Ngày 6 tháng Chín vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng 51 vị đứng đầu nhà nước và chính phủ châu Phi đã kết thúc Diễn đàn hợp tác Trung Quốc – châu Phi lần thứ 9 tại Bắc Kinh. Hội nghị cho thấy những thay đổi trong quan hệ đối tác của Trung Quốc với châu Phi.
Diễn đàn đã cho thấy quan hệ với Trung Quốc, nói cụ thể là các khoản vay và quan hệ thương mại và đầu tư, vẫn có sức thu hút đáng kể với các nước châu Phi. Con số 51 vị đứng đầu nhà nước và chính phủ có mặt cao hơn so với số vị lãnh đạo châu Phi đăng ký đến dự Đại Hội đồng Liên hợp quốc năm nay.
Tuy nhiên đã có những thay đổi. Thứ nhất là về các khoản vay. Tại Diễn đàn, Trung Quốc đã cam kết 50,7 tỷ đô la tín dụng và viện trợ trong vòng ba năm tới, chủ yếu cho các hoạt động thương mại và đầu tư. Ba mươi dự án cơ sở hạ tầng mới sẽ được thực hiện trong lĩnh vực giao thông vận tải và năng lượng. Những dự án này cùng tín dụng thương mại sẽ liên kết chặt chẽ các nền kinh tế châu Phi với thị trường và chuỗi cung ứng của Trung Quốc và củng cố ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Phi.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn mở rộng chương trình cấp học bổng cho sinh viên, đào tạo các ngành như hành chính công cho quan chức châu Phi. Đây là lĩnh vực Trung Quốc đang phải cạnh tranh với Mỹ và các nước phương Tây. Những thay đổi này có hai mục đích: tăng cường quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi cũng như khuếch trương hình mẫu chế độ xã hội chủ nghĩa, ngược lại với chế độ dân chủ phương Tây. Trung Quốc mong muốn trở thành đối tác đáng tin cậy của các nước châu Phi đang tìm đường phát triển, không đặt điều kiện cho viện trợ của mình như các nước phương Tây.
Không chỉ có thế, Trung Quốc cũng đang tìm cách xây dựng quan hệ đồng minh chống lại Mỹ và phương Tây. Đó là ưu tiên địa chiến lược của Trung Quốc ở châu Phi. Điều này còn thể hiện trong việc lãnh đạo Trung Quốc gặp gỡ một số lãnh đạo quân sự châu Phi mới lên cầm quyền, ngược lại với tiêu chuẩn của Liên minh châu Phi hay Tổ chức Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi.
Tuy nhiên, trong 21 năm qua kể từ khi Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – châu Phi đầu tiên được tổ chức, đã có nhiều nước xuất hiện cạnh tranh với Trung Quốc ở châu Phi như Mỹ, Nga, Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất. Nhiều nước cũng đã tổ chức hội nghị cấp cao với châu Phi. Gần đây nhất, từ 1-3/9 vừa qua, Indonesia đã tổ chức hội nghị cấp cao với châu Phi lần thứ hai tại Bali.
Chúng ta có thể xem xét những nước cạnh tranh chính với Trung Quốc ở châu Phi:
Mỹ: Ngày 15/9, sau 11 năm hợp tác quốc phòng và chi phí hàng triệu đô la để duy trì căn cứ quân sự của mình tại Niger, Mỹ chính thức rút quân khỏi nước này. Giới quân sự cho rằng rút quân khỏi Niger là “đòn chí tử” giáng vào tham vọng của Washington ở Tây Phi. Mỹ mất đi căn cứ để theo dõi hoạt động của các nhóm liên quan đến al-Qaeda và nhà nước Hồi giáo tự xưng ở vùng biên giới ba nước Niger, Mali và Burkina Faso. Đòn này còn nặng hơn trong khi quan hệ của Mỹ với Mali, Burkina Faso đang ngày càng tồi tệ hơn.
Việc rút quân này buộc Mỹ phải tìm đối tác mới ở khu vực, tuy Mỹ không còn nhiều lựa chọn do Nga cũng đã có mặt ở nhiều nước trong khu vực. Đây là lý do nhiều sỹ quan Mỹ đã tiến hành nhiều chuyến đi đến Tây Phi tháng 4/2024. Benin và Cote d’Ivoire (Bờ Biển Ngà) là hai nước đáng chú ý nhất. Báo chí Mỹ mô tả chuyến đi hai nước này là “đối thoại xây dựng”. Trước đó tháng 1/2024, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cũng đã thăm Cape Verde, Bờ Biển Ngà, Nigeria và Angola. Bắt đầu chuyến thăm ông đã nói: “Tương lai của chúng ta gắn liền nhau, thịnh vượng của chúng ta gắn liền nhau và tiếng nói của châu Phi đang ngày càng định hình, khuyến khích và dẫn dắt đối thoại toàn cầu” và “Mỹ cam kết làm sâu sắc, tăng cường và mở rộng quan hệ đối tác với các nước châu Phi”. Tuy nhiên, các chuyến thăm đó đã không làm thay đổi việc Mỹ buộc phải tìm đối tác mới ở châu Phi.
Quân đội Mỹ có mặt ở 26 nước châu Phi. Năm nghìn quân Mỹ ở Djibouti để theo dõi vùng Biển Đỏ và lực lượng Houthi ở Yemen và nhóm Al Shabab ở Somalia. Ở Kenya, lính Mỹ đang huấn luyện quân của nước này đánh al-Sahbab.
Có thể nhận xét rằng quan hệ của Mỹ với các nước châu Phi có mục tiêu chính trị và quân sự là chính. Các nước châu Phi có quan hệ với Mỹ vẫn trong tình trạng nghèo đói và nội chiến.
Ở nhiều nước châu Phi, đã có một làn sóng chống Mỹ rất lớn. Khi giới quân sự tiến hành đảo chỉnh thắng lợi ở Mali, Burkina Faso từ đầu năm 2020, chỗ trống này đã được cả Trung Quốc và Nga tận dụng để giành sự ủng hộ của các nước châu Phi.
Nga: Trong những năm gần đây, ảnh hưởng cùa Nga ngày càng gia tăng ở châu Phi, đặt lục địa này vào tâm điểm của cuộc cạnh tranh địa chính trị ngày càng tăng giữa Điện Kremlin và Nhà Trắng. Mỹ cho rằng những nỗ lực của Nga xây dựng một thế giới đa cực và sử dụng Binh đoàn châu Phi (có tiền thân là Wagner) làm suy yếu nền dân chủ và thúc đẩy xung đột ở châu Phi. Tuy nhiên, quan hệ kinh tế và quân sự của Nga với các nước châu Phi không lớn như quan hệ của Trung Quốc hay Mỹ và phương Tây với châu Phi, cho dù một số nươc như Nam Phi đã có quan hệ gần gũi hơn với Nga. Tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc, hơn một nửa số nước châu Phi không bỏ phiếu chống Nga khi thông qua nghị quyết lến án Nga trong cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Nga cũng đã có chỗ đứng vững chắc ở Cộng hoà Trung Phi, Mali, Sudan, Libya, Mozambique và Madagascar.
Theo các nhà phân tích thì đây là những thay đổi đáng chú ý. Thay đổi thái độ của các nước châu Phi với Nga có thể là do thất vọng trước thái độ của Mỹ và sự bất bình do thiếu đại diện trong các tổ chức quốc tế. Một lý do khác nữa là nhiều nước châu Phi tìm cách tránh chọn bên, trái với những gì đã xẩy ra trong Chiến tranh Lạnh.
Trong quan hệ với châu Phi, Nga luôn tìm kiếm lợi ích quân sự, ngoại giao và kinh tế. Nga tập trung buôn bán vũ khí và tìm cách mở rộng hoạt động quân sự của mình ở khu vực, đặc biệt là ký kết thoả thuận xây dựng căn cứ quân sự. Tuy nhiên, Nga mới chỉ có một thoả thuận thiết lập cảng quân sự ở Sudan.
Về ngoại giao, mục tiêu lớn nhất của Nga là giành được sự ủng hộ đối với lập trường của Nga về một thế giới đa cực dựa trên ảnh hưởng ngày càng suy yếu của Mỹ và phương Tây. Tại Liên hợp quốc, Nga vận động các nước châu Phi bỏ phiếu ủng hộ trong các vấn đề liên quan đến xung đột với Ukraine. Trên thực tế, Nga đãn rất thành công trong việc này. Nhiều chuyên gia cho rằng Nga hướng tới châu Phi để chứng tỏ rằng mình không bị cô lập trước những đòn trừng phạt của Mỹ và phương Tây.
Về kinh tế, Nga chưa có chỗ đứng vững chãi ở châu Phi, chiếm chưa được 1% đầu tư trực tiếp của nước ngoài và thương mại chỉ trị giá 18 tỷ đô la (con số này của Hoa Kỳ là 64 tỷ đô la và Trung Quốc là 282 tỷ đô la). Nhưng, Nga đặt ưu tiên hàng đầu là tiếp cận tài nguyên có giá trị của lục địa châu Phi.
Để đạt được những mục tiêu trên, Nga cố gắng sử dụng các nhóm quân sự tư nhân như Binh đoàn châu Phi. Binh đoàn châu Phi chủ yếu cung cấp hỗ trợ an ninh cho chính quyền địa phương, cung cấp quân đội, vũ khí, đào tạo và tư vấn chính trị. Đổi lại, Binh đoàn châu Phi thu được lợi nhuận từ việc tiếp cận các ngành công nghiệp và tài nguyên thiên nhiên địa phương. Các hoạt động đầu tiên ở châu Phi của Binh đoàn bắt đầu ở Sudan vào năm 2017 và nhóm này nhanh chóng mở rộng sang Cộng hòa Trung Phi (CAR) và Madagascar vào năm 2018, Libya và Mozambique vào năm 2019 và Mali vào năm 2020. Ví dụ: trong cuộc nội chiến ở Libya, Wagner đã dùng sức nặng của mình để hỗ trợ lực lượng của lãnh chúa Tướng Khalifa Haftar, chuyển động lực theo hướng có lợi cho mình và đảm bảo Nga tiếp cận các mỏ dầu của Libya. Cũng như Trung Quốc, Nga đã khởi động Hội nghị Thượng đỉnh Nga – châu Phi vào năm 2019. Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai ở Saint Petersbourg năm 2023, Nga đã có nhiều cam kết kinh tế và quân sự với các nước châu Phi.
Có lẽ chúng ta nên đi vào lý giải quan hệ chính trị gần gũi giữa Nga với các nước châu Phi. Tâm lý chống Mỹ, chống châu Âu bắt nguồn từ gánh nặng tâm lý do lịch sử thuộc địa để lại đã khiến họ không ủng hộ Mỹ và châu Âu, không lên án Nga xâm lược Ukraine và không trừng phạt Nga về kinh tế. Mong muốn của Nga phá bỏ trật tự thế giới tồn tại từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai phù hợp với mong muốn của châu Phi là cải cách thể chế đa phương, tồn tại từ trước khi các nước châu Phi giành độc lập. Riêng với Nam Phi, Nga có quan hệ lịch sử với ANC cầm quyền, cả hai nước đều thuộc BRICS.
Tại sao châu Phi lại có sức hút như vậy?
Với nhiều lợi thế và tiềm năng của mình, châu Phi có sức hút lớn với bất cứ đối tác nào.
Châu Phi có diện tích chiếm 1/5 toàn cầu, dân số 1,5 tỷ người và vẫn đang tăng nhanh (trung bình 100 triệu dân trong ba năm), đây là “vùng đất hứa” và là một thị trường khổng lồ đầy tiềm năng.
Châu Phi sở hữu nguồn lao động dồi dào. Theo dự báo của Liên hợp quốc, vào năm 2040, dân số châu Phi sẽ chiếm một phần tư nhân loại và ít nhất một phần ba tổng số thanh niên từ 15 đến 24 tuổi. Độ tuổi trung bình ở châu Phi là 19 (trẻ hơn độ tuổi trung bình của Ấn Độ hiện là 28). Thanh niên châu Phi có trình độ giáo dục tốt hơn và kết nối nhiều hơn bao giờ hết: 44% tốt nghiệp trung học vào năm 2020, tăng từ 27% so với năm 2000, và khoảng 570 triệu người sử dụng internet.
Châu lục này còn sở hữu lượng lớn nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng của thế giới. Về khoáng sản, châu Phi chiếm hơn 30% trữ lượng thế giới, trong đó có những khoáng sản quan trọng đối với phát triển công nghiệp và công nghệ cao như vàng, kim cương và uranium. Về tài nguyên năng lượng, lục địa này giàu cả năng lượng không tái tạo như dầu mỏ, khí đốt, than và năng lượng tái tạo như sinh khối, năng lượng mặt trời, gió.
Kinh tế châu Phi đang đứng trước cơ hội bùng nổ lớn, khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 54 quốc gia tại đây tăng gấp rưỡi trong một thập kỷ qua.
Các nhà kinh tế dự báo trong 10 năm tới, châu Phi sẽ phát triển nhanh hơn các khu vực khác trên thế giới và có khả năng sẽ đảm nhận trách nhiệm động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong nửa sau thế kỷ XXI.
Chính vì những lý do này, châu Phi đã trở thành tâm điểm của cạnh tranh địa chiến lược của các nước lớn. Các cường quốc đều đang cố gắng thiết lập vai trò và mở rộng ảnh hưởng ở châu lục này. Nếu như Nga chú trọng an ninh và kinh tế, thì Trung Quốc lại mở rộng ảnh hưởng với các chính sách mềm mỏng thông qua đầu tư kinh tế còn Mỹ gần đây chuyển bước quan trọng trong chính sách với châu Phi từ sự thờ ơ, khác biệt và vắng mặt sang tìm cách quay trở lại và khôi phục quan hệ với các nước châu Phi, đặc biệt là ở những Mỹ đã mất ảnh hưởng trong thời gian gần đây.■
Trần Bách