
Cách đây tròn 50 năm, ngày 30/4/1975, xe tăng quân Giải phóng đã húc đổ cổng Dinh Độc Lập, lá cờ của quân Giải phóng tung bay trong niềm hân hoan của cả dân tộc. Đây là thắng lợi vĩ đại nhất, kết thúc oanh liệt cuộc trường chinh 30 năm chống ngoại xâm gian khổ của dân tộc Việt Nam. Nhân dịp kỉ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tạp chí Phương Đông xin giới thiệu với bạn đọc một số trích đoạn từ cuốn sách sắp xuất bản “30-4-1975, sau 50 năm nhìn lại” của tác giả Nguyễn Hữu Thái, nguyên Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn, một trong những người cắm cờ Giải phóng trên nóc Dinh Độc Lập, đồng thời là người giới thiệu lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tại Đài phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975.
Chiếc trực thăng cuối cùng rời sứ quán Mỹ
Vào lúc 4 giờ 40 phút sáng ngày 30/4, chiếc trực thăng CH-46 mang tên Lady Ace 09 do đại úy Gerry chỉ huy đáp xuống nóc sứ quán Mỹ, được lệnh không nhận người di tản. Viên chỉ huy đích thân cầm tờ lệnh của Tổng thống Mỹ mang bí số ‘Tiger-Tiger-Tiger’ chuyển cho Đại sứ Martin chỉ thị cho ông ta rời khỏi Việt Nam ngay. Chỉ vào lúc 4 giờ 58 phút chiếc máy bay mới bốc được Đại sứ Martin tay xách chiếc cặp da, dáng bộ mệt mỏi và thiểu não cùng bộ tham mưu bay ra tàu USS Blueridge ngoài khơi Biển Đông. Martin vội báo cáo ngay về Bộ ngoại giao về cuộc di tản cuối cùng của người Mỹ rời Sài Gòn.
Giáo sư Herring mô tả sự kiện Đại sứ Martin ra đi như sau :
“Cảnh tượng rút chạy của người Mỹ ở Sài Gòn phải chăng là hình ảnh thu nhỏ của ảo tưởng, tuyệt vọng và bi kịch trong kinh nghiệm Việt Nam. Các viên chức Mỹ mong đợi chính quyền Sài Gòn có thể trụ nổi để tiến hành một giải pháp thương thảo. Đại sứ Martin vẫn kiên trì ủng hộ Nguyễn Văn Thiệu cho đến khi nhìn thấy ông ta không còn ai ở trong nước hậu thuẫn nữa. Ông ta đã gạt ra nhiều âm mưu đảo chính Thiệu để cuối cùng yêu cầu Thiệu từ chức nhằm tránh một cuộc đầu hàng vô điều kiện nhục nhã.
Ông ta đã cố gắng tránh một cuộc tháo chạy tán loạn ở Sài Gòn và hy vọng sắp đặt được một sự ra đi êm đẹp cho người Mỹ, “không muốn tạo ra thêm một điều nhục nhã khác trong lịch sử can dự đau buồn ở Việt Nam” như ông thú nhận về sau. Ông đã trì hoãn việc thực hiện kế hoạch di tản đến phút chót.
Hoa Kỳ đã đưa được công dân của họ cùng một số người Việt ra khỏi miền Nam Việt Nam. Nhưng phải chăng cuộc rút chạy đó đã diễn ra trong hỗn loạn và đau thương. Cảnh tượng binh lính Mỹ phải sử dụng báng súng đẩy người Việt tuyệt vọng ùa lên máy bay di tản, binh sĩ VNCH bất bình quay súng bắn máy bay Mỹ rút chạy… Phải chăng tất cả đã đánh dấu một giai đoạn bi thảm của 25 năm Hoa Kỳ dính líu vào Việt Nam”.
Tại Nhà Trắng, lúc đó là vào cuối một ngày làm việc căng thẳng theo dõi diễn tiến tình hình ở miền Nam Việt Nam, Tổng thống Ford đã có thể thở dài nhẹ nhõm khi tuyên bố: “Cuộc di tản đã hoàn tất. Hành động này đóng lại một chương trong kinh nghiệm của người Mỹ”!
Sáng sớm ngày 30/4, viên chỉ huy đội thủy quân lục chiến bảo vệ Sứ quán Mỹ là Thiếu tá James Kean ra đi trên một trong những chiếc trực thăng cuối cùng rời Sứ quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn. Ông ta cay đắng nhớ lại: “Tôi đã bật khóc, rõ ràng là do quá hổ thẹn! Làm sao mà Hoa Kỳ lại để cho mình rơi vào tình trạng tồi tệ làm chúng tôi phải cụp đuôi bỏ chạy nhục nhã như thế này ?”
Tuy vậy, Trung sĩ Valdez mới là người lính Mỹ cuối cùng rời Việt Nam vào lúc 7 giờ 53 phút sáng. Chuyến bay cuối cùng dành cho 15 người nay phải nhồi nhét đến 24 người. Họ được lệnh phải vứt bỏ tất cả vật dụng cá nhân, kể cả điện đài cho nhẹ bớt. Máy bay cất cánh hướng ra Biển Đông, anh còn nhìn thấy nhiều đoàn quân xa địch đèn mở sáng choang trên quốc lộ dồn dập tiến về Sài Gòn. Lẻ tẻ vẫn có vài phát đạn bắn về phía họ, có lẽ do các binh lính VNCH bất mãn từ các cao ốc bắn lên. Mặt trời đã ló dạng trên mặt biển báo hiệu một ngày mới, ngày không còn bóng dáng người Mỹ trên đất nước Việt Nam kể từ 25 năm qua.
Các nhà báo nước ngoài từ sân thượng các khách sạn ở trung tâm thành phố nhìn thấy chiếc trực thăng cuối cùng cất cánh khỏi nóc Sứ quán Mỹ. Họ nhìn thấy còn rất đông người bị bỏ lại, vô vọng nhìn lên bầu trời nay im ắng không còn bóng dáng một chiếc máy bay nào trở lại nữa. Tại các nhà cao tầng được qui định làm các điểm tập kết di tản rải rác trong thành phố cũng còn lố nhố người.
Khi các nhà báo đến Sứ quán Mỹ thì nhìn thấy cảnh tượng người hôi của ùa vào vơ vét đồ vật vương vãi trên sân, trong tòa nhà. Người bị bỏ lại cũng lên đến số nghìn, không chỉ là người Việt. Vì vẫn còn một số người Mỹ, một linh mục người Đức và trên chục nhân viên sứ quán Đại Hàn (trong đó có cả viên Thiếu tướng Rhee Dai Young, nguyên Phó Tư lệnh lực lượng 5 vạn quân đánh thuê Nam Triều Tiên ở Nam Việt Nam).
Phóng viên của hãng tin AP Mỹ Peter Arnett đã lượm được tấm bảng đồng tưởng niệm ghi tên những binh lính Mỹ bảo vệ sứ quán tử trận hồi Tết Mậu Thân khi tòa nhà này bị đặc công Mặt trận Dân tộc GPMNVN tấn công vào đầu năm 1968. Không người nào trong sứ quán còn lưu ý chuyển tấm bảng đồng đó theo!
Bỗng có tin đồn, người Mỹ đã gài mìn trong Sứ quán, ai xâm nhập sâu vào vơ vét trong tòa nhà sẽ làm mìn nổ tung. Mọi người lại tháo chạy tán loạn. Sứ quán Mỹ bỗng chốc vắng tanh.
Chỉ mấy giờ sau đó, xe tăng cách mạng đã có mặt ở Sài Gòn, chạy vượt qua Sứ quán Mỹ nay đã không còn một bóng người và không còn ai buồn chú ý. Tòa nhà hiện đại nhưng kệch cỡm nay đã bị phá bỏ đi có lẽ do chính quyền Mỹ không muốn duy trì mãi một hình ảnh đau buồn về sự thảm bại của mình ở Việt Nam. Vào trưa hôm đó, đường phố Sài Gòn sẽ tràn ngập quân giải phóng.
Công bố bàn giao chính quyền cho Cách mạng
Tại nhiều địa điểm ở nội thành Sài Gòn – Gia Định, từ tối hôm qua các toán đặc công và mũi tiền phương của cách mạng đã tiến chiếm trạm cảnh sát, cô lập và tước khí giới các toán nhân dân tự vệ, bảo vệ các cây cầu và đường vào thành phố. Tại quận 7, chỉ với một loa phóng thanh và mấy người mà anh em đã chiếm được các cơ quan quận. Cơ sở bí mật của cách mạng ở Ngã tư Bảy Hiền hầu như hoạt động công khai, tích cực hoàn tất việc may cờ và băng giải phóng. Các mũi tấn công khác nhau đang nhanh chóng triển khai tiến gần các mục tiêu được chỉ định.
Khi quân giải phóng pháo kích dồn dập sân bay Tân Sơn Nhất, Nguyễn Hữu Thái nghĩ rằng cuộc chiến đấu cuối cùng đã bắt đầu. Lần gặp sau cùng, Huỳnh Bá Thành (họa sĩ Ớt hoạt động trong cụm A10, An ninh T4 Giải phóng) gợi ý rằng : “Chỉ có thuyết phục, tác động những người cầm đầu chính quyền Sài Gòn buông súng trên tinh thần hòa hợp hòa giải mới mong tránh được đổ máu và tàn phá”.
Nhóm sinh viên cùng binh lính, sĩ quan trẻ phản chiến lấy Đại học Phật giáo Vạn Hạnh làm trụ sở đã chuẩn bị sẵn sàng. Dự kiến nếu còn chiến đấu dằng dai thì phải hình thành ngay các “Ủy ban hòa hợp hòa giải” lấy các chùa làm cơ sở. Nghe nói nhiều nhóm vũ trang phản động vẫn toan tính trụ lại chống cự và phía quân giải phóng thì cũng quyết tâm sớm dứt điểm cuộc chiến, phải trả giá cao nếu cần. Ban đầu ai cũng nghĩ xung đột sẽ kéo dài, sớm nhất cũng đến ngày sinh Bác Hồ 19/5 mới ngã ngũ.
Sáng tinh mơ ngày 30/4, khi những chiếc trực thăng Mỹ cuối cùng rời Sài Gòn, Nguyễn Hữu Thái chạy vội lên chùa Ấn Quang gặp Thượng tọa Trí Quang. Anh báo ngay: “Tình hình cấp bách quá rồi, xin Thầy làm sao tác động gấp nhóm ông Minh chủ động tìm cách chấm dứt ngay cuộc chiến để tránh đổ máu và tàn phá Sài Gòn. Các đường dây liên lạc với bên kia nay đã đứt hết rồi, không còn thì giờ đưa giải pháp này nọ nữa đâu”. Ông hiểu ngay và choàng áo sang phòng bên gọi điện thoại. Tôi nghe vị Thượng tọa nói chuyện qua lại một hồi, rồi quay về cho biết: “Thái cứ yên tâm, Thầy không gặp được ông Minh, nhưng đã nói chuyện với ông Mẫu (Thủ tướng nội các mới), chắc chắn họ sẽ hành động theo hướng này”.
Về phần mình, tướng VNCH Nguyễn Hữu Hạnh nhớ rằng:
“Vào 6 giờ sáng, Trung tướng Nguyễn Hữu Có và Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá Tổng Tham mưu trưởng đến dinh Hoa Lan để trình bày tình hình quân sự với Tổng thống Dương Văn Minh. Những thông tin khiến tướng Vĩnh Lộc (Tổng Tham mưu trưởng) tái mặt bỏ trốn thì với ông Dương Văn Minh chỉ làm ông trầm ngâm hơn trên nét mặt vốn trầm tư.
Tướng Hạnh nói: “Tình hình rất nguy ngập, xin Đại tướng quyết định gấp, chúng ta không thể trì hoãn, rất có hại”.
Ông Minh hỏi ngay: “Bây giờ “toa” muốn gì?”
Tướng Hạnh nghĩ rằng đầu hàng sớm là tốt nhất, nhưng ông chưa vội nói ra, chỉ thúc ông Minh bằng một câu: “Chuyện chính trị Đại tướng giải quyết thế nào là quyền của mình, nhưng về quân sự thì phải giải quyết gấp, tình hình nguy ngập không cho phép chúng ta chần chừ nữa”. Ông Minh suy nghĩ trong chốc lát rồi nói: “Thôi để tôi bàn thêm với ông Huyền và ông Mẫu. Các “toa” ngồi đây đợi”. Nhưng tướng Hạnh đề nghị được đi theo và ông Minh đồng ý.
8 giờ sáng ngày 30/4/1975, các nhân vật dự kiến trong tân nội các tập trung tại Phủ Thủ tướng nằm ở cuối đại lộ Thống Nhất (Lê Duẩn ngày nay). Một số thành viên của tân Chính phủ đã ngủ đêm tại đây. Khi Tổng thống Minh đến, cuộc họp diễn ra với một số người rất hạn chế, gồm Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu… Các thành viên khác ngồi chờ đợi buổi họp ở phòng bên ngoài.
Lý Quí Chung ghi trong hồi ký của mình:
“Ông Minh mở đầu buổi họp bằng việc trình bày tình hình quân sự là không còn cứu gỡ nổi. Cũng không nên nghĩ tới một cuộc thương thuyết chính trị với Chính phủ Cách mạng lâm thời và Hà Nội, qua trung gian chính phủ Pháp. Trong khi đó tình hình an ninh của Sài Gòn rất nguy ngập, hỗn loạn và cướp bóc có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng Chính phủ hoàn toàn không có khả năng kiểm soát. Và ông Minh kết luận: “Để tránh cho người dân Sài Gòn những tai hoạ đã xảy ra như tại Đà Nẵng, mà có thể còn tồi tệ hơn, tôi quyết định trao quyền cho Chính phủ Cách mạng lâm thời”. Phòng họp im lặng, không có ai phản đối, kể cả những vị mới biết được quyết định này.
Trước khi phiên họp kết thúc, ông Minh nói: “Bắt đầu từ giờ phút này sự ràng buộc giữa anh em chúng ta không còn nữa. Mỗi người hoàn toàn tự do quyết định sự lựa chọn của mình: Đi hay ở lại. Tôi xin thông báo cho anh em nào muốn đi: hiện chiếc tàu Việt Nam Thương Tín (VNTT) vẫn còn đậu ở cảng…”.
Bỗng có người vào báo cáo có một khách người Pháp muốn gặp Tổng thống Dương Văn Minh. Lý Quí Chung cùng tướng Minh bước ra. Đó là cựu tướng Pháp Vanussème đã từng thất trận ở cuộc chiến tranh Đông Dương thời thực dân Pháp. Gần đây ông trở qua Việt Nam đóng vai trò cố vấn quân sự cho Chính phủ Thiệu như kiểu chuyên gia chiến tranh du kích người Anh Sir Robert Thompson mang những kinh nghiệm chống cộng ở Mã Lai sang làm cố vấn cho hai anh em Ngô Đình Diệm – Ngô Đình Nhu trong những năm đầu của chế độ đệ nhất cộng hòa! Nhưng Vanussème không được ông Thiệu tin dùng. Ông Minh bắt tay Vanussème và hỏi lý do ông ta muốn gặp ông.
Vanussème cho biết ông muốn hiến kế cho ông Minh để cứu vãn tình hình tuyệt vọng của chế độ Sài Gòn. Theo Vanussème, nên lên tiếng kêu gọi sự can thiệp của một cường quốc, và chỉ cần có một yêu cầu chính thức của chính quyền miền Nam là cường quốc này sẽ can thiệp ngay. Ông Minh cười chua chát: “Tôi cảm ơn thiện chí của ông, nhưng trong đời tôi, tôi đã từng làm tay sai cho Pháp rồi tay sai cho Mỹ, đã quá đủ rồi. Tôi không thể tiếp tục làm tay sai…”. Đứng xớ rớ một lúc, Vanussème biến lúc nào không ai nhớ.
Lúc này Thái đang có mặt tại chùa Ấn Quang, anh cho biết Thượng tọa Thích Trí Quang muốn nói chuyện trực tiếp với ông Minh. Cuộc nói chuyện kéo dài khoảng hai phút. Sau đó Thượng tọa Trí Quang nói chuyện với Giáo sư Vũ Văn Mẫu. Nội dung hai cuộc điện đàm này của Thượng tọa Thích Trí Quang nhằm thuyết phục Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng. Lý Quí Chung đề nghị nên nói ngay lời đầu hàng. Tướng Minh không đồng ý vì cho rằng hãy còn nhiều đơn vị quân đội VNCH vẫn còn đó, không chịu nghe lệnh và có khả năng sẽ phản ứng điên cuồng.
Ông bàn bạc thêm với Thủ tướng Mẫu, rồi tiến hành ghi âm bản tuyên bố ngưng bắn. Ông Minh làm việc với hai ông Huyền và Mẫu. Họ đã quyết định đơn phương tuyên bố bàn giao chính quyền lại cho Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CMLT). Ông Mẫu soạn lời tuyên bố mất khoảng một tiếng đồng hồ. Đến 9 giờ ông Minh đọc vào máy ghi âm.
Được sự đồng ý của những thành viên chính yếu của Chính phủ, ông Minh ra lệnh cho Tổng trưởng thông tin Lý Quí Chung gọi các nhân viên kỹ thuật của đài truyền hình và đài phát thanh đến để thu âm bài tuyên bố. Khoảng 15 phút sau, anh em kỹ thuật viên đến và cuộc thu âm bài tuyên bố giao quyền của Tổng thống Dương Văn Minh bắt đầu, Chỉ thu tiếng chứ không có điều kiện thu hình. Làm đến lần thứ ba mới thu hoàn chỉnh. Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá Tổng Tham mưu trưởng, giờ đây có quyền hành như Tổng Tham mưu trưởng vì Trung tướng Vĩnh Lộc cùng Trung tướng Trần Văn Trung chạy khỏi Sài Gòn bằng tàu hải quân sáng 30 tháng 4. Tướng Hạnh nói với Tổng thống Dương Văn Minh: “Theo tôi, ngoài bản tuyên bố của Tổng thống cho dân chúng, cần có một nhật lệnh của Tổng Tham mưu trưởng ra lệnh trực tiếp cho quân đội không được nổ súng nữa…”. Ông Minh đồng ý và yêu cầu tướng Hạnh thảo luôn nhật lệnh. Tướng Hạnh cầm cuộn băng và bản nhật lệnh đi đến đài.
Thu băng xong lúc 9g30, nhân viên đài phát thanh cho phát đi tại đài phát thanh ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trong băng, ông Dương Văn Minh nói:
“Đường lối chủ trương của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc để cứu sinh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải của người Việt Nam để khỏi thiệt hại xương máu của người Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả anh em chiến sĩ VNCH hãy bình tĩnh, không nổ súng và ở đâu ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CMLTCHMNVN) ngưng nổ súng. Chúng tôi ở đây chờ gặp Chánh phủ CMLTCHMNVN để cùng nhau thảo luận lễ bàn giao chánh quyền trong một trật tự, tránh đổ máu vô ích của đồng bào”.
Ông Minh cũng cho tướng Hạnh tuyên bố ngưng bắn tránh đổ máu. Ông đọc trên đài thế này:
“Thưa quý vị tư lệnh quân đoàn, quân binh chủng, địa phương quân, nhân dân tự vệ, tôi – Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá Tổng Tham mưu trưởng, thay mặt Trung tướng Vĩnh Lộc, Tổng Tham mưu trưởng vắng mặt, yêu cầu tất cả tướng lĩnh và quân nhân các cấp phải triệt để thi hành lệnh của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa về ngưng bắn. Các cấp chỉ huy quân lực VNCH phải sẵn sàng liên lạc với các cấp chỉ huy quân đội của Chánh phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để thực hiện cuộc ngưng bắn một cách không đổ máu”.
Khi biết đài chỉ phát đi có một lần, ông Hạnh đã yêu cầu cho phát thanh lại, và đài phát thanh đã sử dụng loại băng tự động để tiếng nói được phát đi liên tục.
Bình luận về lời kêu gọi buông súng này, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát biểu: “Đại tướng Dương Văn Minh nhậm chức ngày 28/4/1975, ngày mà một nhà quân sự như ông có thể đoán được sự thất thủ của Sài Gòn. Nếu ông Minh để cho các tướng dưới quyền ông “tử thủ”, chúng ta vẫn chiến thắng, nhưng Sài Gòn khó mà nguyên vẹn, và còn biết bao sinh mạng và tài sản của người dân mình nữa. Tôi và Thành ủy do anh Mai Chí Thọ phụ trách, sáng 30/4 khi nghe ông Minh kêu gọi binh lính buông súng để chờ bàn giao chính quyền cho cách mạng, đã thở phào nhẹ nhõm. Phải ở chiến trường, và vào đúng giờ phút ấy, mới cảm nhận được tầm quan trọng của quyết định này”.
Cờ Giải phóng trên nóc Dinh Độc Lập
Nguyễn Hữu Thái và Lý Quí Chung đang loay hoay ở thềm Dinh Độc Lập thì bỗng mọi người cùng hướng nhìn về đại lộ Thống Nhất. Một cảnh tượng hùng tráng diễn ra: một đoàn xe tăng rầm rộ tiến về hướng dinh. Bỗng chốc cửa dinh bị húc đổ, đoàn tăng cày lên thảm cỏ, tiến thẳng đến thềm dinh.
Người bộ đội chỉ huy chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 là Trung úy Chính trị viên Vũ Đăng Toàn. Anh nói rằng sau khi húc đổ cổng dinh, xe anh băng qua thảm cỏ chạy đến bậc thềm lên xuống của dinh. Xe dừng, anh nhảy xuống và thấy Đại đội trưởng Bùi Quang Thận từ chiếc xe 843 bị tắt máy ở cổng phụ, cũng đang cầm cờ chạy vào. Cả hai chạy lên thềm dinh trong tư thế sẵn sàng chiến đấu và với một tinh thần “cảnh giác cao độ”.
Thận hơi lo khi thấy bên trong lố nhố nhiều người mặc quân phục. Và có lẽ do “cảnh giác cao độ” quá nên anh lao thẳng vào cửa kính, ngã bật ra phía sau nhưng tay vẫn cầm chắc lá cờ. Lúc này, từ trong dinh, một người bận đồ dân sự chạy ra, thân thiện mời hai anh lính tăng giải phóng vào. Đó là ông Nguyễn Văn Diệp (cựu Tổng trưởng tài chính và cũng là một cơ sở giải phóng) dẫn mấy anh em bộ đội xe tăng lên lầu gặp tướng Nguyễn Hữu Hạnh tại cầu thang (lúc bấy giờ tướng Hạnh vẫn còn mặc quân phục). Hạnh nói rằng Tổng thống Dương Văn Minh đang đợi quân cách mạng ở bên trong.
Nhiều người bên trong nhớ lại rằng họ nghe tiếng chân người vang dội trong sảnh, có cả tiếng khua vũ khí và tiếng đạn lên nòng. Rồi tiếng hô to từ phía đại sảnh: “Mọi người đi ra khỏi phòng ngay”.
Người bước ra khỏi phòng trước tiên là Tổng thống Dương Văn Minh. Đi sát bên ông Minh là Thiếu tá Hoa Hải Đường. Tiếp theo là Thủ tướng Vũ Văn Mẫu. Ông Minh và ông Mẫu đều rất bình tĩnh. Họ vừa bước ra hành lang để đi đến đại sảnh thì ở đầu kia thấy có nhiều bộ đội cầm súng và hô to: “Mọi người giơ tay lên”. Ông Minh, ông Mẫu cùng mọi người đi phía sau đều nhất loạt giơ tay.
Các chiến sĩ xe tăng Vũ Đăng Toàn và Bùi Quang Thận thoáng chút bối rối trước tình huống này: Không biết phải “xử lý” thế nào với Tổng thống và mấy ông nội các Sài Gòn, bởi nhiệm vụ của những người lính tăng như các anh là chiếm dinh và cắm cờ. Bùi Quang Thận đề nghị Vũ Đăng Toàn ở lại “canh chừng” các thành viên nội các và chờ cấp chỉ huy đến, còn mình phải thực hiện cho được nhiệm vụ cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập.
Mấy mươi năm sau, nguyên Đại đội trưởng Bùi Quang Thận kể lại:
“Vào chiến dịch, ai cũng hiểu đây là trận quyết chiến cuối cùng, nhưng không ai nghĩ mình là người cắm cờ chiến thắng. Nhìn lên nóc tòa nhà thấy lá cờ ba sọc bay, tôi chỉ nghĩ làm sao hạ lá cờ này càng nhanh càng tốt. Không nghĩ đến những nguy hiểm đang rình rập nơi hang ổ này, cũng không nghĩ tới việc mình chẳng biết đường lên. May mà vừa leo tới chân cầu thang, có mấy người đàn ông (có lẽ là cơ sở nội đô) dắt tôi đi”.
Thận định lên cắm cờ nhưng rõ ràng là không biết đường. Có lẽ nhìn thấy nhóm sinh viên Nguyễn Hữu Thái và tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng tay đeo băng xanh đỏ của lực lượng quần chúng nổi dậy, nên khi Thái đề nghị dẫn đường thì Thận liền đi theo. Không ai rành bố cục bên trong Dinh và cũng chưa biết dùng cách nào để lên nóc Dinh nhanh nhất, nên họ hỏi ai có thể dẫn đường lên nóc Dinh. Tướng Nguyễn Hữu Hạnh nhớ rằng mình đã ra lệnh cho Đại tá Vũ Quang Chiêm, Chánh văn phòng Phủ Tổng thống, người đã ở lâu trong dinh hướng dẫn họ đi. Thái yêu cầu Chiêm dẫn họ đi chiếc thang máy phụ lên nóc Dinh, giúp Thận bẻ gập chiếc cần ăng ten, mới vào lọt được bên trong chiếc thang máy loại nhỏ này.
Đến trước thang máy, Bùi Quang Thận thấy… lạ quá nên nhất quyết không vào. “Lúc đó tôi thấy thang máy giống như… cái hòm – Bùi Quang Thận nhớ lại – Vào đó nó nhốt mình luôn, biết bao giờ mới ra được”. Sau khi nghe Đại tá Chiêm giải thích, Thận mới chịu vào nhưng lại cảnh giác yêu cầu Chiêm vào trước… Cuối cùng thì Bùi Quang Thận, Huỳnh Văn Tòng, Nguyễn Hữu Thái cũng lên được nóc dinh.
“Chúng tôi còn trèo xuống một cầu thang gỗ mới ra được chân cột cờ – kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái kể trong báo Tuổi Trẻ – Để treo lá cờ giải phóng lên, phải hạ lá cờ vàng ba sọc xuống. Nhưng lá cờ ba sọc quá lớn, lại được cột chắc chắn nên phải mất khá lâu chúng tôi mới hạ xuống được. Dường như tất cả chúng tôi đều không cầm được nước mắt, Sài Gòn đã được giải phóng, hòa bình được lập lại và đất nước từ nay thống nhất làm một, không gì có thể chia cắt được nữa”.
Về phía mình, Thận nhớ rằng: “Khi kéo lá cờ lên, ngước nhìn ngọn cờ chiến thắng nửa xanh nửa đỏ tung bay trong nắng gió, nhìn xuống dưới thấy 3 phía xe tăng ta và các đơn vị bộ binh đang áp sát về phía Dinh, chợt trào nước mắt vì niềm hạnh phúc quá lớn. Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ một người lính chiến đấu vì Tổ quốc, trên hết tôi được thay mặt tất cả những đồng đội, đồng chí đã ngã xuống, đang cùng tôi chiến đấu, cắm lá cờ chiến thắng báo hiệu giờ phút lịch sử – Hòa bình trên Tổ quốc Việt Nam”. Bùi Quang Thận kéo lá cờ giải phóng xanh đỏ sao vàng lên, sau khi viết và ký tên vào lá cờ: “11g30 ngày 30/4. Thận”.
Thật ngẫu nhiên, vào thời điểm lịch sử ấy trên nóc Dinh Độc Lập, trước kia là Dinh Toàn quyền Pháp, có mặt 3 chàng trai của 3 miền đất nước: anh bộ đội Thận gốc Thái Bình từ đồng bằng sông Hồng, sinh viên Thái sinh ra ở thành phố cảng Đà Nẵng miền Trung và giáo sư Tòng quê Tây Ninh, Nam bộ.
Phải chăng khoảnh khắc lịch sử ấy đánh dấu sự cáo chung của 117 năm thống trị của thực dân đế quốc phương Tây và mở ra một thời kỳ mới độc lập thống nhất đất nước Việt Nam. Anh em xúc động không cầm được nước mắt, vừa sung sướng vừa hãnh diện. Vào giây phút này chắc nhân dân cả nước đang reo mừng. Sài Gòn đã được giải phóng, hòa bình được lập lại, dân tộc Việt Nam từ nay trở lại thống nhất. Trong khoảnh khắc đó trong đầu họ như vang lên lời thơ bất hủ của thời Lý Thường Kiệt:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
(Đất nước Nam của vua Nam
Điều đó đã ghi rành rành trong sách trời
Như có quân nghịch tặc nào dám xâm phạm
Chúng nó rồi chỉ chuốc lấy thất bại mà thôi)
Lá cờ đầu tiên kéo lên nóc Dinh Độc Lập đã ngả màu vì khói đạn, bụi đường hành quân và thời gian phôi pha. Lá cờ “màu đỏ của đất, màu xanh của trời, ngôi sao chân lý trên đời” (thơ Tố Hữu) một thời oanh liệt.■ (còn nữa)
Nguyễn Hữu Thái