Phát triển hệ thống giao thông vận tải, trong đó có giao thông đường bộ nói chung và đường bộ cao tốc nói riêng là một nội dung quan trọng trong việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại của nước ta, là một trong ba khâu đột phá chiến lược, cần ưu tiên đầu tư phát triển đi trước một bước với tốc độ nhanh, bền vững nhằm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Giao thông vận tải có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Muốn phát triển kinh tế – xã hội cần phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải đi trước một bước, trong đó đáng kể nhất là giao thông đường bộ cao tốc. Giao thông đường bộ phát triển, hoàn thiện sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông, chi phí vận tải giảm, giá hàng hóa cạnh tranh, thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu, tạo điều kiện cho sản xuất, lưu thông, đầu tư phát triển và các thuận lợi khác dẫn đến tăng trưởng kinh tế đất nước. Đặc biệt là việc xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc hoàn chỉnh sẽ tạo động lực trong phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo quốc phòng an ninh, xóa đói giảm nghèo, góp phần điều tiết lưu lượng, phương tiện tham gia giao thông, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí xã hội, thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển.
Vào những năm 80 – 90 của thế kỷ trước, hệ thống, mạng lưới giao thông đường bộ Việt Nam trong tình trạng rất khó khăn, thiếu thốn, có thể gọi là “vá chằng vá đụp”. Quốc lộ 1A là tuyến đường bộ dài, lớn nhất cả nước, là tuyến giao thông trục dọc xuyên Bắc – Nam, cùng với các quốc lộ khác trong cả nước đều đã xuống cấp nghiêm trọng, được ví như chiếc áo cũ đã quá chật chội, không đáp ứng được nhu cầu giao thông, vận tải với các phương tiện cơ giới ngày càng tăng, đặt ra yêu cầu cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông nói chung, giao thông đường bộ nói riêng là rất cấp bách nhằm đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa, đầu tư phát triển để tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Khởi đầu là việc xây dựng đưa vào sử dụng tuyến đường tránh Pháp Vân – Cầu Giẽ năm 2001 với 4 làn đường, dài 30km, được gọi là con đường “tiền cao tốc” của Việt Nam. Vào thời điểm đó, những ai đi trên con đường “tiền cao tốc” này ngỡ ngàng về độ hoành tráng của nó. Đường to rộng, phẳng lỳ có thể chạy với vận tốc tối đa 120km/giờ, tuyến quốc lộ 1A chạy song song trở nên lỗi thời và sau đó thưa vắng phương tiện qua lại, ám ảnh ùn tắc ở cửa ngõ phía Nam Thủ đô đã không còn. Tiếp theo, tháng 12/2004, tuyến cao tốc đầu tiên của cả nước là TP Hồ Chí Minh – Trung Lương được khởi công trong niềm hân hoan của người dân Tây Nam Bộ. Tuyến đường dài 61 km này được thiết kế dành riêng cho ô tô với vận tốc cho phép chạy đến 120 km/giờ. Sau 6 năm thực hiện, tuyến cao tốc này mới thông, ô tô đi từ TP Hồ Chí Minh đến tỉnh Tiền Giang chỉ mất khoảng 30 phút, thay vì 90 phút chạy trên quốc lộ 1A. Ngay trong những tháng đầu vận hành, tuyến cao tốc này đã phục vụ khoảng 50 nghìn lượt ô tô qua lại mỗi ngày, tình trạng ùn tắc, quá tải đoạn quốc lộ 1A qua tỉnh Long An đã giảm hẳn. Hai tuyến đường cao tốc ở hai đầu đất nước đã chứng minh hiệu quả kinh tế to lớn và từ đó đặt ra yêu cầu bức thiết phải phát triển hệ thống đường bộ cao tốc (ĐBCT) trên cả nước.
Năm 2011, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng (tháng 1/2011) đã xác định: Hệ thống kết cấu hạ tầng ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, là điểm nghẽn của quá trình phát triển, “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn” là một trong ba đột phá chiến lược cần ưu tiên đầu tư để phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, trong đó đầu tư hệ thống ĐBCT là động lực quan trọng để phát triển đất nước. Nghị quyết đưa ra mục tiêu đến năm 2020 có 2.000 km cao tốc. Đến Đại hội XIII của Đảng năm 2021, Đảng ta đã thông qua “Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030”, một lần nữa Đảng xác định một trong ba đột phá chiến lược là “tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, với mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều quyết định quan trọng chỉ đạo triển khai việc xây dựng hệ thống ĐBCT. Năm 2008 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới ĐBCT đến năm 2020 và và tầm nhìn sau năm 2020, trong đó xác lập mạng đường bộ cao tốc Việt Nam gồm 22 tuyến với tổng chiều dài 5.873 km; năm 2016 có Quyết định số 326/QĐ-TTg điều chỉnh Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó xác lập hệ thống ĐBCT của Việt Nam có 26 tuyến và 5 đường vành đai của TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, với tổng chiều dài 6.410 km.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, tốc độ triển khai xây dựng hệ thống ĐBCT ở nước ta những năm qua khá chậm chạp, giai đoạn 2001 – 2010 cả nước chỉ đưa vào khai thác được hơn 100 km ĐBCT. Giai đoạn 2011 – 2020 và đến hết 6 tháng đầu năm 2023, tổng số chiều dài ĐBCT của nước ta lên được 1.163 km, trong đó có nhiều đoạn thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông, góp phần đẩy nhanh tiến độ thông toàn tuyến ĐBCT xuyên Việt Bắc – Nam phía Đông.
Các chặng ĐBCT ở nước ta hiện nay
1. Giai đoạn 2001 – 2010: Đà Lạt – Liên Khương ở tỉnh Lâm Đồng dài 19 km, Láng – Hòa Lạc ở Hà Nội dài 30 km và tuyến TP Hồ Chí Minh – Trung Lương (Tiền Giang) dài 61 km. 2. Giai đoạn 2011 – 2020: Cầu Giẽ – Ninh Bình dài 50 km (2012) nối với tuyến cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội là Pháp Vân – Cầu Giẽ (dài 30 km được nâng cấp thành đường cao tốc năm 2014), Hà Nội – Lào Cai dài 265 km (2014); Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Cạn dài 70 km (2014); Hà Nội – Hải Phòng dài 105 km (2015), TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây dài 55 km (2015), Bắc Giang – Chi Lăng (Lạng Sơn) dài 64 km (2019). 3. Giai đoạn 2021 đến nay: tuyến Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái, dài hơn 188 km (2022), Trung Lương – Mỹ Thuận có chiều dài là 51 km (2022); những tháng đầu năm 2023, có thêm các đoạn tuyến thuộc: Mai Sơn (Ninh Bình) – Thanh Hóa dài 63,37 km và đoạn cao tốc Nha Trang – Cam Lâm của tỉnh Khánh Hòa 49,11km và đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết (Bình Thuận) dài hơn 100km. |
Bộ Giao thông vận tải cho biết, trong quy hoạch mạng lưới ĐBCT điều chỉnh mới đây, ngoài các tuyến cao tốc đã có trong quy hoạch trước đây, Bộ Giao thông vận tải đã bổ sung thêm khoảng 100 km cao tốc như: Hồng Ngự (Đồng Tháp) – Trà Vinh và kéo dài tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng tới cảng Trần Đề… Đồng thời, điều chỉnh tiến trình đầu tư từ sau năm 2030 về trước năm 2030 đối với các tuyến cao tốc Sóc Trăng – Cần Thơ – Châu Đốc (dài 247 km), Hà Tiên – Rạch Giá – Cà Mau (dài 225 km). Ngay từ cuối năm 2021, hàng loạt dự án cao tốc khu vực phía nam đã được khởi động như cao tốc vành đai, cao tốc hướng tâm của TP Hồ Chí Minh; các tuyến cao tốc trục dọc phía đông và phía tây kết nối các tỉnh Đông Nam Bộ với đồng bằng sông Cửu Long, các tuyến trục ngang nội vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đến năm 2023, Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu hoàn thành khoảng 916km cao tốc đang đầu tư, để đến năm 2025 sẽ có khoảng 3.000km và năm 2030 là 5.000km. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Bộ GTVT dự kiến sẽ đầu tư hoàn thành thêm hàng loạt các tuyến đường bộ cao tốc trên khắp cả nước.
Mục tiêu đầu tư, hoàn thành thêm các tuyến theo vùng đến năm 2030
Vùng Trung du và miền núi phía Bắc: đầu tư 5 tuyến cao tốc (Chợ Mới – Bắc Kạn, tuyến nối TP Hà Giang với Nội Bài – Lào Cai, Hòa Bình – Mộc Châu – Sơn La, Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Phú Thọ – Chợ Bến); vùng đồng bằng sông Hồng đầu tư đường vành đai 4, 5 – vùng Thủ đô; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung sẽ làm tuyến cao tốc Vinh – Thanh Thủy. Vùng Tây Nguyên: đầu tư 4 tuyến cao tốc (Tân Phú – Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương, Buôn Ma Thuột – Vân Phong, Quy Nhơn – Pleiku); vùng Đông Nam Bộ làm 8 tuyến đường bộ cao tốc (Dầu Giây – Tân Phú, Biên Hòa – Vũng Tàu, Chơn Thành – Đức Hòa, TP. HCM – Chơn Thành, TP. HCM – Mộc Bài, Gò Dầu – Xa Mát, vành đai 3, 4 – vùng TP. HCM). Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: đầu tư 8 tuyến đường bộ cao tốc (Cần Thơ – Sóc Trăng – Trần Đề, Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau, Châu Đốc – Cần Thơ, Mỹ An – Cao Lãnh, An Hữu – Cao Lãnh, Cao Lãnh – Lộ Tẻ – Rạch Sỏi, Hà Tiên – Rạch Giá, Hồng Ngự – Trà Vinh). |
Dễ thấy, mục tiêu trong xây thêm 2.000km để có được 3.000km cao tốc vào năm 2025 là một mục tiêu rất cao, là bước nhảy vọt về hạ tầng giao thông nhưng cũng là nhiệm vụ rất nặng nề. Tổng chiều dài của các tuyến đường cao tốc được triển khai và hoàn thành giai đoạn 2021 – 2025 gấp gần 4 lần giai đoạn 2015 – 2020 (1.932/487km). Tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách thực hiện đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 – 2025 cũng gấp gần 4 lần so với giai đoạn 2015 – 2020 (339.000 tỷ đồng/89.000 tỷ đồng).
Theo Bộ Giao thông vận tải, trong gần 10 năm tới, cần hoàn thành 916 km ĐBCT đang triển khai và đầu tư mới khoảng 3.000 km, gấp 4 lần khối lượng ĐBCT đã được xây dựng trong 20 năm qua. Đây là nhiệm vụ mà để hoàn thành không những cần quyết tâm “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể” như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, mà còn cần đổi mới tư duy trong phân bổ nguồn lực, tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế chính sách.
Nghiên cứu, đánh giá quá trình đầu tư, xây dựng hệ thống ĐBCT của nước ta trong những năm qua, còn một số cấn đề cần chú ý sau đây:
Một là, vấn đề quy hoạch, hệ thống ĐBCT phải đảm bảo kết nối các trung tâm kinh tế lớn, các hành lang kinh tế chính của đất nước, đảm bảo kết nối hài hòa, hợp lý với các loại hình giao thông khác (đường sắt, đường thủy, đường hàng không) và với hệ thống đường bộ quốc gia, với hệ thống đường địa phương; kết nối vùng, miền, các đầu mối vận tải trong nước và quốc tế; bảo đảm cân đối hài hòa, hợp lý về địa lý, dân số, quy mô kinh tế, nhu cầu phát triển vùng, miền, phù hợp với các quy hoạch, bảo đảm tầm nhìn dài hạn để phát triển kinh tế cho các địa phương, khai thác có hiệu quả nguồn lực quỹ đất.
Hai là, xây dựng hệ thống ĐBCT phải đảm bảo vấn đề môi trường. Yêu cầu này phải chú trọng quán triệt ngay từ khi nghiên cứu, thiết kế các dự án. Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, thổ nhưỡng, các dòng chảy, mạch nước, nước biển dâng, tránh gây ngập lụt hoặc hạn hán cục bộ; giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đối với các dự án xây dựng và khai thác công trình giao thông, ưu tiên áp dụng các công nghệ mới thân thiện môi trường nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trong quá trình thi công.
Ba là, về chất lượng công trình, phải nhìn nhận chất lượng các con đường cao tốc mới xây dựng ở nước ta chưa bảo đảm chất lượng, một phần do công nghệ thủ công của các nhà thầu yếu kém, một phần do công tác kiểm tra, giám sát, nghiệm thu chưa chặt chẽ, đúng quy định. Do vậy, Chính phủ quan tâm và trực tiếp là Bộ Giao thông vận tải rất coi trọng việc đấu thầu, chọn nhà thầu các dự án; lựa chọn và chỉ định đúng các nhà thầu đáp ứng được các tiêu chí của dự án, không những có khả năng đáp ứng về vốn mà còn đáp ứng về công nghệ thi công hiện đại, đồng thời có Ủy ban Giám sát kỹ thuật trong quá trình thi công.
Việc đảm bảo chất lượng, kỹ thuật ĐBCT, cần phải chú trọng tất cả cá khâu, từ tư vấn, thiết kế đến thi công, lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực về chuyên môn, kỹ thuật; khâu vận hành sử dụng; công tác kiểm tra, giám sát, nghiệm thu các công đoạn do nhà thầu thi công phải được tổ chức nghiêm ngặt, chặt chẽ. Quản lý chất lượng vật liệu, nguồn (loại) vật liệu sử dụng cho mỗi hạng mục công việc hoặc bộ phận của công trình; việc quản lý, khai thác sử dụng (kiểm tra, xử lý các phương tiện lưu thông quá tải…).
Bốn là, nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án đường bộ cao tốc hiện nay là rất lớn, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích xã hội hóa, huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp tư nhân có năng lực tài chính theo hình thức PPP, theo đó cần lập kế hoạch, dự toán cho từng con đường sát với thực tế, tránh phải điều chỉnh nhiều lần như các dự án đã vấp phải trước đây, gây nhiều tổn thất cho Nhà nước.
Năm là, xây dựng hệ thống ĐBCT là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa to lớn trong phát triển đất nước, tăng cường hoạt động logistics, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển. Tuy nhiên, hệ thống ĐBCT lại chiếm dụng diện tích đất đai khá lớn, ảnh hưởng đến hàng triệu người dân. Do vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để toàn dân ủng hộ chủ trương của Nhà nước, nhất là tự nguyện phối hợp thực hiện việc tái định cư, đền bù, giải phóng mặt bằng và tham gia việc bảo vệ các công trình. Các địa phương có dự án đường cao tốc đi qua cũng phải chủ động chuẩn bị thực hiện các công việc liên quan theo trách nhiệm, thẩm quyền phân cấp của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, góp phần triển khai thực hiện các dự án đảm bảo tiến độ theo quy định.■