Trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi, tăng trưởng kinh tế sáu tháng đầu năm 2024 của nước ta tiếp tục khởi sắc với mức tăng 6,42%. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,38%. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%. Khu vực dịch vụ tăng 6,64%. Bức tranh kinh tế đầu năm 2024 có những điểm sáng rất đáng chú ý.
Thứ nhất, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng trưởng rất ấn tượng. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sáu tháng đầu năm 2024 sơ bộ đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,5%; nhập khẩu tăng 17%. Kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng tăng mạnh như máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 52,9%; cà phê tăng 34,5%; sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ tăng 32,6%; chè tăng 32,1%; gạo tăng 32%; hạt tiêu tăng 30,9%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 28,6%; rau quả tăng 28,2%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 22,2%; nguyên phụ liệu dệt, may, da giày may, da, giày tăng 11,1%… Cán cân thương mại hàng hóa sáu tháng đầu năm 2024 tích cực, ước tính xuất siêu 11,63 tỷ USD, góp phần tạo động lực sản xuất và kích thích xuất khẩu.
Thứ hai, thu hút vốn đầu tư trong sáu tháng đầu năm 2024 tăng mạnh, phản ánh sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài không hề suy giảm. Vốn FDI đăng ký mới tăng cao so với cùng kỳ năm trước, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam. Tính đến ngày 20/6/2024, cả nước có 1.538 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài với số vốn đạt 9.536,8 triệu USD, tăng 18,9% về số dự án và tăng 46,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 10,8 tỷ USD, tăng 8,2 so với cùng kỳ năm trước, là mức thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2020-2024.
Thứ ba, sản xuất nông nghiệp duy trì tăng trưởng ổn định, lúa đông xuân được mùa, được giá, sản lượng một số cây ăn quả chủ yếu đạt khá do nhu cầu xuất khẩu tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định; khai thác gỗ được đẩy mạnh; sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng cao nhờ thực hiện tốt quy định và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Năng suất lúa đông xuân năm nay ước đạt 68,8 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha so với vụ đông xuân trước; sản lượng đạt 20,32 triệu tấn, tăng 132,5 nghìn tấn. Sản lượng thu hoạch sáu tháng đầu năm 2024 của một số cây ăn quả tăng khá như: Sầu riêng tăng 17,4%; chanh leo tăng 9,3%; đu đủ tăng 6,3%; ổi tăng 5,6%; na tăng 3,1%.
Thứ tư, sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực với chỉ số sản xuất tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp sáu tháng đầu năm 2024 tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 8,5%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13%, nhờ đó đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
Thứ năm, ngành du lịch tăng rất mạnh, đã vượt đà phát triển trước đại dịch. Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 8,8 triệu lượt người, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Đây là những tín hiệu khả quan để có thể hiện thực mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm nay.
Thứ sáu, niềm tin của doanh nghiệp dường như đã trở lại. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong sáu tháng đầu năm 2024 đạt 119,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 110,3 nghìn doanh nghiệp.
Những số liệu lạc quan này là thành quả nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và đông đảo người lao động trên cả nước, đồng thời cũng là kết quả chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt trên ba mặt trận: hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng và hạ tầng số.
Một là, về mặt hạ tầng giao thông, từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo thúc đẩy các công trình, dự án trọng điểm quốc gia của ngành giao thông vận tải. Nhấn mạnh đầu tư công có vai trò dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, Chính phủ đã dành 657.000 tỷ đồng cho đầu tư công trong năm 2024, chủ yếu là đầu tư hạ tầng giao thông và phấn đấu đạt tỉ lệ giải ngân ít nhất 95%. Việc tập trung giải ngân đầu tư công với các dự án giao thông trong nửa đầu năm 2024 đã góp phần kích cầu tăng trưởng, tạo không gian phát triển mới vì đường xá đi đến đâu, không gian dịch vụ mở ra đến đó. Việc Đảng và Chính phủ xác định tập trung thực hiện đột phá chiến lược về hạ tầng giao thông là lựa chọn đúng đắn, sáng suốt, là yếu tố quyết định cho sự phát triển trong nửa đầu năm 2024 và cả trong dài hạn.
Hai là, về hạ tầng năng lượng, Chính phủ rất thành công trong nỗ lực đảm bảo điện năng cho sản xuất và dân sinh. Rút kinh nghiệm tình trạng thiếu điện năm ngoái, báo cáo của EVN 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy đơn vị đã đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, trong bối cảnh nhu cầu điện vẫn liên tục tăng cao. Công tác điều hành hệ thống điện và thị trường điện đã bám sát kế hoạch đã được phê duyệt. Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 151,74 tỷ kWh, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2023. Dù mức tiêu thụ điện tăng cao nhất trong tháng 6, Việt Nam vẫn đáp ứng được đủ nhu cầu bởi trước đó, EVN cũng khởi công 47 công trình và hoàn thành đóng điện, đưa vào vận hành 57 công trình lưới điện từ 110 kV đến 500 kV, đặc biệt tiếp nhận Nhà máy điện Phú Mỹ 3 từ ngày 01/03/2024 và trao đổi, đàm phán với PVN/PVGAS cung cấp khí cho nhà máy Phú Mỹ 3. Các nhà quản lý cũng đã điều hành thành công để công suất, sản lượng truyền tải điện từ khu vực miền Trung, miền Nam ra miền Bắc thường xuyên ở duy trì mức cao để tăng cường cung cấp điện cho miền Bắc.
Điều đáng chú ý là thuỷ điện và nhiệt điện than vẫn đang đóng vai trò chủ chốt để duy trì an ninh năng lượng của đất nước. Trong 6 tháng, sản lượng và tỷ trọng huy động từ thủy điện đạt 28,63 tỷ kWh, chiếm 18,9%; nhiệt điện than đạt 86,34 tỷ kWh, chiếm 56,9%; tua bin khí đạt 13,12 tỷ kWh, chiếm 8,6%; năng lượng tái tạo đạt 20,73 tỷ kWh, chiếm 13,7% (trong đó điện mặt trời đạt 13,91 tỷ kWh, điện gió đạt 6,15 tỷ kWh). Điện nhập khẩu đạt 2,56 tỷ kWh, chỉ chiếm 1,7%. Như vậy, trong tương lai gần, vẫn cần đặc biệt chú trọng tới các hạ tầng năng lượng truyền thống thay vì chỉ tập trung vào năng lượng tái tạo, lĩnh vực còn mới và chưa chứng tỏ đáp ứng được đủ nhu cầu.
Ba là, công tác chuyển đổi số đã có bước phát triển nhanh chóng. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông về tình hình chuyển đổi số quốc gia 6 tháng đầu năm 2024, đối với dịch vụ công trực tuyến: tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình (trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính) cả nước đạt 42% (cuối năm 2023 chỉ là 17%); bộ, ngành đạt 61% (cuối năm 2023 là 38%); địa phương đạt 17% (cuối năm 2023 là 9%).
Kinh tế số 6 tháng đầu năm ước đạt tăng trưởng 22,4% và tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước đạt 18,3%. Doanh thu lĩnh vực công nghệ thông tin (kinh tế số ICT) tăng trưởng 26% so cùng kỳ năm 2023. Tốc độ tăng trưởng doanh số trên sàn giao dịch bán lẻ trực tuyến tăng 80% so cùng kỳ năm 2023. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tăng 8% so cùng kỳ. Việt Nam không còn nghi ngờ gì nữa đang là quốc gia hàng đầu trong khu vực châu Á về ứng dụng và phát triển mạng lưới thương mại điện tử và thanh toán điện tử thế hệ mới.
Lần đầu tiên sau hơn 20 năm, việc giám sát, đo lường dịch vụ công trực tuyến được thực hiện tự động, online. Giao dịch chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng, hệ thống thông tin qua nền tảng dữ liệu quốc gia 6 tháng đầu năm tăng mạnh 67% so cùng kỳ năm 2023. Điều đáng mừng là Thủ tướng vẫn đang chỉ đạo quyết liệt, phấn đấu đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến được thực hiện toàn trình; 50% dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được gắn định danh cá nhân; 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính; 50% thủ tục hành chính, giấy tờ của người dân liên quan dữ liệu dân cư được cắt giảm…
Ba bước chuyển lớn trong hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng và hạ tầng số đã giúp kinh tế Việt Nam có được nền tảng rất vững chắc, tiếp tục hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh và thu hút mạnh đầu tư nước ngoài. Tin tưởng với nền tảng đã có, Chính phủ tiếp tục điều hành nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao hơn trong nửa cuối năm 2024 và những năm tiếp tới, đưa vị thế của đất nước lên cao hơn nữa trong chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu.■