Vua cuối cùng của triều đại cuối cùng xin thoái vị và thẳng thắn trả lời các nhật báo tại Hà Nội*

Không khí cách mạng những ngày tháng 8/1945 ào lên như sóng lớn trên khắp mọi miền Tổ quốc. Tại thành phố Huế, trung tâm của chế độ phong kiến nhà Nguyễn, ngày 23/8/1945, Việt Minh đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền. Hoàng đế Bảo Đại đánh điện mời đại biểu của Chính phủ lâm thời vào kinh đô để trao ấn kiếm. Tạp chí Phương Đông xin giới thiệu tới độc giả bài viết kể lại buổi lễ thoái vị của Vua Bảo Đại chiều ngày 30/8/1945 trong cuốn hồi ký “Bình Trị Thiên tháng Tám bốn lăm” (nhiều tác giả, xuất bản năm 1985), cùng nội dung trả lời phỏng vấn báo chí của “công dân Vĩnh Thụy” ngay sau khi rời kinh đô ra Hà Nội làm cố vấn cho Chính phủ lâm thời, đăng trên báo “Dân thanh” tháng 9/1945. (*Tiêu đề do BBT đặt)

VUA CUỐI CÙNG CỦA TRIỀU ĐẠI CUỐI CÙNG XIN THOÁI VỊ

Thanh Tịnh

Đó là một buổi chiều mùa thu trời mát dịu, trong kinh thành Huế trước cửa Ngọ Môn. Đại biểu gái trai, già trẻ của sáu huyện Phú Vang, Phú Lộc, Hương Trà, Hương Thủy, Phong Điền, Quảng Điền từ núi xuống, từ biển lên, từ đồng quê đến cùng với các tầng lớp nhân dân thành phố Huế đã tập hợp đông đủ, hàng ngũ chỉnh tề trên quãng sân cỏ trải rộng từ trước cửa Ngọ Môn đến chân cột cờ. Đứng phía trước là 18 hàng nữ sinh mặc quần trắng, áo dài trắng. Tiếp theo sau là các đoàn phụ nữ mặc áo dài tím, quần trắng. Đoàn quân nhạc gồm 130 người do ông Minh chỉ huy đứng bên phải. Các đoàn bộ đội với súng trường cắm lưỡi lê sáng loáng đứng bên trái. Các đoàn thanh niên, học sinh mặc áo sơ mi trắng, quần xanh đứng phía sau cùng. Phía chính giữa là đại biểu nhân dân tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế gồm gần một vạn người mặc áo đủ màu, đủ kiểu, xếp thành một ô vuông rất lớn. Không một ai đứng ra ngoài ô vuông này. Mấy o bán chè, mấy em bán kẹo, mấy bác kéo xe đến đây để tìm khách hàng cũng được mấy anh thanh niên trật tự thu xếp chỗ đứng mời vào trong ô vuông trên. Đúng là hình ảnh một khối đoàn kết chặt chẽ và vững bền. Nổi bật lên trong ô vuông này, giữa rừng người này là cờ đủ cỡ to nhỏ bay phần phật, là khẩu hiệu cách mạng, súng, gươm, giáo, gậy, mác, đòn xóc dựng lên tua tủa, san sát.

Tất cả đều đứng yên lặng. Không khí uy nghi và trang nghiêm lạ thường.

Đúng 3 giờ chiều. Bảo Đại bịt khăn vàng, mặc áo vàng, lên đứng trên lầu cửa Ngọ Môn phía bên trái. Đoàn đại diện của Chính phủ lâm thời ta đứng bên phải.

Tiếng loa bỗng vọng lên:

“Yêu cầu toàn thể đồng bào lắng nghe bản tuyên bố xin thoái vị”.

Nhân dân đã yên lặng càng yên lặng.

Bảo Đại cầm sẵn cuộn giấy trắng trong tay liền mở ra đọc. Hai tay cầm giấy hơi run. Giọng ngập ngừng, chậm chạm, như vừa đánh vần vừa đọc. Vốn Bảo Đại hằng ngày chỉ quen nói tiếng Pháp. Bảo Đại đọc nhỏ, hai loa nhỏ phát ra tiếng không lớn lắm, nhưng vì nhân dân hết sức yên lặng nên cũng nghe được khá rõ.

– “… Trẫm xin đặt hạnh phúc của trăm họ lên trên ngai vàng của trẫm…”

Câu này có ý nói Vua xin thoái vị để làm thường dân và xin đặt hạnh phúc của nhân dân lên trên hết, ở địa vị cao đẹp nhất. Phải nhận câu này ý hay, nhưng Bảo Đại lại đọc không trôi chảy lắm, khi đọc xong lại dừng một chút như muốn nuốt một tiếng thở dài.

Bảo Đại đã đọc xong bản tuyên bố xin thoái vị. Không một tiếng vỗ tay. Nhân dân yên lặng. Bảo Đại đưa tay mở cúc áo ở cổ như vừa bị ngạt thở. Như được ai nhắc, Bảo Đại liền quay về bên phải, hai tay nâng chiếc khay trên đã đặt sẵn ấn và kiếm (tượng trưng cho quyền lực của nhà Vua) rồi hơi nghiêng mình trao cho đồng chí Trần Huy Liệu, đại diện Chính phủ lâm thời ta thu nhận. Khi đồng chí Trần Huy Liệu tiến ra phía trước đưa khay lên cao như giới thiệu ấn, kiếm đã về tay nhân dân thì tiếng vỗ tay mới nổ vang và kéo dài như sấm.

Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Trần Huy Liệu (phải) nhận thanh kiếm nạm ngọc từ Vua Bảo Đại trong lễ thoái vị chiều 30/8/1945 tại Ngọ Môn, Huế. Ảnh: Lưu trữ Cộng hòa Pháp

Từ trên Ngọ Môn, tiếng loa lại vang lên: “Hạ cờ cũ xuống!”

Cờ quẻ ly, cờ của Chính phủ thân Nhật Trần Kim Trọng (giống như cờ ba que, chỉ khác que giữa bị cắt đôi thành hai que ngắn) đang từ trên đỉnh cao rớt xuống nhanh như giọt nước mắt lớn sa xuống đất. Trên Ngọ Môn, Bảo Đại cùng với đoàn người trong chính phủ bù nhìn nhìn cờ xuống cũng ủ rũ cúi đầu xuống theo.

Tiếng loa lại vang lên: “Mời tất cả hướng ra kỳ đài!”

Hàng ngàn người cùng một lúc quay lưng phía Ngọ Môn, phía Hoàng cung để nhìn ra phía kỳ đài, tức là phía sông Hương, phía núi Ngự, phía Nam của Tổ quốc. Lần này các đoàn thể thanh niên đứng hàng đầu.

Chiếc ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” đúc năm 1823 (thời Vua Minh Mạng) được Vua Bảo Đại bàn giao cho chính quyền cách mạng trong lễ thoái vị. Chiếc ấn lưu lạc ở Pháp trong nhiều năm, mới đây đã được một người Việt Nam mua lại từ nhà đấu giá Millon (Pháp). Ảnh: www.millon.com

Tiếng loa tiếp vang lên dõng dạc, dồn dập: “Phát năm tiếng lệnh! Quốc ca! Thượng quốc kỳ!”

Ba yêu cầu đề ra cùng một lúc. Tất cả đều làm rất ăn khớp. Giữa tiếng lệnh từ trên thành cao nổ vang trời, bản Quốc ca cất lên uy nghiêm hùng tráng thì là cờ đỏ sao vàng cũng từ từ vươn lên, vươn lên oai hùng giữa trời mây bát ngát.

Hàng chục ngàn người cùng một lúc nhìn theo cờ ngẩng đầu lên cao, nhìn thẳng, tự hào, hiên ngang, hùng dũng.

(Báo QĐND số 5888, 21/8/1977)

***

Trong cuộc hội kiến với đại biểu các nhật báo ở Hà Nội

ÔNG VĨNH THỤY ĐÃ TUYÊN BỐ Ý KIẾN SAU KHI THOÁI VỊ

Dân thanh, số 7, ngày 11/9/1945

Một vị Hoàng đế, hôm trước còn ngồi cai trị muôn dân, hôm sau đã vui lòng bỏ ngai vàng, bước xuống đứng vào hàng công dân, cùng quốc dân vui sống một cuộc đời bình dị. Không những vậy, vị Hoàng đế cao quý ấy lại còn hăng hái xông pha trong hàng ngũ dân chủ để cùng quốc dân lo toan việc củng cố nền độc lập cho giang sơn đất nước. Thực từ nghìn xưa tới nay, trong lịch sử nhân loại chưa nước nào được thấy có một vị Hoàng đế chịu hy sinh vì dân vì nước đến bậc ấy. Chỉ mới ở nước Việt Nam chúng ta ngày nay mới thấy Hoàng đế Bảo Đại treo cao tấm gương hy sinh và ái quốc đến tột bậc như thế.

Vị Hoàng đế ấy ngày nay đã là một công dân của nước, sẵn sàng đem sức lực và tài sản ra giúp nước, đã vui lòng ra Hà Nội làm cố vấn cho Chính phủ Nhân dân và chỉ dùng tục danh là ông Vĩnh Thụy.

Ông Vĩnh Thụy lưu lại Hà thành đã được 4 hôm. Quốc dân đồng bào hẳn nhiều bạn cũng muốn được nghe ngài tuyên bố vài lời để biết thêm cho rõ ràng về nguyên nhân thoái vị của ngài. Công việc tìm biết những điều ấy lẽ cố nhiên là phóng viên các nhật báo phải đảm nhiệm.

Bởi vậy, chiều hôm thứ Sáu, mồng 7 tháng 9 dương lịch, hồi 5 giờ, đại biểu các báo hàng ngày ở Hà Nội đã tới yết kiến ông Vĩnh Thụy tại nhà số 51 phố Trần Hưng Đạo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng “công dân Vĩnh Thuỵ”, Cố vấn của Chính phủ lâm thời Việt Nam,  dự “Ngày tiễu trừ giặc đói” 11/10/1945. Ảnh tư liệu

Do ông Vĩnh Cẩn đón tiếp rồi hướng dẫn vào phòng khách, hơn 10 bạn ở các báo Dân quốc, Dân chủ, Quốc gia và Dân thanh đã được ông Vĩnh Thụy tiếp rất niềm nở thân mật như những bạn quen biết đã từ lâu không gặp mặt.

Ông Vĩnh Thụy bận âu phục, áo ngắn tay, quần màu tím kẻ caro, so với hồi năm 1933 ông còn ở ngôi ra tuần du đất Bắc thì ngày nay ông có phần khỏe mạnh, vạm vỡ hơn. Cử chỉ của ông có vẻ phong lưu mã thượng.

Sau khi mọi người đã an tọa, chúng tôi bắt đầu nói chuyện.

Luôn luôn với một nụ cười tươi tắn nở trên môi, ông Vĩnh Thụy trả lời những câu hỏi của chúng tôi một cách tự nhiên, không cần suy nghĩ. Dưới đây chúng tôi xin ghi lại những câu đàm thoại trong cuộc nói chuyện thân mật ấy:

– Khi ngài còn giữ ngôi báu, gần đây ngài có mấy cử chỉ đáng để quốc dân chú ý. Ngài hạ Dụ lấy “dân vi quý”, ngài ước muốn làm dân một nước độc lập còn hơn làm Vua một nước nô lệ, ngài nhường quyền cho dân chúng rồi ngài lại nhận làm cố vấn cho Chính phủ Cộng hòa. Những cử chỉ ấy làm cho chúng tôi suy nghĩ nhiều và vì thế chúng tôi đến đây trước là chào ngài, sau là để mong ngài cho biết một vài ý kiến.

Sau cuộc đảo chính ngày 9 tháng Ba, ngài có tuyên bố với báo giới “Dưới quyền người Pháp ngài có mắt không được trông, có tai không được nghe”; vậy ngài có thể cho chúng tôi rõ được những sự áp bức, che đậy của những nhà thực dân Pháp ra sao? Vì sự thật dân chúng trong thời kỳ ấy không biết rõ sự áp chế của Pháp đối với ngài ra sao nên thường có những dư luận sai lầm.

Ông Vĩnh Thụy gật đầu mỉm cười trả lời:

– Tôi đã thoái vị. Việc đã xong. Chính phủ lại mời ra làm cố vấn. Tôi vui lòng ra đây để làm yên lòng Chính phủ. Nói đến chuyện trước kia thì người Pháp khi nào cũng muốn để tôi ngồi yên một chỗ, không cho ra ngoài thân mật với dân, cho nên trong 20 năm làm Vua, tôi chỉ ra Bắc có một lần và một lần vào Nam kỳ. Lần vào Nam Kỳ họ không cho dân chúng đón rước chi cả, nên tôi vô trong đó cũng như một người thường. Còn ở xung quanh tôi thì họ cho toàn những người để làm mật thám. Tôi rất buồn và biết rằng không thể làm được việc chi ích lợi cho dân…

– Thưa ngài, như vậy nghĩa là người ta muốn để ngài biết việc gì thì ngài mới được biết…

– Phải! Họ muốn làm gì thì họ đưa phiếu tâu để tôi phê ký. Nhưng trước khi tôi được coi thì Khâm sứ đã ký rồi. Thành ra tôi không có một sáng kiến gì cả.

Nói tới đây, ông Vĩnh Thụy cười một tiếng rất to và nhìn về phía ông Vĩnh Cẩn.

Các bạn phóng viên lại gặng hỏi thêm ngài về một vài điều áp bức của người Pháp mà ngài còn nhớ thì ông Vĩnh Thụy cúi đầu ngẫm nghĩ như để tìm lại đôi chút trong trí nhớ, rồi nói:

– Mục đích của Tây là nếu ai định tâm ra giúp ích cho dân cho nước thì họ kiếm cách làm cho xa tôi ra. Nếu không xa được thì họ phế. Hồi năm 1939 tôi sang Pháp có đưa cho ông Tổng trưởng thuộc địa một bản chương trình xin sáp nhập hai xứ Trung – Bắc kỳ với nhau. Tôi không nói tới xứ Nam kỳ là vì họ đã lấy làm thuộc địa. Ông Tổng trưởng thuộc địa bèn bảo để đánh điện hỏi ông Toàn quyền Đông Dương xem ra sao. Trong lúc này thì họ bắt đăng lên báo nói những điều này điều nọ và sau cùng ông Tổng trưởng thuộc địa cho tôi biết rằng dân ở Bắc kỳ không muốn trở lại với Vua nữa. Ông ta đưa cho tôi xem bức điện tín nói như vậy thì tôi còn làm chi được.

Còn một vài điều, nói ra thì cũng ngượng, là: Điện đài lăng tẩm trong đó có nhiều nơi hư hỏng, sửa chữa cũng mất tới vài vạn đồng. Vì ngân sách Nam triều ít quá tôi có xin thêm tiền để sửa chữa thì họ chần chừ, mãi sau cho được vài nghìn đồng. Cũng vì có nhiều chuyện buồn như vậy nên tôi chỉ muốn vô núi vô non cho quên hết mọi điều thôi.

Vì tôi hay đi chơi nên có một lần người Pháp đã hỏi tôi: Sao ngài không làm việc gì mà cứ đi chơi hoài như vậy. Tôi bèn trả lời: “Các anh phải bỏ chức Toàn quyền ở đây, tôi mới làm việc được”.

Vua Bảo Đại ra thăm Hải Phòng, tháng 12/1933. Ảnh: Flickr manhhai

Câu chuyện bọn thực dân áp chế nhà Vua và lộng quyền tưởng nói đến thế cũng là nhiều, chúng tôi tiếp đến các chuyện khác:

– Ngài đương làm chúa tể một nước vừa được giải phóng, đương mưu tính việc hoàn toàn độc lập, vì dân chúng nóng lòng về việc nước, thấy chính phủ cũ không cấp tiến, nên yêu cầu ngài thoái vị cho hợp với dân nguyện, ngài quả quyết nhường bước, để việc nước lên trên ngai vàng, cốt đi tới mục đích “Nước Việt Nam độc lâp”, và để cho lời nói đi đôi với việc làm ngài lại nhận ủng hộ chính phủ nhân dân, ngài ra Hà Nội sung chân cố vấn của Chính phủ lâm thời, nay ngài đã dự kỳ hội đồng chính phủ, vậy ngài cho chúng tôi biết cảm tưởng của ngài khi tới Hà Nội, khi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và sau khi dự hội đồng chính phủ? Nhân tiện ngài cho chúng tôi biết cả cảm giác đầu tiên của ngài khi nhận dấu hiệu của Chính phủ Cộng hòa Dân chủ đính lên ngực và khi rời bỏ Hoàng cung?

Không cần phải suy nghĩ gì về câu hỏi quá dài của chúng tôi, ông Vĩnh Thụy, như đã hội trước được các ý tưởng, trả lời rất rành mạch:

– Tôi lên đường ra Bắc bộ, có ghé mấy tỉnh ở phía bắc Trung bộ và ghé Ninh Bình với Phủ lý. Tới đâu tôi cũng thấy nhân dân vui vẻ và quả quyết, hăng hái để đi đến chỗ độc lập hoàn toàn, tôi rất vui lòng.

Đến Hà Nội, tôi được mời qua Dinh Bắc bộ họp Hội đồng, gặp anh em trong Chính phủ một cách vui vẻ thân mật. Lần trước tôi ra Hà Nội không thấy rõ ràng một cái gì. Lần này đi lại tự do, tôi có thể biết rõ được nhiều hơn trước. Chính phủ có hỏi tôi các điều về Trung bộ, tôi cũng đã nói rõ hết.

Về cảm giác của tôi khi nhận dấu hiệu của Chính phủ mới thì ban đầu thấy cuộc lễ tôi cũng có ý lo lo, nhưng sau thấy đại biểu Chính phủ đối đãi đặc biệt nên không còn lo ngại gì nữa và tôi còn thấy vui vẻ, vì từ trước tôi cũng đã hy sinh rồi…

Chúng tôi hỏi thêm một câu về đoạn này:

– Chúng tôi nghe có người nói rằng: Sau khi đã làm lễ trao quyền rồi, ngài có ý muốn rời ngay Huế để đi nơi khác.

Ông Vĩnh Thụy gật đầu, nói một cách điềm đạm:

– Sau khi trao quyền rồi, tôi cũng có ý muốn xa ngay kinh thành, cốt để tránh khỏi mọi sự nghi ngờ và cho Chính phủ tiện làm việc vì tôi sợ rằng, tôi còn ngồi ở đây thì có người sẽ lợi dụng tôi…

– Ngài ra Hà Nội, lưu lại ở đây mãi, hay chỉ ở trong một thời kỳ ngắn, rồi trở về Thuận Hóa?

– Tôi ra đây mục đích giúp Chính phủ thực hiện nền hoàn toàn độc lập. Việc gì tôi cũng hết lòng giúp đỡ. Tôi còn lưu lại đây, ngày về chưa nhất định.

– Ngài đã vui lòng giúp Chính phủ lâm thời, vậy ngài có ý định đề nghị mời các nhân vật đã giúp việc ngài đắc lực để tham gia Chính phủ lâm thời không?

– Tôi không có ý định gì cả. Trước khi đi, tôi cũng có gặp mấy ông trong Nội các cũ thì các ông cũng đồng ý: “Trong lúc này phải đoàn kết tất cả thì mới sống, nếu chia rẽ thì sẽ chết”.

Chúng tôi có hỏi ý kiến của ngài về nội các Trần Trọng Kim thì được ngài trả lời:

– Nội các Trần Trọng Kim trước khi nhận chức cũng biết là công việc khó khăn. Mọi việc đối với Nhật rất khó, lại phải tổ chức nhiều việc, tuy vậy họ cũng cố làm, mong cho mỗi ngày một khác. Nhưng sau lâu không thấy được kết quả gì, nên đã có lần xin từ chức. Họ là những người hết lòng ra làm việc và biết làm chứ không phải là bất lực.

Hỏi về cận trạng cựu Thủ tướng Trần và các vị bộ trưởng khác thì ông Vĩnh Thụy nói: Hiện nay họ vẫn được tự do như trước, chỉ có Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi và Hồ Đắc Khải bị bắt giữ thôi.

Hỏi về hai chiếc máy bay mà ngài biếu Chính phủ nhân dân với các cung điện ở Huế thì ông Vĩnh Thụy đáp:

– Hai chiếc phi cơ ấy, một chiéc kiểu Morane còn một chiếc máy bay nhỏ để học cầm lái, hiện vẫn còn để ở Huế trong sân bay ở Hoàng thành. Còn các cung điện thì tôi đã giao ngay trả Chính phủ. Đồ đạc riêng của tôi, tôi đã dọn về nhà riêng ở bên An Cựu rồi. Tôi chỉ yêu cầu Chính phủ có một điều về việc giữ gìn lăng miếu thôi.

Chúng tôi lại hỏi về việc ông hoàng Ai Lao cùng đi với ông ra Bắc thì ông nói:

– Ông hoàng Ai Lao ấy là Souphanophon làm kỹ sư công binh ở Vinh. Tình cờ ông gặp tôi là chỗ quen biết cả nên ông cùng đi cho vui. Cả lại ông cũng muốn ra Bắc để điều đình với Chính phủ về việc để cho ông về Ai Lao. Ý ông cũng muốn cho nước Lào độc lập, cộng tác với nước ta. Ông muốn giải một vài điều hiểu lầm của đám dân chúng Lào với Chính phủ Việt Nam vì đám dân kia không hiểu gì nên nghe tụi Pháp xui làm bậy.

– Nhân tiện, xin ngài cho chúng tôi biết dư luận của Hoàng phái đối với việc ngài nhường quyền cho nhân dân và nhận giúp Chính phủ lâm thời?

– Trong Hoàng phái thì cũng có kẻ có ý tiếc nhưng cũng có kẻ hiểu biết. Tôi có làm Chiếu nói rõ và hiểu dụ riêng, bảo cho biết rằng nước mình phải tới rứa thì mới được.

Cuộc nói chuyện đến đây cũng đã khá lâu. Chúng tôi nghĩ đã đến lúc hỏi câu cuối cùng và là câu rất quan hệ:

– Thưa ngài, chúng tôi nghe đồn rằng: sau khi chính quyền của ông Khâm sai ở Bắc bộ bị đánh đổ, ông Tổng tư lệnh quân đội Nhật có gửi điện tín đến ngài hỏi rằng: Nếu ngài bằng lòng dẹp quân đội cách mệnh thì chỉ trong 24 giờ quân đội Nhật sẽ dẹp xong. Nhưng điều ấy không được ngài ưng thuận; và sự không ưng thuận ấy đã làm cho dân chúng Bắc bộ rất cảm kích. Thưa ngài, lời đồn ấy có đúng không?

Ông Vĩnh Thụy vui lòng nói rõ ràng lại như sau đây:

– Ông Tổng tư lệnh không hề đánh điện vào cho tôi. Bữa ngoài ni có cuộc khởi nghĩa thì ông phó Toàn quyền Tsukomoto có đánh điện vào báo cho ông Yokoyama biết rằng mấy công sở ở ngoài bị chiếm hết rồi. Sau lại thấy ông Nishimura đánh điện vào báo tin rằng có một ông nào đó là ông Long đến báo rằng có chờ mệnh lệnh trong nớ làm chức Khâm sai. Mà những việc này tôi cũng chỉ nghe thấy nói lại giữa người Nhật với người Nhật chứ không chính thức nói với Chính phủ. Còn ở trong nớ cũng có người Nhật không biết là tự ý hay là được phái đến dò ý kiến tôi và nói rằng: Nếu muốn đánh quân cách mệnh thì Chính phủ phải làm đơn gửi cho Nhật xin quân Nhật giúp thì quân Nhật sẵn lòng giúp. Tôi có nói rằng: “Không bao giờ Chính phủ Việt Nam lại làm giấy yêu cầu ngoại quốc đánh dân Việt Nam như vậy”.

Nhìn đồng hồ đã 6 giờ rưỡi; không muốn làm mất thì giờ quý báu của ngài nữa, chúng tôi, tuy còn tiếc rằng câu chuyện đang vui, đành đứng lên xin cáo từ.

Ra về, chúng tôi không khỏi bâng khuâng nghĩ ngợi về tấm gương hy sinh của ngài. Một người đang ngồi trên ngôi giàu sang nhất nước, biết để quyền lợi quốc gia lên trên hết mà vui lòng xuống, để giúp sức cho Chính phủ mới củng cố nền độc lập, thiết tưởng toàn thể quốc dân trong lúc tình thế nước nhà đang nghiêm trọng này, đều nên noi gương hy sinh trên kia, cùng nhau mật thiết đoàn kết để thực hiện cho kỳ được nền độc lập của nước.■

Các báo hàng ngày ở Bắc bộ

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN