Bão và bài học lịch sử

Biển Đông, một trong những vùng có hoạt động bão nhiệt đới mạnh nhất thế giới, là nơi phát sinh nhiều cơn bão lớn từ Tây Thái Bình Dương. Là một nước thường xuyên phải hứng chịu các đợt bão, Việt Nam với đường bờ biển dài tiếp giáp với vùng Biển Đông và là vị trí giao thoa của các luồng khí đã tạo điều kiện mạnh mẽ cho bão phát triển. Các cơn bão chủ yếu đổ bộ vào miền Bắc và miền Trung, trong khi miền Nam đối mặt với nguy cơ ngập lụt. Từ xa xưa người Việt đã phải sống chung với bão và coi đó như một phần tất yếu của cuộc sống. Vì vậy, công tác phòng chống bão lụt phải trở thành chủ trương quốc gia. Dù có những tiến bộ song thực tế cho thấy công tác vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục.

Ảnh vệ tinh bão Yagi lúc 10 giờ ngày 7/9/2024. Nguồn: Báo Nghệ An

Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều kinh nghiệm chống bão, đặc biệt là công tác tuyên truyền tới người dân về thiên tai, tu bổ và xây dựng các công trình phòng chống bão lụt… Trước thực trạng thiên tai ngày càng khắc nghiệt, Chính phủ đã đầu tư vào kết nối với các trung tâm dự báo thời tiết quốc tế, cho phép dự báo chính xác các cơn bão đổ bộ. Thông tin được dự báo trước đó hàng tuần đã giúp các địa phương lên kế hoạch kịp thời chủ động đối phó với thiên tai. Nhà nước cũng chỉ đạo các tỉnh, thành phố quan tâm đến vấn đề phòng chống bão lụt mạnh mẽ hơn, các công trình tu bổ đê điều ở cả 3 vùng được duy trì qua các năm và được coi như một công trình lớn của quốc gia. Không chỉ đê sông mà đê biển và hệ thống thủy lợi cũng được xây dựng và phát triển mạnh mẽ, giảm thiểu được tình trạng vỡ đê trước các cơn bão lớn. Nhiều nhà ở và công trình ven biển cũng được nhà nước đặc biệt xây dựng kiên cố, tàu thuyền và cảng biển được quy hoạch để đảm bảo an toàn trước bão, các khu vực sạt lở cũng được chú trọng để giảm thiểu thiệt hại.

Về quản lý Nhà nước, các địa phương đều có hệ thống tổ chức phòng chống bão lụt với sự tham gia của các bộ, ngành Công an, Quân đội… được chỉ huy và phối hợp chặt chẽ. Chính từ các tổ chức này mà chiến lược như “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động; ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả) đã được đưa ra. Bão Yagi hay bão số 3 năm 2024 là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào đất liền Việt Nam sau hơn 70 năm vừa qua đã cho thấy hiệu quả trong công tác tổ chức phối hợp giữa các bộ, ngành và người dân. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, các đồng chí lãnh đạo cấp cao, lực lượng Công an Nhân dân, Quân đội Nhân dân đã trở thành điểm tựa vững chắc, thực hiện đúng tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” mà di chuyển đến các vùng bị thiệt hại do bão lụt, khẩn trương tham gia ứng cứu kịp thời. Không chỉ là công tác cứu hộ mà còn là công cuộc tái thiết sau siêu bão. Các quỹ phòng chống bão lụt được thiết lập để chuẩn bị cho công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão Yagi, hơn 40.000 cây xanh gãy đổ được dọn dẹp, lương thực và nhu yếu phẩm được phân phối kịp thời tới người dân bị cô lập, các lực lượng được nhanh chóng triển khai để khắc phục cơ sở hạ tầng, tái thiết nhà cửa và ổn định sau bão. Có thể thấy chính nhờ sự chuẩn bị từ Chính phủ và các cấp địa phương mà công tác phòng chống bão đã ngày càng được cải thiện. Bên cạnh đó tinh thần chống bão lụt của người dân cũng được nâng cao, trở thành ý thức toàn dân từ đó chủ động phòng tránh bão cùng nhau nhanh chóng triển khai các công tác khắc phục kịp thời.

Tuy nhiên vẫn còn những mặt yếu kém bộc lộ trong công tác phòng chống bão lụt. Sự tiến bộ trong việc dự báo thiên tai đã giúp ích cho công tác chỉ đạo kịp thời, nhưng thực tế thực hiện thì còn nhiều thiết sót. Có thể thấy những sai lầm vẫn lặp lại. Người dân và Chính phủ đều nhận thức được nguy cơ và thiệt hại sẽ xảy ra nhưng vẫn còn chủ quan. Người dân thiếu kinh nghiệm ứng phó, chủ quan và phớt lờ các cảnh báo, không chịu vào bờ mà túc trực tại các lồng bè, hay còn có tâm lý bám trụ giữ tài sản và tệ hơn là các căn nhà xây dựng tạm bợ thiếu kiên cố không đảm bảo được độ an toàn, đã đã gây ra hàng loạt mất mát thương vong. Bão to đi kèm mưa lớn không chỉ gây ngập lụt cao tại các tỉnh, thành phố mà còn kéo theo sạt lở, lũ quét tại nhiều khu vực miền núi. Mỗi cơn bão đều để lại hậu quả nặng nề cho con người, tài sản, vật nuôi; ảnh hưởng lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân cũng như các hoạt động kinh doanh sản xuất.

Có thể thấy, việc quy hoạch xây dựng nhà ở và các công trình ứng phó đặc biệt với bão chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt tại các khu vực ven biển, ven sông suối. Nhiều công trình nhà ở của người dân vẫn nằm trong vùng ngập lụt, thiếu sự kiên cố và chưa đảm bảo an toàn khi đối mặt với thiên tai. Việc thiếu quyết liệt trong quy hoạch và bố trí dân cư đã dẫn đến tình trạng nhiều đồng bằng, nơi có mật độ dân cư sinh sống tại các vùng ngoài đê, ven sông như Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội phải đối mặt với nguy cơ cao khi bão đổ bộ. Nước dâng cao gây ngập lụt, nhà cửa ven biển bay tốc mái hoặc bị phá hủy. Tại vùng núi, nhiều gia đình vẫn xây nhà tại các thung lũng và khe núi – những khu vực dễ xảy ra sạt lở khi mưa lớn. Thiệt hại năm nào cũng tái diễn, nhưng người dân vẫn tiếp tục sinh sống mặc cho điều kiện rủi ro. Nhà nước đã nhiều lần đưa ra cảnh báo và hô hào cải thiện quy hoạch nhưng vẫn chưa có bước tiến rõ rệt. Kết quả là người dẫn vẫn bám trụ, thậm chí còn sinh sống lấn dần ra gần đê bất chấp nguy hiểm có thể xảy ra.

Thiên nhiên không ưu ái bất kỳ ai vậy nên con người phải chủ động phòng tránh nó. Mỗi một cơn bão qua đi lại gây ra thiệt hại to lớn và tổn thất nặng nề, người dân phải sinh sống trong các ngôi nhà tạm bợ, đời sống và sinh hoạt khó khăn và phải mất nhiều thời gian khắc phục ổn định chứ chưa nói đến phát triển. Đây là một bài học lịch sử sâu sắc mà Việt Nam cần phải nhìn nhận rõ ràng. Người dân cần chủ động, có ý thức; nhà nước phải mạnh mẽ, kiên quyết hơn trong công tác thì mới hướng đến sự phát triển đất nước được.

Nước ngập sâu tại một khu chung cư ở Thái Nguyên do bão Yagi, tháng 9/2024. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Công tác đối phó thiên tai hiện còn mang tính chất thời vụ, không có sự chủ động dài hạn. Khi thiên tai, bão lũ ập đến mới thấy được nhiều điều thiếu sót. Tại các địa phương xảy ra tình trạng thiếu phương tiện trên mặt nước, xuồng cứu hộ, áo phao. Nếu không có lực lượng Công an, Quân đội và các mạnh thường quân hỗ trợ thì bản thân các tỉnh thành hầu như không thể tự ứng phó. Cần tăng cường đầu tư trang thiết bị, đặc biệt tại các vùng dễ xảy ra ngập lụt và có thể cấp kinh phí cho Công an, Quân đội giúp bảo quản phương tiện cứu hộ để sử dụng ngay khi cần. Việc sơ tán người người dân cũng cần kế hoạch chuẩn bị trước. Lên kế hoạch đưa người dân lên các khu vực cao như trường học, doanh trại hoặc dựng lều tạm thời tại các vùng đất cao, đảm bảo điện, nước cho người dân.

Khi bão tan, công tác khắc phục hậu quả cũng là một vấn đề lớn và cấp bách. Hiện nay lực lượng xung kích chính vẫn là Quân đội và Công an, tuy nhiên vẫn cần các trang thiết bị dành cho công tác cứu hộ. Vậy nên ở nhiều nơi phải huy động tất cả các máy móc, phương tiện chuyên dụng cho giao thông để hỗ trợ chứ không thể đơn thuần dùng sức người đào bới. Qua đó thấy được sự thiếu hụt nghiêm trọng về phương tiện kỹ thuật và thiết bị cứu hộ cần thiết, cho thấy sự chuẩn bị về vật chất còn yếu kém, chưa được đầu tư. Không chỉ dừng lại ở việc giải cứu và sơ tán, quá trình khôi phục lại điện, nước, hệ thống công trình công cộng, nhà ở cũng cần lượng lớn trang thiết bị chuyên dụng, nếu thiếu các thiết bị này, tiến độ khắc phục sẽ kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Sức dân đóng vai trò chính, dân phải cùng chung tay khắc phục. Nhưng đối với những vùng bị thiệt hại nặng nề thì việc tự khôi phục là vô cùng khó khăn. Do đó, nhà nước cần phải có các quỹ dự phòng và phương án dự trữ để hỗ trợ kịp thời tới người dân tại các vùng bị ảnh hưởng. Việc chuẩn bị nguồn tài chính, lương thực cứu trợ, vật liệu xây dựng là quan trọng, không thể chỉ dựa vào sự ủng hộ từ các tổ chức xã hội. Việc phân bổ và sử dụng quỹ cũng phải được tính toán thận trọng để giảm thiểu tối đa thiệt hại và giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

Lực lượng cứu hộ cần phải được tăng cường. Một trong những khó khăn hiện nay là xác định và tổ chức lực lượng tại chỗ bởi khi bão đến, bản thân các gia đình tập trung bảo vệ nhà cửa dẫn đến phân tán nguồn lực và khó khăn trong việc phối hợp cứu hộ. Để khắc phục tình trạng này, cần có sự củng cố mạnh mẽ về nguồn lực, trang bị và đào tạo bài bản cho lực lượng này để nâng cao hiệu quả ứng phó với thiên tai. Có thể cân nhắc thành lập Bộ Tình trạng khẩn cấp giống như mô hình mà nhiều quốc gia đã áp dụng để xử lý các tình huống khẩn cấp một cách toàn diện, hiệu quả hơn. Chính phủ cũng nên cân nhắc xây dựng một cơ quan chuyên trách về đối phó với thiên tai. Cơ quan này bao gồm sự phối hợp với các bộ, ngành liên quan và được chỉ đạo trực tiếp bởi Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ để đưa ra các chỉ đạo, hướng dẫn rõ ràng và thống nhất.

Như vậy, việc phòng chống bão lũ, thiên tai không nên chỉ dừng lại ở mức độ thời vụ mà phải được thiết lập thành một quy trình quốc gia, mỗi tỉnh, huyện, xã phải có quy trình riêng để chủ động thực hiện. Thay vì chỉ đạo chi tiết từng hoạt động, Chính phủ nên tập trung vào vai trò cảnh báo và điều phối chung, đảm bảo các địa phương có đủ cơ sở vật chất và sự linh hoạt để sẵn sàng triển khai ứng phó tránh việc nhiều cấp chỉ đạo chồng chéo, trùng lặp gây khó khăn cho công tác triển khai.

Việc rút kinh nghiệm sau mỗi đợt thiên tai là rất quan trọng để Chính phủ biết được những việc đã làm tốt và những vấn đề cần tăng cường cho các địa phương để đối phó với bão lụt. Nước ta năm nào cũng có bão lũ ở khắp các miền của đất nước và cơn bão nào cũng để lại những mất mát to lớn về người và của cải vật chất. Cùng với sự khó khăn của người dân vùng bão, câu hỏi đặt ra là tại sao vẫn xảy ra tình trạng thiệt hại do bão lụt gây ra như vậy. Câu trả lời là người dân và chính quyền chưa rút ra được bài học lịch sử về chống bão lụt mà mới chỉ dừng lại ở đối phó với từng cơn bão và dồn sức để khắc phục hậu quả. Hy vọng rằng chính quyền các địa phương và người dân vùng bão lụt nhìn lại lịch sử chống bão qua các năm để điều chỉnh quy hoạch các khu sản xuất, khu dân cư, nhà ở của người dân và xây dựng các phương án phòng chống bão lụt một cách chủ động ở địa phương mình. Làm tốt điều này sẽ giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão lũ gây ra.■

K.L

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN