Kỷ niệm Ngày Độc lập

Ngày mùng 02/9/1945 là một mốc son không thể nào quên của lịch sử dân tộc. Âm hưởng bản Tuyên ngôn Độc lập gắn liền với hình ảnh vị lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại luôn ghi dấu trong trái tim mỗi con người Việt Nam, nhất là những ai từng vinh dự được sống giữa thời khắc huy hoàng ấy. Xin kính mời quý bạn đọc cùng sống lại những giây phút thiêng liêng của Ngày Độc lập qua bài viết Kỷ niệm Ngày Độc lập của Xuân Diệu, đăng trên tạp chí Tiên phong số 18, ngày 02/9/1946.

Nhà thơ Xuân Diệu (1916-1985)

Ngày Độc lập mồng 2 tháng 9 năm ngoái (1945) đánh một dấu mạnh vào sử. Nếu ngày Tổng khởi nghĩa ở thủ đô (19/8) là ngày cướp chính quyền, thì ngày Độc lập tổ chức tại thủ đô tượng trưng cho sự chính quyền an định. Bản tuyên ngôn Độc lập là một lời báo tin dõng dạc cho toàn thế giới biết rằng : “Có chúng tôi đây!”. Chúng ta đã dành lấy chỗ ngồi ở giữa các dân tộc. Chúng ta nhấn mạnh vào địa vị đó. Chúng ta là những kẻ đội trời đạp đất ở đời. Đối với toàn dân, Ngày Độc lập là một ngày hân hoan trịnh trọng. Sau những ngày ra công làm cách mạng, phá đổ thực dân và phong kiến, Ngày Độc lập là một phút dừng chân để dân tộc ta tự ngắm nghía mình, xóa bỏ tám mươi năm lỡ bước, và nối lại lịch sử vinh quang với suốt một nghìn năm độc lập xưa. Ở khắp nơi trên đất nước, và cả ngoài muôn trùng xa nước, người Việt Nam đầu ngẩng cao, mắt chiếu sáng, càng ấn mạnh vào sự thành công hiện nay của Cách Mạng, lại càng nghe rõ giọng huyết mạch sâu kín nối liền mình với tiên tổ, càng thấm thía tất cả cái tinh tuý của hai chữ “Việt Nam”.

Riêng ở thủ đô Hà Nội, là nơi được “ăn trên ngồi trước” hơn cả, Ngày Độc lập còn có một ý nghĩa trang nghiêm mà thân ái lạ thường. Ấy là ngày nhân dân kéo nhau đến “xem mắt” đứa con yêu đầu tiên của cả dân tộc, đứa con mang nặng đẻ đau đã lắm, đã 80 năm máu chảy ruột mềm của lòng mẹ mới có nó ra đời. Quốc dân Việt Nam đến trầm trồ xem cái kết tinh của chính quyền mình đã dựng nên, đến hoan hô Chính phủ lâm thời Nhân dân Cách mạng của những ngày Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thứ nhất. Không những nhân dân ở thành Hoàng Diệu, mà nhân dân của những làng, những tỉnh lân cận, của những địa phương xa ngái cũng lũ lượt kéo về. Vườn hoa Ba Đình đã thành một trái tim to lớn. Một trăm vạn người tràn trề, dư dật ra khắp các nẻo đường chung quanh. Chưa bao giờ có một cuộc họp mặt to tát như vậy. Quốc kỳ mới, quốc ca mới, gươm súng mới, bộ đội mới, dân quốc mới, Chính phủ mới, hàng triệu trái tim đã đến dự Ngày Độc lập, cũng đem đến một giòng máu “như lửa mới nhen, như trăng mới mọc”; và trong nắng thu sáng chói đến gay gắt, dưới trời xanh có một ngọn cờ đỏ sao vàng chót vót nổi bật một cảm giác mùa xuân dân tộc lan đi trên ngọn sóng người.

Nhưng cảm động hơn hết, chắc hẳn là khi dân tộc trông thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Chủ tịch thân yêu, thờ kính, quen thuộc hiện nay, hôm ấy đang là nàng dâu mới của dân tộc. Quốc dân, với sự ngây thơ của một đứa con, lại với sự ôm ấp của một bà mẹ, náo nức đến “xem mặt” Chủ tịch với cả lòng chân phác của những người đàn bà nhà quê. Đến dự lễ một phần, mà đến để thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đến hai phần. Quốc dân đã nghe biết công nghiệp của Người, nhưng giữa Chủ tịch và quốc dân, còn chưa quen hơi bén tiếng. Và cũng chính ngày hôm ấy, mà đã nảy ra làn cảm thông như một sức điện giữa Cụ Hồ và dân Việt Nam.

Một khung cảnh to rộng, một đài cao nghiêm trang đẹp đẽ, những bộ đội oai nghiêm, một sự bảo vệ thật chu đáo hoàn toàn, và đoàn xe cộ trước sau rầm rộ: cái nghi vệ chính quyền nhân dân thật đích đáng, khiến cho ai nấy kính phục và tự hào rằng: tất cả oai phong, lộng lẫy đó là của ta.

Tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vào ngày mùng 02/9/1945. Ảnh: Tư liệu

Giữa cảnh tôn nghiêm kia, người ta chờ đợi ông Tổng thống, ông Giám quốc. Người ta tưởng tượng ở trong trí, đành rằng không phải là một đức Vua mũ vàng đai ngọc, nhưng hẳn cũng là một vị Quốc trưởng y phục tề chỉnh thẳng bon. Người ta tưởng đến một người đi từng bước chững chàng, nói từng câu gẫy gọn, có một tính cách thật là đại diện. Nhưng quốc dân đã nhầm lớn khi lấy cái trí thông thường để tượng trưng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quốc dân đã thấy rằng Hồ Chủ tịch chỉ là Cụ Hồ, Cụ Hồ muôn lần, muôn thuở của nòi giống Việt Nam. Người ta đã thấy một con người, một người ở trên cái khuôn sáo, ở ngoài cái chiếu lệ, một người giản dị đơn sơ, như viên ngọc vô giá không cần phải bọc bạc quấn vàng. Nhờ Ngày Độc lập, lần đầu tiên tôi được ở xa tắp trông thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hồ Chủ tịch đội một cái mũ màu trắng đã thành ra màu vàng, đi đôi dép cao su, tay cầm một chiếc gậy cong đầu như cái cán ô, với bộ áo ka ki vàng. Hình ảnh này đối với chúng ta bấy giờ đã quen thuộc, nhưng lần đầu tiên, nó là một ấn tượng trong tâm não người ta. Đến khi Chủ tịch cất tiếng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, người ta được nghe một giọng nói đặc biệt, một giọng nói như hãy còn pha các thứ giọng trên thế giới; một giọng hãy còn phảng phất chiến khu núi rừng. Ngạc nhiên hơn nữa, là Chủ tịch không lấy giọng lấy hơi chi cả. Chủ tịch đã đọc đôi chỗ lặp đi lặp lại, đôi chỗ líu díu nữa kia.

Nói đến cựu Hoàng đế Bảo Đại, Chủ tịch quay sang người đứng cạnh hỏi nhỏ: “Ông Vĩnh Thụy phải không?”. Và câu hỏi tự nhiên ấy lọt vào trong máy truyền thanh tất cả. Rồi quốc dân lạ lùng hơn nữa, khi Chủ tịch đứng trên đài cao, dưới chiếc ô trắng che mặt trời, trước máy truyền thanh, hỏi một câu bất ngờ: “Đồng bào nghe có rõ không?”. Đến đây, thì bao nhiều bỡ ngỡ giữa Chủ tịch và quốc dân tan đi như khỏi, và một làn điện lực vô hình bắt đầu truyền đi giữa Chủ tịch với quốc dân. Thì ra Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa hề đọc diễn văn bao giờ. Chủ tịch tuyên ngôn là tuyên ngôn với ai, chứ chẳng hề tuyên ngôn với đồng bào bao giờ cả. Với một câu hỏi đột ngột thật chẳng ai ngờ đến, Hồ Chủ tịch đã ra ngoài tất cả lệ luật, tất cả nghi vệ, tất cả đại diện, tất cả Chính phủ. Hồ Chủ tịch đã là Cụ Hồ của dân Việt nam. “Đồng bào nghe có rõ không?”, qua cái giây ngạc nhiên thấy Hồ Chủ tịch vứt cả sự xếp đặt thường lề, ai nấy đều cảm nghe tất cả tấm lòng yêu thương của Chủ tịch đối với quốc dân; ai nấy đều thấy dù lỗi lạc, Hồ Chủ tịch cũng là một người Việt Nam như mình. Hồ Chủ tịch ân cần gần gũi chúng ta, chăm nom hỏi han ta với cái lòng thương yêu vô hạn. Đáp lại câu hỏi “có nghe rõ không” của Chủ tịch, một triệu lời đáp lại: “Có!”

Và đó là tất cả kỷ niệm thân yêu sâu sắc nhất của tôi, cũng như của tất cả đồng bào sau khi dự lễ Ngày Độc lập. Tôi dám chắc, với nhân dân Hoàng Diệu, ở giữa những rừng cờ, biểu ngữ, cổng chào, đoàn biểu tình, bộ đội mới, nghi vệ oai nghiêm của Chính phủ Dân chủ Cộng Hòa thứ nhất; ở giữa cái tưng bừng hoan hỉ của Ngày Độc lập năm 1945, và cái thiêng liêng lộng lẫy của lễ Độc lập tại vườn hoa Ba Đình; cái cảm giác trội nhất, ăn sâu vào tâm khảm quốc dân hôm ấy, hẳn là sự xuất hiện của Cụ Hồ, Cụ Hồ bất hủ của cả đoàn dân tộc. Biết bao nhiêu người cũng như tôi, Ngày Độc lập năm ngoái, sau khi bao nhiêu hình ảnh chung quanh đã mờ xóa, còn vẳng nghe mãi lời thân yêu đơn giản vô tận: “Đồng bào nghe có rõ không?”■

Xuân Diệu

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN