“Một kỷ nguyên mới cho hợp tác và mở rộng” chính là thông điệp cũng như kết luận của các nguyên thủ quốc gia tham gia Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra vào tháng Bảy tại Kazakhstan.
Được thành lập năm 1996 như một cơ cấu hợp tác liên chính phủ bởi Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan và Tajikistan, SCO mở rộng thêm với sự gia nhập của Ấn Độ và Pakistan vào năm 2016, Iran năm 2021 và tháng Bảy vừa qua đã kết nạp thêm thành viên thứ 10 là Belarus.
Theo ông Nurlan Baibazarov – Phó Thủ tướng Kazakhstan thì “Đây là một trong những hội nghị tiêu biểu trong lịch sử kể từ khi thành lập Tổ chức hợp tác Thượng Hải” và “Tầm quan trọng của các văn bản được thông qua đều ở mức chưa từng có”.
Trước hết, đây là lần đầu tiên Hội nghị thượng đỉnh SCO họp theo hình thức mở rộng “SCO+”. Ngoài các quốc gia thành viên, hội nghị có sự tham gia của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Tổng thống Belarus, lãnh đạo các nước Mông Cổ, Azerbaijan, Qatar, UAE và Turkmenistan với tư cách quan sát viên và đối tác đối thoại.
Các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hội nghị về các biện pháp hợp tác và xây dựng lòng tin ở châu Á, Tổ chức An ninh lương thực Hồi giáo, Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO), Ủy ban Kinh tế Á – Âu đều cử đại diện cấp cao tham dự.
Hội nghị đã thông qua nhiều quyết sách quan trọng, định hướng phát triển trong tương lai của SCO trong bối cảnh địa chính trị phức tạp. Lãnh đạo các quốc gia SCO đã ký phê chuẩn “Chiến lược Phát triển Hợp tác năng lượng giữa các quốc gia SCO đến năm 2030” liên quan đến việc hợp tác, kết nối về năng lượng, kết nối cơ sở hạ tầng, giao thông, bến cảng, công nghệ.
Đặc biệt các quốc gia SCO cũng thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng cấu trúc tài chính riêng, bao gồm cơ chế thanh toán và sử dụng đồng nội tệ của các quốc gia thành viên SCO trong giao dịch thương mại nội khối tiến tới phi đô la hóa hoàn toàn.
Điểm nổi bật dư luận rất quan tâm đó là lãnh đạo SCO thống nhất việc cần thiết phải xây dựng Cơ cấu chống khủng bố toàn cầu, nhất trí chuyển đổi cơ cấu chống khủng bố khu vực của SCO thành một trung tâm toàn cầu nhằm ứng phó với hàng loạt mối đe dọa an ninh. Các cơ chế, thể chế và thỏa thuận phục vụ cho mục tiêu chung “ổn định và phát triển” sẽ do các quốc gia thành viên và các cơ quan khu vực của SCO tự quyết.
Đây chính là sáng kiến xây dựng một hệ thống an ninh Á – Âu mới do Nga đề xuất. Tổng thống Nga Putin cũng đã thảo luận với lãnh đạo các nước thành viên về việc triển khai một loạt hiệp ước an ninh tập thể cấp vùng do sự cần thiết phải có một hệ thống an ninh riêng cho khu vực Á – Âu.
Cũng vào thời điểm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh SCO thì Hội nghị Thượng đỉnh NATO họp ở Washington kỉ niệm 75 năm ngày ra đời NATO, từ 9-11/7/2024, là một sự trùng hợp có tính toán của tổ chức này.
NATO không chỉ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập mà tập trung chủ yếu vào giải quyết những vấn đề nóng đang thách thức sự tồn tại và chi phối hoạt động của NATO. Đó là cần nâng cao khả năng răn đe và phòng thủ cũng như thống nhất về Kế hoạch phòng thủ lớn nhất của NATO do Mỹ khởi xướng từ năm 2023, tiếp tục đối đầu mãnh liệt với Nga và Trung Quốc; tiếp tục khẳng định viện trợ cho Ukraine đánh Nga đến cùng. Điều quan trọng hơn là lập ra một Ủy ban để triển khai mở rộng NATO ra châu Á – Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Phi.
Những dịch chuyển rõ rệt trong các mối quan hệ quốc tế là những chỉ dấu cho thấy thế giới đang xuất hiện những trung tâm quyền lực mới, nguy cơ xung đột vũ trang ở các vùng chiến lược ngày càng gia tăng.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đi sâu phân tích về sức hút và tầm vóc của những trung tâm quyền lực mới này cũng như những tác động của nó đến cuộc cạnh tranh quyền lực địa chính trị trên toàn cầu trong thời gian tới:
1. Trước hết đó là việc tổ chức SCO đang giữ một vai trò mới, lớn hơn trên bàn cờ địa chính trị. Việc mở rộng, kết nạp Belarus là thành viên thứ 10 đã nâng cao tầm vóc địa chiến lược, địa chính trị của SCO. Đây thực sự là một bước ngoặt quan trọng, khẳng định vai trò của SCO trong việc thúc đẩy quan hệ toàn cầu kiểu mới, với một cấu trúc an ninh mới cho khu vực Á – Âu.
SCO đã và đang liên tục mở rộng về cả quy mô và ảnh hưởng. Từ một tổ chức khu vực tập trung ở Trung Á, nay SCO đã trở thành một tổ chức rộng lớn hơn bao gồm các quốc gia từ Đông Á, Nam Á, Trung Đông và Đông Âu.
Ngoài việc tăng cường tiềm lực vì đa số thành viên đều là những quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản và đặc biệt là năng lượng thì điều quan trọng nhất chính là về mặt địa lý, an ninh, biên giới SCO sẽ không chỉ bó hẹp tại châu Á, mà sẽ bao phủ Nga – Belarus, kéo dài đến sát biên giới Ba Lan, thành viên của NATO.
Theo đó, SCO đã nâng tầm vóc từ một diễn đàn an ninh khu vực Trung Á thành một cấu trúc an ninh và hợp tác Á – Âu hoàn chỉnh. Trong tương lai SCO có nhiều khả năng trở thành một tổ chức có quy mô an ninh, kinh tế, địa chính trị tầm vóc toàn cầu cạnh tranh trực tiếp với NATO.
2. Từ sự kiện này có thể thấy Nga, Trung Quốc, Mỹ và Phương Tây đều ra sức tập hợp lực lượng để giành vị trí độc tôn bởi đây là thời điểm mà cả hai bên đều phải tận dụng, khai thác “điểm yếu” của phía bên kia để củng cố lực lượng.
Sự cạnh tranh này đang được thúc đẩy nhanh hơn và quyết liệt hơn bởi cuộc chiến tại Ukraine cũng như trào lưu cực hữu, dân túy, tình hình bất ổn tại các nước EU và sự đi xuống về kinh tế của G7 cũng như sự chia rẽ, mâu thuẫn của nội bộ NATO.
3. Thế giới đang bị phân mảng rõ rệt và đang xuất hiện một trật tự thế giới với các cực mới, cạnh tranh mãnh liệt trong quan hệ quốc tế. Đó là cạnh tranh giữa Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) cũng như giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Nga và Trung Quốc liên tục thúc đẩy, gia tăng ảnh hưởng ở khu vực chiến lược Trung Á, củng cố và tập hợp lực lượng thông qua nhiều sáng kiến và hành động cụ thể để thúc đẩy một trật tự thế giới đa cực, cạnh tranh với thế giới đơn cực vốn tồn tại từ nhiều thập kỷ do Mỹ và phương Tây điều khiển.
Thông qua các tổ chức đa phương như SCO và BRICS mà ở đó cả hai đều giữ vai trò trụ cột, Nga và Trung Quốc đã dần nâng cao ảnh hưởng, tầm nhìn, thuyết phục được nhiều quốc gia tán thành các nguyên tắc và chấp nhận các phương án về cấu trúc hoàn chỉnh của BRICS cũng như SCO.
SCO (Tổ chức hợp tác Thượng Hải) chính là một trong những ưu tiên hàng đầu của đối ngoại đa phương Trung Quốc. SCO sẽ là diễn đàn rộng lớn và hiệu quả để Trung Quốc kết nối với những sáng kiến của Trung Quốc, ví dụ như khái niệm Cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại, Sáng kiến an ninh toàn cầu, Sáng kiến phát triển toàn cầu và Sáng kiến văn minh toàn cầu. Với Nga, vấn đề an ninh là vô cùng quan trọng.
Nếu như BRICS thiên về kinh tế thì SCO chính là mô hình phức hợp, là nền tảng để phát triển tiềm năng của khu vực này và tiến tới thiết lập “một liên minh an ninh quân sự Á – Âu” trên một vùng lãnh thổ hết sức rộng lớn mà ở đó mọi “quá trình” đều liên kết và phụ thuộc lẫn vào nhau.
Dựa trên những điều mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trình bày ở Hội nghị, dư luận nhận thấy rằng khối SCO sẽ không giới hạn trong khuôn khổ đã có, mà sẽ mở rộng ra khắp châu Âu, thậm chí cả các quốc gia đã gia nhập NATO cũng có thể gia nhập khối này. Điều đó có nghĩa là các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ hay một số nước đã không thống nhất với đường lối chống Nga của NATO như Hungary, Slovakia, Bulgaria… cũng có thể tham gia SCO. Nếu điều này xảy ra sẽ thu hẹp quy mô của NATO và sức mạnh của khối này sẽ suy giảm. Cụ thể là sau khi dự Hội nghị SCO trở về, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã công khai tuyên bố rằng nước này không chỉ là quan sát viên mà sẽ trở thành thành viên chính thức của SCO trong thời gian tới.
4. Một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy nhanh hơn quá trình hình thành “các trung tâm mới” của thế giới đa cực trong thời gian gần đây chính là nước Nga. Tổng thống Nga Putin tiến hành liên tục các hoạt động ngoại giao con thoi đến các nước Trung Á, Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam.
Ngoài những sáng kiến liên quan đến SCO như vừa nêu ở phần trên, thì từ đầu năm 2024, trên cương vị Chủ tịch luân phiên của BRICS, Tổng thống Nga Vladimir Putin thúc đẩy mạnh chiến lược, biện pháp cụ thể trong việc hiện thực hóa Kế hoạch Hành động Hợp tác Đổi mới BRICS 2021 – 2024, tích cực mở rộng, kết nối thành viên, triển khai Chiến lược Đối tác Kinh tế BRICS 2025.
Hơn 200 sự kiện ở các cấp độ và loại hình khác nhau đã và sẽ được tổ chức riêng trong năm 2024. Hơn 20 quốc gia đã bày tỏ quan tâm, xin gia nhập tổ chức này cho thấy số lượng ngày càng đông đảo các quốc gia ủng hộ và chia sẻ các nguyên tắc cơ bản của BRICS.
Để tăng cường sức mạnh của BRICS, nước Nga tập trung vào vấn đề cốt lõi trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay là cam kết đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, đặc biệt nâng cao vai trò của BRICS trong hệ thống tiền tệ quốc tế, mở rộng và tăng cường sử dụng tiền tệ quốc gia trong thương mại nội khối, đẩy nhanh việc phi đô la hóa hoàn toàn.
Trong khi đó G7 đang mất dần vị trí là nhóm có nền kinh tế lớn và mạnh nhất thế giới. Khi mới thành lập, 7 thành viên của G7 đã sở hữu hơn một nửa giá trị tài sản thế giới, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, đến cuối năm 2023, tổng GDP được tính theo phương pháp ngang giá sức mua của BRICS đã vượt trội hơn G7, chiếm hơn 32% GDP toàn cầu, trong khi của G7 là dưới 30%. Hơn nữa đồng USD đang dần mất vị thế “chúa tể” không chỉ với BRICS mà còn ở một số quốc gia khác.
Trước sự lớn mạnh của BRICS, G7 tìm mọi cách để lấy lại vai trò dẫn dắt, tăng cường ảnh hưởng, tuy nhiên G7 đang đối diện với rất nhiều thách thức to lớn.
Thách thức lớn nhất với họ đến từ chính những cuộc khủng hoảng chính trị kinh tế trong nội tại của G7. Các nước G7 đang bị “yếu đi” do những bất ổn về chính trị, do chi phí quá lớn cho cuộc xung đột kéo dài, hao người tốn của tại Ukraine và quan trọng hơn nữa, đó là sự mất lòng tin vào sức mạnh “vĩnh cửu “của mô hình kinh tế được cho là tự do và hiệu quả của phương Tây.
Bên cạnh đó, chính sự tập hợp và ngày càng lớn mạnh của các nước Nam bán cầu cùng với xu hướng phản đối chủ nghĩa toàn cầu do phương Tây đề xướng đã ngăn cản mục tiêu lôi kéo, tập hợp lực lượng của G7 trên toàn cầu, trong đó có “các đối tác” của G7 đã là thành viên BRICS hoặc có ý định sẽ gia nhập khối BRICS.
Từ thực tế trên, nhiều nhà quan sát cho rằng Tổng thống Putin đang có ý định loại bỏ hết các tổ chức đã hình thành sau khi Liên Xô sụp đổ để hợp nhất thành tổ chức duy nhất liên quan tới an ninh. Tổ chức này tồn tại song song với khối kinh tế BRICS, tạo ra một đối trọng toàn diện với NATO và G7. Mục tiêu chính của khối SCO chính là xóa bỏ dần sự hiện diện của phương Tây ở lục địa Á – Âu. Điều đó có nghĩa là NATO sẽ không còn căn cứ quân sự nào ở lục địa này. Đây là một cách tiếp cận rất mới, nếu mục tiêu này được thực thi thì chúng ta sẽ chứng kiến một thế giới với hai cực đang đổi chiều.
5. Trong khi đó Mỹ và phương Tây ra sức thúc đẩy việc tăng cường và mở rộng NATO không chỉ ở châu Âu mà còn ở cả Trung Đông, châu Phi và châu Á – Thái Bình Dương. Mục tiêu cao nhất là sẽ nâng tầm vóc của NATO từ một khối quân sự tại Bắc Đại Tây Dương thành một tổ chức quân sự mang tầm vóc toàn cầu.
Trong tháng 7 vừa qua, NATO tuyên bố sẽ mở văn phòng thường trực đầu tiên ở khu vực Trung Đông – Bắc Phi, đặt tại Jordan. Đây là một động thái cho thấy chiến lược rộng lớn của Mỹ tăng cường sự hiện diện của NATO tại phía nam Địa Trung Hải, Trung Đông. Bên cạnh việc tăng cường trao đổi an ninh thì việc chọn Jordan cho thấy NATO coi trọng việc tạo dựng và sửa chữa hình ảnh tại khu vực mà ở đó hình ảnh của NATO và Mỹ thường gắn liền với bất ổn và xung đột, hoàn toàn bất lợi cho Mỹ.
Đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đã từ lâu Mỹ nuôi tham vọng xây dựng một “tiểu NATO” ở châu Á với Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như Úc. Lần thứ 3 liên tiếp, NATO mời Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand tham dự hội nghị thượng đỉnh. Hàn Quốc là quốc gia châu Á đầu tiên ký kết thỏa thuận hợp tác quân sự với NATO.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO vừa được tổ chức tại Mỹ tháng 7, Mỹ và phương Tây cho thấy sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cuộc chiến ủy nhiệm tại Ukraine để tiếp tục đối đầu với Nga, làm cho Nga sụp đổ và suy kiệt.
Theo đó, Mỹ và NATO sẽ không chủ trương tiến tới một giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine mà ngược lại sẽ tăng cường vũ trang với ý đồ buộc Nga và đồng minh phải đi theo quỹ đạo của NATO, do NATO áp đặt. NATO cam kết viện trợ quân sự 43 tỉ USD, mức cao chưa từng có cho Ukraine. Mặt khác NATO khẳng định sẽ kết nạp Ukraine.
NATO đang tập trung điều chỉnh và định hình lại cấu trúc anh ninh chính trị đặc biệt ở châu Âu. Đức sẽ được coi là địa bàn lý tưởng để cung cấp vũ khí của NATO cho Ukraine. Lần đầu tiên, kể từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ và Đức đạt được thỏa thuận đặt tên lửa tầm xa của Mỹ trên lãnh thổ của Đức. Mặt khác, NATO cũng điều chỉnh, xem xét việc phải nâng cao tiềm lực quân sự, tăng ngân sách quốc phòng của NATO và từng thành viên để đối phó với Nga, cố gắng làm yên lòng các nước thành viên trong việc tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe để bảo vệ tất cả đồng minh từ trên bộ, trên biển và trên không.
Những chuyển động chính trị trong thời gian qua là những chỉ dấu cho thấy rõ “Thế giới đang thay đổi và Trật tự đa cực xuất hiện”.
Nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển ngày càng nhận thức rõ rằng thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo đang suy yếu, không đại diện cho toàn thể nhân loại, không đem lại hòa bình và phát triển, không tạo ra sự công bằng và ổn định cho thế giới.
Chính vì thế, những cố gắng để mở rộng và tái cơ cấu kiến trúc kinh tế, chính trị và an ninh toàn cầu dựa trên khuôn khổ hợp tác đa phương và quy định của luật pháp quốc tế do SCO và BRICS khởi xướng trong bối cảnh thế giới chia rẽ và cạnh tranh địa chính trị gia tăng đã thu hút sự tham gia đông đảo của nhiều quốc gia.
Sức hút và sự hấp dẫn của những tổ chức đa phương này chính là ở chỗ đã đáp ứng được quyền lợi của các quốc gia ngoài phương Tây và ngày càng có tiếng nói và vai trò trong quan hệ quốc tế cũng như có vai trò tái định hình một trật tự quốc tế mới.
Các nhà quan sát tình hình quốc tế cho rằng SCO hay BRICS đang là đối trọng của phương Tây, giữ vai trò dẫn dắt, là những nhân tố giúp định hình trật tự thế giới đa cực, thúc đẩy phát triển kinh tế, cân bằng các mối quan hệ quốc tế và tạo ra một môi trường an ninh, ổn định mới.
Cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc đã và đang diễn biến hết sức phức tạp và mạnh mẽ. Điều quan trọng nhất đối với các quốc gia vừa và nhỏ, tầm trung là cần phải tỉnh táo trong việc lựa chọn chính sách, lấy lợi ích quốc gia làm điều kiện tiên quyết và tránh để bị lôi kéo vào vòng xoáy của các cuộc cạnh tranh này.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn là siêu cường số 1 thế giới cùng với sức mạnh của Liên minh châu Âu, vẫn là một trở ngại lớn cho các nước mới nổi Nam bán cầu do Nga và Trung Quốc dẫn dắt. Thời gian sẽ trả lời ai thắng trong cuộc cạnh tranh này.■
Nguyên Mi