Trong bài viết “Ý nghĩa và cổ tục ngày Tết Nguyên Đán Việt Nam”, trích từ tác phẩm Đất Việt trời Nam (NXB Nguồn Sống, 1960), tác giả Thái Văn Kiểm đã khéo léo tái hiện bức tranh Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Từ ý nghĩa thiêng liêng của việc tưởng nhớ tổ tiên và đoàn tụ gia đình trong những ngày đầu xuân cho đến các nghi lễ đặc trưng như tiễn Ông Táo, dựng cây nêu, khai bút, hóa vàng… bài viết giúp độc giả hiểu rõ hơn về nét đẹp văn hóa và tinh thần nhân văn sâu sắc của phong tục Tết mà người Việt đã lưu giữ qua nhiều thế hệ. Tạp chí Phương Đông trân trọng gửi tới bạn đọc toàn văn bài viết này.
Trước sự thúc đẩy của những tư tưởng mới, nước Việt cổ kính, với tập quán và tục lệ từ ngàn xưa để lại, đã dần dần cải tiến, loại bỏ những cái gì là quá cổ để thay thế bằng những điểm canh tân.
Nhiều tục lệ xưa hàm súc ý nghĩa đặc biệt của nó đã được coi là bất di bất dịch qua bao nhiêu thế kỷ, ngày nay trở nên lỗi thời, là vì thế hệ mới tỏ ra khao khát tân kỳ. Ngay như Tết của dân chúng, sau một thời gian khá lâu được coi là thiêng liêng, ngày nay cũng giảm bớt tính cách cổ kính của nó, để trở nên một lễ bái hầu như thông thường.
Tết xưa kia được coi trọng thể như thế nào, đã theo thời gian mà thay đổi; rồi biết đâu những thế hệ mai sau chẳng coi là những kỷ niệm êm đẹp của thời quá khứ. Nếu ta nêu ra đây những điểm huy hoàng của ngày Tết, phản ảnh tâm hồn và nếp sống của dân tộc Việt, để cho mọi người hiểu rõ ý nghĩa cao cả của ngày quốc lễ, âu cũng là một việc làm hợp thời.
Ta hãy theo sự tiếp diễn của thời tiết tìm hiểu cái Tết của dân tộc Việt Nam và nhắc lại nguyên ủy và tính cách đặc biệt của nó.
Chữ Tết do chữ Tiết (thời tiết) mà ra. Trong một năm, có nhiều Tết và Tết Nguyên Đán (có nghĩa là buổi sáng đầu tiên) là quan trọng hơn cả vì nó mở đầu cho một năm. Tuy từ xưa tới nay đã có nhiều học giả nói về cái Tết, nhưng vẫn chưa mô tả được hết vẻ trang trọng của nó.
Như các dân tộc khác trên trái đất, người dân Việt mỗi khi mùa xuân tới lại vui chơi để tống cựu nghinh tân, đón một mùa tươi đẹp huy hoàng. Với chúng ta, Tết không phải chỉ có nghĩa là bắt đầu một năm khác, nhưng trong đó có nghĩa là một thời kỳ mà vạn vật đều đổi mới: thời gian, thiên nhiên, người và ngay cả đến những vật vô tri nữa. Tất cả đều có vẻ đặc biệt khi mùa xuân tới, người thì nét mặt rạng rỡ hơn, đồ vật có vẻ mới mẻ để nghênh tiếp tân xuân.
Hầu hết mọi công việc, những sự lo buồn, lộn xộn, nghỉ ngơi đều phải thanh toán ngay tất niên hay là tạm gác bỏ trong tuần lễ đầu của năm mới chỉ dành riêng cho sự vui chơi, hội hè và chúc tụng cổ truyền về phúc, lộc, thọ cùng sinh hạ nhiều con trai.
Trong thời gian Tết, gia đình đoàn tụ vui tươi đón một mùa xuân mới với những cành hoa mai, hoa đào, hoa thủy tiên, thi nhau đua nở, với tiếng pháo vang rộn, với những tặng vật, với những cuộc vui, với những cuộc đồng âm vô tận, với những bữa cơm cả gia đình quây quần ăn uống. Ngày Tết còn là ngày mà sang, hèn từ nơi thành thị đến chốn thôn quê đều vui vẻ, hoan hỉ.
Sự vui sướng hiện trên nét mặt mọi người, ai cũng thấy rộn ràng vì Tết. Những vị có tuổi thì trong ngày đầu năm ngồi trên chiếc ghế nhựa nhận lời chúc tụng của con cháu; với người lớn thì tha hồ vui chơi, ăn uống, thăm viếng lẫn nhau và nhất là với con trẻ thì dịp này cố học thuộc mấy câu chúc tụng để dùng thâu hoạch nhiều phong giấy đỏ. Với tiền trong đó, chúng có thể mua pháo đốt, tiếng nổ giòn tan.
Ngày Tết là một điểm vui tươi trong đời sống khắc khổ của người dân Việt. Mỗi khi mùa xuân mới tới, hình như có một sự thông cảm giữa người và vật, một cảm giác êm dịu và vui sướng trộn lẫn trong dịp tân xuân. Đó là một cuộc nghỉ ngơi bổ ích trên con đường đời vất vả để làm cho người ta thêm dày dạn, để có những sức lực mới, vươn mình trên một chặng đường gian lao hơn nữa.
Thời gian nghỉ ngơi về ngày Tết này rất quý báu với con người lao động, đặc biệt với đám người không biết nghỉ ngơi là gì dù là lễ thánh, ngày nghỉ thường lệ hay sự làm việc 8 giờ một ngày. Tết đối với họ là dịp duy nhất để hưởng một vài thú vui tầm thường mà họ không bao giờ có trong công việc vất vả thường nhật.
Với ngày đầu tiên trong năm hay Nguyên Đán, Tết đã có một ý nghĩa đặc biệt, trang nghiêm. Vì ngày đó bắt đầu cho một năm nên mọi công việc làm trong khoảng 24 tiếng đồng hồ ấy đều có ảnh hưởng trọn năm. Sự xông đất, xuất hành, những cử chỉ đầu tiên, những lời nói đầu năm là điểm mà ai cũng phải chú trọng. Trong tất cả mọi việc kể trên, có tục “đạp đất” được coi là quan trọng hơn hết.
Ngay từ nửa đêm sau lễ Giao thừa đánh dấu một năm đã qua nhường cho một năm mới tốt đẹp tới, nhà ở được coi như hoàn toàn đổi mới, người bước chân tới xông đất sẽ là sứ giả do sự may mắn đưa đến. Vì lẽ đó, người ta đã cân nhắc về nhân phẩm, chức phận, sự giàu sang, con cái đầy đàn cũng như về tính nết, niên vận khi cầu khẩn người xông nhà ngày đầu năm.
Cũng vì nghĩ tới ảnh hưởng của sự xông đất đến công việc làm ăn cho cả năm, các bậc phụ huynh rất thận trọng đối với người đến thứ nhất trong ngày Nguyên Đán để long trọng mang lại cho họ sự tốt lành suốt năm mới. Mặc dầu đã tính toán như vậy, vẫn có người khách bất ngờ tới xông đất trước sự ngạc nhiên của cả gia đình và làm cho xáo trộn những con tính có thể thực hiện được. Cũng để phòng những sự kiện này xảy ra, trong buổi sáng tinh mơ, các cửa ngõ đều đóng chặt và chỉ mở khi nào người được chọn tới xông đất mà thôi.
*
Cùng với sự kiêng kỵ trên, người ta còn rất chú trọng đến việc xuất hành, chọn giờ hoặc chọn hướng. Trong sự xuất hành này, nhân vật gặp đầu tiên cũng quan hệ như người tới xông đất.
Trong ngày đầu năm, người ta phải kiêng những điều không tốt, xích mích, những lời nói thương tổn đến sự vui vẻ của mọi người hay với tính cách tốt lành của ngày hôm đó. Người ta kiêng kỵ đánh vỡ bát chén, tránh sự đổ bể suốt năm; không khâu vá, vì kim và chỉ tượng trưng cho một công việc vất vả suốt năm ròng; không quét nhà, vì sợ đưa Thần Tài ra cửa. Ngoài ra, tên những con vật cũng được kiêng kỵ, như con khỉ, con chó hoặc con lợn vì theo sự tin tưởng của dân chúng sẽ mang lại sự không may mắn.
Lại còn mấy nghi lễ nữa được coi là quan trọng trong ngày đầu năm hay Nguyên Đán. Buổi sáng sau khi tế lễ thần hoàng hay bàn thờ tổ tiên, người ta lại còn cúng cả tiên sư tức là người được coi là vị tổ trong nghề kiếm cơm của họ. Người làm ruộng cúng chiếc cày, người thợ tiểu công nghệ cúng vật dụng của mình, người bán hàng bày lễ vật ở quầy hàng để mong được giàu sang thịnh vượng.
Những gia đình theo lối cổ còn có một buổi lễ nữa gọi là lễ Khai bút. Buổi sáng, một cây bút mới nguyên được mở ra với tờ giấy hoa tiên màu hồng hay đỏ thẫm, người ta vạch mấy hàng ca tụng năm mới theo thể thức bất di bất dịch: “Minh niên khai bút, bút khai hoa”.
Các tờ giấy viết bằng chữ thật nắn nót được treo giữa nhà tại chỗ danh dự để tới mùa xuân năm sau mới gỡ bỏ. Các vị nho sĩ biết tự trọng phải triệt để tuân theo cổ lệ này, nếu không sẽ bị coi như thất lễ đối với Thánh Hiền.
Có người lại khấn niệm mở Kiều ra xem một vài đoạn để tiên đoán sự việc sẽ xảy ra trong năm tới. Buổi chiều, sau khi đã tới thăm viếng lẫn nhau, gia đình tụ họp để chơi bài, đó là cách bói may trong dịp năm mới. Người ta còn tới rạp hát – thanh niên bây giờ ưa chiếu bóng – để bói tuồng khi bước chân vào rạp.
Người Việt Nam coi ngày đầu năm là một điều vô cùng quan trọng vì nhất cử nhất động đều có ảnh hưởng cho cả một năm.
Ta cũng đừng nên tưởng Tết chỉ có một ngày mà thôi, trái lại nó còn kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần, tiếp theo là những hội hè. Thường thời gian đó từ một tuần tới một tháng tùy theo từng gia đình.
Nếu nói dân Việt đã sửa soạn Tết từ một tháng trước khi bắt đầu một năm mới cũng không phải là ngoa vậy. Ngay từ đầu tháng chạp, ai cũng lo may vá. Với những người làm ăn vất vả, lam lũ, Tết là dịp họ được có quần áo mới để mặc. Ở những gia đình dư dả, các thiếu nữ và hiền phụ đã sửa soạn làm mứt, bánh để bày cúng trên bàn thờ tổ tiên, sau đó, được đem mời khách tới chơi nhà trong ngày Tết, những sản phẩm nói trên tỏ rõ tài nội trợ của các bà, các cô, nhất là cô gái sắp lấy chồng.
Ngày tất niên dùng cọ cửa nhà cho phong quang và mới mẻ. Cột, xà nhà hay trên cánh cửa gỗ đều có dán câu đối mang những chữ Phúc, Lộc, Thọ.
*
Tuần lễ cuối, tuần tiếp liên giữa năm cũ và năm mới, được dùng vào một vài lễ nhỏ làm tăng thêm vị ngày Tết. Lễ thứ nhất bắt đầu cho các lễ khác là lễ tiễn Ông Táo đã phụ trách công việc giữ nhà cửa cho gia chủ trong một năm. Trước Nguyên Đán 7 ngày, Tết này được diễn ra với sự cúng tiễn bộ ba Ông Táo, hai ông một bà, tượng trưng ngọn lửa thiêng của mọi gia đình, lên Thiên Đình tâu cùng Ngọc Hoàng Thượng Đế về những người trong gia đình mà ông cai quản. Trong trường hợp tiễn đưa Ông, người ta không quên hối lộ Ông bằng một bộ cánh bảnh chọe để Ông dùng trong khi ở Thiên cung với con ngựa riêng tùy từng nơi thay đổi một khác. Ở Bắc là một con cá chép thật lớn, ở Trung một con ngựa mã yên cương chĩnh chạc, trong Nam giản dị hơn là tặng cho Ông Táo một cặp giò – cặp hia – phải chăng là cặp hia bảy dặm vì từ Thiên cung tới Trần gian cũng khá xa.
Hai ngày sau là lễ Tiễn ông vải. Trong lễ này, người ta đốt hết chân nhang trong bình hương thắp suốt cả năm và thay tro đựng. Như vậy không có nghĩa là tống tiễn ông vải hẳn đâu mà chỉ là các vị dự một cuộc đi chơi ngắn cuối năm để ngày mồng một sau lễ Giao thừa, tổ tiên lại về hưởng cái Tết với con với cháu. Người ta lợi dụng thời gian đi vắng ngắn này của ông bà, ông vải để lau chùi bàn thờ, bài vị, đồ vật dùng cúng lễ. Đồ cũ được thay mới, bàn thờ lại đầy đồ cúng bày la liệt với những cuộn giấy đủ màu sắc vàng mã và những vật dụng dành người đã khuất do tay anh hàng mã tạo ra.
Những ngày cuối cùng trong một năm còn được dành cho nhiều lễ khác. Ở nhiều trường dạy chữ Hán xưa, trước khi nghỉ Tết còn kết thúc một năm học bằng lễ Tạ trường với nhiều cuộc vui náo nhiệt. Nhà tiểu công nghệ hay thương gia cũng cử hành một cái lễ dưới tên gọi là lễ Tất niên.
*
Đêm giao mùa, để sửa soạn một năm đẹp huy hoàng, người ta cử hành lễ Lên nêu. Một cây tre được cắm trước căn nhà lá để các phúc thần biết nhà nào đã sùng bái các vị này và cây nêu cũng làm ác quỷ phải lánh. Sau khi chính quyền cử lễ trên các công sở, chùa chiền, đình mới được phép làm lễ này. Tiếp theo là tư nhân.
Cách đây chừng 10 năm, cây nêu thường được dựng trước cửa tất cả các gia đình đã khiến cho cảnh vật đầy vẻ Tết, ngày nay còn bao nhiêu nhà định trồng nữa mỗi khi xuân tới? Người ta tưởng đó là một sự mê tín, dần dần đi đến việc bãi bỏ tục lệ trên và thiếu cây nêu, Tết đã nhạt nhẽo không khác gì ngày thường.
Sau lễ Lên nêu, còn có lễ Rước ông bà. Sau lễ này, vong linh tiền nhân trở về với gia đình để vui hưởng bầu không khí sùng kính của con cháu đượm vẻ thiếng liêng không dám như thường nhật, cố giữ từng lời nói cử chỉ trong khi ông bà còn quanh quẩn trong nhà mấy ngày Tết.
Trong mấy ngày Tết, bàn thờ tổ tiên bao giờ hương nến cũng rạng rỡ. Bất kể ngày đêm, nhang đốt được thay tiếp luôn luôn trước bài vị thờ. Ban đêm con cháu thay phiên nhau đèn nhang.
Mỗi ngày hai lần, bàn thờ lại đầy lễ vật và thực phẩm đệ cúng. Trong gia đình bất cứ ai cũng phải lễ trước bàn thờ mời vong linh tổ tiên hưởng lễ bạc lòng thành của con cháu. Người ta rót rượu pha chè, têm trầu, làm hết những bổn phận đối với tổ tiên đã quá cố hệt như các vị này còn sinh tiền. Trọn ngày đầu năm, người ta đốt pháo để ma quỷ phải lánh xa không được đến hưởng lễ vật dâng cúng cho tổ tiên.
Những cuộc lễ này kéo dài trong 3 hay 4 ngày rồi hết Tết, người ta thiêu hóa vàng mã và các đồ dâng cúng làm bằng giấy để bên thế giới vô hình, vong linh tiên tổ được hưởng thụ.
Lễ Hóa mã kết thúc sự vui chơi trong gia đình rồi mãi đến ngày mồng 7 mới làm lễ Hạ nêu nghĩa là bỏ cây tre trồng trước nhà xuống. Người ta lại trở về với công việc làm khi hết Tết.
Tuy nhiên, trước khi trở lại đời sống thường nhật, sáng ngày mồng 9 tháng Giêng, người ta còn làm lễ Tiên sư để cầu xin các vị này che chở cho họ trước khi bắt đầu một năm vất vả. Sau ngày đó, các cửa hàng mới làm lễ khai trương. Lễ này phải cử hành trong một bữa tốt ngày kèm theo những tràng pháo dài hay ngắn tùy theo gia cảnh.■
Thái Văn Kiểm