Bức tranh nhiều mảng tối của CIA tại Sài Gòn trước tháng 4/1975

Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) đã có các hoạt động tình báo tại Việt Nam từ những năm 1950, và ngày càng mở rộng can thiệp vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam trên nhiều khía cạnh chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội, tâm lý chiến… ở cả hai miền Nam – Bắc. Tuy nhiên, cơ quan này cũng đã góp một phần không nhỏ trong thất bại thảm hại của Mỹ tại Việt Nam vào tháng 4/1975. Tạp chí Phương Đông lược dịch giới thiệu tới độc giả các chương 43, 45 cuốn sách “The secret history of the CIA” (Lịch sử bí mật của CIA) xuất bản năm 2001 của phóng viên điều tra người Mỹ Joseph J. Trento, để thấy được bức tranh nhiều mảng tối của CIA nói chung và của Trạm CIA Sài Gòn dưới chế độ Mỹ – Ngụy nói riêng.

Đại lộ Thống Nhất – Những “cựu binh” Berlin

Trụ sở của CIA tại Sài Gòn chiếm 3 tầng trên cùng của tòa nhà Đại sứ quán Mỹ trên đường Thống Nhất. Khi Hoa Kỳ ngày càng lún sâu vào vực thẳm quân sự, con số 40 sĩ quan tình báo tại Trạm CIA Sài Gòn đã phình lên thành 400, và cuối cùng lên tới hơn 1.000 người. Ngoài ra còn có 3.000 điệp viên khác hoạt động cho CIA tại các cơ sở khác trên toàn đất nước Việt Nam, trong các nỗ lực “bình định”.

Rất nhiều sĩ quan quản lý mạng lưới tình báo được cử tới Sài Gòn là những “cựu binh” tại Cơ sở CIA Berlin, và có thể dự đoán được rằng các sai lầm họ từng mắc phải ở Berlin sẽ được lặp lại ở Việt Nam, cũng giống như ở Cuba trước đó. Khác biệt lớn nhất là cái giá phải trả. Thay vì vài nghìn người Đức, Hungary và các nước Đông Âu khác đã bị hy sinh cho các chính sách sai lầm, con số ở đây là 58.000 người Mỹ và hàng trăm nghìn người Việt Nam. Song chính sách này vẫn tiếp tục được duy trì rất lâu sau khi công chúng Mỹ đã phải chịu đựng quá đủ.

Tòa nhà Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn với những lỗ đạn lớn sau khi bị đặc công ta đánh chiếm rạng sáng 31/1/1968. Ảnh: US Army Military History Institute

Việc các lãnh đạo CIA lựa chọn đưa các cựu binh ở Cơ sở Berlin tới hoạt động ở Sài Gòn gần như đã đảm bảo chắc chắn cho thất bại đang định hình cho nước Mỹ. Frank Snepp, người từng hai lần nhận công tác tại Trạm Sài Gòn, viết rằng: “Rất nhiều trong số các sĩ quan quản lý mạng lưới điệp viên được đưa sang Việt Nam là những người Đức hoặc Mỹ Latinh kỳ cựu không hiểu biết gì về đất nước này và cũng không buồn tìm hiểu gì thêm. Nhưng trong vòng khoảng một tháng sau khi đến nơi và không hề được đào tạo về ngôn ngữ hay về bất cứ thứ gì, họ thường thấy mình bị đày ải tới một tiền đồn khỉ ho cò gáy nào đó ở Tây Nguyên hoặc ở vùng đồng bằng, phải chịu trách nhiệm tuyển mộ điệp viên, thu thập thông tin tình báo và quản lý một chương trình vô định hình mới để cứu vùng nông thôn, gọi là “Xây dựng Nông thôn”.

Xây dựng Nông thôn là một mô tả nhạt nhẽo hầu như không ám chỉ gì đến các hoạt động được tiến hành theo chương trình “Hoạt động dân sự và Hỗ trợ phát triển nông thôn” – gọi tắt là CORDS. Ý tưởng ở đây là: trong chiến tranh du kích, hành động quân sự là không đủ. Như lời Lyndon Johnson thì nước Mỹ phải “chiếm được trái tim và tâm trí” của người dân Việt Nam. CORDS là một chương trình kiểu “cây gậy và củ cà rốt” được thiết kế để phá hoại lực lượng du kích Cộng sản ở miền Nam Việt Nam (Việt Cộng). Nó sẽ mang lại cho người dân Việt Nam ở vùng nông thôn một phần thưởng nào đó về kinh tế nếu họ dùng “cây gậy” chống lại Việt Cộng dưới một chương trình tách biệt gọi là Phượng Hoàng (PHOENIX). Chương trình CORDS bắt nguồn từ CIA từ những ngày đầu của Chính quyền Johnson. Khi William Colby tới Việt Nam năm 1968 để điều hành CORDS, ông ta đã được trao hàm Đại sứ, cho thấy Chính phủ Mỹ đánh giá rất cao tầm quan trọng các chương trình này đối với thành công của các nỗ lực chiến tranh của Mỹ.

Để nhận được phần thưởng theo chương trình Phượng Hoàng, người dân miền Nam Việt Nam phải chỉ điểm các cán bộ Việt Cộng, bắt giữ họ và giao nộp để thẩm vấn. Không may là những người Việt Nam muốn được thưởng lại chẳng để tâm nhiều đến chứng cứ thực sự để xác định xem ai đó có phải là một lãnh đạo Việt Cộng hay không. Các cuộc thẩm vấn ngày càng mở đường cho việc tra tấn và ám sát. Nhờ các cựu binh Berlin tại Trạm CIA Sài Gòn, chiến dịch Phượng Hoàng đã trở thành một “Chiến dịch Cầy mangut”[1] phiên bản châu Á, khi Chính phủ Hoa Kỳ vô tình tài trợ cho việc ám sát hàng nghìn người Việt Nam vô tội. Thay vì “chiếm được trái tim và tâm trí” của họ, chương trình này đã khiến nhiều người Việt Nam căm ghét các đồng minh Hoa Kỳ. Họ coi Hoa Kỳ là người bảo trợ cho hình thức khủng bố tồi tệ nhất ấy.

Sam Wilson, sĩ quan CIA kỳ cựu từng đóng tại Berlin, trên giấy tờ là người đứng đầu Chương trình Bình định của Cơ quan Phát triển Quốc tế AID, nhưng trên thực tế là người phụ trách cấp độ đầu tiên của các chương trình ám sát – Điều phối và Khai thác Nội bộ, ICEX – một phần của cả CORDS và Phượng Hoàng. Năm 1966, sau khi xung phong sẽ thể hiện CORDS hoạt động hiệu quả như thế nào, Wilson đã thành lập một đội AID “hình mẫu” ở tỉnh Long An. Washington thường xuyên nhận được các báo cáo ca ngợi các nỗ lực của Wilson như một thành công vang dội, nhưng chỉ trong vòng một năm, Wilson đã rời khỏi Việt Nam trong sự chán ghét và tin rằng Hoa Kỳ không thể chiến thắng cuộc chiến này. Tuy nhiên, vì vẫn còn những tham vọng sự nghiệp cả trong quân đội và trong cộng đồng tình báo nên ông ta đã giữ im lặng.

Lính Mỹ sục sạo các ngôi làng để truy tìm và thẩm vấn những người nghi là Việt Cộng, mùa hè năm 1969. Ảnh: Getty

Vào thời kỳ cao trào của cuộc chiến, Việt Nam là nơi đan xen nhiều chiến dịch của cả quân đội Mỹ, CIA và AID. Những mối liên hệ mà Kennedy đã thiết lập giữa Lầu Năm góc và CIA trong vấn đề Cuba giờ đây phát triển thành một sự hợp tác chung quân sự – tình báo.

Sự xảo trá chuyên nghiệp

Hàng chục nghìn người Mỹ không phải là quân nhân kéo sang Việt Nam bắt đầu coi đất nước bị vây hãm này như một thuộc địa của Hoa Kỳ. John Sherwood, người từng sang Sài Gòn một nhiệm kỳ trên cương vị người phụ trách các hoạt động bí mật, nói rằng: “Người Việt Nam coi chúng ta như đế quốc, chứ không phải đối tác hay vị cứu tinh gì”. Sự nghiệp lâu năm của Lucien Conein tại CIA đã chấm dứt năm 1967 khi một bữa tiệc điên rồ ông ta tổ chức tại khách sạn Duc Hotel – nơi cung cấp chỗ ở tạm thời cho những người mới đến, cách Trạm CIA Sài Gòn 3 dãy phố – trở thành bữa tiệc bạo lực (mặc dù Conein vẫn có tên trong bảng lương của CIA với tư cách sĩ quan hợp đồng). Những nhân vật cấp cao hơn như William Colby, người đã ở Việt Nam gần 12 năm, thì sử dụng một câu lạc bộ tư nhân là Le Cercle Sportif làm trung tâm giao du của họ ở Sài Gòn. Đây là nơi các trưởng trạm và những vị khách tới thăm, ăn uống, bơi lội và chơi tennis trong khi Việt Nam chìm trong khói lửa. Nhiều người phục vụ tại đây là gián điệp cho Bắc Việt hoặc Việt Cộng.

Trạm CIA Sài Gòn giống với Trạm Berlin ở nhiều điểm. Thiếu hoạt động phản gián, thiếu sự chú ý tới chi tiết, nạn nhậu nhẹt và gái gú – tất cả đều góp phần vào bức tranh ảo tưởng mà CIA thêu dệt nên về những gì đang diễn ra ở Việt Nam.

Tình hình trở nên tồi tệ hơn nhiều khi John Limond Hart – cựu Giám đốc khu vực Tây Âu của CIA – sang làm Trưởng trạm Sài Gòn vào năm 1966. Sherwood nói về Hart: “Tôi biết khi ở Việt Nam… ông ta thường xuyên uống thuốc và nghiện ngập… Tôi thường phải thức dậy vào buổi đêm vì tôi là người phụ trách vấn đề chính trị… Tôi phải có mặt để viết một bức điện, và tôi luôn muốn báo cho John [Hart] biết nếu chuẩn bị gửi đi một nội dung quan trọng”. Sherwood nói rằng rất nhiều lần ông ta thấy sếp của mình nói năng không mạch lạc do say xỉn.

Khi còn ở Berlin, Sherwood từng dành thời gian suy nghĩ xem điều gì đã sai. Giờ đây ông ta cũng làm như vậy ở Sài Gòn. Không có gì thay đổi. CIA vẫn sử dụng những phương pháp cũ và nói những lời dối trá cũ, nhưng lần này họ đang cung cấp những thông tin tình báo mà binh lính Mỹ phải phụ thuộc vào đó trên chiến trường. Trong suốt tiến trình cuộc chiến, CIA dần bộc lộ một sự xảo trá chuyên nghiệp. Họ không thể thu thập được các con số – là thông tin tình báo cực kỳ đáng tin cậy. Họ ký xác nhận vào những thông tin tình báo sai trắng trợn được cung cấp bởi Tướng William Westmoreland và những người khác – những người hy vọng quảng bá thêm cho cuộc chiến tranh ở nước nhà. CIA đã góp phần vào những điều mà Walt Rostow, William và McGeorge Bundy, và Robert McNamara đang cố thuyết phục Kennedy và Johnson. Kết quả là cuộc chiến tranh Việt Nam không chỉ chia rẽ nước Mỹ: nó đã gieo xuống những hạt mầm ngờ vực giữa người dân và Chính phủ Mỹ.

Minh họa sinh động nhất cho thất bại của CIA là vào tháng 1/1968. Cơ quan này tự tin nói với Nhà Trắng rằng Sài Gòn là nơi Việt Cộng không thể đánh vào được. Nhưng Sherwood, người vẫn thích ra khỏi văn phòng và đi dạo trên phố, thì nghĩ khác. Những gì Sherwood nhìn thấy khiến ông ta tin rằng Sài Gòn rất dễ bị tấn công. Khi trở về Washington vào tháng 1 năm đó, ông ta đã viết một báo cáo nói về điều này. Vì Sherwood đã làm người phụ trách các hoạt động bí mật ở Sài Gòn, nên báo cáo của ông không thể bị phớt lờ hoàn toàn.

Khi Giám đốc CIA Richard Helms nhận được báo cáo của Sherwood, ông ta đã mời Sherwood tới ăn trưa tại phòng tiệc riêng của mình ở Langley (trụ sở chính của CIA) cùng một số người khác như William Colby, người đang chuẩn bị quay lại Việt Nam để phụ trách chương trình CORDS, và George Carver, người đã ở Việt Nam hơn một thập kỉ và khi đó đang là Trưởng trạm. Sherwood nhớ lại: “Nội dung thảo luận là bản báo cáo của tôi…” Một người khách cho rằng báo cáo đó sẽ gây hoang mang và không cần thiết. Sau khi bản báo cáo đã bị phê phán triệt để, Helms dẫn các vị khách mời xuống phòng dưới, “nơi có rất nhiều bản đồ và các tướng tá ra vào… Chúng tôi đang đứng đó thì một thiếu tá bước tới và nói: Thưa ngài Carver, tôi có một bức điện cho ngài. Đại sứ quán ở Sài Gòn đang bị vây hãm”. Chiến dịch Tết đã bắt đầu. Trước sự kinh hoàng của họ, Sherwood đã đúng.

William Colby (trái), người gắn liền với chiến dịch Phượng Hoàng tàn bạo tại miền Nam Việt Nam. Colby là Giám đốc trạm CIA Sài Gòn từ 1959-1962, đến năm 1973 trở thành Giám đốc CIA. Ảnh trong phim tài liệu “The Man Nobody Knew” (2011) do chính con trai Colby đạo diễn.

Sự thiếu chuẩn bị của CIA trước Chiến dịch Tết Mậu Thân – 1968 rất điển hình cho sự yếu kém mà Sherwood đã chứng kiến trong suốt sự nghiệp của ông ta, và một lần nữa nó lại gây thiệt hại về người. Và lần này là mạng sống của các quân nhân Mỹ. Lời khẳng định tự dối mình của CIA rằng Việt Cộng không thể hành động ở Sài Gòn đã gây ra chết chóc. Cho tới khi những tiếng súng đầu tiên nổ ra, các cấp bậc trong CIA đều không chịu tin những lời cảnh báo và thông tin tình báo thực sự, thậm chí từ chính người của họ. May cho Mỹ là cảnh sát của Tướng VNCH Nguyễn Ngọc Loan đã giữ được Dinh Tổng thống và đài phát thanh – mặc dù các quan chức Mỹ không bao giờ tha thứ cho ông ta vì đã ra lệnh cho lính của mình bỏ rơi Đại sứ quán Mỹ để bảo vệ Dinh Tổng thống.

Những Trưởng trạm tai tiếng

Dưới thời Trạm trưởng Ted Shackley, CIA Sài Gòn trở thành “cái nôi” của vô số trường hợp bị thổi phồng và những khẳng định tình báo không chính xác. Trạm này còn do thám cả những người được cho là đồng minh của Mỹ. Bản thân Shackley trở thành sĩ quan liên lạc trên thực tế với Tướng VNCH Đặng Văn Quang, cố vấn an ninh của Nguyễn Văn Thiệu, người trở thành Tổng thống VNCH vào năm 1967. CIA Sài Gòn cũng kiểm soát cả người đứng đầu lực lượng Cảnh sát Quốc gia của VNCH là Nguyễn Khắc Bình. Shackley thường trích lời hai quan chức này như nguồn tin hàng đầu, bỏ qua những thông tin thực tế hơn từ Nguyễn Ngọc Loan, người cứng rắn và độc lập hơn và được một số người Mỹ đánh giá là “một trong những thành viên trung thực nhất của chính phủ Nam Việt Nam”, “một trong số ít các lãnh đạo (của VNCH) biết mình đang làm gì và tại sao”.

Đối với Peter Kapusta, Việt Nam còn gợi đến một kỉ niệm tồi tệ khác – đó là David Murphy, khi đó được lên làm Trưởng trạm CIA Paris bất chấp những cảnh báo rằng ông ta bị nghi là điệp viên của Liên Xô. Do Kapusta cũng nghi ngờ như vậy, nên ông ta ngày càng lo ngại khi Murphy ở Paris liên tục đòi hỏi rất nhiều tài liệu mật từ Việt Nam.

Đến năm 1968, công việc chính của Murphy là giám sát việc nghe lén các phòng họp và nơi ở của các quan chức Bắc Việt đang ở Paris để đàm phán hòa bình. Theo các báo cáo mật của CIA về hoạt động của Trạm Paris, dù hoạt động ở một thành phố “thân thiện”, nhưng Murphy lại có rất ít chiến dịch thành công đối với người Bắc Việt hoặc Liên Xô.

Năm 1971, Peter Kapusta là người thẩm vấn thù địch hàng đầu của CIA với các sĩ quan tình báo phi quân sự Bắc Việt tại Trung tâm Thẩm vấn quốc gia ở Sài Gòn. Một ngày, một đồng nghiệp chuyên thẩm vấn tình báo quân sự tìm tới Kapusta để nhờ giúp đỡ. Có điều gì đó về một Đại úy Bắc Việt mà ông ta đang thẩm vấn có vẻ không đúng sự thực. Kapusta bắt tay vào vụ này. Ông ta không mất nhiều thời gian để phát hiện ra rằng viên “đại úy” kia thực chất là một vị tướng phụ trách phản gián của Bắc Việt. Vị tướng này hóa ra lại là một trong những tù nhân quan trọng nhất mà Mỹ từng bắt được ở Việt Nam.

David Murphy, vẫn đang bị bí mật điều tra tội làm gián điệp, đến Sài Gòn gần như đúng vào thời điểm đó, để tóm tắt với Trạm Sài Gòn về tình hình đàm phán Hiệp định Paris. Murphy ở Sài Gòn trong hai tuần, và theo lời Kapusta thì ông ta đã làm mọi cách để biết được danh tính của tất cả các tù nhân Bắc Việt cấp cao đang nằm trong tay CIA – bao gồm cả viên Đại úy bí ẩn kia.

Trong khi đang cố gắng tự giải thoát khỏi Việt Nam thông qua đàm phán hòa bình, Mỹ cũng vờ như chuẩn bị cho miền Nam Việt Nam tự đứng trên đôi chân của mình. Trên thực tế, chính quyền Nixon muốn có một chế độ ổn định để việc họ lặng lẽ từ bỏ Nam Việt Nam sẽ không quá rõ ràng. Giải Nobel Hòa bình của Henry Kissinger không phải dành cho việc kiến tạo hòa bình, mà cho việc dàn dựng một cuộc đầu hàng kéo dài lê thê.

Ở Sài Gòn ai cũng biết rằng chuyến thăm của Nixon và Kissinger tới Trung Quốc vào tháng 2/1972 báo hiệu hồi kết cho sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam. Khi đó, Đại tá Tullius Accompura, người tới Việt Nam năm 1965 để cộng tác với CIA Sài Gòn với nhiệm vụ chính là tiếp cận với Nguyễn Ngọc Loan, đã thông báo với Loan rằng chiến tranh đã kết thúc và rằng “Trung Quốc sẽ quyết định các điều khoản kết thúc”. Đối với những người như Accompura, những cái chết ở Việt Nam sau năm 1971 là một lãng phí bi thảm.

Tullius Accompura (phải) và Nguyễn Ngọc Loan, khoảng năm 1966

Khi Ted Shackley chuẩn bị rời Việt Nam năm 1971, George Weisz được chọn để kế nhiệm vị trí Trưởng trạm Sài Gòn. Weisz trả lời rằng: “Tôi sẽ nhận vị trí này nếu được nâng lên bậc 18” – cấp bậc công chức cao nhất khi đó.

Weisz chắc hẳn biết rằng CIA không thể đưa ông ta lên bậc 18, bởi như vậy ông ta sẽ ngang hàng với các quan chức cấp cao hơn của Mỹ tại Sài Gòn. Tại sao một người cực kỳ tham vọng như Weisz lại bỏ qua cơ hội đứng đầu trạm CIA lớn nhất thế giới? Rất lâu sau đó mới có câu trả lời đầy đủ cho câu hỏi này, nhưng thậm chí tới lúc đó rõ ràng là ông ta đã trở nên “đặc biệt thân thiết với các thành viên đến từ khối Xô Viết trong Ủy ban Kiểm soát Quốc tế, bao gồm Ba Lan và Hungary. Ai cũng biết những người này là điệp viên, hoạt động dưới vỏ bọc “mang lại một giải pháp thông qua đàm phán cho cuộc chiến tranh”.

Khi Langley bác bỏ yêu cầu của Weisz và ông ta chính thức từ chối, vị trí này được trao cho Thomas Polgar, cũng là một người tị nạn Hungary. Điển hình cho cách lựa chọn nhân sự của CIA, Polgar có nhiều kinh nghiệm hoạt động ở châu Âu và Mỹ Latinh, gần nhất là chức Trưởng trạm ở Buenos Aires, nhưng không hề có kinh nghiệm ở châu Á. Cấp dưới không thích ông ta cũng giống như họ không thích Weisz. Mặc dù dũng cảm và có quyền lực (Polgar từng mạo hiểm đưa người Do thái ra khỏi Hungary vào cuối Thế chiến II), nhưng ông ta là một người “rất khó chịu”. Thời còn ở Đức, ông ta hay gọi cấp dưới vào để thẩm vấn “sỉ nhục” họ. Theo một đồng nghiệp thì Polgar “chẳng thèm quan tâm mọi người có thích ông ta hay không”.

Điều thảm họa là cách thu thập thông tin tình báo của Polgar cũng chẳng khá hơn cách hành xử của ông ta. Orrin DeForest, sĩ quan thẩm vấn trưởng của Khu vực Quân sự 3 tại Việt Nam, nói rằng ông ta “không thể hiểu được cách suy nghĩ của Polgar. Chúng tôi biết rằng Polgar đã kết thân với một Đại tá người Hungary trong Ủy ban Kiểm soát Quốc tế. Chúng tôi biết viên Đại tá này cung cấp cho Polgar thông tin rằng sắp sửa đạt được một giải pháp thông qua đàm phán, với một chính phủ liên minh đang được thành lập… Niềm tin này… đã khiến Polgar ra lệnh cho chúng tôi không di tản những người Việt Nam từng hỗ trợ CIA ra khỏi Việt Nam. Những người này sẽ bị giết nếu bị bỏ lại. Chúng tôi đã có một tình huống mà Polgar trì hoãn mọi việc chỉ bởi ông ấy tin vào vị Đại tá Cộng sản kia”.

Hàng tháng, các bản báo cáo Intelligence Digest của CIA đều xếp hạng “A” cho các thông tin tình báo bắt nguồn từ các cuộc trò chuyện giữa Polgar và viên Đại tá Hungary. DeForest nói: “Trời đất, khi nhìn thấy họ tôi rất băn khoăn. Polgar, một người Hungary, nói tiếng Hungary với một Đại tá người Hungary, người mà chúng tôi biết là một sĩ quan tình báo. Ông ấy nghĩ rằng ai đang khai thác ai?”

Cho dù là vô tình hay cố ý, Weisz và Polgar, dựa trên thông tin từ các nguồn tin của họ trong khối Đông Âu, đã gây ra một thảm kịch khó hiểu. Chỉ riêng ở trụ sở của DeForest ở Biên Hòa, gần 600 nhân viên của CIA đã bị bỏ rơi vào tay Bắc Việt bởi Polgar tin vào nguồn tin khả nghi của ông ta. Cảnh kinh hoàng tương tự tiếp tục lặp lại ở nhiều nơi trên khắp miền Nam Việt Nam sau khi Hoa Kỳ rời bỏ đất nước này năm 1975. Kết quả là sau khi chế độ ở Sài Gòn sụp đổ, hàng nghìn điệp viên, sĩ quan liên lạc và nhân viên của CIA đã bị Cộng sản bắt giữ.

Đối với Tullius Accompura, Sài Gòn có một bầu không khí giả dối không có lợi cho việc tiến hành một cuộc chiến tranh nghiêm túc. “Làm sao bạn có thể có chiến tranh khi bạn có Sài Gòn và mọi người đều đang có một cuộc sống “oh la la”… tốt đẹp? Các nhà báo ngồi trong khách sạn Majestic viết về những người bị bắn tan xác. Các vị tướng thì có dinh thự riêng, và họ sẽ đi lại giữa nơi đó với trại lính. Mọi thứ đều rất giả tạo”.

Theo Accompura, các cô bồ nhí người Việt nhan nhản khắp nơi: Nhiều quan chức Mỹ đều có bồ người Việt. Accompura cho rằng “nếu cuộc chiến này diễn ra ở nơi nào đó mà phụ nữ không quá hấp dẫn với người Mỹ như vậy, thì có thể nó chỉ kéo dài 6 tháng”, chứ không phải 20 năm. William Colby, khi đó vẫn đang kết hôn với người vợ đầu tiên, đã không đưa gia đình đi cùng khi quay lại Sài Gòn năm 1968 trong vai trò Đại sứ của chương trình CORDS. Theo Accompura, Colby “có một cô bạn gái. Ông ta ngủ với vợ của một nghị sĩ (người Việt) nào đó”. Và ngay cả ở một nơi tràn ngập tình dục bất chính như vậy, các hoạt động của Polgar vẫn “chiếm sóng” trong các cuộc buôn chuyện ở Trạm CIA Sài Gòn. Một đồng nghiệp vẫn nhớ nhìn thấy Polgar đi công khai trên phố “với một trong các cô bạn gái người Việt của ông ta”. Accompura thì nói về Polgar: “Ngay từ ngày đầu tiên ông ta tới Việt Nam… không phải tôi đang cố gắng rao giảng đạo đức gì… ông ta đi bất cứ đâu, người ta đều phải “chuẩn bị sẵn” các cô gái cho ông ta”.

Các cô gái ở một quán bar trên đường Tự Do đang mời chào các khách hàng Mỹ, Sài Gòn năm 1965. Ảnh: Sưu tập của Richard P. Clark

Bại trận ở Việt Nam

Phần lớn các cựu sĩ quan ở Trạm CIA Berlin đều đã sống sót và thoát khỏi Việt Nam, và về mặt kỹ thuật thì họ không phải chứng kiến sự sụp đổ ở đất nước này. Sam Wilson quay lại quân đội một thời gian rồi đến năm 1971 được bổ nhiệm làm Tùy viên quân sự tại Moscow. George Weizs, đối thủ “truyền kiếp” của Ted Shackley, đã từ bỏ Sài Gòn để nhận vị trí Trạm trưởng nhỏ hơn nhiều ở Berlin. Shackley thì trở về trụ sở chính của CIA ở Langley để phụ trách Phòng Tây bán cầu. Lou Conein nghỉ hưu khỏi CIA. Đến năm 1974, chỉ có 300 sĩ quan CIA làm việc tại Trạm Sài Gòn.

Tom Polgar là Trưởng trạm CIA cuối cùng ở Việt Nam. Tháng 1/1975, ông ta đi thăm căn cứ của Orrin DeForest ở Biên Hòa. Cuộc chiến đã thất bại, nhưng Polgar vẫn phát biểu rất hùng hồn với DeForest và các đồng nghiệp của ông ta: “Tôi muốn các bạn biết rằng mọi việc sẽ ổn thỏa. Chúng ta không thấy vấn đề gì trong năm 1975. Tình hình đang nằm trong tầm kiểm soát”.

Theo nhiều người, Polgar đã diễn giải lại các thông tin từ chiến trường gửi về để khiến chúng phù hợp với những quan niệm có sẵn của ông ta về những gì ông ta muốn gửi đi, “không biết là theo lệnh của chính ông ta hay của Đại sứ Mỹ”. Vào cuối cuộc chiến, Nguyễn Ngọc Loan vô cùng tức giận với việc người Mỹ phản bội Nam Việt Nam, tới mức ông ta đã tới gặp Polgar và đe dọa sẽ dùng lực lượng dân quân Sài Gòn mà ông ta kiểm soát để bắt cóc các quan chức cấp cao nhất của Mỹ và giao nộp cho Bắc Việt.

Những giờ hỗn loạn cuối cùng của cuộc Chiến tranh Việt Nam là một biểu tượng chuẩn xác về cách ban quan trị cấp cao của CIA đối xử với người Việt Nam. Một đội gồm 3 người Việt đã dũng cảm giữ vững liên lạc qua vệ tinh giữa Trạm Sài Gòn và Langley. CIA hứa hẹn sẽ cho những người này di tản và nhập cư vào Mỹ vì sự can đảm của họ. Khi hết chiếc trực thăng này đến chiếc trực thăng khác cất cánh, mối nguy hiểm đối với đội liên lạc này ngày càng tăng lên.

Thông điệp cuối cùng mà Thomas Polgar gửi đi từ Trạm Sài Gòn thậm chí còn không đáng để mạo hiểm mạng sống của ba người đàn ông trung thành. Vào lúc 3:20 sáng ngày 30/4/1975, Polgar nói: “Đó là một cuộc chiến đấu dài và khó khăn, và chúng ta đã thua… Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của thất bại này và các hoàn cảnh của nó dường như đòi hỏi phải có sự đánh giá lại các chính sách nửa vời bủn xỉn đặc trưng cho phần lớn sự tham gia của chúng ta tại đây, bất chấp những cam kết chắc chắn là rất hào phóng về con người và các nguồn lực. Những người không học được từ lịch sử sẽ buộc phải lặp lại lịch sử. Chúng ta hãy cùng hy vọng rằng chúng ta sẽ không có lại một trải nghiệm Việt Nam khác nữa và đã học được bài học của mình. Sài Gòn kết thúc”.

Một quan chức Mỹ đấm vào mặt một người đàn ông để cố gắng gạt anh ta ra khỏi chiếc máy bay chật ních người tị nạn muốn chạy khỏi Nha Trang vào tháng 4/1975. Ảnh: Bettmann via Reuters

William Colby – khi đó là Giám đốc CIA – đã gửi cho Polgar một tin nhắn gần như ngay lập tức: “Bởi chúng ta đang sắp chấm dứt liên lạc với Sài Gòn, tôi muốn ghi nhận niềm tự hào và sự hài lòng của Tổ chức (CIA) đối với công việc mà các đại diện của Tổ chức đã làm ở đó… Trong những giờ phút cuối cùng, các bạn đã thể hiện không thua kém gì, thậm chí còn vượt qua cả sự can đảm, chính trực, tận tâm và khả năng vượt trội mà Tổ chức đã thể hiện trong nhiều tình huống trong những năm qua… Chính phủ của các bạn đã được hưởng lợi rất lớn từ sự chính xác và độ rộng của những báo cáo các bạn gửi về…”.

Cuối cùng, ba người Việt Nam trong đội liên lạc đã không lên được những chiếc trực thăng cuối cùng của Mỹ rời khỏi Việt Nam. Một quan chức CIA cấp cao đã gạch tên họ trong danh sách và thêm vào đó tên hai cô bồ người Việt của ông ta.■

Joseph Trento

Minh Thư dịch

Chú thích:

[1] Operation Mongoose: Chiến dịch phá hoại và lật đổ chính quyền ở Cuba của CIA, ND

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN