9 tháng đầu năm 2023, đất nước ta vừa vượt qua những thách thức nội tại của nền kinh tế, an sinh xã hội và những tác động cùng sự biến động chưa từng có của tình hình thế giới. Tuy bị ảnh hưởng “tiêu cực kép” như vậy nhưng có thể khẳng định đất nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII của Đảng vừa mới bế mạc, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đang diễn ra tại Hà Nội và sự điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, chúng ta sẽ thấy được những điểm sáng của tình hình đất nước cũng như những quyết sách mới của Đảng, Nhà nước để tiếp tục đưa đất nước phát triển.

Toàn cảnh Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra tại Hà Nội, sáng ngày 02/10/2023. Ảnh: TTXVN

Thứ nhất, một trong những thành tựu nổi bật là trong 9 tháng đầu năm vừa qua, kinh tế nước ta vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế toàn cầu

Nhìn nhận một cách khách quan, có thể nói tình hình kinh tế – xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Báo cáo tại kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng rằng trên cơ sở kết quả của 9 tháng đầu năm, ước cả năm 2023 phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó nổi bật là có thể hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Có thể dẫn thêm những con số biết nói, tốc độ tăng trưởng GDP trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 4,24%, và có xu hướng tăng dần theo thời gian, quý III đạt 5,33%, cao nhất so với quý I và II, với đà tăng trưởng như vậy, theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cả năm 2023 tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt khoảng 5,8% và cao nhất khu vực Đông Nam Á. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 259,67 tỷ USD (giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước), nhưng xuất siêu đạt gần 22 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực hiện đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 2,2%. Đặc biệt an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân của người lao động tăng 6,8 % so với cùng kỳ năm trước, triển khai thực hiện kịp thời các chính sách xã hội, nhất là chính sách đối với người có công, chính sách bảo trợ xã hội và các chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân gặp khó khăn…

Đặt những thành tích nói trên trong tình hình kinh tế thế giới đang hồi phục bấp bênh do gặp những “cơn gió ngược” từ hệ quả của đại dịch Covid-19, căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn cũng như tình trạng lạm phát cao và kéo dài thì càng thấy rõ hơn những điểm sáng thể hiện sự cố gắng của toàn đảng, toàn dân và toàn quân ta trong năm 2023.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện chính sách xã hội lấy con người làm trung tâm là thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta

Chính sách xã hội là thể hiện quan điểm nhân văn, vì con người của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình lãnh đạo cách mang, được thực hiện thướng xuyên, liên tục, kết hợp nhiều giải pháp hiệu quả do Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Có thể nói nhiều năm qua, nhất là sau khi Đảng ta ban hành Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI “về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020”, trên thực tế công tác thực hiện chính sách xã hội đã đạt nhiều thành tựu, góp phần quan trọng đảm bảo cuộc sống của các đối tượng chính sách, nhất là người có công. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khoảng cách giàu nghèo, thu nhập chênh lệch càng có khoảng cách bao nhiêu, phân cực giàu – nghèo có xu hướng ngày càng gia tăng bao nhiêu thì việc thực hiện chính sách xã hội càng đặc biệt quan trọng. Trên cơ sở nội lực và sự phát triển chung của đất nước, Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII lần này đã quyết định ban hành Nghị quyết mới về thực hiện chính sách xã hội giai đoạn mới là tiếp tục thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Điểm mới của nghị quyết lần này là mở rộng ra toàn bộ các chính sách xã hội, tập trung vào đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đặc biệt là quan điểm của Đảng ta thực hiện chính sách xã hội không chỉ đối với một số đối tượng ưu tiên mà mở rộng bao trùm toàn xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Chúng ta hi vọng chính sách xã hội mới lần này sẽ là đòn bẩy tích cực để an dân, yên vui, người dân gắn kết, đoàn kết, tạo sức mạnh mới xây dựng và phát triển đất nước.

Việt Nam lấy con người là trung tâm chính sách an sinh xã hội. Hình ảnh tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thứ ba, đề cao vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng và đánh giá cao vai trò, sự dấn thân cống hiến của đội ngũ trí thức nước nhà. Bối cảnh mới hiện nay, trước đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng, Nhà nước ta càng phải quan tâm xây dựng, phát triển và phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí và sự đóng góp của đội ngũ trí thức nước nhà. Đáng mừng là Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII vửa kết thúc đã xác định trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, các hội nghề nghiệp của trí thức và toàn xã hội phải xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh cả về số lượng và chất lượng với phương châm tôn trọng, phát huy tự do tư tưởng, học thuật, thực hành dân chủ trong hoạt động nghiên cứu sáng tạo; trọng dụng nhân tài, trí thức tinh hoa, nhà khoa học đầu ngành, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi và động lực căn bản để xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức và phát huy vai trò, vị trí và sự cống hiến của trí thức, thực sự xứng tầm là nguyên khí quốc gia. Chúng ta hi vọng đây là vận hội mới của đội ngũ trí thức Việt Nam với những bộ óc và trí thông minh vượt trội sẽ tham mưu cho Đảng, Nhà nước và là lực lượng chính, chủ công sáng tạo góp phần đưa đất nước phát triển nhanh chóng trong thờì kỳ thách đố công nghệ và trí tuệ nhân tạo trên toàn thế giới.

Thứ tư, ban hành nghị quyết mới về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Chúng ta đều nhận biết trong hơn 10 năm qua, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã đạt được nhiều thành tựu, nhất là việc bảo đảm môi trường hòa bình để phát triển đất nước.

Tuy nhiên trước bối cảnh tình hình thế giới thời gian gần đây có nhiều biến động lớn, khó dự báo như chúng ta hàng ngày đã chứng kiến. Đảng ta cũng nhận định rằng, cục diện thế giới hiện đang là đa cực, đa trung tâm, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn sẽ ngày càng quyết liệt, thậm chí có nguy cơ xung đột, đối đầu, tạo thách thức rất lớn đối với các nước đang phát triển, nhất là các nước có độ mở của nền kinh tế cao, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế như nước ta… Bên cạnh đó, những thách thức của khoa học công nghệ; an ninh truyền thống cũng như phi truyền thống, nhất là thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, năng lượng, an ninh mạng, tình hình trong nước ở một số vùng, trên một số vùng chiến lược, địa bàn trọng điểm và trong một số nhóm đối tượng còn tiềm ẩn các yếu tố gây mất ổn định; tranh chấp biển, đảo, chủ quyền lãnh thổ, chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng… là những nguy cơ lớn luôn luôn có thể xảy ra. Trước tình hình đó, việc ban hành Nghị quyết mới về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc là cần thiết. Quan điểm và giải pháp mới đã được Hội nghị Trung ương xác định, đó là “dựa vào dân, lấy “dân là gốc”, khơi dậy, phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống văn hóa, yêu nước, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng “thế trận lòng dân”, lấy “yên dân” là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, chú trọng bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. 

Thứ năm, quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2026 – 2031

Đây là vấn đề cực kỳ hệ trọng của các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc. Có thể nói trong hơn nữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng, qua cuộc chống tham nhũng và tiêu cực đã tiến hành kỷ luật đối với một số cán bộ ở vị trí lãnh đạo cho thấy bài học việc quy hoạch và lựa chọn cán bộ ứng cử vào Ban Chấp hành Trung ương quan trọng đến mức nào. Đặc biệt hơn nữa, Ban chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2026 – 2031 là đội ngũ cán bộ lãnh đạo tinh túy của Đảng đảm đương vai trò lãnh đạo đất nước với định hướng mục tiêu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Vì thế, về chủ trương, Hội nghị Trung ương khẳng định sớm quy hoạch để chủ động đào tạo, bồi dưỡng đi đôi với theo dõi, kiểm tra, giám sát đối với những cán bộ đã được đưa vào quy hoạch; nếu phát hiện có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì phải kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch. Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm một số vị trí chủ chốt do Quốc hội bầu, bổ nhiệm là một tín hiệu mới, là một trong những cơ sở để Đảng ta xem xét quy hoạch Ban chấp hành Trung ương nhiệm kỳ tới.

Tất cả những đánh giá và quyết sách mới mà chúng ta vừa nêu ra ở trên đã được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm rõ trong phát biểu quan trọng phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII. Chúng ta cần nghiên cứu sâu sắc để quán triệt thật tốt nhằm góp phần đưa những quyết sách mới của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống phấn đấu thực hiện được các mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng đã vạch ra.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC