Cuộc chiến đấu của quân dân Thủ đô chống Pháp trong những ngày đầu kháng chiến

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đã cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa, khiến các thế lực đế quốc vô cùng lo sợ, tìm mọi cách chống phá. Đứng trước muôn vàn khó khăn từ “thù trong giặc ngoài”, nhất là dã tâm quay lại chiếm nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, chính quyền cách mạng non trẻ đã cố gắng tìm các biện pháp đấu tranh mềm dẻo nhằm duy trì hòa bình. Tuy nhiên, chúng ta càng nhân nhượng thì thực dân Pháp càng lấn tới, buộc chúng ta không có lựa chọn nào khác là cầm vũ khí đứng lên chiến đấu để bảo vệ độc lập dân tộc. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch đã chính thức phát động cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta vào ngày 19/12/1946.

Tạp chí Phương Đông xin trích giới thiệu tới độc giả những trang nhật ký được viết vào cuối tháng 12/1946 của nhà sử học Trần Huy Liệu, in trong cuốn sách “Trần Huy Liệu với sử học” (NXB Khoa học Xã hội, 2011), với những mô tả sống động, chi tiết và khách quan về cuộc chiến đấu của quân dân Thủ đô Hà Nội trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp.

Ngày 19/12/1946

Quân Pháp đưa tối hậu thư cho ta buộc tự vệ phải nộp khí giới và hẹn kỳ hạn cuối cùng là 7 giờ tối. Đến 8 giờ 3 phút tối, ta bắt đầu nổ súng. Tức thì máy đèn do ta phá hủy được ngay. Đại bác ta tại pháo đài Láng bắn vào trại lính Pháp, nhiều lúc bắn hỏa pháo để rọi bắn. Vì không có điện, quân Pháp không thể chỉ huy cơ giới cho đúng, nên chỉ bắn bừa. Quân ta đột kích chiếm trường bay Gia Lâm, cướp được 32 chiếc máy bay. Quân Pháp đem xe thiết giáp và xe tank xông ra phía nhà ga và Hàng Bột, bị quân ta ném lựu đạn, 4 chiếc bị phá, 2 chiếc chạy rút về thành. Quân ta chiếm nhà dầu, nhà Pasteur, Sở tài chính, nhà của Ủy viên Cộng hòa Pháp tức là nhà Radirun cũ và hai đầu cầu Long Biên. Quân cảm tử của ta đã có lần xông vào cửa Bắc và cửa Đông, nhưng bị quân Pháp bắn riết quá, một trung đoàn Vệ quốc đều tử tiết. Hiện nay ta còn bao vây trại lính Pháp.

Ngày 20/12/1946

  • Sáng nay, ta hạ của Pháp một chiếc máy bay (có lẽ chúng đem từ Hải Phòng, Lạng Sơn lại). Đến 11 giờ, 4 chiếc máy bay khác đến, bị cao xạ ta bắn, bay đi.
  • Đêm qua, Vệ quốc đoàn bơi qua Hồ Tây vào đánh trường Chu Văn An và chiếm được ngay.
  • Đêm qua, 3 em nhỏ đã bò vào đất kho dầu của Pháp có 9.000 lít.
  • Quân Pháp núp tại nhà thờ Nam Đồng bắn ra, bị ta vây đánh phải đầu hàng.
  • Quân Pháp tại nhà De Lavo ở phố Hàng Bột bị ta đánh giết được 2 con nó.
  • Tại Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Dương, Pháp đầu hàng không điều kiện.
  • Tại Nam Định, quân ta đến 1 giờ rưỡi đêm mới phát động, nên quân Pháp kịp phòng bị, bắn ra rất dữ. Ta chỉ bao vây bắn vào.

Pháp kiều ở Hà Nội chào đón binh sĩ Pháp quay trở lại sau Hiệp định sơ bộ 6/3/1946. Ảnh: anac-fr.com

Ngày 21/12/1946

  • Hôm qua, Pháp ném bom xuống làng Vạn Phúc, chết 3 người.
  • Hôm qua, Pháp ném bom xuống tỉnh lỵ Hà Đông bằng thứ bom 25 cân, nảy lửa, nhưng không làm chết ai. Chỉ có một số người bị thương, nhiều quả bom không nổ (tại trước nhà thờ). Trong lúc ném bom, một tên Việt gian trong ban tiếp tế vẫy khăn làm hiệu cho máy bay Pháp ném bom xuống khu Vệ quốc đoàn, bị ta bắt được (nó đứng dưới hầm, vẫy khăn tới 4 lần).
  • Sáng nay, quân Pháp đương đánh về phía Hàng Bột.
  • Cầu Hà Đông và cầu Vạn Phúc đã bị ta phá hủy.
  • Trong lúc Pháp ném bom tại Hà Đông, nhiều tự vệ vác súng trường đuổi bắn máy bay; có người cao hứng bắn cả súng lục.
  • Hôm qua, Pháp phản công chiếm mất Nhà hát lớn, nhà ga, nhà dầu, khu Cửa Nam, Hỏa Lò, Thị chính; còn Bắc Bộ phủ bị bao vây, mất liên lạc. Nhà De Lavo, ta chưa chiếm được.
  • 12 giờ 24, C.A của ta ở Láng hạ được một máy bay Pháp.
  • Tại Nam Định, ta chiếm được nhà máy tơ, giết mấy chục tên Pháp và phá mấy cỗ xe.
  • Trác Vi Nam, Tiểu đoàn trưởng đánh trường Bưởi.
  • Thái Dũng chỉ huy Vệ quốc đoàn đánh vào Cửa Bắc.
  • 200 tù binh Pháp bị bắt tại khu Lãng Bạc.
  • Tự vệ ở nhà đại học và công nhân tại nhà ga đánh rất anh dũng, nhưng sau có lệnh rút lui.
  • Đại bác ta bắn vào trại lính Pháp gây nhiều đám cháy: có đám khói đen, có đám khói trắng.

    Quân và dân Thủ đô dựng chiến lũy cản bước tiến của giặc Pháp. Ảnh tư liệu TTXVN
  • Lúc chiến tranh vừa nổ, ta liền đi quét những ổ kháng chiến của Pháp. Có đến 7/10 ổ lọt vào tay ta. Do đó, ta chiếm được một số khá khí giới. Trong những ổ này, có ổ ở phố Nguyễn Du chống lại với ta kịch liệt hơn cả.
  • Tại nhà Lami và nhà Majestic, ta dùng kế đào hầm từ ngoài vào thình lình nhảy lên đánh giết Pháp, Pháp phải hàng.
  • Khi Pháp đánh Ty Công an quận nhất, ta dùng “bom 3 càng” phá hủy được 2 chiếc xe thiết giáp và giết được 30 lính Pháp. Công an xung phong của ta đánh rất anh dũng. Rốt cục, Pháp chiếm được công an.
  • Hai đầu cầu Long Biên vẫn bị quân Pháp đóng giữ, quân cảm tử của ta dùng thuốc nổ ngầm phá quãng giữa cầu; nhưng chỉ đốt cháy được những tài liệu bằng gỗ, còn sắt chỉ quằn lại.
  • Lúc mới khởi chiến, công nhân của ta chiếm ngay được những nhà Stai, Bière-Hommel, nhà máy giặt Yên Thái.
  • Khi Pháp đánh vào ga, bom của ta ném không nổ, nên không sao cản được xe thiết giáp của địch. Rút cục, công nhân tự vệ đội của ta phải rút lên gác kháng chiến rất anh dũng cho tới khi được lệnh rút lui.
  • Tự vệ Hàng Bông, Hàng Đào rút lui trước khi chiến đấu.
  • Bắc Bộ phủ bị vây đánh, không tin tức và mất liên lạc.

Ngày 23/12/1946

  • Anh phụ trách phá hủy trường bay Gia Lâm đáng lẽ phải có mặt ở đấy từ trước để điều động dân cảm tử 9 làng quanh đó đúng 20 giờ 19/12 thì xông vào phá hủy. Nhưng mãi tới 19 giờ rưỡi anh mới tới gần, lại bị tự vệ Gia Lâm tình nghi bắt giam tới 21 giờ rưỡi mới thả ra nên lỡ giờ hỏng việc.
  • Số lính Pháp ở Hà Nội 4.500 và kiều dân; Bắc Ninh 500; Nam Định 800.
  • Cho tới hôm nay, Bắc Giang chưa có tin tức gì cả.
  • Tin tức của ta sở dĩ chậm trễ và thất lạc là vì điện đài dời đi chỗ khác.
  • Triệu Anh Dũng đốc chiến ở Bắc Bộ phủ rất anh dũng.
  • Thái Dũng chỉ huy Vệ quốc đoàn đuổi đánh quân Pháp xông vào cửa giặc: đốt được 2 xe thiết giáp; cướp được một xe gạo; một số lính mũ đỏ giơ tay hàng.
  • Hôm qua, quân Pháp đã lấy lại được trại Trung ương Vệ quốc đoàn.
  • Sở dầu Shell tại đầu đường Khâm Thiên có một tiểu đội của ta ở đó đóng chung với quân Pháp. Khi thấy tắt đèn và súng nổ, tiểu đội ta không biết kịp thời hành động, lại rút ra ngoài. Quân Pháp một mình chiếm đóng, đốt một ít dầu để lừa ta tin rằng dầu đã bị cháy hết.
  • Tin Nam Định: quân ta chiếm trại lính Careau cũ; quân Pháp rút vào thủ thế ở nhà máy sợi và nhà băng. Súng ta chỉ có thể bắn vỡ từng mảng tường nhà Bangue, chứ không phá nổi. Năm người xung phong vào, nhưng không được. Một vài Vệ quốc đoàn và một số tự vệ đào ngũ. Ta tiến đánh không thống nhất. Quân Pháp ngày đánh lấn đất, đêm nghỉ.
  • Đài phát thanh Pháp nói Sainteny trước khi lên bàn mổ, có tuyên bố: hắn là nạn nhân của sự phản bội của ta.
  • Tại Hà Nội, tên phụ trách liên kiểm Pháp là Fonk có thả một người liên kiểm ta bị bắt từ trước đi tìm cụ Hồ để trao một bức thư. Trong thư ký tên Léon Blum và Marius Moutet, đại ý nói tiếc vì chiến sự xảy ra trước khi Moutet tới và nhắc đến việc Sainteny bị trọng thương. Yêu cầu ta hạ lệnh ngừng bắn để thương lượng và từ sau phải đính ước một cách thành thực, nhất định không dung thứ những sự bội ước.
Quân Pháp chiếm đóng Dinh Chủ tịch. Ảnh của Claude Guinoneau/AAVH, có lẽ được chụp vài ngày ngay sau Toàn quốc kháng chiến. Nguồn: Facebook Hanoi1946
  • Hôm trước, tin Pháp báo Nguyễn Tường Tam và Nguyễn Hải Thần có tuyên bố với các nhà báo Tàu là sẵn sàng nhờ Anh, Mỹ làm trung gian để điều đình với Pháp. Hôm nay Mỹ cải chính là không có người Việt Nam nào nhờ Mỹ can thiệp vào việc điều đình với Pháp.
  • Báo New York Times nói vì Pháp muốn thắt chặt khối Liên hiệp Pháp hơn khối Liên hiệp Hà Lan Nam Dương nên Việt Nam không chịu, đánh lại.
  • Lãnh sự Tàu đánh điện về nước nói Pháp đã làm chủ tình thế tại Hà Nội.
  • Từ hôm chiến sự bùng nổ, đến mãi hôm qua, Pháp vẫn không liên lạc được tin tức với ngoài, nên Mautet và d’Argenlieu đều tuyên bố nói không nhận được tin tức gì đích xác ở Hà Nội cả. Nghe đâu hôm nay nó đã liên lạc được.
  • Vũ khí Pháp đánh với ta ở Hà Nội lợi hại nhất là hai thứ 1302 và 1237.
  • Hôm qua, ta đã liên lạc được với Bắc Bộ phủ.
  • Chiều hôm qua, Pháp rút ra khỏi khu Đấu xảo và Ty Công an Trung ươn
  • Hôm qua, ta ra lệnh cho bộ đội cố đánh lấy lại nhà ga và hãng dầu Shell để dây liên lạc giữa nội thành với ngoại thành khỏi bị cắt đứt. Nhưng tới nay chưa có tin tức gì.
  • Ta chiếm viện Pasteur lấy được một số ít khí cụ và vải.
  • Pháp ba lần đổ bộ vào Vĩnh Tuy, nhưng không được. Sau, một toán quân Pháp từ Đồn Thủy đánh sang chiếm được Vĩnh Tuy. Tối qua, ta đã lấy lại được.
  • Số tù binh Pháp bị ta bắt ở Hà Nội tới nay có hơn 100.
  • Số tù binh Pháp bị ta bắt ở Lạng Sơn là 10 người.
  • Trong cuộc chiến đấu giữa quân Pháp với ta tại Ty Công an quận nhất; công an ham bắn nửa giờ bị hết đạn. Quân Pháp tự nhà cố đạo mé sau đánh sang, xe tank ủi đổ tường, quân công an phải hợp với tiểu đội tự vệ tại báo quan Cứu quốc đánh vỡ toang mé tường về phía nhà trước bạ để rút lui. Tự vệ c.q chết mất 3 người.
  • Tại khu đại học, ta giết được 30 Pháp và chiếm được nhiều khí giới.
  • Những khí giới ta chiếm được của Pháp phần nhiều là súng trường và liên thanh hạng nhẹ.
  • Tại ga, ta ném 8 quả bom, 6 không nổ.
  • Đạn 1237 của Pháp xuyên qua tường chết người.
  • Sau khi 3 máy bay Pháp bị cao xạ ta ở pháo đài Láng bắn rơi, Pháp dò biết và tập trung bom cùng liên thanh xuống cỗ súng cao xạ của ta, bắn trúng “cân” của nó, phải chữa đến hơn một ngày mới xong.
  • Các làng xung quanh trường bay Gia Lâm bị Pháp khủng bố dữ.
  • Mìn của ta phá cầu Long Biên chỉ có 4 phát nổ (hạng 50 cân).
  • Hiện nay, ban ngày, Pháp tập trung quân đội đánh chiếm từng khu, tối nghỉ. Trái lại, ta đánh không ngừng, nhất là ban đêm.
  • Hôm qua, một tiểu đội của ta bị Việt gian giả làm người của Ban tiếp tế đem rượu thuốc cho uống nói là để bổ cho hăng sức. Một giờ sau, cả tiểu đội đều chết.

Ngày 24/12/1946

  • Quân Pháp ở Nam Định vẫn được tiếp tế bằng đường thủy.
  • Quân Pháp ở Hải Phòng cố mở một con đường đánh thông lên Hải Dương, hiện đã chiếm được Vật Cách thượng.
  • Ta không triệt để tiêu thổ được vì thiếu khí cụ và dầu.
Khẩu đại bác của ta đặt ở làng Láng chuẩn bị nhả đạn vào quân Pháp đang gây hấn ở Hà Nội. Ảnh tư liệu TTXVN

Ngày 25/12/1946

  • Tại những huyện Thanh Oai và Chương Mỹ, mỗi làng xóm đều dựng lên những chòi cao để mỗi buổi tối, người phụ trách thông tin báo loa kể những tin tức cho người làng xóm nghe. Trong những ngày ta đánh với Pháp, mỗi chỗ công cộng đều có bảng đen viết phấn ghi những tin tức chiến đấu mỗi ngày.
  • Tại làng Viên Ngoại (Ứng Hòa) có những khẩu hiệu “đả đảo tư sản”, “ủng hộ vô sản” và “tiến tới xã hội chủ nghĩa”. Có những cán bộ sau một thời hạn chịu sự huấn luyện ở phủ về, ứng dụng ngay mấy cái “mâu thuẫn” trong bài nghiên cứu về tình trạng thế giới trong thế kỷ thứ XX, như: “mâu thuẫn giữa tư bản với tư bản” là “mâu thuẫn giữa phú nông với phú nông trong làng”; “mâu thuẫn giữa tư bản với vô sản” là “mâu thuẫn giữa phú nông với dân nghèo trong làng”.
  • Tại Chương Mỹ, thường có những đàn chim cắt vụt bay qua.
  • Trong cuộc chiến đấu giữa ta với Pháp, mấy ngày đầu, do những tin tức không đúng sự thực đã gieo vào trong dân chúng một tâm lý quá ư lạc quan về thắng lợi của mình. Họ thường hỏi nhau: “Pháp đã hàng chưa?”, “Bao giờ lại yên?”, “Bao giờ trở về Hà Nội?”.
  • Khi chúng tôi đến làng Đồng Lệ, mấy em nhi đồng với những mặt mũi nhem nhuốc quần áo rách rưới tìm đến chơi. Trước khi chào hỏi, các em lúng túng không biết nên gọi chúng tôi là “ông” hay “anh”. Rồi đó, các em thảo luận và biểu quyết gọi chúng tôi bằng “anh”. Thấy các em hay nói tục, tôi bảo một đứa sõi nhất trong đám là sao không bảo mấy em kia đừng nói tục. Em nói để hôm nào “họp” sẽ nói.

Ngày 27/12/1946

  • Những tù binh Pháp mà ta bắt được từ hôm mới đầu tại các con đường Trần Hưng Đạo và Ôn Như Hầu nhốt tại khu Đấu Xảo, sau bị quân Pháp đánh tháo được cả.
  • Quân Pháp ban ngày kéo ra ngoài phố, ban đêm lại rút vào thành.
  • Quân ta tại khu hồ Bảy Mẫu đã rút ra ngoài thành từ rạng ngày 24/12 sau khi quân Pháp đem xe tăng, thiết giáp và dội bom xuống quân ta tại trụ sở Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội. Trước đây, tại khu này, ta đã đánh chiếm được ba ổ tác chiến của Pháp tại đường Bà Triệu và đường Mirilul cũ.
  • Tại khu này, quân ta không ai bị chết, chỉ bị thương xoàng. Được các nữ cứu thương trong phố tiếp tế rất hậu: thịt gà, thịt chó, súp thịt bò…, nhưng cơm thường sống và khê.

Ngày 28/12/1946

  • Trong những ngày đánh nhau trong phố, ta vẫn có ban Tuyên truyền xung phong báo loa báo cáo tin tức chiến đấu cho các quân dân biết.
  • Toàn dân kháng chiến ra hình thức “Sự Thật”.

Ngày 29/12/1946

  • Cuộc ném bom tại Thường Tín vừa rồi chết mất hơn 10 người tù thường phạm, hơn 10 tự vệ và mấy người thường dân.
  • Hôm qua, Pháp nã bom xuống Trúc Sơn.

Ngày 30/12/1946

  • Ngày 29/12, tại Thanh Trì, Pháp nghi ta mới đem một cỗ đại bác vào đó, liền một ngày 3 lần ném bom. Lần thứ nhất vào 7 giờ sáng, bom đều ném xuống ruộng. Lần thứ nhì vào trại cứu thương, chết một người.
  • Tại Trung Kính, đạn mortier bắn trúng trụ sở tiếp tế.
  • Thổ phỉ núp tại nhà thương Cống Vọng.
  • Tại khu Đông Thành, dân chúng lấy bao gai đựng những đá rải đường làm chiến lũy cao đến tầng gác thứ nhì và đánh gập những cột xi măng cốt sắt bắt túa ngang đường.
  • Khu Mê Linh (phía lò lợn), tinh thần tự vệ cao.
  • Pháp do con đường Trường Thi kéo đến đánh Bắc Bộ phủ, qua Ty công an quận nhất bị ta chặn đánh. Cuộc giao chiến từ 8 giờ tối 19 đến 3 giờ sáng 20, công an phải rút lui qua lối Cứu quốc, truyền qua những nóc nhà về phía ngõ Huyện, bị quân Pháp từ nóc nhà thờ bắn xuống; khi ra đến đường Julien Blanc cũ lại phải đánh nhau với quân Pháp lần nữa.
  • Lúc khởi chiến, quân Pháp tự nhà Morlière bắn sang trụ sở quốc hội, ta chết một vệ quốc quân.
  • 14 giờ 29/12, Pháp bắn vào 2 chiếc phà ở bến Mai Lĩnh.
  • Cũng hôm qua, Pháp bắn vào ô tô ở phủ Thanh Oai, Kim Bài và Vân Đình.
  • Ngày 22, ta đánh chiếm được một đầu cầu Đuống. Tức thì bị Pháp nã bom xuống và súng máy từ Gia Lâm bắn sang rất trúng đích. Ta giữ được nửa ngày phải rút, chưa kịp phá hủy gì. Trong trận này, một tiểu đội trưởng Vệ quốc đoàn trước kia thuộc bộ đội q.z ở Vĩnh Yên, lưng chừng không chịu đốc quân kháng chiến, bị tự vệ đạp cho một cái và Vệ quốc quân phản đối.
  • Pháp mấy hôm nay tập trung bom đạn vào pháo đài Láng, Đ.CA của ta bị phá hủy một phần, phải chữa.
  • Khu 1 từ Cửa Nam đến Hàng Đậu.
  • Tại Hàng Đào, ta sẻ rãnh, đào đường, chất bàn ghế cao ngất. Ở đây đã phá được 2 xe của Pháp. Đ.C Triệu, Tiểu đội trưởng từ Bắc Bộ phủ rút ra giúp vào việc kháng chiến ở đó.
  • Tại Hàng Đào và Hàng Bồ, thanh niên Việt Nam cùng thanh niên Tàu hiệp lực chống Pháp.
Một tổ chiến đấu của quân ta trên đường phố Hà Nội sau ngày Toàn quốc kháng chiến năm 1946. Ảnh: Nguyễn Bá Khoản
  • Pháp xúi lãnh sự Tàu điều đình với ta lập khu an toàn. Có lần lãnh sự Tàu cầm cờ Tàu đi thăm những kiều dân Tàu, chủ ý là xem xét địa thế và tình hình cho Pháp.
  • Đêm qua và đêm kia, Pháp bắn rất nhiều về phía gần cầu sông Cái để cản đường tản cư của ta.
  • Một đồng chí Tàu nói về cuộc chiến đấu anh dũng của ta, bảo Tàu không được như thế.
  • Phê bình lời tuyên bố của Moutet tại Sài Gòn, báo Le’Humanité nói người ta phải ngạc nhiên khi nghe câu nói của ông Moutet; báo Franc-tirneu nói ông không những mâu thuẫn với Đảng Xã hội, mà còn mâu thuẫn với cả ông nữa.
  • Nước Nga sau một năm kháng chiến mới nói là phá được hết tâm lý thời bình.
  • Những xác Việt gian và thổ phỉ mà ta giết ở trong phố thường ném ra bờ sông ban đêm. Còn người của ta thì chôn tại một miếng đất trống Hàng Bạc.
  • Tại các khu phố của ta đóng giữ, Hoa kiều đi đâu phải xin phép tự vệ và bán hàng cho tự vệ rẻ hơn người khác.
  • Trận đánh Hà Trung, quân Pháp tiến vào chỗ bí tắc phải quay lại bị ta bổ ra đánh giết.
  • Công an xung phong là những người trong đội danh dự của Mặt trận Việt Minh trước hồi khởi nghĩa. Chính họ đã giúp một phần lớn vào việc thanh trừ bọn Việt quốc. Họ rất thạo các ngách đường, thường núp trên các chùm cây, ống máng để bắn quân Pháp. Trước ngày khởi chiến 19-12, có người bị quân Pháp vây bắt tại phố Hàng Bún vẫn nằm trên nóc nhà cho đến ngày khởi sự mới sồ ra giết Pháp.
  • 30 công nhân và 5 người cảm tử trong một tiểu đoàn đã xông vào đánh chiếm hãng Shell. Lúc cướp được cỗ đại bác của địch, hai người hì hục tháo súng bỗng bị bom nổ ném tung cả 2 anh ra, nhưng không chết.
  • Ban đêm, quân Pháp thường dùng kế nghi binh, có chiếc xe tank chiếu đến 8 cái đèn pha đủ các mặt, nhưng trong đó chỉ có vài thằng Pháp. Quân Pháp thường luân chuyển luôn, vì vậy có nhiều nơi sau khi thăm dò ban ngày, ta kéo đến đánh úp thì chỉ là chỗ trống không.
  • Pháp thường đánh theo lối chữ V: Tiến quân làm thành một mũi dùi, để thổ phỉ và ít quân ở chỗ đầu rồi đánh vòng lại bao vây ta.
  • Pháp đem quân theo đường thủy đổ bộ ở Hải Dương. Chiến thuật của nó là đánh một chỗ cho ta tụ lại rồi đem thủy quân đánh vòng để tiến lên. Hiện thổ phỉ và một ít quân Pháp đã tới Cẩm Giàng.
  • Tại Bắc Giang, Pháp đào hầm thủ thế để bắn ra, quân ta mấy lần xung phong đều bị thất bại.
  • Từ Hải Phòng đến Móng Cáy hiện nay đều bị Pháp kiểm soát. Từ Móng Cáy đến Tiên Yên, Pháp đã liên lạc lại được. Cán bộ của ta ở Hòn Gay bị Pháp bắt.
  • Số quân Pháp ở Nam Định từ 800 chết còn có 600. Quân ta chiếm được nhà máy sợi nhỏ, nã mortier vào nhà máy sợi lớn. Quân Pháp đào hầm trong nhà máy để chống cự. Ta đã quét sạch được quân Pháp ở nhà ga.
  • Tại Bắc Giang, Pháp đào giếng để uống.
  • Mật điện của Pháp báo tin tại Huế, chúng thiếu quân và tại Nam Định, chúng bị cắt dây liên lạc.
  • Khi bắt đầu chiến tranh, ba con đường từ Việt Nam sang Lào là những đường số 7 và số 8 số 9 thì 2 đường 8 và 9 bị chặn. Ta quấy cho Pháp không yên.
  • Chất nổ của ta đặt tại cầu Long Biên đã làm cầu vỡ nhả ra tới 50 phân. Hiện Pháp đã chữa lại được.
  • Ta đã biết cách chữa lại và dùng “bom ba càng”.
  • Bazoka là một thứ súng Đức.
  • Những báo tại các khu trong thành Hoàng Diệu có những tờ in thạch hay đánh máy. Tại khu Đông Thành có tờ “Cảm tử”.
  • Tại khu Văn Miếu, trẻ em vẫn đàn hát trên các Tự vệ chiến đấu.
  • Sau việc ném bom ở Thanh Trì, nhiều tự vệ mất tinh thần đến không dám gác ban ngày.
  • Đài phát thanh Tàu đều phỏng theo tin tức của AFP.
  • Cách đây 3 hôm, đài phát thanh Moscou nói về chiến sự ở Việt Nam, dựa theo tin tức của báo Combat bên Pháp, bài xích chính sách võ lực và d’Argenlieu.
  • Tại Huế, Công giáo tỏ rõ thái độ chống Pháp.
  • Những Việt gian bị bắt ở Hà Nội gần đây đều có dính líu với z.
  • Mật điện của Pháp ở đây đánh về nước vu cho ta đánh nó vì có Nhật ở trong.
  • Ngày 19/12, mìn của ta ở Hàng Đậu đã phá được 2 xe thiết giáp của Pháp.
  • Tại đình Thái Cam, một công nhân đã lấy tay đỡ lựu đạn.
  • Tại làng Hữu Tiệp, tự vệ lớp kháng chiến; lớp vẫn coi báo.
  • Một vài chiến lũy tại ngoại ô có cả bộ sa lông, trên có lọ hoa.
  • Tại lò lợn, một tiểu đội ta bị tiêu diệt.
  • Quân ta tại Bộ Quốc phòng (trường Đồng Khánh cũ) sau khi đánh lui quân Pháp, lại lẻn ra tập kích Liên kiểm Pháp tại đằng sau.
  • Tại Quân y viện, ta chỉ có 6 vệ quốc quân đương cự với 4 xe tank Pháp, đến sáng 20/12 mới rút lui.
  • Bảng danh dự: Tôn Chí giết được 30 Pháp, Đinh Huy Liên 11; Nguyễn Văn Vỹ 13; Nguyễn Ngọc Phú 10; một Trung đội trưởng là anh Quý một ngày giết tới 10 tên Pháp. Anh Vơn ở Ngọc Hà từ ngày khởi chiến, thường cởi trần đánh trận, giết Pháp rất nhiều. Tục gọi là “hùm xám”. Hôm vừa rồi, anh bị thổ phỉ núp bắn xuyên qua mũ sắt chết ngay.

Ngày 31/12/1946

  • Pháp vây ngõ Chấn Hưng bắt những người chưa kịp tản cư lùa ra xe, rồi lựa những đàn bà con gái để riêng đem vào thành hãm hiếp, còn thì trai, gái, già, trẻ đều bị chúng bắn chết tại chỗ. Riêng gia quyến Trần Văn Lại bị chết 6 người.
  • Sau khi Pháp bắn một cái chòi ở Thanh Oai, các chòi phát thanh tại các làng hạt Hà Đông hàng ngày dùng để báo cáo tin tức với dân làng đều bãi bỏ.
  • Pháp mấy hôm nay luôn luôn rải truyền đơn phản tuyên truyền lại ta. Không có truyền đơn nào không nhắc đến giấy bạc Việt Nam. Coi đó biết giấy bạc Việt Nam đã đánh chúng một cú điểm huyệt.■

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN