàng đầu, đang thực hiện “hành động quân sự đặc biệt” chưa thấy hồi kết tại Ukraine… Tuy nhiên người viết bài này cho rằng, đã có nhiều dấu hiệu, nhiều dự báo về sự xuất hiện của cục diện hai cực mới; các quốc gia cần chuẩn bị sẵn sàng để thích nghi và ứng phó khi nó thật sự xuất hiện.■

Tùng Lâm

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN