Martin Luther King Jr. nói về Chiến tranh Việt Nam

Ngày 25/2/1967, Martin Luther King Jr., nhà lãnh đạo phong trào dân quyền Hoa Kỳ được giải Nobel Hòa bình năm 1964, xuất hiện cùng với bốn thượng nghị sĩ Hoa Kỳ phản đối chiến tranh tại một hội nghị ở Beverly Hills, California. Trong bài phát biểu của mình, M. L. King đã mô tả thương vong của Chiến tranh Việt Nam đã vượt ra ngoài nỗi kinh hoàng hữu hình, phá hủy chương trình Xã hội Vĩ đại và đe dọa các nguyên tắc và giá trị của Mỹ như thế nào. Lời lẽ thẳng thắn của ông về một vấn đề thường không được coi là thuộc phạm trù dân quyền đã góp phần khiến làn sóng chỉ trích chiến tranh lan rộng. Tạp chí Phương Đông xin giới thiệu bản lược dịch bài phát biểu trên.

Tôi phải nói rằng tôi vô cùng vui mừng và vinh dự được tham gia vào hội nghị quan trọng này. Trong những tháng ngày căng thẳng, khi các vấn đề của thế giới có quy mô khổng lồ và hỗn loạn đến từng chi tiết, không có gì cần thiết hơn là phải suy nghĩ tỉnh táo, tranh luận lành mạnh, bày tỏ sự bất đồng một cách sáng tạo và thảo luận sáng suốt. Đây là lý do tại sao hội nghị này lại quan trọng đến vậy.

Chiều nay, tôi muốn trò chuyện thẳng thắn với các bạn về sự can dự hiện tại của chúng ta ở Việt Nam. Đề tài tôi chọn là “Tổn thương của Chiến tranh Việt Nam”. Tất cả chúng ta đều biết tổn thương thể chất khủng khiếp như thế nào. Chúng ta thấy nó trên màn hình tivi trong phòng khách với tất cả các góc cạnh bi thảm, và chúng ta đọc về nó trên nhật báo khi đi tàu điện ngầm và xe buýt. Chúng ta thấy những cánh đồng lúa của một quốc gia châu Á nhỏ bé bị giẫm đạp và đốt cháy tùy tiện: chúng ta thấy những bà mẹ đau buồn ôm những đứa con đang khóc trong tay nhìn những túp lều tranh nhỏ của họ bốc cháy; chúng ta thấy những ruộng lúa và thung lũng nhuốm đầy máu; chúng ta thấy những xác chết nằm chỏng chơ trên biết bao cánh đồng; chúng ta thấy những chàng trai trẻ trở về nhà khi không còn nguyên vẹn – với khuyết tật thể chất và bệnh tâm thần. Bi kịch nhất là tình trạng thương vong ở trẻ em. Khoảng một triệu trẻ em Việt Nam đã là nạn nhân của cuộc chiến tàn khốc này. Một cuộc chiến trong đó trẻ em bị bom napalm thiêu cháy, một cuộc chiến trong đó lính Mỹ chết ngày càng nhiều trong khi những lính Mỹ khác, theo báo chí đưa tin, với lòng căm hận không kiềm chế được đã bắn vào kẻ thù khi người đó bị thương nằm trên mặt đất, là một cuộc chiến làm què cụt lương tâm. Tổn thương này đủ lớn để khiến tất cả chúng ta công phẫn và đứng lên phản đối bản chất của cuộc chiến.

Nhà lãnh đạo dân quyền Martin Luther King Jr. (giữa) dẫn đầu một cuộc biểu tình phản đối Chiến tranh Việt Nam ở thành phố New York, ngày 16/3/1967. Ảnh: AFP

Nhưng thảm họa không chỉ là những tổn thương về thể chất trong Chiến tranh Việt Nam. Tổn thương về các nguyên tắc và giá trị cũng tai hại và đau đớn không kém. Thực ra, cuối cùng thì những tổn thương này còn có hại hơn vì chúng cứ thế tồn tại. Nếu những tổn thương về nguyên tắc không được chữa lành thì những tổn thương thể chất sẽ tiếp tục gia tăng.

Một trong những tổn thất đầu tiên của Chiến tranh Việt Nam là Hiến chương Liên hợp quốc. Chính phủ ta đã vi phạm trắng trợn nghĩa vụ theo Hiến chương Liên hợp quốc quy định là phải trình Hội đồng Bảo an cáo buộc [của chính phủ Mỹ] miền Bắc Việt Nam xâm lược. Thay vào đó chúng ta đơn phương phát động một cuộc chiến tranh tổng lực ở châu Á. Làm việc này, chúng ta đã làm xói mòn mục tiêu của Liên hợp quốc và khiến hiệu quả của tổ chức này bị suy giảm. Chúng ta cũng đã đặt đất nước mình vào tình thế bị cô lập về đạo đức và chính trị. Ngay cả những đồng minh lâu năm của chúng ta cũng kiên quyết từ chối tham gia cùng chính phủ của chúng ta trong cuộc chiến xấu xa này. Là người Mỹ và những người yêu thích dân chủ, chúng ta nên suy nghĩ cẩn thận về hậu quả của tình trạng suy thoái vị thế đạo đức của đất nước mình trên thế giới.

Tổn thất thứ hai của cuộc chiến ở Việt Nam là nguyên tắc tự quyết. Bằng cách bước vào một cuộc chiến không khác gì một cuộc nội chiến, Mỹ cuối cùng đã ủng hộ một hình thức chủ nghĩa thực dân mới được che đậy bởi một số chi tiết tinh vi phức tạp. Dù chúng ta có nhận ra hay không thì việc chúng ta tham gia vào cuộc chiến ở Việt Nam là một biểu hiện đáng lo ngại cho thấy chúng ta không thông cảm với những người bị áp bức, chống cộng hoang tưởng, không cảm nhận được nỗi đau đớn và thống khổ của người nghèo. Điều này cho thấy chúng ta sẵn sàng tiếp tục tham gia vào các cuộc phiêu lưu chủ nghĩa thực dân mới. Điều trớ trêu và bi kịch lớn nhất là đất nước chúng ta, đã từng khởi xướng tinh thần cách mạng ở nhiều nơi trong thế giới hiện đại, giờ đây lại đang trở thành một khuôn mẫu phản cách mạng.

Tổn thất thứ ba của cuộc chiến ở Việt Nam là Chương trình Xã hội Vĩ đại. Cuộc chiến tranh hỗn loạn này đã tàn phá nước chúng ta. Bất chấp những lời chối cãi yếu ớt, hứa hẹn của Quốc hội về chương trình Xã hội Vĩ đại đã bị “bắn hạ” tại chiến trường Việt Nam. Việc theo đuổi cuộc chiến mở rộng này đã thu hẹp các chương trình phúc lợi trong nước, khiến người nghèo, cả người da trắng và người da đen, phải chịu gánh nặng nặng nề nhất cả ở tiền tuyến lẫn ở trong nước Mỹ.

Theo ước tính, chúng ta chi 322.000 USD cho mỗi kẻ thù mà chúng ta tiêu diệt, trong khi chúng ta chi cho cái gọi là cuộc chiến chống đói nghèo ở Mỹ chỉ khoảng 53 USD cho mỗi người được phân loại là “nghèo”. Và phần lớn trong số 53 USD đó được dùng để trả lương cho những người không nghèo. Chúng ta đã leo thang chiến tranh ở Việt Nam và tiết giảm cuộc đấu tranh chống đói nghèo. Điều này thách thức trí tưởng tượng để suy ngẫm xem chúng ta có thể biến đổi cuộc đời của những ai nếu chúng ta ngừng giết chóc.

Tổn thất thứ tư của cuộc chiến ở Việt Nam là sự khiêm nhường của dân tộc chúng ta. Bằng quyết tâm bền bỉ, tiến bộ khoa học công nghệ và những thành tựu rực rỡ, nước Mỹ đã trở thành quốc gia giàu có và hùng mạnh nhất thế giới. Chúng ta đã chế tạo ra những cỗ máy có khả năng suy nghĩ và các công cụ có khả năng quan sát khoảng không vô tận giữa các vì sao. Chúng ta đã xây dựng những cây cầu khổng lồ bắc qua biển và những tòa nhà khổng lồ vươn tới bầu trời. Bằng máy bay và tàu vũ trụ, chúng ta đã thu hẹp khoảng cách và sắp xếp thời gian theo chuỗi, và bằng tàu ngầm, chúng ta đã thâm nhập đại dương sâu thẳm. Năm nay, tổng sản phẩm quốc gia của chúng ta sẽ đạt con số ấn tượng là 780 tỷ đô la. Tất cả những điều này là một bức tranh đáng kinh ngạc về sức mạnh to lớn của chúng ta.

Nhưng thành thực mà nói, phải thừa nhận rằng quyền lực thường khiến chúng ta trở nên kiêu ngạo. Chúng ta cảm thấy rằng tiền của chúng ta có thể làm bất cứ điều gì. Chúng ta kiêu ngạo cảm thấy rằng chúng ta có mọi thứ để dạy các quốc gia khác và không có gì để học hỏi từ họ. Chúng ta thường kiêu ngạo cảm thấy rằng chúng ta có một sứ mệnh thần thánh nào đó để giám sát toàn thế giới. Chúng ta kiêu ngạo khi không cho phép các quốc gia non trẻ phải trải qua những nỗi đau, hỗn loạn và cách mạng như chúng ta đã từng… Nhiều Thượng nghị sĩ và Dân biểu của chúng ta đã vui vẻ bỏ phiếu ủng hộ việc phân bổ hàng tỷ đô la cho chiến tranh ở Việt Nam, và cũng chính những Thượng nghị sĩ và Dân biểu này đã lớn tiếng phản đối Dự luật Nhà ở Công bằng để giúp một cựu chiến binh da đen từng chiến đấu ở Việt Nam có thể mua được một ngôi nhà tử tế. Chúng ta trang bị vũ khí cho binh lính da đen để tiêu diệt kẻ địch trên các chiến trường nước ngoài nhưng lại không bảo vệ được người thân của họ khỏi bị đánh đập và giết hại ở miền nam đất nước chúng ta…

Tất cả những điều này cho thấy đất nước chúng ta vẫn chưa sử dụng được nguồn sức mạnh to lớn của mình để chấm dứt những đêm dài đói nghèo, phân biệt chủng tộc và vô nhân đạo của con người đối với con người. Quyền lực lớn hơn đồng nghĩa với mối nguy hiểm lớn hơn nếu không đi kèm với sự phát triển của tâm hồn. Quyền lực đích thực là việc sử dụng sức mạnh một cách đúng đắn. Nếu sức mạnh quốc gia của chúng ta không được sử dụng một cách có trách nhiệm và có kiềm chế, thì theo châm ngôn của Acton, nó sẽ có xu hướng tha hóa, quyền lực tuyệt đối sẽ tha hóa một cách tuyệt đối. Sự kiêu ngạo của chúng ta có thể là sự diệt vong của chúng ta. Nó có thể hạ màn vở kịch quốc gia của chúng ta. Suy cho cùng, một quốc gia vĩ đại là một quốc gia có lòng nhân ái.

Tổn thất thứ năm của cuộc chiến ở Việt Nam là nguyên tắc bất đồng chính kiến. Những hành động đàn áp tồi tệ nhằm bịt miệng những người tìm kiếm hòa bình… coi những người kêu gọi ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam gần như những kẻ phản bội, những kẻ ngu ngốc hoặc kẻ thù truyền kiếp của những người lính và thể chế của chúng ta. Tự do ngôn luận và đặc quyền bất đồng chính kiến và thảo luận là những quyền đã bị máy bay ném bom “bắn hạ” ở Việt Nam. Khi những người ủng hộ hòa bình bị phỉ báng đến vậy thì đã đến lúc phải xem xét xem chúng ta đang đi về đâu và có phải tự do ngôn luận đang trở thành một trong những tổn thất lớn của chiến tranh hay không.

Martin Luther King phát biểu tại một cuộc biểu tình phản đối Chiến tranh Việt Nam ở Washington D.C., ngày 6/2/1968. Ảnh: Joseph Klipple/Getty Images

Tổn thất thứ sáu của chiến tranh ở Việt Nam là triển vọng sinh tồn của nhân loại. Cuộc chiến này đã tạo ra môi trường cho việc trang bị vũ khí lớn hơn và mở rộng hơn nữa sức mạnh hạt nhân hủy diệt.

Các cường quốc lớn trên thế giới bàn tán sôi nổi về việc tìm kiếm hòa bình trong khi ngân sách quốc phòng ngày càng tăng, mở rộng những đội quân vốn đã khủng khiếp và phát minh ra những vũ khí tàn khốc hơn nữa…

Vì vậy, khi thấy lãnh đạo của các quốc gia nói về hòa bình trong khi chuẩn bị cho chiến tranh, tôi đã bàng hoàng sững lại… Khi tôi thấy đất nước chúng ta ngày nay can thiệp vào cuộc chiến mà về cơ bản là nội chiến, giết hại hàng trăm nghìn trẻ em Việt Nam bằng bom napalm, bỏ lại những thi thể tan nát trên vô số cánh đồng… khi tôi thấy chính phủ chúng ta ngoan cố không muốn tạo điều kiện cho một giải pháp thương lượng cuộc xung đột khủng khiếp này bằng cách ngừng ném bom ở miền Bắc và đồng ý đàm phán với Việt Cộng – và tất cả những điều này nhân danh mục tiêu theo đuổi hòa bình – tôi lo sợ cho thế giới của chúng ta. Tôi sợ hãi như vậy không chỉ vì nhớ lại những cơn ác mộng xảy ra trong các cuộc chiến tranh trước đây, mà còn vì nhận thức kinh hoàng về khả năng tàn phá hạt nhân có thể xảy ra ngày hôm nay, và những viễn cảnh tương lai thậm chí còn đáng nguyền rủa hơn.

Tổng thống John F. Kennedy từng nói: “Nhân loại phải chấm dứt chiến tranh, nếu không chiến tranh sẽ chấm dứt nhân loại”. Trí tuệ sinh ra từ kinh nghiệm cho chúng ta biết rằng chiến tranh đã lỗi thời. Có thể đã có lúc chiến tranh được coi là một điều tốt khi nó ngăn chặn sự lây lan và phát triển của một thế lực tà ác, nhưng sức mạnh hủy diệt của vũ khí hiện đại thậm chí còn loại bỏ khả năng đó. Nếu chúng ta cho rằng cuộc sống đáng sống và con người có quyền tồn tại thì chúng ta phải tìm một giải pháp thay thế cho chiến tranh. Trong thời đại mà các phương tiện di chuyển xuyên không gian và tên lửa đạn đạo tạo ra những con đường chết chóc xuyên qua tầng bình lưu, không quốc gia nào có thể tuyên bố chiến thắng trong chiến tranh. Cái gọi là chiến tranh hạn chế sẽ chỉ để lại di sản tai họa là sự đau khổ của con người, tình trạng bất ổn chính trị và sự vỡ mộng về tinh thần. Một cuộc chiến tranh thế giới sẽ chỉ để lại đống tro tàn âm ỉ như một bằng chứng câm lặng về một nhân loại mà hành động điên rồ của họ đã dẫn đến cái chết không thể tránh khỏi. Vì vậy, nếu con người hiện đại tiếp tục không ngần ngại chơi đùa với chiến tranh, anh ta sẽ biến môi trường sống trần thế của mình thành một địa ngục mà ngay cả Dante cũng không thể tưởng tượng được.

Cuối cùng, tôi phải nói rằng tôi phản đối chiến tranh ở Việt Nam vì tôi yêu nước Mỹ. Tôi lên tiếng phản đối chiến tranh không phải trong sự tức giận mà với sự lo lắng và đau buồn, và trên hết với mong muốn cháy bỏng được thấy đất nước thân yêu của chúng ta trở thành một tấm gương đạo đức cho thế giới. Tôi lên tiếng phản đối cuộc chiến này vì tôi thất vọng với nước Mỹ. Nếu không yêu nước vô vàn thì làm sao có thể thất vọng đến thế.

Chúng ta không thể im lặng khi đất nước chúng ta tham gia vào một trong những cuộc chiến tàn khốc và vô nghĩa nhất trong lịch sử. Trong những ngày lao khổ này, nước Mỹ phải tiếp tục có được một tập hợp những người bất đồng chính kiến đầy sáng tạo. Chúng ta cần họ vì giọng nói dũng cảm rền vang của họ sẽ là âm thanh duy nhất mạnh hơn tiếng bom và tiếng la hét cuồng loạn của chiến tranh.

Chúng ta – những người yêu hòa bình – phải phối hợp hiệu quả như những người theo phe diều hâu theo đuổi chiến tranh. Khi họ tuyên truyền chiến tranh, chúng ta cũng phải tuyên truyền hòa bình. Chúng ta phải kết hợp nhiệt huyết của phong trào dân quyền với phong trào hòa bình. Chúng ta phải chứng minh, giảng dạy và lan tỏa [tinh thần đó] cho đến khi nền tảng của đất nước chúng ta bị lung lay. Chúng ta phải nỗ lực không ngừng để nâng đất nước mà chúng ta yêu quý lên một sứ mệnh cao đẹp hơn, đến một bình nguyên mới của lòng nhân ái, đến một biểu hiện cao quý hơn của lòng nhân đạo …

Định hướng lại quyền lực nước Mỹ là một yêu cầu cấp thiết. Chúng ta đang phải đối mặt với thực tế rằng ngày mai cũng là ngày hôm nay. Chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng cấp bách khốc liệt của ngày hôm nay.■

Phan Nguyên dịch

(Nguồn: Martin Luther King Jr., “Martin Luther King Jr. On the Vietnam War.” The Atlantic. Truy cập ngày 11/3/2024).

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN