Những ngày gần đây, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã có nhiều buổi làm việc, chỉ đạo các cơ quan của Đảng và Nhà nước về định hướng phát triển kinh tế tư nhân, tạo đà phát triển để kinh tế tư nhân góp phần vào tăng trưởng 8% GDP năm 2025 và trở thành động lực chính thúc đẩy đất nước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Có thể nói, trong tình hình thế giới và trong nước có nhiều thách thức như hiện nay, việc các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Chính phủ quan tâm, chỉ đạo riết róng vừa định hướng, vừa nêu giải pháp cụ thể đến kinh tế tư nhân là một tín hiệu lạc quan để kinh tế tư nhân nước ta phát triển lớn mạnh góp phần to lớn hơn nữa đưa đất nước phát triển tăng tốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

1. Kinh tế tư nhân nước ta được hình thành và phát triển nhanh bắt đầu từ năm 1986 dưới ánh sáng đổi mới của nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng. Sau gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Từ một nước bị tàn phá sau nhiều cuộc chiến tranh, nghèo nàn, lạc hậu, thiếu đói, bị bao vây, cấm vận nhiều năm, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình với thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4.300 USD (năm 2023), tăng gần 60 lần so với năm 1986. Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 6,5%/năm, thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Quy mô nền kinh tế năm 2023 đứng thứ 35 thế giới, tăng hơn 95 lần so với năm 1986. Nền tảng kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Nền kinh tế từ đổi mới đến nay đều vận hành theo cơ chế thị trường, có nhiều thành phần kinh tế phát triển bình đẳng theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt Đoàn đại biểu doanh nhân tiêu biểu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Đặc biệt trong gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân ở nước ta được giải phóng năng lực lao động và sáng tạo, với cơ chế quản lý thông thoáng của Nhà nước đã phát triển nhanh và lớn mạnh không ngừng, đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, nhất là đóng góp ngày càng cao vào tăng GDP cả nước, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, xóa đói giảm nghèo… Theo báo cáo mới nhất của Ban Chính sách và Chiến lược Trung ương trong buổi làm việc với đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm ngày 7/3/2025, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam trong những năm qua đã có bước phát triển quan trọng, đóng góp trên 50% GDP, khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động và đang là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế nước nhà.

Đó là những con số hết sức đáng phấn khởi, chứng tỏ kinh tế tư nhân nước ta đã có sự phát triển vượt bậc trong thời gian 40 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những ai theo dõi con đường phát triển ấy thì thấy điều rất đáng chú ý là, Đảng ta đã thống nhất chủ trương khuyến khích, phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở “hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế”, hỗ trợ phát triển “doanh nghiệp khởi nghiệp”, hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân “đa sở hữu”. Kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển với quy mô ngày càng lớn, từng bước hình thành những đơn vị kinh tế tư nhân mạnh, đủ sức cạnh tranh trong và ngoài nước. Nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân phát triển đầu tư ra nước ngoài, xuất khẩu ra nhiều nước mang ngoại tệ về cho đất nước, trở thành những điểm sáng của kinh tế tư nhân nước ta, trở thành niềm tự hào của người dân Việt Nam, như tập đoàn Vingroup, tập đoàn Sungroup, tập đoàn FPT, tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Trung Nguyên Legend, hãng Hàng không Vietjet… và một số tập đoàn kinh tế tư nhân khác.

Hiểu một cách cơ bản nhất, kinh tế tư nhân được dùng để chỉ các thành phần kinh tế phi nhà nước dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất; ở Việt Nam ngày nay là các tập đoàn, các công ty vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể. Thành tựu phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian qua gắn với đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, đó là chủ trương nhất quán phát triển kinh tế nhiều thành phần, coi kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Suốt quá trình lãnh đạo đổi mới ấy, Đảng ta luôn xác định phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao nội lực của đất nước.

Cả về lý luận và thực tiễn, chúng ta càng ngày càng thống nhất đánh giá vai trò to lớn của kinh tế tư nhân đối với sự phát triển của đất nước. Đặc biệt quan trọng là trong hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, kinh tế tư nhân đối với nước ta càng có vị trí quan trọng trong sự phát triển đất nước. Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã đánh giá: Cần khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất, nhất là cho tăng trưởng. Còn tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp ngày 10/2/2025 đã đánh giá một số doanh nghiệp nước ta (chủ yếu là tư nhân) đã phát triển đạt tầm khu vực và thế giới; chủ động tham gia và khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đơn cử như mới đây, đích thân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Tập đoàn Hòa Phát sản xuất đường ray cho đường sắt cao tốc, tập đoàn Trường Hải sản xuất toa tàu, Tập đoàn Vingroup triển khai tàu điện ngầm từ nội đô thành phố Hồ Chí Minh tới Cần Giờ… Đó là những điểm sáng về sự lớn mạnh của các tập đoàn tư nhân Việt Nam.

Ngày 10/3/2025, VinFast được Tạp chí TIME (Mỹ) xếp thứ 101 trong danh sách 500 công ty thuộc top “Công ty tốt nhất châu Á – Thái Bình Dương 2025”. Ảnh: Vingroup

Trong xu thế đổi mới sáng tạo, ứng dụng hiệu quả thành tựu của khoa học công nghệ và nền kinh tế số như hiện nay, các doanh nghiệp tư nhân nói riêng và kinh tế tư nhân nói chung có điều kiện, cơ hội phát huy ưu thế cơ chế quản lý linh hoạt, là nơi dễ dàng thích nghi với thay đổi thị trường và thử nghiệm ý tưởng mới, thực hiện đổi mới sáng tạo, tham gia xuất khẩu hàng hóa sang thị trường quốc tế, tham gia chuỗi giá trị, cung ứng toàn cầu. Cũng theo đánh giá của Chính phủ, kinh tế tư nhân Việt Nam hiện nay còn có ưu thế đóng góp tích cực, quan trọng vào công tác bảo đảm an sinh xã hội, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là trong những lúc khó khăn, khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt, tích cực tham gia xóa nhà tạm, nhà dột nát, xây dựng nhà ở xã hội, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, tình dân tộc, nghĩa đồng bào, chủ động góp phần thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội.

2. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng quát, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, kinh tế tư nhân nước ta cũng còn có nhiều tồn tại, yêu cầu phải đổi mới căn bản để bứt phá, tăng tốc góp phần thúc đẩy đưa đất nước phát triển.

Theo đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, khu vực kinh tế tư nhân nước ta tuy đông về số lượng, nhưng vẫn còn rất nhiều hạn chế về quy mô, tiềm lực, năng lực cạnh tranh, đặc biệt là cạnh tranh quốc tế; thiếu vắng doanh nghiệp đầu đàn, dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế; liên kết trong nội bộ và liên kết với các khu vực kinh tế khác còn yếu kém. Đồng chí Tổng Bí thư còn cho rằng, ngoài các doanh nghiệp tư nhân, lực lượng hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể rất lớn, nhưng “không muốn lớn”, “không chịu lớn” bởi những ràng buộc, lo ngại về quy định, thủ tục đặt ra, sự chủ động, sáng tạo, dám nghĩ lớn, vươn lên trong hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở khu vực kinh tế tư nhân còn hạn chế. Trên nhiều diễn đàn có nhiều ý kiến cho rằng, một bộ phận doanh nhân thuộc kinh tế tư nhân còn làm ăn kiểu chụp giật; đạo đức, văn hoá kinh doanh còn có mặt hạn chế, không đủ tài năng, bản lĩnh văn hóa để “ra biển lớn”. Nhiều doanh nghiệp tư nhân khả năng đổi mới sáng tạo còn thấp, ít doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Phần lớn các doanh nghiêp tư nhân năng lực cạnh tranh thấp, mới chỉ tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu ở các công đoạn có giá trị gia tăng thấp…

Nguyên nhân của những tồn tại, yếu kém, hạn chế của doanh nghiệp tư nhân theo nhận xét của nhiều nhà quản lý kinh tế một phần là do cơ chế quản lý của Nhà nước ta chưa theo kịp sự phát triển của kinh tế tư nhân, còn có những định kiến, thiếu coi trọng kinh tế tư nhân, còn có những rào cản, trở ngại, điểm nghẽn trong chính sách tác động tiêu cực sự phát triển lành mạnh của doanh nghiệp tư nhân. Về cơ chế quản lý, Nhà nước còn thiếu một chính sách chiến lược nhằm định hướng các lĩnh vực ưu tiên kinh tế tư nhân phát triển, còn ít những thiết kế tạo động lực hợp tác công tư giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia những công việc “tầm quốc gia”, “tầm quốc tế” hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và đất nước. Thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước các cấp trong đầu tư hoặc liên kết, hợp tác đầu tư, giải quyết công việc liên quan đến kinh tế tư nhân còn rườm rà, nặng nề, gây khó khăn, khó chịu đối với nhiều doanh nghiệp tư nhân, khiến họ nản chí, thậm chí bỏ cuộc…

Về phía chủ quan của nền kinh tế tư nhân Việt Nam, chúng ta thấy có một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất, quá trình chuyển đổi tư duy từ một  nền kinh tế sản xuất nông nghiệp nhỏ bé lâu đời, từ cơ chế quản lý quan liêu bao cấp sang nền kinh tế sản xuất hàng hóa, kinh doanh theo cơ chế thị trường là vô cùng khó khăn. Quá trình ấy không thể một sớm, một chiều mà đòi hỏi có thời gian, cơ chế quản lý, nguồn nhân lực, trình độ, kỹ năng lao động. Tương ứng là chủ doanh nghiệp và người lao động phải chuyển đổi từ tác phong làm việc nhỏ lẻ, manh mún sang dây chuyền, công xưởng hiện đại cũng như tiếp cận thị trường, giao thương, trao đổi hàng hóa cũng khó khăn không kém. Đây là một thực tế khách quan, các doanh nghiệp tư nhân không thể tự mình “đốt cháy giai đoạn” để phát triển, lớn mạnh.

Thứ hai, là về vốn, “mạch máu của doanh nghiệp” thì ai cũng biết các doanh nghiệp tư nhân ngay từ lúc thành lập và phát triển rất khó khăn trong huy động tài chính. Doanh nghiệp muốn làm ăn lớn phải cẩn một số vốn rất lớn. Vốn ấy phải huy động nguồn vay từ ngân hàng trong nước và nước ngoài. Trong khi ban đầu các doanh nghiệp tư nhân tài sản thế chấp chưa có hoặc còn nhỏ bé, vì thể việc tiếp cận nguồn vay để sản xuất, kinh doanh đối với kinh tế tư nhân là vô cùng ngặt nghèo, trong khi nhà nước lại không thể bảo lãnh cho họ vay vốn từ nước ngoài.

Thứ ba, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong quá trình tiếp cận dự án đầu tư trong nước cũng khó khăn gấp bội do liên quan đển quy hoạch, giá đất, đền bù giải phóng mặt bằng thời gian kéo dài gây nên nhiều ách tắc do cơ chế quản lý của cơ quan nhà nước. Đây là thực tế mà hầu như doanh nghiệp tư nhân nào cũng gặp phải trong quá trình đầu tư, kinh doanh, liên kết công tư. Các doanh nghiệp phải mất nhiều năm để tiếp cận và triển khai dự án.

Thứ tư, một số doanh nghiệp tư nhân gần đây có tâm lý hoạt động cầm chừng, nản chí phần nào do sự mất mát, đổ vỡ lớn sau “trận bão Covid-19” chưa kịp hồi phục. Một số lại có  tâm lý lo sợ từ những xử lý quá nặng nề đối với các vi phạm trong sản xuất kinh doanh gần đây. Hậu quả là nhiều doanh nghiệp chấm dứt hoạt động, phá sản, có doanh nghiệp chuyển tiền ra nước ngoài hoặc ra nước ngoài làm ăn.

Thứ năm, nhiều doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình làm ăn kiều “bình bình”, thiếu những khát vọng vươn xa khi thời cuộc đã thay đổi yêu cầu đầu tư lớn về lực, về công nghệ, chất xám, sản phẩm cạnh tranh. Đó là chưa kể đến khía cạnh đạo đức kinh doanh kiểu sản xuất nhỏ, chụp giật, vi phạm pháp luật, gây mất uy tín danh dự, làm nản lòng đội ngũ doanh nhân nước nhà.

Điều kiện các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng còn nhiều khó khăn. Ảnh minh họa

3. Tất cả những nguyên nhân nói trên, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, đồng chí Thủ tướng Chính phủ đã nhìn thấy rất rõ và chỉ đạo giải quyết rất quyết liệt, khẩn trương trong các buổi làm việc với các Ban của Đảng và Bộ, ngành thuộc Chính phủ.

Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong 2 buổi làm việc với  Ban Chính sách, chiến lược Trung ương chỉ đạo cần có những giải pháp vượt trội, có tính cách mạng, vừa giải quyết được hiệu quả những vấn đề đặt ra trước mắt, vừa tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững, mạnh mẽ, lâu dài của kinh tế tư nhân thời gian tới. Các giải pháp cần được xây dựng và triển khai, thông thoáng; tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực; thúc đẩy đổi mới công nghệ, phát triển nguồn nhân lực; nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, doanh nhân. Đặc biệt, cần có những giải pháp thực hiện bảo đảm đồng bộ, toàn diện để tạo dựng môi trường chung thuận lợi đột phá để sớm tháo gỡ những điểm nghẽn căn bản, kéo dài nhiều năm và chưa được giải quyết. Điều quan trọng nhất là nhanh chóng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xóa bỏ các rào cản, trở lực đối với sự phát triển của doanh nghiệp, thực hiện nhất quán quan điểm “người dân và doanh nghiệp được phép làm những gì mà pháp luật không cấm”. Ông đặt ra mục tiêu cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp và người dân giảm bớt gánh nặng hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh và đầu tư. Đồng thời, cần giảm ít nhất 30% chi phí kinh doanh, bao gồm chi phí tuân thủ quy định và chi phí không chính thức, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động. Ngoài ra, bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết cũng là một nhiệm vụ trọng tâm để loại bỏ các rào cản không đáng có, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn. Mới đây Quốc hội đã quyết định giảm 30% giá thuê đất cho doanh nghiệp. Tổng Bí thư cũng đặt mục tiêu đưa môi trường đầu tư của Việt Nam vào top 3 ASEAN trong vòng 2-3 năm tới, thể hiện quyết tâm nâng cao vị thế cạnh tranh của quốc gia. Tổng Bí thư cũng lưu ý phải có chiến lược rõ ràng về các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển của quốc gia để tất cả doanh nghiệp, thành phần kinh tế nhìn vào đó để tập trung đầu tư, định hướng phát triển. Thậm chí, ông còn yêu cầu các cơ quan Nhà nước cần giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ nhanh chóng vươn lên trở thành doanh nghiệp lớn; có chính sách hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp lớn có quy mô lớn, tiềm lực, sức cạnh tranh cao và dẫn dắt được một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu và vươn ra tầm quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã ban hành Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 9/3/2025, yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Công điện cũng nhấn mạnh việc thực hiện các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp trên môi trường điện tử, đảm bảo sự thông suốt, liền mạch và hiệu quả. Ông cũng làm việc với lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế lớn Nhà nước và tư nhân, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hệ thống ngân hàng… cùng tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, về vay vốn, về giá thuê đất… hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển.

Các chỉ đạo và giải pháp nói trên của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong những ngày gần đây tạo nên làn sóng mới đưa lại niềm tin đối với toàn xã hội, nhất là kinh tế tư nhân Việt Nam. Chúng ta tin rằng, thời gian tới đây các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẽ đồng lòng nêu cao khát vọng vươn lên để làm giàu cho mình và đóng góp phát triển đất nước. Dân tộc, đất nước vươn mình thì kinh tế tư nhân cũng phải vươn mình lên để góp phần tích cực đưa đất nước phát triển. Con đường ấy là duy nhất đúng, mang lại vinh quang cho kinh tế tư nhân Việt Nam, mang lại vinh quang cho nước nhà.■

 

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC