Trong Tuần san Indochine số Xuân Nhâm Ngọ 1942, tác giả G. Pisier đã gửi đến độc giả hai bài viết thể hiện sự tò mò, thích thú của người Pháp đối với phong tục và tinh thần ngày Tết của người Việt. Qua lăng kính của tác giả, Tết Việt không chỉ là một sự kiện trang trọng, thiêng liêng, mà còn phảng phất nét khôi hài độc đáo. Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu với bạn đọc bản dịch hai bài viết này.
TẢN MẠN VỀ NGÀY TẾT
Tại sao ngày Tết của An Nam lại không trùng với năm mới của Pháp?
Vì người An Nam sử dụng âm lịch, không phải dương lịch như chúng ta. Tuy nhiên, lịch An Nam vẫn mang tính âm lẫn tính dương vì nó dựa trên các vòng quay của mặt trăng, mà những vòng quay này lại được nghiên cứu trong mối liên hệ với vị trí của mặt trời. Vì vậy, năm mới ở An Nam bắt đầu với “kỳ trăng non mà mặt trời đi vào cung Song Ngư – một trong mười hai cung Hoàng đạo, nghĩa là nằm trong khoảng thời gian từ ngày 20 tháng 1 đến ngày 19 tháng 2”. (Souvignet)
Một năm ở An Nam bao gồm 12 tháng âm lịch. Vì năm âm lịch ngắn hơn năm dương lịch, nên cứ ba năm lại có một tháng nhuận để bù vào khoảng chênh lệch.
Mùa xuân của An Nam không trùng với mùa xuân của Pháp: mùa xuân ở đây bắt đầu từ Tết, tức là trước ngày 19 tháng 2.
Tại sao vào ngày 23 tháng Chạp, tất cả các chợ ở An Nam đều bán cá chép?
Như Nguyễn Văn Huyên đã giải thích cụ thể, ngày 23 tháng Chạp là ngày Tết ông Công ông Táo, hay còn gọi là Tết ông Vua bếp. Theo truyền thuyết, vị thần bếp này phải cưỡi cá chép lên chầu Ngọc Hoàng Thượng đế (vị thần tối cao của bầu trời, có nguồn gốc từ quan niệm Đạo giáo).
Vào ngày này, ta thường nghe thấy tiếng rao quen thuộc từ các hàng cá ngoài chợ: “Ai mua cá ông Táo ra mua…”.
Tại sao người An Nam lại kiêng quét nhà vào ngày Tết?
Đây là một tập tục có vẻ trái ngược hoàn toàn với tục quét dọn nhà cửa thật sạch sẽ để đón Tết. Việc kiêng quét nhà xuất phát từ một truyền thuyết cổ của Trung Hoa trong “Sưu Thần Ký”: ngày xửa ngày xưa, ở Trung Hoa, có một thương nhân nghèo khó nhưng thật thà tên là Âu Minh. Một vị thần thương hại anh ta, liền quyết định ban cho Âu Minh may mắn và của cải bằng cách gửi tặng cho anh ta một người hầu cận làm bùa hộ mệnh. Nhờ có người hầu này ở bên mà Âu Minh trở nên vô cùng giàu có. Tuy nhiên, vào một ngày Tết, Âu Minh đã không kìm được cơn giận của mình và ra tay đánh đập người hầu đó. Người này liền biến mất sau một đống rác, và khi quét đống rác đấy ra khỏi nhà, Âu Minh cũng đồng thời ném đi toàn bộ của cải và vận may của mình. Để tưởng nhớ truyền thuyết này, người An Nam cẩn thận thu gom rác thành đống chất sau cửa và kiêng quét đống rác đó ra bên ngoài trong suốt dịp Tết.
Tại sao người An Nam lại đặt những cây mía dài cạnh bàn thờ tổ tiên?
Tương truyền, linh hồn tổ tiên sẽ dùng những cây mía này làm gậy ba-toong trên đường về ăn Tết với con cháu.
Tại sao người ta lại đốt pháo vào dịp Tết?
Vì tiếng pháo nổ tượng trưng cho niềm vui và sự hân hoan của tất cả người dân An Nam. Do đó, pháo cũng thường được đốt vào mỗi dịp ăn mừng.
Tuy nhiên, chắc chắn rằng tục lệ này cũng có mặt mê tín: “Kinh Sở tuế thời ký” (lịch của nước Kinh Sở) ghi lại rằng ma quỷ trên núi thích nhập vào thân xác con người, từ đó gây nên bệnh tật và thậm chí là cái chết. Nhưng ma quỷ trên núi sợ tiếng pháo nổ, vì thế chỉ cần đốt pháo là đủ để khiến chúng cao chạy xa bay.
Một sĩ phu người An Nam đã diễn giải như vậy, nhưng nên nhớ rằng hiện vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh vấn đề này.
Tại sao bánh chưng lại trở thành món ăn phải có trong ngày Tết?
Bánh chưng là một loại bánh hình vuông, màu xanh nhạt, làm từ gạo nếp, nhân đậu xanh và thịt ba chỉ – tất cả được gói trong lá chuối.
Đây là món ăn truyền thống ngày Tết vì: thứ nhất, người An Nam rất thích ăn món này; thứ hai, nó cực kỳ bổ dưỡng và có thể để được vài ngày. Thật vậy, do các chợ đều đóng cửa nghỉ Tết (thông thường từ 3 đến 7 ngày) nên mỗi gia đình phải gói trước thật nhiều bánh chưng để đề phòng thiếu đồ ăn. Ta có thể quan sát thấy vào khoảng thời gian trước Tết, bếp của người An Nam thường bập bùng những ngọn lửa lớn được duy trì suốt ngày đêm, trên đó đặt những chiếc nồi khổng lồ mà bên trong chứa món ăn làm từ gạo nếp quý giá.
Tại sao người An Nam lại trang trí nhà cửa bằng hoa đào và hoa thủy tiên vào dịp Tết?
Công dụng của cành đào ngày Tết đã có từ ngàn đời nay. Do mê tín, từ xa xưa, người ta đã có phong tục gắn một lá bùa vào cành đào để xua đuổi tà ma. Theo thời gian, lá bùa này đã biến mất, nhưng cành đào vẫn thường xuyên được sử dụng để trang trí, nhất là khi hoa đào có màu đỏ hồng – màu tượng trưng cho sự hạnh phúc.
Thủy tiên, loài hoa có hương thơm dịu dàng và tinh tế, lại càng quý giá hơn đối với người An Nam. Nó được gọi với cái tên thơ mộng là “đĩa bạc, chén vàng”. Thật vậy, những chiếc lá đài màu trắng tinh khôi duyên dáng chụm lại thành hình chiếc đĩa, trong khi những cánh hoa vàng óng thì đan vào nhau thành hình một chiếc chén nhỏ.
Củ hoa thủy tiên thường được nhập từ Phúc Kiến. Phải xem tận mắt người An Nam chăm sóc những bông hoa này với tình yêu như thế nào: một số người làm vườn tài ba đã gọt củ thủy tiên một cách kiên nhẫn và khéo léo sao cho chúng nở hoa đúng vào dịp Tết. Thành công đó là điềm báo cho sự may mắn thịnh vượng.
Việc sử dụng rộng rãi hoa thủy tiên bắt nguồn từ truyền thuyết: ngày xửa ngày xưa, ở Trung Hoa, một người cha khi hấp hối đã để lại cho bốn đứa con của mình toàn bộ gia sản. Ba người con lớn chiếm hết tài sản thừa kế, còn người con út thì trắng tay. Một hôm, cậu con trai út đang than thở về việc mình chẳng nhận được gì ngoài một mảnh đất cằn cỗi, một vị thần hiện lên và nói: “Đừng lo lắng gì cả. Mảnh đất này chứa đựng củ của một loài cây cực kỳ quý hiếm. Khi nào gần đến Tết, nó sẽ cho ra những bông hoa tuyệt đẹp. Hãy bán những bông hoa đó, và con sẽ trở nên giàu có”. Người con út mang hoa ra chợ bán đúng như lời thần dặn. Những bông hoa thủy tiên ấy nhanh chóng nổi tiếng trên khắp cả nước và anh ta trở nên cực kỳ giàu có.
Dựa trên truyền thuyết này, thật dễ dàng để giải thích tính biểu tượng của loài hoa này: trong mắt người An Nam, thủy tiên tượng trưng cho sự thành công và sung túc.
Tại sao ngày Tết người An Nam lại ra chùa xin lộc?
Vì chữ “lộc” mang nghĩa “giàu sang, phú quý” (một trong “ngũ phúc”) đồng âm với “lộc” trong “lộc non, lá non”. Ngoài ra, chữ “đa” trong “cây đa” lại đồng âm với “đa” nghĩa là “nhiều”. Sự đồng âm kép này dường như mang tính biểu tượng đối với những người mê tín: họ tin rằng hái lộc từ cây đa sẽ mang lại sự sung túc.
Tại sao ra ngõ gặp gái vào ngày Tết lại bị coi là điềm rủi?[1]
Chúng tôi xin nhờ các độc giả An Nam giải thích quan niệm mê tín này. Đối với người Pháp, đây vẫn là một ẩn số. Chúng tôi đã hỏi một vài sĩ phu người An Nam, nhưng họ cũng đều bó tay.
Chúng tôi từng đoán rằng nguyên nhân nằm ở việc phụ nữ thuộc tính Âm (một trong hai yếu tố tạo nên nền tảng cho toàn bộ vũ trụ quan của Nho giáo, có đặc tính là thụ động, đen tối và lạnh lẽo).
Nhưng cách giải thích đơn giản hoá này chắc chắn không chính xác, bởi nếu người An Nam gặp một phụ nữ đứng tuổi, người phụ nữ này sẽ không quên trấn an bằng câu nói: “Bà già đây không phải con gái đâu”, và thế là người An Nam kia cảm thấy yên tâm trở lại!
Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn trước đến các học giả giỏi giang, những người sẽ giúp chúng tôi làm rõ vấn đề này.■
TINH THẦN NGƯỜI AN NAM VÀO NGÀY TẾT
Chúng ta đều biết rằng ngày Tết mang tính lễ nghi và đặc biệt trang trọng: đây là thời điểm thu xếp những công việc trọng đại, và mỗi người đều phải có thái độ nghiêm chỉnh, phải lo liệu thật tốt về cả đạo đức lẫn thể chất, cũng như cố gắng không vi phạm những điều cấm kỵ theo tập tục và tín ngưỡng truyền thống. Do đó, dường như người An Nam không được phép làm trái nhiều nghi thức khác nhau trong ngày lễ này. Tuy nhiên, khiếu hài hước của người An Nam luôn sẵn sàng bột phát bất cứ lúc nào, và điều này lại được thể hiện rõ nhất trong dịp Tết. Dù tình huống thực tế có nghiêm trọng đến đâu, họ cũng không quên nhạo báng các khía cạnh khôi hài của dịp Tết. Chúng tôi đã lượm lặt từ các tạp chí An Nam những năm gần đây một số tranh truyện minh họa cho những dòng mở đầu này.
Con: Bố ơi! Hôm qua vừa tiễn ông Vua bếp đi rồi, sao hôm nay lại có một ông trở lại đấy? Thầy ra mà xem! Mũ rơi mất cả cánh chuồn rồi!
Ngày 23 tháng 12 âm lịch là Tết Ông Táo, tức ngày lễ cúng vị thần cai quản việc bếp núc trong nhà, hay còn gọi là “ông Vua bếp”. Vào ngày này, người ta thắp hương một con cá chép để Táo Quân cưỡi lên trời cùng một bộ đồ lễ vàng mã sặc sỡ, nhất là mũ cánh chuồn – đặc trưng của quan lại An Nam. Ngoại hình của Táo Quân được cho là đen như bồ hóng, vì thế mới có câu “đen như Vua bếp”. Đứa trẻ ngây thơ tưởng kẻ đến đòi nợ người Malabar[2] là một vị Táo Quân lỡ đánh mất đôi cánh chuồn trên chiếc mũ của mình.
Tạp chí Phong Hóa ngày 17/1/1936 có đăng bức tranh trên đây, dưới chú thích:
– Lý Toét: Hừ hừ! Chóng thật, Tết năm ngoái mình vừa mới tắm xong, bây giờ lại đã đến Tết rồi!
Ba Vành (vợ Lý Toét): Thầy năm nay thế là đã 50 tuổi rồi đấy nhỉ?
Lý Toét: Ừ! 50 tuổi! Tao đã 50 tuổi; à mà phải, tao tắm lần này là 50 lần rồi đấy!
Báo l’Illustré ngày 20/12/1936 có đăng bức tranh trên đây, dưới đề:
– Lại tắm một bận nữa… Năm qua sao mà chóng thế!
Lý Toét: Họ ngu thật! Cả năm mới một lần tắm, Tết lại không làm vào mùa hè! Tắm rửa rõ thật lạnh buốt cả người!
Vệ sinh sạch sẽ tượng trưng cho sự thanh sạch – một điều rất cần thiết trong dịp Tết. Do đó, người An Nam tin rằng phải kỳ cọ sạch hết ghét trước ngày Tết, nhất là khi từ “ghét” đồng âm với “ghét” trong “căm ghét”, “ghét bỏ”. Vì thế, có thể nói, tập tục này là một mũi tên trúng hai đích. Khi kỳ cọ hết ghét trên cơ thể, ta cũng đồng thời gột sạch được mọi nỗi căm thù. Tục lệ “tắm tất niên” này bị đem ra giễu cợt trong các tranh minh họa trên, vì ở quê, lần tắm cuối cùng trong năm này thường cũng là lần tắm duy nhất của cả năm.
Trong ngày Tết, người An Nam thường chúc nhau “ngũ phúc”, trong đó bao gồm “trường thọ”.
Lịch của người An Nam hàng năm đều quy định giờ đẹp và hướng tốt để ra khỏi nhà vào đầu năm mới. Đó được gọi là tục lệ “xuất hành”. Nếu vi phạm bất kỳ quy tắc nào thì sẽ bị xui xẻo.
Tù nhân lao động khổ sai 1: Năm mới tôi chúc cho bác buôn bán phát tài bằng năm bằng mười năm ngoái.
Tù nhân lao động khổ sai 2: Tôi cũng chúc cho bác sang năm sinh cháu giai.
Đây là những lời chúc truyền thống của người An Nam vào ngày mùng một. Đến cả tù nhân cũng không quên chúc nhau như vậy.
Nguyễn Văn Huyên giải thích cụ thể về lễ Giao thừa – nghi lễ quan trọng nhất dịp Tết. Sau khi làm mâm cỗ cúng tổ tiên theo đúng nghi thức, người An Nam đắm chìm trong những bữa cỗ thịnh soạn, còn lũ chuột nhắt thì ăn ngấu nghiến đồ cúng trên bàn thờ!
Lý Toét: Cái bác Xã hẹn xông đất mà trưa rồi vẫn không thấy sang.
Xã Xệ: Cái bác Lý thế thì thôi. Mình dặn xông đất mà có lẽ đến tối mới sang chắc.
“Xông nhà” là một trong những nghi lễ thiêng liêng nhất dịp Tết. Người An Nam cho rằng để đem lại may mắn cho gia chủ, người đầu tiên đặt chân vào nhà của họ trong năm mới phải là một người khỏe mạnh, giàu có, đông con đông cháu… Người này được cho là mang theo mình tất cả những niềm hạnh phúc mà anh ta may mắn được hưởng. Ngược lại, một người bệnh tật, nghèo khó, không con nối dõi… hẳn phải mang theo mình đầy khổ đau và bất hạnh. Để tránh trường hợp đáng tiếc như vậy xảy ra, người An Nam thường sắp xếp vị khách xông nhà từ trước, như Lý Toét và Xã Xệ đã làm.
Hầu hết người dân An Nam đều biết chữ. Bất kỳ người An Nam nào biết cách cầm bút đều sẽ thực hiện nghi thức “khai bút” vào sáng mùng một. Khoác trên mình một bộ lễ phục đẹp đẽ, “sĩ phu” của chúng ta nhẹ nhàng nhúng bút lông vào mực Tàu và viết dòng chữ truyền thống: “Tân niên khai bút, đại cát vượng”.
Vợ: Khỉ ơi là khỉ, năm mới sao lại giắt con “ấy” về nhà thế?
Chồng (ngơ ngác): Con nào?
Vợ: Con “ấy” chứ còn con nào nữa, khỉ ơi là khỉ!
Câu chuyện trên ám chỉ một trong những tục lệ phổ biến nhất ngày Tết: kiêng kỵ. Để tránh dông cả năm, vào dịp Tết, người An Nam phải kiêng không nổi giận, không làm điều xấu xa, không đánh đập con cái, không nói lời thô tục… Vì ở An Nam, khỉ bị coi là loài động vật thô thiển, nên người vợ không chịu gọi thẳng tên con vật này. Nhưng bà ta lại không nhận ra rằng mình đang quen mồm nói một cụm từ xúc phạm phổ biến là “khỉ ơi là khỉ”, có thể hiểu nôm na là “bố khỉ”.
Sau đây là một câu chuyện vui khác về việc kiêng kỵ ngày Tết:
Bà chủ: Trời ơi Sen, mày đừng để chai dầu săng gần lửa…
Con sen: Thưa bà sao vậy, con không dè bà kiêng đến thế ấy.■
G. Pisier
Phạm Khánh Linh (dịch)
Chú thích:
[1] Điềm rủi này chỉ được tính khi một người ra khỏi nhà để làm ăn gì đó, ví dụ như để vay nợ hoặc cá cược. Khi ấy, họ sẽ phải quay trở về nhà và chờ một lúc rồi mới ra ngoài một lần nữa. (TG)
[2] Malabar: khu vực nằm ở vùng biển Tây Nam Ấn Độ. (ND)