Ngày 16/5/2024, Tổng thống Nga Putin bắt đầu chuyến thăm hai ngày đến Trung Quốc. Ngay sau lễ đón, ông Putin đã tiến hành hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Kết thúc cuộc hội đàm hai bên đã ký và ra tuyên bố chung về “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện phối hợp” giữa hai nước. Đây là quan hệ đối tác phối hợp thể hiện trên mọi lĩnh vực.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngay sau cuộc hội đàm giữa hai bên, ông Tập Cận Bình nói: “Trung Quốc mong muốn đạt được sự phát triển và trẻ hoá cho mỗi nước và hợp tác để đề cao công bằng và công lý trên thế giới”. Ông Tập Cận Bình còn phê phán Liên hợp quốc và G20, cho rằng các thể chế này cần được “phi chính trị hoá”, Trung Quốc và Nga sẽ “cùng hợp tác để cải thiện an ninh ở châu Á – Thái Bình Dương”.

Đáp lại, Tổng thống Putin tuyên bố rằng “Nga và Trung Quốc đều coi trọng phát triển và tăng cường quan hệ đối tác toàn diện và giao thoa chiến lược” giữa hai nước. Ông cho rằng chuyến đi có nhiều “biểu tượng nhưng còn hơn thế”. Những chuyến thăm lẫn nhau giữa ông và Chủ tịch Tập Cận Bình có “nội dung thực tế và rất có ích”, “giúp hai nước thống nhất quan điểm và tiếp tục tiến lên theo con đường đã chọn”. Ông còn nói thêm: Nga và Trung Quốc có “quan điểm đồng nhất hay giống nhau về các vấn đề khu vực và quốc tế”.

Nga và Trung Quốc ký tuyên bố chung củng cố quan hệ đối tác toàn diện và phối hợp chiến lược trong kỷ nguyên mới trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Putin tới Trung Quốc ngày 16/5/2024. Ảnh: Sergei Bobylev/TASS

Đó là kết quả chuyến thăm theo ngôn ngữ của các nhà ngoại giao. Tuy nhiên, hai bên đã thảo luận những gì và đạt được những gì mới là điều chúng ta cần phải tìm hiểu. Để hiểu hơn về chuyến thăm, chúng ta cần xem xét những gì xảy ra trước, trong và sau sự kiện này, đặc biệt là những gì đã xảy ra trong tháng Năm.

Tháng Năm vừa qua bắt đầu bằng việc Tổng thống Putin nhậm chức ngày 7/5 và tiếp đến là ông xuất hiện tại cuộc diễu binh kỷ niệm chiến thắng phát xít ngày 9/5. Tại cuộc diễu binh ông khẳng định lập trường của Nga là “không cho phép bất kỳ ai đe doạ chúng ta. Lực lượng chiến lược của chúng ta luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu”. Nhiều nhà phân tích quân sự cho rằng đây cũng là lời đe doạ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân.

Với cuộc tấn công phía bắc ở Kharkov bắt đầu ngày 10/5, cuộc xung đột Ukraine đã bước vào giai đoạn mới, Nga giành lãnh thổ để có giải pháp hoà bình có lợi cho mình. Phản ứng trước cuộc tấn công như vậy, nhiều nước đã ủng hộ ý kiến của Tổng thống Pháp không loại trừ việc đưa quân NATO vào Ukraine. Điều ngạc nhiên là trong những ngày đầu các nước đều cho rằng “đó là lập trường của riêng Pháp”. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại nhiều lãnh đạo các nước châu Âu đã ủng hộ hoặc ít nhất cũng ủng hộ tranh luận công khai đề xuất này. Đó là Tổng thống Cộng hoà Séc Petr Pavel, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas, Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radoslaw Sikorski và Bộ trưởng Ngoại giao Lit-va Gabrielius Landsbergis. Có nhiều nguồn tin cho rằng Pháp đã cử huấn luyện viên quân sự đến Ukraine vào cuối tháng Năm vừa qua.

Giai đoạn mới này còn được thể hiện qua thái độ của Mỹ và các nước NATO khác trong việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để đánh vào bên trong lãnh thổ Nga. Trong  các loại vũ khí Mỹ sớm chuyển giao cho Ukraine có tên lửa ATACMS tầm xa giúp Ukraine đe doạ và tấn công mục tiêu quân sự của Nga ở vùng Crimea và những vùng khác, buộc Nga phải rút trang thiết bị quân sự và tăng cường an ninh ở Biển Đen. Từ khi Nga bắt đầu tấn công Kharkov gần biên giới Nga – Ukraine, Ukraine đã nhiều lần yêu cầu viện trợ tên lửa tầm xa để bắn máy bay Nga hoạt động trong không phận nước Nga nhưng có khả năng bắn tên lửa đến Kharkov.

Quan chức Mỹ ngày 30/5 cho biết: “Tổng thống (Biden) gần đây đã chỉ thị cho các bộ phận liên quan có những biện pháp đảm bảo rằng Ukraine có thể sử dụng vũ khí của Mỹ vì mục đích phản hỏa lực ở Kharkov để Ukraine có thể đánh lại lực lượng Nga tấn công họ hay đang chuẩn bị tấn công họ”. Cho đến nay đã có 10 nước, đặc biệt là Mỹ, Anh, Pháp và Đức “bật đèn xanh” cho Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ của mình tấn công vào lãnh thổ Nga.

Vũ khí của Mỹ trong gói viện trợ 61 tỷ đô được Quốc hội thông qua cuối tháng Tư sẽ nâng cao tinh thần của lính Ukraine, khôi phục lòng tin của Ukraine vào lời hứa của Mỹ và phương Tây cũng như báo hiệu cho Nga về một giai đoạn mới khó khăn hơn trong cuộc chiến.

Trên thực tế, Ukraine đã tấn công mục tiêu bên trong nước Nga. Hình ảnh vệ tinh của Planet Labs cho thấy ngày 22/5 trạm radar Armavir ở Tây Nam nước Nga đã bị tấn công. Trạm radar này là một phần của hệ thống cảnh báo sớm tên lửa hạt nhân của Nga. Ngày 26/5, máy bay không người lái của Ukraine tấn công trạm radar “Voronezh M” gần thành phố Orsk ở vùng Orenburg cách biên giới Nga – Ukraine khoảng 1.500 ki-lô-mét. Đây là cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào sâu nhất trong lãnh thổ Nga kể từ tháng 2/2022.

Tấn công sâu vào bên trong lãnh thổ Nga, Ukraine còn muốn buộc Nga phải bố trí lực lượng phòng không trên diện rộng, không thể tập trung vũ khí ở vùng biên giới. Như vậy, các cuộc tấn công vào đài radar còn có mục đích quân sự.

Hơn thế nữa, Ukraine còn sử dụng máy bay không người lái tấn công kho và nhà máy lọc dầu ở nhiều nơi trong nước Nga. Chỉ trong ngày 9/5, máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công hai kho chứa dầu và một nhà máy lọc dầu của Nga. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, đã có hơn 20 cuộc tấn công tương tự của Ukraine nhằm bẻ gẫy đường tiếp tế quân sự và hoạt động quân sự của Nga.

Đám cháy tại một cơ sở lưu trữ dầu của Nga ở vùng Bryansk sau khi bị máy bay không người lái của Ukraine tấn công, tháng 1/2024. Nguồn: Bộ khẩn cấp Nga

Như vậy, Mỹ và phương Tây lại một lần nữa vượt lằn ranh đỏ do Nga đưa ra. Lằn ranh đỏ đầu tiên là “Mỹ và phương Tây không cung cấp vũ khí cho Ukraine” bị vượt qua ngay từ tháng 3/2022. Tiếp đến là ngày 23/5/2023, toàn vẹn lãnh thổ Nga bị xâm phạm. Tiếp theo tháng 6/2023, lằn ranh đỏ không cung cấp tên lửa tầm xa đã không được tôn trọng. Đến tháng 12/2023, tên lửa của Mỹ và phương Tây đã bắn vào lãnh thổ Nga. Gần đây nhất, Nga đã cảnh báo sẽ có hậu quả chết người nếu Mỹ và phương Tây vượt lằn ranh đỏ cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ đánh sâu vào lãnh thổ Nga. Chúng ta sẽ còn phải chờ xem Nga thực sự sẽ phản ứng như thế nào cũng như Mỹ và phương Tây liệu có vượt lằn ranh đỏ cuối cùng là can thiệp trực tiếp vào Ukraine hay không.

“Để tránh chiến sự leo thang”, NATO trong thời gian gần đây đã tăng cường sự có mặt của mình ở phía đông ở các nước có biên giới với Ukraine, các nước vùng Baltic, Rumani và Ba Lan. Theo NATO làm như vậy sẽ loại trừ tính toán sai lầm của Nga về việc “NATO sẵn sàng bảo vệ đồng minh của mình và thông qua đó ngăn chặn cuộc chiến lan rộng khỏi Ukraine” như lời của Tổng Thư ký NATO.

Từ đầu năm 2024 đến cuối tháng Năm, NATO đã tiến hành tập trận lớn với sự tham gia của 90.000 quân từ 32 nước thành viên. Trong cuộc tập trận này, quân Bắc Mỹ sẽ điều chuyển đến châu Âu, tập trận cùng các lực lượng châu Âu. Được chia làm hai phần, phần một của cuộc tập trận có mục đích là bảo đảm an ninh cho Đại Tây Dương lên đến vùng Bắc Cực; phần hai tập trung quân ở châu Âu từ bắc Âu đến Trung Âu và Đông Âu. Mục đích của cuộc tập trận là chứng minh NATO có khả năng bảo vệ lãnh thổ của mình và cam kết thực hiện Điều 5 của Hiệp ước thành lập NATO, “tấn công vào một nước là tấn công vào tất cả các nước thành viên”.

Estonia còn tuyên bố có khả năng phong toả vùng Baltic trong niên giám của các lực lượng quốc phòng công bố cuối tháng Tư vừa qua. Cuốn niên giám đã trích lời của tướng Martin Herem, Tổng tư lệnh lực lượng quốc phòng cho rằng “Hải quân (Estonia) hiện có đủ thuỷ lôi và tên lửa chống tầu thuỷ”. Điều này chắc chắn sẽ đẩy căng thẳng ở khu vực lên cao hơn.

Ở khu vực khác là Trung Đông, Nga đã khẳng định phối hợp chính sách Trung Đông và Bắc Phi với Trung Quốc nhân dịp ông Putin thăm Trung Quốc tháng 10/2023. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga khẳng định: Moscow và Bắc Kinh “liên tục tập trung phối hợp chặt chẽ trong cố gắng tìm ra giải pháp chính trị cho vấn đề này (xung đột ở Dải Gaza) và các cuộc khủng hoảng khác ở Trung Đông và Bắc Phi”. Trong lĩnh vực kinh tế, hai nước Trung Quốc và Nga đều ra sức mở rộng buôn bán và đầu tư với khu vực. Những hoạt động này không ngoài mục đích tranh giành ảnh hưởng ở khu vực từ trước đến nay vẫn nằm trong tầm ảnh hưởng của Mỹ. Thái độ của công chúng đối với Mỹ cũng thay đổi. Trong một cuộc điều tra dư luận, đa số người được hỏi ở UAE (66%), Ả rập Xê út (67%), Kuwait (62%), Ai Cập (57%), Bahrain (63%) đồng ý với câu hỏi điều tra sau: “Chúng ta không thể tiếp tục dựa vào Mỹ, do vậy chúng ta phải tìm kiếm đối tác mới như Nga và Trung Quốc”.

Từ ngày 24 – 26/4 năm 2024, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã thăm Trung Quốc. Ngoài những vấn đề song phương được đề cập trong thông cáo chuyến thăm, một điều ít được nói đến trên báo chí là Mỹ đã gây sức ép với Trung Quốc không tiếp tay cho Nga. Mỹ cũng đe dọa tiến hành trừng phạt các công ty Trung Quốc đang làm ăn với Nga. Quả vậy, ngày 29/5, Mỹ đã trừng phạt 300 công ty của Trung Quốc đã “giúp Nga trong cuộc chiến với Ukraine”.

Thế giới đang biến động nhanh chóng, an ninh và hoà bình bị đe doạ. Ở châu Âu, nguy cơ leo thang xung đột giữa Nga và NATO đang lên cao ở Ukraine. Cuộc chiến giữa các nước Trung Đông với Israel và căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang đe doạ nền hoà bình vốn dĩ đã rất mong manh ở các khu vực này. Trong bối cảnh như vậy, chuyến thăm của Putin đến Trung Quốc không chỉ là cuộc thăm xã giao thông thường của một vị tổng thống ngay sau khi nhậm chức. Nga đã xác định Trung Quốc là đối tác ưu tiên nhưng không chỉ có vậy. Các nhà quan sát cho rằng hai bên đã khẳng định phối hợp chặt chẽ với nhau, theo đúng ngôn từ dùng trong thông cáo chung, nhằm ngăn chặn nguy cơ chiến tranh kéo dài và hạ thấp vai trò bá chủ của Mỹ.

Để làm như vậy, một trong những biện pháp chắc chắn đã được thảo luận là tăng cường vai trò của BRICS thông qua mở rộng và phi đô la hoá, sử dụng đồng tiền nội tệ trong khối BRICS.

Ngày 1/1/2024, BRICS đã kết nạp thêm năm thành viên mới là Ả rập Xê-út, Ai Cập, Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất, Ethiopia và Iran. Theo Nam Phi, Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2023, thì khoảng 35 nước nữa đã tỏ ý muốn gia nhập tổ chức này, đặc biệt là Algeria, Argentina, Bolivia, Comoros, Cộng hoà Dân chủ Công-gô, Cuba, Gabon, Kazakhstan. Hai nước Nga – Trung chắc hẳn đã bàn đến tiêu chuẩn kết nạp các nước này. Các nước xin gia nhập coi BRICS là tổ chức thay thế các tổ chức hiện tại do Mỹ và phương Tây dẫn dắt.

Một điểm quan trọng nữa chắc chắn đã được thảo luận là việc “phi đô la hoá” trong thanh toán thương mại giữa các nước thành viên BRICS. Đây là một trong những mục tiêu của BRICS ngay từ khi mới thành lập. Tuy nhiên, trên thực tế tỷ lệ sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán giữa các nước thành viên là không cao trừ trường hợp ngoại lệ là thương mại giữa Nga và Trung Quốc (chiếm 70% tổng thanh toán trong năm 2023) vì Nga bị Mỹ trừng phạt không cho dùng hệ thống SWIFT.

“Phi đô la hoá” ngày càng có nhiều tiến triển, đặc biệt ở các nước BRICS. Năm 2023, Trung Quốc và Brazil đã thoả thuận sử dụng đồng tiền của mình trong giao dịch thương mại. Các nước khác như Nga, Ấn Độ, Ả-rập Xê-út, UAE cũng đã tiến hành các biện pháp để sử dụng đồng tiền của mình. Mặc dù đồng nhân dân tệ chỉ được sử dụng ở mức độ hạn chế (hiện tại chỉ chiếm khoảng 5% tổng giao dịch trên thế giới), về lâu dài thì đồng nhân dân tệ sẽ cạnh tranh với đồng đô la Mỹ và có thể thay thế đồng đô la Mỹ. Rất có thể, Nga và Trung Quốc cũng đã bàn đến chỉ số trung gian hay giá trị trung gian sau những cố gắng không thành công của BRICS.

Ông Putin cho rằng nhưng nỗ lực này có mục đích là giảm bớt tác động của các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu. Trong khi đó, báo chí Trung Quốc đưa tin rằng Ethiopia xin gia nhập BRICS vì Mỹ có động thái đe doạ trừng phạt nước này.

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ở Ukraine và Dải Gaza, hai nước không thể không bàn đến những biện pháp đối phó với Mỹ ở hai khu vực trên, đặc biệt là đối phó với khả năng xảy ra Chiến tranh Thế giới thứ Ba. Theo giới tình báo Mỹ và phương Tây hai bên cũng đã bàn đến hành động phối hợp quân sự giữa hai bên và những biện pháp đáp trả Mỹ cũng như khả năng Trung Quốc hỗ trợ quân sự cho Nga nếu xung đột ở Ukraine kéo dài.

Trực tiếp liên quan đến xung đột ở Ukraine, hiện đã xuất hiện dấu hiệu cho thấy chấm dứt xung đột bằng biện pháp quân sự sẽ ít khả năng. Theo các nhà quan sát thì ở thời điểm hiện tại, một giải pháp rất có thể sẽ bao gồm hai yếu tố Nhà nước và lãnh thổ. Dấu hiệu cho thấy giải pháp này đã xuất hiện là việc Nga tấn công vào Kharkov, miền đông Ukraine và sự xuất hiện, theo tin tức tình báo, của Viktor Yanukovych, cựu Tổng thống Ukraine ở Belarus khi ông Putin đến thăm nước này ngày 23 – 25/5. Các nguồn tin đều cho rằng Nga đang chuẩn bị vai trò đặc biệt cho Yanukovych, rất có thể tuyên bố ông là “Tổng thống Ukraine”. Rất có thể vấn đề này cũng được bàn bạc kỹ giữa ông Putin và ông Tập Cận Bình.

Sau chuyến thăm, hoạt động quân sự của Nga đã mạnh lên nhiều cả về cường độ và tần suất. Đáng chú ý nhất là cuộc tập trận sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật của Belarus chung với Nga chỉ một ngày sau khi Nga tiến hành một cuộc tập trận tương tự ở miền Nam Nga gần với Ukraine. Hai cuộc tập trận này đều coi là phản ứng của Nga trước những tuyên bố của Mỹ và phương Tây sẽ tham gia sâu hơn vào cuộc xung đột ở Ukraine. Đây có thể cũng là vấn đề được bàn tới giữa ông Putin và ông Tập Cận Bình.

Để phối hợp với Nga, Trung Quốc đã tiến hành cuộc tập trận “Song kiếm hợp bích 2024A” ở Đài Loan trong hai ngày 23-24/5. Theo Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đây là điều “bình thường mới nhằm trừng phạt hành động khiêu khích của những kẻ ly khai” và đe doạ sẽ còn những cuộc tập trận “song kiếm bích hợp” tiếp theo. Tờ báo này còn nói thêm Trung Quốc sẽ tấn công Đài Loan vào đầu tháng 6. Đây là lời tuyên chiến của Trung Quốc với Mỹ và phương Tây với mục tiêu là kéo dãn lực lượng của Mỹ ra khỏi xung đột ở Ukraine và Gaza. Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ ngày 29/5 cho rằng cuộc tập trận này “trông giống một cuộc diễn tập” tấn công. 

Tại Hội nghị Shangri La đầu tháng 6/2024, trước sự công kích hạ thấp vai trò Trung Quốc của ông Zelensky, Tổng thống đã mãn nhiệm của Ukraine, truyền thông Trung Quốc chỉ trích ông Zelensky là kẻ gây rối châu Á và đưa tin rằng Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc nói Bộ Quốc phòng Trung Quốc sẽ hợp tác chặt chẽ với Bộ Quốc phòng Nga không giới hạn và thực hiện sứ mệnh bảo vệ hòa bình thế giới.

Nếu đây không phải là hành động phối hợp giữa hai nước thì khó có hành động nào được gọi như vậy.

Hiện còn nhiều điều chưa chắc chắn vì tình hình còn đang diễn biến nhanh chóng, chúng ta vẫn cần phải theo dõi tiếp. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc đã hợp tác chặt chẽ và phối hợp với nhau gần một thập kỷ. Trong những năm qua, mối quan hệ hợp tác này luôn bị Mỹ và phương Tây đánh giá thấp và thường bị coi là cuộc “hôn nhân vụ lợi”, không vượt quá hợp tác năng lượng và quan hệ giữa hai nước là bất cân xứng khó có thể tồn tại lâu dài. Tuy nhiên, cuộc xung đột Ukraine bắt đầu từ năm 2022 đã thúc đẩy hai bên hợp tác chặt chẽ hơn. Nga và Trung Quốc đã tuyên bố là “đối tác không giới hạn”. Trung Quốc chưa bao giờ lên án Nga do đã tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine mà trái lại khẳng định Nga là “đối tác chiến lược quan trọng nhất”. Quan hệ hai nước cũng cho thấy hợp tác không chỉ là cơ hội phát triển kinh tế hay hợp tác năng lượng mà còn để bảo đảm “an ninh chính trị”. Mối quan hệ này còn được xây dựng trên cơ sở xác định kẻ thù chung là Mỹ và phương Tây. Đó là cơ sở để hợp tác Nga – Trung hướng tới ngăn chặn sự leo thang của Mỹ và đồng minh ở Ukraine, ngăn chặn tuyên bố độc lập của Đài Loan, xa hơn nữa là hạ bệ vai trò đơn cực của Mỹ, xây dựng thế giới đa cực.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC