Bỏ phiếu cho ai nếu là công dân Mỹ?

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã diễn ra sôi động từ một năm trước ngày bầu cử, ban đầu giữa đương kim Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump. Tới giai đoạn nước rút, Biden hụt hơi và nhường vị trí ứng viên cho phó tướng Kalama Harris. Cho tới ngày bầu cử, Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đã cạnh tranh hết sức căng thẳng, với kết quả thăm dò hai ứng viên gần như ngang bằng nhau, cho thấy người Mỹ cũng rất chia rẽ trong việc lựa chọn người lãnh đạo của mình.

Là người phụ nữ đầu tiên và người da màu đầu tiên giữ vị trí Phó Tổng thống Mỹ, bà Harris xây dựng hình ảnh bản thân như biểu tượng cho sự đa dạng và tiến bộ. Điều này giúp bà thu hút cử tri từ các nhóm thiểu số và những người ủng hộ bình đẳng giới. Bà cũng nhấn mạnh câu chuyện cá nhân về mẹ mình, một người nhập cư gốc Á, để kết nối với cử tri gốc Á và các cộng đồng nhập cư khác. Chiến lược tranh cử của bà tương đối hiệu quả, đã huy động được số tiền kỷ lục. Trẻ trung cũng là yếu tố giúp bà xây dựng hình ảnh tích cực và thu hút sự ủng hộ từ nhiều nhóm cử tri.

Trong khi đó, cựu Tổng thống Donald Trump cũng có thế mạnh của mình với chính sách dân túy, kêu gọi quyền lợi của nước Mỹ phải được đặt lên trên hết. Đặc biệt, sự nổi bật và uy tín của Trump lên cao sau vụ ám sát hụt nhắm vào ông. Cho dù sự xuất hiện mới mẻ của Harris khiến các cuộc thăm dò cho thấy khả năng thắng của Trump sụt giảm, càng gần tới sát cuộc đua, chiến dịch của ông lại có đà mạnh nhờ sự ủng hộ của người giàu nhất nước Mỹ Elon Musk. Ông này đã tài trợ hàng chục triệu USD và tham gia các sự kiện vận động tranh cử cùng ông Trump tại bang Pennsylvania, bang chiến địa quyết định kết quả bầu cử.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 được đánh giá là khốc liệt và cạnh tranh nhất từ trước tới nay. Hình minh họa

Cuộc bầu cử Mỹ năm 2024 được đánh giá là khốc liệt và cạnh tranh nhất từ trước tới nay. Bầu cho ai là lựa chọn không dễ dàng với công dân Mỹ, đặc biệt là nhóm cử tri còn đang dao động.

Trước hết, về phía Đảng Dân chủ đại diện bởi Biden và Harris, chúng ta dễ thấy nhiệm kỳ vừa qua dưới sự lãnh đạo của nhóm này đã cho thấy nhiều yếu kém.

Về mặt đối nội, nền kinh tế Mỹ đã có những dấu hiệu sa sút trong nhiều lĩnh vực. Lạm phát cao là một trong những vấn đề đau đầu nhất trong nhiệm kỳ của Biden. Vào giữa năm 2022, lạm phát tại Mỹ đã đạt mức cao nhất trong hơn 40 năm, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng và thực phẩm. Tình trạng này vẫn tiếp tục gây sức ép lên túi tiền của người tiêu dùng. Để đối phó với lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã tăng lãi suất nhiều lần, khiến cho thị trường bất động sản chững lại, ảnh hưởng tiêu cực đến các khoản vay tiêu dùng, làm giảm chi tiêu của người dân. Tăng trưởng GDP trong một số quý năm 2022 và 2023 chỉ ở mức khiêm tốn, với nguy cơ suy thoái luôn hiện hữu. Đặc biệt nguy hiểm là nợ công tăng lên mức kỷ lục gần 35 ngàn tỉ USD, làm dấy lên lo ngại về khả năng vỡ nợ trong dài hạn. Thị trường lao động cũng gặp nhiều thách thức, doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động, đặc biệt trong các ngành dịch vụ và sản xuất. Tình trạng nhập cư tràn lan là mối nguy bị phe Cộng hoà tận dụng để phê phán những yếu kém dưới thời Biden.

Về mặt đối ngoại, chính sách của Mỹ dưới thời Biden đã trực tiếp và gián tiếp gây ra xung đột vũ trang và chiến tranh lớn ở nhiều nơi, đặc biệt là cuộc xung đột đẫm máu giữa Nga và Ukraine, và cuộc chiến đang lan rộng ở Trung Đông giữa Israel và các lực lượng Hồi giáo. Căng thẳng ở Đông Bắc Á và châu Á – Thái Bình Dương vẫn âm ỉ chưa hạ nhiệt. Ngoài việc đẩy chiến tranh với Nga, mâu thuẫn thương mại và công nghệ với Trung Quốc vẫn diễn ra gay gắt. Tất cả những diễn biến này đều tác động tiêu cực đến kinh tế nước Mỹ, gây khó cho thương mại và cung ứng của Hoa Kỳ. Dưới thời Biden, Liên hợp quốc dường như không có vai trò gì lớn, chủ yếu nằm dưới sự sắp đặt của Mỹ.

Về ứng viên Donald Trump, ông này cũng đã có bốn năm làm Tổng thống để người dân hiểu rõ quan điểm chính sách. Về mặt đối nội, kinh tế dưới thời Trump cũng khủng hoảng nghiêm trọng, đặc biệt đại dịch Covid-19 đã trực tiếp làm Mỹ mất 3,5% GDP. Tỉ lệ thất nghiệp từng tăng vọt lên mức 14% trong giai đoạn Covid-19. Việc giảm thuế và tăng chi tiêu của Trump cũng khiến nợ công của Mỹ gia tăng đáng kể. Hàng chục nhà kinh tế đoạt giải Nobel đã tập hợp nhau phê phán các chính sách kinh tế của Trump đã và sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với nước Mỹ. Việc ủng hộ quyền sở hữu súng mạnh hơn, chống phá thai, xây hàng rào biên giới ngăn người nhập cư đều làm cho nội bộ Mỹ chia rẽ chưa từng thấy.

Về mặt đối ngoại, Trump cũng gây nhiều rắc rối không kém. Với khẩu hiệu nổi bật là “Nước Mỹ trên hết”, Trump phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, áp thuế quan cao đối với hàng hóa Trung Quốc nhằm giảm thâm hụt thương mại và buộc Trung Quốc phải đàm phán lại các thỏa thuận thương mại. Trump xem Trung Quốc là mối đe dọa chiến lược đối với Mỹ cả về kinh tế và an ninh. Ngoài cuộc chiến thương mại, Trump còn thúc đẩy việc ngăn chặn ảnh hưởng công nghệ Trung Quốc, đặc biệt là thông qua các biện pháp hạn chế với các công ty công nghệ Trung Quốc. Trong nhiệm kỳ của mình, Trump đã rút Mỹ ra khỏi một số hiệp định và tổ chức quốc tế quan trọng, bao gồm Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu và Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA), Hiệp định TPP, cũng như có xu hướng giảm cam kết của Mỹ với các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Với các đồng minh, Trump đã nhiều lần chỉ trích NATO, cho rằng họ không đóng góp đủ cho quốc phòng và phụ thuộc quá nhiều vào sự bảo vệ của Mỹ. Ông yêu cầu các nước thành viên NATO phải tăng chi tiêu quân sự để chia sẻ gánh nặng chi phí quốc phòng. Mặc dù có chủ trương xoay trục về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm đối trọng với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, chính sách này của Trump cũng không mang lại hiệu quả thực tế. Ở Trung Đông, Trump có bước đi táo bạo như di chuyển Đại sứ quán Mỹ ở Israel đến Jerusalem, công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, tiếp cận thù địch với Iran, góp phần tạo căng thẳng hơn nữa giữa Israel và các nước Hồi giáo.

Kiểu vận động chính trị của Trump tuy luôn nhấn mạnh nước Mỹ trên hết nhưng thực chất vì lợi ích của Trump là chủ yếu. Trump đã không thể hiện là nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp, mà vẫn giữ phong cách lãnh đạo doanh nghiệp, ngẫu hứng, không có hệ thống quan điểm chính trị hoàn chỉnh để lãnh đạo quốc gia.

Với phân tích chính sách và nhân tố con người như trên, có thể thấy cử tri Mỹ cũng chia rẽ rõ rệt khi lựa chọn nhân tố lãnh đạo và cuộc cạnh tranh nội bộ Mỹ thực sự phức tạp. Cuộc bầu cử ngã ngũ nhưng ai trúng cử vào ngày 5/11 cũng không thay đổi được thực tế là nước Mỹ đang ở trong thời kỳ bất ổn trong nước, uy tín quốc tế sụt giảm và sẽ tiếp tục để các ngòi nổ chiến tranh lan rộng. Nhiều người Mỹ cũng không mong cầu sự thay đổi bởi ai trở thành Tổng thống cũng như vậy, nước Mỹ vẫn ở trong trạng thái đánh mất dần sức mạnh và quyền bá chủ thế giới như một thực tế tất yếu.■

Trọng Khang

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN