Chiến sĩ với Thủ đô

Ngày 10/10/1954, sau gần một thập kỷ kháng chiến trường kỳ, các chiến sĩ giải phóng quân đã tiến về giải phóng Thủ đô thân yêu. Họ có thể là những người con của Hà Nội đã phải rời xa Thủ đô bao năm, cũng có thể là những người lính từ mọi miền Tổ quốc chưa từng đặt chân đến Hà Nội, nhưng luôn có hình ảnh Thủ đô trong tim như một nguồn cảm hứng khích lệ tinh thần chiến đấu… Bài viết trên báo Quân đội Nhân dân số 145, ngày 14/10/1954 khắc họa những tâm tư, suy nghĩ khác nhau của các chiến sĩ khi từ chiến khu trở về, nhưng trên hết vẫn là niềm vui, niềm tự hào và quyết tâm, hòa chung với niềm hân hoan của người dân Hà Nội.

Tám năm trời xa Thủ đô thân yêu, những người chiến sĩ Quân đội nhân dân lăn lộn trên các chiến trường, chiến đấu với giặc. Trong những giờ phút gay go, gian khổ hình ảnh Thủ đô luôn luôn khích lệ mãnh liệt. Dù chiến đấu ở các mặt trận Đông – Tây – Nam – Bắc, các chiến sĩ Quân đội nhân dân vẫn coi như chiến đấu cho Thủ đô giải phóng. Ai ai cũng vững một lòng tin.

Thủ đô đã giải phóng. Các chiến sĩ Quân đội nhân dân được lệnh tiến về. Bao nhiêu mong mỏi, bấy nhiêu vui mừng. Năm cửa ô đón mừng đoàn chiến sĩ, cờ tung ra phơi phới ở các cửa, các nóc nhà, tiếng hò reo, tiếng hoan hô vang dậy. Các em ra níu lấy súng, lấy áo anh bộ đội, các chị ra thân ái tặng hoa, tất cả những hình ảnh trong ngày Đại hội tưng bừng mừng đón chào chiến sĩ trở về giải phóng Thủ đô, ghi lại trong lòng người chiến sĩ những cảm xúc dào dạt nhất đối với Thủ đô thân yêu. Đồng chí Hạnh, người chiến sĩ đã tác chiến nhiều ở Hà Nội, đã từng dồn nhau với xe tăng địch ở Bắc bộ phủ, hôm nay đồng chí được thay mặt anh em ra nhận những bó hoa của nhân dân tặng, đồng chí Hạnh cảm động quá không nói được gì, mãi lúc về trên gác nhà ga, đứng nhìn cảnh cờ son rợp phố, nhìn những dãy nhà cao đẹp, những hàng cây rợp mát, đồng chí bảo tôi: “Thoảng nào mà chúng cứ muốn cố bám lấy Thủ đô này. Thực là đẹp, bây giờ mình mới lại thấy cái đẹp của Thủ đô dưới rừng cờ sao này. Từ nhà cửa, cây cảnh, đường xá cho đến lòng người dân Thủ đô, dù bao nhiêu năm sống trong tay giặc, nhưng lòng dân vẫn là của chúng ta, của Tổ quốc Việt Nam. Nhân dân Thủ đô đón chào chúng ta như đón những người nhà, anh em ruột thịt của mình bao nhiêu năm xa cách. Yêu Thủ đô bao nhiêu, càng phải bảo vệ Thủ đô chắc chắn, và còn phải xây đắp tươi đẹp hơn lên”.

Sáng nay mặt nước Hồ Gươm xanh biếc được vinh dự soi bóng đoàn quân anh dũng trở về, dẫn đầu là Anh hùng Nguyễn Quốc Trị[1]. Đồng chí hành quân đi một lượt, đồng chí còn muốn đi mãi, đi luôn vài lượt nữa. Đồng chí muốn ra xem tận nơi ngọn Tháp Rùa, một di tích lịch sử mà Trung đoàn đồng chí từ khi chiến đấu ở Liên khu 1 ra đã lấy hình Tháp Rùa làm biểu tượng chiến đấu, bóng Tháp Rùa ấy đã khích lệ nhiều tinh thần chiến đấu của chiến sĩ. Khi trở về doanh trại đồng chí Quốc Trị nói với anh em chiến sĩ: “Trước đây tôi nghe tin đồn Thủ đô có nhiều cảnh đẹp, tôi muốn có dịp nào tới thăm nhưng thời Pháp thuộc, chúng ngăn chia Trung – Nam – Bắc, muốn đi nào hình nào tít, nào tiền, tôi không đi được. Chiến đấu 9 năm nay tôi mong mỏi và cố gắng tiêu diệt địch để chóng đến ngày trở về Thủ đô tưng bừng giải phóng. Hôm nay đã thành sự thực. Thủ đô tươi đẹp, vĩ đại và toàn vẹn. Tôi thấy chúng mình, những người chiến sĩ Quân đội nhân dân cần phải bảo vệ Thủ đô và tham gia kiến thiết Thủ đô”.

Đồng chí Nguyễn Quốc Trị (ảnh nhỏ) dẫn đầu Trung đoàn Thủ đô vào tiếp quản Hà Nội ngày 10/10/1954. Ảnh chụp từ phim màu của Roman Karmen.

Những đoàn xe ô tô nước sơn xanh biếc như mặt nước Hồ Gươm chạy rầm rầm suốt ngày từ năm cửa ô vào trong trung tâm thành phố. Đồng chí Tuất lái xe mấy ngày nay mê say trong công việc, chưa hôm nào đồng chí được nhìn được ngắm Thủ đô cho chán mắt. Đồng chí kéo anh bạn lái phụ ngồi sát lại gần để cùng thủ thỉ, cùng chung hưởng cái không khí ngày Thủ đô giải phóng. Đồng chí bảo: “Lái xe trên đường lên mặt trận Điện Biên Phủ đã vui và đã mệt, nhưng về đây tôi lại thấy vui hơn, mệt hơn, nhưng tôi vẫn muốn làm việc, làm việc thực nhiều để phục vụ cho Thủ đô hòa bình mãi mãi, để đền đáp lại tấm lòng thắm thiết của nhân dân Thủ đô đối với chúng ta”.

Đoàn xe cứ từ từ chạy giữa rừng người, rừng cờ, rừng biển giữa muôn ngàn tiếng hoan hô của đồng bào Hà Nội. Đồng chí Hoạt, chiến sĩ thi đua cao xạ pháo, ngồi trên bệ súng, lòng đồng chí rộn ràng thông cảm với lòng người dân Thủ đô, biết bao nhiêu năm đấu tranh không ngừng để có ngày nay. Ngồi trên bệ súng cao xạ pháo, đồng chí vụt nhớ tới mấy tháng trước đây, đồng chí và các bạn đồng chí cũng nghĩ tới, bàn tán tới Thủ đô giữa giai đoạn quyết liệt của mặt trận Điện Biên Phủ, nghĩ tới ngày giải phóng Thủ đô, giải phóng quê hương thân yêu, mặc bom đạn, các đồng chí cao xạ pháo ngồi vững vàng trên bệ súng ngước mắt thẳng lên trời, quyết giữ bầu trời Điện Biên trong suốt. Hôm nay đồng chí Hoạt lại ngồi trên bệ súng, ngước nhìn lên trời Thủ đô không một tí gợn, chỉ thấy lấp lánh cờ sao rực rỡ, đồng chí tự nhủ thầm: “Dù gian lao, dù gay go trong đấu tranh cho hòa bình đến đâu đi nữa, đồng chí và các bạn cao xạ pháo quyết giữ bầu trời Thủ đô trong sáng, quyết giữ cờ sao tráng lệ của ngày hôm nay mãi mãi trên Thủ đô tươi đẹp”.

Đồng chí Thi, khẩu đội đại bác 105 ly, nhìn những lâu đài, những dinh thự đẹp đẽ của Thủ đô, đồng chí càng thấy biết ơn Bác, tin tưởng ở đường lối đấu tranh hòa bình. Trước đây hiệp định đình chiến chưa ký kết, đồng chí Thi cũng như tất cả các chiến sĩ pháo binh đều nuôi một nguyện vọng là quyết tâm học tập và chiến đấu để rồi chuẩn bị cho một trận mưa thép xuống đầu quân đội Liên hiệp Pháp ở Thủ đô Hà Nội. Nếu không có đường lối đấu tranh hòa bình, bọn chúng càng cố tình xâm lược Thủ đô yêu quý, thì Thủ đô sẽ thành tro bụi dưới nòng dãy trọng pháo này. Bây giờ đây đoàn pháo binh trông Thủ đô toàn vẹn. Đồng chí Thi bảo rằng: Những nòng súng này chĩa cả ra Thái Bình Dương, hướng cả vào Nam để bảo vệ nền hòa bình, thống nhất của Tổ quốc, bảo vệ Thủ đô toàn vẹn. Về đến doanh trại, đồng chí lại càng thấy phấn khởi hẳn lên, nhìn dãy cơ giới và trọng pháo đỗ thành từng hàng dài thẳng tắp, đồng chí lại càng thấy yêu mến Thủ đô, yêu mến doanh trại của mình. Sáng nay, khi trở dậy đồng chí hô hào anh em đi làm vệ sinh, nhặt từng cái rác, nhổ từng gốc cỏ, đồng chí đan cho anh nuôi một tấn phên chắn vào miệng cống để cho khỏi tắc, mỗi người mỗi việc chỉ một lúc doanh trại đẹp đẽ, sạch sẽ giữa lòng Thủ đô tươi vui. Yêu mến doanh trại, yêu mến Thủ đô, lòng người chiến sĩ lúc nào cũng mê say, thắm thiết, cũng như trước đây các đồng chí mê say chiến đấu để có ngày nay.

Cánh quân phía Nam tiến qua phố Bạch Mai, phố Huế… vào tiếp quản Thủ đô sáng 10/10/1954 trong niềm hân hoan chào đón của người dân. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Đồng chí Vũ Yên, một trong những cán bộ đã từng chỉ huy chiến đấu ở Liên khu 1 Hà Nội trong những ngày đầu kháng chiến, hôm nay đồng chí lại là một trong những người chỉ huy đoàn quân tiến vào Liên khu 1, tiến vào Hà Nội.

Chiều nay xe của đồng chí từ từ đi trên các ngả đường của Liên khu 1 cũ, đồng chí đi xem lại những nơi đã từng giằng co với giặc từng căn buồng, từng mái nhà, thước đất trong suốt hai tháng trời. Đây là chợ Đồng Xuân, nơi chiến đấu bằng lưỡi lê, bằng dao găm, giữ từng bàn bán thịt. Đây là những tấm mái tôn các chiến sĩ ta đã lăn mình mà đuổi giặc. Đây là chân cầu Long Biên, khi đơn vị đồng chí rút ra phải qua đây và cũng là nơi cuối cùng các chiến sĩ ngoảnh nhìn lại Thủ đô và hẹn hò nhau ngày trở lại Thủ đô yêu quý. Đồng chí Vũ Yên nói: “Đi thăm những nơi chiến đấu cũ, gợi lại trong lòng tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc vô cùng. Qua 8 năm chiến đấu, quân đội ta đã trưởng thành, lúc đi thì súng chim mã tấu, bây giờ thì quân hùng tướng mạnh, ơn Đảng, ơn Bác, ơn nhân dân nuôi nấng dạy dỗ mới có ngày nay”.■

Hoài An   

Chú thích:

[1] Anh hùng Nguyễn Quốc Trị (1921 – 1967), sinh ra tại Nghệ An, là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thủ Đô thuộc Đại đoàn Quân Tiên phong vào tiếp quản Hà Nội ngày 10/10/1954, BTV

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN