Bầu cử Nghị viện châu Âu 2024: Phong vũ biểu chính trị

Từ ngày 6 đến ngày 9/6/2024, cử tri châu Âu tại 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã tham gia cuộc bầu cử để lựa chọn 720 nghị sĩ vào Nghị viện châu Âu (EP). Đây là cuộc bầu cử Nghị viện lần thứ 10 kể từ cuộc bầu cử trực tiếp đầu tiên năm 1979 và là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ sau sự kiện Brexit năm 2020.

Trong số gần 50 cuộc bầu cử trên thế giới năm 2024, cuộc bầu cử này được đánh giá là một trong những cuộc bầu cử quan trọng nhất, bởi tác động và ảnh hưởng sâu rộng của nó đối với khu vực châu Âu rộng lớn và cục diện địa chính trị thế giới.

Cuộc bầu cử được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, trực tiếp một vòng và theo quy tắc đại diện theo tỷ lệ. Số nghị sĩ được phân bổ được tính theo quy mô dân số của từng quốc gia. Đức có 96 ghế, Pháp có 81 ghế, Italia 76 ghế, trong khi đó những quốc gia nhỏ như Luxembourg, Síp và Malta có 6 ghế.

Tại Nghị viện, các nghị sĩ tập hợp lại thành các nhóm theo quan điểm chính trị chứ không theo quốc gia. Sự cân bằng quyền lực trong Nghị viện châu Âu rất quan trọng vì nó sẽ định hướng các chính sách và ưu tiên chính trị của châu Âu ít nhất trong 5 năm tiếp theo.

Kết quả cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu 2024 sẽ có tác động sâu rộng đến địa chính trị khu vực và thế giới. Hình ảnh tòa nhà Nghị viện châu Âu tại Brussels, Bỉ vào tháng 4/2024. Ảnh: Shutterstock

Với vai trò quan trọng của mình, Nghị viện châu Âu cùng với Hội đồng Liên minh châu Âu (bao gồm các nguyên thủ và lãnh đạo 27 chính phủ thành viên EU) có quyền thông qua phần lớn các văn bản luật của Liên minh châu Âu và có thẩm quyền thông qua, kiểm tra việc thực hiện ngân sách của Ủy ban châu Âu. Nghị viện theo dõi, giám sát các hoạt động của Ủy ban châu Âu, có thể thông qua “kiến ​​nghị bất tín nhiệm” đối với Ủy ban châu Âu cũng như bãi bỏ các Ủy viên châu Âu.

Đặc biệt quan trọng là Chủ tịch Ủy ban châu Âu phải được Nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua, theo đề xuất của Hội đồng Liên minh châu Âu, có tính đến kết quả của cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu. Hiện bà Ursula von der Leyen sẽ tái tranh cử nhiệm kỳ hai và là ứng viên hàng đầu của EPP (Đảng Nhân dân châu Âu).

Kết quả bước đầu cho thấy: Hai nhóm đảng lớn nhất, có xu hướng ủng hộ châu Âu vẫn giữ vững phong độ. Đó là Đảng Nhân dân châu Âu (EPP…)  bao gồm các đại diện do Pháp bầu từ Đảng Cộng hòa và CDU của Đức, giữ vững vị trí đứng đầu với 184 ghế. Tiếp đó là Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ (S&D….) bao gồm những người theo chủ nghĩa xã hội Pháp và Tây Ban Nha, vẫn là nhóm đứng thứ hai với 139 ghế. Nhóm đứng thứ ba là nhóm những người theo chủ nghĩa trung dung của nhóm Đổi mới châu Âu (Renew) với 80 ghế. Nhóm đứng thứ tư 73 ghế, là nhóm theo chủ nghĩa dân tộc, Bảo thủ và Cải cách (ECR) bao gồm cả các đại diện được bầu của đảng của Thủ tướng Ý Giorgia Meloni. Đứng thứ năm với 58 ghế là nhóm cực hữu khác, Bản sắc và Dân chủ (ID) thuộc về Đảng Tập hợp Quốc gia.

Các nhà bảo vệ môi trường, tập hợp thành Liên minh Xanh/Liên minh Tự do châu Âu, chỉ dành 52 ghế, mất hơn 20 ghế so với nhiệm kỳ trước.

I. Kết quả bầu cử nói lên điều gì?

Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, thực chất, cũng chính là một cuộc trưng cầu dân ý ở cấp quốc gia. Chính vì thế kết quả của cuộc bầu cử này được coi như một “phong vũ biểu” chính trị châu Âu. Hơn nữa, đây cũng là phép thử về độ tín nhiệm của cử tri đối với xu hướng đoàn kết, thống nhất châu Âu, cũng như đối với chính sách và mức độ quản trị đất nước của các đảng hoặc các liên minh cầm quyền.

Từ đó có thể thấy những điểm sau:

1. Đa số người dân châu Âu nhận thức được tầm quan trọng của việc cần xây dựng một Liên minh châu Âu (EU) thống nhất để có thể huy động sức mạnh tập thể giải quyết những thách thức và khủng hoảng như Covid-19, cạnh tranh kinh tế, duy trì và bảo đảm dân chủ, nhân quyền…

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, cử tri dành sự quan tâm đặc biệt đến những vấn đề tác động trực tiếp đến cuộc sống như giá cả sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, mức sống bị suy giảm, mất an toàn do vấn đề người di cư, cuộc chiến tại Ukraine. Tầng lớp nông dân bức xúc vì những đòi hỏi quá cao về môi trường trong chính sách hạn chế lượng khí thải CO2.

2. Có sự phân cực lớn giữa những đảng ủng hộ một Liên minh châu Âu (EU) mạnh mẽ hơn, thống nhất hơn và các đảng hoài nghi, chống

Tại cuộc bầu cử này, tuy chưa thể giành được số ghế cao nhất tại Nghị viện châu Âu nhưng ngược lại, nhiều đảng cực hữu lại giành chiến thắng áp đảo tại chính quốc gia của mình trong khi hàng loạt các đảng cầm quyền và liên minh cầm quyền tại nhiều quốc gia đã có sự tụt dốc nghiêm trọng.

Các đảng này đã dẫn đầu tại các quốc gia như Pháp, Italia, Áo và đứng thứ hai tại Đức, Hà Lan. Trong khi đó các đảng cực hữu ở Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha, Slovakia đã “nâng hạng” đáng kể. Tại Áo, đảng Tự do cực hữu lần đầu tiên trong lịch sử dẫn đầu trong một cuộc bầu cử ở quốc gia.

Đây thực sự là một cú sốc và thất bại đau đớn cho các đảng cầm quyền theo đường lối trung dung, dân chủ và xã hội, đặc biệt là hai quốc gia đầu tàu là Pháp và Đức. Đảng Phục hưng của Tổng thống Pháp chỉ giành được hơn 15% phiếu bầu trong khi đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia giành được 31,5%. Tổng thống Macron đã ngay lập tức tuyên bố giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử sớm. Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Đức chỉ giành được 13,9% phiếu bầu và chỉ đứng ở vị trí thứ ba, có nguy cơ chính phủ bị lung lay, trong khi đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) đứng ở vị trí thứ hai.

3. Xu hướng dân túy và cực hữu càng ngày càng phát triển mạnh, đều đặn và liên tục. Chính điều này đang đe dọa cánh tả đang nắm quyền ở các quốc gia châu Â

Tại nhiều quốc gia, chủ nghĩa này xung đột với chủ nghĩa kia, sự đối đầu mạnh mẽ giữa các ý thức hệ, hệ tư tưởng này chống lại hệ tư tưởng kia dẫn đến bạo động và xung đột. Các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc, dân túy, bài ngoại có cơ hội phát triển và tập hợp lực lượng, đôi khi là trong một thế giới ngầm, tiến hành những hoạt động khủng bố, ám sát gây ra tình trạng bất ổn và bất an tại khắp châu Âu.

Đồng lãnh đạo Đảng AfD cực hữu ở Đức Alice Weidel (trái) và Tino Chrupalla (phải) ăn mừng chiến thắng khi có kết quả sơ bộ bầu cử Nghị viện châu Âu ngày 9/6/2024. Ảnh: AFP

Trên thực tế, kể từ năm 2014 đến nay, châu Âu đã chứng kiến sự trỗi dậy, gia tăng liên tục và mạnh mẽ số lượng các đảng cực hữu tại những khu vực địa lý thường được coi là “miễn nhiễm” như ở Bắc Âu và Nam Âu. Nhiều đảng cực hữu hoặc đang nắm quyền lãnh đạo hoặc tham gia vào chính phủ như ở Italia, Hungary, Thụy Điển, Phần Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Síp và gần đây nhất là Phần Lan, Slovakia.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, sở dĩ các đảng cực hữu, hoài nghi EU có đất để phát triển mạnh chính là do họ đã khéo léo điều chỉnh cách tiếp cận, thích nghi với sự phát triển của tình hình.

Khác với thời kỳ Brexit, họ không còn quá cực đoan với việc kêu gọi dân chúng ủng hộ việc “Rời khỏi Liên minh châu Âu” vì bản thân EU đã chứng tỏ là một thể chế có đủ uy tín và tiềm lực đối phó với những khủng hoảng lớn như đại dịch Covid-19, cuộc chiến tại Ukraine, cung cấp trợ cấp cho các quốc gia nhỏ, nghèo trong EU… Thay vào đó, họ đổ lỗi, gắn mọi khó khăn bất ổn, mất an ninh mà người dân châu Âu đang phải chịu đựng với việc EU, đặc biệt là Ủy Ban châu Âu, đã thực thi những chính sách quá “rộng rãi và tự do”, vượt quá chủ quyền quốc gia, không tính đến lợi ích của các quốc gia thành viên.

4. Nhiều nhà nghiên cứu và chuyên gia về châu Âu cho rằng về mặt khách quan, trong bối cảnh môi trường địa chiến lược ngày càng khốc liệt, lần đầu tiên phải đương đầu với những thử thách chưa từng có như Brexit, Covid-19, cuộc chiến tại Ukraine, cộng thêm vòng xoáy đầy áp lực của cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung – Nga… đã khiến EU bị “ngợp thở”, chưa kịp thích nghi và điều chỉnh như cần phải có.

Tuy nhiên, về mặt chủ quan, những nhà lãnh đạo các quốc gia này phải chịu trách nhiệm chính về sự thụt lùi của đảng mình. Lá phiếu của các cử tri đã thể hiện sự bất tín nhiệm, sự bất mãn đối với lãnh đạo EU, đặc biệt, thế hệ lãnh đạo được đào tạo bởi Chương trình Lãnh Đạo trẻ toàn cầu của Mỹ.

Việc EU đi đầu trong việc chống Nga, ủng hộ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga một cách cực đoan, từ bỏ mua năng lượng giá rẻ của Nga đã làm suy kiệt nền kinh tế EU và làm cho cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn.

Hơn hai năm qua, EU đã huy động một tiềm lực quá lớn, sử dụng tiền thuế của dân để cung cấp viện trợ vũ khí các loại ngày càng nhiều cho Ukraine. EU đang có nguy cơ trở thành đội quân ủy nhiệm của Mỹ trong cuộc chiến tại Ukraine. Cuộc chiến tại Ukraine là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự chia rẽ, bất ổn tại EU.

Tổng thống Pháp Macron nói rằng nước này có thể đưa quân sang Ukraine nếu lực lượng Nga vượt qua được phòng tuyến và Kiev đề nghị giúp đỡ. Ảnh: Gonzalo Fuentes/Reuters

Cuộc chiến tại Ukraine càng kéo dài, EU sẽ càng phải hứng chịu mọi hậu quả, trong đó có dòng người di cư lớn chưa từng có kèm theo nhiều hệ lụy về an ninh và trợ cấp xã hội. Những người dân ở tầng lớp thấp, nghèo bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là nông dân. Đây là cơ hội để các đảng dân túy, dân tộc chủ nghĩa và cực hữu giương cao khẩu hiệu bài ngoại với mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia và được cử tri ủng hộ.

Bên cạnh đó, những chương trình nghị sự xanh, chương trình xã hội hóa cầu vồng, những đòi hỏi khắt khe, quá mức về môi trường, nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, quay lưng lại nền nông nghiệp truyền thống, chưa phù hợp với nhiều nước và chủ yếu phục vụ cho lợi ích của các tập đoàn lớn đã gây thiệt hại rất nhiều nền nông nghiệp EU, gây phản ứng mạnh trong dân chúng. Những cuộc biểu tình lớn, kéo dài của nông dân làm tê liệt nhiều hoạt động tại các nước EU thời gian qua đã gây tổn hại đáng kể nền kinh tế EU và đang phá vỡ Chính sách nông nghiệp chung châu Âu, đe dọa an toàn nông nghiệp châu Âu.

Có thể thấy, các đảng theo đường lối cứng rắn và cực hữu đã “thành công” trong việc nắm bắt tâm lý, đưa ra những giải pháp thay thế cho “xu hướng chính thống”. Họ cố gắng thể hiện như những đảng sẽ có đầy đủ năng lực và khả năng điều hành chính phủ để giải quyết những vấn đề khiến người dân sợ hãi và lo lắng, qua đó đã tranh thủ được sự ủng hộ của người dân.

5. Việc thiếu đoàn kết nội bộ đã làm suy giảm sức mạnh chung của EU. Mâu thuẫn tồn tại ngay trong nội bộ từng quốc gia. Việc không thống nhất được chương trình hành động chung, cứng nhắc trong đường lối đã làm suy yếu vị thế các đảng cầm quyền có xu hướng ủng hộ sự thống nhất châu Âu.

Xu hướng muốn làm mờ hóa chủ quyền các quốc gia nhỏ để đem lại lợi ích nhiều hơn cho các quốc gia lớn cũng đang chia cắt EU. Mâu thuẫn không chỉ tồn tại giữa hai nước đầu tàu là Pháp và Đức mà còn giữa các nước Đông Âu với nhau cũng như giữa các nước Đông và Tây Âu khi họ bị chi phối quá mạnh bởi lợi ích quốc gia và ý đồ chính trị.

II. Một Liên minh châu Âu sau bầu cử với những thách thức không nhỏ

1. Kết quả bầu cử báo trước một kỷ nguyên mới đầy thách thức và bất ổn với các thể chế của Liên minh châu Âu: Một Nghị viện theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu hơn, một Ủy ban theo chủ nghĩa dân tộc và bảo thủ hơn một chút.

Thành phần và xu hướng chính trị của các nhóm nghị sĩ rất quan trọng trong việc có cho phép hay không Ủy ban châu Âu (EC) tiếp tục triển khai và định hình một số chính sách chiến lược của EU trong những năm tới.

Nhiều khả năng là, bất chấp mâu thuẫn, các đảng dân túy, cực hữu sẽ liên kết với nhau, có thể chưa đến mức hình thành các “liên minh” nhưng họ sẽ dựa vào mẫu số chung là chủ nghĩa dân tộc cực đoan để gây khó khăn cho EC trong việc thông qua các dự luật chung cũng như những sáng kiến và chính sách chung.

Các đảng cực hữu ngày nay đã có sự xoay chuyển chiến lược trong cách đấu tranh với Ủy ban châu Âu (EC) với mục tiêu làm yếu Liên minh châu Âu (EU) ngay từ bên trong nội bộ EU. Tìm mọi cách áp đặt lên EC một chương trình nghị sự mang tính dân tộc chủ nghĩa, họ sẽ tìm mọi cách để, hoặc mặc cả, hoặc ngăn chặn một số chính sách của EU xét thấy không phù hợp với lợi ích của đảng họ. Ví dụ như trường hợp của Hungary và các nước Đông Âu trong vấn đề xuất khẩu lương thực vào Đông Âu…

Trong bối cảnh đó, nhiều khả năng Ủy ban châu Âu (EC) sẽ buộc phải có sự điều chỉnh phù hợp về mặt chính sách, chiến lược để có thể tập hợp đồng minh, nếu muốn tồn tại, cho dù vị Chủ tịch mới thuộc bất cứ đảng phái và xu hướng chính trị nào.

Những chính sách chủ chốt của EU sẽ bị tác động. Trước hết, quá trình thúc đẩy hội nhập châu Âu sẽ có thể không còn là một trong các ưu tiên hàng đầu của EU. Điều này sẽ dẫn đến việc làm giảm sự cạnh tranh, không tận dụng hết lợi thế có sẵn của châu Âu so với các đối thủ kinh tế là Mỹ và Trung Quốc. Việc kết nạp các thành viên mới, trong đó có Ukraine sẽ bị chậm lại.

Chính sách về người di cư sẽ chặt chẽ và khó hơn, đóng cửa chặt biên giới hơn. EU sẽ có thể phải điều chỉnh, nới rộng, bớt khắt khe hơn về các vấn đề biến đổi khí hậu và năng lượng tái tạo, hủy bỏ một số biện pháp nhất định đã được đưa ra nhằm hướng đến trung hòa khí carbon.

Cũng như vậy, EC sẽ có sự điều chỉnh chính sách đối với Nga, với Trung Quốc và cuộc chiến tại Ukraine.

Nông dân Tây Ban Nha biểu tình phản đối áp lực về giá cả, thuế, các quy định xanh… ở Madrid, ngày 26/2/2024. Ảnh: REUTERS/Juan Medina

2. Cuộc bầu cử vừa qua đã tác động mạnh mẽ đến các quốc gia thành viên, đặc biệt là những quốc gia mà ở đó đảng cầm quyền đối diện thất bại, trong đó có Pháp và Đức. Trong thời gian trước mắt, hai quốc gia đầu tàu này sẽ bị lôi kéo và tập trung nhiều hơn vào các vấn đề quốc gia, “sự sống còn và tồn tại” của họ hơn là của EU. Đây là một thách thức mới với EU.

Cho dù ba năm qua Pháp, Đức có mâu thuẫn và căng thẳng, nhưng thực tế cho thấy, EU khó có thể có vai trò, vị trí lớn hơn nếu thiếu tầm nhìn, sự lãnh đạo, sự hợp tác, chung tay cũng như những ý tưởng của lãnh đạo Pháp và Đức. Thành công của sự hợp tác Pháp – Đức năm 2020 trong việc thành lập Quỹ Phục hồi đại dịch Covid-19 với giá trị 800 tỷ đô la thông qua “Trái phiếu châu Âu” đã minh chứng cho nhận xét này.

3. Quan hệ Mỹ – EU là một thách thức không nhỏ vì nó liên quan nhiều đến lĩnh vực an ninh quốc phòng và gắn liền với cuộc bầu cử tại Mỹ. Nếu ông Trump trúng cử, EU sẽ phải đảm nhiệm vai trò lớn hơn trong việc bảo đảm an ninh châu Âu cùng với NATO.

Chính vì thế đây là thời điểm để EU buộc phải xem xét đến việc tăng ngân sách quốc phòng, phải có những quyết định cấp bách và táo bạo để đầu tư vào khả năng sản xuất vũ khí tự vệ, nâng cao năng lực quốc phòng.

Chính cuộc chiến tại Ukraine và những hệ lụy của nó đã “thức tỉnh” EU về sự phụ thuộc quá mức của họ vào Mỹ. EU mong muốn thoát khỏi sự phụ thuộc này. Tổng thống Macron của Pháp (nước duy nhất trong EU sở hữu vũ khí hạt nhân) đi đầu trong việc kêu gọi xây dựng chính sách phòng thủ chung châu Âu và mong muốn EU có sự tự chủ về chiến lược an ninh. Đức đã ủng hộ lời kêu gọi này.

Tuy nhiên, tình hình nội bộ EU đã có quá nhiều biến đổi. Trên thực tế, như một nghịch lý, cho đến nay, EU chưa tìm ra một mẫu số chung “về một giải pháp thay thế đáng tin cậy nào cho chiếc ô an ninh của Mỹ” khi nhiều nước thành viên còn lo ngại và nghi ngờ về năng lực và tiềm lực quốc phòng, về khả năng phòng thủ tên lửa, vũ khí hạt nhân chung cũng như khả năng tấn công tầm xa của EU. Tương lai an ninh quốc phòng của EU sẽ ra sao đang là một câu hỏi lớn.

4. Về kinh tế, thương mại, cuộc chiến tại Ukraine đã bộc lộ những điểm yếu cơ bản của EU, đó là sự phụ thuộc về nguồn nguyên liệu thô từ bên ngoài và năng lượng từ Nga.

Trên thực tế, EU đang đối diện với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt đến từ Mỹ và Trung Quốc. Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ với gói trợ giúp lớn đến từ chính phủ đã buộc nhiều công ty EU phải dừng hoạt động tại Mỹ. Trong khi đó, EU vẫn phải tiếp tục mua năng lượng với giá cao hơn gấp đôi từ đồng minh Mỹ. Thị trường EU đang bị tê liệt vì hàng loạt sản phẩm có giá thành rẻ bất ngờ đến từ Trung Quốc.

Với những bất ổn đến từ nội bộ, nền kinh tế EU dự báo sẽ tiếp tục đi xuống khi thị trường chung EU chưa được tập trung mở rộng. Mặt khác, EU thiếu sự hợp tác, đầu tư nghiên cứu đúng mức vào những lĩnh vực mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo, năng lượng xanh, viễn thông, dịch vụ tài chính, nông nghiệp… Chính những điều này đã kéo lùi EU, khiến EU phụ thuộc vào các thị trường bên ngoài, đặc biệt là Trung Quốc và Mỹ.

Tóm lại, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vừa kết thúc đã đem đến những thay đổi bất ngờ to lớn, chưa từng xảy ra trong “hệ sinh thái chính trị” tại châu Âu. Nó sẽ có tác động rất lớn đến mọi hoạch định chính sách của EU cũng như quá trình nhất thể hóa châu Âu trong tương lai.

Theo nhiều nhà quan sát, trong năm năm qua, rất tiếc, vì nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, EU đã không gia tăng được vai trò và ảnh hưởng toàn cầu, đã không đạt được mục tiêu xây dựng một châu Âu mạnh hơn, đoàn kết hơn.  

Môi trường địa chiến lược ngày càng khốc liệt, thế giới đã biến đổi không ngừng, thách thức cả trong nội bộ EU lẫn bên ngoài đều rất lớn, tuy nhiên EU hầu như chưa kịp thích nghi và điều chỉnh như cần phải có.

EU cho thấy sự lúng túng và có phần chưa đủ năng lực giải quyết các thách thức của khu vực, cũng như toàn cầu. Bao trùm lên bầu không khí tại EU hiện nay là một bầu không khí lo lắng, bất an về triển vọng, tương lai, về vị thế địa chính trị đang có chiều hướng xấu hơn.

Đặc biệt, trong bối cảnh các sách lược ứng phó với các với thách thức còn chưa được định hình rõ nét, cũng như sức mạnh nội lực chưa thực sự hoàn thiện, sự thay đổi chính phủ tại nhiều quốc gia thành viên… thì điều quan trọng nhất với EU là sẽ phải định vị chính xác vị thế của mình, qua đó xác định đúng đắn mối quan hệ của EU với các cường quốc đặc biệt với Mỹ, Trung Quốc, Nga cũng như các khối nước khác như BRICS, để vượt qua những thách thức đã và sẽ đến.

Việc xây dựng một “Liên minh châu Âu trở thành một không gian hòa bình và tự do, một liên minh mà ở đó các quốc gia chia sẻ các nguyên tắc dân chủ, và được tổ chức để bảo đảm một xã hội thịnh vượng trong đoàn kết” là ước mơ và khát vọng của mọi công dân Liên minh châu Âu. Để biến khát vọng này thành hiện thực đòi hỏi sự nỗ lực rất nhiều của cả các quốc gia thành viên và đặc biệt là các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu.■

Nguyên Mi

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN