Trước tình hình quân Pháp bị áp đảo ở Điện Biên Phủ, tháng 4 năm 1954, Pháp đã liên tục thúc giục Mỹ lập tức đưa quân can thiệp để “giữ” Đông Dương. Tuy nhiên, Mỹ không muốn can thiệp đơn phương, mà kêu gọi các nước phương Tây và đồng minh cùng tham gia phòng thủ để chống lại “sự bành trướng của cộng sản ở châu Á và Đông Dương”. Tạp chí Phương Đông giới thiệu với bạn đọc một số trích đoạn trong Hồ sơ Lầu Năm Góc, tài liệu giải mật của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, về những tính toán của Pháp, Mỹ và Anh đối với Điện Biên Phủ. Cách đánh số các đề mục được giữ nguyên như trong tài liệu gốc để bạn đọc tiện tra cứu.
II.B.1.3. Cách tiếp cận mới: “Hành động tập thể”
Lúc này, chính quyền Eisenhower bắt đầu xem xét nghiêm túc việc mở rộng sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ ở Đông Dương bằng cách làm cho nó trở thành một phần của một hành động tập thể cùng với các đồng minh châu Âu và châu Á. Ngoại trưởng Dulles trong một bài phát biểu vào ngày 29/3 đã cảnh báo công chúng về tình hình đáng báo động ở Đông Dương và kêu gọi “hành động tập thể” – mà không hề định nghĩa rõ ràng – như sau:
“Trong tình hình hiện nay, việc áp đặt vào khu vực Đông Nam Á hệ thống chính trị của Cộng sản Nga và đồng minh Cộng sản Trung Quốc, bằng bất kỳ cách thức nào, sẽ là một mối đe dọa nghiêm trọng cho toàn bộ cộng đồng tự do. Hoa Kỳ cảm thấy rằng không nên chấp nhận khả năng đó một cách thụ động mà nên giải quyết bằng hành động tập thể. Điều này có thể kéo theo những rủi ro nghiêm trọng. Nhưng những rủi ro này ít hơn nhiều so với những gì chúng ta sẽ phải đối mặt trong một vài năm tới nếu chúng ta không dám cương quyết ngay hôm nay”.
Ủy ban Đặc biệt về Hoa Kỳ và Đông Dương của Thứ trưởng Ngoại giao W. Bedell Smith, mà nhóm làm việc Erskine đã báo cáo lên, đã ban hành một nghiên cứu vào ngày 2/4. Không chỉ dừng ở vấn đề giữ Đông Dương, báo cáo này viết rằng Hoa Kỳ nên bắt đầu phát triển một hệ thống phòng thủ chung cho Đông Nam Á dù số phận của khu vực này có như thế nào. Trong ngắn hạn, Ủy ban của Smith ủng hộ Hoa Kỳ tài trợ một hiệp ước phòng thủ chung chống lại sự bành trướng của cộng sản ở Đông Dương và Thái Lan. Về lâu dài, báo cáo đề xuất thúc đẩy “một giải pháp phòng thủ chung ở châu Á được các cường quốc châu Âu có lợi ích ở Thái Bình Dương tham gia và bảo đảm”…
Trong khi đó, sau một cuộc họp của Ngoại trưởng Dulles và Đô Đốc Radford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, với các lãnh đạo Quốc hội vào ngày 3/4, Tổng thống quyết định rằng Hoa Kỳ sẽ không thực hiện một can thiệp đơn phương. Bất kỳ can thiệp quân sự nào của Hoa Kỳ ở Đông Dương sẽ tùy thuộc vào (1) sự hình thành một lực lượng liên minh với các đồng minh của Hoa Kỳ để thực hiện “hành động tập thể”; (2) Pháp tuyên bố ý định đẩy nhanh việc trao trả độc lập cho ba nước Đông Dương; (3) Quốc hội phê chuẩn việc can dự của Hoa Kỳ (được cho là phụ thuộc vào điểm (1) và (2)).
II.B.2.3. “Hành động tập thể” như là một phương án thay thế cho đàm phán hoặc can thiệp đơn phương của Mỹ
c. Pháp kêu gọi Hoa Kỳ can thiệp vào Điện Biên Phủ (4-5/4)
Các diễn biến quân sự ở Điện Biên Phủ đã phủ bóng lên phản ứng của Pháp trước đề xuất hành động tập thể. Bộ trưởng Ngoại giao Bidault hôm 5/4 cho rằng không còn thời gian để tính đến phương án liên minh nữa, và số phận của Điện Biên Phủ sẽ được quyết định trong 10 ngày tới. Một ngày trước đó, Đại sứ Douglas Dillon được triệu tập đến dự một cuộc họp nội các khẩn cấp vào ngày chủ nhật và đã được Bidault cùng Laniel thông báo rằng: “Lúc này, sự can thiệp quân sự ngay lập tức của máy bay Hoa Kỳ vào Điện Biên Phủ là cần thiết để cứu vãn tình hình”. Sau khi báo cáo về tình trạng khốn cùng của Navarre trên chiến trường và quy mô can thiệp ủng hộ của Trung Quốc đối với lực lượng của Tướng Giáp, Bidault thẳng thừng đề nghị Mỹ hành động, nói rằng “số phận của Đông Nam Á giờ đây phụ thuộc cả vào Điện Biên Phủ” và rằng “Geneva được hay mất tùy thuộc vào kết quả của trận đánh”. Mỹ được kêu gọi hành động khẩn trương và đơn phương để cứu vãn tình hình ở đó, thay vì phối hợp với các đồng minh châu Á và phương Tây như Dulles mong muốn.
d. Mỹ quyết định không can thiệp đơn phương
Trong tuần đầu tiên của tháng 4, yêu cầu về sự can thiệp của Hoa Kỳ rõ ràng đã trở nên cấp thiết. Chiến sự ở Điện Biên Phủ thể hiện sự chênh lệch lớn khi pháo do Trung Quốc viện trợ đã giáng đòn dữ dội và đẩy lui quân Pháp. Nếu không có sự can thiệp sớm của một cường quốc bên ngoài, hoặc một nhóm các cường quốc, vị thế của Pháp tại Điện Biên Phủ rất có thể sẽ bị áp đảo. Biết rằng Pháp sẽ đề nghị can thiệp, chính quyền Eisenhower đã quyết định tham vấn các lãnh đạo Quốc hội. Tổng thống dường như đã nghĩ rằng sự ủng hộ của Quốc hội là yếu tố sống còn đối với bất cứ vai trò tích cực nào mà Hoa Kỳ có thể đảm nhận ở Đông Dương.
Các tài liệu hiện có của Chính phủ Mỹ không đưa ra những chi tiết của hai cuộc họp được mô tả dưới đây. Tuy nhiên, trên cơ sở các nguồn tin được công bố có vẻ đáng tin cậy, ngày 3/4, Ngoại trưởng Dulles và Đô đốc Radford đã gặp gỡ tám nghị sĩ (ba Cộng hòa và năm Dân chủ) tại Bộ Ngoại giao. Được biết Radford đã vạch ra một kế hoạch cho một cuộc không kích nhằm vào quân đội nhân dân Việt Nam ở Điện Biên Phủ, sử dụng 200 máy bay từ các tàu sân bay Essex và Boxer hiện đang đóng quân tập trận ở biển Đông. Nếu cuộc không kích này thất bại thì có thể sẽ phải triển khai một cuộc không kích thứ hai, nhưng lục quân vẫn chưa được huy động ở giai đoạn này. Có tuyên bố rằng trên tàu sân bay có bom nguyên tử, và nó có thể được thả bằng máy bay, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ đã xem xét nghiêm túc việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở Điện Biên Phủ hoặc những nơi khác ở Đông Dương. Tuy nhiên, trong trường hợp Trung Quốc can thiệp quân sự quy mô lớn, rất có thể Mỹ sẽ trả đũa bằng vũ khí hạt nhân chiến lược nhằm vào các mục tiêu ở Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo Quốc hội đặt câu hỏi về quy mô hỗ trợ của đồng minh cho hành động như vậy, ý kiến của các tham mưu trưởng liên quân khác, sự cần thiết của lực lượng lục quân nếu một cuộc không kích thứ hai cũng thất bại, và nguy cơ về một sự can thiệp ồ ạt của Trung Quốc có thể biến Đông Dương thành một chiến trường giống như Triều Tiên. Radford dường như đã buộc phải thừa nhận rằng ông là tham mưu trưởng duy nhất ủng hộ kế hoạch can thiệp. Dulles thừa nhận rằng các đồng minh đã chưa được tham vấn. Kết quả là, Dulles, người đang nghĩ đến một nghị quyết chung của Quốc hội cho phép Tổng thống sử dụng sức mạnh không quân và hải quân Hoa Kỳ ở Đông Dương (người ta cho rằng ông đã chuẩn bị sẵn trong túi), đã rời cuộc họp mà không có sự hỗ trợ quan trọng mà ông cần. Các nhà lãnh đạo Quốc hội đặt ra ba điều kiện cần thiết để có hỗ trợ của họ: (a) sự hình thành một lực lượng đồng minh theo kiểu “liên minh”; (b) một tuyên bố của Pháp thể hiện ý định thúc đẩy độc lập cho ba nước Đông Dương; (c) Pháp đồng ý tiếp tục duy trì Quân đoàn Viễn chinh của họ ở Đông Dương. Như vậy, sự phản đối của Quốc hội đã loại bỏ khả năng Hoa Kỳ can thiệp đơn phương. Theo bản tóm tắt thông tin của Bộ Ngoại giao sau đó:
“Quan điểm của cuộc họp là Hoa Kỳ không nên can thiệp một mình, nhưng nên cố gắng giành được sự hợp tác của các quốc gia tự do khác có liên quan trong khu vực Đông Nam Á, và nếu một sự hợp tác như vậy có thể được đảm bảo, Quốc hội Hoa Kỳ có thể sẽ phê chuẩn việc Hoa Kỳ tham gia vào ‘hành động tập thể’ đó”.
Hôm sau, ngày 4/4, Dulles và Radford đã gặp Tổng thống tại Nhà Trắng. Tổng thống quyết định chỉ can thiệp khi hội đủ ba điều kiện cần thiết để Hoa Kỳ “có hành động tham chiến” ở Đông Dương. Sẽ cần phải có một liên minh “với sự tham gia tích cực của Khối Thịnh vượng chung Anh”, một “sự hiểu biết chính trị đầy đủ với Pháp và các nước khác”, và sự phê chuẩn của Quốc hội.
Tổng thống Eisenhower rõ ràng không muốn Hoa Kỳ can thiệp một mình. Ông cũng rất quan tâm đến việc nhận được sự ủng hộ rộng rãi của Quốc hội cho bất cứ bước đi nào có thể khiến Hoa Kỳ tham gia vào một cuộc chiến. Như Sherman Adams sau đó đã quan sát thấy:
“Đã tránh được một cuộc chiến tranh tổng lực với Trung Quốc Cộng sản ở Triều Tiên vào năm ngoái khi ông có sự ủng hộ của Liên hợp quốc, ông [Eisenhower] không hề muốn khích động một cuộc chiến nữa ở Đông Dương bằng hành động quân sự đơn phương mà không có Anh và các đồng minh phương Tây khác. Ông cũng quyết không can thiệp quân sự vào bất kỳ cuộc xung đột nước ngoài nào mà không có sự chấp thuận của Quốc hội. Ông đã gặp đủ phiền toái khi đi thuyết phục một số thượng nghị sĩ về sự cần thiết phải gửi các nhóm nhỏ kỹ thuật viên không chiến đấu của Không quân tới Đông Dương”.
e. Anh phản đối “hành động tập thể”
Từ ngày 11 đến ngày 14/4, Ngoại trưởng Dulles đã đến thăm London và Paris để cố gắng thuyết phục Anh và Pháp cam kết ủng hộ đề xuất của ông về “hành động tập thể”. Theo Tổng thống Eisenhower, Dulles cảm thấy ông đã được đảm bảo về sự ủng hộ của Quốc hội đối với “hành động tập thể” nếu các đồng minh phê duyệt kế hoạch của ông.
Dulles nhận thấy người Anh phản đối bất kỳ loại hành động quân sự tập thể nào trước Hội nghị Geneva. Theo Eden kể lại, Dulles giải thích rằng Hoa Kỳ đã kết luận rằng Pháp không còn có thể một mình đối phó được với tình hình ở Đông Dương về mặt quân sự hay chính trị. Nếu vị thế của Pháp ở Đông Dương sụp đổ, hậu quả ở phần còn lại của Đông Nam Á sẽ rất nghiêm trọng. Lực lượng không quân và hải quân Hoa Kỳ đã sẵn sàng can thiệp và một số tàu sân bay đã được di chuyển từ Manila tới bờ biển Đông Dương. Dulles cho biết, sau khi suy ngẫm, ông đã nghĩ rằng Mỹ không nên hành động một mình trong vấn đề này và rằng một liên minh đặc biệt có thể được thành lập để sau này có thể phát triển thành một tổ chức phòng thủ ở Đông Nam Á. Bản thân điều này sẽ ngăn chặn Trung Quốc can thiệp sâu hơn vào Đông Dương và sẽ củng cố lập trường của phương Tây tại Geneva bằng cách đưa ra bằng chứng về tinh thần đoàn kết.
Eden đã không bị thuyết phục. Ông phân biệt giữa vấn đề dài hạn về an ninh tập thể ở khu vực Đông Nam Á – có thể được đảm bảo bằng hiệp ước sau Geneva – và vấn đề cấp thiết hơn về “hành động tập thể” ở Đông Dương. Ông phản đối bất kỳ hành động quân sự hoặc tuyên bố cảnh cáo nào trước Hội nghị Geneva. Anh sẵn sàng hỗ trợ đầy đủ về mặt ngoại giao cho Pháp tại Geneva, với tư cách là bên bảo đảm cho thỏa thuận cuối cùng hoặc với tư cách là bên tham gia các cuộc đàm phán đa phương nếu hội nghị không đạt được một thỏa thuận. Trong trường hợp thứ hai, Anh đã sẵn sàng thảo luận về một công thức phòng thủ tập thể có thể bao gồm bất kỳ phần Đông Dương phi cộng sản nào được hình thành do kết quả của các cuộc thảo luận ở Geneva. Nhưng trước khi Hội nghị Geneva diễn ra, họ sẽ không cam kết tham gia hành động tập thể.
Việc Anh phân biệt giữa tính phù hợp của cách tiếp cận “hành động tập thể” sau và trước Hội nghị Geneva xuất phát từ những nghi ngờ sâu sắc về tầm quan trọng thực sự của hành động tập thể. Như Dulles đã đánh giá chính xác, đằng sau việc Anh thúc đẩy một giải pháp là “nỗi sợ rằng nếu giao tranh tiếp diễn, chúng ta sẽ can dự bằng cách này hay cách khác, qua đó làm tăng nguy cơ can thiệp của Trung Quốc và khả năng chiến tranh lan rộng hơn nữa”. Eden nhận định rằng hành động trước Hội nghị sẽ không chỉ phá hoại cơ hội giải quyết hòa bình mà còn làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn. Kế hoạch của Mỹ thừa nhận nguy cơ Trung Quốc can thiệp trực tiếp, và tình báo Mỹ đã kết luận rằng sự can dự của phương Tây sẽ khiến Trung Quốc can thiệp bằng đường bộ và đường không ngay khi nỗ lực của Việt Minh bị “đe dọa nghiêm trọng”.
Như vậy, trong khi Dulles tức giận trước thái độ thờ ơ của Anh đối với Đông Dương, Eden lại rất bi quan về chủ trương dùng vũ lực của Dulles trong một khu vực không chắc đã có giá trị mà Hoa Kỳ lại có những kế hoạch mơ hồ, đầy rủi ro. Trong suy nghĩ của Eden, có sự khác biệt đáng kể giữa việc răn đe Cộng sản Trung Quốc không được can thiệp trực tiếp ([chủ trương] mà Anh đã ủng hộ vào giữa năm 1953) và hành động tập thể, điều mà Trung Quốc cho là khiêu khích, bất chấp mọi đảm bảo của đồng minh đối với Bắc Kinh.
Hơn nữa, nghi ngờ của Anh còn xuất phát từ niềm tin rằng Đông Dương chưa chắc đã bị mất hoàn toàn tại Geneva nếu không có hành động tập thể. London dường như bối rối khi nghe Mỹ nói về chuyện “mất” Đông Dương, bởi theo nhận định của Anh, Pháp không thể thua cuộc chiến từ nay [tháng 4/1954] đến mùa mưa sắp tới, cho dù họ chiến đấu tệ thế nào đi chăng nữa. Trong khi Dulles liên tục nói với người Anh rằng chỉ có hành động tập thể thông qua sự hình thành của một liên minh mới có thể ngăn được Cộng sản giành chiến thắng ngoại giao toàn diện tại Geneva, Eden cũng không kém phần tin tưởng rằng cách tốt nhất để đảm bảo chiến tranh tiếp diễn sẽ là hành động tập thể, và Pháp, ngay cả sau Điện Biên Phủ, vẫn còn đủ mạnh để ngăn chặn Cộng sản chiếm toàn bộ Đông Dương.
Ngay cả trước khi Dulles bay tới London vào tháng 4 để thăm dò quan điểm của người Anh về hành động tập thể, chính phủ Churchill đã thể hiện nhiều băn khoăn về cách Hoa Kỳ đánh giá Đông Dương. Ví dụ, trong một điện tín ngày 1/4, Dulles đã thể hiện sự bực bội về việc Anh không chấp nhận quan điểm cho rằng việc mất Đông Dương cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến lợi ích an ninh của họ ở Malaysia, Australia, và New Zealand. Thái độ của Anh đúng là như vậy, như Dulles đã tự nhận thấy khi ông nói chuyện với Eden ở London và sau đó tại Geneva. Eden nhất quyết không chấp nhận ý kiến của Dulles cho rằng có sự tương đồng giữa Đông Dương và Malaysia, đáp rằng tình hình ở Malaysia vẫn trong tầm kiểm soát, trong khi ở Đông Dương rõ ràng không phải như thế. Đô đốc Radford kết luận vào cuối tháng Tư từ các cuộc hội đàm với các Tham mưu trưởng của Anh rằng chính sách của Vương quốc Anh dường như “chỉ bó hẹp trong phạm vi lợi ích của riêng Vương quốc Anh mà không quan tâm đến các khu vực khác của vùng Viễn Đông như Nhật Bản”.
Người Anh đơn giản không thể chấp nhận thuyết domino ngay cả khi họ thừa nhận giá trị an ninh của khu vực Đông Nam Á đối với thế giới tự do. Vào thời điểm khai mạc Hội nghị Geneva, quan hệ Hoa Kỳ và Anh đã tụt xuống mức thấp: Dulles khẳng định rằng Anh là rào cản chính trong việc triển khai hành động tập thể, trong khi Eden lại bám vào quan điểm rằng một thỏa thuận thương lượng dẫn đến sự phân chia sẽ là kết quả tốt nhất cho một tình hình chính trị-quân sự phức tạp không thể tưởng tượng nổi ở Đông Dương.
f. Pháp phản đối “hành động tập thể”
Việc Ngoại trưởng Dulles thuyết phục Paris về “hành động tập thể” chẳng đạt kết quả khá khẩm hơn mấy so với tại London, nhưng vì những lý do hơi khác. Pháp đang tìm cách hành động nhanh chóng để tránh một thất bại quân sự cận kề ở Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, Dulles không muốn bị dứt ra khỏi cách tiếp cận tập thể đối với chiến tranh Đông Dương. Pháp lo ngại rằng một sự dàn xếp liên minh sẽ dẫn đến việc quốc tế hóa cuộc chiến và tước quyền kiểm soát nó khỏi tay họ. Do đó, họ chỉ muốn được giúp đỡ ngay tại Điện Biên Phủ theo kiểu Chiến dịch Chim kền kền.
Ngoài ra, một lý do khác khiến Pháp phản đối “hành động tập thể” là quan điểm cho rằng nó sẽ trì hoãn hoặc cản trở các cuộc đàm phán hướng tới một giải pháp, điều mà Pháp ngày càng mong muốn. Mục tiêu của Hoa Kỳ là duy trì quyết tâm tiếp tục chiến tranh của Pháp. Dulles lo ngại rằng Pháp sẽ dùng Geneva để tìm một công thức giữ thể diện cho việc Pháp đầu hàng. Thủ tướng Laniel tái khẳng định với Dulles ở Paris rằng chính phủ của ông sẽ không có hành động nào trực tiếp hoặc gián tiếp trao Đông Dương cho Cộng sản. Nhưng ông cũng kêu gọi sự chú ý đến mong muốn ngày càng tăng của nhiều người ở Pháp muốn thoát khỏi Đông Dương bằng bất cứ giá nào. Pháp nhấn mạnh rằng cần phải chờ đợi kết quả của Hội nghị Geneva và họ không thể tạo ấn tượng trước rằng họ tin Geneva sẽ thất bại.
g. Hủy bỏ nhóm công tác về phòng thủ tập thể ở Đông Nam Á (20/4)
Ngay sau khi trở về Washington vào ngày 15/4, Ngoại trưởng Dulles đã mời đại diện của Vương quốc Anh, Pháp, ba nước Đông Dương, Australia, New Zealand, Philippines, và Thái Lan tham dự một cuộc họp vào ngày 20 để thành lập một nhóm phòng thủ đặc biệt cho khu vực Đông Nam Á. Các đại biểu sẽ làm việc trên một dự thảo về tổ chức [sẽ được thành lập trong] tương lai. Ngoại trưởng Dulles đã có ấn tượng từ buổi nói chuyện với Eden tại London rằng Vương quốc Anh, mặc dù từ chối lập tức triển khai “hành động tập thể” ở Đông Dương, sẽ không phản đối một cuộc họp sơ bộ như vậy.
Ngày 18/4, chỉ hai ngày trước cuộc họp dự kiến, Đại sứ Anh thông báo với Dulles rằng Anh sẽ không tham gia. Lý do: Bộ trưởng Ngoại giao Anh không nghĩ rằng nhóm công tác sẽ triển khai ngay lập tức và chưa có thỏa thuận nào về tư cách thành viên. Ngoại trưởng bày tỏ sự ngạc nhiên, nhưng vì thái độ của Anh, cuộc họp ngày 20/4 đã chuyển thành một cuộc họp chung chung cho các quốc gia thuộc bên đồng minh tại Hội nghị Geneva. Sau này, khi giải thích về sự thay đổi trong thái độ của Anh, Ngoại trưởng Eden cho biết khi chấp nhận tham gia cuộc hội đàm phi chính thức của nhóm công tác, ông đã bỏ quên Hội nghị Colombo sắp diễn ra và rằng ông cảm thấy không nên đưa ra bất kỳ chỉ dấu công khai nào về tư cách thành viên trong chương trình hành động tập thể trước khi các cuộc thảo luận ở Colombo kết thúc. Lúc này rõ ràng là Anh đã bị kiềm chế bởi Ấn Độ và bởi mối lo ngại rằng việc Anh tham dự cuộc họp sẽ được hiểu như là đồng ý về “hành động tập thể”. Hơn nữa, London không thể được trấn an bởi phát biểu “thăm dò” của Phó Tổng thống Nixon vào ngày 17/4, trong đó ông đề nghị rằng Hoa Kỳ có thể “chấp nhận rủi ro khi đưa quân vào…” để ngăn không cho “Cộng sản tiếp tục bành trướng ở châu Á và Đông Dương”.
h. Pháp liên tục thúc giục Hoa Kỳ can thiệp (21-25/4)
Để chuẩn bị cho giai đoạn Đông Dương của Hội nghị Geneva, thảo luận ba bên (Mỹ, Anh, Pháp) đã diễn ra tại Paris vào giữa tháng 4. Trong các cuộc thảo luận này, Pháp cho rằng Geneva có đi đến một giải pháp thành công hay không phụ thuộc vào một kết quả thuận lợi ở trận Điện Biên Phủ và việc họ tham gia vào một liên minh Đông Nam Á có thể không thực hiện được nếu Điện Biên Phủ thất thủ. Chẳng thể biết chắc Pháp sẽ theo lập trường nào trong trường hợp Điện Biên Phủ sụp đổ. Pháp cho rằng chỉ một can thiệp quy mô lớn bằng không quân và hải quân Hoa Kỳ mới có thể cứu vãn tình hình Đông Dương. Họ không chính thức đề nghị can thiệp trong các cuộc thảo luận ba bên, nhưng đã vài lần gợi ý với Mỹ rằng hành động đó là cần thiết.
Ngày 21/4, Marc Jacquet, Thứ trưởng Ngoại giao Pháp đặc trách ba nước Đông Dương, đã nói với Đại sứ Hoa Kỳ tại Đông Dương, Donald Heath, lúc đó đang ở Paris, rằng giới chức quân sự Pháp không còn tin rằng họ có thể chiến thắng ở Đông Dương mà không có sự can thiệp bằng không quân và hải quân của Hoa Kỳ, và rằng hành động đó cần được tính đến khi giai đoạn Đông Dương trong Hội nghị Geneva có dấu hiệu thất bại.
Ngày 22/4, Bộ trưởng Ngoại giao Bidault, cùng Tướng Ely, đề nghị với Ngoại trưởng Dulles rằng cần có tham vấn khẩn cấp giữa Tướng Navarre và các chỉ huy quân sự Mỹ ở Đông Dương. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp cho biết mặc dù ông đã từng phản đối việc quốc tế hóa chiến tranh Đông Dương, giờ đây ông ủng hộ nó với sự tham gia của Hoa Kỳ nếu việc này có thể cứu được Điện Biên Phủ.
Ngày 23/4, Thứ trưởng Ngoại giao Pháp André Bougenot, trước sự hiện diện của Thủ tướng Laniel, đã đề nghị với Douglas MacArthur II, Tham tán của Bộ Ngoại giao [Hoa Kỳ], rằng Mỹ có thể đưa máy bay hải quân vào trận Điện Biên Phủ mà không làm tổn hại đến uy tín của Mỹ bằng cách dùng các máy bay đó nhưng sơn phù hiệu Pháp và được coi như một phần của Quân đoàn Lê dương Pháp, dưới quyền chỉ huy danh nghĩa của Pháp cho một hành động đơn lẻ bao gồm các cuộc không kích kéo dài hai hoặc ba ngày.
Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Bidault cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ xem thông điệp của Tướng Navarre, trong đó vị tư lệnh Pháp nói rằng tình hình Điện Biên Phủ rất tuyệt vọng và ông tin rằng chỉ còn các phương án như sau (l) Chiến dịch Chim kền kền, ném bom B-29 ồ ạt (Ngoại trưởng Dulles hiểu đây sẽ là một chiến dịch do Hoa Kỳ triển khai từ các căn cứ bên ngoài Đông Dương), hoặc (2) một yêu cầu của Liên hiệp Pháp về một lệnh ngừng bắn (mà Ngoại trưởng nghĩ rằng sẽ chỉ diễn ra ở Điện Biên Phủ, nhưng ý của Tướng Navarre là nên áp dụng cho toàn bộ Đông Dương).
II.B.2.4. Lập trường cuối cùng của Hoa Kỳ trước Hội nghị Geneva
a. Trao đổi với Pháp
Trước tất cả những đề nghị này, Mỹ chỉ nhắc lại cho Pháp những điều kiện tiên quyết cần thiết cho sự can thiệp của Mỹ: (1) độc lập hoàn toàn cho các nước Đông Dương (2) được Quốc hội [Mỹ] phê chuẩn, (3) một liên minh bao gồm Vương Quốc Anh. Liên quan đến sự cần thiết phải có một liên minh, Ngoại trưởng Dulles ở Paris và Thứ trưởng W. Bedell Smith ở Washington đã đề nghị với các quan chức Pháp rằng Pháp nên yêu cầu Anh can thiệp, giống như họ đã yêu cầu không quân Hoa Kỳ can thiệp vào Đông Dương.
Trước khi rời Paris để đi Geneva, Ngoại trưởng Dulles gửi cho Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Bidault một lá thư trả lời đề nghị của Tướng Navarre rằng sự can thiệp bằng không quân của Hoa Kỳ vào Điện Biên Phủ là phương án thay thế duy nhất cho một lệnh ngừng bắn. Trong thư này, Ngoại trưởng nêu lại những điều kiện tiên quyết cần thiết cho sự can thiệp của Hoa Kỳ, và cho rằng nếu Điện Biên Phủ thất thủ thì không có lý do gì mà phải yêu cầu ngừng bắn. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, trong một lá thư chỉ nói đến những hệ quả quân sự của sự can thiệp của Hoa Kỳ, trả lời rằng theo ý kiến của các chuyên gia quân sự Pháp “một cuộc can thiệp ồ ạt của không quân Hoa Kỳ vẫn có thể cứu được cứ điểm [Điện Biên Phủ].”
b. Trao đổi với Anh
Trong khi đó, trong các cuộc thảo luận với Anh, Mỹ vừa thuyết phục Anh tham gia vào một chiến dịch can thiệp chung Anh-Mỹ bằng không quân và hải quân vào Điện Biên Phủ, vừa thuyết phục Anh rằng việc nhanh chóng tổ chức một hệ thống phòng thủ tập thể ở Đông Nam Á là cần thiết để hỗ trợ người Pháp ở Đông Dương.
Nhưng Anh cho biết họ sẽ không hứa hẹn gì về can thiệp quân sự ở Đông Dương và muốn hoãn các cuộc thảo luận về hệ thống phòng thủ tập thể cho đến sau Hội nghị Geneva. Ngoại trưởng Anh Eden nói với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Dulles hôm 24/4 rằng Anh chưa muốn can thiệp vào chiến tranh Đông Dương ở thời điểm này. Ngay sau đó, Eden trở lại London để tham dự một cuộc họp nội các đặc biệt tổ chức ngày 25/4 bàn về cuộc khủng hoảng Đông Dương. Hai ngày sau, Thủ tướng Churchill báo cáo với Hạ viện rằng Chính phủ Anh “chưa sẵn sàng đưa ra bất cứ cam kết nào về hành động quân sự của Vương quốc Anh tại Đông Dương trước khi có kết quả của Hội nghị Geneva”, và “chưa tham gia bất cứ thỏa thuận mới nào về quân sự và chính trị”. Trước khi trình bày trước Hạ viện, Churchill đã từ chối lời thỉnh cầu của Đại sứ Pháp René Massigli, thay mặt Thủ tướng Laniel, muốn Anh tuyên bố tham gia bảo vệ Điện Biên Phủ cùng với Mỹ và Pháp.
Tuy nhiên, Anh sẵn sàng tham gia các cuộc thảo luận sơ bộ về quân sự để xem xét các biện pháp có thể thực hiện ở Đông Nam Á nếu Đông Dương bị mất. Theo hướng này, Ngoại trưởng Eden và Ngoại trưởng Dulles đã thảo luận thăm dò vào ngày 22/4 về khả năng tiến hành một cuộc đánh giá quân sự bí mật – của Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Australia, New Zealand và Thái Lan – về những gì có thể làm để củng cố Thái Lan trong trường hợp Pháp sụp đổ ở Đông Dương. Ngoại trưởng Eden đã quay lại đề xuất này trong một cuộc trò chuyện khác với Ngoại trưởng Dulles vào ngày hôm sau.
Ngày 30/4, tuyên bố rằng Anh đã sẵn sàng bảo vệ khu vực bên ngoài Đông Dương, và có thể cả phần tự do của Đông Dương bị chia cắt, Eden đề xuất với Ngoại trưởng Dulles “một cuộc khảo sát chung ngay lập tức và bí mật về các vấn đề chính trị và quân sự trong việc tạo ra một hệ thống phòng thủ tập thể cho Đông Nam Á, cụ thể là: (a) bản chất và mục đích; (b) tư cách thành viên; (c) các cam kết”. Ông nói thêm rằng cuộc khảo sát này cũng nên tính đến các biện pháp tức thời để củng cố sức mạnh cho Thái Lan.
Trong một cuộc họp ở Geneva vào ngày 2/5 với Ngoại trưởng Australia và New Zealand, các đối tác của Mỹ trong tổ chức ANZUS, Ngoại trưởng Dulles đặt vấn đề về các cuộc đàm phán quân sự sớm có thể củng cố vị thế của Pháp tại Hội nghị Geneva. Cả ba đã nhất trí rằng nên có các cuộc đàm phán quân sự giữa 5 cường quốc tại Washington, bao gồm các cường quốc ANZUS, Vương quốc Anh, Pháp, và có thể cả Thái Lan.
c. Quan điểm của Washington
Trong khi đó, tại Washington, ngày 26/4, ngày khai mạc Hội nghị Geneva, Tổng thống đã nói với một nhóm lãnh đạo Đảng Cộng hòa rằng sẽ là một “sai lầm bi thảm” nếu Hoa Kỳ đơn phương can thiệp với tư cách là một đối tác của Pháp trong cuộc đấu tranh ở Đông Dương. Hai ngày sau, trong cuộc thảo luận với Thứ trưởng Ngoại giao W. Bedell Smith, Phụ tá Tổng thống Robert Cutler và Đô đốc Radford (mới đây đã đến London và thảo luận với Tham mưu trưởng Anh và Thủ tướng Churchill), Tổng thống bày tỏ sự thất vọng về việc Anh có thái độ không muốn tham gia tích cực vào các cuộc thảo luận dàn xếp an ninh tập thể ở Đông Nam Á trước khi Hội nghị Geneva kết thúc. Cũng trong cuộc thảo luận này, Tổng thống Eisenhower đã nhắc lại quyết định chắc chắn của mình rằng Mỹ sẽ không can thiệp quân sự vào Đông Dương bằng hành động hành pháp. Ông đề nghị các phụ tá của mình giúp đỡ Pháp sửa chữa ba sân bay ở Đông Dương nhưng phải tránh mọi rủi ro không đáng có khi dính líu vào các hoạt động chiến đấu.
Tính khả thi của ý định Mỹ can thiệp vào Điện Biên Phủ cuối cùng đã tiêu tan khi cứ điểm đó thất thủ vào ngày 7/5. Tổng thống Eisenhower đã gửi thông điệp tới Tổng thống Pháp René Coty và Quốc trưởng Bảo Đại, ca ngợi những người “bảo vệ” Điện Biên Phủ và nhấn mạnh quyết tâm của thế giới tự do “trung thành với chính nghĩa mà vì nó họ đã chiến đấu”.
II.B.2.5. Đánh giá lại thuyết Domino sau Điện Biên Phủ
Sự sụp đổ của Điện Biên Phủ, và việc không tổ chức được một chiến dịch can thiệp thông qua “hành động tập thể” trước khi Hội nghị Geneva khai mạc vào cuối tháng 4/1954, đã khiến “thuyết Domino”, trọng tâm của chính sách của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á kể từ cuối thập niên 1940, được đánh giá lại. Việc để mất Bắc Bộ, hoặc Việt Nam, hoặc có lẽ tất cả Đông Dương, không còn được coi là điều tất yếu sẽ dẫn việc mất tất cả các nước Đông Nam Á vào tay cộng sản.
Theo đó, Ngoại trưởng Dulles trong một cuộc họp báo ngày 11/5 (bốn ngày sau khi Pháp đầu hàng tại Điện Biên Phủ) nhận định rằng “Đông Nam Á có thể được bảo vệ ngay cả khi thiếu Việt Nam, Lào và Campuchia”. Ông nhấn mạnh rằng mặc dù ông không muốn đánh giá thấp tầm quan trọng của những nước này, nhưng ông cũng không muốn tạo ấn tượng rằng “nếu các sự kiện mà chúng ta không kiểm soát được, không lường trước được, dẫn tới việc [cả khu vực] bị mất, chúng ta sẽ cho rằng tình hình chung là vô vọng và chúng ta sẽ bỏ cuộc trong tuyệt vọng…” Trong một nhận xét tại buổi họp báo mà sau đó đã bị xóa khỏi biên bản chính thức, Dulles nói rằng Lào và Campuchia “quan trọng nhưng không hề thiết yếu” bởi họ là các nước nghèo và ít dân.
Sau đó, khi Hoa Kỳ đành phải chấp nhận một thỏa thuận chính trị tại Geneva, “nhường” miền bắc Việt Nam cho chế độ Hồ Chí Minh, khái niệm “hành động tập thể” đã có một bước ngoặt mới. Bây giờ nó đã được chuyển thành nỗ lực tổ chức một liên minh phòng thủ tập thể tầm xa nhằm bù đắp cho sự thụt lùi ở Đông Dương và ngăn ngừa sự tổn thất hơn nữa. Sự thụi lùi đáng sợ bấy lâu nay giờ đây được coi là ít nghiêm trọng hơn so với dự tính trước đây. Việc mất Bắc Kỳ không còn được cho là nhất thiết dẫn đến việc Cộng sản tiếp tục chiếm các lãnh thổ giữa Trung Quốc và bờ biển Mỹ. Cuối cùng, với SEATO, Mỹ đã tìm cách tạo ra một liên minh đủ mạnh để chống lại sự sụp đổ của một quân domino như vậy.■
Thanh Trà (dịch)
Nguồn: Hồ sơ Lầu Năm Góc (Pentagon Papers), các phần II.b.1.3, II.b.2.3, II.b.2.4, II.b.2.5