Chân dung Đông Dương qua 21 bức tranh vẽ của Jean Despujols

Ngô Bắc dịch

Nguồn: W. Robert Moore và Maynard Owen Williams, Portrait of Indochina, with 30 Illustrations, 21 Paintings of Jean Despujols, The National Geographic Magazine, April 1951, Washington D. C., các trang 461-490.

Đã giành được Giải Hội Họa Đông Dương, lập ra bởi Hội Đồng Kinh Tế của Chính Quyền Đông Dương, nhà họa sĩ người Pháp nhiều tài năng này, nay là một công dân Hoa Kỳ, đã sống hai năm tại xứ sở đó ngay trước khi Thế Chiến II nổ ra. Trong hai năm đó, ông đã sáng tác hơn 300 bản phác họa và tranh vẽ.

Tranh sơn dầu, màu nước, và bản vẽ của ông thu giữ được bầu không khí của rừng rú ẩm thấp vùng Đông Dương, vẽ lại các con đường uốn khúc của nó len lỏi giữa các cánh đồng lúa bóng loáng gương nước và vách đá lởm chởm, và phác họa chân dung người dân của nhiều bộ tộc quần tụ tại phần đất này của Đông Nam Á, một khu vực lớn hơn tiểu bang Texas một chút.

Để tìm kiếm nhiều đề tài của mình, ông đã thâm nhập vào các phần khó tiếp cận nhất của xứ sở. Ông đã du hành từ các cánh đồng của Căm Bốt, xuyên qua các vùng đồi nhấp nhô của Lào, và đến các đỉnh núi Bắc Kỳ nơi mọc lên các ngôi làng biệt lập của người dân núi đồi mặc quần áo có màu sắc vui tươi – người Mông, người Mán, người Lô Lô và người Thái.

Ông đã kết bạn với các tù trưởng bộ tộc và dân làng trong số các bộ lạc người Mọi thuộc các khu vực chưa được bình định tại phía nam rặng núi Trường Sơn (Annamese Cordillera), trải qua một trận bão ven biển, bị quăng vào các luồng nước chảy xiết nguy hiểm của con sông Cửu Long và sông Nam Te [Nậm Tè ?] (Noire: sông Đen?, tức sông Đà?), và mệt nhoài trong sự ẩm thấp nhiệt đới khiến cho việc làm khô ráo các bức tranh của ông gần như bất khả.

Trong các cảnh quan của Despujols, không có kẻ thù nào đáng sợ hơn là con hổ. Những người mẫu của ông phản ảnh sự êm ả Đông Phương, hơn là sự lo sợ. Các bức vẽ của ông mang lại một cái nhìn thời bình của Đông Dương, giờ đây đã trở nên u ám bởi bóng tối của chiến tranh.

Tranh 1: Angkor Đổ Nát Tái Tạo Các Điệu Múa Của Các Vũ Công Apsarases, Các Thiếu Nữ Hợp Xướng Của Các Vị Thần Ấn Độ Giáo

Bắt đầu với bức tranh này, Tạp Chí National Geographic Magazine giới thiệu một loạt 16 trang gồm các tranh vẽ bởi ông Jean Despujols, một họa sĩ Hoa Kỳ gốc Pháp. Trước khi chiến tranh tàn phá Đông Dương, ông đã dành hai năm để họa chân dung các dân tộc ở đây, từ người Căm Bốt, Việt Nam và Lào cho đến các bộ lạc miền núi chưa bình định xong.

Thiếu nữ Căm Bốt này, tay cầm hoa sen linh thiêng và búp hạt sen của nó (tay trái), đứng tại Angkor, thành phố-đền đài Ấn Độ mà tổ tiên của cô, các người Khmer đầy tài năng, đã xây dựng từ bảy đến mười thế kỷ trước đây. Trên các bức tường của nó, họ đã chạm khắc chìm chân dung của hàng trăm vữ công tế lễ.

Nếu diễn viên nhảy múa tại triều đình Căm Bốt ngày nay, cô ta sẽ thay các tấm khăn khoác ngoài sơ sài bằng hàng thêu nặng nề, nhưng, giống như các tiền nhân thời xây dựng Angkor, cô sẽ đóng các vai cổ điển xa xưa của Ấn Độ, Mahabharata và Ramayana.

Tranh 2: Người Khmers Bỏ Phế Các Hành Lang Điêu Khắc và Các Ngọn Tháp Vươn Cao ở Khu Đền Angkor Wat; nguời Pháp Cứu Vãn Chúng Từ Khu Rừng
Tranh 3: Các Vũ Công Sống Động, Tô Phấn Trắng Ma Quái, Trình Diễn Tại Khu Đền Angkor Đã Chết Dưới Ánh Đuốc.
Tranh 4: Các Vị Thần Đã Biến Mất; Con Hổ Chiếm Giữ Sân Ngôi Đền Của Họ. Con Hổ Không Đứng Làm Mẫu Để Vẽ, Nhưng Tiếng Rống Của Nó Khiến Họa Sĩ Phải Ôm Đồ Nghề Bỏ Chạy

Tranh 5 & Tranh 6: Những người con gái của tộc Khmer và Mông Cổ Phản Ảnh Sự Hợp Chủng của Đông Dương.

Tranh 5, Bên Trái: Thiếu nữ Căm Bốt, một vũ công tại Angkor Wat trong mùa đông, thuộc đoàn vũ hoàng gia ở Nam Vang, được hướng dẫn bởi mẹ nuôi của cô, một vị công chúa. Cô xuất hiện trong trang phục ngày Chủ Nhật. Khu Đền Angkor Wat hiện thân như một trong các thành tích kiến trúc vĩ đại nhất của thế giới. Tranh 6, Bên Phải: Cô gái Mèo ăn mặc ấm áp để chịu đựng khí hậu buốt giá của làng miền núi cạnh biên giới Trung Hoa của cô. Tóc cô được quấn vào trong một cái khăn vấn bịt đầu làm bằng lông đuôi ngựa bện lại.
Tranh 7: Các Lá Phướn Giống Như Con Diều Của Giàn Thiêu Xác Tạo Ra Điệu Nhạc Trong Gió Nhẹ Như Các Chiếc Thụ Cầm (Đàn Hạc) Của Vị Thần Gió.

Ngôi đền tháp nhọn này, được thấy tại Siemreap, cất giữ thân xác và giàn thiêu của một nhà sư Phật Giáo. Mặc dù được dựng bằng tre và giấy có thể đốt cháy, nó sẽ không bị châm lửa mà lại được tháo gỡ đi.

Các nhà sư Phật Giáo trong áo choàng khoác ngoài màu vàng của sự khiêm tốn, hướng mặt về phía đền. Người Việt Nam ngồi xổm đang ăn cơm mua từ một người bán hàng rong. Những người Căm Bốt tháp tùng một vị cao tăng được khiêng trên một chiếc kiệu

Phật tử Căm Bốt theo phái Hinayana, hay Tiểu Thừa. Phần lớn những người đàn ông đều phục vụ tại các tu viện một phần đời của họ.

Tranh 8: Những Cây Dừa Đong Đưa Trong Làn Gió Mùa Thổi Vào Từ Vịnh Xiêm La

Em gái nhỏ này, bế đưa em trai nhỏ bên hông, đi theo họa sĩ khắp nơi ông đi đến khi ông vẽ tại làng cô bé. Bố mẹ người Việt Nam của cô bé, có con thuyền độc mộc nằm bên cạnh ngôi nhà mái tranh của họ, là dân đánh cá, giống như các dân làng khác.

Cuối mỗi chiều, khi những người đàn ông từ biển quay về, họa sĩ nhìn thấy họ phân chia phần bắt được giữa những người phụ nữ tùy theo số con của họ.

Ngoài cá, dân chúng ăn dừa và gạo. Các cây dừa che khuất tầm nhìn thấy các cánh đồng lúa của họ.

Tranh 9: Đàn Ông Radé, Miệng La “Giết Loài Giết Người”, Tấn Công Một Con Hổ Với Giáo và Cung Tên. Con Hổ Bạn Của Nó Nằm Chết Phía Góc.

Tranh 10 & Tranh 11: Con Gái và Con Trai, Các Thành Viên Của Bộ Lạc Davak Sơ Khai, Cắt Tóc Ngang Trán và Dũa Răng Cho Nhọn

Người Davak sống ở miền núi, có nguồn gốc Indonesian, thuộc vào một nhóm dân xa xôi được gọi chung là “Mọi”. Là những kẻ săn bắn gan dạ, người Mọi không nghĩ ngợi gì về việc đối diện với hổ, voi, và thú hoang. Một số theo mẫu hệ, chuyển giao danh tính và tài sản qua người mẹ.

Người thanh nam tô điểm kiểu tóc của mình với một chiếc gương “chiếu hậu”

 

 

Tranh 12: “Dãy Núi Với 99 Ngọn” Lởm Chởm, “Xương Sống Của Con Rồng An Nam”, Đột Nhiên Trổi Lên Từ Các Đồng Lúa Phẳng Như Mặt Bàn.

Những con trâu, quá chậm chạp đến nỗi chúng có vẻ chỉ hơi nhúc nhích, đang cày đất ngập nước. Mấy người đàn ông và đàn bà đang cấy mạ. Bên trái, một chiếc thuyền đang chạy trên Sông Đáy, một chi lưu của sông Hồng.

Quân du kích Việt Minh cộng sản ẩn trốn tại vùng núi đồi Bắc Kỳ nhiều lần đột kích các lực lượng Pháp kiểm soát các đồng bằng.

Tranh 13 và Tranh 14: Vẻ Thanh Nhã Của Con Gái Trung Kỳ Và Dáng Khỏe Mạnh Của Con Gái Bắc Kỳ Phản Ảnh Sự Tương Phản Giữa Các Chủng Tộc Chị Em Của Việt Nam

Yêu [Yến?] đang trồng lúa gần Huế, nơi đặt triều đình An Nam cũ, khi họa sĩ tìm thấy cô ta. Ông nhận xét: “Về nét thanh tao hiển nhiên của cô, các hoàng đế-thi sĩ trước đây là các kẻ chịu trách nhiệm, họ đã tuyển chọn các phụ nữ xinh đẹp nhất để phục vụ trong triều”.
Xuân “trở nên chua chát và cứng cỏi” bởi sự túng thiếu. Trồng lúa, đắp đê, và đẻ con là số phận của cô. Hơi thở nhẫn nhục có vẻ như toát ra qua đôi môi của cô.” Trong nhiều thế kỷ, ngôi làng duyên hải của cô đã là miếng mồi của hải tặc Trung Hoa.

 

Tranh 15: Người Lào Ngược Dòng Nước Xiết Của Sông Cửu Long Trong Một Chiếc Thuyền Độc Mộc Khoét Ruột Có Gắn Động Cơ. Những Người Đứng Canh Trông Chừng Các Hòn Đá Lộ Ra Bởi Luồng Nước Cạn.

Tranh 16 và Tranh 17: Các Trinh Nữ Lào và Wouni Nhắc Nhở Họa Sĩ Về Nữ Hổ Tướng và Đức Mẹ Đồng Trinh.

Nàng Bouddhi dịu dàng (trong khăn quàng màu vàng), trái với sự biểu lộ quả quyết, đôi khi dữ dội của cô. Sinh ra là người bình dân, cô là một nhà quý tộc hoang sơ.
Cô gái Wouni, ngọt ngào và tử tế, đã sốt sắng đi bộ hai ngày từ ngôi làng miền núi của cô để giữ đúng hẹn với Họa Sĩ Despujols.
Tranh 18: Sương Tan Buổi Sáng Từ các Đỉnh Núi Của Lào Phát Lộ Một Dòng Sông An Lành. Nhan đề của Họa Sĩ: Thức Dậy Tại Nam Khan: Awakening on the Nam Khan”.
Tranh 19 và Tranh 20: Toàn Thể Thị Tộc Được Gọi là Thái Trắng hay Thái Đen, Theo Màu Áo Của Phụ Nữ

Những người Thái này giữ lại nhiều phong tục cổ. Phụ nữ bám chặt lấy các kiểu cách của tổ tiên, cho dù đàn ông thường chấp nhận y phục An Nam.

Cả hai người làm mẫu đều tô điểm các áo chẽn bằng các chiếc cúc bằng bạc. Thiếu nữ Thái Trắng, con gái một tù trưởng, mặc một chiếc váy bằng lụa có dấu hiệu riêng. Cô gái Thái Đen, thực ra trắng như ngà, đeo ở dây thắt lưng bộ chìa khóa của nhiều két để tiền, cho thấy sự giàu có.

Tranh 21: Đường Lộ của Bắc Kỳ Dẫn Đến Trung Hoa Đỏ Không Có Các Dấu Hiệu Của Các Cuộc Giao Tranh Chua Chát Của Chiến Tranh Du Kích

 

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN