Trong số trước, Tạp chí Phương Đông đã giới thiệu với bạn đọc về chuyến thăm Việt Nam cuối năm 1966, đầu năm 1967 của Harrison Salisbury, nhà báo Mỹ đầu tiên đưa tin về chiến tranh từ Hà Nội. Ngoài chuỗi phóng sự chân thực đăng trên The New York Times gây xôn xao dư luận Mỹ, Harrison Salisbury còn xuất bản cuốn hồi ký “Behind the lines” (tạm dịch: Bên kia chiến tuyến) kể về những quan sát, trải nghiệm của ông ở miền Bắc Việt Nam. Nhân dịp Tết Giáp Thìn – 2024, Tạp chí Phương Đông xin trích đăng Chương 11 của cuốn hồi ký này, viết về Hà Nội những ngày giáp Tết 1967, để chúng ta cùng hồi tưởng lại một thời kỳ gian khó nhưng hào hùng của thủ đô thân yêu.
Miền Bắc đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc chiến tranh leo thang như hiện nay, không phải vì Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn chiến tranh leo thang tới mức độ này, mà bởi ông và các lãnh đạo khác đều cho rằng leo thang là đặc điểm nhất quán trong chiến lược của Mỹ, thể hiện sự bất lực của giới chức Mỹ vì không thể buộc miền Bắc Việt Nam phải chùn bước.
Một người Bắc Việt Nam cho tôi biết quân đội Mỹ ban đầu đánh bom ở ngay phía trên vĩ tuyến 17. Sau đó, họ mở rộng tấn công lên các vĩ tuyến 19, 20 rồi 21. Rồi họ tiến dần về phía Bắc, Tây Bắc và Đông Bắc của Việt Nam. Tháng Bảy năm 1966, họ tiến vào khu vực Hà Nội và Hải Phòng. Giờ đây, Mỹ đánh bom toàn diện ở mọi khu vực, mọi tỉnh thành của Bắc Việt Nam. Trong bối cảnh đó, như một lẽ dĩ nhiên, người ta phải chuẩn bị sẵn sàng cho điều tồi tệ nhất – Mỹ đánh bom có hệ thống cả Hà Nội và Hải Phòng.
Đất nước này sẽ tiếp tục chiến đấu cho dù thủ đô và cảng chủ chốt bị tấn công. Đó là quyết tâm của những nhà lãnh đạo. Đó cũng là tình thế mà người dân Việt Nam đã sẵn sàng đối mặt.
Kế hoạch sơ tán triệt để các cơ sở và xí nghiệp có thể di chuyển được ra khỏi Hà Nội đã được hoàn thành. Người ta thừa nhận rằng một số xí nghiệp không thể sơ tán được buộc phải bị bỏ không hoặc sẽ cố gắng tìm cách vận hành trong điều kiện bị ném bom dồn dập trong trường hợp chiến tranh diễn biến theo chiều hướng này.
Khi nói đến tương lai của Hà Nội, người miền Bắc thể hiện một sự bình tĩnh đáng kinh ngạc. Họ lường trước rằng thủ đô của họ có thể sẽ bị xóa sạch khỏi bản đồ, nhưng họ không cảm thấy tuyệt vọng. Họ đã có quy hoạch dự phòng để xây dựng một thủ đô mới. Họ sẽ không xây dựng lại Hà Nội, ít nhất là không phải để làm nơi đặt Chính phủ. Họ đã chọn một địa điểm mới không quá xa Hà Nội để xây dựng một thủ đô mới sau khi chiến tranh kết thúc. Họ nói rằng xét đến cùng Hà Nội cũng chỉ là một thành phố nhỏ cũ xấu xí, là biểu trưng cho thời kỳ thực dân Pháp chiếm đóng. Sau chiến tranh, họ sẽ xây dựng một thủ đô của riêng mình. Thực tế họ đã nghĩ đến việc làm điều này cho dù có thế nào.
Đúng là Hà Nội đã trở nên tiều tụy và tồi tàn. Những tòa nhà duy nhất còn mới mẻ, tươi sáng, mới được sơn lại là Phủ Chủ tịch, nơi từng là dinh thự của Toàn quyền Đông Dương, và Nhà khách Chính phủ khang trang, đây cũng là một công trình còn sót lại kể từ thời thực dân Pháp.
Một nửa dân số Hà Nội đáng lẽ ra đã phải sơ tán về các vùng quê, nhưng nhiều người dân lại trở về thành phố qua từng tuần từng tháng, đặc biệt là những đôi vợ chồng cảm thấy chia ly thật khổ sở và khó chịu. Tất cả trẻ em đáng lẽ phải rời thành phố, nhưng nhiều em đã ở lại. Cha mẹ có trách nhiệm sơ tán và gửi gắm con trẻ cho những người có khả năng chăm nuôi ở vùng quê, nhưng nhiệm vụ này đã không được triển khai một cách hệ thống hoặc nhất quán.
Ngoại trừ những bộ cánh đẹp diện vào đêm Giáng Sinh, người dân không ăn vận quá sặc sỡ, màu mè như những gì chúng ta tưởng tượng về phố phường phương Đông. Phụ nữ chỉ mặc quần sa-tanh đen, áo trắng và trong lúc trời lạnh như hiện giờ thì khoác thêm bên ngoài một chiếc áo chần bông. Quần áo xám xịt và xoàng xĩnh thể hiện sự thiếu hụt những thứ cơ bản mà chính người miền Bắc Việt Nam cũng không hề có ý định giấu giếm. “Con gái Việt Nam năm nay trông không diện mấy”, một chàng trai trẻ nói với tôi.
Những cửa hiệu chẳng có gì hấp dẫn. Một số cửa hàng đã phải đóng cửa. Những nơi khác có lẽ cũng nên đóng cửa bởi họ chẳng có gì để bày bán cả. Một cửa hàng đặc biệt được mở bán cho ngoại giao đoàn để những người nước ngoài có thể mua những mặt hàng tiêu dùng chất lượng cao nhất sẵn có. Mua sắm ở đây có thể bổ sung những mặt hàng mà những cửa hiệu thông thường thiếu hụt.
Một buổi chiều nọ, tôi đến cửa hàng cho ngoại giao đoàn, nằm ngay đối diện Hồ Hoàn Kiếm xinh xắn ở trung tâm Hà Nội. Ở đó có những gì? Danh sách hàng hóa làm tôi khá thất vọng:
Những bộ đồ lót phụ nữ với đường cắt sơ sài, làm bằng vải rayon màu hồng và xanh lòe loẹt, những chiếc khăn tay vuông in hình trang trí màu xanh và nâu giống như khăn bán ở mấy cửa hàng đồ nam trên phố Stoleshnikov ở Moscow năm 1951, xà phòng Trung Quốc, nến trắng, mấy chiếc đèn dầu thiếc nhỏ, món đồ chơi chú hề đẩy kéo có gắn chuông (từ Trung Quốc), bài tây (của Liên Xô), và đồ mở hộp.
Một gian khác được dùng để trưng bày những món hàng tạm gọi là đồ mỹ nghệ, có lẽ để mua về làm quà. Ở đây tôi thấy mấy món đồ sơn mài kém tinh xảo sản xuất ở miền Bắc Việt Nam, hộp đựng thuốc lá làm từ gỗ và đá chạm khắc, ủng cao su Hà Nội, áo mưa bằng vải nhựa màu hồng và xanh từ Trung Quốc, và túi nilon để đựng hàng hóa cũng màu hồng và xanh.
Vào ngày tôi đến cửa hàng này, những món hàng có vẻ thu hút được nhiều sự chú ý nhất là áo mưa và ủng cao su.
Gian hàng bán chạy nhất của cửa hàng ngoại giao có lẽ là gian thực phẩm. Tôi thấy nhiều nhà ngoại giao mua sắm ở những quầy này. Có cả vài nhà báo Liên Xô, và mấy người Nga vạm vỡ, ăn vận xuề xòa và hơi thô kệch đang mua vodka Moskovskaya. Họ trông như và có lẽ chính là công nhân xây dựng từ vùng đông Siberia được cử đến Hà Nội thực hiện nhiệm vụ đặc biệt nào đó. Tôi không cho rằng họ là quân nhân do họ không có vẻ gọn gàng, kỷ luật như một sĩ quan quân đội Liên Xô.
Ở quầy thực phẩm thì có gì để mua? Mứt mận Bulgaria, những lọ dưa chuột và cải bắp muối của Nga, nước khoáng Borzhumi, hai loại vodka Nga (Moskovskaya và Stolichnaya), những hộp socola rất lớn và bóng bẩy từ Trung Quốc, kẹo gôm, rượu brandy Rumania, thịt cua đóng hộp của Nga, sữa bột Trung Quốc, trà Trung Quốc, bánh quy để dùng với trà đóng trong những hộp thiếc kiểu Anh và dán nhãn tiếng Anh nhưng thực ra do Trung Quốc sản xuất (giá rất đắt), và bất ngờ nhất, là sáu hộp mù tạt Colman cũ kỹ.
Người Hà Nội có thể mua gì ở cửa hàng của họ? Chẳng nhiều nhặn gì.
Do khan hiếm hàng hóa trầm trọng, nhiều mặt hàng cơ bản như lương thực, quần áo không còn được phân phối ở các cửa hàng nữa. Những mặt hàng này được chuyển đến từng công dân thông qua cơ quan hay nhà máy nơi họ làm việc, hoặc ở khu dân cư nơi họ sinh sống.
Điều này không chỉ là vấn đề đảm bảo phân bổ đồng đều hàng hóa vốn đã khan hiếm, mà còn liên quan đến việc phân tán nhu yếu phẩm nhằm giảm thiểu thiệt hại nếu bị đánh bom. Ví dụ điển hình là nguồn cung lương thực của cả nước đã được phân cấp quản lý triệt để. Mỗi tỉnh và mỗi địa phương nay đã chịu trách nhiệm tự phân phối nhu yếu phẩm thay vì trông chờ cả vào quyết định của các cơ quan trung ương tại Hà Nội. Hàng hóa sẽ được gửi thẳng đến chính quyền tỉnh và tỉnh sẽ đảm bảo việc cung cấp cho người dân.
Những thứ nào được chia khẩu phần? Thứ quan trọng nhất là gạo. Gạo là loại lương thực cơ bản của người Việt Nam. Theo tư duy của những nhà ngoại giao phương Tây, chỉ cần khẩu phần gạo được duy trì, thì nhuệ khí và năng lực chiến đấu của người Bắc Việt sẽ không bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khẩu phần gạo từ 8 tới 20 kg một tháng, phụ thuộc vào nhu cầu của mỗi nhóm người – trẻ em, người già và người đi sơ tán nhận khẩu phần nhỏ hơn, dành khẩu phần lớn hơn cho công nhân sản xuất.
Khẩu phần gạo trung bình là khoảng 13 kg, học sinh được 15 còn công nhân lao động được từ 18 tới 20 kg. Người sơ tán về các khu vực nông thôn được nhận 8 kg gạo, do về lý thuyết họ có thể dễ dàng sử dụng thêm nguồn lương thực ở địa phương trong chế độ ăn. Khẩu phần lương thực này rõ ràng được duy trì tương đối ổn định – tôi được cho biết vào tháng Ba năm 1964 khẩu phần trung bình là 14 kg mỗi tháng. Tuy nhiên các loại thực phẩm khác đã bị cắt giảm. Trên thực tế, vào tháng Mười Hai năm 1966, 10% khẩu phần gạo đã bị thay bằng ngô. Tôi được biết giá gạo phân phối cũng rất rẻ – chỉ 4 đồng cho 10 kg.
Đường cũng được phân phối theo từng nhóm người, trung bình từ 0,5 đến 1 kg mỗi tháng. Khẩu phần thịt là từ 300 đến 500 gr, và có thể được phân phối dưới dạng mỡ.
Rau củ quả có thể mua ở các khu chợ mở với số lượng tương đối lớn. Thịt gà được bán trong các cửa hàng của Chính phủ với mức giá 4 đồng một cân (nhưng không phải lúc nào cũng có). Ở chợ nông sản, thịt gà được bán đắt gấp đôi, khoảng 8 đồng một cân.
Thịt là mặt hàng khan hiếm nhất. Mặc dù chế độ ăn của người Việt Nam chủ yếu là cơm, nhưng họ thường ăn cơm với thịt, cá và rau củ. Người dân miền Bắc nói chung có rất ít thịt để ăn trong hoàn cảnh chiến tranh.
Quần áo cũng thiếu thốn. Vải được phân phối cho mỗi người ở mức 4,5 hoặc 5,5 mét mỗi năm, lượng vải đó có lẽ chỉ may được một cái áo và một cái quần cho đàn ông hoặc một cái váy cho phụ nữ.
Nguồn cung một số mặt hàng thiết yếu thường biến mất trong một hai tuần liền. Tình trạng này cũng xảy ra với thuốc lá, diêm, xà phòng và giấy. Ở nông thôn, muối thường rất khó tìm.
Và theo như tôi được biết, ở đây gần như không có cả chợ đen. Người nông dân có thể tự do bán một phần nông sản của họ với bất cứ giá nào, nhưng phần lớn sản phẩm của họ phải giao cho nhà nước theo mức giá quy định. Tuy nhiên, cũng như nông dân ở các quốc gia cộng sản khác, họ vẫn có thể xoay sở giữ lại đủ lương thực để duy trì cuộc sống và luôn có dư để bán cho dân thành phố với mức giá cao gấp hai, ba, thậm chí bốn lần mức giá ở các chợ công. Ví dụ, trứng khó có thể mua được ở các cửa hàng quốc doanh nhưng nông dân luôn có sẵn để bán với mức giá cao.
Mặc dù thiếu hụt hàng hóa như vậy, nhưng Chính phủ vẫn có thể giảm giá một số mặt hàng nhất định – tôi cho rằng phần nhiều là để củng cố lòng dân. Ví dụ, giá xe đạp đã được giảm 30%, giờ đây được bán với giá khoảng 200 đồng, áp dụng với cả xe sản xuất tại Hà Nội và xe đạp Trung Quốc. Nhà máy Hà Nội có kế hoạch sản xuất khoảng 100.000 chiếc xe trong năm 1965 song do chiến tranh nên đã không hoàn tất được mục tiêu này. Giờ đây, với áp lực khổng lồ của việc vận chuyển quân lương, xe đạp nhập từ Trung Quốc là vô cùng cần thiết để duy trì dòng vận chuyển của miền Bắc Việt Nam.
Thế nhưng xe đạp cũng không được bán tự do trên thị trường. Để mua xe đạp, người dân phải được nhà máy hay cơ quan nơi họ làm việc cấp cho một giấy phép đặc biệt. Ở chợ đen, một chiếc xe đạp Trung Quốc giá 200 đồng được bán với giá 1.000 đồng. Một buổi tối khi đang đi bộ trên những con phố tối tăm của Hà Nội, tôi gặp một đám đông khoảng hai trăm người đang đứng yên lặng bên xe đạp của mình. Thoạt tiên, tôi tưởng rằng họ đang chuẩn bị Nam tiến. Sau đó tôi lại thấy hai chiếc xe tải lớn chất đầy xe đạp mới xuất hiện. Hóa ra những người này tụ tập ở đây để đổi xe đạp cũ lấy xe đạp mới.
Tôi được cho biết món quà tuyệt nhất mà một anh chàng có thể tặng cho bạn gái ở Hà Nội không phải là hoa hồng, kẹo hay nhẫn kim cương, mà là một sợi xích xe đạp mới. Xích xe đạp và các loại phụ tùng khác đang thiếu hụt trầm trọng ở Việt Nam. Người dân miền Bắc Việt Nam cực kỳ tuân thủ pháp luật, ngay cả khi người nước ngoài có để một trăm đô-la tiền mặt trong ngăn kéo thì cũng chẳng cần lo lắng gì, không có người phục vụ nào sờ vào đó. Nhưng xe đạp thì khác. Không một ai dựng xe đạp ở ngoài đường mà không khóa cẩn thận, bởi lẽ xe đạp chính là thứ mà người miền Bắc sẽ ăn trộm.
Xe đạp không phải là mặt hàng duy nhất được giảm giá bán. Vật tư y tế, thuốc và băng gạc cũng được giảm giá một nửa. Đài radio giảm giá 30% còn khoảng từ 100 đến 200 đồng. Nhưng mặt hàng này không phổ biến lắm. Một cán bộ nhà nước tự hào cho tôi biết rằng Hà Nội không hề chặn Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (V.O.A.). “Chúng tôi mong người dân Việt Nam nghe đài V.O.A”, anh ta nói. “Để họ thấy người Mỹ nói dối ra sao. Ví dụ, người dân Hà Nội thấy buồn cười khi nghe đài V.O.A. nói rằng không có vụ tấn công nào được tiến hành nhằm vào Hà Nội vào ngày 13 và 14 tháng Mười Hai cả”.
Cuộc sống ở Hà Nội không có quá nhiều thứ để thư giãn, giải trí. Tôi nhớ những hoạt động đường phố sôi nổi ở những thành phố phương Đông khác như Băng Cốc, Phnompenh hay thậm chí là Vientiane. Những nhà ngoại giao phương Đông thường chọn Vientiane làm địa điểm xả hơi – mặc dù xét theo tiêu chuẩn nào thì đây cũng khó có thể được coi là một thủ đô sôi động.
Âm hưởng cuộc sống ở Hà Nội phản ánh những hệ quả không thể tránh khỏi của chiến tranh. Nhà hát Opera Quốc gia cổ kính vốn là niềm tự hào của thủ đô mang đậm màu sắc Pháp và rất được người dân miền Bắc ưa chuộng đã phải đóng cửa bởi Chính phủ không cho phép tụ tập đông người ở một địa điểm. Hoạt động của nhà thờ cũng vậy. Họ chỉ được làm lễ lúc 6 giờ sáng và 6 giờ chiều. Hoạt động thương mại, mua bán của thành phố này cũng bị đảo lộn. Các cửa hàng mở cửa lúc 5 giờ sáng, đóng cửa lúc 8 giờ sáng và hầu như không hoạt động lại cho tới tận chiều muộn. Thành phố này mang một vẻ hoang vu. Không có xe taxi. Chỉ các cán bộ mới được dùng xe ô tô, và số lượng cũng không nhiều, chủ yếu là xe Volga Nga hoặc những chiếc Pobedas cũ. Ở đây có tàu điện cũ kỹ và bạc phếch, những chiếc xe buýt móp méo được ngụy trang cẩn thận và có khá nhiều xích lô, dường như người ta dùng chúng để chở những loại hàng hóa cồng kềnh có trọng lượng nhẹ cũng nhiều như chở người.
Ấy vậy mà cuộc sống nơi đây vẫn tiếp diễn. Khi trời xẩm tối, những quán bia và quán bar bắt đầu đông vui và chật kín người vào lúc 6 giờ tối, với hàng trăm chiếc xe đạp đỗ ở ngoài. Ở đây cũng có nhiều hàng quán nhỏ. Và len giữa những vườn cây xanh mát bao quanh những hồ nhỏ xinh xắn giữa lòng Hà Nội là những quán café ven hồ. Thanh niên tản bộ trong công viên ven hồ, thảnh thơi trong buổi chiều muộn, nhâm nhi một món bánh ngọt nhân hành, uống cà phê sữa hoặc bia Hà Nội ngon tuyệt. (Hà Nội vô cùng tự hào về bia của mình và cho rằng đây là thứ bia ngon nhất phương Đông.) Ở những sạp hoa ven hồ, những cô hàng hoa thanh tú bán những bó hoa tươi cho những chàng trai vội vã từ tiền tuyến trở về thăm người trong mộng.
Và trong những ngày cuối cùng ở Hà Nội, tôi nhìn thấy ở khắp các vỉa hè là khung cảnh những người đàn ông, phụ nữ nhẫn nại thái bí đao thành sợi để làm mứt bí – món ngọt truyền thống ngày Tết, đó là ngày lễ năm mới theo lịch âm, chỉ còn cách thời điểm đó khoảng ba tuần lễ.
Cuộc chiến vẫn tiếp diễn, miền Bắc vẫn tiếp tục đấu tranh trong cuộc chiến sinh tử. Nhưng việc chuẩn bị cho ngày lễ vẫn diễn ra như từ hàng nghìn năm trước, theo tưởng tượng của tôi. Và khi Tết đến, thành phố này sẽ chìm trong không khí lễ hội. Giá như tôi có thể ở lại để chứng kiến điều này, bởi Tết là ngày lễ trọng đại nhất của người Việt Nam.
“Tết hay lắm”, một phụ nữ Pháp kể với tôi. “Trong dịp Tết, họ sẽ cấm xe ở một số tuyến phố chính để dành cho người đi bộ. Những con phố sẽ ngập tràn hoa. Ngay bây giờ, hoa đang được chuyển về từ khắp mọi ngả đất nước”.
Tết cũng là lúc những đóa hoa đầu tiên của mùa xuân nhiệt đới bừng nở. Tất cả mọi người sẽ xuống phố, đi giữa những hàng hoa, đắm chìm trong hương thơm nồng nàn, và tận hưởng lần nữa sự tái sinh của đất mẹ.
Hà Nội có thể đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất, nhưng những người phụ nữ Hà Nội đáng yêu, với vóc dáng mềm mại, vẻ duyên dáng thanh tao trong từng bước đi, sẽ lại một lần nữa diện những chiếc áo lụa đẹp đẽ nhất. Họ sẽ gài lên tóc những đóa hoa, và họ sẽ đi giữa bạt ngàn hoa cao ngang eo, như họ đã từng làm trong suốt những thế kỷ qua, trước ánh mắt ngưỡng mộ của những người bạn nam bên cạnh.
Đúng là Hồ Chí Minh đã cảnh báo người dân phải chuẩn bị cho những gì tồi tệ nhất. Nhưng họ cũng sẽ tận hưởng hiện tại – và quá khứ – ít nhất là trong thời điểm chuyển giao thoáng chốc. Tết đã là ngày lễ từ rất lâu trước khi cuộc chiến tranh này nổ ra, trước cả khi chế độ Cộng sản ra đời, và tôi nghĩ, rất lâu sau khi ký ức về cuộc chiến tranh này hoà cùng với những huyền thoại chiến đấu chống quân Nguyên, quân Minh, Tết sẽ vẫn là biểu tượng vĩ đại của truyền thống và tinh thần của dân tộc Việt Nam.■
Harrison Salisbury
Hồng Hạnh (dịch)