Thế giới đang trải qua những biến động ngày càng phức tạp và khó dự đoán khi liên tục xuất hiện các cuộc xung đột leo thang với quy mô và tần suất chưa từng có. Khoảng một phần tư dân số thế giới hiện sống ở các khu vực bị tác động bởi các cuộc xung đột với những mức độ khác nhau. Riêng trong năm 2023 số cuộc xung đột vũ trang đã ở mức cao nhất kể từ khi Chiến tranh Thế giới II kết thúc: 59 cuộc xung đột, trong đó có 28 ở châu Phi, 17 ở châu Á, 10 ở Trung Đông, 3 ở châu Âu và 1 ở châu Mỹ.

Nhiều nhận xét cho rằng, thế giới đang bị lún sâu vào tình trạng “đa khủng hoảng và bất ổn địa chính trị” với các “cấp độ” khác nhau và đang có nguy cơ bước vào một kỷ nguyên của bạo lực, xung đột và khủng hoảng.

Trước hết, phải kể đến hai cuộc chiến tranh tàn khốc đang xảy ra tại Ukraine và Trung Đông, có khả năng bùng nổ thành những cuộc chiến tranh tổng lực và toàn diện với cường độ ngày càng cao, tổn thất nặng nề hơn.

Thứ hai, những cuộc xung đột vũ trang khiến cho bạo lực ngày càng leo thang ví dụ tại Sudan, Somali, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Congo (châu Phi) và Myanmar (châu Á), nơi các cuộc đối đầu giữa chính quyền quân sự và các nhóm thiểu số sắc tộc ngày càng gia tăng.

Thứ ba, những bất ổn về chính trị, xã hội ngày càng gia tăng tại châu Âu từ khi các đảng cực hữu và trung hữu thắng thế tại nhiều nước, dẫn đến nhiều cuộc biểu tình, bạo loạn tại Pháp, Anh và Đức…

Điểm cuối cùng phải kể đến là sự xuất hiện của các cuộc “Cách mạng màu” hay “Cách mạng đường phố” tại một số quốc gia đã và có nguy cơ sẽ lật đổ chính phủ đương thời như ở Myanmar, Bangladesh, Venezuela, Ukraine…

Những người biểu tình xông vào Phủ Thủ tướng ở Dhaka, Bangladesh trước khi Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức vào ngày 5/8/2024. Ảnh: K.M. Asad/AFP

Toàn bộ những cuộc khủng hoảng và bất ổn trên, cho dù ở các cấp độ khác nhau, đều đang vượt khỏi tầm kiểm soát quốc tế và dễ dàng leo thang thành những cuộc chiến tranh lan rộng khắp các khu vực trên thế giới, gây lo ngại sâu sắc.

Thế giới đang phải trả giá quá đắt

Theo Chương trình dữ liệu xung đột của PRIOS (Viện Nghiên cứu hòa bình của Na Uy) thì số người bị thương và chết do xung đột trong ba năm từ 2021 đến 2023 là 600.000 người, lớn hơn nhiều so với con số 180.000 người  trong ba năm 2018 – 2020.

Riêng cuộc chiến tại Ukraine đã gây tổn thất lớn lao. Theo thông tin vào tháng 01/2024 của Bộ Quốc phòng Anh, 350.000 binh lính Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương kể từ khi cuộc chiến bắt đầu. Trong khi đó, vào tháng 12/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Nga tuyên bố hơn 383.000 binh lính Ukraine đã thiệt mạng và bị thương! Tại Dải Gaza tính đến ngày 8/9 tổng số người chết là 42.000.

Đến tháng 5/2024, số người phải rời bỏ nhà cửa ra đi đạt mốc 120 triệu người, cao chưa từng có trong 50 năm qua. Tại Gaza nơi bị chiến tranh tàn phá, khoảng 1,9 triệu dân đã phải di tản, con số này ở Sudan là khoảng 9,1 triệu; tiếp theo là Syria với 7,2 triệu người di cư trong nước và Cộng hòa Dân chủ Congo với 6,7 triệu người.

Về mặt kinh tế, các cuộc xung đột khu vực đã khiến nền kinh tế thế giới bị rơi vào tình trạng bất ổn và suy thoái, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, làm giảm nhu cầu xuất khẩu hàng hóa. Tất cả các thị trường như năng lượng, tài chính, tiền tệ đều chao đảo. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu có khả năng giảm từ mức 3,5% trong năm 2022 xuống dưới mức 3,1% cho năm 2024.

Trong khi đó chi phí kinh tế cho chiến tranh vô cùng lớn, riêng năm 2023 là 17,5 nghìn tỷ USD, tương đương 12,9% GDP toàn cầu. Theo Ngân hàng Thế giới, các nước bị ảnh hưởng bởi xung đột, chiến tranh có tỷ lệ đói nghèo cao hơn 20 điểm phần trăm so với các nước không có xung đột.

Lý giải về nguồn gốc của các cuộc xung đột, chiến tranh

Từ nhiều góc độ, các cuộc khủng hoảng, xung đột dẫn đến chiến tranh, gây ra khủng hoảng xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu quốc tế, yếu tố quan trọng nhất chính là yếu tố cạnh tranh địa chính trị, tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc trên thế giới.

Mỹ, tuy vẫn được coi là cường quốc số một trên thế giới, nhưng thực chất ảnh hưởng của Mỹ đang ngày càng suy yếu khi quốc gia này đã và đang không đảm bảo được vai trò duy trì và bảo vệ hòa bình thế giới. Mặt khác, nước Mỹ đang có dấu hiệu tụt hạng đối với một số lĩnh vực như kinh tế, tài chính và trí tuệ nhân tạo cùng với những bất ổn xã hội dai dẳng. Trong khi đó Trung Quốc, Nga và một số nước ở Nam bán cầu đang nổi lên thách thức Mỹ và vượt khỏi sự kiểm soát của Mỹ. Trong một số lĩnh vực, những nước này còn nổi trội hơn Mỹ và phương Tây, đe dọa lợi ích và quyền lợi của Mỹ. Điều này gây ra những mối lo ngại to lớn với Mỹ, buộc Mỹ phải hành động.

Những diễn biến trên đang đẩy thế giới vào tình trạng chia rẽ, thâu tóm, tập hợp lực lượng và “chia phe”. Thế giới hiện đang tồn tại rõ rệt hai phe, một bên là Mỹ và các đồng minh phương Tây, một bên là các nước còn lại, do Trung Quốc và Nga đứng đầu.

Nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển đã quay lưng lại với Mỹ khi họ nhận thức rằng thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo không có khả năng bảo đảm hòa bình và ổn định, không tạo ra sự công bằng cho thế giới. Chính vì thế các  tổ chức đa phương điển hình như Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) và Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) ngày càng mở rộng, được củng cố và thu hút sự tham gia của nhiều nước đang phát triển, thách thức các tổ chức mà ở đó phương Tây thống trị như G7 và NATO.

Trên thực tế, thế giới đang rơi vào khủng hoảng trong việc duy trì trật tự toàn cầu khi các cường quốc đều ra sức tranh giành ảnh hưởng địa chính trị, lôi kéo các nước khác không chỉ về chính trị mà còn là kinh tế. Ngoài việc cố gắng tạo cớ và gây ra các cuộc xung đột vũ trang tại các khu vực mà họ có tham vọng nắm giữ, thì Mỹ và phương Tây cũng như một số cường quốc khác đặc biệt chú trọng việc xúi giục và thúc đẩy các nước ủy nhiệm hoặc thông qua các lực lượng được ủy nhiệm để gây ra các cuộc cách mạng màu như tại Gruzia, vùng Bankan, Bangladesh, Ukraine, Myanmar.

Cuộc chiến tranh tại Ukraine và Trung Đông thể hiện rõ tham vọng và lợi ích của các cường quốc và đang tác động mạnh mẽ tới toàn bộ cục diện thế giới. Bản chất của cuộc chiến này chính là sự cạnh tranh địa chiến lược và đối kháng lợi ích giữa Mỹ, EU và Nga. Cả hai cường quốc đều coi nhau là đối thủ tiềm tàng, sự lớn mạnh của bên này sẽ đe dọa an ninh và thu hẹp lợi ích của bên kia.

Các cuộc chiến tranh và xung đột đang gây ra tổn thất lớn lao cả về người và của cho nhiều quốc gia trên thế giới. Hình ảnh tại một nghĩa trang ở thành phố Lviv, Ukraine vào đầu năm 2024. Ảnh: NYT

Bên cạnh đó, đối với Mỹ, gây ra chiến tranh chính là cơ hội để thu về các khoản lợi nhuận khổng lồ do buôn bán vũ khí cho các bên liên quan. Chiến tranh càng kéo dài, các công ty Mỹ càng có lợi.

Yếu tố thứ hai liên quan đến các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, lợi ích kinh tế, các nguồn tài nguyên.

Những cuộc xung đột, tranh chấp biên giới dai dẳng kéo dài, diễn ra trên khắp thế giới và chưa bao giờ chấm dứt đều phần lớn có nguồn gốc từ việc tranh chấp đường biên giới bị phân chia và áp đặt bởi các cường quốc bên ngoài. Bên cạnh đó là việc khai thác tài nguyên, khoáng sản.

Cuộc xung đột đẫm máu và đau thương tại Trung Đông hiện nay, cho dù có mang những sắc thái mới thì cũng là sự tiếp nối của các cuộc tranh chấp mang tính lịch sử giữa Israel và các nước Ả rập. Mặt khác, những xung đột đang xảy ra tại Trung Đông với sự tiếp sức và can thiệp của Mỹ cũng như một số cường quốc khu vực cho thấy rõ sự thèm khát được làm chủ và kiểm soát các tuyến giao thông hàng hải địa chiến lược trong trao đổi thương mại quốc tế cũng như ý đồ tranh giành, kiểm soát trữ lượng lớn dầu mỏ – vũ khí kinh tế và chính trị sống còn của cả phương Tây cũng như các nước khu vực và các “chủ thể” khác tham gia vào các cuộc xung đột.

Vịnh Aden được coi là tuyến đường chiến lược ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á, chiếm tới 13% tổng thương mại thế giới (khoảng 2.400 tỷ USD/năm), trong khi đó 20% lượng dầu thô trên toàn thế giới đi qua Eo biển Hormuz, điểm trung chuyển dầu lớn nhất thế giới.

Yếu tố thứ ba liên quan đến những xung đột nảy sinh do vấn đề giai cấp, sắc tộc và tôn giáo.

Lịch sử từ khi có sự phân chia giai cấp đã luôn gắn liền với các cuộc đấu tranh giai cấp và chính điều này đã góp phần vào việc hình thành trật tự thế giới. Trong quá trình chính phục Trung Đông, các cường quốc phương Tây đã phân chia phạm vi ảnh hưởng dựa trên chính những lợi ích và sự bắt tay thỏa hiệp giữa họ, bất chấp khu vực địa lý và hoàn cảnh lịch sử.

Chính điều đó đã biến Trung Đông thành khu vực địa lý tồn tại nhiều căng thẳng và mâu thuẫn, bắt nguồn từ những tranh chấp về lợi ích, sắc tộc, tôn giáo tích tụ hàng ngàn đời theo dòng lịch sử. Nhiều chủ thể (các cường quốc, một số quốc gia khu vực, các tổ chức quá khích, các lực lượng khủng bố…) đã lợi dụng sự mâu thuẫn và khác biệt này để kích động tinh thần dân tộc và gây ra chiến tranh, xung đột, thực chất là để trục lợi…

Cuộc xung đột đẫm máu tại Trung Đông hiện nay là sự tiếp nối của các tranh chấp mang tính lịch sử giữa Israel và các nước Ả rập. Hình minh họa

Thứ tư, phải kể đến là các yếu tố liên quan đến công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo và mạng xã hội. Những công cụ này đã đóng vai trò không nhỏ trong việc kích động các thành kiến cố hữu về tôn giáo, chủng tộc, tạo thành chủ nghĩa cực đoan, bài ngoại, cổ vũ bạo lực và dẫn đến xung đột, gây chia rẽ, bất ổn xã hội. Những cuộc biểu tình, bạo loạn tại Anh thời gian qua là điển hình của việc tạo ra “deepfakes” (thông tin giả).

Các cuộc tấn công mạng ở khắp nơi trên thế giới với tần suất ngày càng tăng đã gây ra những tổn thất ngày càng cao khi tập trung vào những cơ sở quan trọng như sân bay, nhà máy điện hạt nhân, nơi đông dân cư.

Mặt khác chính sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ cao đang làm thay đổi cách thức (bản chất) của các cuộc xung đột. Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo và in 3D có thể giúp những lực lượng quá khích sản xuất vũ khí cũng như phát triển các cuộc “chiến tranh sinh học” hoặc phát triển và sản xuất vũ khí tự động gây chết người (LAW).

Yếu tố thứ năm không thể bỏ qua là mối đe dọa hạt nhân. Việc các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đã từ chối cùng hợp tác, tăng cường chạy đua vũ trang, loại bỏ các cam kết như Hiệp ước các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) hoặc Hiệp ước cắt giảm Vũ khí tấn công chiến lược (New START) đã khiến cho thế giới đang đứng trước nguy cơ hiện hữu về một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Yếu tố thứ sáu chính là các cuộc “Cách mạng màu”, hay còn gọi “cách mạng nhung”, “cách mạng đường phố” được các cường quốc hoặc các lực lượng chống đối bên ngoài đạo diễn thông qua việc kích động các phần tử cơ hội, bất mãn, trong các quốc gia để tổ chức các cuộc bạo loạn chính trị, phi vũ trang. Các lực lượng này tạo ra ảo tưởng về việc xây dựng một chính phủ mới tốt đẹp hơn, văn minh hơn với ý đồ lật đổ chính quyền đương nhiệm, lập ra chính phủ mới do các thế lực đối lập được các cường quốc bên ngoài hỗ trợ đang diễn ra tại Bangladesh, Venezuela hay Ukraine…

Hơn nữa, bên cạnh đó việc các chủ thể phi nhà nước như tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo (IS)” tự xưng, hoạt động ở châu Á, châu Phi và Trung Đông cùng với nhóm Hồi giáo cực đoan JNIM có liên hệ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda cũng làm gia tăng số lượng các cuộc xung đột.

Lựa chọn chính sách đúng đắn  

Kể từ khi cuộc chiến tại Ukraine xảy ra, cục diện thế giới đã thay đổi một cách cơ bản và gây ra nhiều thách thức với các quốc gia. Bạo lực và xung đột trên thế giới đang ở mức nghiêm trọng nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Phạm vi ảnh hưởng và tính chất của nó đã trở nên ngày càng khó lường vì liên quan đến nhiều chủ thể, không chỉ tại một quốc gia, một khu vực. Tính chất “quốc tế hóa” đã khiến cho nhiều cuộc xung đột đang ngày càng kéo dài hơn, khó giải quyết hơn so với những cuộc chiến tranh truyền thống trong quá khứ. Hiện 91 quốc gia trên thế giới đang tham gia vào một số loại xung đột, so với 58 quốc gia vào năm 2008.

Những cuộc khủng hoảng và xung đột hiện nay đều có điểm chung là được bắt đầu và khơi nguồn bởi các cường quốc hoặc các nước lớn tại khu vực, tiếp sau đó là sự can thiệp sâu rộng bằng quân sự và chính trị của các cường quốc quốc tế nhằm hỗ trợ một chính phủ hoặc một đảng phái nào đó.

Bên cạnh đó, chính sự cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc thế giới cũng là một trong các nguyên nhân thúc đẩy và tạo cơ hội cho nhiều nước lớn tại các khu vực, cũng như một số quốc gia tầm trung lợi dụng cơ hội để gia tăng ảnh hưởng, khẳng định vai trò, bác bỏ trật tự quốc tế và tiến hành các hoạt động hỗ trợ quân sự cho các bên tham chiến, thúc đẩy căng thẳng khiến cho số người bị thiệt mạng, bị thương ngày càng cao.

Mức độ gia tăng nhanh chóng của các cuộc khủng hoảng và xung đột đang gây ra tình trạng bất ổn, khó lường chưa từng có đối với trật tự toàn cầu khi những hậu quả của nó đã tác động sâu sắc đến an ninh, ổn định cũng như sự phát triển bền vững trên toàn thế giới.

Trên bình diện chính trị quốc tế, các xung đột đã làm sâu sắc thêm sự chia rẽ giữa các cường quốc, từ đó làm suy yếu hiệu quả của các cơ chế đa phương, xói mòn hợp tác quốc tế. Hệ quả là uy tín của các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc bị suy giảm, đồng thời khả năng của cộng đồng quốc tế trong việc ngăn chặn và giải quyết xung đột cũng bị hạn chế đáng kể. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiều lần rơi vào tình trạng bế tắc.

Mặt khác xung đột vũ trang còn tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, làm trầm trọng thêm các vấn đề toàn cầu khi nhiều quốc gia có xu hướng tập trung vào tăng ngân sách chi tiêu quân sự và bỏ qua mục tiêu phát triển bền vững, giảm nghèo đói, bất bình đẳng và biến đổi khí hậu.

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến các cuộc chiến tranh và xung đột là yếu tố cạnh tranh địa chính trị, tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc trên thế giới. Hình minh họa

Trước mắt, có thể thấy rằng thế giới đang trong tình trạng hỗn loạn và không thể kiểm soát được trong khi vai trò của Liên hợp quốc ngày càng suy giảm. Tình trạng này sẽ còn kéo dài hàng thập kỷ nữa và không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Nguy cơ thế giới sẽ bước vào một kỷ nguyên xung đột và bạo lực không phải là không hiện hữu, bởi sự cạnh tranh quyền lực, cạnh tranh lợi ích và tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc và các nước lớn trong khu vực ngày càng cao.

Cuộc cạnh tranh này chưa cho thấy có điểm dừng, chắc chắn thế giới sẽ bị xé lẻ và chia rẽ bởi chính các cường quốc. Thế giới đơn cực sẽ không còn điều kiện để tồn tại và chắc chắn sẽ hình thành một thế giới đa cực, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích thực tế của nhiều quốc gia.

Trong bối cảnh phức tạp, khó lường như vậy, các quốc gia, trong đó có Việt Nam nên tỉnh táo lựa chọn chính sách phù hợp, đa dạng và đa phương hóa, tăng cường hợp tác, tránh xung đột, giảm căng thẳng để giữ gìn hòa bình và ổn định vì mục tiêu cao nhất là độc lập, tự do và hạnh phúc cho nhân dân.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC