Ngày 19/3/2025, Liên minh châu Âu đã chính thức công bố “Sách Trắng Quốc phòng châu Âu – Sẵn sàng cho năm 2030”. Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã công bố kế hoạch “ReArm Europe” (Tái vũ trang châu Âu) trị giá 800 tỷ euro, bao gồm việc cung cấp 150 tỷ euro dưới dạng các khoản vay cho các quốc gia thành viên để đầu tư vào quốc phòng và xây dựng các dự án quốc phòng chung, qua đó tạo điều kiện cho các quốc gia tăng chi tiêu quốc phòng mà không vi phạm các quy tắc tài chính của EU.

Những nội dung chính bao gồm:

Tăng cường khả năng quân sự: Khuyến khích các quốc gia thành viên hợp tác mua sắm và phát triển các hệ thống phòng không và tên lửa, hệ thống pháo binh, đạn dược, hệ thống drone và chống drone, di chuyển quân sự, công nghệ AI, lượng tử, chiến tranh mạng và điện tử, cùng các phương tiện chiến lược khác.

Hỗ trợ Ukraine: Tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine để giúp nước này tăng khả năng tự vệ đồng thời tích hợp ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine vào nền tảng công nghiệp quốc phòng châu Âu.

Liên minh châu Âu công bố “Sách Trắng Quốc phòng châu Âu – Sẵn sàng cho năm 2030”, tháng 3/2025. Ảnh: Ủy ban châu Âu

Củng cố ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu: Khuyến khích các quốc gia thành viên hợp tác mua sắm để giảm chi phí và tăng tính tương thích, đồng thời thúc đẩy đầu tư vào các công nghệ đột phá như AI và công nghệ lượng tử. Kế hoạch nhấn mạnh việc ưu tiên mua sắm thiết bị quân sự từ các nhà cung cấp châu Âu. Cụ thể, để đủ điều kiện nhận các khoản vay mới, ít nhất 65% thiết bị phải được mua từ các nhà cung cấp trong EU, Na Uy hoặc Ukraine. Các công ty từ Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị loại trừ khỏi quỹ này trừ khi quốc gia của họ ký kết các hiệp định quốc phòng và an ninh với EU. Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen “phải mua nhiều hơn từ châu Âu” để củng cố cơ sở công nghiệp và công nghệ quốc phòng của EU, kích thích đổi mới và tạo ra một thị trường chung cho thiết bị quốc phòng.

​Tăng cường đầu tư chung vào quốc phòng: Đề xuất các biện pháp để các quốc gia thành viên tăng chi tiêu quốc phòng, bao gồm việc kích hoạt điều khoản thoát hiểm quốc gia trong Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng, cho phép tăng chi tiêu quốc phòng mà không vi phạm các quy tắc tài chính của EU.

Tăng cường quan hệ đối tác với các quốc gia cùng chí hướng: Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác với các đối tác quốc tế để đối phó hiệu quả với các mối đe dọa an ninh hiện nay. Ngoài ra, EU cũng đang tìm cách tăng cường quan hệ đối tác an ninh với các đồng minh không thuộc EU như Anh, Canada, Na Uy, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.

Cuộc chiến tại Ukraine: Chiếc gương buộc các quốc gia tự soi xét lại mình

Trước hết mối quan hệ giữa EU và Mỹ vốn được coi là đồng minh thân cận nhưng thực chất là mối quan hệ không bình đẳng vì EU luôn phụ thuộc và không độc lập với Mỹ. Quan hệ song phương luôn luôn bị thử thách, thăng trầm, tùy thuộc vào chính sách của các đời Tổng thống Mỹ. Từ những thế kỷ trước, EU luôn đi theo quỹ đạo của Mỹ để chống Liên Xô, làm Liên Xô tan rã. Từ những năm 90, Mỹ cùng với EU luôn duy trì chính sách đối đầu với Nga, làm suy yếu Nga thông qua việc tăng cường sức mạnh NATO, dùng NATO để uy hiếp Nga. EU phụ thuộc nhiều vào ô bảo trợ quốc phòng của Mỹ và đặc biệt là phụ thuộc vào Điều 5 của Hiệp ước NATO.

Thập kỷ thứ hai và thứ ba của thế kỷ XXI, Mỹ và các nước phương Tây đã sử dụng nhiều biện pháp để kích động Ukraine tiến hành chính sách chống Nga phù hợp với lập trường của Mỹ và NATO. Mỹ, NATO và EU luôn đứng sau các chính quyền tại Ukraine để biến quốc gia này thành quân ủy nhiệm trong cuộc chiến chống Nga.

Cuộc xung đột tại Ukraine xảy ra được ví như một chiếc gương mà qua đó cả EU và Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác đều phải soi vào để tự định vị quốc gia mình trong bối cảnh cả thế giới bị xáo trộn, nguy cơ chiến tranh lan rộng ở Đông Âu, căng thẳng ở châu Á nổi lên và sự trỗi dậy của các cường quốc phi phương Tây.

Cuộc chiến ba năm qua đã chứng minh tất cả. EU, Mỹ dựa vào Ukraine để tấn công, lật đổ Nga nhưng không đạt được mục tiêu. Trên chiến trường Ukraine bị thiệt hại nặng nề, bị mất đất, bị phân tán. Trên chính trường cho dù Liên hợp quốc ra nghị quyết, phủ kín thông tin phản đối Nga, gọi Nga là kẻ hiếu chiến… nhưng không tập hợp được lực lượng. Chỉ có 1/3 số thành viên Liên hợp quốc tán thành ra nghị quyết chống Nga. Mặt khác Nga vẫn mạnh lên và trên thế giới lại hình thành những nhóm, tổ chức tập hợp nhiều quốc gia như BRICS dưới sự lãnh đao của Nga. Về kinh tế, Nga không sụp đổ, vẫn giữ mức tăng trưởng cao, ngược lại kinh tế châu Âu rất khó khăn, EU bị cắt nguồn khí đốt giá rẻ của Nga khiến lạm phát, thất nghiệp cao dẫn đến tình trạng bất ổn, các cuộc biểu tình phản đối chính phủ diễn ra dồn dập dưới sự cổ xúy của các lực lượng cánh hữu cực đoan.

Kể từ khi lên cầm quyền, ông Trump đã có những bước đi mạnh mẽ với Nga nhằm bình thường hóa quan hệ ngoại giao và giải quyết vấn đề Ukraine thì quan hệ giữa Mỹ và EU-NATO bị rạn nứt. Trong khi Mỹ và Nga liên tục có các cuộc gặp gỡ trao đổi về vấn đề Ukraine thì EU và NATO bị nằm ngoài các cuộc đàm phán này. Trump đưa ra nhiều đề nghị có lợi cho Nga, mặt khác Trump có những tuyên bố gây bối rối cho nhiều đồng minh và thế giới về nguồn gốc cuộc chiến tranh tại Ukraine… với hàm ý là do Biden và châu Âu gây ra!

Việc chính quyền Trump tiếp tục công khai chỉ trích và thậm chí đe dọa rút khỏi NATO đã tạo ra một cú sốc chiến lược, gây ra nghi ngờ tại EU về cam kết bảo vệ đồng minh của Mỹ. Quan hệ EU – Mỹ ngày càng trở nên thiếu ổn đinh và thậm chí nảy sinh thêm nhiều rào cản khi các vấn đề như thuế quan, an ninh năng lượng, luật bảo vệ trí tuệ nhân tạo… ngày càng nóng hơn.

EU nhận thức rằng “Trật tự quốc tế đang trải qua những biến đổi to lớn chưa từng thấy kể từ năm 1945, và những biến đổi này đặc biệt sâu sắc ở châu Âu”. “Mối đe dọa đối với an ninh châu Âu đang ngày càng gia tăng” và môi trường chiến lược đang xấu đi nhanh chóng. “Nga là mối đe dọa căn bản đối với an ninh châu Âu”. “Mỹ là đồng minh truyền thống mạnh mẽ của châu Âu”, nhưng hiện tại Mỹ cho rằng “cam kết của mình đối với châu Âu là quá nhiều, cần phải tái cân bằng lại. Điều này sẽ làm suy giảm vai trò lịch sử của Mỹ với tư cách là người bảo đảm an ninh chính của châu Âu và Mỹ cũng đang chuyển trọng tâm chiến lược từ châu Âu sang khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

Trong bối cảnh đó thì nỗi lo bao trùm chính hiện nay tại EU chính là nguy cơ chiến tranh lan rộng sang các nước lân cận. Các quốc gia Đông Âu và vùng Baltic lo ngại về an ninh biên giới, đòi hỏi EU phải tăng cường khả năng phòng thủ độc lập, xây dựng năng lực răn đe và không thể đứng ngoài hay chỉ dựa vào ô bảo hộ an ninh của Mỹ.

EU và nhiều quốc gia thành viên tuyên bố tiếp tục viện trợ cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Hình ảnh Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa, Tổng thống Ukraine Zelensky và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (từ trái sang) phát biểu với báo chí tại trụ sở EU ở Brussels, Bỉ, tháng 3/2025. Ảnh: AFP

EU liên tục tổ chức các cuộc gặp cấp cao, tuyên bố sẽ tiếp tục viện trợ cho Ukraine giúp Ukraine có thế mạnh trong đàm phán với Nga, không chấp nhận để Ukraine sẽ ở thế yếu trong đàm phán, phản đối Mỹ Nga. EU đưa ra sáng kiến thành lập lực lượng quân sự tự nguyện, đổ thêm tiền của vào Ukraine, phát động cuộc chiến đe dọa Nga, nhiều nước thành viên EU phát động các chiến dịch tuyển lính nghĩa vụ quân sự. Tất cả đang tạo bầu không khí chiến tranh, Pháp còn tuyên bố sẽ kích hoạt chiến tranh hạt nhân. Trong khi hợp tác quân sự qua NATO vẫn tồn tại, EU cũng đã tính đến việc xây dựng “kế hoạch B” dự phòng Mỹ thay đổi chính sách quốc phòng mạnh mẽ hơn.

Tại sao Sách Trắng được nhận xét là “Cột mốc” cho tư duy chiến lược mới

Theo nhiều nhà quan sát và dư luận chung đánh giá, ngày 19/3/2025 được coi như ngày đánh dấu một cột mốc lịch sử đối với Liên minh châu Âu (EU), khi khối này chính thức công bố Sách Trắng Quốc phòng đầu tiên – tài liệu định hình tư duy chiến lược mới về an ninh và quốc phòng chung cũng như  quyết định tái vũ trang quy mô lớn chưa từng có.

Trong suốt những năm qua, nhiều nước thành viên EU đã đưa ra yêu cầu về việc xây dựng một cuốn Sách Trắng về quốc phòng cho EU, tuy nhiên, tất cả chỉ dừng lại ở mức nghiên cứu và đề xuất, cho đến tháng 3 vừa qua, Cuốn Sách Trắng được chính thức phát hành như một thành công của ý chí chung,

Đây không đơn giản chỉ là  một phản ứng chiến lược mà còn phản ánh một sự thay đổi lớn về tư duy chiến lược quốc phòng của EU bởi lẽ đây là lần đầu tiên EU thống nhất công bố một chiến lược quốc phòng chung ở cấp độ liên minh, vượt qua sự phụ thuộc bị coi là quá lớn của họ vào NATO – Mỹ. Nó thể hiện một mức độ tự chủ chiến lược ngày càng rõ rệt, phản ánh sự thay đổi trong cách EU nhìn nhận vai trò của mình trên trường quốc tế. Sách Trắng không chỉ đưa ra các mục tiêu tái vũ trang, tăng ngân sách quốc phòng, đầu tư vào công nghiệp quốc phòng châu Âu, mà còn nhấn mạnh đến phối hợp chung giữa các quốc gia thành viên, vốn là một thách thức lâu nay.

Khác với những tuyên bố chính trị trước đây, Sách Trắng lần này là một văn kiện cụ thể, bao gồm một kế hoạch chi tiết nhằm tăng cường khả năng quốc phòng của châu Âu, chiến lược quốc phòng chung, với mục tiêu tái vũ trang và hiện đại hóa quân đội, phối hợp giữa các nước thành viên về công nghiệp quốc phòng và cả cam kết tài chính rõ ràng.

Điều này cho thấy EU không chỉ tuyên bố mà thực sự chuyển hướng hành động. Đây là bước tiến lớn hướng tới một châu Âu “tự chủ chiến lược”, không tách rời khỏi NATO, nhưng sẽ xây dựng để đủ năng lực hành động độc lập nếu cần thiết.

Tái vũ trang: Một lựa chọn không thể tránh khỏi

Hơn hai tháng sau khi Trump quay lại Nhà Trắng, với sự kéo dài của xung đột Nga – Ukraine và sự rút lui chiến lược của Mỹ, châu Âu đã liên tục nhấn mạnh “tự chủ chiến lược”, đồng thời gấp rút tìm kiếm “tự chủ quốc phòng”.

Trước hết những quyết định này được đưa ra xuất phát từ nguyên nhân nội tại trong EU khi kể từ sau Chiến tranh Lạnh, nhiều nước châu Âu cắt giảm ngân sách quốc phòng, dẫn đến thiếu hụt năng lực quân sự, công nghiệp quốc phòng, trang bị quân sự và kho đạn dược.

Với thực tiễn tình trạng quốc phòng yếu kém, EU luôn phụ thuộc vào Mỹ và NATO để bảo đảm an ninh, nhưng các cuộc khủng hoảng gần đây đã thức tỉnh EU, cho thấy sự cần thiết của một nền quốc phòng độc lập hơn trong bối cảnh Mỹ đã có nhiều tín hiệu giảm mức độ cam kết với châu Âu nếu tình hình chính trị nội bộ thay đổi.

Mặt khác, cuộc xung đột Ukraine đã làm lộ rõ điểm yếu của EU khi họ không thể bắt kịp sự phát triển của các công nghệ quân sự mới, trí tuệ nhân tạo (AI), vũ khí tự động, công nghệ lượng tử và chiến tranh mạng… Tất cả đã khiến EU phải gấp rút đầu tư vào vũ khí, công nghệ quân sự và sản xuất đạn dược một cách gấp rút và bài bản hơn để tự bảo vệ mình.

Trước mắt, việc đầu tư vào các lĩnh vực này cũng giúp ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu cạnh tranh hơn trên toàn cầu, EU muốn duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Ukraine, không chỉ bằng viện trợ tài chính mà còn bằng hỗ trợ quân sự dài hạn. Mặt khác, một châu Âu mạnh về quân sự sẽ giúp tăng vị thế của EU trên trường quốc tế, giảm sự phụ thuộc vào các cường quốc bên ngoài.

Tái vũ trang được xem là một bước đi chủ động của EU, một lựa chọn không thể tránh được nhằm giảm sự phụ thuộc vào Mỹ, tăng năng lực răn đe độc lập và thể hiện vai trò của EU, tham gia thực sự vào địa chính trị toàn cầu.

Quyết định trên cũng được đánh giá là một phản ứng chiến lược trước những thay đổi địa chính trị, phản ánh mối lo ngại về an ninh và sự thức tỉnh chiến lược của châu Âu trong việc từng bước thực hiện quá trình xây dựng nhất thể hóa quốc phòng EU. Nhiều nhà bình luận cho rằng EU đang dần hiện thực hóa “Kế hoạch B” mà họ đã ấp ủ và trăn trở từ lâu để sẵn sàng khi Mỹ thay đổi chính sách trong quan hệ với EU, tăng cường an ninh, quốc phòng của châu Âu trong bối cảnh hiện nay.

Tái vũ trang không chỉ là phản ứng với Nga, mà thực chất là bước chuẩn bị cho một thế giới hậu Mỹ, nơi EU cần đóng vai trò như một cực quyền lực thực thụ.Việc tăng chi tiêu quốc phòng, xây dựng lực lượng phản ứng nhanh chung, và phát triển công nghiệp quốc phòng nội khối, là những tín hiệu rõ ràng rằng EU không còn có thể trì hoãn việc này.

Đánh giá Khả năng thực hiện kế hoạch tái vũ trang châu Âu

Khi đánh giá về khả năng tái vũ trang châu Âu chúng ta sẽ dựa trên những ưu thế của EU: Đó là (1) một nền công nghiệp quốc phòng lớn và đa dạng: Pháp, Đức, Ý, Thụy Điển, Tây Ban Nha… đều có các tập đoàn quốc phòng hàng đầu như Dassault, Rheinmetall, Leonardo. (2) Thị trường nội khối rộng: Với 27 nước, EU có thể xây dựng một “thị trường quốc phòng chung” nếu có chính sách thống nhất. (3) Lần đầu tiên EU thể hiện ý chí chính trị đang dâng cao: Các chính phủ châu Âu, nhất là từ cuộc chiến Ukraine, đã nhận ra rằng tái vũ trang không còn là lựa chọn, mà là nghĩa vụ. (4) Nhiều quốc gia đã bày tỏ các cam kết chính trị và ngân sách. Nhiều quốc gia EU đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng (ví dụ: Đức tuyên bố đạt mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng).

Xe tăng Leopard 1 do Đức sản xuất và các xe bọc thép khác trong một nhà kho ở Tournais, Bỉ, tháng 1/2023. Ảnh: Reuters/Yves Herman

Tuy nhiên, thực hiện cam kết này cần có sự đồng thuận giữa các quốc gia thành viên, trong khi EU vốn có nhiều khác biệt về lợi ích và quan điểm chiến lược. Những khó khăn châu Âu sẽ gặp phải: (1) Tuy EU có nền công nghiệp quốc phòng và năng lực sản xuất tương đối mạnh, tuy nhiên sau nhiều thập kỷ cắt giảm quân sự đã làm suy yếu năng lực sản xuất.Việc tăng sản lượng vũ khí cần thời gian để mở rộng dây chuyền sản xuất và tái đào tạo nhân lực. (2) Hợp tác quốc phòng trong nội bộ EU: EU có cơ chế hợp tác quân sự như PESCO (Hợp tác Cấu trúc Thường trực) và EDF (Quỹ Quốc phòng châu Âu), nhưng thiếu một lực lượng quân sự chung hiệu quả.Các quốc gia vẫn ưu tiên lợi ích quốc gia hơn là một chính sách quốc phòng thống nhất. (3) Quan trọng hơn nữa đó là cuộc Khủng hoảng ngân sách và kinh tế. Nhiều quốc gia EU đang chịu áp lực kinh tế từ lạm phát, nợ công và tăng trưởng chậm, khiến việc tăng ngân sách quốc phòng trở nên khó khăn.Các chính phủ phải cân nhắc giữa chi tiêu quốc phòng và phúc lợi xã hội, có thể dẫn đến sự phản đối từ công chúng Khả năng tài chínhkhác biệt giữa các nước thành viên. (4) Thiếu hụt nguồn nhân lực quân sự: nhiều nước châu Âu đã từ bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự, dẫn đến thiếu hụt lực lượng dự bị và khó khăn trong việc tuyển mộ quân nhân mới.Xã hội châu Âu có xu hướng không ủng hộ việc tăng quân số hoặc quay lại mô hình nghĩa vụ quân sự bắt buộc. (5) Sự phụ thuộc của EU vào Mỹ và NATO cho dù EU muốn độc lập hơn về quân sự, nhưng NATO (do Mỹ dẫn đầu) vẫn là trụ cột chính trong an ninh châu Âu. Thiếu tiêu chuẩn hóa giữa các quân đội – từ vũ khí, đạn dược đến hệ thống chỉ huy.Phụ thuộc kỹ thuật vào Mỹ: nhiều thiết bị quân sự của châu Âu (như radar, tên lửa) vẫn sử dụng linh kiện hoặc công nghệ Mỹ.Một số nước như Ba Lan, các nước Baltic vẫn tin tưởng vào NATO hơn là vào một cơ chế phòng thủ chung của EU. (6) Sự đe dọa từ Nga và bất ổn toàn cầu… Nga có thể phản ứng mạnh nếu châu Âu đẩy nhanh quá trình tái vũ trang, có thể làm gia tăng căng thẳng.

Tái Vũ trang trong Bối Cảnh “Chiến Tranh Thương Mại” với Mỹ – Thách thức và Những Tính Toán Chiến Lược

Con đường “tái vũ trang” này chắc chắn sẽ phức tạp và gập ghềnh hơn nhiều so với dự đoán​ bởi nó bị chi phối mạnh mẽ bởi mối quan hệ phức tạp, nhiều cung bậc giữa EU và Mỹ.

Như đã phân tích, kể từ khi lên nắm quyền, ông Trump đang trở thành một nhân tố quyết định cuộc chiến ở Ukraine và là người phân định các mối quan hệ quốc tế, trật tự quốc tế trong thời gian tới và cũng như vậy trong quan hệ với EU.

Trump đã soi xét lại và đánh giá xem Mỹ được lợi gì và mất gì ở Ukraine. Theo con số Mỹ đã mất 500 tỉ đô la. Cũng như vậy Mỹ đang tính toán họ sẽ được gì ở EU? Liệu Mỹ có thể bảo bọc châu Âu mãi được không? Đặc biệt nếu cuộc chiến ở Ukraine kéo dài thì Mỹ sẽ bị lôi kéo vào cuộc chiến hao người tốn của nhất và nếu Chiến tranh thế giới thứ ba nổ ra thì Mỹ sẽ là quốc gia bị tổn thất nhiều nhất.

Trump đang điều chỉnh mối quan hệ này theo hướng Mỹ sẽ không đóng vai trò bảo mẫu nữa. Mỹ cho thấy họ đang ngày càng rời xa châu Âu và thi hành nhiều chính sách như  cải thiện quan hệ với Nga trong khi tiếp tục đe dọa và kiềm chế Ukraine, không ủng hộ Ukraine vào NATO  tích cực thúc đẩy kết thúc cuộc chiến tại Ukraine đem lại hòa bình cho Ukraine, đàm phán về Ukraine trực tiếp với Nga không có EU.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy rằng Mỹ sẽ từ chối trách nhiệm, buộc EU phải tăng ngân sách quốc phòng lên con số khó thực hiện. Về Ukraine, quan điểm của Mỹ ngược hẳn với châu Âu khi nhiều lần tuyên bố Nga không đe dọa châu Âu, không tấn công châu Âu, Nga tấn công Ukraine là do bị NATO đe dọa, NATO mở rộng đến biên giới Nga. Bên cạnh đó không chỉ Trump mà cả các nhân vật quan trọng khác của Mỹ cũng cảm thấy sự xuống dốc của nền dân chủ châu Âu, công khai ủng hộ phái hữu EU.

Theo nhiều nhà quan sát, không loại trừ Mỹ đã có  thỏa thuận nào đó với Nga. Tình hình còn những diến biến phức tạp không lường trước được với tính cách của Trump nhưng cũng có những câu hỏi đặt ra là liệu điều này có chứng minh rằng Mỹ không coi Nga là mối đe dọa nữa hay không kể cả đối với an ninh Hoa Kỳ ? Một câu hỏi không dễ trả lời.

Hiện tại đang có một sự khác biệt quá lớn về lập trường Ukraine giữa Mỹ và EU, EU càng ngày càng thúc đẩy các hoạt động chống Nga mạnh mẽ hơn, muốn loại bỏ Putin khỏi cuộc chơi và tiến hành cuộc chiến tại Ukraine đến cùng. EU xác định đánh Nga đến cùng, khẳng định tiếp tục viện trợ cho Ukraine, nâng cấp tiền bạc và vũ khí, bàn nhau thành lập liên minh quân sự tự nguyện không có Mỹ, thuyết phục Zelensky không chấp nhận đàm phán với Nga và tiếp tục tấn công Nga. Với thỏa thuận ngừng bắn 30 ngày thì NATO, Anh, EU phá đến cùng… điều đó cho thấy EU hoàn toàn không muốn chấm dứt chiến tranh và đang tìm mọi cách để níu kéo Mỹ tiếp tục viện trợ cho Ukraine.

Trong bối cảnh hiện nay, EU không ở vị thế có thể thương lượng với Mỹ, họ bối rối và có phần phải nín nhịn về thái độ trịch thượng của Mỹ cũng như về lập trường của Mỹ với Ukraine. EU tìm nhiều cách để thuyết phục Mỹ có nhận thức lại về mối nguy hiểm của Nga, thay đổi quan điểm về Nga nhưng khó thành công.

Từ những diễn biến trong thời gian qua, câu hỏi đặt ra là liệu trong thời gian tới quan hệ giữa Mỹ và EU sẽ đi về đâu khi những bất đồng và hố sâu ngăn cách ngày càng lớn. Liệu Mỹ có bỏ rơi hoàn toàn EU cũng như EU có khả năng quay lưng hoàn toàn lại với Mỹ hay không?

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Mỹ và EU không đồng quan điểm về cuộc chiến tại Ukraine cũng như những chủ đề khác, tuy nhiên, quan hệ Mỹ EU không chỉ liên quan đến Ukraine mà còn liên quan chặt chẽ đến các vấn đề chính trị, quân sự, thương mại mà cả hai bên đều đang có những tính toán địa chính trị, lợi ích và chắc chăn không thể rời bỏ nhau trong một sớm một chiều.

Trong thời gian tới quan hệ giữa Mỹ và EU sẽ đi về đâu khi những bất đồng và hố sâu ngăn cách ngày càng lớn? Hình minh họa

Mỹ khó có thể “thực sự bỏ EU” vì nền quốc phòng của Mỹ vẫn thu được lợi ích rất cao khi quan hệ với EU. Trump biết rõ rằng châu Âu không có khả năng đảm đương quốc phòng một mình, chính vì thế, và cũng vì quyền lợi của Mỹ thì Mỹ sẽ chuyển cuộc chơi tại Ukraine từ việc tham gia trực tiếp trở thành gián tiếp khi Mỹ sẽ chỉ là nơi bán vũ khí cho EU. Nếu chiến tranh tiếp tục thì EU là bên tấn công, đương đầu với Nga, Mỹ chỉ cung cấp vũ khí và thu lợi nhuận.

Về phần mình, châu Âu đang phải đối mặt với thực tế nghiệt ngã về một cuộc chiến tranh cường độ cao chưa từng thấy xảy ra ngay trên lục địa châu Âu kể từ năm 1945 và thế giới ngày càng hỗn loạn, châu Âu đang nỗ lực định hình lại chính mình với mong muốn không thể chỉ là khối kinh tế lớn mà cần trở thành trở thành một thế lực quân sự – kinh tế độc lập và chủ động hơn, sẵn sàng bảo vệ giá trị, lãnh thổ và lợi ích của mình bằng chính sức mạnh nội tại. Tái vũ trang và đề ra chính sách quốc phòng tự chủ  là  một bước đi tất yếu, một lựa chọn bắt buộc nhưng sẽ cần rất nhiều thời gian, sự thống nhất nội bộ, và những tính toán rất tinh tế để không phá vỡ quan hệ xuyên Đại Tây Dương, vốn rất cần thiết cho sự ổn định và phát triển của EU .

Dù EU rất quyết tâm nhưng tiến độ sẽ rất chậm do rào cản chính trị và kinh tế, khác biệt quan điểm giữa các nước thành viên, chỉ có Đức, Pháp và thêm Anh đi đầu trong cuộc chiến này, nhiều nước khác phản đối và cũng bắt đầu có những tiếng nói yêu cầu EU thay đổi chính sách với Nga. Thêm vào đó, năng lực công nghiệp EU không đồng đều, và đặc biệt đe dọa từ phía Mỹ về việc EU “làm loãng” NATO. Chính vì thế cho dù EU có thể củng cố hơn nữa vai trò của mình trong lĩnh vực quốc phòng, nhưng họ vẫn sẽ phụ thuộc vào NATO và Mỹ trong dài hạn khi sự đối đầu giữa EU – Nga sẽ tiếp tục căng thẳng, đặc biệt trong vấn đề Ukraine và mở rộng NATO.

Cả Mỹ và EU đều được coi là hai cường quốc lớn có vai trò chi phối tình hình địa chính trị thế giới. Song, kể từ khi ông Trump cầm quyền nước Mỹ, mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu bị rạn nứt. Với chính sách “Nước Mỹ trên hết”, Trump yêu cầu EU trả món nợ cho Mỹ từ nhiều năm nước này đã bị EU lợi dụng. Giờ đây, Trump công khai tuyên bố EU phải tự bảo vệ an ninh cho mình, Mỹ sẽ cắt nguồn viện trợ cho Ukraine nếu như Zelensky không chấp nhận đàm phán với Nga theo áp lực của Trump. Chính sách thuế quan mới đây của ông Trump là đòn giáng mạnh vào nền kinh tế châu Âu, đẩy mâu thuẫn EU và Mỹ càng thêm căng thẳng. Nếu châu Âu đáp trả hàng hóa của Mỹ nhập vào châu Âu như tuyên bố thì sẽ đẩy hai bên đối đầu nhau. Các nhà quan sát cho rằng trong bối cảnh đó, Trump sẽ có nhiều lá bài để trừng phạt EU, khiến cho EU rơi vào sự khủng hoảng. Giấc mơ tái vũ trang châu Âu, độc lập với Mỹ còn xa vời.■     

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC