Nhà báo Mỹ điều trần trước Thượng viện về chuyến thăm miền Bắc Việt Nam cuối năm 1966

Tháng 12 năm 1966, nhà báo Harrison Salisbury của tờ The New York Times trở thành nhà báo Mỹ đầu tiên đưa tin về chiến tranh từ Hà Nội. Ông đã viết 22 bài báo về miền Bắc Việt Nam, đăng trên The New York Times trong khoảng từ 25/12/1966 đến 18/1/1967. Chuỗi bài của ông lập tức trở thành tâm điểm gây tranh cãi trong chính giới và dư luận Mỹ, bởi những thông tin ông cung cấp đã thách thức nhiều tuyên bố của chính quyền Johnson về bản chất cuộc chiến ở Việt Nam, đặc biệt là luận điệu các cuộc ném bom của Mỹ chỉ nhằm vào mục tiêu quân sự và chính xác như dao mổ. Các chính trị gia bảo thủ và một bộ phận công chúng đã lên án, lăng mạ Salisbury, trong khi những người cấp tiến ca ngợi tinh thần làm báo liêm chính của ông. Tạp chí Phương Đông giới thiệu với bạn đọc bản dịch nguyên văn bài điều trần của Harrison Salisbury trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ ngày 2/2/1967 về chuyến thăm miền Bắc Việt Nam, cùng một bài báo ông viết về Nam Định ngày 30/12/1966, để hiểu cách nhìn của người Mỹ đối với cuộc chiến tranh Mỹ gây ra ở Việt Nam.

Trình bày của Harrison E. Salisbury tại Phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ ngày 2 tháng 2 năm 1967

Theo quan sát của tôi, tình hình ở Việt Nam dường như đang chạm tới một bước ngoặt có thể dẫn đến một giải pháp thương lượng hoặc một sự leo thang đột ngột và nguy hiểm.

Tôi có được ấn tượng này từ chuyến thăm Hà Nội và nó dựa trên những cuộc nói chuyện của tôi với các lãnh đạo Bắc Việt, những quan sát của tôi về chiến sự ở miền Bắc, những căng thẳng phức tạp xoay quanh Trung Quốc và tiến triển trong nỗ lực của chúng ta nhằm đạt được một giải pháp quân sự ở Đông Nam Á.

Hiện nay chúng ta đã theo đuổi chính sách ném bom miền Bắc Việt Nam được khoảng hai năm, thỉnh thoảng có bị gián đoạn. Cuộc tấn công được phát động vào tháng 2 năm 1965 và dần dần được mở rộng và tăng cường về quy mô. Ban đầu, các cuộc tấn công được thực hiện ngay phía bắc vĩ tuyến 17, sau đó được chuyển lên vĩ tuyến 20 và 21, rồi bắt đầu được triển khai lên phía bắc, đông bắc và tây bắc. Các chiến dịch không quân của chúng ta hiện đã mở rộng đến hầu hết mọi khu vực ở miền Bắc Việt Nam và kể từ tháng 7 năm ngoái đã nhằm cả vào các mục tiêu ở khu vực đô thị Hà Nội và Hải Phòng. Cuộc tấn công này đã khiến chính quyền Hà Nội phải lên kế hoạch tiếp tục chiến tranh trong trường hợp có một cuộc tấn công cuối cùng vào Hà Nội và Hải Phòng. Chúng ta đã tấn công tất cả các thành phố và thị trấn khác cũng như một số lượng khá lớn làng mạc của họ.

Nhà báo Harrison Salisbury tại phố Nguyễn Thiếp, Hà Nội năm 1966. Ảnh: Trưng bày trực tuyến của Thư viện Đại học Columbia, Hoa Kỳ

Mục tiêu của cuộc tấn công, theo tôi hiểu, là để trừng phạt Bắc Việt, gây khó khăn hơn cho họ trong việc hỗ trợ các hoạt động ở miền Nam và buộc họ phải đàm phán với chúng ta tại bàn hội nghị.

Theo quan sát của tôi tại hiện trường, chiến dịch đánh bom ở khu vực Hà Nội và các vùng cách đó 80 – 90 dặm (130 – 145 km) về phía nam và 15 – 20 dặm (24 – 32 km) về phía bắc đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho nhiều cơ sở quân sự trong khu vực.

Mục tiêu chính của chúng ta là các tuyến đường sắt, đường cao tốc và cầu, tạo thành mạng lưới liên lạc và tiếp tế để chuyển vũ khí, đạn dược, thực phẩm và nhân lực về phía nam, tiếp cận và củng cố lực lượng mà ta gọi là Việt Cộng.

Thiệt hại gây ra cho các cơ sở này cũng như các khu vực kho bãi và trung chuyển là rất đáng kể. Những người phương Tây thường xuyên đến thăm khu vực Hải Phòng cho tôi biết rằng chúng ta đã phá hủy phần lớn hệ thống kho chứa dầu của miền Bắc Việt Nam. Thực tế này đã được xác nhận khi tôi trông thấy các thùng dầu dung tích 55 gallon rải rác tung tóe khắp nơi khi tôi di chuyển ra ngoài Hà Nội.

Hậu quả của việc ném bom

Một hệ quả quan trọng của chiến dịch ném bom là sự phân tán nguồn tiếp tế, vật liệu và cơ sở vật chất của Bắc Việt. Họ không chỉ sơ tán số lượng lớn dân cư ở các thành phố và thị trấn về các làng nhỏ ở nông thôn mà theo như tôi quan sát được, giờ đây họ còn không tích trữ tập trung bất kỳ loại vật liệu dễ bị tấn công nào (ngoại trừ ở khu vực Hải Phòng). Thay vào đó, họ phân tán kho bãi dọc theo các con đường và trên các cánh đồng trên khắp đất nước, thường ở những khu vực dễ tiếp cận với đường cao tốc. Điều này khiến các cuộc tấn công ném bom của chúng ta khó có thể gây nhiều thiệt hại cho họ.

Tôi không nghi ngờ gì việc chúng ta ném bom miền Bắc đã khiến chế độ này gặp khó khăn hơn trong việc tiếp tục chiến đấu và tiếp tế cho miền Nam. Nhưng đồng thời, rõ ràng là hàng tiếp tế vẫn tiếp tục di chuyển về phía nam với số lượng lớn. Mặc dù bị ném bom liên tục và rất nặng nề, cả đường bộ và đường sắt đều hoạt động trong thời gian tôi ở đó, và những người nước ngoài khác cho biết chưa có bất kỳ sự gián đoạn nghiêm trọng nào trong liên lạc với miền Nam. Người Việt có một hệ thống sửa chữa đường sắt cực kỳ hiệu quả. Đường sắt của họ là đường sắt đơn hạng nhẹ. Dọc theo toàn bộ tuyến đường, họ rải một lượng lớn thanh ray, tà vẹt và đá ba-lát dự phòng. Khi đường sắt bị trúng bom, các đoàn dân công được tập hợp từ nông thôn và lập tức bắt tay vào việc thay đường ray và lấp hố. Những cây cầu được thay bằng cầu phao làm bằng những chiếc thuyền nhỏ bằng gỗ gắn với nhau bằng một lớp cọc tre. Với vật liệu rẻ, nhẹ và có sẵn ở khắp nơi, cầu phao có thể được lắp đặt trong vòng một hoặc hai giờ sau khi một cây cầu bằng thép hoặc gỗ thông thường bị phá hủy.

Ở những nơi đường sắt bị cắt đứt và sẽ mất nhiều thời gian sửa chữa, các tiểu đoàn xe đạp được huy động, và lượng hàng trên tàu được dỡ lên những chiếc xe đạp, mỗi chiếc chở 600 pound (272 kg) di chuyển qua chỗ đứt rồi lại chất lên một đoàn tàu trống. Quá trình này tốn không quá hai hoặc ba giờ đồng hồ và dường như có rất nhiều lao động sẵn sàng thực hiện nó.

Cuộc tấn công ném bom của chúng ta tất nhiên đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho nhà dân, khiến dân thường thiệt mạng, cũng như gây thiệt hại và phá hủy nhiều cơ sở phi quân sự. Loại thiệt hại này có thể dễ dàng quan sát được ở một số khu vực của Hà Nội, ở ngoại ô thành phố và dọc theo các đường cao tốc đi về phía Nam và ở mọi thành phố hoặc thị trấn lớn nhỏ mà tôi đến thăm. Thiệt hại đặc biệt rõ ràng ở các khu vực gần đường sắt, nhất là những nơi có thể có các đường tránh tàu mà máy bay ném bom của chúng ta đã tấn công.

Cầu phao làm bằng thuyền nan ở Nam Hà trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Đinh Quang Thành/TTXVN

Mặc dù ở Mỹ có nhiều phản ứng trước các báo cáo của tôi về thiệt hại đối với dân thường và thương vong của dân thường, nhưng bản thân tôi không ngạc nhiên về kết quả các vụ ném bom của chúng ta. Kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy không thể ném bom các mục tiêu quân sự, đặc biệt là ở một đất nước đông dân cư, mà không gây thương vong cho dân thường. Những gì đã được chứng minh là đúng trong quá khứ thì cũng đã được chứng minh là đúng trong cuộc tấn công ném bom miền Bắc Việt Nam hiện nay.

Ta phải cân nhắc giữa một bên là tác động ngăn chặn của việc ném bom đối với việc chi viện cho miền Nam và một bên là phản ứng mạnh mẽ mà chiến dịch đánh bom đã kích thích trong dân chúng. Người dân miền Bắc Việt Nam, theo quan sát của tôi, dường như rất mạnh mẽ và đoàn kết ủng hộ nỗ lực chiến đấu – đến mức mà tôi thấy ngạc nhiên ở một nước Cộng sản – và tôi nghĩ điều này rõ ràng là do cuộc tổng tấn công ném bom, mối nguy hiểm chung mà tất cả bọn họ đều phải trải qua, đã kích thích tình cảm yêu nước trong họ.

Khó mà nói liệu chúng ta có thu được nhiều lợi ích hơn trong việc ngăn chặn sự di chuyển người và vật chất vào miền Nam so với những gì bị mất do tinh thần dân tộc Việt Nam ngày càng cứng rắn hay không.

Tương lai của cuộc chiến

Về tương lai của cuộc chiến, tôi thấy rõ ràng Trung Quốc là yếu tố chính khiến Hà Nội nghiêm túc xem xét một giải pháp thương lượng. Tình hình Trung Quốc cực kỳ nhạy cảm, ẩn chứa đầy nguy cơ đối với Hà Nội, và theo tôi, một sự thận trọng dù nhỏ nhất cũng sẽ buộc Hà Nội phải tính toán xem những cách dàn xếp nào có thể đạt được vào thời điểm này thay vì đợi đến sau này khi Trung Quốc có thể không viện trợ cho họ nữa. Hà Nội cần viện trợ của cả Trung Quốc và Nga để duy trì nỗ lực chiến đấu ở mức độ hiện tại và sẽ bị bất lợi nghiêm trọng nếu Trung Quốc đóng cửa biên giới, cắt đứt các tuyến đường tiếp tế hoặc ngừng gửi viện trợ. Ngoài ra, trong tâm trí người dân Hà Nội luôn nghĩ đến nguy cơ nội chiến có thể nổ ra ở Trung Quốc, điều này sẽ hạn chế khả năng Trung Quốc hỗ trợ Bắc Việt.

Vì vậy, dù họ công khai tuyên bố như thế nào, các sự kiện dường như đang thúc đẩy Hà Nội tiến tới việc tìm kiếm một giải pháp cho chiến tranh.

Ngoài ra, tôi thấy nguy cơ leo thang chiến tranh dường như rất nghiêm trọng. Có nhiều chiến lược gia quân sự Mỹ coi những dấu hiệu khó khăn và căng thẳng hiện nay của Hà Nội là cơ hội để leo thang chiến tranh và do đó, theo quan điểm của họ, không cần phải lưu ý đến Hà Nội khi áp đặt một giải pháp.

Lực lượng dân quân dùng đất đá lấp một hố bom khổng lồ do máy bay Mỹ vừa gây ra trên Quốc lộ 1 gần Ninh Bình năm 1967. Chỉ sau 3 giờ đồng hồ, hố bom đã lấp xong, xe cộ lưu thông bình thường trở lại. Ảnh: Lee Lockwood

Hướng đi này nguy hiểm ở chỗ bằng hành động này khác chúng ta có thể kích động Trung Quốc tham chiến. Tôi được Bắc Việt cho biết cụ thể rằng Trung Quốc sẽ tham chiến nếu chúng ta làm một trong những điều sau: vượt vĩ tuyến 17 bằng lực lượng trên bộ, đổ bộ vào miền Bắc từ bờ biển, hay nói nôm na là “đưa cuộc chiến đến gần biên giới Trung Quốc hơn”. Trong hoàn cảnh này, chắc chắn Hà Nội sẽ kêu gọi Trung Quốc can thiệp và khi đó chúng ta sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến tranh trực diện giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Khả năng can thiệp của Trung Quốc còn xuất phát từ những lý do khác. Có những thành viên thân Trung Quốc trong chính quyền Hà Nội. Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ giải pháp chấm dứt chiến tranh nào. Trung Quốc muốn chiến tranh tiếp diễn tới một tương lai không xác định. Nếu Hà Nội bắt tay vào một lộ trình được vạch ra để đưa đến một giải pháp, Trung Quốc có thể sẽ tìm cách lật đổ giới lãnh đạo Hà Nội và thay thế bằng những người cống hiến hết mình cho lý thuyết đặc biệt của họ về chiến tranh kéo dài.

Theo quan điểm của tôi, con đường có lợi nhất cho Hoa Kỳ vào thời điểm hiện tại sẽ là một cuộc thăm dò thầm lặng và hoàn toàn bí mật với đại diện của Hà Nội để xem liệu các yếu tố của một giải pháp hợp lý và danh dự, mà nhìn chung chấp nhận được với cả hai bên, có thể thực hiện được hay không. Quá trình này hẳn sẽ rất khó khăn, nhưng xét đến những nguy cơ liên quan, tôi nghĩ đây sẽ là một nỗ lực đáng giá.■

Nam Định khẳng định: Không có mục tiêu quân sự

Harrison SalisburyThe New York Times

Trần Hà dịch

Hà Nội, Bắc Việt, ngày 30/12/1966: Các nguồn tin Bắc Việt hôm nay cho biết, theo những gì họ nắm được, thông cáo của Mỹ ngày hôm qua là thông cáo đầu tiên nhắc đến Nam Định như một mục tiêu ném bom. Thông cáo viết bãi hàng hóa đường sắt ở Nam Định đã bị ném bom.

[Arthur Sylvester, Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng đặc trách Quan hệ Công chúng, tuyên bố tại Washington hôm thứ Năm rằng các thông cáo từ Sài Gòn đã ba lần nêu tên Nam Định như một mục tiêu ném bom. Ông còn nói thêm rằng 64 cuộc tấn công vào thành phố này đều nhằm vào mục tiêu quân sự.]

Nam Định, thành phố lớn thứ ba của Bắc Việt Nam, nằm cách Hà Nội khoảng 100 km về phía nam. Theo số liệu mới được giới chức công bố, thành phố có khoảng hơn 90.000 dân.

Một công nhân trong nhà máy dệt Nam Định năm 1967. Công nhân được chuẩn bị sẵn súng trường để sử dụng chống lại máy bay Mỹ trong trường hợp bị oanh kích. Ảnh: Lee Lockwood

Các cuộc tấn công liên tục

Theo giới chức địa phương, Nam Định liên tục bị ném bom từ ngày 28 tháng 6 năm 1965. Họ khẳng định thành phố này về cơ bản là một trung tâm dệt lụa và bông, không có mục tiêu quân sự.

Giới chức thành phố còn khẳng định rằng ít nhất cho đến thông cáo phát hành hôm qua, Mỹ chưa bao giờ mô tả Nam Định có mục tiêu quân sự.

Liệu Nam Định hiện có hay đã từng có mục tiêu quân sự hay không? Đường sắt chạy qua thành phố, nghĩa là ở đây có thể có kho bãi hàng hóa.

Phóng viên thấy ở đây có nhà máy dệt và nhà máy xay xát. Cả hai đều đang hoạt động, nhưng nhà máy dệt đang bị hư hại nặng nề.

Cũng có nhà máy dệt lụa, nhưng giới chức nói nó đã bị phá hủy. Có nhà máy đóng hoa quả hộp và hợp tác xã sản xuất chỉ.

Phóng viên không thể khẳng định liệu nhà máy đóng hoa quả hộp có hoạt động hay không vì không được thấy và các quan chức cũng không nói gì. Họ nói rằng hợp tác xã sản xuất chỉ đã bị phá huỷ. Tôi được xem dãy phố chính, nơi từng có hợp tác xã sản xuất chỉ, và ở đó chỉ còn đống đổ nát tan hoang.

Câu hỏi chưa có câu trả lời

Không có thông tin gì về nhà máy sản xuất nông cụ, người ta chỉ nói đó là một trong các cơ sở công nghiệp của thành phố. Có phải nó đã chuyển thành nhà máy sản xuất vũ khí không? Phóng viên không thể khẳng định. Liệu ở đây còn có các nhà máy sản xuất vũ khí khác không? Phóng viên cũng không thể khẳng định.

Phóng viên đã thấy nhà dân và phố xá buôn bán thông thường bị tàn phá nặng nề trên một diện tích lớn, đến mức nhiều khu phố bị bỏ hoang. Phần lớn các khu này nằm ở gần nhà máy dệt. Khắp thành phố đều có các khu vực bị tàn phá nặng nề.

Cảnh Nam Định bị ném bom hẳn không xa lạ với những người đã chứng kiến cảnh London bị tấn công, Berlin và Warsaw bị phá hủy, hay những thành phố ở Liên Xô bị bom cày nát như Stalingrad và Kharkov. Nhìn cảnh trên mặt đất, tác động của bom hầu như không thay đổi kể từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Nam Định đã bị tàn phá bằng cách nào? Dữ liệu về các cuộc ném bom do giới chức địa phương cung cấp, họ có hồ sơ chi tiết về thời gian, ngày giờ và địa điểm, số máy bay, số thương vong, số nhà bị phá hủy…

Các loại máy bay được đề cập

Giới chức thành phố cho biết máy bay ném bom của Hạm đội Bảy đã tiến hành các cuộc ném bom liên tục và có sức công phá lớn, nhưng họ không nói chỉ có Hạm đội Bảy tham gia. Họ đưa ra danh sách các cuộc ném bom bằng máy bay F-105, F-4, RB-57, A-4A, A6-A và A-3J.

Theo các quan chức này, cuộc tấn công nặng nề nhất là ở Hàng Thao vào 6:30 sáng 14 tháng Tư. Hai máy bay Mỹ không rõ loại nào đã bay tầm thấp và ném 8 quả bom Mark-84. Cuộc ném bom này đã làm 49 người thiệt mạng, 135 người bị thương và 240 ngôi nhà bị phá huỷ.

Phố Hàng Thao bị bom Mỹ phá hoại năm 1966. Ảnh: Báo Nam Định

Giới chức cho biết tỷ lệ thương vong đã giảm nhiều bởi chỉ có 2.300 trong số 17.680 cư dân còn sống ở đó, số còn lại đã được sơ tán.

Giới chức cho biết hôm 18 tháng Năm cũng có một cuộc ném bom nhằm vào phố Hoàng Văn Thụ gần đó, trước đây là khu người Hoa. Hai máy bay F-4H ném bom từ độ cao 550 mét lúc 11:04 sáng. Hôm đó trời mưa to, làm ngập nhiều hầm trú ẩn. Số liệu thương vong được xác định là 13 người thiệt mạng, bao gồm một vài người bị đuối nước, 11 người bị thương, 372 ngôi nhà bị tàn phá. Chỉ có 230 trong tổng số 7.858 cư dân ở lại phố này, những người khác đã được đi sơ tán.

Về câu hỏi liệu máy bay Mỹ có chủ ý phá hoại đê sông Đào hay không, giới chức thành phố cho biết vào ngày 31 tháng Năm và 14 tháng Bảy, sáu quả bom đã rơi xuống đoạn đê dài 1,6 km, làm vỡ nhiều chỗ.

Họ nói có những trận bom khác diễn ra vào ngày 20 và 31 tháng Bảy, và có nhiều bom rơi trượt vào những khoảng thời gian khác.

Giới chức cho biết thiệt hại đã được sửa chữa. Tuy nhiên, hố bom vẫn còn đó.

[Mỹ nhất mực cho rằng không chủ định đánh phá đê điều, mặc dù sau đó thừa nhận đê có thể vô tình bị trúng bom.]

Cuộc ném bom được coi là cố ý

Giới chức Nam Định cho rằng các cuộc ném bom này là có chủ ý. Đê nằm ở khu vực lộ thiên bên ngoài thành phố, quanh khu vực này không phát hiện được mục tiêu nào, ít nhất ở thời điểm hiện tại.

Dù sao đi nữa, họ cho rằng Mỹ sẽ đánh phá đê điều và họ đang dành hàng vạn ngày công để xây đê phụ phòng trường hợp khẩn cấp, con đê này uốn lượn trong thành phố. Họ còn đang đắp một con đê thứ hai rất lớn củng cố bên ngoài thành phố.

Đê điều là vấn đề sống còn ở vùng đồng bằng sông Hồng. Vào mùa nước, Hà Nội nằm dưới mực nước sông khoảng 6 mét và nếu đê bị vỡ, hầu hết vùng nông thôn sẽ bị ngập, hoa màu sẽ bị phá hỏng và nhiều người sẽ thiệt mạng.

Nạn lụt năm 1945 còn sống động trong ký ức người dân Bắc Việt. Năm đó, đê bị vỡ vì quân Nhật Bản. Kết quả của trận lụt bi thảm đó là vụ mùa thất bát và nạn đói hoành hành, ước tính 1,5 đến 2 triệu người đã thiệt mạng.■

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN