Dùng tên lửa tầm xa tấn công lãnh thổ Nga: Động thái nguy hiểm cần kiềm chề

Tháng 9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Anh David Lammy đã cùng đến Kiev trong bối cảnh Ukraine thúc đẩy các đồng minh cho phép sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ và Anh tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Hãng thông tấn Reuters đưa tin Ukraine đã cung cấp cho Mỹ và Anh một danh sách các mục tiêu tiềm năng ở Nga để tấn công bằng vũ khí tầm xa, dựa theo nguồn tin của hai nhà ngoại giao châu Âu vào ngày 14/09.

Theo hãng tin phương Tây này, ban đầu người Ukraine muốn sử dụng tên lửa đạn đạo ATACMS của Mỹ để phá hủy các căn cứ không quân của Nga. Nhưng hiện Ukraine muốn sử dụng tên lửa để tấn công cả các trung tâm chỉ huy và kiểm soát quân sự, kho nhiên liệu và vũ khí, cũng như nơi tập trung quân của Nga. Ngoài ATACMS của Mỹ, Kiev còn có kế hoạch tiến hành các cuộc tấn công tầm xa chống Nga bằng tên lửa Storm Shadow do Anh cung cấp và tên lửa SCALP gần như giống hệt của Pháp.

Trong khi Anh dự kiến sẽ xin Mỹ chấp thuận trước khi dỡ bỏ các hạn chế đối với tên lửa Storm Shadow, một nguồn tin ngoại giao của Pháp cho biết, Paris không cần sự cho phép của Washington để Ukraine sử dụng tên lửa của Pháp.

Tổng thống Ukraine Zelensky (phải) chào đón Ngoại trưởng Mỹ A. Blinken và Ngoại trưởng Anh D. Lammy tới Kiev ngày 11/9/2024 để thảo luận về nhu cầu quân sự của Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Ảnh: Leon Neal/Reuters

Trước đó, truyền thông phương Tây đưa tin Mỹ và Anh thực tế đã quyết định cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tấn công lãnh thổ Nga rồi, nhưng chưa muốn công bố chính thức điều đó mà thôi.

Trong bối cảnh nhiều tin đồn rằng phương Tây rục rịch chuẩn bị cho quyết định mang tính bước ngoặt này, hai Ngoại trưởng Anh, Mỹ đã cùng nhau tới thủ đô Ukraine sau cuộc hội đàm ở London. Họ dự kiến ​​gặp Tổng thống nước chủ nhà Volodymr Zelensky, người đã nhiều lần kêu gọi Washington nới lỏng các giới hạn đối với việc sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết một trong những mục tiêu của họ là “nghe trực tiếp từ lãnh đạo Ukraine” về mục tiêu của Ukraine và những gì đồng minh có thể làm để hỗ trợ những nhu cầu đó. Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho hay, chính quyền của ông đang “làm việc” để xem có nên dỡ bỏ các hạn chế hay không.

Ngày 11 tháng 9, tờ nhật báo hàng đầu của Anh Guardian dẫn các nguồn tin chính phủ ẩn danh cho biết, London đã bật đèn xanh cho  Kiev sử dụng tên lửa Storm Shadow để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, London không có kế hoạch công bố động thái này trước công chúng và vẫn muốn tham vấn Mỹ, các nguồn tin này khẳng định.

Thượng nghị sĩ Nga Aleksey Pushkov thì cho rằng, cả Washington và London có thể đã quyết định để Kiev sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công sâu bên trong nước Nga. Tuy vậy, thực tế vấn đề này vẫn đang là mục tiêu thảo luận nghiêm túc trong thế giới phương Tây. Anh và Mỹ cũng chưa hoàn toàn đồng ý được với nhau, cũng như còn tồn tại nhiều quan điểm trái chiều từ nhiều nước châu Âu khác, trong đó có Đức.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 15/9 tuyên bố ông sẽ không đồng ý để Ukraine sử dụng vũ khí của Đức tấn công sâu vào bên trong lãnh thổ Nga. Phát biểu tại cuộc họp ở thành phố Prenzlau, bang Brandenburg, Thủ tướng Scholz khẳng định: “Tôi sẽ không cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí của Đức, ngay cả khi các quốc gia khác đồng ý”. Ông cũng loại trừ khả năng cung cấp vũ khí tầm xa Taurus cho Ukraine trong tương lai do lo ngại chiến sự “có thể leo thang nghiêm trọng”. Thủ tướng Scholz nhấn mạnh: “Đó là lý do tại sao tôi sẽ giữ vững quan điểm của mình, ngay cả khi các quốc gia khác quyết định ngược lại”. Theo ông, quan điểm này cũng áp dụng cho các loại vũ khí khác.

Với những bất đồng như vậy, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Keir Starmer đã có cuộc họp ở Nhà Trắng ngày 13/9 về vấn đề này. Trước cuộc họp, các quan chức nói rằng ông Starmer sẽ thúc giục ông Biden ủng hộ kế hoạch gửi tên lửa Storm Shadow của Anh đến Ukraine nhằm tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga, khi tình hình chiến trường ngày một phức tạp. Sau cuộc họp, Thủ tướng Starmer nói với các phóng viên tại Nhà Trắng rằng ông đã có “cuộc thảo luận rộng rãi về chiến lược” với Tổng thống Biden, nhưng đó “không phải là cuộc họp về một khả năng cụ thể”. Có vẻ như, hai nhà lãnh đạo phương Tây này đã quyết định xem xét lại vấn đề này tại Đại hội đồng Liên hợp quốc sắp diễn ra trong bối cảnh quan ngại ngày càng tăng về tình trạng leo thang xung đột Nga – Ukraine. Hai lãnh đạo Mỹ – Anh thể hiện sự lưu tâm đặc biệt tới cảnh báo của Tổng thống Putin rằng những động thái như vậy có thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng về một cuộc chiến Nga – NATO.

Khi tin đưa trên truyền thông về quyết định này lan nhanh, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố: Nếu phương Tây và Ukraine leo thang tấn công vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí của NATO và các sự kiện khủng bố ở trong nước Nga, thì chắc chắn nước Nga sẽ đáp trả ngay lập tức và cực kỳ đau đớn. Nước Nga sẽ lựa chọn biện pháp để gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đối với hai bờ Đại Tây Dương. Tổng thống Vladimir Putin đã đưa ra một cảnh báo sắc bén đối với Mỹ và NATO, khẳng định rằng nếu Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công vào lãnh thổ Nga thì Nga sẽ bảo vệ chủ quyền quốc gia bằng mọi giá, cảnh báo Mỹ không đùa với lửa. Đây không chỉ là một lời cảnh báo thông thường, mà là một thông điệp rõ ràng gửi đến các nhà lãnh đạo phương Tây: nếu điều đó xảy ra, Nga sẽ coi đây là một hành động khiêu khích nghiêm trọng, có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh trực tiếp với NATO.

Ông Putin nhấn mạnh rằng Ukraine không đủ khả năng tự mình thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa. Nếu những cuộc tấn công như vậy diễn ra, điều đó sẽ chứng tỏ rằng NATO đã can thiệp trực tiếp. Nga nắm rõ thông tin tình báo và năng lực quân sự của Ukraine và biết rằng những đòn tấn công này vượt xa khả năng của Kiev. Trên thực tế, quyết định cho phép Ukraine bắn tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp vào lãnh thổ Nga thực tế là cuộc tấn công do NATO chỉ huy nhắm vào Nga. Ông Putin cũng khẳng định: “Nếu điều đó xảy ra, chúng ta sẽ đưa ra những quyết định phù hợp dựa trên các mối đe dọa đang phải đối mặt”.

Những tuyên bố này của Tổng thống Nga có vẻ làm phương Tây bất ngờ. Trước đó, trong suốt hai năm qua, Hoa Kỳ và NATO liên tục cung cấp cho Ukraine thông tin vệ tinh và tọa độ để tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa Storm Shadow và HIMARS vào quân đội Nga, thậm chí tấn công Crimea. Nhưng cho đến trước những tin đồn hiện nay, Nga chưa bao giờ tuyên đó là hành động chiến tranh. Nhưng hiện tại, ông Putin đã khẳng định tấn công sâu vào lãnh thổ Nga sẽ bị coi là hành động chiến tranh, và Nga sẽ không ngần ngại tấn công trực tiếp vào Hoa Kỳ và NATO để đáp trả.

Trước sự cứng rắn này, Nhà Trắng đã phải xuống nước và khẳng định Mỹ chưa thay đổi lập trường về vũ khí tầm xa viện trợ cho Ukraine.  Hãng thông tấn Reuters 14/9 dẫn lời phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby khẳng định Nhà Trắng “không có bất cứ điều chỉnh nào trong quan điểm về việc cung cấp khả năng tấn công tầm xa cho Ukraine sử dụng bên trong nước Nga”. Mỹ hiện vẫn không cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do Washington viện trợ để tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga. Phát ngôn viên này biện minh rằng Tổng thống Biden chỉ đề cập rằng ông và các quan chức Mỹ “đang cân nhắc” thay đổi chính sách đó.

Truyền thông phương Tây cho hay, cho dù Thủ tướng Anh Keir Starmer tiếp tục vận động Tổng thống Biden dỡ bỏ hạn chế này trong cuộc gặp ở Nhà Trắng ngày 14/9 nhưng hai nhà lãnh đạo đều “không đưa ra bất cứ thông báo lớn nào về vấn đề đó”. Trong khi đó, ở Anh, cựu Thủ tướng Boris Johnson cùng 5 cựu Bộ trưởng Quốc phòng đang kêu gọi chính phủ đương nhiệm cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa của Anh để tấn công Nga, ngay cả khi không có sự hậu thuẫn của Mỹ và Tổng thống Biden.

Như vậy có thể cảnh báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin có sức nặng, khi ông nói sẽ coi phương Tây là bên trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột nếu Ukraine bắn tên lửa tầm xa do phương Tây sản xuất vào lãnh thổ Nga. Mỹ quan ngại sự răn đe này, và lo sợ một động thái sơ suất có thể thay đổi đáng kể bản chất cuộc xung đột và bước vào cuộc chiến trực tiếp với Nga. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Kirby đã công khai khẳng định Mỹ đang nghiêm túc cân nhắc cảnh báo của Tổng thống Putin, nói: “Đây không phải lần đầu tiên chúng ta nghe những tuyên bố thế này của ông ấy (Tổng thống Putin). Chúng tôi coi trọng những tuyên bố đó”.

Tổng thống Putin cảnh báo rằng Nga sẽ coi phương Tây là bên trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột nếu Ukraine bắn tên lửa tầm xa của phương Tây vào lãnh thổ Nga. Hình minh họa

Tuy vậy, cũng không loại trừ khả năng đây chỉ là bước dừng có chủ ý của phương Tây và họ vẫn sẽ tìm mọi cách thực hiện kế hoạch này, hoặc không chính thức tuyên bố nhưng vẫn để cho Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây viện trợ tấn công các sân bay và mục tiêu quân sự của Nga nằm cách xa tiền tuyến.

Đây cũng là khả năng dễ xảy ra bởi phương Tây coi Nga là kẻ thù, thống nhất mục tiêu phải làm suy yếu và tan rã nước Nga. Họ đã thực hiện mục tiêu này và biến Ukraine thành đội quân uỷ nhiệm, trở thành một nhà nước có biên giới chung trực tiếp chống Nga mạnh mẽ nhất, trở thành tuyến đầu chống Nga.

Từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tới nay, lãnh đạo Hoa Kỳ và NATO đều nói không thể để Nga thắng. Hiện nay, trong bối cảnh Ukraine không còn sức mạnh quân sự mạnh đủ để đối đầu với Nga, quyết định sử dụng vũ khí Mỹ, NATO để tấn công vào nước Nga là một giải pháp tạm thời. Tuy các chuyên gia quân sự cho rằng, việc phương Tây dỡ bỏ hạn chế với vũ khí tầm xa cho Ukraine không làm thay đổi cục diện chiến trường, bởi hầu hết các sân bay chiến lược của Nga đều nằm ngoài tầm với của các loại tên lửa mà Kiev được nhận viện trợ. Tuy vậy, đây có thể vẫn là bước ngoặt chiến tranh vì phương Tây đã trực tiếp dùng công nghệ quân sự kỹ thuật cao để tấn công các cơ sở quân sự của Nga. Nếu hai phía không có dấu hiệu kiềm chế, rất dễ dẫn tới những kịch bản nguy hiểm và đối đầu trực tiếp giữa Nga và phương Tây là khó tránh khỏi.

Cuộc xung đột tại Ukraine ngày càng cho thấy đây không chỉ là câu chuyện song phương giữa hai quốc gia mà ngược lại, là vấn đề toàn cầu. Thái độ của các nước lớn khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil đều sẽ có sức nặng để đòi hỏi các nhà lãnh đạo đang tham gia xung đột hiện nay phải tỉnh táo. Giới hạn phản ứng các bên ở mức độ nào để không xảy ra chiến tranh thế giới là nghệ thuật của thoả hiệp, đàm phán và ngoại giao. Chỉ có sáng suốt mới giúp giới tinh hoa lãnh đạo ở cả hai phe không đẩy loài người tới cuộc chiến huỷ diệt nền văn minh đang manh nha hiện nay.■

TRỌNG KHANG

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN