Đại dịch coronavirus đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu. Các nhà phân tích đều cho rằng thế giới hiện đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cho rằng đại dịch đã và đang phá vỡ trật tự kinh tế và xã hội với tốc độ nhanh, quy mô rộng và mức độ lớn chưa từng có trong lịch sử, nghiêm trọng hơn cả Đại Suy Thoái 1929-1933 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Theo IMF, GDP toàn cầu có thể thiệt hại tới 9.000 tỉ USD. Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) dự báo thu nhập của người lao động trên thế giới thiệt hại 3.400 tỉ USD.

Mới đây nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa ra những dự báo hết sức bi quan cho nền kinh tế thế giới năm 2020. Ngân hàng thế giới công bố báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6 năm 2020 với tiêu đề: Covid-19 sẽ đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II. Nền kinh tế toàn cầu, theo Ngân hàng Thế giới, sẽ giảm 5,2% trong năm 2020.

Trong khi tất cả các quốc gia đều phải chịu cú sốc sụt giảm lớn và nhanh chưa từng thấy gây ra bởi đại dịch và các biện pháp phong toả, một số sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Các nền kinh tế phát triển được dự đoán sẽ sụt giảm 7%; các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển cũng sẽ thu hẹp lại nhưng chỉ ở mức 2,5%.

Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương được dự đoán là khả quan hơn cả, với tốc độ tăng trưởng chậm lại chỉ 0.5%. Tăng trưởng của Trung Quốc dự kiến sẽ chậm lại chỉ còn ở mức 1% trong năm nay. Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh sự co hẹp của các nền kinh tế lớn khác trong khu vực Đông Nam Á như: Malaysia 3,1%, Philippines 1,9% và 5% đối với Thái Lan, Indonesia tăng trưởng giảm xuống 3,7%.

Máy bay xếp hàng nằm chờ tại Sân bay Quốc tế Hong Kong, tháng 3-2020 (Ảnh: Bloomberg)

Nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ dự báo tăng trưởng âm 6,1% trong năm 2020, phải sau năm 2021 mới bắt đầu hồi phục. Các nước Nam Mỹ như Brazil đều tăng trưởng âm. Kinh tế EU (Pháp, Đức, Tây Ban Nha…) sẽ suy giảm 7,5%. Nhiều nước Đông Âu, Bắc Âu đều tăng trưởng thấp. Nước Anh bị tác động khi rời khỏi Liên minh châu Âu, nay dịch Covid-19 đã làm cho kinh tế nước này có mức tăng trưởng thấp chưa từng có ở mức -8%. Nga cũng dự báo sẽ tăng trưởng -5% năm nay…

Từ tình hình trên đây cho thấy, các quốc gia chấp nhận thiệt hại kinh tế để bảo vệ sức khỏe người dân. Toàn thế giới ở trong trạng thái co mình chống đỡ bệnh dịch; nguồn tài chính của các quốc gia tập trung cho chống dịch bệnh. Các nước đã chi hàng ngàn tỉ đô la hoặc euro để cứu trợ nền kinh tế và an sinh xã hội. Chỉ riêng Mỹ đã chi 3.000 tỉ đôla. EU đã công bố gói cứu trợ 1.500 tỉ euro. Trung Quốc cũng tung gói cứu trợ 559 tỉ đôla.  Nhiều nhà máy, xí nghiệp không được đầu tư phải ngừng hoạt động; tình trạng phá sản các doanh nghiệp gia tăng; hệ thống thương mại ngừng hoạt động… Hệ thống tài chính quốc tế và quốc gia đều tăng trưởng âm.

Như vậy, có thể thấy kinh tế toàn cầu đang dừng lại, chỉ còn duy trì tìm kiếm nguồn cung cho những nhu cầu của cuộc sống và chữa bệnh, nhất là dụng cụ y tế, phương tiện phòng dịch, thuốc chữa bệnh, đặc biệt là nhu cầu cho đời sống của người dân như lương thực, thực phẩm, nước uống, hoa quả là rất lớn do nguồn dự trữ và cung bị thiếu hụt, do phong tỏa xuất nhập cảnh và đình đốn sản xuất. Theo dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì tình hình dịch bệnh thế giới còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiều nước ở châu Âu, Mỹ công bố đã có chiều hướng giảm các ca lây nhiễm nhưng vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh. Các quốc gia này mới chỉ nới lỏng sự di chuyển trong nội địa và mở ra một số lĩnh vực, tạo điều kiện cho nhu cầu dân sinh. Gần đây, một số nước đã công bố kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 nhưng lại tái nhiễm, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Điều này cho thấy dịch bệnh sẽ còn diễn biến dai dẳng, nguy cơ tái nhiễm vẫn rất cao.

Trước bối cảnh thế giới như vậy, cho dù Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh, là điểm đến an toàn xét trên nhiều phương diện rất hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài, thì cũng không thể có ngay những doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam đầu tư vào lúc này. Trước mắt, họ không thể vượt qua những biện pháp phong tỏa của nước họ, nếu có cũng chỉ là những lời cam kết ban đầu mang tính chất giữ chỗ để sau nạn dịch sẽ triển khai; quan hệ với Việt Nam lúc này là trực tuyến qua mạng Internet.

Do vậy, Việt Nam lúc này cần theo dõi sát sao tình hình chống dịch của các nước, nhất là các nước đã là thị trường lớn của nước ta về thương mại và đầu tư; qua đó xem xét các nhu cầu của từng nước để cung ứng cái mà họ cần, xúc tiến nhanh xuất khẩu trong khi thế giới còn đang “đứng yên”; đồng thời tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước, kết nối với những nước đã kiểm soát được bệnh dịch để khôi phục những lĩnh vực đã thiết lập với các nước. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những bước đi ngắn hạn chờ đón cơ hội thế giới đẩy lùi dịch bệnh, còn chiến lược nhằm phục hồi kinh tế của Việt Nam thời điểm này là hướng nội, là tận dụng mọi tiềm lực của quốc gia đã được nêu trong kết luận của Bộ Chính trị và những chính sách cụ thể của chính phủ trong tháng 6 năm 2020. Dư luận đều tin rằng Việt Nam có thể sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 như Thủ tướng chính phủ đã yêu cầu. Song việc thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng việc mở cửa với các nước đã kiểm soát được dịch bệnh, cùng với việc triển khai các biện pháp kiểm soát quốc gia, là nhân tố rất quan trọng và quyết định; nếu bệnh dịch tái phát trở lại, thì mọi thành quả của Việt Nam đều bị hủy hoại, nền kinh tế sẽ bị nhấn chìm./.

Bình Minh

 

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC