Nhớ Hà Nội

Như chính tựa đề, “Nhớ Hà Nội” là một bức tranh tinh tế, xúc động, ngập tràn cảm xúc về con người và cảnh sắc kinh kỳ trong những năm đầu thế kỷ XX. Với ngòi bút hoài cổ đầy sâu lắng, tác giả không chỉ khắc họa nét đẹp nho nhã, trầm mặc của đất Thăng Long mà còn phản ánh sự vận động không ngừng của xã hội thời bấy giờ, từ đời sống văn hóa, phong tục tập quán đến những thay đổi trong tư duy và nhận thức của con người trước làn sóng hiện đại hóa. Tạp chí phương Đông xin giới thiệu lại bài viết này từ Nam Phong Tạp chí số 47, tháng 5/1921 để bạn đọc cùng thưởng lãm và cảm nhận vẻ đẹp của Hà Nội xưa.

     Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người,

     Nhớ nơi kỳ ngộ…

(Kim Vân Kiều)

Con người ta thủa còn thơ ấu, những biết nương niu đôi bên cha mẹ; khi đã khôn lớn rồi, bị cái trần lụy nó buộc chặt vào hai chữ “danh lợi”: gánh nợ nam nhi, đôi vai nặng nề, tấm lòng hồ thỉ[1], ngàn dặm xa khơi. Nhưng có một điều là dầu lúc trong nhà, dầu lúc ra ngoài, đã ăn ở quen thuộc nơi nào đôi ba năm, thời ngày bước chân đi ắt cũng có một mảnh tình quyến luyến, yêu người mến cảnh.

Bất kỳ ở chỗ nào, đã cho là thắng địa, thời phải có hai điều trọng yếu: một là người, hai là cảnh. Cảnh vốn đợi người, mà người sinh ra phần nhiều mộ cảnh; có người, không cảnh, thời không lấy gì khuây người; có cảnh không người, thời không lấy ai ngoạn cảnh; xem một câu “người buồn cảnh có vui đâu” thời cảnh với người tự hồ như đã có một sợi dây vương vít. Nhớ Hà Nội là trước nhớ người mà sau nhớ cảnh.

Hoa phượng, xe kéo và những người đi gánh nước ở vòi nước công cộng trên phố Hàng Chén, khoảng năm 1915. Ảnh: Léon Busy

1. Nhớ người Hà Nội

Vấn đề bàn về con người là một vấn đề rất khó. Muốn bàn cho được xứng đáng, ắt phải đã ăn ở lâu năm, am hiểu hết các tính tình, biết rõ cả các công cuộc người ta, cho nên những khách giang hồ, dạo chơi một đôi ba năm rồi đi, thời lúc hạ bút dẫu có chỗ sai lầm, cũng không lấy làm lạ. Vì thế, trong bài này các lời bàn về người không phải đã quyết là đích xác cả, chỉ lấy phương diện một người mà nói, còn ý kiến kẻ khác lại chắc là khác.

Các hạng người. Ở Hà Nội cũng như ở nơi khác, người có nhiều hạng, thế thường chia ra làm ba hạng: thượng, trung, hạ. Trung lưu và hạ lưu thời chẳng phải bàn đến, còn như một vấn đề thượng lưu, nghĩ lại đã làm hao tổn biết bao nhiêu là giấy mực trong các nhà báo! Mà lạ thay! Đối đi đáp lại, người xem đã mòn con mắt, nhưng chưa thấy ai có một lời mời các nhà thương mại kỹ nghệ to lên làm bậc trên; thế mới biết Hà Nội tuy là đất phồn hoa lại khai hóa sớm, đã hiểu rằng công thương là trọng, nhưng cái nền văn hiến còn đó trơ trơ, nên về đường sĩ vẫn cho là quý hơn. Một khoa hai hoạn là bậc thượng lưu. Song nay thời thế đổi mới, thời đường khoa hoạn lại xoay ra mặt khác. Các đấng tiền bối mỗi ngày càng ít, thời cái lẽ cố nhiên là lớp thanh niên tất kế ra; mà bậc nhất trong lớp thanh niên, phần nhiều ắt là học sinh đậu ở các trường Cao đẳng. Có tay viết rằng các bậc hậu tiến ấy mà lên ngồi đầu xã hội thời chưa xứng. Lời nói ấy phải hay trái, một ngày kia phải rõ, bây giờ bàn sớm, tưởng chưa được thỏa.

Nhưng ở đời có giàu sang ắt có nghèo hèn, thời cách phân biệt làm thượng, trung, hạ lưu cũng không phải là nhất định, thứ nhất là ở Hà Nội. Có kẻ chí khí danh vọng đáng làm bậc thượng lưu, mà nhân vận hội sa sút phải xuống; cũng có kẻ hôm nay còn âm uất mà ngày mai đã quyền cao chức trọng, năm xưa còn nắng mưa thui thủi đi về, mà năm nay đã lên xe xuống ngựa, nổi tiếng trong ngoài, cho nên người ta có câu “thời thế tạo anh hùng” là thế.

Trên này chỉ nói về các hạng đàn ông, còn một vấn đề đàn bà lại càng khó giải. Ở Hà Nội mấy năm sau này hình như âm thịnh, hai chữ “nữ giới” ít ngày đọc báo mà không nghe đến. Có nhà bàn rằng ở thời đại văn minh thời nên bắt chước các nước văn minh, con gái Nam Việt cho đi học hành, ra làm chức phận, là phải; có nhà nói rằng nước ta vừa buổi bán khai, con gái cho theo học cách mới thời ắt ra cư xử phải sai; lại có nhà nghĩ rằng con gái chỉ nên tinh đường nội trợ, mà không nên cho đi học. Đàm đạo phân vân, bây giờ chưa biết đâu phải mà đâu lại là trái.

Những phụ nữ thuộc tầng lớp khá giá ở Hà Nội khoảng năm 1915. Ảnh: Léon Busy

Tinh chất phong tục người. Hà Nội đã là chốn đô hội, thời người cách ăn ở phải xảo, đường giao thiệp phải sành. Tựu trung cũng nhiều người trung hậu, còn ngoại giả[2] cũng lắm kẻ ngoan ngạnh lá lay. Có một điều là khách xa đến Hà Nội thời thường khen người Bắc phong nhã. Lời nói thật có, nhưng dưới cái phong nhã ấy, đáy bể khó dò; mà quá nhã thời lại nhiều khi xem ra bất nhã. Cũng vì cái tục quá nhã ấy cho nên người Hà thành hễ đi ra đất khác thời lắm lúc nghĩ lầm: trông thấy thiên hạ không quá tôn quá trọng mình như lúc ở nhà, thời ngạc nhiên đã tưởng là chỉ một xứ mình nhã, mà không biết xứ người ta mới nhã. Vì đã cho rằng người nhã, thời trước phải biết phân biệt các bậc trong xã hội, mà gọi mỗi người cho vừa phải: nếu gọi không xứng chức phận tuổi tác người ta thời hóa ra khinh, mà gọi lên quá thời lại hóa ra nịnh.

Phong tục ở Hà Nội xét ra cũng không mấy điều lạ hơn nơi khác: trong bốn việc, quan, hôn, tang, tế, thường làm vừa phải cả. Về các việc đáng vui đáng kính, thời phiền phí cũng không nên trách. Còn như việc tang là một việc rất buồn, thế mà ở nhiều chỗ khác, nhất là về các hương thôn, những còn soạn sửa linh đình, một, đôi, ba tháng. Trong lúc tang chủ còn đương bối rối sầu muộn, mà lại bắt bẻ thách vạch[3], những rượu ít, những cỗ nhỏ, thời cái tục thật đáng khinh mà rất nên bỏ. Ở giữa Hà Nội thường thấy giản dị, mỗi lần có người mất, dầu bà con, dầu hàng xứ, ai nấy cơm nhà, trầu đãy, đến đưa đám xong thời về. Cái tục này rất đáng khen mà rất nên bắt chước.

Các tiết lễ thời có rằm tháng Tám, tết Trung thu, ở Hà Nội làm trọng thể hơn nơi khác. Những bánh đủ thứ hàng Đường; những voi, những cá, những ông nghè tháng tám hàng Gai; những rước đèn, những múa sư tử, những trống đánh vang tai, chuyển trời động đất. Xét lại thời một năm ba trăm sáu mươi ngày làm ăn, dành lại một đôi ngày vui chơi cũng là phải, mà mỗi người đều có sở thích: ông già bà cả thời vui theo cảnh già; các lớp trẻ con thời vui theo thú trẻ; giai nhân tài tử thời lại được một hội tương phùng, trăng thanh gió mát…

Hai hương chức trước bàn thờ tổ tiên trong sân của một ngôi nhà bế thế ở Hà Nội vào dịp Tết 1915. Ảnh: Léon Busy

Công việc người. Người Hà Nội cũng có kẻ chăm về đường canh nông, khai khẩn đồn điền giàu có; nhưng không phải là ở giữa phố, nên đây chỉ nói về ba việc: sĩ, công, thương, mỗi nghề thành hiệu có khác nhau.

Trước hết nói về sĩ. Học trò ở Hà Nội có ba bậc: cao đẳng, sơ đẳng, trung học.

Thủa trước nho học đông bao nhiêu thời bây giờ tây học đông bấy nhiêu, nhưng lại có phần đông gấp mấy nữa; cứ chiều thứ Năm, Chủ nhật, dạo chơi phố phường, thời những áo Nam lộn áo Tây, tiếng ta xen tiếng Pháp. Nhưng nói như ai: “Nhiều quá thành ế”, đi học càng ngày càng đông, thời cách thành đạt phải càng ngày thêm khó; sau này chắc không phải ai cũng đã là hữu dụng cả. Có một điều, là thường hay nghe than rằng thủa trước đi học sai lầm, lớp cựu học thời hình như tiếc cái thời đại đã qua; lớp tân học thời lại hình như chê cái thời đại đã qua; nhưng cái sai lầm ấy chưa hiểu rõ ràng là thế nào. Lắm kẻ nói rằng lối học cũ là hư học, mà không phải là thực học; nhưng trong một nghề học, phân biệt cho rành được hai chữ “hư, thực”, xem cũng không dễ. Lầm hay phải, hư hay thực, ít người nghĩ đến, mà phần nhiều đi học là vì trước con mắt đã trông thấy kết quả cận lợi.

Con trai thủa trước đi học nhiều thời bây giờ nhiều đã đành; con gái thủa trước đi học ít mà nay lại nhiều thời có khác. Vì cái khác ấy cho nên đời trước ít nghe nói đến “nữ giới” mà đời nay lại đột nhiên nổi lên một vấn đề “nữ giới”, hình như cái hồn các bà Trưng Vương, Triệu Ẩu, Xuân Hương, Thị Điểm… đã phảng phất bay về, xui giục một bọn quần thoa, phải xa vòng khuê các, ra tay mở mặt, cùng khách mày râu!

Chữ “văn” với chữ “học” thường hay đi với nhau, đã nói đến sự học Hà Nội, thời cũng nói qua văn chương ở Hà Nội. Văn có hai đường: một là văn sách, hai là văn báo. Ở Hà thành từ mấy năm nay sách quốc ngữ thấy có đã nhiều: văn tình, văn cảnh, văn xuôi, văn vận, đua nhau xuất bản. Sách ra nhiều như thế cũng có lắm lẽ. Một là ở nơi đô hội đông người, thời ắt có người hay; hai là sẵn nhà in thời in mau mà ít tốn; ba là làm sách để lấy tiếng; bốn là làm sách để lấy lợi. Tựu trung nhiều nhà hay văn mà không muốn làm sách, nhiều nhà dốt văn mà hay làm sách. Nhưng làm văn cũng có cái tay, không phải học giỏi thời văn chắc đã hay; mà mấy nhà hạ bút thành câu, cũng không phải đều học giỏi cả. Trong các sách bán ở Hà Nội, thời có văn Tản Đà tuy còn có người không chịu, nhưng thật có cái biệt tài. Song đã có chữ “tài” thời thường mắc lấy chữ “phụ”, xem một bài “Hồn chữ nói”, thời cũng rõ được cái ý của tác giả. Bàn về quốc văn ta, thời không biết sao là tuyệt hay, mà sao lại quá dở, vì từ xưa nay chưa từng có quy tắc nhất định. Có kẻ bảo rằng có học Hán tự, văn quốc ngữ mới hay, vì một lẽ là tiếng ta dùng nhiều chữ Tàu. Nhưng các tiếng ấy đã cho như thành tiếng mình rồi, còn ngoài tưởng cũng không phải xen vào nhiều Hán tự văn mới là hay; mà nhiều Hán tự quá thời ít kẻ hiểu, ít kẻ hiểu thời ít kẻ biết hay, thời cái giá trị câu văn có phần giảm bớt. Vả lại nhiều người không học Hán tự mà văn cũng suông cũng hay, thời Hán tự quả không phải một điều thiết yếu cho lắm. Xét cho kỹ, quốc văn sở dĩ ít kẻ hay, chỉ vì một cớ, là ít kẻ biết dụng tâm học tập.

Ngoài văn làm sách, lại còn văn làm báo. Nhưng báo không không phải đã là văn chương cả, mà chủ nghĩa lại vốn để nói cho ai nấy đều biết việc xa gần hay dở, lợi hại. Ở Hà Nội báo quốc ngữ thời có Trung Bắc tân văn, Nam phong tạp chí, mới đây lại có Thực nghiệp dân báo nữa. Nói rằng nhật báo giúp cho dân khai hóa được một phần thời là phải; nhưng nói rằng dân chỉ nhờ đọc báo mà khai hóa thời cổ quá. Có kẻ tưởng rằng hậu vận nước Nam đã ở trong tay các nhà báo, hình như hễ cái tay ấy khoan mở ra, thời đường hậu vận được phát đạt, mà cái tay bóp ấy chặt lại, thời hậu vận phải tan nát. Nhưng các lời trong báo không phải đã là vàng ngọc cả, mà các nhà xem báo cũng không phải đã mê tín vào báo cả. Phàm việc gì ích người hại mình thời ít kẻ làm, mà làm được thời đáng khen; việc gì ích mình hại người thời cũng có kẻ làm, mà làm ra thời đáng chê; việc gì ích người lại ích cả mình mới nên làm, nhưng làm ra thời có kẻ chê được mà cũng có người khen được. Làm báo tức là ích người mà lại ích mình; ích người là vì giúp người đọc báo biết thêm nhiều điều, ích mình là vì mình bán lấy lợi. Cho nên nghề làm báo cũng như nghề khác, cũng là một cách sinh nhai cả, chỉ khác một điều, là cái cách sinh nhai này bề ngoài có vẻ cao thượng.

Bàn về công nghệ, thời xét ra trong mấy xứ Đông Pháp, ở Bắc Kỳ phát đạt nhất. Chẳng nói gì các nghề thợ mộc, thợ rèn, thợ sơn, thợ chạm… nghề nào cũng có tiến bộ hơn trước cả; ngoại giả nhiều nghề còn thật tinh xảo, như nghề thêu, nghề cẩn[4], nghề làm ghế mây theo kiểu tây… chỉ nói qua một đôi nghề mà nghe, chớ kể hết thời không xiết được. Cho nên người ở xa đến Hà Nội, thời cái quang cảnh đầu hết tức là chịu rằng đường kỹ nghệ mau khai hóa; ai có đến coi đấu xảo hội chợ mấy năm sau này thời đã rõ. Xét ra đường công nghệ được chóng thành hiệu là vì người Bắc biết chịu khó, biết bắt chước, biết cái lợi to của các nghề làm thợ, mà chắc cũng có cái tứ mau hiểu, cái tay làm khéo hơn nơi khác nữa.

Cửa hàng đồ đồng ở phố Hàng Đồng, khoảng năm 1915. Ảnh: Léon Busy

Về đường thương mãi của người mình, ở Hà Nội kể ra buôn bán thời nhiều, mà xét lại các nhà buôn bán to thời quá ít. Phàm muốn buôn bán to thời phải nhiều vốn, muốn có nhiều vốn ắt phải nhiều người, vì trong nghìn người chưa có một người gia tư thật giàu xuất tư bản mà buôn bán riêng một mình được. Cho nên người mình ít có nhà buôn to, chỉ nghi ngờ nhau, không chịu hội chung lại mà buôn cho mau được thịnh vượng. Nhớ lại năm trước có việc “tẩy chay”, đầu từ Nam mà sau lan ra đến Bắc, ở Hà Nội nào là lập nhà buôn mới, nào là mở rộng những đến mười hàng cơm, rải khắp các phố, Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Đào, Cầu Gỗ, Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Quạt… thời ai cũng tưởng nghề buôn bán nước Nam bây giờ đã sắp rung chuông tỉnh dậy. Thế mà không! Cơn giận một thời lần lần nguội bớt, thời giấc mộng mơ màng ngày trước nó lại tìm về; cho nên chỉ trong ba bốn tháng, mà mấy nhà hàng cơm xuất hiện chưa được bao lâu đã rủ nhau mà đóng cửa lại. Nhưng xét lại, thương mại không phải một nghề bán cơm đã là đủ, mà nhiều người làm quá thời phải ế, cũng là một lẽ cố nhiên. Song trong trận ngủ quá mê, mà đã có tỉnh dậy một lần, thời sau dẫu có ngủ lại nữa, cái mê nó chắc có giảm bớt. Cho nên việc “tẩy chay” cũng không phải là vô ích. Các hàng cơm thời không kể, hiện nay ở Hà thành đã có nhiều cửa hàng người mình mở ra buôn bán, tuy là không to lắm, nhưng cũng có bề phát đạt được. Buôn bán là một nghề rất mau giàu mau thịnh, mà người Bắc lại là người biết hiểu cái lợi to ấy, thời ước rằng chẳng bao lâu các cửa hàng to cũng về tay người mình được. Nay chỉ trông vào một nhà buôn to, là ông Bạch Thái Bưởi, thời đã hiểu. Cao tài bền chí, chìm nổi nhiều phen, hai tay dựng nên cơ nghiệp đôi ba sở, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, tha hồ trên mặt bể thông thương. Thật là một điều vẻ vang cho người đồng xứ, thật là một cái gương quý hóa nên soi, nên bắt chước.

2. Nhớ cảnh Hà Nội

Bàn về cảnh thời có cảnh thiên nhiên, có cảnh tay người bày ra; cảnh thiên nhiên có những từ lúc trời đất có; cảnh tay người bày ra, thời thường mỗi đời hay thay đổi.

Cảnh người dân chèo thuyền trên Hồ Hoàn Kiếm những năm đầu thế kỷ 20. Ảnh: Pierre Dieulefils

Cảnh thiên nhiên. Một người chưa từng đi đến Hà Nội mà nghe nói Hà Nội thời đã tưởng rằng nhiều non, nhiều nước, nhiều núi, nhiều sông. Vẫn có non có nước, núi Nùng, sông Nhị, nhưng núi này sông kia ít khi mà làm cái cảnh chơi cho con người được. Sông núi đã vô tình, lại còn đôi khi có hại, chỉ nghe những đê vỡ, nhà ngập, người trôi… thời cũng hiểu. Chớ Hà Nội có cảnh đẹp, là vì có cái hồ Hoàn Kiếm ở vào giữa thành phố, ngày xưa đã có dan díu với Vua Lê Lợi, mà mãi đến ngày nay còn làm một nơi mát mẻ tĩnh tịch, để cho người xứ này thường có chỗ dạo bước nghỉ ngơi. Đi xa ra nữa thời có Tây hồ: hồ này thời rộng hơn nhiều, thuyền đò đi lại được, nhưng lại không phải ở giữa phố phường nữa.

Cảnh tay người bày ra. Những thứ cảnh này thời quá nhiều: nào đường xá, phố phường, nào lâu đài nhà cửa, nào các trường học, nào các nhà máy, nào chùa, nào chợ, nào đình nào miếu, nào vườn bách thú, nào các rạp hát, nào sở cô đầu, kể ra không xiết được.

Kể các thành phố Đông Pháp, thời Hà Nội thật là một nơi đô hội lớn, đường sá rộng, phố phường nhiều, ngày xưa đã có câu “ba mươi sáu phố phường”, nên người lạ mới đến một mình có khi đi phải lộn. Nào người, nào ngựa, nào xe tay, xe hơi, xe điện, suốt ngày không có lúc nào là vắng vẻ. Nhưng bây giờ đã thay đổi nhiều, nhà cửa đông đúc, tây nam đủ kiểu, Thăng Long thành cũ, những mấy triều đô hội đất này, mà ngày nay dấu tích còn lại, thời chỉ biết rằng có cái tên phố Cửa Bắc, phố Cửa Đông… Vật đổi sao dời, người mới cảnh lạ…

Các đền chùa có tiếng nhất ở Hà Nội thời có chùa Ngọc Sơn, chùa Thánh Đồng Đen, Văn Miếu…

Bức ảnh màu chụp Đền Ngọc Sơn trên đảo Ngọc của Hồ Hoàn Kiếm những năm đầu thế kỷ 20. Ảnh: Léon Busy
Văn Miếu (chùa Quạ) những năm đầu thế kỷ XX. Ảnh: Léon Busy

Nhưng chỉ chùa Ngọc Sơn là ở vào giữa hồ Hoàn Kiếm, hình như một hòn đảo nhỏ, có cầu bắc ngang, có cây có đá, có sen nở một mùa, có đèn điện rạng soi cửa Phật, thời quả phúc tưởng được mấy phần hơn trước. Hồ này bao bọc lấy chùa kia, lại có đền Vua Lê Lợi là một cái bia kỷ niệm, ghi công lớn người đời trước đã khổ tâm cứu dân trong buổi bùn than: áo vải Lam Sơn, gươm vàng Hoàn kiếm, non xanh nước biếc, nghìn thu sau để một tiếng thơm. Chùa Thánh Đồng Đen, ở cạnh Tây Hồ, gần vườn Bách thú, từ hồ Hoàn Kiếm đi xe điện lên chừng 15 phút đồng hồ. Chùa này ở xa hay nghe tiếng là vì có tòa tượng lớn bằng đồng đen; các ngày tiết lễ, nhân dân đến cúng cũng đông lắm. Ở chùa Thánh Đồng Đen rẽ vào một đoạn thời đến vườn Bách thú. Nào là các thứ chim, nào là các thứ muông, nào đường rộng cây cao bóng mát, hễ đến chiều chiều thời làm một nơi tụ hội vui vẻ cho dân thành phố. Văn Miếu thời lại ở về phía khác, chính nơi nhà Giám cũ, cũng không xa thành phố mấy, mà cũng có đường ray xe điện từ hàng Bông đi qua. Bây giờ tuy Hán học đã bỏ, mà mỗi năm tế lễ còn cứ trọng thể; ấy cũng là một cách để ghi nhớ các bậc Thánh Hiền đời trước, tuy chưa từng bước chân sang cõi Việt thường, mà cái đạo đức tiêm nhiễm vào lòng con người ta đã biết là bao!

Các cảnh để khuây buồn cho người những lúc khuya vắng, thời có các rạp hát, có phố cô đầu. Ở Hà Nội, các rạp hát người mình trước mở ra nhiều lắm, nhưng bây giờ có hai nhà thịnh lợi hơn, là rạp Quảng Lạc, thường hát bội, rạp Sán Nhiên Đài, thường hát chèo. Những người đã xem hát nơi khác rồi sau đến Hà Nội thời biết rằng nghề diễn kịch ở đất này đã cải lương nhiều. Cái nghĩa vụ của nghề ấy đối với xã hội lợi hại thế nào, các nhà nghị luận viết đi viết lại đã lắm; nhưng một điều rõ ràng trước mắt, là một cuộc mua vui để tiêu khiển con người ta.

Ai đến Hà Nội thời cũng nghe tiếng Hàng Giấy, đó chính là sở cô đầu, mà có nơi lại gọi là nhà trò. Ở Trung Kỳ về các tỉnh miền Bắc cũng có làng nhiều cô đầu, nhưng sánh lại với cô đầu ngoài Bắc thời là ít. Nghề hát cô đầu xem ra thật thịnh vượng; nhưng cũng vì cái thịnh vượng ấy mà có lúc sinh ra đôi cảnh suy bại. Cái hại này nhiều người hiểu mà ít người biết chừa, thời chơi cô đầu ắt cũng có một cái thú riêng khó tả. Cái thú ấy về ngày trước thời chén rượu câu ca, rung đùi gõ trống, mà về ngày nay thời lại đổi khác. Ấy cho nên cô đầu chính để hát, mà lại ít người biết hát hay; đi chơi cô đầu chính để nghe hát, mà lại ít người biết nghe hát hay; như thế thời cái nghề hồng lâu đáng gọi là suy, mà không nên cho là thịnh.

Người ấy, cảnh ấy, giang sơn linh tú, trải mấy nghìn năm; đất nước hữu tình khiến cho người xa khách lạ đến ngụ nơi này, lúc ra về bước đi một bước một dừng…

Tớ vốn tài hèn trí mọn, sinh trưởng giữa vùng non nước Hồng Lam; nghiệp nhà thi lễ, gặp phải phong trào buổi mới, xem sách lại thấy có hai chữ “tùy thời”, nên phải xoay sang Tây học trong mấy năm trời, quê người vòi vọi, trước Bình Hương, sau Nùng Nhị, lòng cố hương đau đáu một mình. Nay nhân lúc thanh vắng, ngồi sực nghĩ đến xứ cũ Thăng Long, sẵn bút nghiên xin chép lại đôi hàng, cũng gọi là một bức thư con, từ người, giã cảnh.■

Hà Huy Sấn

Huế, tháng 2/1921

 

Chú thích:

[1] Hồ thỉ: (Từ cũ) cung và tên; thường dùng để chỉ chí khí người con trai.

[2] Ngoài ra, bên cạnh đó

[3] Xét nét, soi mói, phê phán

[4] Nghề khảm

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN