Tìm hiểu về chuyến đi của Ngoại trưởng Ukraine tới Trung Quốc

Lần đầu tiên sau khi nổ ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đến thăm Trung Quốc từ ngày 23 đến 26/7/2024. Tại đây, ông Kuleba nói đối thoại với Trung Quốc là rất quan trọng. Cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và ông Kuleba kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ, lâu hơn dự kiến, được truyền thông Trung Quốc đánh giá là “một cuộc hội đàm rất sâu sắc và cụ thể”.

Cũng theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong cuộc gặp với Vương Nghị, ông Kuleba đã nói rõ Trung Quốc là một nước vĩ đại, nhấn mạnh Ukraine và Trung Quốc đã trở thành đối tác chiến lược, cũng là đối tác kinh tế, thương mại quan trọng. Ông còn phát biểu rằng Ukraine đánh giá cao tác dụng tích cực có tính xây dựng của Trung Quốc trong việc thúc đẩy hòa bình và giữ gìn trật tự quốc tế.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (phải) và Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba trong cuộc gặp tại Quảng Châu, Trung Quốc, tháng 7/2024. Ảnh: Xinhua

Những tuyên bố này khá trái ngược với những gì đã diễn ra trước đây. Thực tế, vào dịp tròn 1 năm chiến sự tại Ukraine, Trung Quốc đã công bố lập trường gồm 12 điểm và kêu gọi hòa đàm, ngừng cấm vận đơn phương và tái thiết hậu xung đột. Đề xuất của Trung Quốc lúc đó gồm 12 điểm như sau: Tôn trọng chủ quyền của mọi quốc gia; từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh; chấm dứt chiến sự; nối lại các cuộc đàm phán hòa bình; giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo; bảo vệ người dân và các tù binh chiến tranh; giữ an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân; giảm các rủi ro chiến lược; tạo thuận lợi cho xuất khẩu ngũ cốc; chấm dứt các biện pháp trừng phạt đơn phương và thúc đẩy tái thiết sau xung đột.

Vào thời điểm đó, Ukraine đã bác bỏ 12 điểm nói trên. Cụ thể, cố vấn của Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak đã phát ngôn cho rằng kế hoạch hòa bình do Trung Quốc đưa ra nhằm giải quyết cuộc xung đột hiện nay là “phi thực tế”. Ông này nói vào ngày 25/02 năm ngoái rằng, “nếu họ (Trung Quốc) tuyên bố họ là một nhân tố quan trọng toàn cầu, họ sẽ không đưa ra một kế hoạch phi thực tế như vậy. Họ sẽ không đặt cược vào một bên gây hấn đã vi phạm luật pháp quốc tế và sẽ thua cuộc. Như vậy là không nhìn xa trông rộng”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden lúc đó cũng đã lên tiếng bác bỏ đề xuất hòa bình của Trung Quốc vì theo ông, đề xuất này chỉ mang lại lợi thế cho Nga. “Tôi thấy đề xuất của Trung Quốc không có lợi cho bất kỳ bên nào khác, ngoài Nga, nếu nó được thực thi”, Tổng thống Mỹ đã nói như vậy và sau đó, Ukraine tiếp tục chiến đấu, khẳng định bằng luật rằng sẽ không đàm phán với Putin và nỗ lực thực hiện kế hoạch phản công tái chiếm lãnh thổ của mình.

Ngược lại, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lúc đó đã nói rằng kế hoạch hòa bình 12 điểm của Trung Quốc dựa trên tình hình thực tế chứ không “vô nghĩa” như công thức hòa bình 10 điểm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, theo đó mọi quan điểm của Nga đều bị bác bỏ.

Dù kế hoạch 12 điểm bị Ukraine và phương Tây bác bỏ, Trung Quốc kiên định lập trường cuộc khủng hoảng này chỉ có thể giải quyết bằng thương lượng. Mới đây, Brazil và Trung Quốc ký tuyên bố chung kêu gọi đàm phán hòa bình để giải quyết xung đột giữa Nga và Ukraine với sự tham gia của cả hai nước. Brazil và Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên liên quan tuân thủ 3 nguyên tắc để giảm leo thang tình hình: Không mở rộng chiến trường, không leo thang giao tranh và không có hành động khiêu khích của bất kỳ bên nào.

Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc, ông Kuleba đổi giọng nói rằng Ukraine rất coi trọng ý kiến của Trung Quốc và đã nghiên cứu kỹ lưỡng “Sáu điểm đồng thuận” mà Trung Quốc và Brazil đạt được về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Và quan trọng hơn hết, trong cuộc gặp với Trung Quốc, Ukraine thể hiện mong muốn và sẵn sàng triển khai đối thoại đàm phán với phía Nga.

Như vậy, ít nhất trên bề mặt, thái độ của Ukraine xuất hiện chuyển biến đáng kể. Thứ nhất, trước đây,  nước này thường phê phán vai trò của Trung Quốc, nhưng giờ đây tuyên bố đánh giá cao vai trò tích cực có tính xây dựng của Trung Quốc trong việc thúc đẩy hòa bình. Thứ hai, Ukraine biểu thị với Trung Quốc thái độ mong muốn đàm phán với Nga. Đây cũng là một thay đổi đặc biệt quan trọng bởi từ trước tới nay, Ukraine luôn tỏ ra rất cứng rắn, thậm chí đã công khai tuyên bố: chỉ đàm phán khi Tổng thống Putin bị hạ bệ.

Vậy sự thay đổi lập trường này của Ukraine đến từ đâu?

Thứ nhất, khả năng thắng Nga trên chiến trường là bất khả và Ukraine với sự trợ giúp của phương Tây không đủ năng lực quân sự giành lại những phần lãnh thổ đã mất. Cuộc chiến tranh khốc liệt với Nga từ đầu năm đã khiến Ukraine tiêu hao các lực lượng chủ lực. Gần đây, Nga phát động tấn công mãnh liệt, kiểm soát nhiều vị trí thuận lợi trên khắp chiến tuyến, bao gồm những khu vực mà Ukraine giành được trong chiến dịch phản công mùa hè năm ngoái.

Thiếu tướng Vadym Skibitsky, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Quân đội Ukraine (GUR) Ukraine đã thẳng thắn nhận định vào tháng 5 rằng quân đội nước này đối mặt thời kỳ khó khăn nhất từ đầu chiến sự và không thể đơn độc thắng Nga trên chiến trường. Ông này cũng dự đoán lực lượng Nga sẽ thúc đẩy kế hoạch kiểm soát hoàn toàn tỉnh Lugansk và Donetsk, mục tiêu mà họ đặt ra từ khi chiến sự bùng phát tháng 2/2022. Lần đầu tiên, một quan chức cấp cao trong quân đội Ukraine thừa nhận “cuộc xung đột như vậy chỉ có thể kết thúc bằng các hiệp ước” và rằng “các bên đang cố giành vị thế thuận lợi nhất trước các cuộc đàm phán tiềm năng, vốn chỉ có thể bắt đầu vào nửa cuối năm 2025 khi Nga đối mặt với những trận gió ngược nghiêm trọng”. Như vậy, Ukraine dù vẫn đang căng sức chiến đấu cũng đã nghĩ tới khả năng thất bại và phải tính tới những kịch bản đàm phán để kết thúc cuộc xung đột này trong tương lai.

Những ngôi nhà bị phá hủy ở thị trấn Sudzha sau cuộc tấn công của quân đội Ukraine vào vùng Kursk của Nga ngày 7/8/2024. Ảnh: MIC Izvestia/IZ.RU

Thứ hai, nội bộ chính trường Mỹ đang có những diễn biến phức tạp trước bầu cử và khả năng cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử là rất cao. Người Ukraine sợ nhất kịch bản Trump lên và bỏ rơi hoàn toàn Ukraine trong cuộc xung đột này. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố ông sẽ dừng cung cấp hàng chục tỷ USD cho Tổng thống Zelensky. Trump đã có những nhận định rất mỉa mai rằng Zelensky là người bán hàng giỏi nhất thế giới khi “mỗi lần ông ấy đến, ông ấy ra về cùng với 60 tỷ USD. Cách đây 4 hôm, ông ấy rời đi mang theo 60 tỷ USD và tuyên bố cần thêm 60 tỷ USD nữa. Chuyện này sẽ không bao giờ kết thúc”.

Mặt khác, viện trợ của EU và NATO cho Ukraine đã giảm đáng kể do mâu thuẫn nội bộ và tình hình kinh tế, quân sự của khối này đang sa sút. Bên cạnh đó, Ukraine lo ngại nếu ông Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ sẽ rất bất lợi cho Ukraine. Ông Trump cũng đã công khai tuyên bố chính sách của Tổng thống Biden cung cấp sự hỗ trợ quân sự không giới hạn cho Ukraine đang đưa Mỹ tới “cuộc Chiến tranh thế giới thứ ba”.

Như vậy, với khả năng thất bại trên chiến trường và khả năng cắt viện trợ hoàn toàn từ Mỹ và EU, một giải pháp nhượng bộ với Nga phải được tính tới. Việc Ngoại trưởng Ukraine đến Trung Quốc có thể là bởi những lí do đó. Ukraine hiểu rằng Trung Quốc là một cường quốc có quan hệ thân thiết có sức ảnh hưởng nhất định lên quyết định của Nga.

Phản ứng của Nga về những tuyên bố của Ngoại trưởng Ukraine rất kịp thời và rõ ràng. Nga xác nhận sẵn sàng đàm phán với Ukraine nhưng phải dựa trên 5 giải pháp do phía Nga đưa ra, và phía Ukraine phải xác định cơ quan nào của Ukraine có đủ quyền lực để đàm phán với Nga khi ông Zelensky đã không còn là Tổng thống của Ukraine.

Dù có những tín hiệu như vậy, nhưng con đường đàm phán hòa bình vẫn còn rất dài, bởi một số lý do.

Thứ nhất, dù hai bên đều tỏ thái độ thực muốn đàm phán đi chăng nữa, lập trường của Nga và Ukraine vẫn còn cách nhau khá xa. Cuộc đàm phán sẽ rất khó khăn và đòi hỏi mỗi bên đều phải thoả hiệp. Có câu nói nổi tiếng: những gì không thể giành được trên chiến trường chắc chắn sẽ không giành được trên bàn đàm phán. Chính vì thế, các bên vẫn đang chủ yếu tính toán tới các giải pháp quân sự trước khi có thể ngồi xuống với nhau.

Thứ hai, không có gì chắc chắn mong muốn đàm phán của Ukraine là thực lòng, hoặc có thể đây chỉ là cách đề cao vai trò của Trung Quốc để phân hoá Nga và Trung Quốc, hoặc để tranh thủ lôi kéo Trung Quốc tham gia Hội nghị Quốc tế về Hòa bình cho Ukraine lần thứ 2 do nước này đề xuất. Cũng có thể Ukraine nêu vấn đề đàm phán với Trung Quốc cũng là để thăm dò thái độ và phản ứng của Trung Quốc và Nga đối với Ukraine. Cho đến hiện tại, mọi hoạt động chống Nga của Ukraine vẫn nhất nhất tuân thủ sự chỉ đạo của Mỹ và EU, nên việc Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine đến Trung Quốc có thể khẳng định phải được Mỹ bật đèn xanh, nếu không Ukraine không chuyển thái độ như vậy.

Thứ ba, thực tế hiện nay Ukraine đang phản công quyết liệt, tấn công và phá hủy một tàu ngầm của Nga khi con tàu này đang neo đậu tại một cảng ở bán đảo Crimea, sử dụng vũ khí của Mỹ và NATO tấn công vào sâu nội địa Nga, phá hủy nhiều cơ sở kinh tế và căn cứ quân sự. Nghiêm trọng hơn, ngày 6/8/2024, Ukraine đã tập trung nhiều lữ đoàn tấn công vào tỉnh biên giới Kursh ở miền Tây nước Nga. Chỉ trong hai ngày, quân Ukraine đã chiếm được trên 300km2, đang uy hiếp nhà máy điện hạt nhân và đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Ukraine để vào châu Âu.

Sự kiện tập trung một đạo quân lớn tấn công chiếm lãnh thổ của Nga trong bối cảnh tương quan lực lượng bất lợi từ phía Ukraine là bước đột phá mang tính quyết định của cuộc chiến với nhiều toan tính. Thứ nhất, chiếm một vùng đất, chiếm nhà máy điện hạt nhân để mặc cả đánh đổi những vùng đất Nga đã chiếm. Thứ hai, tạo ra một chiến thắng để Mỹ và EU thấy được Ukraine có thể lật được thế cờ với Nga, từ đó thúc ép tiếp tục viện trợ cho Ukraine để đối phó với Nga. Thứ ba, nếu chiếm được tỉnh Kursk sẽ là liều thuốc vực dậy tinh thần cho binh lính và người dân Ukraine đang bị sa sút nghiêm trọng. Phản ứng của Mỹ và các nhà lãnh đạo EU có vẻ chấp nhận cuộc tấn công này của Ukraine. Nếu Ukraine giành được thắng lợi sẽ giành lợi thế gây áp lực cho Nga phải ngồi đàm phán với Ukraine. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát tình hình lại cho rằng: Đây có thể là đòn kết liễu Zelensky, bởi Nga sẽ tập trung binh lực đè bẹp lực lượng của Ukraine ở Kursk và nhân đà này Nga sẽ tấn công vào Ukraine tạo ra vùng đệm của lãnh thổ Nga như các nhà lãnh đạo Nga công bố. Đây là lúc Nga sẽ ngồi vào bàn đàm phán với Ukraine.

Tất cả những điều này cho thấy việc tung ý định muốn đàm phán kết thúc chiến tranh với Nga chỉ là nước cờ với nhiều mưu tính, còn thực chất vấn đề này còn nằm ở phía Mỹ và EU, nó chỉ được quyết định khi một bên tham chiến chấp nhận thất bại.■

Trọng Khang

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN