Điện Biên Phủ: góc nhìn của một nhà báo Mỹ

Năm 1983, sau nhiều chuyến đi Việt Nam và nghiên cứu hồ sơ tại nhiều viện nghiên cứu ở Mỹ, Stanley Karnow, nhà báo và nhà văn Mỹ, viết cuốn sách “Việt Nam: Lịch sử”. Cho đến nay, đây là cuốn sách lịch sử duy nhất dựa trên nhân chứng của cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Một trong những sự kiện được ông đề cập và phân tích kỹ là trận Điện Biên Phủ. Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Tạp chí Phương Đông xin trích dịch một phần của cuốn sách nói về trận Điện Biên Phủ để bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn.

Khi Navarre đổ quân vào Điện Biên Phủ, ông Giáp (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) bắt cầu cảm nhận rằng Điện Biên Phủ là nơi ông phải đấu với quân Pháp. Ông Giáp nhận xét rằng quân Pháp “hoàn toàn bị cô lập” ở thung lũng Điện Biên Phủ, phụ thuộc vào tiếp tế bằng đường không. Điều này có nghĩa là quân Pháp ở đó dễ dàng bị chặn yết hầu. Trái lại, vị thế áp đảo ở dãy núi bao quanh tạo cho Việt Minh lợi thế chiều cao cho pháo binh và có đường tiếp tế lương thực và trang thiết bị từ hậu phương. Vào thời điểm này ông Giáp vẫn chưa có kế hoạch gì và cũng chưa được ông Hồ đồng ý. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 11/1953, ông Giáp đã cho 33 tiểu đoàn bộ binh, 6 đại đội pháo binh, một đại đội công binh hành quân đến khu vực này, có những đơn vị phải đi rất xa. Về cuộc hành quân quy mô lớn này, các nhà sử học cho rằng trong xung đột như cuộc chiến Đông Dương, vận động của cá nhân một người lính quan trọng hơn nhiều so với vận động của cả quân đội. Đây cũng là nguyên tắc chủ đạo trong cuộc đấu tranh chống Pháp và chống Mỹ sau này của ông Giáp. Ông nói với tôi điều này với giọng tin tưởng tuyệt đối: “Trong chiến tranh có hai yếu tố, con người và vũ khí. Xét cho cùng thì yếu tố quyết định là yếu tố con người”.

Với điều kiện như vậy, trận chiến Điện Biên Phủ đã được chuẩn bị. Đây là trận chiến có thể so sánh với Waterloo, Gettyburg và Stalingrad, những trận đánh mang tính quyết định trong lịch sử.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định mở Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ (xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên cuối năm 1953). Ảnh tư liệu TTXVN

Ông Giáp đã cẩn thận nghiên cứu địa hình Điện Biên Phủ và đi đến kết luận là phải cần 50.000 quân thì mới có thể loại bỏ đồn trú này của Pháp. Vào cuối tháng Mười hai, ông Giáp lại tham khảo ý kiến ông Hồ. Ông khuyến nghị mở cuộc tấn công vào ngày  25/1/1954 và cho rằng mình có thể giành thắng lợi trong sáu tuần. Sau khi hỏi thêm vài câu hỏi, ông Hồ đồng ý và cho ông “toàn quyền” quyết định với tư cách là tư lệnh chiến trường. Ông Hồ dặn dò tướng Giáp: “Cuộc chiến này phải thắng lợi, nhưng đừng bắt đầu nếu chưa chắc thắng”…

Trên thực tế, Pháp không thua tại Điện Biên Phủ mà thua ngay ở tổng hành dinh tướng Navarre ở Sài Gòn. Navarre đã có tính toán sai lầm về ý định cũng như khả năng của Việt Minh ngay từ trước khi trận chiến bắt đầu. Sau này, tóm tắt những sai lầm cơ bản của Navarre, một nghiên cứu của Trường Cao đẳng về Chiến tranh của Pháp đã kết luận rằng Navarre và nhân viên của ông đã mắc sai lầm không chú ý gì đến tin tức tình báo không phù hợp với định kiến của họ. Ông thậm chí còn cho rằng những định kiến đó mới là sự thật.

Không cho rằng ông Giáp có ý định tấn công, Navarre vẫn triển khai quân ở miền Trung Việt Nam. Ông đã không hiểu được tại sao ông Giáp lại có thể chuyển một lực lượng lớn nhanh đến như vậy. Quân của Navarre đã bị áp đảo với tỷ số 5/1. Navarre bác bỏ ý tưởng cho rằng quân Việt Minh có thể tàn phá khu vực bằng pháo đặt trên ngọn núi quanh Điện Biên Phủ. Navarre cũng không tưởng tượng được rằng trận địa pháo của địch được bảo vệ bởi lá nguỵ trang và pháo chống máy bay ném bom từ trên không. Navarre đã không hình dung được pháo hạng nặng của tướng Giáp đặt trong tầm bắn đến sân bay sẽ không cho máy bay đến và rời thung lũng Điện Biên Phủ. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc tiếp nhận hàng cứu viện và vận chuyển lính bị thương ra khỏi khu vực bị bao vây, chưa nói đến chuyện rút quân. Navarre còn chọn vùng địa hình thích hợp với xe tăng nhưng lại phát hiện ra rằng không giống như mô tả trên bản đồ, những bụi cây rậm rạp cuốn lấy xe bọc thép và đến mùa mưa cả khu vực bị ngập lầy…

Nhớ lại cuộc tấn công của Tướng Giáp năm 1951, Navarre tưởng rằng quân Việt Minh sẽ tấn công trực diện. Nhưng biết rằng thất bại sẽ gây phương hại đến lập trường của Việt Minh trong cuộc đàm phán sắp tới, Tướng Giáp không thể không thận trọng được.

“Mở một cuộc tấn công lớn với quân mới tuyển, chúng tôi có thể rút ngắn được chiến dịch và tránh được tình trạng buồn chán của chiến dịch lâu dài. Nhưng chiến thuật này có điểm yếu cơ bản. Quân của chúng tôi không có kinh nghiệm đánh vào các cứ điểm được phòng vệ kỹ lưỡng. Nếu chúng tôi cố thắng sớm, thắng lợi sẽ không bảo đảm. Do vậy chúng tôi đã chọn đánh chắc và tiến chắc. Tấn công để thắng sớm khi chắc chắn thành công”.

Ông Giáp đã viết như vậy khi phân tích chiến thuật của mình vào năm 1961. Nhưng 20 năm sau, khi chúng tôi nói chuyện ở Hà Nội, ông đã kể lại một câu chuyện đầy đủ và kịch tính hơn…

Khó khăn đầu tiên của ông Giáp là vấn đề hậu cần. Cho rằng ông sẽ phải đánh quân Pháp ở địa điểm nào đó trong khu vực, ông đã cho xây dựng đường xá và cầu cống hàng tháng trước. Đường xá phải cho phép xe tải chuyên chở pháo và vũ khí hạng nặng khác đi… Đi trên chiếc xe jeep là chiến lợi phẩm, ông Giáp đã đi cùng đoàn xe đạp thồ và dân công hoả tuyến trông giống như đàn kiến khi băng qua rừng. Những chiếc xe đạp thồ chất đầy mọi thứ từ đạn dược đến gạo với khối lượng rất lớn. Có đôi lúc đoàn xe thồ phải tìm chỗ trốn vì máy bay Pháp bắn và ném bom. Ông Giáp nhớ lại: “Rất khó, rất khó”. “Chỉ có những người lính có động cơ cao mới có thể làm nên những chiến công như vậy”.

Vận chuyển lương thực xuyên rừng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Sưu tập Jean-Claude Labbe

Một thách thức còn khó khăn hơn nhiều với quân của ông Giáp là đặt pháo hạng nặng và súng phòng không ở trên những quả đồi quanh Điện Biên Phủ. Chỉ với sức người, bộ đội và dân công hỏa tuyến đã kéo được vũ khí hạng nặng lên núi đúng với tầm bắn các cứ điểm của Pháp. Đến giữa tháng Một, quân Việt Minh bao gồm 50.000 người cùng 20.000 nằm rải rác trên đường tiếp tế trong khi quân Pháp chỉ có 15.000 quân, một nửa không đủ điều kiện để chiến đấu…

Đêm trước khi tấn công, ông Giáp thức trắng, đầu đau như búa bổ. Ông đang ở tình thế khó khăn. Cuối cùng ông nghĩ rằng không nên mạo hiểm chịu thất bại. Khi nhắc lại chuyện này với tôi, ông cất cao giọng: “Đó là quyết định khó nhất đời tôi. Đột nhiên vào buổi sáng tôi ra lệnh hoãn cuộc tấn công. Bộ Tham mưu không hiểu thế nào. Nhưng không sao vì tôi là chỉ huy quân sự và tôi yêu cầu phải tuân thủ mệnh lệnh một cách tuyệt đối không thảo luận hay không giải thích gì”.

Ông Giáp đã có chiến lược khác thận trọng hơn, ông ra lệnh kéo pháo lên cao hơn để pháo có thể bắn thẳng vào quân Pháp trong khi bộ binh của ông bò vào trận địa qua giao thông hào.

Kéo pháo vào trận địa Điện Biên Phủ. Ảnh: Sưu tập Jean-Claude Labbe

Công việc chuẩn bị mất hai tháng và cuối cùng vào ngày 13 tháng Ba, ông Giáp ra lệnh tấn công.

Mục tiêu đầu tiên của ông là Beatrice (Him Lam) thất thủ ngay lập tức và Gabrielle (đồi Độc lập) thất thủ tiếp theo vào ngày hôm sau. Pháo Việt Minh cày nát sân bay và đánh trúng các mục tiêu khác. Viên đại úy Pháp Charles Piroth, viên sỹ quan chỉ còn một cánh tay phụ trách pháo binh của Pháp đã hứa với Navarre cách đó hai tháng: “Thưa Trung tướng, sẽ không có khẩu pháo nào của Việt Minh có thể bắn ba loạt mà không bị pháo của tôi tiêu diệt”. Sáng sớm ngày 13 tháng Ba, Piroth nằm trên giường, dùng răng kéo chốt an toàn của quả lựu đạn, lựu đạn nổ, và thân thể ông ta tan ra từng mảnh. Đêm hôm trước khi Gabrielle thất thủ, ông ta đã thốt lên: “Tôi mất hết danh dự rồi”.

Ngay sau khi bắn loạt đạn đầu tiên, ông Giáp giảm tốc độ tấn công để chuyển sang chiến lược ít tiêu hao hơn. Pháp cho rằng mùa mưa đang tới sẽ làm Việt Minh sa lầy trong đất bùn. Nhưng điều ngược lại đã xảy ra. Những đám mây bay thấp đã ngăn không cho máy bay bắn và ném bom lính của ông Giáp và làm cho việc thả dù tiếp tế cho quân đồn trú Pháp đang bị bao vây gần như không thể thực hiện được. Đến thời điểm này, Pháp hiểu ra rằng ngay trước khi cuộc đàm phán được thực hiện, họ nhất định sẽ thất bại trên chiến trường cũng như trên bàn đàm phán, trừ khi có viện trợ rất lớn từ bên ngoài. Chỉ có Mỹ mới có thể  cung cấp viện trợ nhanh chóng và hữu hiệu như vậy. Nhưng trận này phải đấu ở Washington.

Loạt đạn đầu tiên chưa kịp nổ thì Pháp đã tuyên bố cần gấp viện trợ quân sự của Washington cho Điện Biên Phủ để thúc đẩy các hoạt động ngoại giao ở Geneva. Tướng Ely, Tổng Tham mưu trưởng của Pháp, đã chuyển thông điệp này cho Washington ngày 20 tháng Ba. Ông đã giành được cảm tình của Đô đốc Arthur Radford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân. Ông Radford đề xuất rằng 60 máy bay ném bom B-29 ở Philippines cùng máy bay tiêm kích của Hạm đội 7 của Mỹ sẽ tiến hành ném bom ban đêm vào các vị trí của Việt Minh quanh Điện Biên Phủ. Ely về Pháp với kế hoạch này, được đặt tên là cuộc hành quân Kền Kền (Operation Vulture).

Tham mưu trưởng không quân trong Tham mưu trưởng liên quân, Tướng Nathan Twinning cũng đồng ý với ý tưởng này. Nhưng tham mưu trưởng lục quân, tướng Matthew Ridgeway không tin tưởng vào không kích và rất không muốn quân Mỹ phải chiến đấu ở châu Á lục địa. Xuất thân từ lính bộ binh cổ hủ từng chỉ huy quân đội Mỹ ở Triều Tiên, ông lập luận rằng ngay cả vũ khí hạt nhân cũng không làm giảm được nhu cầu cần phải có bảy sư đoàn lính chiến đấu của Mỹ để đảm bảo thắng lợi của Pháp ở Đông Dương và nhu cầu có thể lên đến 12 sư đoàn nếu Trung Quốc can thiệp. Các Tham mưu trưởng khác đồng ý với ông. Như họ đã phát biểu sau đó: “Đông Dương không có mục tiêu quân sự mang tính quyết định” và can dự của Mỹ sẽ “làm chệch hướng nguồn lực hạn chế của Mỹ”.

Pháp thất vọng vì quyết định đó và càng nản lòng hơn trước thái độ trước sau như một của Tổng thống Mỹ Eisenhower là ông sẽ không xét đến đề xuất của Radford nếu như chưa có sự đồng thuận của Quốc hội cũng như đồng minh Chiến tranh Thế giới thứ Hai là Anh. Được Dulles (Bộ trưởng Ngoại giao) và Phó Tổng thống Richard Nixon ủng hộ, Radford cố vận động Quốc hội thông qua nghị quyết cho phép Tổng thống toàn quyền sử dụng quyền lực của mình. Tuy nhiên, yêu cầu của ông bị một số thượng và hạ nghị sĩ có ảnh hưởng bác bỏ….

Một nhóm nghiên cứu của Lầu Năm Góc đã kết luận rằng ba quả bom hạt nhân chiến thuật, “sử dụng thích hợp”, là đủ để đập tan lực lượng Việt Minh ở Điện Biên Phủ. Ý tưởng này làm Radford thích thú. Ông đưa ý tưởng này vào đề xuất của Pháp. Tuy nhiên, ý tưởng này làm quan chức cao cấp ở Bộ Ngoại giao phát hoảng. Một quan chức cảnh báo rằng nếu đề cập vấn đề này với Pháp, thì “tin tức này chắc chắn sẽ rò rỉ ra ngoài” và sẽ gây “làn sóng phản đối ở nghị viện thế giới tự do”…

Đứng trước những điều tất yếu sẽ xảy ra, bộ máy lãnh đạo ở Washington bình tĩnh chấp nhận thất bại của Pháp. Thái độ này có thể là giả mà cũng có thể là thật… Với vẻ bình tĩnh như bao lâu, Eisenhower từ bỏ những gì mà không lâu trước đó còn được gọi là khủng hoảng. Tại cuộc họp báo ngày 29 tháng Tư, Eisenhower tuyên bố: “Ở thời điểm hiện tại trong quan hệ của chúng ta với thế giới, bạn chắc chắn không thể hy vọng có được một giải pháp hoàn toàn hài lòng với cộng sản. Điều tốt nhất mà chúng ta có thể có là phương cách thực dụng để duy trì quan hệ”.

Ông Giáp đã chọn thời điểm hoàn hảo. Chiều ngày 7 tháng Năm năm 1954, cờ đỏ của Việt Minh đã bay trên nóc lô cốt chỉ huy ở Điện Biên Phủ. Ngày hôm sau tại Geneva, 9 đoàn đàm phán đã nhóm họp quanh một chiếc bàn hình móng ngựa tại tòa nhà cũ vốn là của Hội Quốc Liên để thảo luận chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương.■

Phan Nguyên (dịch)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN