Bàn về giáo dục

TS. Nguyễn Văn Hưởng

Giáo dục vốn là đề tài được bàn đến từ nhiều năm nay, mà dường như vẫn chưa tìm được lối ra. Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo cải cách lĩnh vực giáo dục, nhưng thực tế, càng cải cách, càng phát sinh những rối rắm, phức tạp và tiêu cực, khiến xã hội bức xúc. Với những bất cập của các cấp học từ mẫu giáo tới đại học và sau đại học mà truyền thông đã phản ảnh, không thể không thừa nhận một thực tế là dân trí của đất nước ta chưa bắt kịp được với thời đại mới. Chúng ta có một lực lượng lao động dồi dào, cần cù, chịu khó, nhưng đa số trình độ tay nghề thấp kém, chỉ đủ trình độ gia công cho nước ngoài, thậm chí nếu có đi xuất khẩu thì cũng chỉ làm những công việc chân tay đơn giản. Theo Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 do Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (UEB – VNU) và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam phối hợp nghiên cứu và soạn thảo, năng suất lao động của 9 nhóm ngành của Việt Nam đều ở mức gần hoặc thấp nhất trong khu vực Đông Bắc Á và ASEAN, đặc biệt là ở các ngành “công nghiệp chế biến chế tạo”, “xây dựng” và “vận tải, kho bãi, truyền thông”.[1] Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp khó tìm được việc làm vì yếu kém cả về kiến thức, kỹ năng chuyên môn lẫn kỹ năng giao tiếp xã hội. Nhiều người thất nghiệp, phải kiếm sống bằng nghề tay trái. Với sự phát triển của khoa học, công nghệ toàn cầu, dân trí thấp là một rào cản lớn cho sự phát triển của Việt Nam.

Trong một nền kinh tế thị trường phát triển sôi động và một xã hội thông tin ngày càng kết nối, hội nhập sâu rộng với thế giới, người dân càng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Một bộ phận không nhỏ người dân vì nhận thức kém, nên dễ bị cám dỗ, lừa gạt, tiêu biểu là những trường hợp phụ nữ bị lừa bán đi nước ngoài, hoặc lừa đi xuất khẩu lao động theo những con đường không chính thống và nguy hiểm, gây thiệt hại cả về tiền bạc lẫn sức khỏe, tính mạng. Sự hiểu biết và thực thi luật pháp của công dân cũng rất đáng báo động. Tình trạng gian dối, lừa đảo trong kinh doanh, doanh nghiệp xả thải ra môi trường, hay thái độ liều lĩnh, vô trách nhiệm khi tham gia giao thông… hiện ở mức đáng báo động và rất khó kiểm soát. Vẫn còn nhiều tồn tại nữa không thể nêu hết trong bài này, nhưng chừng ấy cũng đủ để chúng ta suy ngẫm về sự tụt hậu về tri thức, sự xuống cấp của văn hóa và đạo đức xã hội cùng các hệ lụy của nó. Có thể có nhiều cách đánh giá, nhìn nhận khác nhau về nguyên nhân của những tồn tại tiêu cực nêu trên, nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì vấn đề giáo dục, đào tạo là một trong những tác nhân chính.

Giáo dục được hiểu là sự tác động có chủ đích của nhà nước thông qua các cơ sở giáo dục, các tổ chức xã hội để truyền cho các thành viên trong xã hội những kiến thức cơ bản, phẩm chất đạo đức và sức sáng tạo. Như vậy, sứ mệnh của nền giáo dục quốc gia là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng sự phát triển của đất nước và góp phần gìn giữ, nuôi dưỡng bản sắc văn hóa dân tộc. Vì vậy, đối tượng của giáo dục bao gồm tất cả mọi người sống trong quốc gia, từ trẻ em cho đến người cao tuổi. Tuy nhiên, những cuộc bàn luận, tranh luận gần đây về giáo dục Việt Nam chủ yếu tập trung vào giáo dục trong nhà trường, hướng vào lớp người trẻ, trong khi trên thực tế, để phát triển dân trí quốc gia một cách toàn diện, chúng ta cần chú ý tới cả giáo dục mang tính xã hội – dành cho tất cả mọi người. Một nền giáo dục đúng hướng vừa phải coi trọng chất lượng ở các trường, vừa phải coi trọng giáo dục công dân mang tính xã hội.

Về giáo dục trong nhà trường

Giáo dục trong nhà trường ở nước ta hiện nay đã phân làm hai cấp độ: (i) giáo dục lớp trẻ: từ bậc mầm non cho tới hết phổ thông trung học, (ii) giáo dục đại học, sau đại học và dạy nghề.

Đối với lớp trẻ, giáo dục cần hướng vào ba mục tiêu. Một là, giáo dục cội nguồn, bản sắc dân tộc. Hai là, giáo dục để học sinh nắm và hiểu được kiến thức cơ bản. Ba là, góp phần nâng cao thể chất của người Việt Nam. Như vậy, vấn đề gốc rễ không chỉ nằm ở việc cải cách nội dung sách giáo khoa hay những bộ đề thi tốt nghiệp, mà phải xuất phát từ những mục tiêu phát triển con người mà nó hướng đến. Một công dân trẻ được giáo dục toàn diện không có nghĩa là phải khá giỏi tất cả các môn học, hay ít nhất là các môn chính, các môn thi tốt nghiệp, như nhiều trường học và các vị phụ huynh thường nghĩ. Thay vào đó, giáo dục lớp trẻ trong nhà trường và tại gia đình cần hướng vào những tiêu chí:

(1) Học sinh biết tự học, tự khám phá: Tiêu chí này đòi hỏi phương pháp giáo dục phải mang tính chất khơi gợi, tạo cảm hứng để trẻ chủ động tìm hiểu, khám phá các chủ đề tự nhiên – xã hội và môi trường xung quanh mình. Nên khuyến khích các cháu tự tìm tòi những vấn đề mà bản thân có hứng thú học hỏi qua nhiều nguồn khác nhau, không chỉ giới hạn trong sách giáo khoa hay bài giảng của thầy cô, mà cần mở rộng sang các loại sách báo, tư liệu khác và mạng Internet, cũng như tham gia các câu lạc bộ, các hội nhóm hoạt động ngoại khóa có liên quan, nhất là các cháu ở cấp trung học. Tự học một cách đam mê không chỉ là cách học hiệu quả nhất, mà còn tạo nền tảng cho việc học tập suốt đời. Hiện nay, cách tiếp cận này mới chỉ được áp dụng tại một số ít trường tư thục, trường quốc tế tại các đô thị lớn. Nó chưa được áp dụng rộng rãi trong hệ thống giáo dục công lập nói chung.

(2) Nhà trường là cơ sở góp phần rèn luyện cho học sinh có sức khỏe tốt: Thông qua các hoạt động của mình, nhà trường cần hướng dẫn lớp trẻ theo đuổi lối sống lành mạnh thông qua chế độ dinh dưỡng hợp lý và việc luyện tập thể lực, phát triển thể chất. Thể dục, thể thao không nên được nhìn nhận như một môn học bắt buộc với một giáo trình định sẵn cùng các chế độ chấm điểm và thi cử như những môn khác, mà cần được tổ chức theo sở thích, năng khiếu, nhu cầu, lựa chọn riêng của các cháu, với mục tiêu tối hậu là giúp hình thành nên thái độ coi trọng sức khỏe và thói quen luyện tập. Bên cạnh đó, các hoạt động đào tạo và rèn luyện thể lực cũng cần đặt mục tiêu hướng dẫn trẻ các kỹ năng sinh tồn thiết yếu để đối phó với thiên tai, thảm họa, và các rủi ro, tai nạn trong đời sống hàng ngày. Học sinh các cấp học cần có nhiều hơn những cơ hội tiếp xúc, trải nghiệm và tìm hiểu thiên nhiên, cũng như tham gia các hoạt động ngoài trời. Đi dạo qua nhiều trường mầm non ở Việt Nam hiện nay, có chung một cảnh tượng dễ nhận thấy đó là trường tư thì chật hẹp, không có sân chơi; trường công thì sân rộng nhưng vắng bóng trẻ, bởi trẻ dành phần lớn thời gian để ngồi học trong lớp, mặc dù đối với trẻ mầm non, vui chơi và hoạt động thể chất mới là quan trọng hơn cả. Tuy nhiên, một số trường tư thục, trường quốc tế hiện nay đã chú trọng các hoạt động thể chất dành cho học sinh; trên mạng xã hội thậm chí còn có những nhóm phụ huynh tự đứng ra tổ chức các sự kiện dã ngoại, thể thao, vui chơi ngoài trời cho trẻ nhỏ.

Ảnh minh họa (Tạp chí Gia đình và Trẻ em)

(3) Học sinh trở thành người tự tin, tự trọng, có phẩm cách: môi trường và phương pháp giáo dục phải đủ “mở” để người học tự do thể hiện quan điểm và sáng tạo theo cách riêng của mình. Cá tính và năng lực của mỗi một người học cần được nhà trường, giáo viên và bạn bè tôn trọng và không nên bị đem ra so sánh, bình phẩm. Ở nhiều nước trên thế giới, điểm số của học sinh được coi là bí mật đời tư và cần được giữ kín. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nhà trường không coi trọng việc quản lý, đánh giá năng lực của học sinh. Giáo viên và phụ huynh hoàn toàn có thể hẹn gặp định kỳ hoặc khi có vấn đề nảy sinh, trao đổi riêng tư về việc học cũng như về tâm lý, tính cách, sinh hoạt của trẻ tại trường, để làm sao gia đình và nhà trường hiểu nhau, hiểu trẻ, và cùng đưa ra những giải pháp tốt nhất. Trong khi đó, ở nước ta, không ít trường học hiện nay vẫn duy trì việc phê bình, kiểm điểm học sinh vi phạm nội quy trước toàn lớp, toàn trường; điểm thi của từng học sinh cũng được công khai ở trường hoặc thậm chí đăng cả trên mạng Internet. Điều đó có thể khiến trẻ phát sinh tâm lý tự ti, nhút nhát, tiêu cực, hoặc thái độ ganh đua, so bì. Đã có những trường hợp học sinh bị giáo viên, bố mẹ chỉ trích, bạn bè chê cười vì điểm thấp, dẫn đến bỏ học, trầm cảm, thậm chí tự tử. Việc tạo điều kiện để mỗi người học tập và phát triển theo tốc độ và sở trường riêng của bản thân, với những tư vấn, góp ý tế nhị từ thầy cô giáo khi trẻ gặp khó khăn trong học tập hoặc mắc lỗi, sẽ giúp trẻ tự tin, tôn trọng và biết yêu quý bản thân, biết bao dung với những khuyết điểm, sai lầm của chính mình và có một năng lượng, thái độ tích cực để khắc phục những khuyết điểm đó. Đồng thời, một thái độ sống như vậy cũng sẽ giúp hình thành nên phong cách ứng xử dựa trên tình yêu thương và sự tôn trọng giữa thầy cô, phụ huynh và học trò, cũng như giữa các bạn học với nhau.

(4) Học sinh trở thành người có trách nhiệm xã hội: qua nhiều thế hệ, chắc hẳn môn đạo đức hay giáo dục công dân đã luôn dạy trẻ về những điều hay lẽ phải trong cuộc sống, nhưng tại sao tình trạng bạo lực học đường và những hành vi xấu hoặc vi phạm pháp luật vẫn cứ xảy ra tràn lan trong xã hội? Mặc dù một phần nguyên nhân có thể xuất phát từ môi trường giáo dục trong gia đình hay năng lực yếu kém của các nhà quản lý xã hội, nhưng phải thừa nhận rằng chương trình giáo dục nói chung và môn học giáo dục công dân nói riêng chưa đủ hấp dẫn và thiết thực để giúp người học cảm thấy gần gũi và áp dụng được trong đời sống hàng ngày. Các bài học về đạo đức, pháp luật và trách nhiệm công dân… thường khô khan, mang nặng tính lý thuyết, và chỉ gói gọn trong chương trình sách giáo khoa. Để người học nhận thấy tầm quan trọng và tính thiết yếu của những chủ đề này, cần gắn từng bài học với bối cảnh kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị của đất nước và những tình huống cụ thể. Các em cần được khơi dậy lòng yêu nước, thông qua những câu chuyện lịch sử dựng nước và giữ nước của cha anh, hoặc chuyện về các nhà khoa học, doanh nhân thành đạt, hoặc các tấm gương cá nhân tiêu biểu khác. Nhà trường cũng cần tổ chức những dịp để học sinh cùng nhau thảo luận cởi mở về những vấn đề còn bất cập của địa phương mình, đất nước mình và tìm cách thay đổi dù chỉ bằng những hành động nhỏ nhất. Đồng thời, trẻ em và thanh thiếu niên nên được khuyến khích tham gia các hoạt động xã hội có ý nghĩa như các chương trình thiện nguyện, chương trình bảo vệ môi trường… Có như thế, các em mới cảm thấy mình là một bộ phận của một cộng đồng to lớn hơn, và hình thành tinh thần công dân và trách nhiệm đóng góp cho cộng đồng, đất nước, thay vì lối sống ích kỷ, “đèn nhà ai nấy rạng”.

Trong quá trình học tại trường phổ thông, học sinh cần được tư vấn, hướng dẫn để xác định và theo đuổi những đam mê, sở trường của mình, để làm sao sau khi tốt nghiệp cấp 3, các em có thể lựa chọn một hướng đi phù hợp. Học sinh sau khi hoàn thành chương trình phổ thông không nhất thiết phải học đại học, mà có thể lựa chọn học nghề. Hiện nay, nhiều thanh niên luôn nghĩ phải học đại học mới là thành đạt và có khả năng thăng tiến về địa vị, thu nhập. Nhưng đối với một số người, làm một người thợ xuất sắc có thể là con đường tốt hơn để có mức lương cao và sự nghiệp phát triển. Tuy nhiên, để đào tạo nghề trở nên hấp dẫn hơn đối với giới trẻ, cần chú trọng phát triển hệ thống trường đào tạo nghề sao cho hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và theo sát nhu cầu xã hội. Trường nghề cũng cần kết nối với các doanh nghiệp để trao đổi kiến thức, công nghệ, đồng thời mở rộng các cơ hội thực tập và việc làm cho sinh viên.

Tại bậc đại học, thay vì truyền thụ cho sinh viên quá nhiều kiến thức, chương trình đào tạo nên áp dụng mô hình tự lựa chọn, theo đó, sinh viên có thể tự chọn nhiều môn học theo nguyện vọng của mình, bên cạnh một số môn cơ bản bắt buộc. Sinh viên chỉ cần lên lớp một vài buổi một tuần, thời gian còn lại nên dành cho việc tự học, tự nghiên cứu, thay vì chỉ ngồi nghe thầy cô giảng. Chỉ khi được tập trung cho những lĩnh vực mà mình có đam mê, sinh viên mới có đủ động lực và thời gian để nghiên cứu, sáng tạo, phát huy được hết tiềm năng cá nhân. Có như thế, nền giáo dục mới khơi dậy được khát vọng của từng người, hay cao hơn nữa là khát vọng của quốc gia.

Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, công cuộc cải cách giáo dục Việt Nam cần phải xây dựng một triết lý giáo dục mới phù hợp với thời đại, trên cơ sở đó cần bình tĩnh xem xét, đánh giá các thành quả và những sai lầm để tiến hành điều chỉnh, bổ sung. Những giá trị giáo dục truyền thống vẫn tốt, và những kiến thức cơ bản, thì không nên cải cách. Có chăng, cần cải cách phương pháp dạy và học, theo phương châm học đi đôi với hành, đồng thời cải cách cơ chế quản lý các trường công lập, đảm bảo quyền hạn và trách nhiệm của hiệu trưởng.

Trên thực tế đã có một số ít trường học (có lẽ đa số là trường tư thục, trường quốc tế) áp dụng các phương pháp giáo dục mới như đã nêu ở phần trên. Với xu hướng này, ta có thể lạc quan rằng sẽ ngày càng có nhiều cơ sở giáo dục tiến bộ, hiện đại hơn nữa. Câu hỏi lớn nhất là liệu Bộ Giáo dục và cả hệ thống chính trị có ủng hộ và có đủ quyết tâm để theo đuổi những mục tiêu này cho toàn bộ hệ thống giáo dục hay không. Nếu những phương pháp giáo dục hiệu quả, hấp dẫn chỉ được thực hành ở một số trường học tại đô thị, thì sẽ là một thiệt thòi lớn cho đa số trẻ em Việt Nam hiện vẫn được đào tạo trong hệ thống trường công, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi.

Một vấn đề không kém phần quyết định là nhà nước cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc xã hội hóa giáo dục nước nhà. Bài học thực tế đã cho ta thấy việc các doanh nghiệp lớn tham gia vào lĩnh vực giáo dục, đào tạo, đã tạo ra các cơ sở giáo dục đạt được các tiêu chuẩn như mong muốn và mở ra cơ hội liên doanh, liên kết, tích hợp các phương pháp giáo dục tiên tiến của các nước vào nền giáo dục nước nhà.

Về giáo dục cộng đồng

Giáo dục cộng đồng cũng là một hướng quan trọng để nâng cao dân trí của nước ta. Trong hơn một thập kỷ qua và đặc biệt là trong khoảng ba năm trở lại đây, tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đã xuất hiện nhiều hoạt động giáo dục cho cộng đồng. Ví dụ, Bảo tàng Dân tộc học đã tổ chức các chương trình tìm hiểu về văn hóa truyền thống các địa phương vào những dịp đặc biệt như Tết Nguyên đán, Trung Thu; Trung tâm Văn hóa Pháp, Viện Goethe (Đức) và một số tổ chức nước ngoài khác thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, triển lãm về các chủ đề văn hóa, nghệ thuật, lịch sử… mở cửa miễn phí cho công chúng; Trường Đại học Quốc gia và một số viện nghiên cứu đã thông báo trên mạng xã hội về địa điểm, thời gian tổ chức và nội dung của các buổi hội thảo, sinh hoạt chuyên môn để bất cứ ai quan tâm cũng có thể tham gia; các không gian nghệ thuật như Six Space và Heritage Space (Hà Nội) đã tổ chức các buổi nói chuyện, trao đổi học thuật với các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế; một số thư viện tư nhân như Ago Hub (thư viện kiến trúc), Kids Need Book (thư viện sách tiếng Anh dành cho trẻ em)… đã được thành lập và được quảng bá rộng rãi, giúp gây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng dân cư đô thị. Trên mạng xã hội Facebook cũng có nhiều hội nhóm nghiên cứu về pháp luật, lịch sử, văn hóa, trong đó các thành viên trao đổi với nhau rất nhiều kiến thức, thông tin hữu ích. Những hội nhóm này đã giúp mang lịch sử dân tộc đến gần hơn với người trẻ thông qua những bài viết, hình ảnh chân thực, hấp dẫn.

Trải nghiệm làm đồ chơi Trung thu tại Bảo tàng Dân tộc học (Ảnh: Báo Du lịch)

Sự phát triển nở rộ của những hoạt động giáo dục cộng đồng là một điểm sáng trong quang cảnh văn hóa, giáo dục Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, dường như nó chủ yếu phục vụ thanh thiếu niên và những người hoạt động trong lĩnh vực tri thức. Còn thiếu vắng các hoạt động học tập phù hợp hơn với nhiều nhóm xã hội khác như người cao tuổi, lao động di cư, người nghèo đô thị, và người dân nông thôn. Các đoàn thể quần chúng dường như đã quá chú trọng vào chuyện lễ lạt, họp hành hình thức, chứ chưa dành cho họ sự quan tâm thích đáng về mặt giáo dục, phát triển con người. Giáo dục cộng đồng có thể xuất phát từ những sự kiện, vấn đề thiết thân trong đời sống hàng ngày như sức khỏe, môi trường, pháp luật, phòng chống tội phạm, phòng chống cháy nổ, kỹ năng sinh tồn, đối phó với thiên tai, thảm họa, thông qua nhiều hình thức thể hiện linh hoạt, hấp dẫn như triển lãm, thư viện cộng đồng, các buổi tư vấn, thảo luận… Việc thiết kế những hoạt động giáo dục cộng đồng cần gắn liền với hoàn cảnh địa phương và nhu cầu của người dân. Ví dụ, các điểm dân cư có thể tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng, cập nhật thông tin về các vấn đề, các vụ việc tiêu cực xảy ra để mọi người biết và cùng nhau trao đổi, làm rõ nguyên nhân, qua đó tìm biện pháp phòng ngừa, bên cạnh việc phổ biến các kiến thức, kỹ năng sống và các chính sách, luật pháp của nhà nước. Có làm được như vậy thì cộng đồng mới hứng khởi tham gia, tạo nền tảng cho một xã hội học tập với tinh thần học tập suốt đời.

Như vậy, có thể nói cải cách giáo dục không nên chỉ giới hạn trong phạm vi hệ thống giáo dục nằm dưới sự quản lý của Bộ Giáo dục Đào tạo, mà các cấp chính quyền, cơ quan, đoàn thể cần có trách nhiệm cao trong việc giáo dục công dân nắm bắt được những kiến thức mới của xã hội, nắm bắt được chính sách, luật pháp hiện hành, tu bổ kỹ năng sống thích ứng với cuộc sống hiện tại và sống có trách nhiệm với xã hội, với môi trường mình đang sống. Nhà nước còn cần khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giáo dục do các cá nhân và các tổ chức xã hội tự thực hiện. Dù được tiến hành theo hình thức nào đi chăng nữa, giáo dục nên lấy người học làm trung tâm, nhấn mạnh sự tự chủ và tư duy sáng tạo của họ, đồng thời tăng cường mối gắn kết, trao đổi tri thức giữa các nhóm khác nhau. Đường lối giáo dục đó sẽ đem lại cho ta một nguồn lực làm biến đổi xã hội.

[1] Mai Hân (2018). “Năng suất lao động Việt Nam trong nhóm thấp nhất Đông Nam Á và ASEAN”. Nhịp Cầu Đầu Tư. https://nhipcaudautu.vn/thuong-truong/nang-suat-lao-dong-viet-nam-trong-nhom-thap-nhat-dong-bac-a-va-asean-3323965/, truy cập ngày 22 tháng 10 năm 2018.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN