Kể từ khi xảy ra cuộc chiến tranh Nga – Ukraine, tình hình chung ở châu Âu đang có những biến động mạnh mẽ. Xã hội châu Âu rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng với sự phân hoá rõ rệt trong các quan điểm chính trị, chủ yếu xoay quanh những tác động từ cuộc chiến đối với châu Âu và mức độ tham gia của châu Âu đối với cuộc chiến này. Chỉ trong vòng 3 năm (2022 – 2024), giới lãnh đạo châu Âu khối cánh tả liên tục sụp đổ do không nhận được sự ủng hộ từ đa số người dân. Trong khi đó, các đảng cánh hữu lại thắng thế, nắm chính quyền ở nhiều nước, đặc biệt là những nước lớn như Pháp, Đức, Italia… Có thể nói, trong khoảng một thập kỉ trở lại đây, điều này gần như chưa từng có tiền lệ tại châu Âu. Tuy nhiên, đây lại là một thực tế tất yếu khi nhiều người dân châu Âu đang cảm thấy bế tắc và không muốn chính phủ của họ tiếp tục dựa vào Mỹ, quay lưng với Nga và ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến này.

Ngày 9/6/2024, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gây sốc khi tuyên bố giải tán Quốc hội và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm, trong bối cảnh phe cực hữu chiếm ưu thế tại kỳ bầu cử Nghị viện châu Âu (EP). Ảnh: AFP

1. Một châu Âu bất ổn kể từ khi chống Nga, ủng hộ Ukraine

Trước việc châu Âu viện trợ, tiếp sức cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga, nhiều ý kiến trái chiều đã nổ ra cùng những cuộc biểu tình lớn của người dân châu Âu. Điều này cũng dẫn đến việc giới lãnh đạo ở một loạt các nước như Tây Ban Nha, Hà Lan, Mondova, Rumani, Hungary, Anh… đã phải từ chức hoặc bị lật đổ, trước sức ép rất lớn từ dư luận. Sang năm 2023, tình hình này còn xảy ra quyết liệt và phức tạp hơn rất nhiều.

Bên cạnh xu hướng cánh tả đã giữ ưu thế tại châu Âu trong suốt nhiều năm qua, những khuynh hướng, quan điểm mới đã xuất hiện và bắt đầu có sự cạnh tranh với quan điểm cũ. Nổi bật nhất và cũng nhận được sự ủng hộ nhiều nhất từ người dân, đó chính là quan điểm quốc gia, dân tộc, vốn mâu thuẫn sâu sắc với quan điểm tìm kiếm lợi ích từ bên ngoài, ủng hộ cuộc chiến tranh chống Nga một cách cực đoan của phe cánh tả. Mâu thuẫn này ngày càng sâu sắc và làm gia tăng căng thẳng, tạo ra những bất ổn ở nhiều nơi. Trên thực tế, có hai lí do dẫn tới hiện tượng này:

Một là, các quan điểm đối lập với phe cánh tả đã bắt đầu nhen nhóm và bùng nổ kể từ khi châu Âu phải chịu những hậu quả khôn lường từ việc trừng phạt Nga. Cụ thể, sau cuộc tấn công của Nga vào lãnh thổ Ukraine ngày 24/2/2024, EU và NATO đã ngay lập tức coi Nga là mối đe doạ trước mắt và lâu dài của châu Âu, nhanh chóng đoàn kết với Mỹ để hỗ trợ Ukraine chống Nga. Các “đòn” tấn công Nga của Liên minh châu Âu (EU) bao gồm: trừng phạt về kinh tế, phong toả tài sản, tiền gửi ngân hàng, áp thuế nặng với tất cả các mặt hàng từ Nga và tăng cường viện trợ quân sự, viện trợ tài chính cho Ukraine với con số lên đến hàng trăm tỉ đô la. Trong gần hai năm diễn ra cuộc chiến, Mỹ và châu Âu đã tung ra hàng nghìn lệnh trừng phạt Nga, chủ yếu liên quan đến kinh tế. Ngoài ra, EU còn thực hiện chính sách bao vây, cấm vận, cô lập về ngoại giao, cắt đứt mọi quan hệ với Nga.

Tuy nhiên, trái với kì vọng của châu Âu, Nga không chịu nhiều ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt trên, trong khi chính châu Âu lại phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề do cắt đứt quan hệ với Nga, đặc biệt là về kinh tế, năng lượng. Các lệnh trừng phạt Nga đã cho thấy nhiều lỗ hổng, yếu kém trong kinh tế châu Âu. Nhiều nước EU trở nên điêu đứng khi không thể tiếp cận nguồn nhiên liệu giá rẻ trực tiếp từ Nga mà phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu, khí đốt, của Mỹ với giá cả đắt đỏ. Trong khi đó, một số nước như Hungary, Slovakia… do không cắt đứt quan hệ với Nga nên vẫn đảm bảo duy trì ổn định nền kinh tế và an ninh năng lượng.

Sự thiếu nguyên liệu từ Nga còn khiến nền công nghiệp của châu Âu suy yếu nghiêm trọng, lần đầu tiên châu Âu rơi vào tình trạng phi công nghiệp hoá kéo dài. Nhiều nhà máy hoá chất, công nghiệp nhẹ, các nhà máy do không có đủ nhiên liệu… đã phải đóng cửa hoặc chuyển sang Mỹ, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho châu Âu. Điển hình như Đức, vốn là một nền công nghiệp lớn, vậy mà giờ đây chỉ có công ghiệp quốc phòng tăng trưởng, còn các ngành công nghiệp khác thì gần như đình trệ, tê liệt, không thể hoạt động được nữa.

Cuộc khủng hoảng năng lượng và kinh tế đã khiến cho đời sống của người dân châu Âu trở nên vô cùng khó khăn và bấp bênh. Tình trạng lạm phát leo thang, hàng hoá và lương thực khan hiếm, tỉ lệ thất nghiệp tăng lên nhanh chóng, đã đẩy người dân châu Âu vào cảnh điêu đứng. Các cuộc biểu tình phản đối chính phủ, phản đối các lệnh trừng phạt Nga và kêu gọi chính phủ ngừng viện trợ cho Ukraine… diễn ra ở khắp nơi, dẫn tới những bất ổn về chính trị, an ninh, trật tự xã hội.

Do đó, người dân châu Âu đang có xu hướng nghiêng theo tư tưởng cánh hữu để bảo vệ các quyền lợi về an sinh, kinh tế của họ, thay vì cổ vũ cho việc “bảo vệ một nền dân chủ chung ở châu Âu” theo lời kêu gọi của các chính trị gia cánh tả. Với họ, đây là một ý tưởng xa vời. Họ hoàn toàn không ủng hộ Chính phủ chống Nga triệt để và giúp đỡ Ukraine một cách tuyệt đối. Họ không muốn mang thành quả lao động, những khoản thuế mà họ đã đóng cho Nhà nước để tiêu tốn vào những khoản viện trợ cho Ukraine, trong khi thực tế, đời sống của người dân châu Âu vẫn đang bất ổn và ngày càng khó khăn.

Hai là, các nhà lãnh đạo cánh tả ở châu Âu vốn đang phát triển theo xu hướng toàn cầu của Mỹ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cựu Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock thuộc liên minh Đảng Xanh … đều là những người đã từng được đào tạo trong chương trình lãnh đạo trẻ do Đại học Yale và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức. Mục tiêu của chương trình này là đào tạo ra các nhà lãnh đạo có thể tham gia thực hiện các chiến dịch chống biến đổi khí hậu và bảo vệ  môi trường như dự án thành phố SDG, dự án C40, Chính sách nông nghiệp chung (CAP) của Liên minh châu Âu, “Thỏa thuận xanh” gắn liền với cuộc Cách mạng sinh học 4.0, chương trình Cầu vồng LGBT+, đẩy mạnh phát triển trí tuệ nhân tạo gắn với giảm thiểu quy mô dân số toàn cầu…

Những chương trình này đã “quét sạch” lối canh tác, sản xuất cũ, dẫn đến cuộc khủng hoảng nông nghiệp ở châu Âu, kèm theo đó là những cuộc biểu tình lớn trên khắp châu Âu do nông dân tổ chức, để phản đối những chương trình mới của Chính phủ. Hiện nay, nông dân châu Âu đang rơi vào cảnh khốn đốn khi phương thức sản xuất truyền thống của họ dần bị loại bỏ, nông sản không thể bán được, máy móc và công nghệ mới thay thế con người, dẫn đến tình trạng thất nghiệp tràn lan… Những nông dân tham gia biểu tình nói rằng, họ đang phải đối mặt với vô số loại chi phí và thuế, nạn quan liêu, các quy định môi trường quá khắt khe và sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu giá rẻ.

Đầu năm 2024, nông dân ở một số nước châu Âu đã xuống đường phản đối “Thỏa thuận xanh” (Green Deal) của EU, vốn đặt ra các quy định nông nghiệp cho 27 thành viên của khối trong nhiều thập niên”. Họ cho rằng các chính sách về môi trường và các vấn đề khác là gánh nặng tài chính khiến sản phẩm của họ đắt hơn và do đó kém cạnh tranh hơn so với hàng nhập khẩu.

Ngày 20/2/2024, ít nhất 8.000 nông dân Hy Lạp đã đổ về quảng trường trung tâm Athens, cùng 130 máy kéo đậu phía trước tòa nhà Quốc hội để phản đối Chính phủ khi họ phải chịu chi phí sản xuất và giá năng lượng tăng cao. Cũng trong thời gian này, nông dân Bỉ đã tiến hành biểu tình, chặn đường vào cảng Zeebruge do bất bình với những chính sách về chuyển đổi năng lượng mới của Chính phủ khiến họ mất đi sinh kế.

Nông dân Hy Lạp cùng máy kéo đổ về tòa nhà Quốc hội ở Athens để biểu tình phản đối các chi phí sản xuất tăng cao vào hôm 20/2/2024. Ảnh: AFP

Tại Đông Âu, các cuộc biểu tình của nông dân tập trung vào “sự cạnh tranh không công bằng” vì lượng lớn hàng hoá trong nước đều nhập từ Ukraine – quốc gia đã được EU bỏ các hạn ngạch và thuế kể từ khi xảy ra xung đột với Nga. Nông dân Ba Lan đã chặn các xe tải chở hàng của Ukraine đi vào nước này trong nhiều tuần qua. Trong khi đó, nông dân tại Cộng hòa Czech lái máy kéo vào trung tâm thành phố Prague làm gián đoạn giao thông cục bộ. Những nông dân này phản đối hàng nhập khẩu giá rẻ từ Ukraine vì cho rằng chúng gây áp lực lên giá cả của châu Âu, trong khi không đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường mà EU vốn đã áp đặt lên người nông dân của mình.

Có thể thấy, chính những đường lối, chính sách “xanh” mà các nhà lãnh đạo cánh tả châu Âu theo đuổi đã tác động lớn đến đời sống người dân châu Âu, tạo ra làn sóng phẫn nộ lớn và dẫn tới những quan điểm đối lập, cũng như những người ủng hộ phe cánh hữu ngày một gia tăng.

Hiện nay, sự đào thải, triệt tiêu lẫn nhau giữa hai phe cánh tả và cánh hữu ở châu Âu vẫn đang diễn ra mạnh mẽ. Các quan điểm cánh hữu lên ngôi, cho thấy sự phân hoá rất rõ trong nền chính trị châu Âu. Điều này đã được biểu thị qua kết quả bầu cử ở một số nước như Đức, Pháp, Hà Lan, Italia… vừa qua. Lần đầu tiên sau nhiều năm thắng thế ở châu Âu, quan điểm cánh tả đã phải nhượng bộ trước quan điểm cánh hữu vốn ưu tiên sự độc lập và đề cao tinh thần dân tộc. Nhân dân châu Âu đang rất muốn ngừng việc góp tiền cho Ukraine và muốn nối lại với Nga, và họ thể hiện mong muốn đó thông qua việc ủng hộ các đảng phái cực hữu trong nước.

2. Các cuộc bầu cử trên toàn châu Âu cho thấy rõ phe cực hữu đang thắng thế

Dễ nhận thấy, các cuộc bầu cử ở châu Âu hiện nay đã thể hiện rõ sự lên ngôi của tư tưởng cực hữu.

Cụ thể, tại Pháp, vào đầu tháng 7 vừa qua, theo kết quả sơ bộ của vòng 1 bầu cử Quốc hội mới, Đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen dẫn đầu vòng bầu cử đầu tiên với khoảng 33% số phiếu bầu, tiếp theo là liên minh cánh tả Mặt trận bình dân mới với 28,5%, còn liên minh ủng hộ Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron chỉ có 21% phiếu, đứng thứ 3. Mặc dù ở vòng 2, tỷ lệ ủng hộ của cử tri Pháp với RN đã tụt xuống vị trí thứ ba, song kết quả bầu cử cũng cho thấy, không có lực lượng nào giành đủ đa số tuyệt đối (289/577 ghế) để nắm Quốc hội. Quốc hội mới của nước Pháp sẽ là tập hợp của các lực lượng chính trị riêng rẽ với số ghế cách biệt không thực sự lớn (182 ghế cho liên minh cánh tả NFP, 168 ghế cho liên minh của Tổng thống Macron và 143 ghế cho phe cực hữu). Việc có 3 thế lực “dàn hàng ngang” trong Quốc hội mà không có đảng nào nắm đủ đa số ghế cũng đã cho thấy sự chia rẽ chính trị sâu sắc trong nội bộ nước Pháp, tạo ra một kịch bản “Quốc hội treo”. Điều này cũng chứng tỏ sự phân hoá về thái độ của người dân Pháp, khi niềm tin vào phe cánh tả và sự ủng hộ dành cho Tổng thống đương nhiệm cũng đã sụt giảm rõ rệt kể từ sau cuộc chiến tranh Nga – Ukraine.

Bà Marine Le Pen, ứng cử viên của Đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN),  tại sự kiện bầu cử ở miền bắc nước Pháp, ngày 30/6/2024. Ảnh: AFP

Ở Đức, theo kết quả sơ bộ công bố ngày 9/6, các đảng trong chính phủ liên minh hiện tại của Đức đã phải đối mặt với thất bại nghiêm trọng trong cuộc bầu cử EP năm 2024. Trong đó, đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz ghi nhận kết quả tồi tệ nhất trong lịch sử trong các cuộc bầu cử toàn quốc, khi chỉ giành được 13,9% tổng số phiếu bầu, xếp thứ 3 sau đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD). Đảng Xanh, cũng là thành viên của chính phủ liên bang, đã hứng chịu cú đòn nặng nề với 11,9% phiếu bầu, giảm mạnh so với kỷ lục 20,5% sự ủng hộ trong kỳ bầu cử EP năm 2019. Trong khi đó, các đảng bảo thủ cánh hữu như Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) đã giành tới 30,2% tổng số phiếu bầu, được coi là thành công so với cuộc bầu cử liên bang năm 2021.

Ở Hà Lan, trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 11/2023, Đảng Tự do cánh hữu (PVV) đã thắng lớn, giành được 37 trong tổng số 150 ghế tại Quốc hội, nhiều hơn gấp đôi số ghế mà đảng này giành được trong cuộc bầu cử năm 2021. Cuối tháng 5 vừa qua, ông Dick Schoof đã được giới thiệu là Thủ tướng được đề cử của chính phủ cánh hữu. Ngày 2/7, ông Dick Schoof đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Hà Lan trước Nhà vua Willem-Alexander, với cam kết thực hiện chính sách nhập cư nghiêm ngặt nhất từ trước đến nay tại nước này.

Tại Cộng hoà Séc, theo kết quả kiểm phiếu chính thức, Phong trào ANO – đảng phái đối lập theo chủ nghĩa dân tuý, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) với 26,14% tổng số phiếu ủng hộ, và sẽ giành được 7 ghế tại EP. Trong khi đó, Liên minh SPOLU – đảng cầm quyền hiện tại, chỉ về thứ hai với 22,27% sự ủng hộ và giành được 6 ghế tại EP.

Theo chuyên trang phân tích và bình luận chính trị quốc tế Project Syndicate, các phe cực hữu ở châu Âu trong thời gian qua đã làm chao đảo chính trường nhờ vào việc thu hút được một lượng lớn cử tri trẻ tuổi ủng hộ cho họ. Đây là điều chưa từng có tiền lệ tại rất nhiều nước châu Âu, khi các chính trị gia cánh tả thường nắm phần lớn số phiếu bầu từ cử tri trẻ – những người được cho là sẽ ủng hộ các chính sách mới, có tinh thần hướng ngoại cũng như các hoạt động bảo vệ môi trường, các chính sách về quyền của cộng đồng LGBT+…

Tại Đức, 16% cử tri dưới 25 tuổi đã bỏ phiếu cho đảng cực hữu AfD, đưa đảng này lên vị trí thứ hai sau đảng bảo thủ Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) trong cuộc bầu cử nghị viện châu Âu. Trong khi đó, Đảng cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz hứng chịu thất bại nặng nề khi chỉ về thứ ba với số phiếu ít ỏi. Tại Italia, 21% cử tri trong độ tuổi từ 18-34 đã giúp phe cánh hữu của Thủ tướng Giorgia Meloni chiến thắng với 28% số phiếu bầu, giành được 28 ghế tại Nghị viện châu Âu. Ở Bỉ, đảng cánh hữu Vlaams Belang dẫn đầu cuộc bầu cử với 14,8% số phiếu, gián tiếp khiến Thủ tướng Alexander De Croo phải tuyên bố từ chức. Ở Tây Ban Nha, Đảng Vox cực hữu tăng tỷ lệ ủng hộ của cử tri trẻ nhất (dưới 25 tuổi) lên 12,4%.

Project Syndicate nhận định, việc các phe cực hữu ngày càng thu hút được người trẻ là do họ đã quá thất vọng với các chính trị gia truyền thống ở châu Âu, bởi những chính sách mới, bao gồm cả những quyết sách liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, không những không giúp họ có thêm quyền lợi, mà còn làm cho tình trạng lạm phát, vật giá leo thang, kinh tế sụt giảm, và đặc biệt là đẩy người trẻ vào tình trạng mất việc làm. Thực tế cho thấy, trong năm 2023 vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở Tây Ban Nha lên đến 27,9%, ở Hy Lạp là 27,7%, ở Italia là 20,7% và ở Thụy Điển là 18,9%.

Sự trỗi dậy và lên ngôi của phe cánh hữu ở châu Âu không chỉ dừng lại ở nội bộ các nước, mà các đảng cực hữu hiện đang xúc tiến thành lập một Liên minh các đảng cực hữu chung ở châu Âu, để cùng lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh Nga – Ukraine, vốn đang lãng phí quá nhiều thời gian, công sức, của cải, mồ hôi, xương máu… của người dân châu Âu. Bên cạnh đó, Liên minh này cũng sẽ thúc đẩy việc giải quyết những bất ổn ở châu Âu hiện tại, bao gồm sự thiếu hụt năng lượng, suy giảm kinh tế, lạm phát, thất nghiệp, nhập cư… đang ngày càng tăng cao. Như vậy, có thể thấy rõ ở châu Âu, khuynh hướng phản đối chiến tranh, phản đối viện trợ cho Ukraine và cô lập, trừng phạt Nga đang thắng thế.

Tân Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof (thứ 3, trái, hàng đầu) của Đảng Tự do cánh hữu (PVV) cùng Nội các mới sau lễ tuyên thệ nhậm chức trước Nhà vua Willem Alexander (thứ 3, phải, hàng đầu), ngày 2/7/2024. Ảnh: RVD

Đặc biệt, xu hướng này không chỉ tồn tại ở châu Âu, mà đang diễn ra ở phần lớn các nước phương Tây, trong đó có Hoa Kỳ. Hiện nay, các phong trào cánh hữu cũng đang nổi lên rất mạnh tại Mỹ, như một hệ quả tất yếu của việc người dân Mỹ đang phản đối các chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Joe Biden, vốn được cho là đã đẩy họ vào tình trạng tương tự như người dân châu Âu.

Cuộc tranh cử giữa cựu Tổng thống Donald Trump thuộc Đảng Cộng hoà và Tổng thống Joe Biden của Đảng Dân chủ tiếp tục cho thấy hai thái độ phân hoá rõ rệt trong lòng nước Mỹ, trong đó phe cánh hữu ủng hộ ông Trump cũng đang giành được ưu thế trước phe cánh tả của Tổng thống đương nhiệm. Theo cuộc thăm dò mới nhất của New York Times/Siena, mức độ tín nhiệm của ông Donald Trump hiện đạt khoảng 44%, cao hơn đối thủ đảng Dân chủ, Tổng thống Joe Biden, người nhận được tỷ lệ ủng hộ 38%, khi ông này chưa rút khỏi cuộc đua tranh cử.

Thực tế cho thấy, khi chính sách của Tổng thống Biden ngày càng tiêu cực, thì chính sách dân tuý vì nước Mỹ, chống nhập cư của ông Trump lại được nhiều người dân Mỹ ủng hộ. Do đó, dù phải đối diện với hàng loạt cáo trạng, song ông Donald Trump vẫn được nhiều người Mỹ coi trọng vì nhiều lý do, trong đó người dân Mỹ tin rằng ông Trump sẽ làm “hồi sinh” nền kinh tế Mỹ nếu ông trở lại cầm quyền. Tư tưởng hướng nội “nước Mỹ trên hết” của cựu Tổng thống Donald Trump đã rút nước Mỹ ra khỏi các vấn đề chung của thế giới, khiến nước Mỹ xa rời chiến tranh châu Âu và quay về bên trong để tập trung phát triển, phục hồi kinh tế. Trái lại, kể từ khi ông Joe Biden lên nắm quyền, Đảng Dân chủ đã thành công nối lại quan hệ với các đồng minh của Mỹ, song đồng thời cũng khiến nước Mỹ sa lầy trong các cuộc chiến ở khắp nơi trên thế giới, từ Ukraine đến Trung Đông… Đây là điều mà người dân Mỹ hoàn toàn không mong muốn.

Trong các cuộc tranh luận gần đây, ông Donlad Trump liên tục đổ lỗi cho Tổng thống Joe Biden về việc gây ra tình hình căng thẳng ở Nga. Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden vẫn bảo lưu quan điểm rằng Nga mới là bên phát động chiến tranh và nhiệm vụ của nước Mỹ là phải giữ gìn hoà bình ở châu Âu, bằng cách chống Nga đến cùng. Có thể thấy, hai thái độ ủng hộ và không ủng hộ cuộc chiến với Nga đã đại diện cho hai quan điểm phổ biến ở nước Mỹ hiện nay. Trong đó quan điểm cánh hữu – chỉ muốn quay về xây dựng, phát triển đất nước, không ủng hộ việc cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Nga, đang thắng thế so với quan điểm cánh tả – ủng hộ Ukraine và quay lưng với Nga.

3. Dự báo về một cuộc chuyển giao kéo dài giữa hai luồng tư tưởng trong thời gian tới

Tại châu Âu, kể từ sau Thế Chiến II, châu lục này đã trải qua nhiều thập kỷ hoà bình và phát triển. Tuy nhiên, giờ đây, châu Âu một lần nữa đang phải sống trong những ngày tàn cuối cùng của hoà bình, với một nỗi lo sợ thường trực rằng chiến tranh sẽ bùng nổ khắp châu lục, khi cuộc chiến Nga – Ukraine đã bước sang giai đoạn xung đột, căng thẳng kéo dài, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Châu Âu đang trở nên khủng hoảng và bất ổn về mọi mặt, khi mọi nguồn lực đều đổ dồn cho cuộc chạy đua vũ trang và viện trợ cho Ukraine.

Tại nhiều cuộc họp của các nhà lãnh đạo EU và NATO, chủ đề duy nhất được bàn tới chỉ là chiến tranh, mà không quan tâm đến các vấn đề khác mà người dân châu Âu đang phải đối mặt. Những nhân vật hiếu chiến như đương kim Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tiếp tục giữ ưu thế khi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2. tại Hội nghị thượng đỉnh châu Âu khai mạc vào ngày 27/6 vừa qua, bà Ursula Vonder Leyen đã tuyên bố rằng, nền công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu (EU) sẽ cần tới 500 tỷ euro trong 10 năm tới để có thể nâng cấp trang bị và viện trợ cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Điều này ngày càng đẩy châu Âu vào tình trạng thảm khốc, trong khi kinh tế, công nghiệp, an sinh xã hội… của châu Âu đều xuống cấp trầm trọng và rơi vào một cuộc khủng hoảng toàn diện chưa từng có kể từ Thế Chiến II.

Từ trái sang: Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trong buổi lễ ký kết thỏa thuận an ninh tại Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, Bỉ, ngày 27/6/2024. Ảnh: AFP

Trong khi lãnh đạo các nước thuộc Khối các nền kinh tế mới nổi BRICS như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, các nước Trung Đông… gặp gỡ để bàn về việc hợp tác phát triển kinh tế, năng lượng, xây dựng hệ thống tiền tệ chung… thì các nhà lãnh đạo châu Âu dường như chỉ bàn tới một chủ đề duy nhất là cuộc chiến ở Ukraine. Các lệnh trừng phạt Nga, các gói viện trợ kinh tế, các lệnh đưa quân hỗ trợ Ukraine liên tục được châu Âu đưa ra thảo luận, thay vì tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế, an sinh của người dân, vốn đang bên bờ vực khủng hoảng nghiêm trọng. Có thể thấy, theo đà này, châu Âu sẽ sớm dấn thân vào một cuộc chiến tranh thế giới thứ 3, đây là một mối nguy hiểm rất lớn cho châu Âu, nếu các nhà lãnh đạo của họ không sớm nhận ra, rằng nền hoà bình ở châu Âu hiện đang rất mong manh, có thể tan vỡ bất cứ lúc nào.

Trước tình hình đó, sự trỗi dậy mạnh mẽ của các luồng quan điểm cực hữu, các đảng phái cánh hữu đã chứng tỏ, người dân châu Âu đang quyết tâm đòi lại quyền lợi của mình thông qua lá phiếu quyền lực mà họ nắm giữ. Trên thực tế, rất nhiều nhà lãnh đạo châu Âu cũng đã nhận thấy, châu Âu đang quá lệ thuộc vào Mỹ, cần có tinh thần độc lập hơn. Và điều cấp bách nhất để giành lại sự tự chủ ấy, chính là tách khỏi cuộc chiến ở Ukraine, không để bị hút vào cuộc chiến tranh do Mỹ lãnh đạo.

Ngay lúc này, châu Âu cần tự cứu lấy mình bằng cách tách khỏi vùng ảnh hưởng của Mỹ, quay về phát triển, khôi phục lại nền kinh tế, công nghiệp, năng lượng… thay vì dồn mọi nguồn lực đầu tư cho quốc phòng, lao vào cuộc chiến vô nghĩa mà đánh mất đi những giá trị vốn có, đẩy nhân dân châu Âu đứng bên bờ vực thẳm. Mong muốn châu Âu hoà bình và “hồi sinh” chính là mong muốn chung của nhóm cực hữu, cũng là đại diện cho hi vọng của đại đa số người dân châu Âu hiện nay. Họ mong mỏi một kết thúc chiến tranh, lập lại hoà bình ở Ukraine, châu Âu sẽ nối lại và cải thiện quan hệ với Nga, quay về con đường độc lập, tự chủ, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ.

Tuy nhiên, tiếng nói của đảng phái cực hữu ở châu Âu trước giờ không mạnh bằng phe cánh tả. Các đảng phái cánh tả vốn đã nắm quyền ở châu Âu trong suốt nhiều thập kỷ nay và đã xây dựng được cả một thiết chế tại châu lục này. Bằng chứng là tại Anh, đảng cánh tả vẫn làm nên lịch sử trong cuộc bầu cử Quốc hội năm nay, khi kết quả cuối cùng của cuộc tổng tuyển cử cho thấy, Đảng Lao động (Công đảng) đã giành chiến thắng vang dội với 412 ghế trong tổng số 650 ghế tại Hạ viện, kết thúc 14 năm thống trị chính trường của Đảng Bảo thủ. Ông Keir Starmer, lãnh đạo Công đảng Anh, đã chính thức trở thành Thủ tướng mới của nước này sau khi diện kiến Vua Charles III tại Cung điện Buckingham, thủ đô London vào ngày 5/7 vừa qua.

Nhiều nhà lãnh đạo thuộc phe cánh tả, giữ tư tưởng hung hăng chống Nga, vẫn điều khiển bộ máy chính quyền và giữ những cương vị cao ở Liên minh châu Âu. Chắc chắn trong thời gian tới, họ sẽ không dễ dàng từ bỏ việc hưởng lợi từ cuộc chiến để mưu cầu những lợi ích khác cho người dân. Do đó, cuộc đấu tranh của phe cánh hữu vẫn còn là cả một quá trình quyết liệt, lâu dài. Với tình trạng này, nhân dân châu Âu chỉ có thể mong đợi rằng những kết quả mới trên chiến trường và các cuộc bầu cử sẽ mang lại tín hiệu tích cực cho họ trong thời gian tới.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC