Tháng 3/1967, Mary McCarthy, nhà văn và nhà hoạt động chính trị Mỹ, thăm Việt Nam. Trở về nước, bà đã viết cuốn “Hà Nội”, bày tỏ ấn tượng tốt về đất nước và con người Việt Nam. Để bạn đọc hiểu thêm cách nhìn của người Mỹ đối với Việt Nam thời chiến tranh, Tạp chí Phương Đông xin trích dịch một phần cuốn sách đó.
Hoàn toàn trái ngược với Sài Gòn, Hà Nội sạch, sạch hơn nhiều so với New York chẳng hạn. Vỉa hè được quét sạch, không có rác chất đống và mỗi sáng lại có xe phun nước, rửa phố. Trong sảnh khách sạn hơi tối, phóng viên nước ngoài ngồi thảo luận với phiên dịch như thân chủ thì thầm với luật sư của mình ở ghế băng trong phòng xử án. Bàn ghế cũ thoang thoảng mùi dầu đánh bóng. Nhiều khăn mặt cũ treo trong buồng tắm cứng ráp vì giặt nhiều lần trong nước lạnh và rất có thể giặt bằng xà phòng thô. Việc vệ sinh hầu như đều được mọi người tôn thờ với thái độ hăng hái chính trị: dọn sạch mọi thứ. Ở Hà Nội, không có nạn mãi dâm trên đường phố (họ cho biết gái mãi dâm đã được cải tạo), không có trẻ em với những vết lở loét và ăn mày mặc quần áo rách nát. Hiếm khi thấy trẻ em có bộ mặt lem luốc, nhưng ngay cả việc nhìn thấy trẻ em cũng tương đối hiếm rồi. Hầu hết trẻ em đều sơ tán về vùng nông thôn và thường thì đến cuối tuần bố mẹ lại đi thăm con.
Những động vật hoang dã như sư tử hay hổ cũng đi sơ tán hoặc được thả về rừng. Theo một hãng tin phương Tây, nền kinh tế phân phối chặt chẽ bằng tem phiếu không thể cung cấp đủ thịt tươi để nuôi chúng. Đây là tin tốt cho Lầu Năm góc vì nếu đúng thì điều này chứng minh rằng chiến tranh đang gây ra “nỗi đau”. Ông Phan thuộc Ủy ban Hòa bình lại đưa ra một câu chuyện khác. Ông nói rằng họ phải chuyển các động vật nguy hiểm ra khỏi Hà Nội phòng khi cuộc tấn công bằng máy bay phá hỏng cũi và để chúng sổng ra đường phố. Tôi thích lời giải thích của ông Phan hơn, nhất là khi ông kể lại với đôi mắt mở to. Câu chuyện của ông có phần vui vẻ, nhất là với trẻ em, khi chúng ta nghĩ đến cảnh con voi trốn khỏi rạp xiếc. Tuy nhiên, cũng như việc cất giấu tranh trong bảo tàng, mọi thành phố bị ném bom đều phải đối mặt với vấn đề này. Trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, điều gì đã xảy ra với các con vật ở Vườn bách thú London? Họ giấu chúng ở đâu?
Điều mà ta không nghĩ đến là Hải quân hay Không quân Mỹ lại tính đến việc ném bom vườn bách thú. Trại phong Quỳnh Lập bị ném bom không chỉ một lần. Một lần thì có thể là sự việc ngoài tính toán, nhưng bị ném bom 39 lần thì khác. Tôi đã thấy ảnh chụp cảnh tượng lộn xộn với bác sĩ, y tá hoặc công nhân khênh cáng cố đưa bệnh nhân chân chỉ còn một cục và tay sưng vù đến nơi an toàn. 160 ngôi nhà, nơi ở của 2.000 người bị bệnh phong, bị phá hủy nặng nề (tôi phải xin lỗi vì đã dùng con số thống kê của Bắc Việt Nam, nhưng nước Mỹ chúng ta không cung cấp số liệu nào cả). Cuộc tấn công đầu tiên làm 123 người thiệt mạng, và người ta cho rằng con số này bao gồm cả những người bị súng máy bắn chết khi họ tìm cách chạy khỏi trại. Người Mỹ phản đối: “Thế thì mục đích của các cuộc tấn công là gì? Ném bom một trại phong để làm gì?” Tôi không biết mục đích là gì nhưng tôi biết kết quả của những cuộc ném bom đó: những bệnh nhân phong sống sót phải quay trở về sống ở bệnh viện bình thường của huyện hay tỉnh. Ở những bệnh viện này, bệnh nhân phong ít ra cũng là một vấn đề, là mối đe dọa đối với sức khỏe của cộng đồng. Nếu bạn ném bom bệnh nhân phong thì tại sao lại không ném bom sư tử và hổ vì chúng cũng là mối đe dọa không kém.
Không như vườn bách thú mất một nửa, chỉ còn những con vật ăn cỏ yên bình, thành phố Hà Nội bày tỏ lòng nhiệt huyết của mình khắp mọi nơi. Ngoài hầm trú ẩn, súng phòng không, bảng thông báo số máy bay bị bắn rơi, xe tải quân đội, học sinh mặc đồng phục, còn có tranh áp phích lớn về cuộc chiến, ảnh anh hùng Mặt trận Giải phóng, và băng rôn khẩu hiệu. Sự kiện thu hút nhất ở rạp chiếu phim là bộ phim về nữ anh hùng ở cầu Hàm Rồng, một cô gái đẹp là đội trưởng một đơn vị dân quân ở tỉnh Thanh Hóa. Hình của cô dân quân này, đầu đội mũ và vai đeo súng trường, được vẽ trên những tấm quảng cáo khổ rộng.
Ngay cả trước cuộc chiến tranh trên không, một số nhà văn đã mô tả Hà Nội là một thành phố ảm đạm và điều này cũng đúng ở thời điểm hiện tại và đặc biệt đúng với khu phố cổ, nơi ta không thể thấy màu sắc gì. Ở đó hầu như không có gì để mua, trừ một số vật dụng hàng ngày theo đúng nghĩa của nó, thí dụ như đèn pin, phích nước, xe đạp cũ và phụ tùng xe đạp. Nhiều cửa hàng đóng cửa. Những hoạt động kinh doanh chính của thành phố có vẻ như là cắt tóc và sửa xe đạp. Tên phố Hàng Đào (phố lụa) làm người qua lại cảm thấy không thể chấp nhận được. Ở Hưng Yên vẫn còn dâu và tằm, nhưng sản phẩm dâu tằm có lẽ để xuất khẩu. Quần áo bằng vải bông và khăn trải bàn do các hợp tác xã sản xuất được bán ở cửa hàng bách hóa nhà nước. Cũng như ở các nước cộng sản khác, sách có giá rẻ, nhưng các cửa hàng sách ở Hà Nội hầu như chỉ bày bán sách giáo khoa đủ các lĩnh vực, khoa học, kỹ thuật, chính trị. Hầu như không có sách văn học hay thơ ca và nếu có thì cũng là loại tôn thờ đạo đức hay lòng yêu nước. Có rất ít bản dịch sách cổ điển, trừ sách của Mác và Ăng-gen. Bản dịch sách của các tác giả Âu Mỹ, như ở các nước công nghiệp phát triển như Ba Lan, Tiệp Khắc, Nam Tư, vẫn là giấc mơ ở Hà Nội. “Chúng tôi đã bắt đầu dịch các tác giả tiến bộ như Jack London và Mark Twain”.
Trên đường phố, người dân hầu hết đi xe đạp, mặc quần áo màu dịu: quần đen, áo sơ mi trắng, áo khoác màu ka-ki, xám hay xanh sẫm. Một vài chiếc xích-lô, tàn dư của chế độ bất công, vẫn được sử dụng để chở hàng, nhưng đôi khi ta vẫn thấy có hành khách trên xe. Tà áo dài xuyên thấu quyến rũ, áo bình thường của phụ nữ ở miền Nam, được các diễn viên mặc khi biểu diễn hay công nhân kiểu mẫu mặc vào dịp chào đón ai đó. Điều ngạc nhiên là khi thăm nhà máy điện, bạn lại được một nhóm thanh nữ môi son, mặc áo dài màu sáng đeo nơ đỏ, chào đón bằng những bó hoa lay-ơn, làm bạn nhớ lại nước Mỹ những năm 1920. Tập trung ở cổng nhà máy, nhóm thanh nữ má hồng nhìn như những cô dâu đi từ nhà thờ ra. Thông thường phụ nữ không trang điểm gì và nét màu duy nhất trên xe đạp là màu áo mưa, thường là xanh trứng sáo hoặc hồng. Khi chiến tranh trên không bắt đầu, mọi người không dùng ô nữa mặc dù mùa đông mưa nhiều. Chiếc ô của tôi thu hút sự chú ý và tôi bắt đầu cảm thấy khó chịu như thể đó là chiếc dù to. Khi không phải mặc trang phục làm việc, đàn ông Hà Nội mặc com-plê phương Tây, áo trắng và đeo cra-vát.
Ngày 28 tháng Ba, tôi xem thợ sửa chữa mái nhà thờ ở quận Hai Bà Trưng. Ngôi nhà thờ bị đánh bom lúc 19 giờ 30 ngày 8 tháng Ba. Các giáo dân đang làm lễ tối khi nghe thấy thông báo báo động qua loa đặt ngay ngoài nhà thờ. Máy bay cách Hà Nội 40 ki-lô-mét. Cha ra lệnh giải tán, không ai bị thương trừ những bức tượng trên bàn thờ và dọc theo tường. Tôi được cho biết 18 quả bom đã được thả xuống ngôi làng Thiên Chúa giáo này. Đây là ngôi làng cách xa đường chính và xa mục tiêu quân sự có thể thấy được. Những người làm lễ tại nhà thờ đã gặp may. Cả làng có tám người chết và tám người bị thương, 15 ngôi nhà bị phá sập. Đống đổ nát đã được dọn dẹp trừ một chiếc cũi trẻ con. Hố bom cũng được san lấp và cây được trồng lại, khách đến thăm không thể đoán được điều gì đã xảy ra trừ khi đã xem trước ảnh ở Ủy ban Tội ác Chiến tranh.
Ở trung tâm Hà Nội, máy bay đã tấn công vào hai khu dân cư đông dân vào tháng Tám và tháng Mười năm ngoái (mục tiêu “công nghiệp” là cửa hàng bán đồ sắt và cửa hàng sửa chữa xe đạp). Tôi đứng giữa đống đổ nát đầy lò xo vặn vẹo và hướng dẫn viên chỉ cho tôi xem một ngôi nhà bị phá một phần đã được xây sửa lại, trông cũng không có gì mới hơn những ngôi nhà không bị bom phá. Ở đây không có gì được làm mới cả. Một mái nhà nhỏ hay một mảng tường được vội vàng dựng lên trên khu phố đã cũ kỹ của thành phố.
Mặc dù có nhiều cây lớn sum suê, hồ và vườn hoa, ngay cả trong thời bình, Hà Nội chắc chắn là một thành phố tẻ nhạt – khác với thủ đô một số nước cộng sản phương Tây có nhiều danh lam thắng cảnh thu hút khách du lịch như cung điện được phục chế, nhà thờ lấp lánh được xây lại, khu chợ đầy cảnh đẹp, những cô gái xinh đẹp mặc váy ngắn, cửa hàng đầy thảm dệt tay được thiết kế tỉ mỉ… Điều khác biệt là tính chiến đấu và ánh mắt rực lửa của người dân. Có vẻ như mục tiêu đuổi giặc ngoại xâm sống động hơn công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ở Hà Nội, bạn không thấy những người mất tinh thần như trong những đám đông ở Đông Âu, ở đây ai cũng vội vã. Chắc chắn sẽ có những người bất bình, những người hay phàn nàn, nhưng họ ở đâu? Không thể có quy định của chính phủ buộc họ ở trong nhà được. Tuy nhiên, ở mọi nơi tôi đến, tôi đều gặp nụ cười, niềm vui và tiếng vỗ tay. Người qua đường dừng lại và vẫy tay chào bạn. Đúng thật, ở những tỉnh nghèo và “không phát triển” đôi khi bạn bắt gặp những người nông dân nhiều tuổi mặc quần áo đen với nét mặt giận dữ và cứng rắn. Như những người không chịu chào cờ, họ không ngẩng mặt lên khi bạn đi qua và chào họ. Nhưng đây cũng là thường tình vì đồng thuận sẽ là điều rất bất bình thường.
Ở Hà Nội, vì chiến tranh nên dân cư đi làm từ 6 giờ sáng. Cửa hàng mở cửa từ 5 hoặc thậm chí là 4 giờ. Hầu như không ai ăn ở nhà hay nhà hàng, mà thường ăn ở căng-tin của cơ quan, trả bằng tem phiếu.
Một điều dễ thấy là cuộc sống ở Hà Nội khắc khổ và căng thẳng, mặc dù mọi người đều cố gắng giảm bớt căng thẳng cho khách nước ngoài, những người thường bị coi là yếu đuối hơn. Họ luôn xin lỗi khách vì báo động gây bất tiện. Tôi cho rằng đây là cử chỉ cẩn thận thái quá với khách người Mỹ. Họ luôn thăm hỏi khách ngủ thế nào, có mệt hay không. Đi thăm hiện trường vụ ném bom buộc tôi phải dậy lúc 7 giờ sáng, họ xin lỗi: “Tôi rất xin lỗi nhưng khởi hành sớm thì an toàn hơn”. Họ nói với tôi máy bay rất ít khi hoạt động trước 9 giờ sáng. “Có phải vì phi công phải ăn sáng không?”, tôi hỏi đùa. Họ trả lời: “Chúng tôi không thể giải thích được, nhưng chúng tôi quan sát như vậy”. Quả thật, điều này có vẻ đúng cả ở nông thôn và thành thị. Sổ của tôi chỉ ghi lại một lần báo động vào lúc 5h45 phút ngày 21 tháng Ba.■
Mary McCarthy
Trần Hà dịch
(Theo Tạp chí Phương Đông)