Trung Đông: Cuộc chiến giữa Iran và phong trào Hồi giáo với Israel đang cận kề

Cuộc chiến ở Trung Đông giữa một bên là Israel và một bên là các nhóm vũ trang Hồi giáo như Hamas, Houthi, Hezbollah và các nhóm Hồi giáo vũ trang khác tưởng chừng như chỉ hạn chế ở Dải Gaza và các cuộc tấn công bằng tên lửa vào căn cứ của Houthi và Hezbollah ở Syria và Li băng. Điều này đúng cho đến sáng ngày 31/7 khi Ismail Haniyeh, thủ lĩnh chính trị của Hamas bị ám sát tại Iran tại nhà nghỉ của Quân đoàn Vệ binh quốc gia Iran, một trong những nơi an toàn nhất Tehran. Hành động ám sát này do Israel thực hiện, xảy ra chưa đầy vài tiếng sau khi chỉ huy hàng đầu của Hezbollah bị tấn công và giết chết ở phía nam Beirut chiều ngày 30/7. Nhiều nhà quan sát cho rằng hai cuộc ám sát bằng đường không này xảy ra với tốc độ chóng mặt.

Từ ngày 8/10/2023 cho đến nay, Israel đã thực hiện nhiều cuộc tấn công lẻ tẻ vào căn cứ của Hezbollah ở phía nam Li băng vì Hezbollah dùng các căn cứ đó để bắn tên lửa vào Israel nhằm phối hợp với Hamas ở Dải Gaza trong “trục kháng chiến” được Iran chống lại Israel bao gồm cả lực lượng Houthi. Thứ bẩy, ngày 27/7, xung đột giữa hai bên leo thang khi một quả tên lửa đã giết chết 12 trẻ em Israel ở Cao nguyên Golan – một khu vực do Israel kiểm soát nằm giữa Israel, Libăng và Syria. Israel đã đáp trả.

Hàng nghìn người tham dự lễ tang ông Ismail Haniyeh, thủ lĩnh chính trị của Hamas, tại Tehran hôm 1/8/2024. Ảnh: Arash Khamooshi/NYT

Hai vụ ám sát trên làm tình hình Trung Đông căng thẳng hơn bao giờ hết. Điều dễ thấy là ám sát hai thủ lĩnh của Hamas và Hezbollah, Israel làm cho các lực lượng thuộc “trục kháng chiến” đoàn kết với nhau hơn.

Một học giả của Viện Nghiên cứu An ninh quốc gia Israel cho biết: “Iran đang lãnh đạo trục kháng chiến mà lại không bảo vệ được một trong những thủ lĩnh của trục đến dự lễ nhậm chức Tổng thống của nước mình” là điều Iran không thể chấp nhận được. Hành động ám sát như vậy không tránh khỏi việc kéo thêm Iran tham gia tích cực hơn vào cuộc xung đột.

Nhiều nhà quan sát cho rằng Israel đã có ý định khi chọn ám sát thủ lĩnh của Hamas ở Tehran. Trong suốt nhiều tháng vừa qua, Ismail Haniyeh luôn ở nước ngoài với tư cách là người đứng đầu đoàn đàm phán hiệp định ngừng bắn ở Gaza. Ông từng ở Ai Cập, Qatar. Việc chọn Tehran không có ý gì khác là để dằn mặt nước này. Cuộc tấn công không chỉ nhằm giết chết thủ lĩnh chính trị của Hamas. Nó còn có mục tiêu là làm nhục chính phủ Iran và cho Iran thấy Israel đã xâm nhập sâu vào bộ máy an ninh của Iran.  Một học giả Iran cho rằng: cuộc tấn công “là cú tát thẳng vào vị thế của Iran ở khu vực. Cuộc tấn công làm nhục Iran và phá hoại bộ máy an ninh của đất nước. Nó còn cho thấy những lỗ hổng trong hệ thống tình báo”.

Điều này đã dẫn đến phản ứng mạnh của Tehran. Iran tuyên bố sẽ đánh trả. Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei thề sẽ trừng trị nghiêm khắc Israel vì Haniyeh “tử vì đạo” trên đất Iran. Tổng thống mới của Iran cũng đã tuyên bố: “Chúng tôi sẽ  buộc chế độ khủng bố chiếm đóng phải hối hận về hành động của mình”. Iran sẽ trả thù và coi đó là nghĩa vụ của mình. Trong khi đó, ông Hassan Nasrallah, thủ lĩnh của Hezbollah khẳng định: Hezbollah sẽ đưa ra “phản ứng thực sự, không phải mang tính biểu tượng”, đồng thời cho biết, cuộc chiến với Israel đã bước vào một giai đoạn mới và sẽ diễn ra trên mọi mặt trận. Về phần mình, Hamas cũng tuyên bố vụ ám sát “đưa cuộc chiến lên mức độ mới và sẽ có tác động lớn”.

Những người am hiểu tình hình cho rằng phản ứng của Iran sẽ theo hai kịch bản chính. Một là, Iran tấn công trực diện Israel, đẩy cuộc xung đột hiện tại thành cuộc xung đột mang tính khu vực, rất có thể là tấn công bằng tên lửa như Iran đã làm tháng Tư vừa qua. Các cuộc tấn công và phản công của hai bên chắc chắn sẽ leo thang nhưng vẫn hạn chế. Kịch bản này sẽ giúp Iran bảo vệ đất nước mình nhưng dẫn đến khả năng Hezbollah bị đánh bại trong khi Iran mong muốn cứu nhóm này. Đây là kịch bản ít người mong đợi vì chiến tranh mở rộng sẽ có tác động rất lớn đến chính trị và kinh tế thế giới.

Kịch bản thứ hai là với vũ khí do Iran cung cấp, Hezbollah, đồng minh gần gũi nhất của Iran tại khu vực sẽ tăng cường tấn công ở phía bắc Israel trong khi Houthi mở rộng các cuộc tấn công ở Biển Đỏ. Chiến tranh sẽ lan rộng sang Li băng. Đây rất có thể là kịch bản thuận theo những gì đã xảy ra từ 8/10/2024 được nhiều người mong đợi.

Cả hai kịch bản đều cho thấy khả năng cao là cuộc xung đột sẽ mở rộng và Mỹ sẽ tham gia. Trên thực tế Mỹ cũng đã tham gia bảo vệ tàu thương mại ở Biển Đỏ và tấn công lực lượng Houthi ở Yemen.

Không nghi ngờ gì hai vụ ám sát sẽ đẩy lùi khả năng Israel và Hamas có thể có một thoả thuận ngừng bắn cho cuộc chiến đã kéo dài 10 tháng, kéo dài cảnh giết chóc và thảm hoạ nhân đạo ở Dải Gaza. Ngay cả Quốc vương Qatar cũng đã phát biểu rằng không ai muốn đàm phán và lại ám sát người đàm phán.

Rõ ràng hai vụ ám sát đã đẩy cuộc xung đột lên đỉnh điểm, có thể trở thành xung đột khu vực với sự tham gia của nhiều nước trong và ngoài khu vực, và nhiều nhóm Hồi giáo có vũ trang. Tuy nhiên, để hiểu được bức tranh toàn diện, chúng ta cần tìm hiểu những gì đã xảy ra giữa các bên, đặc biệt là Israel, Iran và Hezbollah. Trong nhiều thập kỷ qua, chủ yếu là từ khi xung đột hiện tại xảy ra, Israel và Hezbollah có một “thoả thuận” không thành văn là chỉ tấn công vào các mục tiêu quân sự và những vùng ít dân ở biên giới. Vụ bắn tên lửa vào sân bóng ở Majdal Shams và vụ ám sát thủ lĩnh chính trị của Hezbollah đã vi phạm thoả thuận không thành văn trên. Điều này làm cho Li băng và Israel lo ngại về những bước leo thang mới.

Trong những tháng qua, có nhiều dấu hiệu cho thấy cả Israel và Hezbollah đều không muốn xung đột mở rộng. Cả hai bên đều hiểu rằng mình không có lợi ích gì trong một cuộc xung đột như vây. Hezbollah còn là một lực lượng chính trị ở Li băng và cần chú ý đến cải thiện tình hình kinh tế đất nước thay vì chuẩn bị chiến tranh. Ngoài ra, với sự giúp đỡ của Iran, Hezbollah cũng đã trở thành lực lượng quân sự manh mẽ. Nhóm Hồi giáo này sở hữu 130.000 đến 150.000 tên lửa (theo tin tức tình báo của Israel) và có lực lượng tinh nhuệ với kinh nghiệm chiến đấu ở Syria. Nhóm này còn có quan hệ với các nhóm Hồi giáo khác ở Iraq, Palestine, Syria và Yemen để phối hợp chiến đấu nếu bị tấn công.

Hezbollah cũng không thể đánh trả lâu dài vì phải củng cố vị trí chính trị của mình ở Li băng với tư cách là một bên tham gia chính quyền. Tình hình kinh tế ở Li băng ngày càng ảm đạm. Tỷ lệ nghèo ở Li băng tăng gấp ba lần trong thời gian từ 2012 đến 2022. Hiện nay tỷ lệ nghèo ở Li băng là 44%.

Phản ứng như thế nào là do Hezbollah quyết định. Hezbollah đã mất hơn một ngày để thông báo với thế giới về cái chết của ông Shukr. Đây có thể là một dấu hiệu cho thấy Hezbollah sẽ hành động một cách thận trọng. Hezbollah cũng hiểu rằng tấn công Israel có thể kéo Mỹ vào tham gia xung đột. Mỹ cũng đã triển khai một lực lượng lớn ở khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã tuyên bố ngày 31/7 rằng Mỹ sẽ “bảo vệ” Israel nếu Israel bị tấn công.

Phản ứng của Hezbollah còn bị ảnh hưởng của Iran, nước hỗ trợ cho Hezbollah. Cho đến nay Iran vẫn chưa tỏ ý mong muốn Hezbollah bị kéo vào cuộc chiến lớn. Việc này sẽ làm cho đầu tư hàng chục năm nay của Iran trở nên phung phí. Tuy nhiên, quyết định ám sát Haniyeh của Israel có thể thay đổi tất cả.

Tháng Tư vừa qua, Iran đã tấn công Israel sau khi Israel tấn công Đại sứ quán Iran tại Damascus, Syria, giết chết một chỉ huy của Đội Vệ binh cách mạng quốc gia. Tuy nhiên, cuộc tấn công của Iran hầu như không gây thiệt hại gì cho Israel, chỉ khiến một dân thường Israel thiệt mạng. Không những thế, Israel đã phản công đánh trúng ra-đa phòng không của Iran và các cuộc tấn công và phản công dừng lại ở đó.

Người dân ngồi cạnh tranh chân dung của các lãnh đạo quân sự và chính trị ở Trung Đông trong một cuộc biểu tình tại Sanaa, Yemen vào tháng 2/2024. Ảnh: Yahya Arhab/EPA-EFE

Iran đã thành công tập hợp được các nhóm Hồi giáo có vũ trang. Tuy nhiên, Iran đã bị Israel tấn công vào điểm yếu nhất, ở Tehran và Beirut. Trên thực tế một liên minh lỏng lẻo chống Iran đã xuất hiện với tàu quân sự của Mỹ ở vùng Vịnh, một lực lượng đặc nhiệm của Mỹ – Anh ở Biển Đỏ cùng với một số nước Ả-rập sẵn sàng ngăn chặn tên lửa của Iran bắn vào Israel. Một liên minh như vậy buộc Iran phải suy nghĩ lại khi mở cuộc tấn công lớn trong bối cảnh:

Thứ nhất, ngay thời điểm hiện tại khi Israel, Iran và Hezbollah và các nhóm Hồi giáo đang tiến dần đến chiến tranh rộng lớn hơn, hai bên tham gia xung đột ở Gaza cũng tiến dần đến một thoả thuận ngừng bắn và trao con tin. Đàm phán được tiến hành trong nhiều tháng vừa qua và trong những tuần gần đây các nhà đàm phán có vẻ lạc quan hơn cho rằng hai bên có thể chấp nhận một khuôn khổ rút quân theo giai đoạn khỏi Dải Gaza và trao trả 115 con tin đang bị giam giữ. Thoả thuận ngừng bắn và trao đổi con tin được Hezbollah quan tâm vì bản thân Hezbollah không muốn xung đột lan rộng.

Thứ hai, ông Benjamin Netanyahu, người đứng đầu Chính phủ Israel, không được lòng dân ở trong nước và chính phủ ông đứng đầu đang bị sức ép từ nhiều phía phải đi đến thoả thuận ngừng bắn với Hamas. Một xu hướng hoà hoãn đang hình thành. Vì lý do này, nhiều khả năng xung đột sẽ không lan rộng ra khu vực như nhiều nhà báo vẫn đưa tin cho dù Hezbollah đã đặt tên lửa lên bệ phóng ở miền nam Li băng và trên thực tế đã bắn tên lửa vào miền nam Israel ngày 1/8.

Thứ ba, nếu cuộc chiến lan rộng, ít nhất vùng biên giới giữa Israel và Li băng sẽ phải trải qua điều chưa từng gặp trước đây, chưa nói đến việc Iran và các nước khác cũng như các nhóm Hồi giáo khác sẽ có thể tham gia trực tiếp. Một cuộc chiến theo đúng nghĩa của nó sẽ gây hại chưa từng có cho người dân và phá hoại cơ sở hạ tầng ở khu vực. Cuộc chiến hiện tại ở Dải Gaza đã cho thấy xung đột có thể dễ dàng kéo dài và với những gì chúng ta hiểu biết về kết cục của những cuộc chiến tranh giữa Israel và Li băng trước đây thì một cuộc chiến sẽ không thể có kết quả thoả mãn cho tất cả các bên tham chiến. Đây cũng là điều các bên trong cuộc chiến đều hiểu.

Thứ tư, các nước trong và ngoài khu vực đều mong muốn hạn chế cuộc xung đột này. Ai Cập bị tác động trực tiếp vẫn tích cực cùng Qatar làm trung gian cho thoả thuận ngừng bắn ở Dải Gaza và trao trả con tin. Ả rập Xê út và UAE cũng không mong muốn xung đột lan rộng, tác động đến thương mại. Trong khi đó, Mỹ đã nhiều lần khuyên Israel kiềm chế. Nga đã cử Bộ trưởng Quốc phòng đến Iran chuyển thông điệp của ông Putin cho Tổng thống Iran là phải tránh thương vong cho dân thường. Trung Quốc hứa sẽ tăng cường đoàn kết với các nước Ả Rập, nỗ lực cùng các bên tránh để tình hình leo thang và xấu đi.

Cho đến thời điểm hiện tại, hai bên đều kiềm chế. Rất có thể hai bên đều giữ trạng thái không hoà bình mà cũng chẳng chiến tranh trong một thời gian nữa cho đến khi cán cân lực lượng thực sự thay đổi. Theo nhiều nhà quan sát thì có thể Iran thấy rằng hiện tại chưa phải là thời điểm gây ra một cuộc chiến tranh tổng lực với Israel.

Tác động của một cuộc chiến lan rộng ở Trung Đông sẽ là rất lớn. Cuộc chiến này sẽ đẩy giá dầu lên cao (nhiều nhà nghiên cứu cho rằng giá dầu có thể lên đến 150 đô la Mỹ/một thùng nếu có xung đột). Cuộc chiến lan rộng cũng sẽ đẩy giá vận chuyển đường biển lên cao hơn, tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới. Vì vậy, thế giới đang kêu gọi Iran và Israel kiềm chế và ngồi vào bàn đàm phán giữa các bên để sớm chấm dứt chiến tranh, đem lại hòa bình ở Dải Gaza và Trung Đông nói chung. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào sự tính toán của các cường quốc. Những quyết định sai lầm của họ sẽ dẫn đến chiến tranh, nhân dân ở Trung Đông sẽ sống trong chết chóc và bị tàn phá nặng nề.■

Trần Hà

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN