Một buổi chiều mưa gió, cụ Phan Bội Châu kể chuyện ông Nguyễn Hữu Tuệ

Phong trào dân tộc dân chủ giai đoạn 1925 – 1930 đã nổi lên những chí sĩ nổi tiếng như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Tăng Bạt Hổ, Cường Để… nhưng đâu đó trong lịch sử vẫn còn khuất lấp những con người mang tấm lòng yêu nước nồng nàn, nhưng vẫn chưa được ghi nhận xứng đáng. Nhân vật Nguyễn Hữu Tuệ là một trường hợp như vậy. Sinh ra ở Hải Phòng, không phải là một sĩ phu Nho học, và cũng không phải là người lãnh đạo một phong trào nhưng ông đã ghi dấu ấn trong lịch sử bằng những đóng góp hết sức thầm lặng mà lớn lao: là người nhiệt tâm yêu nước, tranh thủ làm công dưới tàu ông đã che chở, giúp đỡ các nhà cách mạng và sinh viên xuất ngoại. Công lao của ông đã từng được Phan Bội Châu nhắc đến trong cuốn Tự phánNgục trung thư. Bên cạnh hai tư liệu trên, Tạp chí Phương Đông xin giới thiệu thêm đến bạn đọc bài viết trên Báo Tự Do, Số 14 ngày 14/01/1939 kể lại câu chuyện làm cách mạng của cụ Phan Bội Châu và Nguyễn Hữu Tuệ, để cùng hiểu biết thêm về cuộc đấu tranh của cha ông ta trong lịch sử.

Những ngày mùa đông ở Huế, buồn lạ! Buồn hơn nữa là hình ảnh mờ bẩn thỉu của nếp nhà tranh núp nhờ bên dốc đường Bến Ngự, mà giữa mưa gió nặng nề, khách viễn phương không chú ý đến một người, chân đã chùn, gối đã mỏi, tóc đã bạc, răng đã long, và đã từng đứng đầu một phong trào cách mệnh to tát.

Người ấy là cụ Phan Bội Châu bị bỏ quên giữa cái “quê hương của quan lại”. Để cho cụ, giữa câu thơ, trong chén rượu, cất lên những tiếng thê thảm đau lòng “Đất của ai rồi đành ở gởi” mà theo lối thi sĩ Đông Hồ thì cũng chẳng qua:

“Thét lên một tiếng kêu vang

Rồi tan trong khoảng thời gian âm thầm”.

Cùng với sự âm thầm của cảnh vật pha lẫn ý tưởng buồn rầu, tôi dừng chân trước cửa nhà thi sĩ, đến trước tôi một cô gái còn kẹp tóc, đang ngơ ngác như chưa tìm được lối vào. Một ý nghĩ bỗng thoáng qua óc tôi với một dĩ vãng bồng bột đã xa lắm rồi: “Học sinh còn nhớ đến cụ Phan à! Họ còn đến đây để lĩnh hội ý tưởng cao thâm như trên 10 năm về trước, họ đã lùa nhau vào chật nhà để trầm ngâm lắng tai nghe cụ nói đến việc đời, việc nhà, việc nước”.

Chân dung cụ Phan Bội Châu. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I

Thời gian qua! Tình yêu nước có lẽ cũng dễ dàng “trôi qua” trong lòng lạnh lẽo của một dân tộc. Tình yêu Phan Sào Nam tiên sinh, tình yêu ấy cũng nguội lạnh đi rồi!

Để may mắn thay! Giữa ngày đông mưa lạnh, có một nữ học sinh đang kính cẩn đưa hai mắt rắn rỏi để tìm một lối bước vào nhà!

Chúng tôi vừa ngồi xuống thì cụ Phan lập tức nhắc đến tin cụ Huy Thông Nguyễn Hữu Tuệ vừa mới tạ thế ở Nam Định.

Trong thành Nam, người ta thường gọi cụ Nguyễn Hữu Tuệ là Lý Tuệ, vì có lúc, cụ đã làm Lý trưởng. Cụ Huy Thông là một nhân vật mật thiết quan trọng trong đời cách mệnh, trong việc Đông Du của cụ Phan.

Vì thế nên nghe cụ nhắc lại cái tin buồn rầu đau đớn ấy tôi liền nhờ cụ thuật lại mối tình thâm giao của cụ với anh chàng nấu bếp Huy Thông và ngày đầu tiên, các ông Phan Sào Nam, Phan Tây Hồ, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Điền, Cường Để khởi đầu đốt ngọn lửa cách mệnh cho xứ sở mà lịch sử Việt Nam sau này phải ghi bằng những chữ rất đậm.

Im lặng, mơ màng, hai mắt nhà chí sĩ long lanh, ẩn một nét thê thảm của dĩ vãng mà tuồng như cụ đang sắp lại cuốn phim xưa trong trí. Với giọng mỉa mai, oán hận, đau thương, cụ Phan Bội Châu nói:

“… Nhắc đến chuyện ấy à! Kẻ thác người còn, trong năm người, Tây Hồ, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Điền, Cường Để và tôi, may mắn nhứt là tôi, tôi còn sống sót trong cái quê hương này để thuật lại ngày ở Hải Phòng, một buổi chiều vô cùng lo lắng, cái “đêm sóng gió” trên tàu Ái Vu để gặp được người ái quốc tình cờ, nhà chí sĩ trong bóng tối là cụ Huy Thông. Chuyện ấy, tôi nhớ rõ ràng như ngày hôm qua; và cụ Huy Thông, tuy chết rồi, mà gương mặt cương quyết của anh nấu bếp lúc nào cũng thoang thoáng trước mặt tôi.”

Cụ Phan đưa tấm ảnh ông Lý Tuệ cho tôi xem, rồi nói tiếp sau khi đã kéo một hơi thuốc lào: “Lúc đó, tàu Ái Vu là tàu của người Pháp chở các người tiểu thương gia Trung Hoa, đi đi lại lại Hải Phòng, Hướng Cảng, Thượng Hải, Đông Kinh. Hành khách chỉ có người Tàu. Và bây giờ tôi cũng có thể nói, những người Việt Nam, hay nói cho đúng, những người Trung Hoa giả dạng xuống tàu Ái Vu là những người đang mê man trong đầu óc một chí hướng to tát, điên cuồng…”.

Ảnh chân dung cụ Nguyễn Hữu Tuệ. Nguồn: nghiencuulichsu.com

Năm anh em chúng tôi bước xuống tàu Ái Vu vào một buổi chiều nắng ráo, đầu mùa xuân. Chúng tôi ăn mặc theo lối Tàu cả, thành thử, trước bến Hải Phòng, nhộn nhịp trong tàu đầy hành khách, không còn ai để ý đến cái bọn đa mưu đa sự là bọn chúng tôi. Nghe tiếng nói tiếng cười của đồng bào đứng trên bến ngắm tàu sắp nhổ neo, nhìn mặt nước xanh đậm đầy cả ánh sáng dịu của mặt trời lặng, chúng tôi ai nấy đều cảm một sự buồn rầu triền miên mà khách ly hương phải bồi hồi, cảm động lúc tưởng đến thân này sắp lìa tổ quốc yêu dấu, sắp xa hẳn non sông mà chính mình, mình cũng chưa dám chắc cái định mệnh của nó sẽ ra thế nào… vì, chính chúng tôi, chúng tôi cũng phải đau xót đến sự thành bại, đến ngày mai của công việc mình.

Ngoài ông Tăng Bạt Hổ đã từng qua lại Trung Quốc, Nhật Bản, thì chúng tôi không còn ai nói được tiếng Tàu. Thành thử, muốn cho mấy lão chệt [1] đừng ngờ đến mình, chúng tôi im lặng, không hở môi; năm anh em hết ngắm trời bể mênh mông, lại ngồi lại một chòm đưa mắt nhìn nhau cười thầm và luôn luôn hồi hộp. Thời khắc đó dài phải đến ghê sợ.

Đã khuya, khuya lắm rồi. Trên tàu tiếng ngáy đều đều. Họ ngủ cả. Khi ấy chúng tôi mới thầm thì với nhau vài câu chuyện kín. Thì, thình lình đâu ở đằng sau, một người nhè nhẹ sấn bước đến. Người ấy còn trẻ nghĩa là dưới ba mươi tuổi, mặt gầy gầy, trán rộng, hai mắt lanh và tỏ ra người có khiếu thông minh. Nhưng người ấy lại choàng một cái áo đầu bếp màu xanh, dính cả mùi thịt xào và mùi mỡ rán.

Đứng một bên chúng tôi, người ấy vừa cười vừa nói khẽ bên tai tôi: Tôi chắc các ông không phải là người Tàu, là người tầm thường. Tôi đã để ý theo các ông từ khi lúc ông vừa bước chân xuống tàu. Các ông đi đây là đang đồ mưu một việc quan hệ.

Thấy một người lạ mặt đứng trước mặt mình hiến cho mình những tiếng như “lôi hẳn cả ruột non ruột già mình ra được” thì chúng tôi đã hết hồn vì chỉ sợ nhỡ ra mà anh chàng trở lại đóng tuồng “mặt người dạ chó” thì năm cái thằng vong quốc này chỉ còn nước trở vào lao!

Chúng tôi im lặng không đáp một tiếng. Ông khách lạ, như có ý bực tức, lại nói tiếp: Ấy, các ông đừng có nghĩ thằng Lý Tuệ không làm được việc chi à! Thế là chúng tôi, khách với chủ, quen với lạ, như đã hiểu được tâm sự nhau, nhất là lòng thành thật của nhau.

Ông Cường Để nhìn tôi có lẽ lo sợ nhiều. Ông Phan Châu Trinh thì cứ bấm vào đùi Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Điền ra dấu bằng mắt. Dù thế nào, cũng phải cẩn thận. Tôi liền nói với bác Lý Tuệ: Thôi được. Ông cứ để cho chúng tôi yên lòng. Đến Hương Cảng sẽ hay. Tỏ ý vui lòng, Lý Tuệ cáo từ và sau lúc ấy, chúng tôi không gặp nhau, và không cần gặp nhau nữa.

Mãi đến lúc tàu gần cập bến Hong Kong, Lý Tuệ đến nói nhỏ với chúng tôi: Tàu đến, các ông cứ ngồi yên. Để tôi lên lo liệu, sắp đặt nơi ăn ở trước. Thật thế, hành khách lên đã gần vãn, Lý Tuệ vội vã từ trên bến xuống cầu tàu, xáp gần và đưa cho chúng tôi vé phòng (ở Hương Cảng, mướn phòng ngủ, thì chủ khách sạn đã đưa trước cho người đi mướn một cái vé). Các ông cứ lên nghỉ tại khách sạn Thái An. Đến nửa đêm, tôi sẽ lên. Y lời hẹn, đúng nửa đêm, có tiếng gõ cửa và ông Huy Thông Nguyễn Hữu Tuệ bước vào. Bây giờ, tinh thần và nét mặt của ông ta có nhiều vẻ khác hẳn không còn cử chỉ của anh đầu bếp; chân bước mạnh, mắt sáng, cử chỉ nghiêm nghị, ông Lý Tuệ liền mở đầu câu chuyện và xin nhận lấy trách nhiệm, sau này, lo việc đưa anh em trong nước xuất dương.

Công việc nặng nề, nguy hiểm ấy, ông Huy Thông làm luôn được mười năm. Cụ Phan Châu Trinh, ra, về cũng nhờ tay ông và hàng nghìn tay ái quốc cách mệnh của chúng tôi, cũng do lòng hào hiệp và mưu kế khôn ngoan của ông mới trốn thoát một cách dễ dàng, mau chóng. Muốn khỏi bại lộ, tổ chức cơ quan ấy, ông Huy Thông đã mướn ngay gần bến tàu Hải Phòng một căn nhà, tự xuất tiền cho riêng một tên xe kéo năm chục bạc và dặn nó như thế này: “Hôm nào, nghe tàu gần nhổ neo, anh cứ chực xe trước nhà tôi, có người nhà ai xuống tàu, anh cứ kéo xuống.” Sắp đặt tiện lợi như thế, cho nên những người xuất dương sau chúng tôi, theo lời dặn, cứ việc tìm nhà ông Huy Thông, ở đó và chờ tàu. Có lúc, vợ ông thấy có nhiều khách lạ, Bắc, Trung, Nam liên tiếp, hỏi ông, thì ông nói: “Tôi có nhiều bạn, mình đừng phiền.” Cảnh nhà của ông thì túng quẫn, vì lương tiền của anh đầu bếp có là bao.

Thế mà, có một hôm, muốn giúp cho ông ít nhiều để đỡ chi phí, thì ông lại thét lớn: “À, các ông lại nghĩ thằng Lý Tuệ là thằng hư à?”.

Cái khí tiết và lòng nhẫn nại hiếm có của vị anh hùng trong bóng tối, mười năm sau, chúng ta phải cúi đầu cảm phục. Mười năm sau, vì một người xuất dương phản phúc mà việc làm của ông Huy Thông bị tiết lộ. Ông bị tống ngục, bị tra tấn, bị bao nhiêu thứ nhục hình. Nhà chức trách đương thời đã dùng đủ cách để ép ông khai, ông điểm chỉ. Nhưng ông vẫn một lòng, thà chịu chết, chớ không chịu cái nhục “một mặt hai lòng”.

Rốt cuộc, quan toàn quyền Albert Sarraut, đối diện với ông đã dụ ông như thế này: “Anh chỉ tin cho chánh phủ biết trước để bắt Cường Để, Phan Bội Châu, và vài người quan hệ trong công việc tổ chức cách mệnh của Phan Bội Châu, thì chánh phủ sẽ thưởng cho anh ba ngàn đồng và bổ ngay cho anh chức tri huyện.” Trước mồi danh lợi, lão đầu bếp vẫn dửng dưng, và từ nan chức Huyện hứa hẹn, anh phú hộ, được thăng thưởng, ông Huy Thông vui lòng, sung sướng lãnh cái án bảy năm đi đày.

Đi đày! Đi đày để cho đồng chí làm việc. Đi đày để cho tổ quốc có ngày được hùng dũng vẻ vang.

Than ôi! Nay cụ Huy Thông đã là người thiên cổ. Giữa lúc ông ta chết ở Nam Định, cụ Phan Bội Châu đang kéo dài những ngày khốn cùng trong kinh thành Huế. Biết gia đình cụ Huy Thông nghèo kiết, cụ Phan vơ vét sạch, gửi ra mười lăm đồng, mua đỡ một cái áo quan, và giúp qua loa việc an táng. Cụ lại vừa viết xong câu đối nôm, đưa cho tôi xem và định gửi ra cho con gái cụ Huy Thông để khắc vào bia.

“Sống với Giang sơn, chết với Giang sơn, trong đám than tro vàng mới quý;

Buồn vì chủng tộc, vui vì chủng tộc, trước hồn thần thánh phách càng linh”.

Câu chuyện đến đây thì ngừng, vì trời tối đã lâu rồi. Tôi không muốn làm bận cụ Phan trong buổi cơm chiều. Tôi cáo cụ ra về.

Trời vẫn đổ mưa và gió vẫn lạnh. Cảnh vật buồn rầu, khí trời lạnh lẽo giữa mùa đông lại làm cho tôi thêm nặng lòng và âm thầm buồn bực trên đường về.■

Kỉ niệm mùa đông

   Đoàn Văn Phong

(Theo Tạp chí Phương Đông)

Chú thích:

[1] Chệt: Từ mang nghĩa tiêu cực, chỉ người Hoa.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN