Nhân dịp kỷ niệm 78 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, Tạp chí Phương Đông trân trọng đăng lại một số bài báo được in từ những năm 1945 – 1946, mô tả lại bầu không khí cách mạng sục sôi trong những ngày tháng Tám hào hùng năm 1945.
Cuộc biểu tình khổng lồ của Mặt trận Việt Minh có trên 20 vạn người dự
Tạp chí Đông phát số 6096, ra ngày 20/8/1945
Sáng hôm qua, Chủ nhật, thành phố Thăng Long thức dậy với một bộ mặt mới lạ. Các phố rộn rịp như một ngày hội. Nhiều phố, cờ đỏ sao vàng treo san sát. Trên đường chi chít những cáo thị của Mặt trận Việt Minh, hô hào dân chúng đi biểu tình. Từ chín giờ sáng, trên các ngả đường dẫn tới Nhà Hát Lớn, đều rầm rập những dòng người hàng ngũ chỉnh tề, cờ Việt Nam đi đâu, miệng hô khẩu hiệu: “Ủng hộ Việt Minh! Nước Việt Nam của người Việt Nam, của người Việt Nam!”, “Đả đảo chính sách thực dân Pháp”… Nào đoàn xung phong với các thứ súng trường, súng lục, súng liên thanh, dao rựa, dao găm, đoàn “kiếm” mang kiếm trướng, nào đoàn “phụ nữ cứu quốc” với cái biển riêng của đoàn, đại đa số là chị em trong phái trí thức, ăn mặc rất chỉnh tề, nào đoàn cảnh binh trên 300 người, mặc binh phục, cũng sắp hàng dự cuộc biểu tình. Trên đầu, giữa hai lá cờ Việt Minh có một cờ vàng lớn, đề 5 chữ quốc ngữ và 5 chữ Hán “Cảnh binh đoàn Hà Nội”, ở góc lá cờ này có cờ đỏ sao vàng.
Tới 10 giờ, trước Nhà Hát Lớn và các phố lân cận đã đông đặc các đoàn biểu tình, chen chân khổng lồ: Số dân chúng có trên 20 vạn người. Khác với cảnh tượng hôm thứ sáu, trên cái bể người mênh mông kia hò reo hoan hô, hiện ra một rừng cờ đỏ sao vàng, với ở chỗ này, chỗ khác, những tấm vải căng các khẩu hiệu, như “Anh em binh lính hãy mang súng gia nhập chiến đấu”, “Bình tĩnh, cương quyết, đoàn kết chống mọi xâm lăng, tiễu trừ Việt gian”, “Đả đảo mọi lực lượng chống cách mạng Việt Nam, thành lập chính quyền nhân dân, cách mạnh Việt Minh”, “Ủng hộ Việt Minh, Chính quyền nhân dân cách mạng”, “Đả đảo thực dân Pháp”, “Cách mạng thành công muôn năm”, “Lập uỷ ban dân quân cách mạng”, “Đả đảo các cuộc ngoại xâm”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập”, “Đả đảo bọn Pháp có dã tâm thống trị”, “Lập Uỷ ban Nhân dân Cách mạng”…
Trên thềm Nhà Hát là các nhân viên ban “Xung phong” và ban “Tự vệ” có mang khí giới. Ở bãi cỏ rộng, chính giữa có dựng một cái cột cờ, chung quanh là mấy đoàn đại biểu dự vào cuộc biểu tình cùng đoàn cảnh binh, đoàn phụ nữ, đoàn kiếm chi chít những cờ đỏ sao vàng, nom rất đẹp mắt. Còn tại mấy ngả đường thẳng vào phía Nhà Hát Lớn tại các đoàn thể khác đứng đông nghịt, kể có ngót 10 vạn người.
Đúng 11 giờ, 10 trẻ em ở đội Tiền phong thiếu niên ca vào mấy bài Tiến quân, dân chúng cũng ca theo, vang động cả một khu rộng. Kế đến ca bài Tiếng gọi quốc dân. Sau đó, một nhân viên ban tổ chức đọc chương trình về cuộc biểu tình lớn lao này:
1. Yên lặng để mặc niệm các chiến sĩ đã quá cố.
2. Lễ chào cờ.
3. Đọc lời hiệu triệu quốc dân.
4. Đọc chương trình hành động của Mặt trận Việt Minh.
5. Tuần hành thị oai của toàn thể quốc dân.
11 giờ 15 phút bắt đầu hành lễ. Công chúng đứng yên lặng hai phút, rồi đến lễ chào cờ, có bắn 3 phát súng lệnh. Khi lá cờ đỏ sao vàng từ từ lên cao, mọi người đều ca bài Tiến quân. Máy truyền thanh nhắc to lại lời hiệu triệu do một nhân viên ban tổ chức đọc, đại ý chào đồng bào đã đến dự đông đủ và hăng hái, tỏ ý khuyến lệ Mặt trận Việt Minh một cách rất cảm động, làm cho các chiến sĩ càng phấn khởi tinh thần, tin tưởng ở sự thành công của công cuộc giải phóng nước ta. Trách nhiệm ấy rất nặng nề, các chiến sĩ xin tình nguyện cáng đáng. Đối với quân đội Nhật, ta cần phải có thái độ rõ rệt, tức là phải ôn hoà và đồng thời phải điều đình để Nhật tán thành chủ nghĩa của Việt Minh mà giao lại khí giới cho ta. Đối với Pháp, ta phải đối phó thẳng tay về những âm mưu xâm lăng của họ và của các đế quốc khác. Điều cần nhất là phải lên một Chính phủ cộng hoà dân chủ Việt Nam để cho dân chúng có quyền tham dự chính trị nhằm định đoạt mọi việc, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của dân chúng, huy động toàn quốc để bảo vệ chính phủ. “Độc lập, tự do, hạnh phúc” – đó là tôn chỉ của Chính phủ mới. Dân chúng hãy tự tin tự cường làm cho ngoại quốc biết.
Lời hiệu triệu đọc xong, ở máy truyền thanh lại hô hào đồng bào ủng hộ các khẩu hiệu sau này: “Đả đảo mọi lực lượng xâm phạm đến quyền độc lập Việt Nam – Đả đảo Chính phủ bù nhìn, tán thành việc lập Chính phủ Cộng hoà Dân chủ Việt Nam – Việt Nam hoàn toàn độc lập – Cách mạng giải phóng Việt Nam muôn năm – Ủng hộ Việt Minh”.
Xong rồi, đồng bào nghe đến bàn chương trình kiến thiết quốc gia của Mặt trận Việt Minh, đại ý nói cần phải có sự đoàn kết chặt chẽ giữa đồng bào và Chính phủ Cách mạng. Chủ đích của Việt Nam Độc lập Đồng minh là hết sức giúp cho các nước bạn Campuchia và Lào để cùng thực hiện nền Đông Dương độc lập đồng minh. Còn đại lược bản chương trình có mấy khoản quan hệ như: thi hành việc phổ thông đầu phiếu, ban bố quyền tự do dân chủ cho nhân dân (tự do ngôn luận, tự do đi lại trong và ngoài xứ), tịch thu các tài sản của đế quốc và các phần tử phản quốc, thi hành nam nữ bình quyền, liên lạc các nước nhược tiểu, bỏ thuế thân, thuế môn bài và các thuế khác do người Pháp đặt ra, lập Quốc gia Ngân hàng, tổ chức việc dẫn thuỷ nhập điền, huỷ bỏ nền giáo dục có lệ và thi hành lệ cưỡng bách giáo dục, lập các trường chuyên môn, khuyến khích giúp đỡ nền thể dục quốc dân, làm cho các đấng trí thức được phát triển tài năng của họ, thi hành luật lao động, các luật lệ về nông dân, binh lính, học sinh, phụ nữ, thương nhân, công chức, nhi đồng, người già và người tàn tật. Đối với Hoa Kiều, sẽ coi như là tối huệ quốc. Về mặt ngoại giao, sẽ huỷ bỏ các điều ước Pháp đã ký với các nước khác.
11 giờ 45 lễ tất, các đoàn thể lần lượt đi diễu hành một cách rất trật tự ra phía phủ Khâm sai để biểu tình, vừa đi vừa ca bài Chiến sĩ Việt Minh, Thanh niên cứu quốc, Tiếng gọi quốc dân, Diệt phát xít, Du kích ca. 11 giờ 55 phút, đoàn biểu tình vào phủ Khâm sai kéo cờ bắn súng thị uy, rồi đi thăm các phòng giấy. Đồng thời, đoàn đại biểu tỉnh khác kéo đến trước dinh Khâm sai hô lớn những tiếng ủng hộ Việt Minh. Rồi ở trong dinh Khâm sau vẫn đóng kín cửa, ông Nguyễn Xuân Chữ trong Uỷ ban Chỉ huy chính trị, đứng trong cổng đóng phủ Khâm sai giảng giải. Được một lúc, thấy có người vào thềm dinh Khâm sai phất cờ Việt Minh rồi đoàn Bảo an binh giữ trật tự ở phủ Khâm sai hạ khí giới và cửa mở rộng, đoàn biểu tình kéo đông như nước chảy vào trong dinh Khâm sai.
Đúng 12 giờ 25 phút, giữa những phát súng thị uy, cờ Việt Minh (một to, một nhỏ) phất phơ trước gió trên nóc dinh Khâm sai. Mọi người lại hoan hô khẩn biện “Việt Minh muôn năm” và giơ nắm tay ngang vai để chào cờ. Đồng thời với việc chiếm dinh Khâm sai, lại có đoàn biểu tình khác đến chiếm toà Thị chính. Ở đây, ông Thị trưởng đã có mặt và chỉ chốc lát, cờ Việt Minh đã cắm ở giữa cổng chính, Đại biểu của Việt Minh cũng có đi thăm các phòng giấy.
Đến lượt các công thự khác như sở Ngân khố, nha Tư pháp, trại Bảo an binh, các sở Cảnh sát, trường Kỹ nghệ chuyên môn cũng treo cờ Việt Minh. Các đoàn biểu tình có đi qua nhiều phố, mãi chiều mới giải tán.■
***
Lời tuyên cáo của Ủy ban Nhân dân Cách mạng Bắc bộ và Uỷ ban Nhân dân Cách mạng Hà Nội
Tạp chí Đông phát số 6097, ra ngày 21/8/1945
1. Lời tuyên cáo của Ủy ban Nhân dân Cách mạng Bắc bộ
Kính cáo quốc dân,
Tình thế ngày một nghiêm trọng. Giặc Pháp vẫn còn nuôi cái cuồng vọng trở lại đất nước Việt Nam này. Tin vô tuyến điện San Francisco ngày 18 tháng 8 báo rằng chúng đã tập trung một toán quân tại biên giới Trung Hoa – Việt Nam, sẵn sàng đột nhập lãnh thổ của ta. Đứng trước tình thế nguy nan ấy, Nội các Trần Trọng Kim gần như bất động. Dân chúng không được huy động, thanh niên không được võ trang, cái cơ nguy mất nước thật quá rõ rệt. Tình thế cấp bách không hành động quyết liệt không được. Quốc dân nhận thấy cần phải lật đổ chính phủ cũ là một chính phủ bất lực, phải thiết lập Chính quyền Nhân dân Cách mạng, một chính quyền cương quyết, khả dĩ huy động được toàn thể lực lượng quốc gia để chống với những cuộc xâm lăng. Đó là ý nguyện tha thiết của toàn thể đồng bào. Ý nguyện đó đã biểu lộ rõ rệt trong cuộc biểu tình ngày hôm qua. Ý nguyện đó đã thực hiện đúng 12 giờ trưa ngày hôm qua, 19 tháng 8 năm 1945. Chính quyền cũ bất lực đã thủ tiêu, Chính quyền nhân dân Cách mạng do Mặt trận Việt Minh đảm nhận đã thành lập, giữa sự hoan hô của toàn thể anh chị em đồng bào và sự ủng hộ nhiệt liệt của anh em Bảo an binh và Cảnh binh. Đó là những tiếng súng đại bác vô cùng mạnh mẽ cảnh cáo bọn thực dân Pháp, báo cho họ biết đừng có hòng đặt chân lên đất nước này nữa.
Hỡi đồng bào thân mến,
Chính quyền đó đã do toàn thể đồng bào lập lên dưới sức thúc đẩy của một cao trào cách mạng vô cùng mãnh liệt. Nhưng chính vì cao trào đó quá mạnh, chính vì quá nhiệt tâm, một số ít đồng bào đã không được hoàn toàn bình tĩnh. Vì thế hôm qua đã xảy ra một vài sự đáng tiếc, tỷ dụ như sự đụng chạm không quan nể với quân đội Nhật Bản tại một vài nơi trong thành phố trong khi biểu tình. Nhưng Ủy ban Nhân dân Cách mạng đã nói rõ cho quân đội Nhật hiểu biết thái độ của ta, nên mọi công việc đều dàn xếp ổn thỏa. Quân đội Nhật đã thu quân về trại, ngay ngày hôm qua đãkhông chiếm giữ Trại Bảo an binh nữa và súng ống vẫn để lại nguyên như cũ. Hiện thời, công cuộc đàm phán giữa quân đội Nhật và Chính quyền Cách mạng vẫn tiếp tục và đã đạt được một vài điều khả quan.
Còn công cuộc ngoại giao với đồng minh như Anh, Mỹ, Nga, Trung Hoa sau đây, chỉ Chính phủ Nhân dân Cách mạng của Mặt trận Việt Minh lập ra mới đủ uy tín, đủ quyền lực để đàm phán một cách có hiệu quả. Công cuộc ngoại giao đó căn cứ vào hai nguyên tắc: thân thiện và bình đẳng.
Về nội trị, Chính phủ Cách mạng sẽ lần lần thực hiện chương trình của Mặt trận Việt Minh. Riêng về mặt kinh tế, sẽ bãi hẳn những luật lệ hạn chế việc mua bán, chuyên chở thóc, gạo, muối, vải… Chỉ Chính phủ Nhân dân Cách mạng mới làm nổi công cuộc cải tổ lớn lao về mọi phương diện: xã hội, chính trị, kinh tế. Chính phủ đó sẽ thành lập nay mai. Trong lúc chờ đợi, Ủy ban Nhân dân Cách mệnh Bắc bộ hãy tạm thời đảm nhiệm mọi công việc.
Hỡi đồng bào yêu quý,
Hỡi các anh em công chức,
Hỡi các anh em công nhân, kỹ nghệ,
Đứng trước tình thế nghiêm trọng, toàn thể đồng bào hãy xung vào đội Việt Nam cứu quốc quân. Quốc gia tồn vong ở trong tay các bạn.
Hỡi các anh em công chức!
Các bạn hãy nỗ lực tiếp tục công việc để cho guồng máy hành chính quay một cách đều đặn. Các bạn hãy tỏ rõ có đủ năng lực để tự điều khiển công sở của nước Việt Nam độc lập.
Các anh em công nhân, thương mại, kỹ nghệ! Nền kinh tế nước nhà ở trong tay các anh, các anh hãy cố gắng làm việc cho nước nhà một phú cường.
Hỡi quốc dân đồng bào!
Chúng ta hãy tỏ cho người ngoại quốc hiểu rõ rằng chúng ta không phải là phương tham sinh úy tử, chúng ta là người biết đồng tâm hiệp lực, là người biết đem tài sản thân thể hiến cho đất nước. Trong giờ phút nghiêm trọng này, tương lai của quốc gia ở trong tay quốc dân đồng bào.
Vậy quốc dân hãy tận lực làm việc, hay nhất định khi cần đến sẽ liều chết để bảo vệ lãnh thổ, để giành lấy tự do độc lập và hạnh phúc của dân tộc.
Quốc dân hãy cùng chúng tôi hô tô những khẩu hiệu sau này:
1. Ủng hộ chính quyền nhân dân cách mạng!
2. Đả đảo chính sách thực dân Pháp!
3. Việt Nam độc lập muôn năm!
Trước khi kết thúc bản tuyên cáo này, chúng tôi xin báo cho đồng bào biết rằng tình hình đê điều rất nguy ngập. Vậy Ủy ban Nhân dân Cách mệnh Bắc bộ hô hào đồng bào các giới ra sức hộ đê tránh cho nhân dân khỏi lầm than và để cho Chính quyền Cách mạng được củng cố. Mong đồng bào vì lòng yêu nước thương nòi, tham gia nhiệt liệt vào công cuộc đó.
2. Lời tuyên bố của Ủy ban nhân dân cách mệnh Hà Nội
Đồng bào trong thành phố Hà Nội,
Cuộc khởi nghĩa của chúng ta đã bùng nổ. Cuộc khởi nghĩa đã hoàn toàn thắng lợi ở Bắc kỳ. Nó đã thắng lợi là nhờ ở tình thần chiến đấu của toàn thể dân chúng, nhất là của anh em trong thành phố Hà Nội sáng hôm qua.
Trong khi chờ đợi sự toàn thắng trên toàn thể cõi Việt Nam để thiết lập một chính phủ lâm thời cách mạng, một Ủy ban Nhân dân Cách mạng Bắc kỳ đã được thành lập để tạm thời điều khiển mọi công việc ở Bắc bộ Việt Nam. Về thành phố Hà Nội cũng vậy, cũng có một Ủy ban Nhân dân Cánh mạng trong Hà Nội đứng ra đảm nhận mọi công việc trong thành phố của chúng ta.
Trong cái thời nô lệ, Hà Nội là thành phố của người Pháp. Chính phủ thành phố Hà Nội chỉ có một công việc là lo cho người Pháp được tất cả mọi sự xa hoa, sung sướng. Còn dân chúng Việt Nam thì mặc kệ, người Pháp được ô tô, nhà lầu, được ở những căn phố rộng rãi, được đường, gạo, vải thừa mứa, trong khi dân chúng Việt Nam chúng ta cư trú ở các phố chật hẹp, ở các ngoại ô bẩn thỉu; trong khi chúng ta thiếu quyền tự do, thiếu thóc gạo, sống một đời trâu ngựa. Cái chế độ thối nát ấy đã hết. Ngày nay cuộc khởi nghĩa đã thành công. Chính phủ là chính phủ của người Việt Nam, bênh vực quyền lợi cho người Việt Nam, hoàn toàn làm việc cho người Việt Nam.
Riêng về thành phố Hà Nội, Ủy ban Nhân dân Cách mạng ngay từ giờ sẽ lo việc tiếp tế, làm sao cho có thật nhiều gạo vào Hà Nội, làm sao cho mọi người được no đủ. Chính phủ sẽ dùng đủ mọi phương pháp hiệu quả để tiếp tế cho dân chúng, sẽ cho quyền tự do thông thương. Tất cả những luật lệ hạn chế buôn bán sẽ hủy bỏ, các bạn muốn mua bao nhiêu, muốn tải bao nhiêu gạo về thành phố Hà Nội của chúng ta cũng được.
Sau nữa, Ủy ban Nhân dân Cách mạng Hà Nội sẽ lo việc trị an trong thành phố. Tất cả mọi nạn cờ bạc, trộm cắp sẽ được trừ hết. Đội cảnh sát của thành phố trong thời kỳ Pháp thuộc chỉ chuyên môn đi phạt dân chúng để lấy tiền bỏ vào quỹ của Pháp, từ nay sẽ đổi hẳn.
Các anh em cảnh sát vừa đây đã hăng hái tham gia vào việc cướp chính quyền, sẽ làm trọn nhiệm vụ cao quý là bảo vệ sự an toàn cho dân chúng. Từ nay cảnh sát với dân chúng sẽ là một, sẽ có một sự thân thiện mới mẻ, đánh dấu cho các giai đoạn mới mẻ của nước Việt Nam, của thành phố Hà Nội.
Sau nữa, Ủy ban nhân dân cách mệnh thành phố Hà Nội sẽ lo việc đê điều, Chính phủ sẽ dùng mọi phương pháp cương quyết để đánh bại cái nạn thủy tai đang hăm dọa chúng ta.
Trên đây, chúng tôi đã nói một cách sơ lược những việc khẩn cấp của Ủy ban Nhân dân Cách mạng Hà Nội sẽ phải làm. Tình thế nay rất nghiêm trọng, giặc Pháp lăm le vào thiết lập nền đô hộ tàn nhẫn của chúng. Vấn đề tiếp tế thóc gạo rất khó khăn. Vấn đề đê điều rất đáng lo ngại, Ủy ban Nhân dân Cách mạng Hà Nội yêu cầu sự cộng tác chặt chẽ của dân chúng trong thành phố. Chính phủ nay là Chính phủ của chúng ta. Mọi việc quan hệ đến dân chúng là công việc của toàn thể quốc dân chứ không phải của riêng Chính phủ.
Vậy các bạn công chức hãy làm trọn cái nhiệm vụ là giữ cho bộ máy hành chính được chạy một cách hoàn hảo. Các bạn Cảnh binh và Bảo an binh hãy gắng sức làm việc bảo vệ cho sự an toàn của dân chúng một cách thân mật và đắc lực. Toàn thể dân chúng trong thành phố này ủng hộ Chính phủ trong mọi công việc tiễu trừ Việt gian, tiếp tế, trị an, bảo vệ đê điều.
Ủng hộ Chính quyền Nhân dân cách mệnh!
Việt Nam độc lập hoàn toàn!■
***
Thái Nguyên trong ngày Tổng khởi nghĩa
PHẠM VIÊN
Báo Độc lập số 35, ra ngày 19/8/1946
LTS: Trong thời kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, Thái Nguyên giữ vị trí chiến lược và là một cứ điểm mạnh của địch, do đó việc giành chính quyền ở Thái Nguyên là yêu cầu cấp thiết để mở đường cho Quân Giải phóng tiến về Hà Nội. Ngày 16/8/1945, Mặt trận Việt Minh triệu tập Đại hội Quốc dân ở Tân Trào, ra quyết định trọng đại về việc Tổng khởi nghĩa trên cả nước. Cùng với đó, đội Việt Nam Giải phóng quân do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã tiến về Thái Nguyên, chiến đấu giải phóng thị xã Thái Nguyên và các vùng lân cận…
Ngọn cờ tiên phong
Lệnh khởi nghĩa truyền ra trên Chiến khu. Bộ đội du kích sửa soạn xuất phát rất gấp. Mưa nguồn rả rích đã non nửa tháng nay, nước sông Cầu cuồn cuộn chảy dâng triền sông lên cao, hai ven bờ nước khe đổ xuống xì xào như đâu đây có tiếng một đoàn quân. Hôm ấy là 12 tháng 7 năm Ất Dậu. Tôi còn nhớ lắm – phải – tôi nhớ từ những nét mặt hoang mang của một số đồng bào trước thời cục. Tin Nhật hàng Đồng Minh không điều kiện đã làm sôi nổi dư luận (trong mấy hôm nay). Cái lực lượng hùng hậu của giặc lùn, đem lên đây, mục đích để tiễu trừ Việt Minh cũng không còn hùng hậu nữa. Những tên hiến binh, hôm qua còn đội lốt quần nâu áo thụng thì hôm nay đã biến đâu mất. Rồi linh tính báo trước cho người ta biết sắp có một sự phi thường: Tổng khởi nghĩa. Chiều tà tà, một chiều thu hơi lạnh, về phía Bắc châu thành, trên làn nước bạc mênh mông bỗng hiện lên một lá cờ đỏ sao vàng.
Những phút hồi hộp! Lá cờ dần tiến đến trong ngàn vạn tiếng hoan hô đoàn chiến sĩ đã nêu cao tinh thần đấu tranh trong các khu rừng hẻo lánh kia nay kéo về đây dưới lá cờ nhuộm máu. Một tràng pháo tay vang nổ, đồng thời pháo thực cũng nổ theo. Những nắm tay hùng dũng giơ chào và đoàn quân Việt Nam vừa đi vừa hát Tiến quân ca.
– Ủng hộ Việt Minh – Tiễu trừ Việt gian.
– Cách mạng thành công – Việt Nam độc lập muôn năm!
Làm hậu thuẫn cho đoàn chiến sĩ Việt Minh, nhân dân tự động xếp hàng theo sau đi biểu tình rầm rộ qua trại Nhật, qua rừng thông, qua các phố rồi ngay từ hôm đó, lá cờ đỏ sao vàng được bay phấp phới trên thành Thái Nguyên.
Tấn công trại Nhật
Sau khi đã tước khí giới ở các đồn lẻ, toàn thể bộ đội Giải phóng quân chiếm đóng các công sở tỉnh lỵ Thái Nguyên vào đêm hôm 13 tháng 7 (âm lịch).
Đêm đã gần tàn, đêm nay có khác mọi đêm, xe tay và hàng phở rong không thấy có, không một ánh lửa, không một tiếng người, dân phố Thái Nguyên còn đắm chìm trong giấc ngủ. Thì chúng tôi được lệnh bố trí để bao vây trại Nhật đóng trong đồn khố xanh cũ, bao vây kho quân nhu trại bờ sông, trại hiến binh và nhà tiếp tế lương thực. Viên tỉnh trưởng Phạm Hy Lượng khi nhận được quân lệnh của Ủy ban Dân tộc Giải phóng thì xin hàng và 500 Bảo an binh bị tước ngay khí giới.
6 giờ 15, đâu đó đã bố trí sẵn sàng, súng thị uy đã rải rác báo hiệu. Anh Q. và ông Phạm Hy Lượng được cử đi mang tối hậu thư vào trại Nhật. Thư viết bằng tiếng Việt Nam, dịch ra tiếng Anh và tiếng Nhật, Ủy ban Dân tộc Giải phóng buộc Nhật phải đầu hàng và nộp khí giới. Nhưng trong khi viên quan ba chỉ huy quân đội Nhật còn do dự thì bên ngoài có vài tên lính Nhật chạy ra.
– Bắn hay không?
Một đồng chí chỉ huy ra lệnh: Bắn!
Tiếng súng nổ… lại nổ… nổ liên tiếp… Một trận kịch chiến bắt đầu, đạn bay như mưa rào. Nào liên thanh, nào lựu đạn. Quân Nhật nấp trong trại bắn ra rất hăng. Nhưng Giải phóng quân vây bên ngoài, trên các tầng gác nã súng máy vào cũng dữ dội. Quân Việt Nam chú trọng nhằm phá vỡ căn cứ bộ tư lệnh của địch quân. Vài đồng chí bị thương, Nhật đổ máu cũng nhiều, cuộc giao tranh gay go, kịch liệt và càng kịch liệt hơn một khi máu chiến sĩ cứ tiếp tục đổ nhiều.
Đã dự chiến nhiều lần, chưa bao giờ các chiến sĩ thấy lòng ham chiến hơn hôm nay. Súng nổ đều, thỉnh thoảng vài quả lựu đạn liệng tạt qua, vừa bò, vừa nấp, mắt không rời địch, tay luôn luôn bên võ khí, kiểm soát vị trí mình. Súng vẫn nổ… bao nhiêu lòng trai trẻ đã thấy căng lên.
Ở hậu phương, dân chúng Thái Nguyên tấp nập hơn bao giờ hết. Từng đoàn phụ nữ tham gia tiếp tế cho quân Giải phóng. Từng lớp thanh niên hăng hái, xung phong, họ tuyên truyền, tổ chức các đoàn thể và tìm hết cách để ủng hộ Mặt trận, có những ông bà già đi nấu cơm ủng hộ, có những em nhỏ phụ trách các việc giao thông xông pha trong tên đạn để mang đến cho anh chị em chiến sĩ một mâm cơm hay ít thứ cần dùng.
Súng cứ nổ đều…
Một cuộc điều đình nhóm mở trong tiếng súng, nghĩa là đôi bên vẫn vừa nói chuyện vừa bắn nhau. Tư lệnh quân đội Nhật là Xuyên Mộc tỏ ý xin điều đình, hắn đề nghị với Ủy ban Dân tộc Giải phóng cử đại biểu vào nói chuyện trong trại Nhật. Nhưng lời đề nghị bị bác bỏ…
Mấy tiếng đồng hồ gián đoạn. Súng nổ dữ dội hơn.
Lần thứ hai xin điều đình, nhưng vì đôi bên không ưng ý địa điểm dùng để nói chuyện với nhau nên lại gián đoạn hồi lâu.
Giải phóng quân tiến lên thêm. Trong thành, Nhật cố chết thủ thế. Ngoài tiếng súng trường, súng ngắn, lựu đạn, quân đôi bên dùng cả đại bác, bắn lựu đạn V.B.
Lần thứ ba, Nhật điều đình xin hàng có điều kiện, và lần thứ ba bộ chỉ huy cương quyết ra lệnh tổng tấn công. Rồi cứ như thế ròng rã hơn 5 ngày giời, đêm, ngày bổ vây quyết liệt. Quân Nhật bị hãm vào tình cảnh nguy nan: lương hết, nước thiếu, các đồn lẻ tan vỡ, tinh thần kháng chiến đã đến lúc rời rã trước sự chiến đấu mãnh liệt của Giải phóng quân. Tư lệnh Xuyên Mộc cử viên quản Tây Bản ra xin điều đình.
Trước sự cô lập của địch quân, Ủy ban Dân tộc Giải phóng cũng không hẹp hòi gì, nên hồi 9 giờ sáng ngày 18/7 tại nhà Thủy Lâm hai bên thảo luận và đi đến kết quả. Thế là Giải phóng quân thắng lợi. Một số võ khí đã được đưa vào quân đội Việt Nam để tăng lực lượng cho đám Giải phóng quân tiến về giải phóng Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.■
(Theo Tạp chí Phương Đông)