Liên minh Mỹ - Nhật - Hàn: Những chuyển động ở Đông Bắc Á

Đông Bắc Á là một trong những khu vực có vị trí địa – chiến lược quan trọng trên thế giới và cũng là khu vực tồn tại dai dẳng những nguy cơ bất ổn. Căng thẳng thường trực giữa hai miền Triều Tiên, cạnh tranh chiến lược mạnh mẽ giữa các nước lớn trong khu vực và sự can dự sâu, rộng của các cường quốc Mỹ, Trung Quốc, Nga vào Đông Bắc Á đã làm cho khu vực này ít có những ngày tháng bình yên. 

Nét nổi bật, thu hút sự quan tâm và lo ngại của dư luận chung đối với khu vực trong thời gian qua chính là xu thế chạy đua vũ trang mạnh mẽ, quá trình tập hợp lực lượng, hình thành các liên minh để gia tăng sức mạnh và kèm theo đó là sự chuyển dịch sâu sắc chính sách của các nước trong khu vực.

Đông Bắc Á trong Chiến lược Ấn Độ Dương Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Mỹ

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương luôn được coi là trọng tâm chiến lược của chính sách đối ngoại của Mỹ, tuy nhiên nó chỉ thực sự được đầu tư một cách tương xứng kể từ chính sách xoay trục dưới thời của cựu Tổng thống B. Obama năm 2010 và được thúc đẩy mạnh hơn dưới thời của Tổng thống J. Biden, khi Mỹ xác định Trung Quốc là đối thủ chính trong các mối quan hệ quốc tế.

Ngay từ khi mới lên cầm quyền năm 2021, chính quyền của ông Biden đã tuyên bố sẽ cam kết và quan tâm sâu sắc đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và đã có sự điều chỉnh chính sách, định vị lại vai trò của hai đồng minh chính là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hai quốc gia này, đặc biệt là Nhật Bản đã trở thành một mắt xích quan trọng của Mỹ tại khu vực và đang cho thấy có sự chuyển dịch sâu sắc về chính sách.

Chính quyền của ông Biden đã nỗ lực tháo gỡ được phần nào những nút thắt trong quan hệ song phương giữa Nhật Bản và Hàn Quốc và tập hợp họ lại vì mục tiêu chung là chống lại những thách thức kinh tế và đe dọa về an ninh của Trung Quốc cũng như đe dọa về vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Sự kiện nổi bật trong quan hệ Mỹ – Nhật – Hàn chính là việc Hội nghị thượng đỉnh độc lập lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 8/2023 tại trại David (Mỹ), được đánh giá là bước ngoặt, mở ra “kỷ nguyên mới” cho liên minh Mỹ – Nhật – Hàn, thể hiện quyết tâm nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược giữa ba quốc gia. Đây cũng là tiền đề cho việc hình thành một tam giác chiến lược Mỹ –  Nhật – Hàn, đối trọng với tam giác chiến lược Trung Quốc – Nga – Triều Tiên.

Nhật Bản và Hàn Quốc đã trở thành hai mắt xích quan trọng của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Hình minh họa

Nội dung quan trọng nhất trong hợp tác chiến lược được nêu ra tại Thượng đỉnh lịch sử này chính là việc ba nước đã thống nhất và thể chế hóa được cơ chế khung về hợp tác an ninh. Đây sẽ là một cơ chế đóng vai trò thiết yếu đối với việc duy trì an ninh và ổn định tại khu vực châu Á cũng như bên ngoài khu vực. Qua đó sẽ mở rộng phạm vi hợp tác để đối phó với những thách thức an ninh và duy trì trật tự quốc tế ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Theo đó, ba nước sẽ thường xuyên có các cuộc trao đổi, tham vấn ở cấp cao nhất cũng như các cấp tương ứng, đào tạo và diễn tập quân sự chung, tăng cường hợp tác phòng thủ tên lửa đạn đạo và thiết lập đường dây nóng mới để liên lạc trong tình huống khẩn cấp.

Có thể thấy rằng Mỹ đã nỗ lực hết sức trong các hoạt động ngoại giao và đã đạt được mục tiêu thuyết phục được hai đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia tích cực vào chiến dịch “tăng cường các liên minh quân sự” tại Đông Bắc Á nói riêng và châu Á nói chung.

Kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh, các lực lượng Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản bắt đầu triển khai hệ thống chia sẻ dữ liệu cảnh báo tên lửa của Triều Tiên trong thời gian thực, tăng cường các cuộc tập trận cả trên không và trên biển. Những cuộc tập trận, diễn tập ngày càng được tăng cường với tần suất cao hơn và với sự tham gia của các phương tiện hiện đại như các tàu khu trục và máy bay ném bom B-52H có thể mang theo vũ khí hạt nhân.

Nhật Bản: Đối tác toàn cầu của Mỹ và vai trò dẫn dắt khu vực

Mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Nhật Bản đã tồn tại từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Vượt qua quá khứ, Nhật Bản luôn luôn là đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại châu Á và Đông Bắc Á. Mỹ có 54 nghìn quân đóng tại Nhật Bản.

Quan hệ hai bên được thúc đẩy mạnh mẽ kể từ gần một thập kỷ qua, khi nước Mỹ, dưới thời tổng thống Obama thực hiện chính sách xoay trục sang Châu Á – Thái Bình Dương. Song Nhật Bản vẫn thực hiện chính sách cân bằng với các nước lớn, trong đó cải thiện quan hệ với Trung Quốc và Nga dưới thời thủ tướng Abe. Tuy nhiên, chính quyền của Thủ tướng Kishida đã nghiêng hẳn về Mỹ.

Dư luận đặc biệt quan tâm đến những diễn biến xảy ra gần đây nhất, khi vào giữa tháng 4 vừa qua, trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng Kishida, hai bên cũng đã nâng cấp quan hệ trở thành “đối tác toàn cầu của nhau” đưa quan hệ ở mức cao “chưa từng có” kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

Khái niệm “Đối tác toàn cầu đầy đủ” với Mỹ rất quan trọng với Nhật bởi lẽ điều đó chứng tỏ rằng tầm ảnh hưởng của Nhật Bản đã vượt ra khỏi khu vực Đông Bắc Á và châu Á và có thể vươn tới toàn cầu. Nội hàm của mối quan hệ đối tác này có sự nâng cấp rõ rệt về mức độ, đặc biệt trong hợp tác quốc phòng, từ mức độ phòng thủ nâng lên chủ động tấn công.

Tổng thống Mỹ J. Biden đã từng tuyên bố rằng hai nước “đang xây dựng mối quan hệ đối tác quốc phòng mạnh mẽ hơn và một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vững mạnh hơn bao giờ hết”. Thủ tướng Kishida đã từng khẳng định rằng “Nhật Bản sẽ chung tay với những người bạn Mỹ, cùng nhau đi đầu trong việc giải quyết các thách thức ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và thế giới” với tư cách là đối tác toàn cầu của nhau.

Trên thực tế, chính quyền của Thủ tướng Kishida đang tiếp tục hiện thực hóa chính sách “Ngoại giao tầm nhìn toàn cầu” từ thời cựu Thủ tướng Abe, một biện pháp mới, đa dạng và sáng tạo giúp cho Nhật nâng cao năng lực, gia tăng sức mạnh quốc phòng. Theo đó, sức mạnh và tiềm lực quân sự, quốc phòng được coi là công cụ quyết định nhất, quan trọng nhất đảm bảo an ninh quốc gia, gia tăng sức mạnh ngoại giao và nâng cao sức mạnh toàn diện quốc gia (Ngoại giao, quân sự, kinh tế, công nghệ, tình báo).

Trong “Chiến lược an ninh quốc gia mới” được đưa ra từ những năm trước, nội dung quan trọng nhất chính là lực lượng phòng vệ Nhật sẽ chuyển từ trạng thái phòng vệ sang nâng cao năng lực phản công. Đây là chiến lược mang tính răn đe toàn diện và tấn công đánh phủ đầu trong trường hợp cần thiết. Để thực hiện chủ trương này, Nhật quyết định tăng ngân sách quốc phòng từ mức độ 1% GDP hiện tại lên mức độ 2% GDP trong 5 năm (2023 – 2027). Nhật Bản sẽ trở thành nước có ngân sách quốc phòng lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc. Ngân sách quốc phòng năm 2024 vừa được thông qua đầu tháng Tư, tăng mức kỷ lục trong lịch sử, tương đương 744 tỷ đô la.

Bên cạnh đó, Nhật chủ trương hiện đại hóa quân đội, tăng cường lực lượng quân sự, bổ sung quân tại các khu vực gần Đài Loan. Họ cũng tập trung vào việc phát triển vũ khí tên lửa tầm xa để xóa bớt khoảng cách chênh lệch quá lớn về mức độ hiện đại của vũ khí Nhật so với các nước láng giềng, nâng cấp các tên lửa địa đối hạm để đủ sức vươn tới các khu vực ven biển Trung Quốc, Bắc Triều Tiên.

Toàn bộ những động thái trên cho thấy Nhật Bản có tham vọng chứng tỏ cho thế giới thấy rằng họ cần và sẽ có vai trò và vị trí lớn hơn, xứng đáng hơn trong khu vực và trên thế giới. Nhật Bản sẽ không chỉ còn là đồng minh khiêm nhường, luôn ủng hộ các sáng kiến và trật tự quốc tế do Mỹ sắp đặt mà sẽ vươn lên vai trò dẫn dắt, kiến tạo trật tự khu vực (trong thời gian trước mắt).

Nhật Bản có tham vọng chứng tỏ cho thế giới thấy rằng họ cần và sẽ có vai trò và vị trí lớn hơn, xứng đáng hơn trong khu vực và trên thế giới. Hình ảnh Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) trong một cuộc diễu binh.

Điều này cũng dễ lý giải bởi trong nhiều thập kỷ qua Nhật Bản đã trở thành một cường quốc về kinh tế, thành viên của các nhóm G20, G7 và OECD, nhóm các cường quốc và các nước lớn có vai trò quan trọng, chi phối đời sống kinh tế và chính trị quốc tế. Nhật Bản có mặt ở hầu hết các châu lục trên thế giới. Bình thường hóa quan hệ với Hàn Quốc cũng giúp Nhật Bản tăng cường thêm sức mạnh.

Với tiềm năng công nghệ cao, có nền công nghiệp phát triển, Nhật Bản có nhiều khả năng để cạnh tranh với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ và sản xuất vũ khí. Thời gian qua, chính phủ Nhật đã nới lỏng một số quy định về việc xuất khẩu vũ khí để tạo điều kiện cho các tổ hợp quân sự Nhật tham gia vào việc mua bán vũ khí, thu lợi nhuận khổng lồ trong bối cảnh các cuộc xung đột vũ trang tăng mạnh.

Trong quan hệ quốc tế, Nhật Bản là một đối tác và nhà cung cấp viện trợ hợp tác phát triển lớn tại các nước Đông Nam Á, châu Á và châu Đại dương. Về hợp tác quân sự, Nhật không chỉ thúc đẩy mạnh với Mỹ mà còn tăng cường hợp tác với  Ấn Độ, Úc và Philippines trong việc ký kết các thỏa thuận và tham gia tích cực vào các cuộc diễn tập quân sự chung, ủng hộ các sáng kiến nhằm củng cố an ninh và ổn định tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Tháng tư vừa qua, Nhật Bản đã khởi động việc đàm phán với Mỹ, Anh và Australia để tham gia vào đối tác an ninh ba bên AUKUS trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến, một trong những trụ cột của khuôn khổ AUKUS.

Theo thăm dò gần đây của ISEAS Singapore (Viện nghiên cứu Đông Nam Á), trong 6 năm vừa qua, uy tín của Nhật tại châu Á cao hơn so với Mỹ hoặc Trung Quốc và Nhật Bản được xem là một “đối tác đáng tin cậy” của các nước Châu Á.

Hàn Quốc đưa  quan hệ với Mỹ đi vào chiều sâu

Hàn Quốc là đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Á Thái Bình Dương. Mỹ duy trì căn cứ ở Hàn Quốc với khoảng 27.000 lính đóng quân như một hình thức bảo đảm an ninh cho Hàn Quốc.

Từ khi lên nắm quyền năm 2022, chính quyền của Tổng thống Yoon Seok Yeol đã chủ trương đẩy mạnh quan hệ với Mỹ. Cuộc chiến tại Ukraine cùng với việc Triều Tiên liên tục có các hoạt động quân sự khiêu khích và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân đã thúc đẩy Hàn Quốc thể hiện thái độ cứng rắn và có bước dịch chuyển chính sách sâu sắc.

Hàn Quốc củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ, chủ động cải thiện quan hệ với Nhật Bản vì mục tiêu an ninh chung của khu vực. Họ quyết định tăng ngân sách quốc phòng lên 266 tỷ đô la trong 5 năm tới. Ngân sách quốc phòng hàng năm dự định tăng 7%. Hàn Quốc  tập trung vào việc tăng cường trang thiết bị vũ khí hiện đại như tàu ngầm, vệ tinh trinh sát, hệ thống vũ khí đánh chặn tên lửa tiên tiến có nguy cơ đến từ Triều Tiên.

Điểm đáng chú ý là vào dịp kỷ niệm 70 năm quan hệ đồng minh Mỹ – Hàn, trong chuyến thăm chính thức Mỹ cuối tháng 4/2023 (lần đầu tiên sau 12 năm của một Tổng thống Hàn Quốc), Hàn Quốc đã quyết định nâng cấp liên minh dựa trên hạt nhân với Mỹ. Hai bên đồng thời mở rộng các liên minh về chuỗi cung ứng, công nghiệp và khoa học công nghệ, bao gồm an ninh mạng, xe điện và pin, công nghệ lượng tử, hỗ trợ nước ngoài và đầu tư kinh tế.

Sau chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tới Mỹ vào cuối tháng 4/2023, liên minh giữa Hàn Quốc với Mỹ đã được nâng cấp thành “liên minh dựa trên hạt nhân”. Ảnh: AP

Mỹ và Hàn Quốc sẽ thành lập Nhóm tư vấn hạt nhân để giúp Hàn Quốc “hiểu rõ hơn và có tiếng nói trong kế hoạch dự phòng của Mỹ nhằm ngăn chặn và ứng phó với bất kỳ sự cố hạt nhân nào trong khu vực”. Theo phía Hàn Quốc, cơ chế thiết lập kế hoạch hạt nhân giữa Mỹ và Hàn Quốc “sẽ hiệu quả hơn cơ chế của NATO” vì sẽ tạo điều kiện cho hai bên thường xuyên tham khảo và thảo luận ở cấp cao.

Trong tương lai, nhiều vũ khí chiến lược của Mỹ sẽ được triển khai thường xuyên tại Hàn Quốc để duy trì khả năng “trả đũa” của Hàn Quốc. Hạt nhân là lĩnh vực nhạy cảm nhất với Hàn Quốc, khi họ thường xuyên sống dưới chiếc ô bảo hộ của Mỹ. Mức độ “nâng cấp” này được Tổng thống Hàn Quốc đánh giá chứng tỏ quan hệ Mỹ – Hàn “đang mạnh hơn bao giờ hết” và đang đi vào chiều sâu.

Tổng thống Joe Biden đã ví quan hệ liên minh với Hàn Quốc là một “kiềng sắt”, thể hiện sự vững chãi và vai trò không thể thiếu được của Hàn Quốc trong tam giác chiến lược Mỹ – Nhật – Hàn, giúp Hàn Quốc tăng vị thế và vai trò trong khu vực và trên trường quốc tế.

Hàn Quốc sẽ có cơ hội tăng cường hợp tác với Mỹ và Nhật trong việc đầu tư, nâng cấp các thiết bị trinh sát và chia sẻ theo thời gian thực dữ liệu tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Điều đó sẽ giúp Hàn Quốc có thể  đối phó và có phản ứng áp đảo khi sự cố xảy ra.

Đầu tháng 5 vừa qua, Hàn Quốc đã chính thức đàm phán về việc tham gia một phần Thoả thuận đối tác an ninh ba bên Australia – Anh – Mỹ (AUKUS) với nguyện vọng tham gia vào trụ cột thứ hai của AUKUS. Quyết định này được đưa ra chỉ một thời gian ngắn sau khi AUKUS thông báo sẽ tổ chức các cuộc đàm phán chính thức về việc Nhật Bản tham gia thoả thuận AUKUS được Mỹ, Anh và Australia thành lập vào năm 2021 để đối trọng với những thách thức của Trung Quốc tại khu vực.

Trong giai đoạn đầu tiên, hay còn gọi là trụ cột thứ nhất, AUKUS sẽ cung cấp các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia và không kết nạp thêm thành viên mới. Trụ cột thứ hai, tập trung vào việc chia sẻ công nghệ quân sự trên nhiều lĩnh vực như điện toán lượng tử và tên lửa siêu thanh.

Những chuyển động trên nói lên điều gì?

Đây là câu hỏi mà nhiều nhà nghiên cứu và dư luận đang hết sức quan tâm. Trước hết, hợp tác an ninh ba bên Mỹ – Nhật – Hàn có ý nghĩa vô cùng quan trọng với cả ba quốc gia. Những thỏa thuận vừa đạt được đã mở ra một cấp độ mới, đặt nền tảng cho mối quan hệ liên minh Mỹ – Nhật – Hàn cũng như của mỗi quốc gia với nhau trở nên sâu sắc hơn, đi vào chiều sâu hơn và tăng tần suất các cuộc đối thoại.

Những chuyển động trên cũng cho chúng ta thấy một số điểm sau đây:

Thứ nhất là cuộc chiến tranh tại Ukraine, xung đột tại Dải Gaza và bất ổn tại Trung Đông đã làm cho tình hình thế giới diễn biến hết sức phức tạp và khó lường.

Mối quan hệ hợp tác không giới hạn giữa Nga và Trung Quốc cũng như hợp tác quân sự đặc biệt giữa Nga và Triều Tiên đã hình thành một liên minh chiến lược Trung Quốc – Nga – Triều Tiên. Ba nước trên cùng Iran đã hình thành một mặt trận có ảnh hưởng mạnh ở châu Á – Thái Bình Dương, đe dọa an ninh Đông Bắc Á và thách thức vai trò của Mỹ.

Trong khi đó việc Mỹ không thể kiểm soát nổi tình hình tại Ukraine, tại Trung Đông, không tiêu diệt được lực lượng Houthie, không kiềm chế được Israel, Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động quân sự tại vùng biển gần Đài Loan cũng như việc Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa tại Bán Đảo Triều Tiên… đã bộc lộ rõ sự suy yếu của Mỹ về kinh tế và quân sự. Vai trò và ảnh hưởng của Mỹ đang suy giảm. Mỹ không còn là một cực duy nhất, thu hút và điều khiển mọi chuyển động chính trị trên toàn cầu.

Thứ hai là, bên cạnh bối cảnh quốc tế và khu vực đầy thách thức thì tình hình nội bộ của Mỹ cũng như của Nhật và Hàn được coi là những tác nhân thúc đẩy mạnh mẽ việc phải đẩy nhanh liên minh quân sự ba bên, hình thành tam giác chiến lược Mỹ – Nhật – Hàn.

Nước Mỹ đang trong thời kỳ chuyển giao chính quyền, Tổng thống Biden cần tranh thủ và tận dụng tình hình ở Bán Đảo Triều Tiên với mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên để củng cố tiềm lực quân sự, đẩy nhanh hơn nữa hợp tác quốc phòng mạnh mẽ, sâu rộng với hai đồng minh chủ chốt của Mỹ trong khu vực, uy hiếp trục tam giác Nga – Trung – Triều.

Nội bộ Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang tồn tại rất nhiều vấn đề, buộc họ phải ngả hoàn toàn vào Mỹ. Hơn nữa, nếu không có sự ủng hộ và đảm bảo đặc biệt về quân sự của Mỹ thì cả hai quốc gia cũng khó trụ vững trước những đe dọa an ninh đến từ Triều Tiên.

Yếu tố nữa thúc đẩy Nhật Bản và Hàn Quốc đẩy nhanh việc ký kết các thỏa thuận an ninh quốc phòng với Mỹ chính là cuộc bàn giao chính quyền mới tại Mỹ cuối năm nay, đặc biệt trong trường hợp ông Trump thắng cử. Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều có “sự chuẩn bị sớm” cho việc phát triển quan hệ với Mỹ trong tương lai.

Thứ ba là Mỹ đang triển khai mạnh mẽ chiến lược Châu Á – Thái Bình Dương và đã thành công trong việc thuyết phục được Nhật Bản và Hàn Quốc tích cực tham gia vào việc tăng cường liên minh với Mỹ. Với những thỏa thuận đã có, Mỹ đang nâng cao trách nhiệm mang tính toàn cầu của hai quốc gia và có ý đồ ủy nhiệm cho cuộc chiến tại Đông Bắc Á thông qua Nhật và Hàn.

Riêng đối với Nhật Bản, mục tiêu và ý đồ của Mỹ là tranh thủ tận dụng những lợi thế sẵn có, uy tín và tiềm lực của Nhật Bản để biến quốc gia này trở thành một mắt xích quan trọng nhất của liên minh, phục vụ cho cuộc cạnh tranh địa chiến lược của Mỹ với Trung Quốc, với Nga và với các nước khác tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong ý đồ thiết lập một NATO mới ở châu Á.

Mỹ đặt nhiều kỳ vọng và tham vọng khi coi Nhật như át chủ bài trong chiến lược châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ. Nhiều nhận xét cho rằng đây là những dấu hiệu cho thấy Mỹ đang ủy nhiệm cho Nhật vai trò đảm đương trọng trách duy trì bảo đảm an ninh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Với sự trợ giúp của Mỹ, cộng với những lợi thế nổi bật về tiềm lực kinh tế, khoa học công nghệ, quốc phòng thì không loại trừ, trong tương lai, Nhật Bản có khả năng sẽ làm thay đổi tương quan lực lượng ở châu Á.

Nhật Bản và Hàn Quốc đang đàm phán về việc tham gia Thoả thuận đối tác An ninh Ba bên Australia-Anh-Mỹ (AUKUS). Hình minh họa

Thứ tư là, cần lưu ý đó là mục tiêu kép của Mỹ. Thúc đẩy tam giác chiến lược Mỹ – Nhật – Hàn cùng các liên minh quân sự là nằm trong lợi ích của Mỹ. Mỹ nuôi ý định tạo vành đai đe dọa Trung Quốc và Nga, lôi kéo đồng minh, tạo dựng một trục đối đầu Trung Quốc và Nga, tạo cơ hội cho Mỹ kiểm soát vận tải biển của Nga và Trung Quốc. Mặt khác về lợi ích kinh tế, một khi đã  khuấy động nguy cơ đe dọa chiến tranh thì sẽ buộc các nước phải tăng cường mua vũ khí của Mỹ, giúp kinh tế Mỹ thoát khỏi khủng hoảng.

Mỹ muốn tăng cường ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á. Theo thăm dò ảnh hưởng Trung Quốc là 50-60% trong khi Mỹ chỉ 36%. Mỹ nuôi ý đồ tập trung vào châu Á – Thái Bình Dương để lấp chỗ trống của Trung Quốc tại đây.

Với các nước trong khu vực, trong bối cảnh hiện nay Mỹ cũng muốn thể hiện sự coi trọng của Mỹ đối với vị trí và vai trò chiến lược của khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như quyết tâm tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại khu vực.

Đây cũng là cách thức mà chính quyền của Tổng thống Biden tìm cách để làm yên lòng các đồng minh tại khu vực trước các ẩn số của cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới.

Trên thực tế, trước những tham vọng chủ quyền của Trung Quốc và tình hình bất ổn ở Đông Bắc Á thì đa số các nước trong khu vực đều mong muốn dựa vào Mỹ ví dụ như trường hợp của Philippines. Trong vấn đề Biển Đông cũng như đối diện với những tranh chấp vận tải biển quốc tế, thời gian qua quốc gia này đã thi hành chính sách dựa hẳn vào Mỹ bất chấp các phản ứng và cảnh báo từ phía Trung Quốc và Nga về bài học xương máu của Afghanistan.

Chính vì thế nhiều nhà quan sát cũng cho rằng liên minh quân sự ba bên có bền vững hay không vẫn còn là một dấu hỏi lớn bởi những ẩn số đến từ sự thay đổi chính quyền không chỉ của Mỹ mà của cả Nhật Bản và Hàn Quốc trong thời gian tới.

Thứ năm là, về mặt công khai, cả Mỹ, Nhật và Hàn Quốc đều khẳng định rằng liên minh của họ “không nhằm chống lại bất cứ ai”. Tuy nhiên cũng có những nhận xét, so sánh, việc thành lập một liên minh quân sự ba bên Mỹ – Nhật – Hàn như một NATO thu nhỏ ở châu Á. Liên minh này còn giúp Mỹ củng cố vị thế bá chủ ở khu vực và trên thế giới. Điều này cũng sẽ thúc đẩy cạnh tranh giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga và sẽ dẫn đến việc các bên liên quan đều tăng cường chạy đua vũ trang, liên tục mở rộng các chương trình tập trận, tuần tra chung, tăng cường các hoạt động quân sự. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến hòa bình và ổn định tại khu vực, làm cho tình hình thêm căng thẳng.

Tóm lại, trước mắt, có nhiều dấu hiệu cho thấy trong tương lai gần, liên minh Mỹ – Nhật – Hàn sẽ vẫn tiếp tục duy trì xu hướng liên kết chặt chẽ bởi lợi ích của chính các bên để đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và những đe dọa hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên mối liên minh này sẽ bền chặt đến đâu và phát triển mạnh mẽ đến mức độ nào thì phụ thuộc rất nhiều vào việc hai quốc gia Nhật và Hàn phải tự nâng cao sức mạnh quốc gia, thể hiện vai trò tại khu vực và vượt lên được những thách thức trong nội bộ.

Là một nước nằm trong khu vực có nhiều cạnh tranh và mâu thuẫn, mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam cần hết sức tỉnh táo để tự nâng cao sức mạnh nội tại và không bị cuốn vào bất cứ vòng xoáy nào của các liên minh và cạnh tranh của các cường quốc.■

Nguyên Mi

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN