Việt Nam trên báo Mỹ: Kerry - McCain: Một tình bạn khép lại cuộc chiến (Kỳ 1)

Bài báo “A friendship that ended the war” (Một tình bạn khép lại cuộc chiến) của tác giả James Carroll, đăng trên The New Yorker số ra ngày 13/10/1996, mang đến góc nhìn sâu sắc về mối quan hệ giữa hai cựu binh John Kerry và John McCain – những con người từng đứng ở hai phía của cuộc tranh luận về Chiến tranh Việt Nam nhưng về sau lại cùng nhau nỗ lực khép lại quá khứ. Bài viết cũng làm sáng tỏ cách mà Kerry và McCain, bằng sự thấu hiểu và lòng kiên trì, đã trở thành những nhân tố quan trọng trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ, góp phần hàn gắn những vết thương chiến tranh kéo dài suốt nhiều thập kỷ. Bằng văn phong lôi cuốn và góc nhìn nhân văn, bài viết không chỉ kể về một tình bạn đặc biệt mà còn mở ra những suy ngẫm sâu xa về lòng dũng cảm, sự tha thứ và trách nhiệm đối với lịch sử. Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu với bạn đọc bản dịch toàn văn bài viết này.

1. Khách mời tại “Hanoi Hilton”

Vào Ngày Lễ Chiến sĩ Trận vong[1] năm 1993, hai Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã được đưa đi thăm một nhà tù ở trung tâm Hà Nội. Đó là một tòa nhà đồ sộ, nằm trong khuôn viên kín và chiếm phần lớn diện tích của một dãy phố ở giữa thành phố đông đúc. Các cửa sổ được gắn song sắt, và một số có cửa chớp. Nhà tù này được người Việt Nam gọi là Hỏa Lò, nhưng người Mỹ đặt tên cho nó là “Hanoi Hilton”. Trong chiến tranh, nhà tù này giam giữ các phi công bị bắt mà người Việt Nam gọi là “giặc lái”. Vào ngày này, một trong số họ đã trở lại lần đầu tiên kể từ khi được trả tự do: John McCain, hiện là Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa bang Arizona. Khi còn là phi công ném bom trong lực lượng hải quân, ông đã bị bắt giam gần sáu năm, từ tháng 10 năm 1967, khi máy bay của ông bị bắn hạ, cho đến tháng 3 năm 1973. Phần lớn thời gian ông bị giam tại Hỏa Lò, hơn hai năm trong số đó là ở chế độ biệt giam. Mùa hè năm ngoái, đông đảo khán giả truyền hình đã nghe McCain nhắc đến trải nghiệm này khi ông đề cử Bob Dole tại Đại hội Đảng Cộng hòa. “Đã lâu lắm rồi, trong một cuộc sống khác, tôi bị tước đoạt tự do của mình”, ông nói, với sự khiêm tốn của một người biết rằng việc bị cầm tù là điều làm ông trở nên khác biệt.

Khi trở lại Hỏa Lò năm 1993, McCain đi cùng John Kerry, một Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ bang Massachusetts. Kerry, cũng là một cựu chiến binh Hải quân, là Chủ tịch của Ủy ban Đặc biệt của Thượng viện về các vấn đề POW/MIA, trong khi McCain là đại diện hàng đầu của Đảng Cộng hòa tại Ủy ban; công việc của Ủy ban đã đưa họ trở lại Việt Nam. Gần đây, Kerry kể lại với tôi về chuyến thăm nhà tù đó, miêu tả đoạn hành lang dẫn đến phòng giam cũ của McCain: “Ở cuối dãy bên phải khi chúng tôi bước vào, nằm trong góc. Đó chỉ là một xà lim rất nhỏ, tối tăm, ẩm thấp, với một khu vực nhỏ để ngủ, hầu như không phù hợp cho bất kỳ ai”.

Thượng nghị sỹ John McCain (phải) và Hạ nghị sỹ Pete Peterson (trái) (sau này là Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam sau chiến tranh) thăm nhà tù Hỏa Lò, ngày 1/6/1993. Ảnh: Hoàng Đình Nam / AFP

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, tôi đề nghị McCain miêu tả phòng giam đó. “Khoảng 9-10 feet x 7 feet”[2], ông nói, “có một cửa sổ nhỏ xíu ở phía trên cùng, có song sắt; một cánh cửa kim loại với một cái lỗ cửa mà lính canh có thể mở ra để nhìn vào trong”.

McCain từng liên lạc với người ở phòng bên cạnh bằng cách gõ vào tường và lắng nghe những tiếng gõ đáp lại. Tin tức được truyền qua mã gõ này bao gồm cả thông tin về các hoạt động phản chiến ở quê nhà. Những nhà hoạt động hòa bình như Tom Hayden và Jane Fonda đã xuất hiện tại “Hanoi Hilton” trong thời gian McCain bị giam giữ. Ông luôn từ chối gặp họ; các tù binh ghét những người phản chiến. Nhưng rồi, khi McCain ngồi tù được hơn ba năm, vào tháng 4 năm 1971, có tin về một cuộc biểu tình phản chiến còn đáng lo hơn. Khoảng một ngàn lính Mỹ mới trở về từ Việt Nam đã tập trung tại National Mall ở Washington để lên án chiến tranh. Dẫn đầu bởi một cựu sĩ quan Hải quân, họ đã ném các huân chương và ruy băng mà họ từng được trao qua hàng rào tại Tòa nhà Quốc hội.

Cựu sĩ quan Hải quân dẫn đầu cuộc biểu tình cựu chiến binh đó, người đã “trả lại” các ruy băng mà ông giành được cùng với một huân chương Sao Bạc, một huân chương Sao Đồng, và ba huân chương Trái tim Tím, chính là John Kerry. Kerry kể lại cảm giác khi đứng trước ngưỡng cửa phòng giam của McCain: “Tôi nhớ có một sự im lặng, và tôi nhớ rất rõ rằng chỉ có hai chúng tôi… Lúc đó, những người xung quanh như tan biến vào hậu cảnh, và chỉ còn hai chúng tôi đứng ở nơi này. Tôi nhớ cảm giác kinh sợ trước những gì mà tôi hình dung người đàn ông này hẳn đã trải qua ở đây”. Chính Kerry cũng là một phần trong những điều mà McCain đã trải qua.

Đứng cạnh McCain tại Hỏa Lò đã khiến Kerry đối diện trực tiếp với sự mâu thuẫn đã định hình cuộc đời ông, cũng giống như nhà tù đã định hình cuộc đời McCain. Không giống McCain, người thẳng thắn đáng ngưỡng mộ, Kerry là một người đàn ông phức tạp; sự khác biệt này được phản ánh rõ trong trải nghiệm chiến tranh rất khác nhau của họ. Nhưng giờ đây, câu chuyện của McCain lại là tâm điểm. “Đó là lúc để tôi lắng nghe”, Kerry nói. “Tôi hỏi vài câu… và anh ấy kể một chút. Anh kể về người bạn phòng bên mà anh từng liên lạc và cách họ gõ vào tường… Anh kể rằng họ biết có một cựu chiến binh đã đứng lên và nói rằng chiến tranh là sai. Họ biết chuyện gì đang xảy ra”. Họ biết rằng một cựu sĩ quan Hải quân đã phản bội họ.

Năm 1984, mười ba năm sau cuộc biểu tình tại Tòa nhà Quốc hội, John McCain, lúc này đã là một dân biểu của bang Arizona, đến Massachusetts để vận động chống lại Kerry, ứng viên lần đầu tranh cử vào Thượng viện. Tại một buổi mít-tinh ở khu North End của Boston, McCain phát biểu ủng hộ ứng viên Đảng Cộng hòa, một doanh nhân tên là Ray Shamie. “Lúc đó tôi chưa từng gặp John Kerry”, McCain kể với tôi. Ở Boston, các đối thủ bảo thủ đã gán cho Kerry cái danh “ứng viên của Hồ Chí Minh”. McCain, trong buổi vận động ủng hộ Shamie, đã nói về sự kiện tháng 4 năm 1971: “Tôi nói rằng anh ấy không nên ném huân chương và rằng tôi đã nghe về việc đó khi đang ở trong tù”.

John McCain chưa bao giờ thay đổi ý kiến của mình về việc Kerry tham gia cuộc biểu tình phản chiến đó, nhưng ông đã thay đổi quan điểm về con người Kerry. Họ khác nhau ở nhiều điểm. Kerry cao gầy, với mái tóc sẫm màu được chải chuốt cẩn thận, mũi và cằm nhọn, đôi môi dường như nhỏ so với khuôn mặt, điều có lẽ giải thích tại sao nụ cười của ông có vẻ miễn cưỡng. Ông có thể sắm vai một thượng nghị sĩ quý tộc trong bất kỳ bộ phim nào. McCain thì giống như một người thợ sửa điện thân thiện của thượng nghị sĩ. Ông vạm vỡ, với mái tóc bạc trắng và làn da hơi nhợt nhạt của một người đã trải qua những điều khắc nghiệt. Nhưng nụ cười của ông lại dễ dàng và tự nhiên như một con thuyền đang cập bến. McCain là con cháu của các đô đốc, trong khi mẹ của Kerry thuộc tầng lớp thượng lưu ở Boston và cha ông là một quan chức ngoại giao. Kerry, một đảng viên Dân chủ theo chủ nghĩa tự do, thoải mái với vai trò là cộng sự cấp dưới của Thượng nghị sĩ Edward Kennedy; McCain tự hào kế thừa ghế Thượng nghị sĩ của Barry Goldwater. Kerry rời khỏi cuộc chiến Việt Nam với tư cách là một người phản đối chiến tranh hàng đầu, còn McCain lại là một trong số ít những anh hùng đích thực của nó.

Tuy nhiên, tên tuổi của họ đã gắn liền với nhau, không chỉ nhờ vào tình bạn đáng ngạc nhiên mà còn vì công việc mà họ đã cùng thực hiện tại Ủy ban Đặc biệt của Thượng viện. “Kerry – McCain” được nhắc đến như một từ ghép. Cụm từ này dùng để chỉ các đạo luật mà họ đã cùng bảo trợ và thể hiện một vị trí đặc biệt trong bối cảnh chính trị. Ví dụ, vào tháng 6 năm ngoái, một điều khoản do Kerry – McCain đề xuất đã cung cấp hàng triệu đô la tiền bồi thường cho các “biệt kích bị quên lãng” – những điệp viên bí mật của miền Nam Việt Nam mà CIA đã bỏ rơi từ lâu. “Mối quan hệ của chúng tôi giờ rất dễ dàng”, McCain nói với tôi, “lần gần đây nhất, về đội biệt kích… chỉ là một cuộc trò chuyện kéo dài hai phút. Chúng tôi không cần phải thăm dò quan điểm của nhau hay gì cả. Cả hai chúng tôi đều nghĩ như nhau, và cứ thế tiến hành thôi”. Tháng trước, khi một chương trình thảo luận trên kênh CNBC muốn có ý kiến về cuộc tấn công bằng tên lửa của Mỹ vào Iraq, Kerry và McCain đã xuất hiện như một cặp đôi. Bất chấp sự khác biệt về ý thức hệ, họ đã hình thành một mối quan hệ đối tác lưỡng đảng bền chặt, dựa trên một trải nghiệm chung, dù hiếm khi được nói ra, về sự mất mát, đau thương và cay đắng – những điều đã định hình cả một thế hệ người Mỹ từng chiến đấu ở Việt Nam và phản đối chiến tranh.

McCain từ lâu đã rút lại những lời ông từng nói để ủng hộ Ray Shamie vào năm 1984, và điều đó tốt cho John Kerry. Năm nay (1996), Kerry, đang tái tranh cử, có đối thủ là William Weld, Thống đốc Đảng Cộng hòa nổi tiếng của Massachusetts. Sau hai nhiệm kỳ, Kerry có một hồ sơ ấn tượng ở cả cấp quốc gia và địa phương, nhưng trong chính trường Massachusetts, ông luôn bị cái bóng của Ted Kennedy che phủ. Giờ đây, sự tương phản giữa phong thái cực kỳ nghiêm túc của Kerry và vẻ hài hước tự trào của Weld (chẳng hạn, mùa hè vừa qua, Weld đã nhảy xuống sông Charles trong trang phục chỉnh tề) lại gây khó khăn cho Kerry: ông đang ngang ngửa với Weld trong các cuộc thăm dò dư luận. Việc Kerry từ chối – hoặc không có khả năng – đóng vai một người thoải mái, dễ gần hay một người sẵn sàng bộc lộ cảm xúc chân thành dường như khiến cử tri thời Clinton không mấy mặn mà với ông. Trong thời đại mà các giá trị của phim hài và phim truyền hình dài tập chiếm ưu thế, sự kín đáo của Kerry có thể đồng nghĩa với việc hy vọng lớn nhất của ông vào tháng 11 phụ thuộc vào sức hút của Tổng thống.

Ít có điều gì có thể giúp Weld nhiều như việc lặp lại cuộc vận động của McCain chống lại Kerry tại Massachusetts vào năm 1984. Thượng nghị sĩ bang Arizona, với tầm quan trọng được thể hiện qua vai trò đề cử Dole tại Đại hội Đảng Cộng hòa, là một trong những nhà vận động tranh cử được săn đón nhất của Đảng. McCain đang nỗ lực bảo vệ thế đa số của Đảng Cộng hòa tại Thượng viện, và ông coi chủ nghĩa tự do của các thành viên Dân chủ như Kerry là một mối đe dọa với tương lai của đất nước. Tuy nhiên, khi tôi hỏi liệu ông có tham gia vận động cho Weld, McCain đã lắc đầu dứt khoát và trả lời: “Tôi đơn giản sẽ không làm điều đó. Tôi không thể làm thế. Tôi ngạc nhiên vì bạn lại hỏi như vậy. Đi vận động chống lại John Kerry là điều mà tôi sẽ không bao giờ xem xét”. Sự tận tâm của McCain đối với Kerry là một điều khác thường trong chính trường Mỹ, và việc ít cử tri tại bang nhà của Kerry biết về điều đó hay về câu chuyện đằng sau nó cho thấy sự kín tiếng của ông.

John McCain cùng các tù binh Mỹ khác được trả tự do ở Hà Nội, ngày 14/3/1973. Ảnh: Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ

John McCain và gần 600 tù binh chiến tranh khác đã trở về nhà vào đầu năm 1973, nhưng số phận của hơn 2.000 người Mỹ chưa bao giờ trở về từ Việt Nam vẫn tiếp tục ám ảnh gia đình họ và cả quốc gia. Năm đời Tổng thống đã không thể xua tan những nghi vấn xoay quanh những người mất tích, một phần vì ít nhất ba Tổng thống trong số đó đã lợi dụng vấn đề này không chút e dè. Năm 1991, Thượng viện bắt đầu xem xét vấn đề này, và John Kerry cùng John McCain trở thành trung tâm của nỗ lực giải quyết bí ẩn đó. Cuộc đấu tranh đã khiến hai nhân vật tưởng chừng không liên quan trở thành những người bạn chính trị thân thiết nhất. Không bao giờ có chuyện họ nói với nhau “Tôi quý anh, anh bạn ạ”, đặc biệt với sự kín đáo của Kerry, nhưng các sự kiện sau đó đã cho thấy mối quan hệ của họ sâu sắc và rộng lớn. “Tôi rất thích anh ấy”, McCain nói với tôi. “Chúng tôi hòa hợp rất tốt. Điểm đặc biệt ở Thượng viện là bạn không giao lưu với ai cả”. Ông nói tiếp: “Nhưng khi chúng tôi cùng đi đến Việt Nam… chúng tôi trò chuyện”.

Thật kỳ lạ nhưng cũng đầy hợp lý khi người cùng McCain có mặt tại nhà tù Hỏa Lò vào năm 1993 lại chính là John Kerry. Trong suốt hai năm trước đó, theo lời một nhân viên của McCain, họ đã “bảo vệ nhau” trong cuộc chiến chính trị về những người Mỹ mất tích. Thomas Vallely, Giám đốc Chương trình Đông Dương tại Viện Phát triển Quốc tế Harvard và là người tổ chức Chương trình Việt Nam của viện này, đã theo dõi sát sao công việc của Ủy ban Đặc biệt. Ông kể: “Trong khoảng thời gian đó, đã có một cuộc chiến thực sự về vấn đề này. Mỗi ngày, luôn có ai đó cố gắng hạ bệ người này hoặc người kia. Và mỗi ngày, họ vẫn sát cánh bên nhau… và điều đó đã tạo nên tình bạn này”.

Thượng nghị sĩ Ted Kennedy cũng quan sát tiến trình này. “Kerry và McCain đã kề vai sát cánh vào thời điểm mà những người khác trong Ủy ban chỉ đang chiều theo cảm xúc của công chúng”, ông nói với tôi. “Và những người chỉ trích họ đã rất gay gắt. Giữa họ đã hình thành một mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau”.

Mối quan hệ đó không chỉ đem lại cấu trúc và mục đích cho Ủy ban Đặc biệt mà còn nhiều hơn thế. Sự hợp tác giữa họ đã tạo ra một động lực không ngờ tới. “Đây là một sự tiếp nối của chiến tranh”, Kerry nói với tôi. “Những lời dối trá, lừa gạt và lảng tránh này đã cướp đi mạng sống của rất nhiều bạn bè tôi… Dù là John Kerry hay John McCain, những người tiếp cận theo các cách khác nhau, tất cả chúng tôi đều cảm thấy bị phản bội”. Và như Ủy ban của họ đã nghe thấy mỗi ngày trong suốt hơn một năm, điều đó vẫn đang tiếp diễn. Kerry và McCain nhận ra rằng họ vẫn còn những điều dang dở với Việt Nam – và họ đã gánh vác trách nhiệm đó cho cả quốc gia. Ted Kennedy nói với tôi: “John Kerry làm điều này vì vấn đề chiến tranh luôn cháy bỏng trong tâm hồn ông ấy, và ông ấy đã tìm thấy một tri kỷ ở John McCain”.

Thượng nghị sĩ John Kerry, Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt của Thượng viện về các vấn đề POW/MIA, cùng Thượng nghị sĩ John McCain xem xét danh sách tổng hợp những người Mỹ mất tích trong một phiên điều trần của Ủy ban tại Điện Capitol, Washington, ngày 24/6/1992. Ảnh: John Duricka / AP

Ngay sau khi Kerry và McCain trở về từ Hà Nội, họ đã báo cáo với Tổng thống Clinton trong cuộc họp đầu tiên trong hai cuộc họp quan trọng tại Nhà Trắng. Họ xây dựng một liên minh mới tại Thượng viện. Sau Ngày Lễ Chiến sĩ Trận vong đó, họ trở về từ Việt Nam để khép lại chiến tranh.

2. Cơn thịnh nộ và tình bạn

John Kerry đôi khi bị miêu tả là một chính trị gia toan tính, cơ hội. Khi ông bắt đầu hẹn hò – và rồi kết hôn năm ngoái – với Teresa Heinz, góa phụ cực kỳ giàu có của Thượng nghị sĩ bang Pennsylvania John Heinz, một số người cho rằng đây là một cuộc hôn nhân quá thuận lợi đối với Kerry (ông có hai con gái lớn từ cuộc hôn nhân đầu tiên, kết thúc bằng ly hôn). Nhưng đó là chuyện cá nhân, còn điều bị nghi vấn nhiều nhất lại chính là hành động công khai nổi bật nhất trong sự nghiệp lâu dài của Kerry: Nhiều năm sau sự kiện đó, có thông tin rằng những huân chương ông ném qua hàng rào Điện Capitol vào năm 1971 không phải là của ông. Chúng thuộc về hai cựu binh khác, những người không thể có mặt ở đó. Về phần mình, Kerry chỉ ném đi các dải ruy băng đi kèm với huân chương của ông. Một hành động đạo đức giả? Một dấu hiệu của thái độ cái gì cũng muốn? Nhiều cựu binh tham gia cuộc biểu tình đó cũng đã ném đi những dải ruy băng nhưng giữ lại huân chương; rất ít người ném cả hai. Những bức ảnh chụp bậc thềm Điện Capitol cho thấy huân chương, ruy băng, phù hiệu và cả giấy xuất ngũ bị ném đi. Đối với các cựu binh, việc họ chọn vứt bỏ thứ gì không phải là vấn đề, nhưng điều đó lại thường được viện dẫn để chống lại Kerry.

Tôi đã nghe Kerry phát biểu phản đối chiến tranh nhiều lần, bắt đầu từ mùa thu năm 1970. Tôi chưa bao giờ nghi ngờ, và đến giờ vẫn không nghi ngờ, tính chân thực trong hành động của ông. Cơ hội chủ nghĩa ư? Có thể Kerry đã nuôi tham vọng chính trị khi trở về từ Việt Nam, nhưng với những chia rẽ trong thời kỳ đó, ông có lý do chính đáng để tin rằng điều ông thực sự từ bỏ chính là cơ hội chính trị lớn nhất của mình.

Lúc đó, tôi là một linh mục Công giáo – tuyên úy tại Đại học Boston và là tình nguyện viên vận động cho linh mục Dòng Tên phản chiến Robert Drinan, người đang chạy đua vào Quốc hội. Kerry đôi khi giới thiệu Drinan tại các buổi vận động, và tôi nhớ đã từng chứng kiến một lần tại Đại học Boston. Người cựu binh Hải quân trẻ tuổi là một hình ảnh mà phong trào hòa bình chưa từng thấy trước đây. Tôi nhớ sự im lặng tò mò trong hội trường chật kín khi những thanh niên tóc dài ăn mặc lôi thôi của phong trào phản văn hóa dõi theo người quân nhân gầy guộc, chỉnh tề tiến lên bục phát biểu. Tôi nhớ vẻ dứt khoát đầy quyền uy khi ông thu hút sự chú ý của chúng tôi. John Kerry hiểu về chiến tranh không phải theo cách trừu tượng như những nhà tiên tri hòa bình khác. Trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện vào mùa xuân năm 1971, ông đã làm chứng: “Chúng tôi đã chứng kiến Việt Nam bị tàn phá ngang nhau bởi bom Mỹ, cũng như bởi các chiến dịch tìm – diệt, cũng như bởi khủng bố của Việt Cộng, nhưng chúng tôi vẫn phải lắng nghe khi đất nước này cố gắng đổ lỗi tất cả sự tàn phá đó cho Việt Cộng… Chúng tôi học được ý nghĩa của các khu vực bắn tự do – bắn vào bất cứ thứ gì chuyển động… Chúng tôi đã chứng kiến việc làm giả số lượng thương vong của Mỹ… Mỗi ngày, để tạo điều kiện cho quá trình rũ bỏ trách nhiệm của Mỹ ở Việt Nam, ai đó phải hy sinh mạng sống của mình để Mỹ không phải thừa nhận điều mà cả thế giới đã biết, để chúng ta không phải nói rằng chúng ta đã phạm sai lầm. Ai đó phải chết để Tổng thống Nixon không trở thành “Tổng thống đầu tiên thua một cuộc chiến”, theo chính lời ông ấy.

John Kerry chuẩn bị phát biểu trên bậc thềm Điện Capitol vào ngày 23/4/1971, khi ông tham gia một cuộc biểu tình cùng hàng nghìn cựu binh khác. Tại đây, Kerry và các cựu binh đã ném huân chương và ruy băng qua hàng rào dựng trước tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ để bày tỏ sự phản đối cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam. Ảnh: Ken Hawkins

“Chúng tôi đang kêu gọi người Mỹ suy nghĩ về điều đó, bởi làm sao bạn có thể yêu cầu một người lính trở thành người cuối cùng chết ở Việt Nam? Làm sao bạn có thể đòi hỏi một người lính trở thành người cuối cùng hy sinh mạng sống vì một sai lầm?” Những lời của John Kerry – sự thật được rút ra từ trải nghiệm thực tế – đã xuyên qua những sáo ngữ chính trị phóng đại và gây tiếng vang với giới cầm quyền. Nhưng đối với những người cùng thế hệ với ông, lời chứng này còn mang một ý nghĩa khác: Kerry không chỉ lên tiếng cho những người đã ra trận mà còn cho cả những người phản đối chiến tranh. Là con trai của một quân nhân, tôi đặc biệt xúc động. Tôi là một người theo chủ nghĩa hòa bình nhưng có một bí mật: tôi đã lớn lên với niềm tin vào lý tưởng danh dự quân đội và vẫn khao khát một sự cứu rỗi cho nó. Nhiều năm sau, tôi mới hiểu rõ hơn cách cha tôi và những người như ông đã cố gắng bảo vệ sự chính trực về mặt đạo đức của đất nước chúng ta. Nhưng vào thời điểm đó, Kerry là người duy nhất khiến tôi cảm thấy rằng ta có thể vừa là một người yêu nước vừa là một người phản đối chiến tranh.

“Vì tinh thần cao cả và gan dạ nổi bật trong chiến đấu” – đây là trích đoạn từ bản tuyên dương chính thức đi kèm Huân chương Sao Bạc được trao cho John Kerry vì hành động của ông trong trận chiến trên vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long vào ngày 28/2/1969. “Chiếc xuồng của Kerry bị trúng một quả rocket B-40 ở cự ly gần. Một lần nữa, Thiếu úy Hải quân Kerry ra lệnh cho đơn vị xông lên tấn công các vị trí của địch… Xuồng tuần tra cao tốc số 94 sau đó lao thẳng vào giữa trận địa đối phương, một lính địch bất ngờ bật dậy từ vị trí cách xuồng chưa đầy 10 feet (khoảng 3 mét) và bỏ chạy. Không do dự, Thiếu úy Kerry nhảy lên bờ, truy đuổi kẻ địch ra phía sau một túp lều và tiêu diệt hắn, đồng thời thu giữ một khẩu súng phóng lựu B-40 đã lên đạn”.

Gần đây, tôi hỏi Kerry về người mà ông ấy đã giết. Chúng tôi trò chuyện hơn một giờ, và lần đầu tiên ông ngập ngừng. Rồi ông nói: “Hoặc là anh ta, hoặc là chúng tôi. Chỉ đơn giản vậy thôi. Tôi không biết vì sao người chết không phải là chúng tôi – ý tôi là, đến tận bây giờ tôi vẫn không hiểu. Anh ta đã chĩa một quả rocket thẳng vào xuồng của chúng tôi. Anh ta nhô lên từ một cái hố, và không ai trong chúng tôi nhìn thấy anh ta cho đến khi anh ta đã đứng ngay trước mặt, nhắm thẳng vào chúng tôi. Nhưng vì một lý do nào đó, anh ta không bóp cò mà quay lưng bỏ chạy. Anh ta đã sốc khi thấy xuồng của chúng tôi ngay trước mặt. Nếu anh ta bóp cò, tất cả chúng tôi hẳn sẽ chết… Tôi sẽ không kể hết mọi chuyện. Tôi không muốn và cũng không thể. Những điều có lẽ đã thực sự khiến tôi thay đổi, tôi chưa từng nói với ai cả. Không ai có thể hiểu được”. Kerry dừng lại. Ông im lặng. Cuối cùng, ông kết luận: “Những chuyện này rất riêng tư. Đó là tuổi trẻ của chúng tôi”.

Đó là sự vô tội mà ta vẫn tưởng, là sự đơn giản về mặt đạo đức. Một người lính Việt Nam, vì những lý do sẽ mãi mãi không ai biết, đã không thể ra tay giết John Kerry và đồng đội của ông. Đổi lại, John Kerry đã giết anh ta. Tất nhiên, sự kiện này mang trong nó một nghịch lý đạo đức: Liệu Kerry có thể đơn giản để người lính đó chạy thoát không? Nhưng còn khẩu rocket đã nạp đạn thì sao? Chính nghịch lý này khiến sự việc không chỉ đơn thuần là một hành động anh hùng, mà thay vào đó, đối với cả kẻ giết và người bị giết, nó trở thành một bi kịch.

Kerry hiếm khi nói về trải nghiệm chiến đấu của mình. Một trợ lý cấp cao nhớ rằng lần duy nhất ông công khai nhắc đến nó là khi ông lên tiếng phản đối chiến dịch Bão Sa Mạc. Sau cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh ngắn ngủi nhưng dữ dội, một nhóm thượng nghị sĩ đã bay đến Kuwait trong một chuyến thị sát. Kerry là một trong số họ, và McCain cũng vậy. Việc họ tình cờ cùng có mặt trên chiếc máy bay vận tải quân sự C-135 trống trải vào năm 1991 đã tạo cơ hội cho cuộc tiếp xúc lâu dài đầu tiên giữa hai người.

“Đêm đó, chúng tôi ngồi đối diện nhau trên máy bay”, Kerry kể lại với tôi. “John mặc áo khoác phi công” – chiếc áo khoác do Hải quân cấp từ thời ông còn học trường phi công, với dòng chữ “Trung úy McCain” trên phù hiệu. Lúc này, chiếc áo đã hơi chật.

“Chúng tôi bắt đầu nói về chiến tranh, về Việt Nam, về nhà tù – những gì đã xảy ra với anh ấy và tất cả những chuyện đó… Trước đây chưa từng có điều gì gắn kết chúng tôi, và lúc đó, chúng tôi cứ thế trò chuyện. Chúng tôi nói về điều tôi đã làm”. Kerry đang nhắc đến sự kiện mà McCain từng chỉ trích trong chiến dịch vận động năm 1984. “Nhưng đến lúc này, chuyện đó không còn là rào cản lớn nữa”, ông kể tiếp. “Phải công nhận rằng, John cũng không cố biến nó thành rào cản. Anh ấy cho thấy rõ rằng mình đã bỏ lại tất cả những chuyện đó phía sau… Chiến tranh là một giai đoạn khó khăn đối với rất nhiều người, vì rất nhiều lý do. Cả hai chúng tôi đều quyết định gác lại tất cả những chuyện ấy và cùng nhau làm một điều gì đó”.

Trong chuyến thăm lại Cà Mau ngày 14/1/2017, Ngoại trưởng John Kerry bắt tay ông Võ Ban Tâm, 70 tuổi, người đã tham gia tấn công chiếc xuồng của John Kerry ngày 28/2/1969. Ảnh: Alex Brandon / AP

Các sự kiện đã mang đến cho họ một nhiệm vụ chung. Chỉ vài tháng sau cuộc trò chuyện trên chiếc C-135, tranh cãi cũ về việc lính Mỹ bị bỏ rơi ở Việt Nam lại bùng lên khi trang nhất các tờ báo và sau đó là trang bìa tạp chí Newsweek đăng một bức ảnh được cho là chụp ba tù binh Mỹ vẫn còn bị giam giữ. Ẩn sau vấn đề này, như mọi khi, là cuộc chiến chưa bao giờ thực sự kết thúc. “Tôi thực sự đã đặt mục tiêu mang đến một cái kết cho cuộc chiến đó”, Kerry nói với tôi. “Tôi biết rằng về mặt chính sách, điều đó cần phải xảy ra, và tôi nghĩ John cũng cảm thấy như vậy”. McCain đã đem đến cho Kerry sự chính trực không thể nghi ngờ về vấn đề cuộc chiến mà cả hai đều muốn chấm dứt. Kerry là người thúc đẩy quá trình này, nhưng chỉ có McCain mới có thể giúp ông hoàn thành nó.

Là một tù binh ở Hỏa Lò, nằm trên chiếc giường sắt trong xà lim ẩm thấp với ô cửa sổ “bé tí”, John McCain đã ru mình vào giấc ngủ mỗi đêm bằng cách ghi nhớ tên của các tù binh đồng đội. “Tôi bắt đầu với chữ A”, ông kể, rồi tiếp tục mô tả cách ông biết về sự xuất hiện của những tù binh mới thông qua hệ thống gõ mã tín hiệu. “Tôi đặt họ vào từng vị trí trong bảng chữ cái… Tôi gắn tên họ với một ý nghĩa nào đó: Brudno thì nghĩ đến ‘brute’ (kẻ thô bạo); Baker thì tôi nghĩ đến một ổ bánh mì. Tôi nhớ số lượng cái tên bắt đầu bằng mỗi chữ cái”. Đêm này qua đêm khác, suốt nhiều năm, McCain giữ một danh sách trong trí nhớ với tên của khoảng 170 tù binh. Hành động ghi nhớ này, cùng những việc làm tương tự của các tù binh khác, chính là khởi nguồn của “Bản danh sách” (The List), thứ đã ám ảnh nước Mỹ trong nhiều thập kỷ.

Trong năm đầu tiên McCain bị giam giữ tại Hỏa Lò, cha của ông, Đô đốc Jack McCain, được bổ nhiệm làm Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (CINCPAC). Có lẽ vì lý do đó, Hà Nội đã đề nghị thả ông. Trên tường văn phòng của McCain tại Washington treo một bức điện tín của Bộ Ngoại giao, đề ngày 13/9/1968. Nó cũng có dấu xác nhận giải mật vào ngày 24/9/1992. Đây là một báo cáo gửi về Washington từ trưởng đoàn đàm phán Mỹ tại hội nghị hòa bình Paris năm 1968. Văn bản ghi: “Trong giờ giải lao cuối cùng, có mặt Lê Đức Thọ. Ông ta cho biết Bắc Việt Nam đã dự định thả con trai Đô đốc McCain như một trong ba phi công vừa được phóng thích gần đây, nhưng anh ấy đã từ chối”. Bức điện được ký tên “Harriman”.

Dù những vết gãy xương từ vụ bắn rơi máy bay gần một năm trước không được nắn chỉnh đúng cách và sức khỏe ngày càng suy yếu, McCain vẫn từ chối được thả: quy tắc danh dự của tù binh chiến tranh yêu cầu các tù binh phải được trả tự do theo thứ tự bị bắt, và có những người đã bị giam lâu hơn ông. McCain không được thả cho đến gần 5 năm sau đó, khi tất cả tù binh tại Hỏa Lò được trả tự do. Robert Timberg đã kể lại câu chuyện của McCain trong cuốn sách The Nightingale’s Song (Tiếng hát chim sơn ca) xuất bản năm 1995, một nghiên cứu về 5 cựu sinh viên Học viện Hải quân Annapolis. Khi McCain từ chối được thả vào năm 1968, một lính canh nói với ông: “Bây giờ, McCain, mọi chuyện sẽ rất tệ với anh”. Một chế độ tra tấn và đánh đập bắt đầu. Người Việt Nam tìm cách bẻ gãy ý chí của McCain.

Sau một tuần, ông gục ngã. Ông ký vào một bản thú tội với nội dung: “Tôi là một tên tội phạm xấu xa và tôi đã thực hiện những hành động của một giặc lái. Tôi suýt chết, và nhân dân Việt Nam đã cứu mạng tôi”. Khi bị đưa trở lại xà lim, McCain đã thay đổi. “Sự ngạo nghễ đã biến mất, thay vào đó là một nỗi tuyệt vọng nghẹt thở”, Timberg viết. “Anh nhìn lên ô cửa trên cao, rồi nhìn chiếc ghế nhỏ trong phòng. Anh cởi chiếc áo tù màu xanh đậm, cuộn lại như một sợi dây, quàng một đầu qua vai, rồi bắt đầu luồn đầu còn lại qua song cửa…”

“Một lính canh lao vào phòng, kéo McCain ra khỏi cửa sổ”.

Khi tôi hỏi McCain về thái độ của ông đối với các hoạt động phản chiến của John Kerry – điều mà ông vẫn không tán thành – câu trả lời của ông lại hướng về những điều mà chính ông vẫn chưa thể chấp nhận ở bản thân. Nhắc đến The Nightingale’s Song, ông hỏi: “Anh có đọc trong cuốn sách đó rằng tôi đã thất bại không? Vậy chẳng phải điều đó giúp tôi hiểu rằng người khác cũng có thể thất bại hay sao? Tôi biết quy tắc ứng xử là gì. Tôi biết mình phải làm gì và tôi biết rằng mình phải làm mọi thứ có thể để đạt được mục tiêu đó – mọi thứ mà con người có thể làm được. Điều đó rất rõ ràng với tôi. Và, như anh biết đấy, Jim” – đây là lần đầu tiên McCain gọi tôi một cách thân mật – “anh hiểu điều này hơn bất kỳ ai từng phỏng vấn tôi”. Câu nói thẳng thắn ấy có thể bị xem như một chiêu trò khéo léo của một chính trị gia lão luyện nhằm ve vuốt cái tôi của người viết, nhưng bản năng của tôi lại mách bảo điều khác. Tôi biết rằng McCain đang nghĩ đến cha ông và cha tôi, những người từng là đồng đội. Khi Thiếu tá John McCain III bị bắn hạ, và khi Đô đốc McCain giữ chức CINCPAC, cha tôi – Trung tướng Joseph F. Carroll (Không quân Hoa Kỳ) – là giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA), người chịu trách nhiệm theo dõi các tù binh chiến tranh ở Việt Nam. Không loại trừ khả năng, như một phép lịch sự, cha tôi đã đích thân báo cáo cho Đô đốc McCain về những thông tin mà DIA thu thập được liên quan đến tình trạng của con trai ông.

“Khi anh lớn lên trong môi trường đó, tiêu chuẩn của cha anh rất rõ ràng”, McCain nói. “Tiêu chuẩn của tôi cũng rõ ràng, và tôi biết ông già vẫn đang ở ngoài kia, và tôi không muốn ông ấy… Anh biết đấy”. Tôi hiểu. Có thể tôi đã mạo muội, nhưng tôi nói với McCain rằng, hơn bất kỳ hành động anh hùng nào của ông, tôi coi khoảnh khắc ông bị hạ nhục mới là chìa khóa để hiểu con người ông đã trở thành. “Tôi nghĩ anh nói đúng”, ông đáp. “Đó thực sự là một điểm khủng hoảng. Có lẽ nó đã thay đổi phần nào hướng đi của cuộc đời tôi, và khiến tôi trở thành một con người khác trong quan hệ với người khác”. Rồi sự ngập ngừng biến mất khỏi giọng nói của ông. “Không còn nghi ngờ gì về điều đó”, ông nói.

Không lâu sau khi McCain bị bắt vào năm 1967, một phái đoàn các nhà hoạt động hòa bình Hoa Kỳ, do Tom Hayden dẫn đầu, đã đến nhà tù Hỏa Lò. Nhiều năm sau, Hayden và McCain gặp lại nhau trong một trường quay của kênh ABC, tại một chương trình nhìn lại Chiến tranh Việt Nam do Peter Jennings dẫn. “Có khoảng 25 người ở đó”, gần đây Hayden kể lại với tôi. “Tôi nhìn thấy McCain. Khi ông ấy thấy tôi, trông ông có vẻ lạnh lùng và không thoải mái. Căn phòng rất đông. Tôi tiến lại gần và nói vài lời về sự hòa giải. Khuôn mặt ông ấy giãn ra. Ông đưa tay ra với tôi và chào tôi một cách nồng ấm”.

McCain nhớ lại cuộc gặp với Hayden tại ABC, và đồng ý rằng đó là một sự kiện có ý nghĩa. “Tôi nghĩ đó là một cơ hội để nói rằng chúng tôi hiểu quan điểm của nhau”, ông nói.

Hayden, khi nhắc đến một điều tôi đã viết trong một ngữ cảnh khác, nói với tôi rằng McCain “có tâm thế của một người đã được tha thứ”, ý rằng McCain hiểu thế nào là cần được tha thứ, và đó cũng là cách duy nhất để học cách tha thứ. Ông là con cháu của những anh hùng, nhưng đối với chính mình, ông cảm thấy đã phản bội truyền thống ấy. Và ông đã đi theo cùng một hành trình mà đất nước của ông đang trải qua – từ niềm tin chắc chắn vào sự vượt trội đạo đức đến cảm giác tủi hổ và ô nhục.

Giờ đây, McCain đã rời xa suy nghĩ về cái chết. Ông đã trải qua nhiều khó khăn, bao gồm cả một vụ bê bối chính trị – ông từng nằm trong nhóm “Keating Five”[3] – và những rạn nứt đau đớn trong đời sống gia đình. Cuộc hôn nhân đầu tiên của ông với Carol Shepp, mẹ của ba người con lớn, không thể tồn tại sau khi ông trở về từ Việt Nam (với người vợ thứ hai, Cindy Hensley, ông bắt đầu một gia đình mới, có hai con trai và hai con gái). Dù vậy, nhận xét của Tom Hayden dường như vẫn đúng. McCain mang dáng vẻ của một người đã tìm được sự bình yên với chính mình và với thế giới. “Chúng tôi có một ngôi nhà ở phía bắc Arizona, trong một thung lũng nhỏ”, ông nói. Lúc đó, chúng tôi đang ngồi trong văn phòng của ông, và tôi thấy nét mặt ông thư giãn khi kể chuyện. “Và niềm vui lớn nhất của tôi – điều này chứng tỏ tôi đã già rồi – là thức dậy vào buổi sáng, rót một tách cà phê, ra ngồi trên một chiếc ghế bên suối và ngắm mặt trời mọc. Tôi không thể diễn tả được tôi hạnh phúc đến nhường nào. Tôi không thể diễn tả được sự bình yên trong lòng mình khi nghĩ về cuộc đời, gia đình, đất nước, bạn bè. Đôi khi tôi cảm thấy mình may mắn hơn nhiều so với những gì mình đáng được hưởng. Tôi đã có một trải nghiệm kinh khủng. Nhưng tôi trở thành một con người tốt hơn nhờ trải nghiệm ấy, đến mức, ở một khía cạnh nào đó, tôi thấy mình thật may mắn”.■ (còn nữa)

James Carroll

Thanh Trà (dịch)

Chú thích:

[1] Lễ Chiến sĩ Trận vong (Memorial Day) là một ngày lễ liên bang tại Hoa Kỳ, diễn ra vào ngày thứ Hai cuối cùng của tháng 5 hằng năm, để tưởng nhớ và vinh danh những quân nhân Hoa Kỳ đã tử nạn trong quân ngũ. (ND)

[2] Khoảng 2,7-3 mét x 2 mét. (ND)

[3] Keating Five là nhóm gồm năm thượng nghị sĩ Mỹ bị cáo buộc giúp đỡ Charles Keating, một doanh nhân dính líu đến vụ bê bối tài chính lớn vào cuối những năm 1980. (ND)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN