Thầy giáo Phạm Tuấn Tài (1905-1937) là một nhà cách mạng Việt Nam vào đầu thế kỷ XX. Ông là một trong những thành viên nòng cốt lập nên nhóm Nam Đồng Thư xã chuyên xuất bản các sách cổ vũ tinh thần yêu nước, và sau đó là Việt Nam Quốc dân Đảng do Nguyễn Thái Học lãnh đạo. Năm 1929, Phạm Tuấn Tài bị thực dân Pháp bắt giam và đày ra Côn Đảo. Ông ra tù năm 1936 rồi mất một năm sau đó ở Nam Định do bệnh lao phổi. Dưới đây là trích đoạn hồi ký một người học trò của Phạm Tuấn Tài đăng trên Tạp chí Phổ thông số 17, ngày 15/8/1959, kể lại giờ lên lớp cuối cùng đầy xúc động của thầy giáo.
Một sớm mùa đông, cách đây đã trên 30 năm, tại Thành Tuyên đã ghi lại một biến cố của lịch sử vào giờ phút đau thương nhất của nhà cách mạng Phạm Tuấn Tài. Ông bị thực dân bắt đi trong khi đang lên lớp giảng dạy.
Từ khi trống vào lớp, thầy giáo Phạm Tuấn Tài vẫn giữ thái độ bình tĩnh bề ngoài làm bổn phận giảng dạy các học sinh như thường lệ. Trái với các buổi học khác, người ta chú ý đến thầy vận y phục chỉnh tề hơn với chiếc nơ đen, bộ nỉ xám và cặp kính trắng thông minh, luôn luôn mắt thầy tỏ vẻ đăm chiêu suy nghĩ. Hai tay chắp ra sau lưng với quyển sách nhỏ, Thầy đi đi lại lại quanh lớp không biết bao nhiêu vòng như tỏ vẻ đặc biệt săn sóc đến học sinh, cố làm phấn khởi các em trong giờ học. Tuy nhiên, giọng Thầy từ chỗ nghe sang sảng dần dần lắng xuống buồn trầm đầy sự cảm xúc. Thỉnh thoảng Thầy lại ngừng giảng nhìn ra đường hình như chờ đón một sự quan trọng sắp đến mà Thầy đã có chủ định đối phó.
Đã trên một năm nay, từ lúc đổi lên Tuyên Quang, người ta chỉ biết Thầy dạy học lớp Ba, ngày hai buổi sớm tối đi về đều đặn. Hình như Thầy không biết chơi bời gì ngoài cái thú đóng cửa đọc sách và viết lách thâu đêm. Thầy cũng ít có bạn bè giao du trong tỉnh, trừ một số khách lạ qua lại bất thường. Đời sống có vẻ giản dị và thanh bạch của một giáo chức cấp dưới như Thầy được thể hiện quá rõ ràng. Về hình dáng, trông Thầy mảnh khảnh nhưng lanh lợi. Thầy có một đặc điểm mà ai cũng biết là làm việc tận tụy. Cũng vì thế mà trông Thầy không bao giờ có hồng sắc tượng trưng cho cả một sự yếu đuối, đôi khi như lạnh lùng ít nói và kín đáo về tư tưởng lẫn hành động. Cho nên Thầy đã cố kiếm được một căn nhà biệt lập ngoài thành phố, bên cạnh sườn núi để thuận tiện cho mọi công việc hoạt động riêng hoặc tiếp xúc với bạn bè bí mật. Nơi đây, ngoài vợ và một con gái nhỏ, Thầy có thêm một người học trò đã lớn tuổi mà Thầy tìm kiếm được ở địa phương làm chân tay tin cậy với đức tính thật thà và trung thành được bảo đảm chắc chắn của người bạn trẻ ấy. Thế rồi dần dần được sáng tỏ thêm qua một vài dư luận trong giáo giới, về quá khứ Thầy đã từng viết sách, viết báo tranh đấu cho lý tưởng “tự do” của xứ sở bằng cách phản đối kia khác. Thầy cũng là tác giả của cuốn “Ce que disent les grands hommes” (Các vĩ nhân nói gì) với cái tên biệt hiệu Phạm Mộng Tiên. Trước đây, Thầy là một giáo viên cao cấp tại Trường Sinh Từ Hà Nội rồi bị nhiều lần giáng chức vì tình nghi chính trị buộc vào các lỗi vi phạm kỷ luật nặng nề, đến nay phải thuyên chuyển lên mạn ngược cũng không ngoài lý do trên.
Mặc dầu bao sự bạc đãi trả lại, Thầy rất yêu nghề, yêu trẻ, vẫn cố lợi dụng mọi hoàn cảnh có thể hoạt động cho các việc ích quốc lợi dân. Từ các em học sinh đến đồng bào các giới đã tìm hiểu Thầy và mến phục qua các cuộc diễn thuyết, nói chuyện, soạn giảng các bài quốc văn bằng lối nghị luận, thi ca đầy ý nghĩa, kích thích thâm trầm làm thức tỉnh mọi người trong cái nhục vong quốc. Tôi còn nhớ nhân dịp một đám tang của một bạn đồng nghiệp là ông “Giáo Bảng” mà Thầy đến kế vị, đã chết vì bệnh lao bởi sự quá hi sinh với chức vụ. Lúc hạ huyệt, Thầy đã mặc lễ phục Việt Nam trịnh trọng đứng đọc một bài điếu văn rất bi thiết làm xúc động sâu xa tất cả mọi người có mặt, ngay đến cả học sinh nam nữ cũng phải nhỏ lệ sụt sùi, gây nên ảnh hưởng quan trọng, bắt nguồn cho một tinh thần yêu nước chớm nở mạnh mẽ từ đấy.
*
Vì được mật tin từ đêm trước, Thầy đã biết tình thế không thể nào cứu vãn nổi với sự bao vây quá chặt chẽ của chính quyền thực dân nên Thầy đã tự liệu để đón các việc xảy đến không cần phải lẩn tránh, hoang mang làm mất khí phách hiên ngang của con người đã mang danh cách mạng đấu tranh, khinh thường mọi trường hợp nguy nan sinh tử. Thầy đã kịp thời đốt hết các tài liệu quan trọng có liên hệ đến công cuộc đấu tranh và cho phép tên học trò trung kiên trở về quê cho khỏi bị liên lụy. Sáng hôm sau, Thầy vẫn đi làm như không có việc gì xảy ra. Cho đến bước đường cùng hôm nay, Thầy phải làm cho lũ thực dân kiêu ngạo cảm phục về tinh thần bất khuất sẵn có của truyền thống oanh liệt dân tộc Việt Nam.
Cái việc sẽ đến đã đến. Thầy đang sang sảng đều đều làm nổi bật những điểm chính của bài quốc văn mà Thầy tự soạn lấy cho học trò học từ bao năm nay như thế. Đáng thương hại cho lũ trò ngây thơ trong trắng đang say sưa với điệu bộ và lời luận giảng của Thầy hình như đã quên hết mọi ám ảnh vừa qua xâm chiếm một phần lớn tinh thần của chúng. Thầy cũng vừa ngẩng đầu lên thì “xịch”, một chiếc xe kiểu nhà binh buông mui kín đỗ sát cổng trường, đáp xuống hai toán lính khố xanh võ trang đầy đủ đã được lệnh tản ra hai bên bao vây quanh lớp. Một viên cẩm Tây bước xuống sau kèm theo bốn viên cảnh sát đều nai nịt súng đạn hung hãn tiến vào. Cả lớp học hoảng hốt lặng nhìn như nín thở vậy. Như cần giữ một phần nào thể diện của “Mẫu quốc” với chút ít lịch sự, viên cẩm vừa lấy tờ trát lệnh đưa ra vừa giơ tay chào và nói tiếng Pháp: “Xin lỗi ông, ông là Thầy giáo Phạm Tuấn Tài?”
– Thưa ngài phải, chính tôi! Thầy ung dung đáp lại và không cần nhìn mảnh giấy.
– Vậy xin ông cho phép tôi được làm phận sự theo lệnh của thượng cấp.
– Tôi đã hiểu và xin sẵn sàng theo lệnh ngài. Tuy nhiên, ngài có thể rộng quyền cho phép tôi được giảng xong bài học cuối cùng cho các em?
– Được! Tôi xin vui lòng đợi ông. Viên Cẩm gật gù tỏ vẻ khâm phục.
Tiếng Thầy lại tiếp tục luận giảng trước sự hồi hộp ngơ ngác của lũ học sinh yêu mến rưng rưng nhìn Thầy ứa lệ, vì chúng không thể kiềm chế nổi những cảm xúc hồn nhiên, đột ngột và cũng không còn đủ can đảm ngồi nghe hay ngó thẳng vào nét mặt ông Thầy đáng kính mến bấy lâu. Câu giảng cuối cùng vừa chấm dứt, Thầy cảm ơn viên Cẩm và đưa thẳng hai tay ra đằng trước cho chiếc khóa vòng xích sắt bấm “tách” lại. Tức thì lớp học cũng bị tan rã trước giờ, nối đuôi thành hai hàng nam nữ lặng lẽ đưa Thầy theo sát cho tới cổng nhà lao rồi đứng bao quanh bên ngoài như không nỡ dứt tình “sư phụ”.
Bằng một cử chỉ “khoát tay” thân mến, Thầy quay mặt lại một lần chót nhìn các bạn bè và đồng bào rải rác đứng xa xa, nhất là đám học sinh yêu quý đưa tiễn. Thầy nói qua nước mắt giữa giờ phút vĩnh biệt thương đau của người anh hùng vừa bị sa cơ thất thế không còn tự trấn tĩnh nổi nỗi lòng xót xa trước cảnh chia ly, bại vong của thế cuộc. Tiếng Thầy hùng trầm phát ra từ trong tâm huyết, căn dặn lũ đàn em trong phút cuối cùng mà tôi còn ghi nhớ mãi mãi:
– Thôi Thầy cảm ơn các em đã có lòng tiễn đưa như thế là đủ. Các em hãy nghe Thầy trở về trong trật tự, miễn cố ghi nhớ lấy ngày hôm nay, học tập sao nên người hữu ích cho nhà, cho nước sau này. Đó là các em đã biết ơn và thương Thầy vậy! Thầy thấy không còn gì đáng nói nữa. Cho Thầy gửi lời chào tất cả…
Thế rồi cánh cửa nặng nề khép lại, giam kín người cách mạng đàn anh từ thuở ấy. Tiếng Thầy vẫn còn văng vẳng bên tai như một nguồn sinh lực tiếp diễn vô biên vậy.
*
Đã hơn 30 năm nay, nhà cách mạng Phạm Tuấn Tài không còn nữa để chứng kiến sự trưởng thành của lớp học sinh hôm ấy. Và cũng trên 30 năm nay, đã có biết bao lớp người noi theo lý tưởng tranh đấu của Thầy – ngã gục cho màu sắc vinh quang và sự trường tồn của dân tộc.
Và cũng hôm nay, nước nhà đã được hân hoan nhìn thấy sự Độc lập sau bao cuộc thăng trầm thử thách lớn lao. Mỗi khi nhớ đến người quá cố, tôi không khỏi bùi ngùi thương tiếc và khâm phục tinh thần hi sinh cao cả của bóng dáng người xưa…■
Trần Quân Bảo
Viết tại La Hà Thôn, 26/6/1959