Một lễ hội tôn giáo ở An Nam – ngày Tết

Tết Nguyên Đán, thời điểm gia đình đoàn tụ và tưởng nhớ tổ tiên, phản ánh văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Tháng Chạp, khi tiết trời se lạnh cũng là lúc không khí chuẩn bị đón Tết rộn ràng trong từng gia đình. Tạp chí Phương Đông giới thiệu những quan sát của viên biện lý người Pháp tại tỉnh Bạc Liêu, ông Paul d’Enjoy, về quá trình chuẩn bị lễ Tết trong một gia đình trưởng họ qua bài viết “Une cérémonie religieuse en An Nam, le Têt” của ông. Bài viết nằm trong Tập 5, Bộ số 4, Tập san và Kỷ yếu Hội Nhân chủng học Paris xuất bản năm 1894.

Tháng 12 âm lịch đang dần trôi và ông Nguyễn Ngọc Ly, trưởng họ, tuân theo những lễ nghi, sẵn sàng chuẩn bị trang trọng để đón Tết.

Vào ngày đầu tiên của năm mới sắp tới, ngôi nhà cần trang hoàng bằng hoa và rèm lụa. Các bức tranh tường được làm mới. Trên cửa ra vào, trên tường của tiền sảnh, trên các cột gỗ Trắc (Cẩm Lệ) dùng trang trí ở phòng chính, người ta cẩn thận dán những câu đối viết trên giấy đỏ điểm chấm vàng, và lũ trẻ hăng hái tìm cách giải nghĩa những câu của hiền nhân Khổng Tử, là những suy nghĩ, lời khuyên, hay truyền thuyết mà hình thức trình bày và ký tự giống những câu đố đầy thử thách.

Trong phòng tiếp khách, bàn thờ tổ tiên được chăm chút đặc biệt. Phần nền tạo từ tấm gỗ lớn sơn son, nổi bật với chữ Hán “thần” chạm nổi và đánh bóng tỉ mỉ. Trên bàn thờ có những cây nến đỏ hình hoa nhiều màu được cắt tỉa từ sáp nguyên chất, những que nhang cắm trong lư đồng, những lư hương bằng đồng chứa đầy gỗ đàn hương mang mùi hương của trầm và mộc dược, những khay đồng chạm nổi chất đầy chuối, cam xanh, quýt nhỏ, ổi sấy khô, xoài, măng cụt, bưởi, dưa hấu hồng và trắng, cùng tất cả các loại trái cây có thể mua được từ chợ gần đó. Các loại quả được ưa chuộng nhất là đào, lê, nho, vải thiều và hồng; những quả này xếp ngay ngắn xung quanh bài vị thờ tổ tiên làm bằng gỗ Trắc, sơn son thếp vàng, ở trên khắc chữ vàng tên của tổ tiên tôn kính.

Nội thất tại một nhà giàu có ở Chợ Lớn những năm 1880. Nguồn: Nhiếp ảnh gia Auréliens Pestel

Những chiếc vò hai quai cầm được bày biện dọc các cột nhà và trải dài theo bờ tường với những bó hoa tuyệt đẹp như hoa sen hồng đặt ở trên. Những tấm màn che bằng lụa với họa tiết hoa nổi và bằng vải satin kim tuyến vàng treo trang trí trên những bức hoành phi hoặc treo ở các cửa ra vào.

Sau đây là ngày đại lễ! Sáng nay, trong tiếng pháo nổ rộn ràng trước mọi cửa nhà, mỗi người An Nam đón thêm một tuổi mới, đứa trẻ sinh vào ngày trước Tết, được tính là 2 tuổi vào ngay ngày hôm sau.

Ở nhà ông Nguyễn Ngọc Ly, những cánh cửa ra vào rộng mở, trang trí hoa và các biểu tượng tôn giáo, chào đón những người họ hàng mặc trang phục ngày Tết đến đông đúc theo lời mời của trưởng họ, tất cả tới trong niềm kính trọng và tuân theo trật tự.

Những nhạc công, được thuê với giá 50 xu, ngồi dưới mái hiên. Họ chào mừng những vị khách bằng tiếng trống đế vang dội khi khách đi qua mà không phá vỡ bầu không khí trang nghiêm. Trống đế, cồng, chũm chọe, phách kết hợp trong một giai điệu nhấn mạnh rõ ràng, những nhạc cụ bằng đồng hoặc gỗ phát ra âm thanh cao vút và những cây đàn bầu một dây có hình dạng như ống. Các nhạc công người An Nam hòa nhạc cùng một số thanh niên người Hoa, những người chơi hạc cầm nghe u sầu và khiến những cây đàn tranh rên rỉ, xen lẫn những tiếng kêu đầy nhịp điệu và bắt chước âm thanh than thở từ những nhạc cụ của họ.

Một nhóm nhạc công người An Nam chơi nhạc ở Bình Định. Nguồn: Cao ủy Pháp tại Đông Dương.

Cuối cùng, trên những phiến đồng đỏ, được bao quanh bởi một vòng gỗ, những nghệ sĩ Campuchia tạo nên những giai điệu duyên dáng, xen kẽ với các quãng âm sắc vừa mềm mại vừa nhanh nhẹn, được tấu lên từ các phím gỗ nối liền với nhau bằng dây[1], tạo thành một loại đàn phím thực sự với hai quãng tám.

Cùng lúc đó, các vị khách mời là cha mẹ bước vào kiêu kỳ theo từng nhóm riêng. Lụa, voan và nhung tô điểm cho trang phục của họ. Những người phụ nữ, cổ tay đeo đầy vòng và chiếc cổ duyên dáng đeo những chuỗi hạt vàng hoặc hổ phách, bước đi khoan thai, với dáng vẻ quyến rũ đặc trưng của phương Đông, họ lê đôi dép thêu chỉ vàng hoặc bạc, được chọn vừa khít để gót chân thoắt ẩn thoắt hiện. Tay họ đong đưa nhẹ nhàng theo từng bước; đầu ngẩng cao; tóc đen mượt chải chuốt tỉ mỉ, tô điểm bằng những chiếc trâm và ngọc trai – đây chính là kiểu tóc của người phụ nữ An Nam.

Ông Ly trang trọng tiếp đón các bậc phụ huynh, những người chào ông với sự kính trọng và tôn kính. Thực vậy, trong ngày thiêng liêng này, ông không còn là người chú, người anh em họ, anh ruột hay là người cha nữa; ông là trưởng tộc, là người gìn giữ những bài vị tưởng nhớ, là vị đại tế, người mà chỉ giây lát nữa sẽ triệu gọi tổ tiên, hiện thân của tinh thần gia tộc. Ngôi nhà của ông là nơi cư ngụ được các linh hồn của tổ tiên chọn lựa, nơi vào khoảnh khắc quan trọng này, tổ tiên cùng giao cảm với những hậu duệ còn sống trong dòng họ, đến để tôn vinh ý niệm thiêng liêng về sự đoàn kết gia tộc bất diệt.

Trong gian nhà lớn thờ tổ tiên, người ta dọn sẵn một bữa ăn. Trên chiếc bàn dài đặt dưới chân bàn thờ rực sáng, những chiếc đĩa sứ nhỏ màu xanh lam xếp ngay ngắn cạnh những đôi đũa ngà. Ở giữa bàn bày biện nhiều món ăn sơn hào hải vị: vây cá mập, tôm khô, thịt cá sấu, cá đồng cay, nước mắm cá mặn, đuông dừa, bí đỏ thái lát xào cùng mỡ lợn và hạt dẻ, giá đỗ, dứa thái lát ướp muối, nải chuối, vải thiều, hồng, xoài, bánh gạo nhuộm màu hồng, xanh và vàng, chanh ướp lạnh, quýt ngào đường.

Cuối cùng, giữa vô số những chiếc tách nhỏ, một số đựng trà, một số khác đựng rượu, trên bàn bày biện món thịt quay xa hoamột con lợn sữa nướng bóng loáng trông như được tráng men. Các vị khách được mời đã trật tự ngồi vào chỗ sau khi chào nhau một cách trang trọng. Trong khi tiếng pháo nổ vang bên ngoài, trưởng tộc, đầu đội một chiếc khăn đen cuốn tám vòng, mình mặc chiếc áo dài lễ rộng tay, phủ dài hai bên hông, tiến lên một cách uy nghiêm, hai tay chắp lại, hai ngón trỏ giơ thẳng cứng. Quỳ gối trước bàn thờ, ông thực hiện bốn lễ vái theo nghi thức trước vị thần gia tộc và hương hồn tổ tiên.

Thật là một cảnh tượng ấn tượng khi thấy vị trưởng tộcày hạ thấp trán bốn lần và bốn lần chạm đất. Sau khi các lễ nghi hoàn tất, ông Ly giơ tay lên trời, với giọng xúc động, vừa trầm vừa dứt khoát, nhấn từng lời bằng tiếng gõ nhẹ vào chiêng, thực hiện bài khấn:

“Ôi các vị thần linh gia tộc danh giá của chúng con, gia tộc huy hoàng nhất trong trăm gia đình, và tất cả những hậu duệ đáng kính của người, những tổ tiên cao quý mà chúng con tôn thờ vì các ngài là đấng sinh thành của chúng con, là nguồn sống và là vinh quang của gia đình chúng ta, xin hãy lắng nghe những lời cầu nguyện của những người con khiêm nhường của mình. Xin cho đức hạnh và hạnh phúc ngự trị trong chúng con, như hoa sen nở rộ trong ao chùa.

Xin thu hút sự che chở của các thần linh từ bi cho các con cháu; xin đẩy xa khỏi chúng con các ma quỷ và ác linh gây ra bệnh sốt rét, bệnh tả, tranh cãi và nghèo đói. Cuối cùng, để mừng năm mới đang tới, xin hãy chấp nhận bữa ăn mà những người tự hào thuộc về gia đình cao quý họ Nguyễn cung kính dâng lên”.

Khấn xong, vị trưởng tộc tiến đến những chiếc đĩa sứ nhỏ và chia các món ăn dâng cúng, sau đó tự tay bưng những bát cơm nhỏ, rót rượu gạo và trà nhài thơm vào từng tách nhỏ, vừa thì thầm những lời mời gọi kính cẩn.

Bàn thờ tổ tiên của một gia đình An Nam. Nguồn: Bảo tàng Quai Branly

Sau khi đã đi quanh bàn ba lần, vị trưởng tộc tiến lại gần một cái bếp lớn và ném vào đó những tờ giấy vàng được phủ những miếng vàng và bạc. Đó là vàng và bạc, hay chính xác hơn là những thanh vàng và bạc mà gia đình trên dương thế gửi đến những người đã khuất, cầu xin họ cho những món quà hào phóng tương tự trong cả năm, để cuộc sống vật chất trở nên dễ chịu. Các bộ quần áo hoàn chỉnh từ đôi guốc đến chiếc khăn đội đầu, những chiếc giường gấp, bộ ấm trà, những món đồ nội thất nhỏ bé, cuối cùng là một ngôi nhà thu nhỏ được làm bằng giấy bìa đều được đốt một cách trang trọng.

Sau khi dâng xong các lễ vật, buổi lễ kết thúc. Các vị khách thoát khỏi trạng thái im lặng theo yêu cầu của nghi lễ, họ vui vẻ ngồi xuống bàn và thưởng thức bữa ăn mà tổ tiên đã chúc phúc và được coi là ban phước về mặt tinh thần.■

Paul d’Enjoy

Lê Hằng Nga (dịch)

Chú thích:

[1] Dựa vào miêu tả, đây có thể là đàn Rôneat – một loại đàn truyền thống của người Campuchia. (ND)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN