Lịch sử 80 năm cách mạng

Nhân dịp kỷ niệm một năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công, báo “Kiến Quốc” số 58 ngày 17/8/1946 có bài viết điểm lại lịch sử 80 chống Pháp oanh liệt của cha ông ta, từ cuộc binh biến năm 1885 của Tôn Thất Thuyết cho tới khi Việt Minh phát động cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ngày 19/8/1945.

Nếu chúng ta giở lại sử nước nhà, chúng ta sẽ nhận thấy ông cha ta luôn luôn phấn đấu để bảo vệ non sông này.

Ngay từ hồi Bắc thuộc hàng nghìn năm đã có những cuộc khởi nghĩa như: Trưng Trắc, Trưng Nhị, Lý Bôn, Triệu Quang Phục, Phùng Hưng, Mai Thúc Loan, Khúc Thừa Dụ, Dương Diên Nghệ, một tiếng hô, vạn người theo, thấp thoáng vài mươi năm rồi lại rơi vào ách nội thuộc nhưng không vì thế mà chí quật cường có suy kém.

Cho đến hồi Pháp thuộc, sau tờ hòa ước 1884, một vết nhơ trên lịch sử Việt Nam, chúng ta bị người Pháp thống trị, mặc dầu họ đã dùng trăm phương nghìn kế để làm tiêu ma cái tinh thần ái quốc, cái chí khí quật cường, biết bao anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, việc không thành hoặc bị giết, hoặc bị đầy, hoặc phiêu lưu nơi hải ngoại; nhưng, nếu ta không lấy thành bại luận anh hùng thời ta cũng không khỏi không ngậm ngùi mà thương tiếc những người đã vì chúng ta mà cam tâm chết trong còn hơn sống đục.

Vua Kiến Phúc tiếp đón ông Tricou, sứ thần đặc mệnh toàn quyền của Pháp, tại điện Cần Chánh, Huế. Tranh minh họa trên Tuần báo ảnh “L’Univers illustré” Số 1504, ngày 19/01/1884

Nay, nhân ngày kỷ niệm cách mạng thành công, ta cũng nên nhìn lại việc cũ, nhớ đến người xưa, mà cùng độc giả lần giở lại những trang sử vẻ vang của nước nhà.

Như trên chúng tôi đã nói, sau hòa ước 1884, các phần tử ái quốc đều nổi lòng công phẫn, một việc làm đầu tiên của những người ấy là đem cái tàn lực ấy mà liều với quân Pháp một trận.

Việc phản công đêm mồng bốn rạng ngày mồng 5 tháng 7/1885 ở Thuận Hóa do Tôn Thất Thuyết chủ trương đã cho ta thấy cả cái lòng căm hờn của dân tộc Việt Nam. Theo sử, Thống tướng De Courcy vào Thuận Hóa định đem binh lực uy hiếp triều đình, đình thần lúc ấy không ai dám ra mặt kháng cự, một mình Tôn Thất Thuyết và em là Tôn Thất Trắc đã mưu một cuộc phản công để mong cứu vãn tình thế và rửa cái nhục cho triều đình bị lăng bức. Theo lệnh của Thuyết, Nam quân có chừng một vạn sau khi phân phát đủ lương thực khí giới, và dự bị 300 khẩu súng thần công, đã bắn phá tòa Khâm sứ và trấn Bình đài nơi quân Pháp đóng lúc một giờ rưỡi sáng ngày mồng 5 tháng 7/1885.

Biết trước mưu của Thuyết, bên Pháp đã đề phòng, mặc dầu vậy dưới sự đánh phá quyết liệt của quân ta, quân Pháp đã thiệt hại trong số ấy có đến 12 võ quan tử trận. Vì việc này, mờ sáng, quân Pháp phản công kịch liệt và tàn sát cả dân ở kinh thành, đến nay thời gian qua nhưng mỗi năm đến ngày 22, 23, 24 tháng 5 âm lịch ở Thuận Hóa thường vẫn làm lễ truy niệm những âm hồn và các nghĩa sĩ đã bỏ mình vì việc nước.

Sau cuộc thất bại, Vua Hàm Nghi phải bỏ kinh thành, nhưng Thuyết vẫn quyết chống cự mới lấy mệnh Vua mà truyền hịch Cần Vương.

Hưởng ứng nhời kêu gọi tha thiết, sĩ phu trong nước đều nổi lên, nào Trần Văn Dư lập nghĩa hội ở Quảng Nam, rồi trong các tỉnh Bình Thuận, Bình Định, Phú Yên các nghĩa sĩ cũng hưởng ứng. Trương Đình Hội, Nguyễn Tự Như ở Quảng Trị, Nguyễn Phạm Tuân, Lê Trực ở Quảng Bình, Hà Văn Mao ở Thanh Hóa. Ngoài bắc thì Tán Thuật ở Hải Dương, Hưng Yên, những trận đánh ở Bãi Sậy đã làm cho quân Pháp nhọc nhằn và thua thiệt.

Một người đáng ghi nhớ trong hồi Cần Vương khởi nghĩa là Phan Đình Phùng. Phan tuy là một nhà nho nhưng đủ tài thao lược đã chống quân Pháp cho đến lúc binh tàn, lực tận đành ôm mối hận nghìn thu, còn các thuộc hạ như Nguyễn Trạch, Nguyễn Mậu đều bị bắt và bị chém.

Từ Trung Kỳ, lòng ái quốc lan tràn ra Bắc. Hoàng Hoa Thám (hay Đề Thám) hùng cứ cả một vùng Bắc Giang đã chống Pháp trong nhiều trận và đã làm cho quân địch phải dùng nhiều cơ mưu mà không chinh phục nổi. Ròng rã từ năm 1885 đến 1913, Đề Thám mưu toan việc khôi phục nhưng không thành, lại bị nội phản nên mắc thảm họa chết chém và bêu đầu.

Lối vào thành lũy của Đề Thám tại Chợ Gồ. Ảnh: Flickr manhhai

Cũng trong thời Hoàng Hoa Thám khởi nghĩa, ở ngay tỉnh Hà Nội, các thân sĩ tuy không cầm binh ra trận nhưng đã âm mưu với nhau định dùng thuốc độc để đầu độc quân Pháp trong tỉnh; nhưng chả may gặp phải nỗi công việc thất bại, nhiều nhà chí sĩ đã hoặc phải gửi mình nơi Côn Đảo, hoặc bị rơi đầu.

Phong trào chống Pháp không riêng gì trong nước, nhiều người trốn khỏi, ra hải ngoại mưu việc nước. Họ hô hào người nước Nam thức tỉnh, nào lập Việt Nam Quang phục hội, nào tuyển người đi du học, và ở trong nước đã thấy một trường học đặc biệt mở ra là trường Đông Kinh Nghĩa thục. Trường Đông Kinh Nghĩa thục dạy cả văn lẫn võ, những bài văn còn truyền lại thật là thiết tha một lòng yêu nước thương nòi.

Rồi, cũng như cuộc khác, trường ấy bị đóng cửa, các chí sĩ bị lùng bắt, vì năm 1913 đã xảy ra một vụ bạo động là ném bom vào khách sạn Métropole[1] ở Hà Nội, giết chết 2 viên đại tá; và ở Thái Bình, tuần phủ Nguyễn Duy Hàn bị hại. 1913, 1914 là thời kỳ Âu chiến lần thứ nhất, các chí sĩ đứng đầu là Đỗ Cơ Quang cũng mưu việc chống Pháp, nhưng việc không xong, Đỗ và 50 đồng chí bị hại.

Bên cạnh cuộc âm mưu trên, ta không quên vụ bạo động Thái Nguyên do một nhóm người chủ trương vào năm 1917. Kết quả quân cách mệnh chỉ giữ được Thái Nguyên có 4 ngày rồi quân tiếp viện ở Hà Nội kéo lên cướp lại, hai người lãnh đạo là Lương Ngọc Quyến và Đội Cấn đã phải đem cái chết mà liều với giặc. Một người tự sát, còn một người tử trận ở Pháo Sơn (gần Vĩnh Yên).

Những ngọn lửa phản đối vẫn ngấm ngầm chảy; năm 1924 xảy ra vụ Merlin, Toàn quyền Đông Dương, bị Phạm Hồng Thái, một thanh niên ái quốc Việt Nam mưu sát trong khách sạn ở Quảng Đông. Viên toàn quyền thoát chết nhưng nghĩa sĩ kia, cũng giống như Kinh Kha thời Chiến quốc, chỉ có đi mà không trở lại vậy.

Mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái (1895 – 1924) tại nghĩa trang Hoàng Hoa Cương, Quảng Châu, Trung Quốc. Ảnh: Baidu

Cái chết của Phạm Hồng Thái đã làm cho lòng yêu nước bùng cháy. Và từ năm 1924 đến 1929, những cuộc âm mưu chống Pháp vẫn tiếp tục, cho đến 1929 xảy ra vụ ám sát tên thực dân Bazin, một đảng chính trị bị khám phá. Rồi 1930 – 1931 liên tiếp cuộc nghĩa binh đánh phủ Yên Báy, Phú Thọ, Lâm Thao, ném bom ở một vài nơi ngay Hà Nội do Việt Nam Quốc dân đảng chủ trương. Năm 1931, quân Pháp đàn áp phong trào ấy và Nguyễn Thái Học đảng trưởng cùng 12 đồng chí đã bước lên đoạn đầu đài để đền ơn cho Tổ quốc.

Sau cuộc thất bại đau đớn ấy, các đảng viên chính trị ở ba xứ Bắc – Trung – Nam đều bị đàn áp ráo riết, người nào thoát khỏi tay đế quốc thì đi ra ngoài tìm cách phục thù trong nước. Dù người Pháp hết sức dùng những chính sách khôn ngoan để dập tắt ngọn lửa bất bình và phá hết mọi mưu mô cùng sự hoạt động, nhưng chí quật cường lại hiện ra vào đầu 1940. Sau khi Đông Dương bị Nhật chiếm đóng, Pháp bị Nhật đảo chính 9/3/1945 rồi đến Chiến tranh [thế giới] lần thứ 2 khởi từ 1939 đến 1945 thì kết liễu, Nhật lại phải đầu hàng Đồng Minh. Mặt trận Việt Minh thừa cơ hội ấy khởi một cuộc tổng khởi nghĩa ở các nơi giành chính quyền cho nhân dân ngày 19/8/1945 và đặt nước Việt Nam thành một nước Cộng hòa dân chủ.

Về trên, chúng tôi chỉ là lược qua những giai đoạn cách mạng trong 80 năm cho đến ngày Cách mạng thành công là ngày 19/8/1945.

Ngày 19/8/1945 đã ghi vào trang sử nước Việt Nam một kỷ nguyên mới, dân tộc Việt Nam đã thoát hẳn ra khỏi ách nô lệ.

Hiện giờ từ Nam bộ, Trung bộ đến cả Bắc bộ, người Pháp, nhờ Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 được tiếp phòng quân Trung Hoa, đã thi hành cái chính sách “làm thực” định mưu một cuộc khôi phục.

Nhưng họ đã tính nhầm, sau 80 năm luôn luôn tranh đấu, dân tộc chúng ta đã quyết một lòng lấy lại nước cũ thì dù trăm phương nghìn kế càng không sao đặt lại nền đô hộ như xưa được.

Sử gia Pháp cho lịch sử là cuộc làm lại, thì việc làm lại của dân tộc Việt Nam là theo gương các anh hùng, liệt sĩ “làm lại” những cuộc khởi nghĩa nếu người Pháp còn nuôi cái tham vọng đặt nền thống trị ở xứ này.■

Tiên Đàm

Chú thích:

[1] Nhiều nguồn khác đều ghi là Khách sạn Hà Nội (Hanoi Hotel)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN