Nhân dịp chào mừng ngày Giải phóng Thủ đô 10/10, Tạp chí Phương Đông xin gửi tới quý độc giả chùm tư liệu bao gồm hai bài viết đăng trên Báo Nhân Dân ngày 11/10/1954 do các phóng viên báo Nhân dân tại Hà Nội tường thuật lại quá trình Quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp quản Thủ đô từ ngày 9 – 10/10/1954; bài Trưởng thành trong chiến đấu điểm lại những chiến công của Trung đoàn Hà Nội kể từ khi kháng chiến chống Pháp bắt đầu nổ ra cho tới thắng lợi vẻ vang vào năm 1954. Báo Quân đội Nhân dân ngày 14/10/1954 cũng có bài viết đặc sắc miêu tả khung cảnh ngoại thành vào ngày Giải phóng Thủ đô. Hi vọng những tư liệu trên sẽ cung cấp cho quý độc giả những góc nhìn chân thực, sinh động nhất về một ngày lễ tiêu biểu, không thể quên trong tháng 10 này. (*Tiêu đề chung do BBT đặt)
Ngày 9/10/1954, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiếp thu hoàn toàn Thủ đô Hà Nội
Phóng viên Hà Nội
(Báo Nhân Dân, số 237, ngày 11/10/1954)
– 9 giờ 25 sáng ngày 9 tháng 10, Quân đội ta đã vào Phủ Toàn quyền cũ và đến 10 giờ 30 đã vào Bắc Bộ phủ.
– Đến 4 giờ chiều, toàn bộ Quân đội Liên hiệp Pháp đã rời khỏi Hà Nội, rút hết sang phía Đông cầu Long biên.
– Toàn thể nhân dân Hà Nội tưng bừng, náo nhiệt hoan nghênh Quân đội Nhân dân ta trở về Thủ đô Hà Nội.
6 giờ sáng ngày 9/10/1954, Quân đội Nhân dân Việt Nam từ ngoại thành đã tiến vào tiếp thu Hà Nội. Từ 5 giờ sáng, sĩ quan liên lạc của Quân đội Nhân dân Việt Nam và sĩ quan liên lạc của Pháp đã gặp nhau để chuẩn bị việc bàn giao và tiếp thu. 5 giờ 45, việc tiếp thu bắt đầu. Các đơn vị chủ lực của Quân đội Nhân dân ở đường Đê La Thành từ 3 giờ chiều hôm qua đã chia làm nhiều cánh tiến vào 5 cửa ô chính rồi tỏa ra các khu. Đoàn xe của bộ phận tiếp thu tiến đến các phố vừa vặn đúng trước khi quân đội Pháp sắp rút hết.
8 giờ 15, quân ta đã tiếp thu Nhà ga Hà Nội, 9 giờ 25 tiếp thu xong Phủ Toàn quyền cũ, 10 giờ 30 tiếp thu xong khu Đồn thủy, Bờ Hồ, Bắc Bộ phủ, 11 giờ 20 tiến vào nội thành Hà Nội. Đến 4 giờ chiều, quân đội Pháp đã rời khỏi khoảnh đất cuối cùng của thành phố Hà Nội, rút hết sang phía Đông cầu Long Biên. Bộ đội ta đã tiếp thu hoàn toàn thành phố Hà Nội, gọn gàng và trật tự. Bộ đội ta tiến đến đâu, phố xá vụt biến đổi đến đó. Mới vài phút trước, tất cả còn im lim, tẻ ngắt. Đoàn xe của bộ đội ta vừa tiên đến, nhân dân mở tung cửa ra hẳn cả hai bên đường, phất cờ, tung mũ, vỗ tay reo mừng không ngớt. Cờ đỏ sao vàng mọc lên rợp đường, xen lẫn với cờ các nước bạn, màu sắc hòa hợp với nhau thành một bức tranh tuyệt đẹp. Những cổng chào, những khẩu hiệu lớn chăng ngang các đường phổ: “Hoan nghênh Quân đội Nhân dân Việt Nam anh dũng!”, “Triệt để tin tưởng Chính phủ Dân chủ Cộng hoà!”, “Hồ Chủ tịch muôn năm! Đảng lao động Việt Nam muôn năm!”.
Công nhân và thanh niên tự vệ các phố cùng với các đội công an hành chính của Chính phủ vào mấy hôm trước đã sẵn sàng có mặt, phối hợp với bộ đội giữ gìn trật tự chu đáo. Ở nhà máy điện Bờ Hồ, công nhân đón mừng bộ đội xong lại trở vào tiếp tục sản xuất ngay. Trong lúc công việc tiếp thu tiến hành trong thành phố Hà Nội, thì ở ngoài đại quân của ta (bộ binh, pháo binh, cao xạ….) tiếp tục tiến vào các khu ngoại thành để chuẩn bị cuộc hành quân lịch sử vào Thủ đô ngày 10 tháng 10 năm 1954.
Đêm mồng 9 tháng 10, Thủ đô Hà Nội sáng rực màu sắc tươi vui của những cổng chào, cờ, băng… huy hoàng trong ánh điện. Lệnh giới nghiêm của Uỷ ban Quân chính Hà Nội được chấp hành khắp nơi, trong khi đó nhà nào cũng chong đèn, rộn rịp chuẩn bị thêm để đón tiếp một cách xứng đáng đại quân và Ủy ban Quân chính Hà Nội vào thành phố sáng hôm sau.
Tin sau cùng
Quân đội ta đã mở cuộc hành quân lịch sử vào Thủ đô Hà Nội ngày 10/10/1954
Sáng ngày 10/10/1954, đại quân của ta gồm bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới… đã từ ngoại thành mở cuộc hành quân lịch sử vào Thủ đô Hà Nội. Bộ binh chia làm hai cánh lớn: Cánh quân thứ nhất xuất phát lúc 8 giờ từ cửa ô Kim Mã tiến qua phố Hàng Đẫy, Hàng Bông, Hàng Gai: 9 giờ đến Hàng Ngang, Hàng Đào; 9 giờ 45 tiến vào cửa Đông thành Hà Nội. Cánh quân thứ hai xuất phát lúc 8 giờ 45 từ Việt Nam Học xá, tiến theo đường Duy Tân, Đồng Khánh: 9 giờ 40 đến chợ Hôm; 10 giờ 10 đến bờ Hồ Hoàn Kiếm; 10 giờ 40 tập kết ở hai khu Đấu xảo và Đồn thủy.
Pháo binh và những đơn vị bộ binh đi xe hơi xuất phát lúc 9 giờ 30 từ Bạch Mai; 10 giờ 15 đến Bờ Hồ; 10 giờ 30 đến chợ Đồng Xuân, sau đó vào tập kết trong thành Hà Nội, chuẩn bị lễ chào cờ vào 3 giờ chiều.
Nhân dân đón mừng bộ đội suốt hai bên đường phố đã dựng thêm nhiều cổng chào lớn, căng thêm nhiều khẩu hiệu mới rực rỡ. Đông nhất là ở Hàng Ngang và Hàng Đào.■
Trung đoàn Thủ đô trưởng thành trong chiến đấu
Vũ Yên
(Báo Nhân Dân, số 237, ngày 11/10/1954)
Giữa lúc quân đội của chúng ta tiến vào tiếp thu Hà Nội, chúng ta làm sao khỏi nhớ lại những ngày chiến đấu ác liệt ở Liên khu 1 Hà Nội 8 năm trước đây? Khi đó, Trung đoàn Thủ đô đã cùng toàn thể nhân dân Thủ đô dũng cảm dùng dao, gậy, lựu đạn, súng bắn chim, súng trường, xông lên diệt địch tỏ rõ ý chí bất khuất của Thủ đô.
Lòng yêu nước, yêu Thủ đô, yêu Hồ Chủ tịch là sức mạnh không gì lay chuyển nổi của các chiến sĩ Thủ đô. Đồng chí Ninh, một công nhân phụ trách tổ bom ở cầu Long Biên, đã nhiều lần tự tay đốt bom, bị chết đi sống lại mấy lần vẫn không lùi bước. Đồng chí Giang, một công nhân khác dưới lưới lửa súng máy của địch đã gan dạ xông vào nhà máy để làm nhiệm vụ. Đồng chí chính trị viên Lê Gia Định một mình với một quả bom 100 cân, anh dũng chiến đấu đến cùng để bảo vệ Bắc Bộ phủ, nơi làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Em Lai 16 tuổi cùng hai em gái nữa chiến đấu và bị bao vây ở trường Ke. Các em anh dũng nhảy từ trên gác xuống đi tìm bộ đội và dẫn bộ đội trở lại giành lấy vị trí vừa mất. Ngày đêm giằng co với địch từng mô đất, bờ tường, góc nhà, các chiến sĩ Thủ đô đã làm hao mòn lực lượng, nao núng tinh thần quân đội tinh nhuệ của Leclerc, đã diệt và làm bị thương trên 2000 địch. Các trận Bắc Bộ phủ, nhà Sova, Hàng Thiếc, chợ Đồng Xuân, trường Bờ sông, Cửa Nam… là những chiến công rực rỡ trong lịch sử bảo vệ Thủ đô. Suốt hai tháng chiến đấu ác liệt, sau khi làm trọn nhiệm vụ, Trung đoàn Thủ đô chọc thủng vòng vây của địch, rút toàn vẹn ra ngoài. Bước ra đi, các chiến sĩ luyến tiếc ngoảnh lại nhìn Thủ đô yêu quý, hứa hẹn ngày trở về. Từ đó, Trung đoàn Thủ đô chuyển về nông thôn, cùng với toàn dân, toàn quân xông pha trong cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ nhưng nhất định thắng lợi. Truyền thống anh dũng của Trung đoàn ngày càng được tôi luyện, sáng chói trong các chiến dịch.
Thu đông 1947, quân đội Pháp tấn công lên Việt Bắc. Lần đầu tiên thử thách chiến đấu ở rừng núi, hành quân hàng nghìn cây số, thiếu thốn mọi mặt, các chiến sĩ Thủ đô vẫn bền gan vững chí. Đói rét, ốm đau chỉ làm các chiến sĩ Thủ đô tăng thêm chí quyết thắng. Chiến thắng Đèo Giàng, Phục Linh, Quán ông già của Trung đoàn vang lên cùng với chiến thắng Đoan Hùng, Bình Ca, Bông Lau… của các đơn vị khác, đã góp phần vẻ vang vào thắng lợi trong chiến dịch Việt Bắc Thu – Đông 1947. Binh đoàn Beaufré đại bại cắm đầu chạy dài về xuôi.
Mùa hè 1949, chiến dịch sông Thao bắt đầu mở. Các vị trí Đại Bục, Khe Phìa, Ngòi Mác, Gióm của địch lần lượt bị tiêu diệt trước sức tấn công mãnh liệt của chiến sĩ Thủ đô.
Năm 1950, bước vào chiến dịch Lê Hồng Phong, các chiến sĩ Thủ đô lại tiêu diệt Phố Lu, một vị trí quan trọng của quân đội Pháp ở Tây Bắc. Đây là trận công kiên đầu tiên của quân đội ta, đánh lâu dài, đánh tập trung ở thị trấn. Trong trận này, chiến sĩ Hội đã hy sinh anh dũng, lấy thân mình lấp lỗ châu mai cho đồng đội tiến.
Rồi qua các chiến dịch Biên giới, Hoàng Hoa Thám, Hòa Bình, Tây Bắc, các trận đồi 477, Tú Tạo, Cà Phê, Bi Chợ, Đại Phong, Non Nước, Pheo, Nghĩa Lộ đồi, lá cờ lập công của Trung đoàn ngày càng rực rỡ. Các chiến sĩ Đỗ Hùng Xưa, Nguyễn Hữu Bắc, Nguyễn Văn Vân, Tô Đình Khán, Giáp Văn Khương tiếp tục nêu cao gương chiến đấu vẻ vang của đơn vị.
Tới chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn Thủ đô tiến thêm một bước dài trong chiến đấu. Tại ngọn đồi A phía Đông Điện Biên Phủ, ba ngày đêm liền, dưới những trận mưa bom bão đạn, các chiến sĩ Thủ đô đã tiêu diệt hàng tiểu đoàn quân của De Castries, giữ vững trận địa. Đơn vị của anh hùng Nguyễn Quốc Trị bám sát địch và cắt ngang sân bay của chúng. Đơn vị của chiến sĩ thi đua Giáp Văn Khương đã san phẳng nhanh chóng đồn Nà Noọng, một vị trí cửa ngõ của khu trung tâm Mường Thanh. Mấy tháng liền bền bỉ vây hãm, tấn công, quân đội ta đã tiêu diệt 16.000 địch, san phẳng tập đoàn cứ điểm kiên cố nhất trên chiến trường Đông Dương.
Trải qua 8 năm kháng chiến gian khổ, được Hồ Chủ tịch, Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh giáo dục, bồi dưỡng, Trung đoàn Thủ đô đã được thử thách, rèn luyện, trưởng thành. Đó cũng là bước đường trưởng thành chung của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngày nay, hòa bình đã trở lại trên miền Bắc nước ta. Nhân dân ta đang phấn khởi khôi phục hoạt động mọi mặt, chuẩn bị kiến thiết nước nhà. Quân đội ta giữ vững ý chí chiến đấu, quyết xây dựng lực lượng hùng mạnh, phát huy truyền thống anh hùng cách mạng để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong toàn quốc.
Bước đường đấu tranh còn lâu dài, gian khổ. Nhiệm vụ của Quân đội ta còn nặng nề. Dưới ngọn cờ vinh quang của Hồ Chủ tịch và của Đảng Lao động Việt Nam, Quân đội ta tiến lên hoàn thành mọi nhiệm vụ vinh quang mà Tổ quốc và nhân dân trao cho. Đã chiến thắng vẻ vang trong kháng chiến, chúng ta nhất định thắng lợi rực rỡ trong hòa bình.■
Nguồn vui đã trở về với ngoại thành Hà Nội
Mai Ngữ
(Báo Quân đội Nhân dân số 145, ra ngày 14/10/1954)
Chín năm bị chiếm đóng, nhân dân ngoại thành Hà Nội thèm khát được tự do làm ăn. Những cô gái làm giấy ở làng Bưởi có câu hát rằng:
Chúng mình là dân can, seo
Chỉ ước một điều: “Dó” tốt về cho
Dó về Hà Nội tự do
Nhân dân làm giấy ấm no vui mừng…
“Dó” đây nghĩa là cây dó làm giấy mọc ở Phú Thọ mà chín năm nay nhân dân làng Bưởi vẫn ao ước và đồng thời cũng là những cơn gió mát từ vùng tự do thổi về xua hết cảnh áp bức đọa đày. Những cơn gió của hòa bình, hạnh phúc. Đã lâu rồi, nhân dân ngoại thành vẫn chờ đợi.
Bây giờ thì hòa bình đã trở lại. Gió mát bay về khắp các thôn xóm của ngoại thành giải phóng. Suốt dọc đường từ Hà Đông về Ngã Tư Sở, dọc theo Đê La Thành qua Bạch Mai, lên Vĩnh Tuy, ô Cầu Giấy về Nhật Tân, Kim Mã, ngày 8 tháng 10, bộ đội ta chảy về như nước lũ. Cờ bay phấp phới trước những khuôn mặt hiền hậu và vui tươi của chiến sĩ ta. Quân đội Pháp vừa rút, nhân dân xô ra hai bên đường, cờ mọc lên khắp phố xá, ngõ xóm. Những người lính Pháp ngoẹo đầu trên thành xe nhìn lại phía sau họ, không khí tưng bừng trỗi dậy. Quân đội ta tiến qua ngàn vạn tiếng reo hò.
“Sung sướng quá! Các anh đã về!”. Đó là câu nói đầu tiên của nhân dân khi trông thấy bộ đội ta tiến vào. Từ các em nhỏ đến những cụ già, từ đồng bào ngách phố đến nhân dân trong xóm không ai không nói lên câu đó đầu tiên.
Đêm hôm ấy, nhà bà cụ Tư Mọc Thượng Đình ran ran lên tiếng nói cười. Bà cụ Tư bị lòa từ 3 năm nay. Ngày còn bị tạm chiếm, ngoài bữa cơm, bà cụ lại lủi thủi vào giường nằm. Hôm nay bà cụ ngồi nói chuyện với bộ đội cả ngày. Hai bàn tay gầy guộc nắm lấy vai, lấy tay anh bộ đội, bà cụ sung sướng nói: “Béo quá, khỏe quá! Thật là sung sướng, hả hê!”.
Có ai có được sự vui mừng của bà cụ Tư. Ngày hôm đó, không nhớ được là bà cụ đã nói mấy chục lần câu: “Sung sướng quá!”. Nhà bà cụ có hai mẹ con. Chị Tư làm nghề máy cổ yếm bán buôn; có gian nhà bị địch đốt cháy phải ở nhờ hàng xóm. Đêm mùng 7, quân đội Pháp rút khỏi làng, bà cụ sợ hãi suốt đêm. Hai mẹ con ôm nhau sợ hãi, lo lắng bọn Pháp vào vơ vét lần cuối cùng. Đêm hôm nay, cả hai mẹ con cùng không ngủ, thắp ngọn đèn con ngồi nói chuyện với bộ đội đến khuya. Bên ngoài trời vẫn mưa tầm tã. Bà cụ Tư mò mẫm ra cửa thì thầm: “Thôi ông có mưa thì mưa nốt đêm nay cho thằng Tây nó rút đi. Mai ông tạnh ráo lên cho các anh ấy về Hà Nội…”.
Thi hành lệnh giới nghiêm của Ủy ban Quân chính thành phố, nhân dân không ai đi đâu, nhưng trước cửa nhà, góc phố, trong xóm, tiếng cười, tiếng trống ồn ào, nhộn nhịp. Dọc đường cái, đồng bào ra dọn dẹp cửa nhà, rẫy cỏ, treo lại cờ…
Ở đầu làng Bưởi, nhân dân xúm quanh mấy đồng chí bộ đội nghe chuyện Điện Biên Phủ. Các chị phụ nữ mặc áo trắng, đeo băng đỏ chạy tung tăng. Tiếng trống ếch của thiếu nhi vang lên trong trường học. Mới có một ngày mà các em đã hò hát khản cả tiếng. Các cụ, các bà rủ nhau đi thăm bộ đội. Bà cụ Hai có một người con hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nắm tay một anh bộ đội cảm động nói: “Trông thấy các anh về, tôi cũng như là trông thấy em…”.
Trời tạnh mưa. Phía Tây mây đã quang, ánh nắng hửng lên. Tiếng khung cửi dệt lụa, dệt vải ở làng Láng chạy tí tách. Mấy chị phụ nữ ở Ngọc Hà lúi húi bên luống hoa, hái vội vàng để ngày mai Hà Nội có hoa tặng bộ đội. Bà cụ Thảo dừng tay phơi giấy, chạy công văn cho con gái báo cho các xóm chuẩn bị đi thăm bộ đội.
Ngoại thành sống trong những ngày ồn ào, tưng bừng nhất. Mấy chị phụ nữ vừa đi vừa hát. Tiếng chị Kiền hò lanh lảnh:
Thủ đô đã giải phóng rồi
Hồ Gươm lại sáng, tiếng cười lại vang…■
(Theo Tạp chí Phương Đông)