Đầu năm 1946, chính quyền non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đứng trước tình thế hết sức hiểm nghèo, vận nước như ngàn cân treo sợi tóc, cùng một lúc phải đối phó với thù trong, giặc ngoài. Trong thời khắc gian nguy đó, bằng việc ký Hiệp định Sơ bộ với Pháp vào ngày 6/3/1946, Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định lựa chọn giải pháp tạm thời hòa hoãn, nhân nhượng với Pháp để đuổi 20 vạn quân Tưởng về nước, tranh thủ thời gian hòa bình để xây dựng lực lượng, chuẩn bị cho chiến tranh. Chương II, mục 2B, cuốn sách Le parti communiste vietnamien: contribution à l’étude du mouvement communiste au Vietnam (Đảng Cộng sản Việt Nam: Đóng góp vào nghiên cứu về phong trào cộng sản ở Việt Nam) của tác giả Pierre Rousset, xuất bản năm 1973 ở Paris, đã thuật lại các diễn biến chính trị ở Việt Nam trong giai đoạn này, qua đó làm rõ sự kiên định về mục tiêu, nguyên tắc, song linh hoạt, biến hóa về sách lược của Đảng ta. Nhân ngày Quốc khánh 2-9, Tạp chí Phương Đông trích đăng tài liệu này để bạn đọc tham khảo. Các chi tiết, từ ngữ trong bài thể hiện quan điểm và kết quả nghiên cứu của tác giả. Chúng tôi giữ nguyên văn để đảm bảo tính khách quan.
Chính sách năm 1945 và 1946 Đảng Cộng sản Đông Dương (ĐCSĐD) dường như mang tính thỏa hiệp hơn so với thời kì 1936 – 1939.
Sự tự nguyện giải thể của Đảng Cộng sản sẽ tạo ra tiếng vang. Ví dụ đầu tiên về việc tự giải thể của một đảng cầm quyền! Ngày nay, các văn bản Việt Nam giải thích rằng Đảng Cộng sản chính thức giải thể để quay về trạng thái phòng thủ bí mật. Điều này là đúng, nhưng nó có tương ứng với điều khoản trong tuyên bố của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp ngày 11/11/1945 tại Hà Nội? Tuyên bố này cần được trích dẫn.
1. Căn cứ vào điều kiện lịch sử, tình hình thế giới và hoàn cảnh trong nước, nhận rằng lúc này chính là cơ hội nghìn năm có một cho nước Việt Nam giành quyền hoàn toàn độc lập.
2. Xét rằng, muốn hoàn thành nhiệm vụ dân tộc giải phóng vĩ đại ấy, sự đoàn kết nhất trí của toàn dân, không phân biệt giai cấp đảng phái, là một điều kiện cốt yếu.
3. Để tỏ rằng những đảng viên cộng sản là những chiến sĩ tiền phong của dân tộc, bao giờ cũng hy sinh tận tụy vì sự nghiệp giải phóng của toàn dân, sẵn sàng đặt quyền lợi của quốc gia lên trên quyền lợi của giai cấp, hy sinh quyền lợi riêng của đảng phái cho quyền lợi chung của dân tộc.
4. Để phá tan tất cả những điều hiểu nhầm ở ngoài nước và ở trong nước có thể trở ngại cho tiền đồ giải phóng của nước nhà.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, họp ngày 11/11/1945, nghị quyết tự động giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương[2].
Chính xác! Tất nhiên, tuyên bố kết thúc bằng lời tái bút như sau: “Những tín đồ của chủ nghĩa Cộng sản muốn tiến hành việc nghiên cứu chủ nghĩa sẽ gia nhập Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mã Khắc Tư ở Đông Dương”. Nhưng quần chúng Việt Nam hiểu gì về tất cả các điều này? Đây có phải là cách tốt nhất để vận động quần chúng, củng cố quyền lực nhân dân và chuẩn bị cho cuộc đấu tranh sắp tới? Và những người khác, tất cả những người nghiên cứu cuộc đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam, có thể rút ra bài học gì từ đó? […] Vào tháng 5/1946 một mặt trận mới, lớn hơn Việt Minh, sẽ được thành lập: Hội Liên Việt.
Trong chiến tranh, Việt Minh đã nhiều lần liên lạc với phe Gaullist và quân đội Mỹ. Tuy nhiên, ta thấy rằng Việt Minh không bao giờ bị phụ thuộc vào lợi ích của phe Gaullist trong chính sách của mình. Khi nắm quyền, chính phủ Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch đã khởi xướng một quá trình đàm phán lâu dài với Pháp. Mục tiêu đã nêu trở thành: độc lập trong Liên hiệp Pháp. Ngày 06/3/1946, Hiệp định Sơ bộ được ký kết để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán tiếp theo. Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa “là một quốc gia tự do”. Nhưng chữ “độc lập” không được tuyên bố, nước Việt Nam vẫn chưa thống nhất (người Pháp đã đổ bộ vào Nam Kỳ và đang thực hiện chính sách chia cắt Việt Nam). Và điều 2 đã nêu rõ rằng “chính phủ Việt Nam tuyên bố sẵn sàng thân thiện, đón tiếp quân đội Pháp khi nào quân đội ấy chiểu theo các hiệp định quốc tế đến thay thế quân đội Trung Hoa”[3]. Do đó, quân Pháp có thể tiến vào Bắc Kỳ mà không cần chiến đấu, điều mà cho đến nay họ bị cấm. Các cuộc đàm phán tiếp tục tới ngày 19 tháng 12, bất chấp việc quân Pháp liên tục lấn tới. Ngày 31/5/1946, Hồ Chí Minh lên đường sang thăm Pháp, đồng thời theo dõi và chỉ đạo phái đoàn đàm phán của Việt Nam do Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn tại Hội nghị Fontainebleau. Ngày 01/6/1946, Pháp đã công nhận một “Chính phủ tại Nam Kỳ” (Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ).
Cũng vào giai đoạn này, lãnh tụ Trotskyist (Trốt-kít) Tạ Thu Thâu, nguyên Ủy viên Hội đồng Thành phố Sài Gòn, đã bị các thành viên trong Đảng Cộng sản Đông Dương tại miền Trung Việt Nam sát hại khi đang trên đường trở về từ một hội nghị ở Bắc Kỳ. Năm 1939, Hồ Chí Minh đã nói rằng cần phải loại trừ những người theo chủ nghĩa Trotsky, nhưng ông có thêm vào, đó là loại trừ “về mặt chính trị”. Năm 1945, trước đe dọa của cánh tả, Đảng Cộng sản Đông Dương liệu cuối cùng có điều chỉnh theo những thực tiễn quý báu của những viên chức ở điện Kremlin? Thật khó để biết rằng đó là chỉ thị của trung ương, quyết định địa phương (ủy ban Nam Bộ) hay là ảnh hưởng trực tiếp của Đảng Cộng sản Pháp trong vụ ám sát này và vụ ám sát hai người Trotskyist khác.
Ở Pháp, Hồ Chí Minh không bao che cho hành động này, nhưng ông cũng không chủ động nhắc tới. Daniel Guérin kể lại một cuộc thảo luận giữa ông và Hồ Chí Minh về Tạ Thu Thâu: “Ông ấy là một người yêu nước vĩ đại, và chúng tôi thương tiếc ông ấy”, Hồ Chí Minh nói với vẻ xúc động chân thành. Nhưng ông nói thêm với một giọng chắc nịch: “Tất cả những ai không theo đường lối tôi đã vạch sẽ bị bẻ gãy…[4]”.
Những vụ ám sát này, vốn không được các nhà sử học của Đảng Cộng sản Đông Dương nhắc lại, ít nhất là trong các bài viết bằng tiếng Pháp, minh họa cho ít nhất hai điều: (1) mức độ phân hóa chính trị chia tách các nhóm Trotskyist khỏi Đảng Cộng sản Đông Dương. Các nhóm Trotskyist dường như đánh giá thấp tầm quan trọng của vấn đề dân tộc khi huy động quần chúng làm cách mạng; còn Đảng Cộng sản Đông Dương đánh giá quá thấp vấn đề xã hội trong cách mạng thuộc địa, kể cả trong giai đoạn đầu của nó; (2) trong giai đoạn này, đường lối Stalin tồn tại và chắc chắn đã được củng cố trong Đảng Cộng sản Đông Dương, ít nhất là trong phương pháp của họ, nếu không phải là trong ý thức chính trị.
Từ những sự kiện này, có thể rút ra hai kết luận. Cả hai kết luận này được minh họa bằng các bài phát biểu của các nhà lãnh đạo cộng sản vào ngày 7 tháng 3 năm 1946 nhằm giải thích Hiệp định ngày 6 tháng 3 cho công chúng. Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp phát biểu trước đông đảo quần chúng[5].
Hồ Chí Minh bước tới trước sự hoan nghênh nhiệt liệt của đám đông. Bài phát biểu của ông rất ngắn gọn: “Chúng ta có thể đạt được độc lập thông qua đàm phán, có lẽ trong 5 năm. […] Hiệp định với Pháp mở đường cho sự công nhận của quốc tế. Nó sẽ đưa chúng ta đến một vị thế quốc tế ngày càng vững chắc, và đó là một thắng lợi chính trị lớn lao. Quân Pháp sẽ đến theo lệnh của quân Đồng minh. Họ chỉ có 15.000 người và trong 5 năm nữa, họ sẽ rút khỏi nước ta”.
Sau lời kêu gọi đồng bào hãy bình tĩnh, kỷ luật và cảnh giác, Hồ Chí Minh kết thúc: “Tôi, Hồ Chí Minh, luôn dẫn dắt đồng bào trên con đường đi đến tự do, suốt cuộc đời tôi đã chiến đấu vì độc lập của Tổ quốc. Đồng bào biết rằng tôi thà chết chứ không bao giờ bán nước. Tôi thề với đồng bào rằng tôi đã không phản bội đồng bào!”.
Đoạn cuối này nói lên nhiều điều về tâm trạng ngự trị trong lòng người dân Việt Nam lúc bấy giờ. Tiến sĩ Devillers mô tả bầu không khí căng thẳng tồn tại trong suốt các cuộc đàm phán giữa hai bên. Tâm trạng căng thẳng còn gia tăng do các tổ chức dân tộc chủ nghĩa ngày càng lớn tiếng cáo buộc Việt Minh phản bội chính nghĩa độc lập khi đàm phán với Pháp theo cách này.
Lời nói của ông Giáp có tính chất hoàn toàn khác. Rất quan trọng, nó xứng đáng được trích dẫn nhiều dòng. Ông Giáp phát biểu trước Hồ Chí Minh. Về cơ bản, ông giải thích rằng cần phải mất không gian để có được thời gian, rằng cần phải hiểu nguyên nhân sâu xa của thỏa thuận.
“Trên hết là sự biến động của tình hình quốc tế, đặc trưng bởi sự đấu tranh của hai thế lực toàn cầu. Một thế lực đẩy chúng ta đến chỗ phải kháng cự lâu dài, một thế lực khác thúc đẩy chúng ta chấm dứt thù địch. Dù muốn hay không, chúng ta cũng phải hướng tới việc chấm dứt tình trạng thù địch…”. [Hãy nhớ lại rằng không chỉ có Hoa Kỳ và Anh đứng về phía Pháp, mà ngay cả Liên Xô cũng không công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn non trẻ].
“Trong bản hiệp định này, có những điều khoản thỏa mãn chúng ta và có những điều khoản khác không thỏa mãn… Khi đã đạt được tự do, chúng ta sẽ tiến tới độc lập hoàn toàn (vỗ tay nhiệt liệt)…”.
“Bây giờ chúng ta hãy nói về những điều khoản không thỏa mãn chúng ta. Đầu tiên là việc để cho quân Pháp vào. Ta phải ký điều khoản này mặc dù miễn cưỡng. Dù sao chúng tôi cũng đã làm vậy, biết rằng mình sẽ phải chịu trách nhiệm trước đất nước. Tại sao Chính phủ lại cho phép quân Pháp đến? Trước hết, nếu ta không đồng ý với chúng, chúng vẫn sẽ đến…”.
“Những người không hài lòng […] không hiểu rằng nền độc lập của đất nước là kết quả của những điều kiện khách quan và trong cuộc đấu tranh giành độc lập của chúng ta, phải biết cương, nhu tùy lúc”.
“Trong hoàn cảnh hiện nay, có 3 giải pháp: kháng chiến trường kỳ; kháng chiến nhưng không lâu dài; đàm phán, khi đến thời điểm đàm phán”.
“Chúng ta không chọn cách kháng cự lâu dài vì tình hình quốc tế không thuận lợi cho chúng ta. […] Nếu chúng ta chống cự, chúng ta sẽ phải đối mặt với tất cả các thế lực”.
“Tiếp đó, ở một vài phương diện mà phong trào cách mạng chưa sâu, nhiều người chưa coi trọng, nếu chúng ta kéo dài kháng chiến, sự sụp đổ của một số lĩnh vực hoặc tình trạng mất tinh thần chiến đấu sẽ xảy ra…”.
“Về mặt kinh tế, trường kỳ kháng chiến sẽ đi kèm với chiến thuật tiêu thổ, tất cả những nơi chúng ta rút lui đều cần phải phá hủy. […] Không thể duy trì đời sống sinh hoạt vì chúng ta chưa có nền tảng kinh tế vững chắc”.
“Nếu chúng ta muốn kháng chiến trong vài ba tháng, chúng ta cũng sẽ không chống nổi, vì quân Pháp có tất cả các vũ khí hiện đại […]. Vì thế chúng ta chọn cách thứ 3, đó là đàm phán”.
“Chúng ta chọn cách thương lượng để tạo ra điều kiện thuận lợi cho cuộc chiến đấu giành lại độc lập hoàn toàn, để có thể chờ đợi thời cơ đi đến độc lập toàn diện”.
“Các cuộc đàm phán đã dẫn tới việc ngừng sự thù địch và tránh đổ máu. Nhưng chúng ta đã đàm phán chủ yếu nhằm bảo vệ và củng cố lập trường chính trị, quân sự và kinh tế của chúng ta […]. Chúng ta có đủ quyền lực và thời gian để tổ chức bộ máy hành chính, củng cố khả năng quân đội, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân…”.
“Nhìn lại lịch sử thế giới, chúng ta thấy nhiều dân tộc ở hoàn cảnh khó khăn đã vượt qua được nhờ biết chờ đợi thời cơ thuận lợi hơn để tiến bộ. Ví dụ, Nga đã ký Hiệp ước Brest-Litovsk vào năm 1918 để ngăn chặn cuộc xâm lược của Đức, tranh thủ thời gian hòa hoãn để củng cố quân đội và quyền lực chính trị của mình. Nhờ hiệp ước này, chẳng phải Nga đã trở nên rất mạnh mẽ sao?”.
Bài phát biểu “vô cùng thẳng thắn” này, như Devillers nói, rất thuyết phục, ít nhất là xét về nhu cầu mà Việt Minh nhận thấy mình cần phải kéo dài thời gian. Tuy nhiên, nó không biện minh cho những sai sót trong chính sách hòa hoãn mà Đảng Cộng sản Đông Dương đưa ra vào thời điểm đó (từ bỏ cải cách nông nghiệp triệt để, giải tán Đảng Cộng sản, loại bỏ những người Trotskyist, “sự mềm dẻo” cực độ của các nhà đàm phán với Pháp…).
Nhân dân Việt Nam quả thực đang ở “thế yếu”. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bị cô lập về mặt quốc tế: Liên Xô thừa nhận Đông Dương thuộc vùng ảnh hưởng của phương Tây[6] và Mao còn ở mãi tận miền Bắc Trung Quốc. Việt Nam chưa bao giờ chứng kiến nhiều quân nước ngoài đến như vậy trên đất của mình: 200.000 quân Tưởng có mặt và cướp bóc miền Bắc, trong khi quân viễn chinh Anh và Pháp đổ bộ vào Nam Kỳ, nơi đang diễn ra giao tranh. Một nạn đói thảm khốc vừa khiến hơn 2 triệu người thiệt mạng, chủ yếu ở miền Bắc, trên tổng dân số 30 triệu người! Quyền lực cách mạng chưa có thời gian để củng cố và dân chúng chưa chuẩn bị kỹ càng cho cuộc đối đầu. Quân giải phóng còn rất yếu và rất mới. Trở về trên những chiếc xe tải của Trung Quốc, các tổ chức dân tộc chủ nghĩa Việt Nam Quốc Dân Đảng (Việt Quốc) và Việt Nam Cách mệnh Đồng Minh Hội (Việt Cách) đã ra sức đối đầu với Việt Minh; chủ nghĩa khủng bố tái diễn ở miền Bắc trong khi ở miền Nam các giáo phái (Hòa Hảo, Cao Đài…) đang trỗi dậy.
Sẽ là rủi ro nếu ta chỉ ra sự khác biệt về đường lối giữa hai nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng Cộng sản Đông Dương qua sự khác biệt trong giọng điệu các bài phát biểu của Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, nhưng chắc chắn rằng vào thời điểm đó, tình hình căng thẳng đã được thể hiện dưới hình thức bất đồng trong nội bộ Đảng. Ngô Văn Chiêu ghi lại điều này trong nhật ký của mình[7]:
“Tình hình trong nước ngày càng căng thẳng. Báo chí của Việt Nam Quốc Dân Đảng ngày càng công kích gay gắt hơn, công khai cáo buộc chính quyền phản quốc và đòi hỏi phải công khai chiến đấu chống Pháp. Công bằng mà nói thì tâm trạng đang rất căng và đôi khi chúng tôi gặp khó khăn trong việc kìm chế những người tình nguyện. […]”.
“Các cơ quan chính trị (Việt Minh) rất sẵn lòng sống hòa thuận với người Pháp. Sự thật buộc tôi phải nói rằng trong quân đội và trong Tự vệ (dân quân tự vệ đô thị) không hề giống nhau…”.
“Quân đội đã sẵn sàng chiến đấu. Chúng tôi biết rằng có những chính trị gia ở nước ta vẫn muốn cố gắng đạt được thỏa thuận. Nhưng điều này không thể thực hiện được nữa. Thực dân không thể coi là chân thành, càng chờ đợi thì cơ hội kháng cự và chiến thắng của chúng ta càng ít. Chỉ có việc tiếp tục cuộc chiến mới có thể cho phép chúng ta cầm cự và kháng cự. Nếu chờ đợi quá lâu chúng ta sẽ lạc lối”.
Về phần mình, Nguyễn Lương Bằng nói:
“Khi bọn phản động đòi 70 ghế trong Quốc hội, nhiều đồng chí đã có quan điểm không nhượng bộ trước yêu sách quá đáng này. Hồ Chí Minh đã can ngăn họ…”.
“Về phần mình, chúng tôi hết sức tránh xung đột với quân của Tưởng Giới Thạch [tức là quân đội Trung Hoa Dân Quốc tập trung ở miền Bắc Việt Nam], bất chấp mọi hành động khiêu khích. Ở Lào Cai và Yên Bái, một số đồng chí tức giận trước sự kiêu ngạo của quân Tưởng nên đã muốn chặn đường quân này; Hồ Chí Minh kêu gọi họ bình tĩnh[8]”.
Và ông Giáp lưu ý rằng “một ngày sau khi ký kết Hiệp định Sơ bộ 6/3, những viễn cảnh về hòa bình ít nhiều đã làm giảm đi sự cảnh giác đối với những âm mưu bội ước của thực dân. Nhưng nhìn chung, đường lối chính trị của Đảng ta vẫn giữ nguyên, một mặt là làm mọi cách để củng cố hòa bình; mặt khác, tập trung vào việc củng cố tiềm năng của chúng ta và chuẩn bị đối mặt với mọi tình huống có thể xảy ra[9]”.
Các tổ chức theo chủ nghĩa dân tộc đang dần khôi phục sức mạnh. Một phần nhờ lối tuyên truyền cứng rắn của họ, một phần do chính sách hòa hoãn của Đảng Cộng sản đang làm quần chúng hoang mang. Sự khốc liệt của cuộc chiến mà Việt Minh chống lại các tổ chức này được minh họa bằng những thay đổi về phương hướng diễn ra ở miền Nam. Theo Devillers[10], ngày 14/8/1945, Mặt trận Quốc gia Thống nhất được thành lập ở Sài Gòn với sự đồng thuận của người Nhật, trong đó có Đảng Việt Nam Quốc gia Độc lập (Hồ Văn Ngà), tổ chức Thanh niên Tiền phong (tổ chức sẽ thuộc về Việt Minh nhờ Phạm Ngọc Thạch), nhóm Trí Thức, Liên đoàn Công chức, Cao Đài, Hòa Hảo, nhóm Trotskyist La Lutte.
Nhưng mặt trận này đã nhường chỗ cho Việt Minh và gia nhập Ủy ban Hành chính Lâm thời Nam Bộ gồm 9 thành viên, trong đó có 6 người của Đảng Cộng sản, đó là Phạm Ngọc Thạch (Ngoại giao), Nguyễn Văn Tạo (Nội vụ), Huỳnh Văn Tiểng (Tuyên truyền), Dương Bạch Mai và Nguyễn Văn Tây (Chính trị, hành chính Đông và Tây Nam Kỳ), Trần Văn Giàu (Chủ tịch). Nhưng Đảng Cộng sản thấy mình bị cô lập với các nhóm khác. Ủy ban lúc đó bao gồm 13 thành viên, trong đó có 3 người thuộc Đảng Cộng sản, 3 người không đảng phái, 2 người theo chủ nghĩa dân tộc, 1 người theo đạo Cao Đài, 1 người Trotskyist và 1 người Hòa Hảo. Cuối cùng, vào tháng 01/1946, khi Việt Minh rút vào hoạt động bí mật, ủy ban Nam Bộ tan rã, sự rạn nứt diễn ra với các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo và quyền lãnh đạo rơi hoàn toàn vào tay Đảng Cộng sản.
Điều quan trọng để hiểu chính sách của Đảng Cộng sản trong suốt thời kỳ này là kết quả của nó. Ngoài những thỏa thuận ngừng bắn ngắn ngủi và hiếm hoi, cuộc chiến chưa bao giờ dừng lại ở miền Nam và sau đó là miền Trung Việt Nam. Và cuối cùng cuộc chiến tranh trên khắp đất nước sẽ tiếp diễn. Tiếp tục chính sách xâm lược từng phần, Pháp gây ra vụ xung đột đẫm máu ở Hải Phòng với sự tham gia của cả hạm đội và không quân. Ước tính có 20.000 người chết. Ông Hồ cố gắng thương lượng lần cuối, nhưng vào ngày 19/12/1946, chiến tranh nổ ra ở Hà Nội dưới hình thức một cuộc nổi dậy đô thị.
Mặc dù phía Việt Nam phủ nhận, nhưng có vẻ như lần này sự việc xảy ra là do Việt Minh chủ động. Đây là điều mà Tiến sĩ Devillers khẳng định và nhật ký của Ngô Văn Chiêu về cơ bản cũng khẳng định như vậy. Chính lực lượng Tự vệ đối đầu với quân đội Pháp. Trận Hà Nội sẽ tạo điều kiện cho chính quyền cách mạng và quân giải phóng rút về các chiến khu đã chuẩn bị trước đó, sau khi thoát khỏi lưới do Pháp giăng ra trong gang tấc.
Cuối cùng, cần nhớ rằng vào thời điểm đó ở Pháp, Maurice Thorez là Phó Thủ tướng. Một số Bộ trưởng cộng sản ngồi trong Chính phủ. Có lẽ đó là cơ sở cho những ảo tưởng mà ông Giáp phê phán. Ông còn thẳng thắn nói thêm: Lúc đầu, vì sự hiện diện của các nhân vật tiến bộ trong Chính phủ Pháp, chúng ta, từ quan điểm chiến thuật, cần phải lên án những kẻ theo chủ nghĩa thực dân cực đoan ở Pháp, coi chúng là kẻ thù. Nhưng sau đó, và đặc biệt là từ năm 1947, khi Chính phủ Pháp trở nên phản động rõ ràng, kẻ xâm lược nước ngoài, không nghi ngờ gì nữa, chính là chủ nghĩa đế quốc Pháp.
Hiệp định đình chiến cho phép Việt Nam phục hồi kinh tế tối đa để khắc phục hậu quả thảm khốc của nạn đói, tổ chức chính quyền mới, xây dựng căn cứ, tổ chức và trang bị cho lực lượng quân giải phóng. Sau khi “giải quyết” xong Hà Nội, quân Pháp mở cuộc tấn công Việt Bắc (ở phía Bắc Bắc Kỳ, nơi đặt các chiến khu), Việt Minh đã sẵn sàng chiến đấu. Cuộc tấn công của Pháp thất bại. Một cuộc chiến tranh kéo dài 9 năm bắt đầu: một bên là chiến tranh đế quốc xâm lược, một bên là chiến tranh cách mạng. Và cuộc chiến tranh nhân dân này sẽ khiến Đảng Cộng sản Đông Dương không thể né tránh vấn đề nông dân và cải cách ruộng đất lâu hơn nữa.■
Pierre Rousset[1]
Lê Hằng Nga (dịch)
Chú thích:
[1] Pierre Rousset (1946), từng gia nhập ban lãnh đạo Quốc tế IV và là chuyên gia người Pháp nghiên cứu về phong trào cách mạng Châu Á. Năm 1973, ông viết cuốn sách về Đảng Cộng sản Việt Nam. Bắt đầu từ năm 1974, ông thường xuyên đến châu Á, quan tâm đến các phong trào quần chúng và viết nhiều bài báo về chủ đề này đăng trên tờ Rouge. (BBT)
[2] Công bố trong tờ La République, no 7, Hanoi, 18/11/1945, trích bởi DEVILLERS, Histoire du Vietnam de 1940 à 1952, tr. 195
[3] Xem văn bản Hiệp định trong DEVILLERS, sách đã dẫn, tr. 225
[4] D. GUÉRIN: Au service des décolonisés, tr. 22, trích bởi LACOUTURE, Ho Chi Minh, éditions du Seuil, tr. 123
[5] Xem DEVILLERS, sách đã dẫn, tr. 228 đến 231.
[6] Ở điểm này, một báo cáo được thực hiện theo yêu cầu của McNamara về nguồn gốc của những quyết sách ở Việt Nam đã trích dẫn một báo cáo từ cơ quan tình báo và nghiên cứu của Bộ [?] đề ngày cuối năm 1948 [tức là hai năm sau khi chiến tranh tái diễn], kết luận “không có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy Hồ Chí Minh, vào lúc này, nhận lệnh từ Moscow”. Tuy nhiên, ta có thể tin rằng các cơ quan của Hoa Kỳ đã cố gắng tìm ra bằng chứng này. Le dossier du Pentagone (Hồ sơ Lầu Năm Góc), tr. 36 (chú thích của tác giả)
[7] Ngo Van Chieu: Journal d’un combattant Viet – Minh (Ngô Văn Chiêu: Nhật ký của một chiến sĩ Việt Minh), éditions du Seuil, tr. 85, 101 và 105
[8] NGUYEN LUONG BANG, Mes rencontres avec l’oncle Ho, trong V. N. GIAP và cộng sự, tr. 22, 23
[9] V. N. GIAP, Guerre du peuple, armée du peuple, Maspero, 1967, tr. 86
[10] DEVILLERS, sách đã dẫn, tr. 140, 141, 156