Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng vừa ra mắt cuốn sách mới của ông mang tựa đề “Tầm nhìn từ Lịch sử” vào tháng 4 năm 2025.
Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng trong một thập kỷ trở lại đây đã trở thành một tác giả sách chính luận được nhiều người tìm đọc. Những cuốn sách của ông như Phán Xét, Một góc nhìn thời cuộc, Đối thoại đã trở thành sách bán chạy nhất và luôn ở trong danh mục được giới sách săn lùng dù nhiều bản thảo chỉ lưu hành nội bộ. Các cuốn sách mới xuất bản công khai của ông phân tích về trật tự đa cực và nước Nga cũng được đón nhận và thảo luận rộng rãi.
Sau khi nghỉ hưu, Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng tập trung nghiên cứu và viết sách với tư cách một công dân Việt Nam muốn đóng góp tiếng nói của mình cho sự phát triển đất nước trên nhiều phương diện. Dù không còn ở cương vị quản lý, tiếng nói của ông vẫn được các bạn đọc trân trọng lắng nghe bởi bề dày kinh nghiệm thực tiễn và trí tuệ của ông trong suốt sự nghiệp tham gia hoạt động quản lý nhà nước của mình.
Trong cuốn sách mới xuất bản, “Tầm nhìn từ Lịch sử: Hoàn thiện các giá trị Việt Nam trong thời đại mới”, Tướng Hưởng chia sẻ trăn trở với nhiều người Việt Nam yêu dân tộc mình: đất nước ta nên đi lên bằng cách nào? Làm thế nào để Việt Nam trở thành quốc gia thịnh vượng trong một thế giới biến chuyển phức tạp như hiện nay. Tác giả đặt vấn đề đất nước đã đạt được những thành tự to lớn sau Đổi mới, là quốc gia hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, trở thành trung tâm sản xuất của khu vực, có vị thế trong ASEAN. Dù vậy, tâm tư của tác giả cũng như nhiều cán bộ quản lý lão thành là chưa thoả mãn với sự phát triển như vậy của đất nước.
Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng tâm sự trong lời mở đầu sách: “Việt Nam đã phát triển nhưng vẫn còn ở trình độ thấp. Trải qua 40 năm cải cách, tầm mức của Việt Nam hiện chưa thoả hết khát vọng dân tộc. Những gì đạt được và chưa đạt được nhiều người đã biết. Vấn đề đáng suy nghĩ là có phải chúng ta thiếu tiềm năng không, thiếu nhân lực không, thiếu điều kiện gì không để thực sự vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn”.
Theo quan điểm của tác giả, bốn thập kỷ Đổi mới và Hội nhập đã qua đi, Việt Nam đã tận dụng được không ít thời cơ và cũng đã bỏ lỡ một số cơ hội. Rảo cản với phát triển dường như vẫn là vấn đề thể chế. Đường lối phát triển đất nước rất rõ và đúng đắn nhưng chúng ta vẫn thiếu những giải pháp căn bản được thực thi. Chủ trương đúng đắn nhưng biện pháp thi hành không phải lúc nào cũng đã đặt mục tiêu lớn là làm cường thịnh đất nước lên trên hết. “Chúng ta đã trải qua những giai đoạn mà nhiều cán bộ, doanh nghiệp lo lắng về an toàn của bản thân hơn là nỗ lực thúc đẩy phát triển. Chúng ta đã thấy rất nhiều cán bộ, doanh nghiệp vi phạm khiến cộng đồng xã hội lâm vào trạng thái chờ đợi, nghe nghóng, hơn là xắn tay vào cùng nhau hành động để phát triển. Làm trong sạch bộ máy là vô cùng cần thiết nhưng quá nhiều cán bộ chủ chốt vi phạm ít nhiều đã tạo ra khủng hoảng cán bộ quản lý và tâm lý trì trệ. Chúng ta đã cảm nhận rõ ở nhiều thời điểm trước đây sự suy giảm và bế tắc trong phát triển”, Tướng Hưởng tâm tư trong lời mở cuốn sách.
Tuy vậy, quy luật biện chứng của phát triển là trong sự suy giảm có sức bật cường thịnh trở lại. Thế hệ lãnh đạo mới của Đảng hiện nay thấu hiểu tình hình đất nước và có tư duy đột phá, tuyên bố về sự cần thiết phải chuyển đổi mạnh mẽ để vươn tới kỷ nguyên mới. Tác giả xác định: “Thời vận của đất nước đã đến với một lực lượng cán bộ lãnh đạo mới. Người lãnh đạo cao nhất của Đảng ngay sau khi nhậm chức đã đưa ra nhiều quan điểm mang tính thực tiễn và mang tới nguồn ánh sáng mới để phát triển đất nước. Tuyên bố của Tổng Bí thư về một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chính là ngọn cờ để hệ thống chính trị và toàn thể xã hội hướng theo. Có thể coi đây là thời điểm mang tính bước ngoặt”.
Những khích lệ của thời đại mới đã khơi dậy suy nghĩ, trăn trở ấp ủ bấy lâu của Tướng Hưởng. Cảm hứng đó đã thôi thúc ông viết cuốn sách “Tầm nhìn từ lịch sử”, với mong muốn chia sẻ tầm nhìn để hoàn thiện các giá trị Việt Nam hướng tới kỷ nguyên mới, như một đóng góp ý kiến của một công dân đối với con đường đi lên của dân tộc.
Cuốn sách không đi sâu vào nêu giải pháp mà trình bày hệ thống quan điểm để phát triển đất nước. Theo tác giả, trong triết lý của người châu Á, muốn bước dài thì chân phải vững, muốn leo dốc cao thì bậc phải chắc, cuốn sách này đã đưa ra một hệ thống ý tưởng rất toàn diện và thực tiễn để Việt Nam sớm hoàn thiện những giá trị của mình tiến vào kỷ nguyên mới. “Những gì chưa đạt được phải đạt được. Những gì đã đạt được nhưng chưa đủ cũng phải đi sâu để hoàn thiện hơn. Có thế, Việt Nam mới tạo ra được nền móng, bệ phóng vững chắc để bay cao”, tác giả Nguyễn Văn Hưởng chia sẻ.
Trong cuốn sách này, tác giả đưa ra nhiều luận điểm đặc sắc về địa lý và lịch sử đất nước. Ông cho rằng hình hài chữ S của dân tộc Việt Nam tương ứng với vòng tròn âm dương, các yếu tố sông núi Việt Nam cũng thể hiện trọn vẹn sự cân bằng âm dương, là cơ sở để Việt Nam sẵn sàng cho vị thế trung tâm của mình trong kỷ nguyên mới. Tướng Hưởng nhận định tầm nhìn để phát triển Việt Nam phải xuất phát từ chính lịch sử của đất nước, văn hoá của dân tộc chứ không phải bắt nguồn từ bất kỳ tư tưởng ngoại lai nào. Những luận điểm và dẫn chứng để minh hoạ cho quan điểm này được ng trình bày rất mạch lạc và tổng quát xuyên suốt cuốn sách.
Tác giả Nguyễn Văn Hưởng cũng đã tham khảo rất kỹ các nghiên cứu mới nhất của giới sử học về sự hình thành nền văn minh Việt Nam từ ba cái nôi lớn, văn hoá Đông Sơn ở miền Bắc, Óc Eo ở miền Trung và Phù Nam ở miền Nam. Ông cho rằng sự hợp nhất ba trung tâm này đã tạo ra nền móng và sức mạnh cho một quốc gia toàn vẹn, từ sâu trong hành trình lịch sử nhiều biến động và thách thức của dân tộc. Ở phần cuối sách, tác giả cũng dành phần nhỏ chia sẻ tâm tư về Hà Nội, trái tim của đất nước cũng là nơi hội tụ nguyên khí quốc gia. Đất nước phát triển hay không xét về cả chính trị, văn hoá lẫn tâm linh, phải bắt đầu từ Hà Nội. Khôi phục lại các giá trị, các di sản và sông ngòi của Hà Nội chính là tạo ra nhuệ khí, sinh khí cho đất nước lúc này.
Đọc cuốn sách, nhiều người đọc đều thấy rõ và đồng ý với tác giả rằng dân tộc ở một bước ngoặt, khi thiên thời, địa lợi, nhân hoà đều phù hợp cho quốc gia cất cánh, bước vào một thời đại mới. Tác giả tâm sự dù đã ở lứa tuổi “xưa nay hiếm”, ông vẫn muốn góp một tiếng nói vì tương lai của các thế hệ con cháu sau này, vì một đất nước thực sự vươn mình bay lên. Mong muốn của tác giả đã thành hiện thực khi cuốn sách ra đời và được các nhà hoạch định chính sách, giới sử học cũng như bạn đọc hào hứng đón đọc, bình luận. Các ý kiến đều đánh giá rất cao cuốn sách cũng như những quan điểm thể hiện sự mẫn tiệp về trí tuệ của một vị tướng an ninh được đất nước và nhân dân kính trọng.■